Cẩm Thành Mùa Hoa

Chương 33: Không về




Lâu ngày làm bạn, đám sếu ở hồ Bông Lau đã không còn sợ Lưu Hoằng nữa. Từ hồi nhà không còn thiếu thức ăn Lưu Hoằng cũng rất ít khi đi săn chúng nó. Những sinh vật bay lượn trên không trung có dáng vẻ duyên dáng, phát ra âm thanh vang vọng, vô tư tự tại như những đám mây trắng trên bầu trời. Xuồng của Lưu Hoằng bơi qua khỏi bụi lau, nó kéo lưới đánh cá lên, bọt nước tung tóe, mấy con cá bật nhảy dưới ánh nắng mai, vảy cá long lanh như những viên đá quý.

Lưu Hoằng mười lăm tuổi gánh giỏ trúc nặng trĩu về nhà, trong giỏ trúc đầy ắp cá tươi.

Buổi trưa, một cỗ xe bò từ Hồ hương đi đến Trúc lý, người đánh xe mặt đầy lo lắng. Lưu Hoằng đang ướp cá trong sân, thấy xe bò hắn còn tưởng là Vũ Đình Trường tới.

“A Ngôn!”

Ai trông như một lão bộc nhảy xuống khỏi xe bò, lảo đảo lê bước chạy vào nhà Lưu Hoằng. 

Lưu Hoằng nhận ra ông là người làm nhà bà cô ở Hồ hương, ông thường hay gửi gạo tới Trúc lý, thường gọi lão Ngụy.

“Ông Ngụy, nhà bà cháu có chuyện gì xảy ra sao?”

Lưu Hoằng tiến lên hỏi.

Lúc này mẹ Lưu cũng từ trong nhà đi ra, sốt ruột hỏi lão bộc có chuyện gì.

Lão Ngụy lấy hơi rồi mới nói ra chuyện quan trọng. Hóa ra đêm qua nhà bà cô bị một toán cướp xông vào, chúng nó đến khoắng sạch.

“Cháu đi với ông.”

Lưu Hoằng không nói nhiều, xách đao theo, lưng mang cung tên rồi dắt ngựa chuẩn bị đến Hồ hương.

“Khuyển Tử, phải cẩn thận đấy.”

Mẹ Lưu âu lo, đứng trong sân dõi mắt nhìn Lưu Hoằng cưỡi ngựa phi qua cầu gỗ, chạy lên con đường mòn ra khỏi Trúc lý.

Lão Ngụy và xe bò của ông chầm chậm tụt phía sau, Lưu Hoằng một mình cưỡi ngựa đã đi xa từ lâu.

Quảng Hư Phủ| Tieutieudaodao.wordpress.com

Đến nhà bà cô ở Hồ hương đã thấy trong sân ồn ào, có một du chước của Hồ hương đang ở đó, ngoài ra dân làng cũng xúm xít đông nghịt. Lưu Hoằng xuống ngựa, người hầu tới dắt ngựa, còn hắn bước vào nhà chính. Bà cô đang ở đây, những người khác trong nhà họ Lý cũng tề tựu đủ cả, trông đều chưa hoàn hồn. Nhất là cháu đích tôn Lý Trung của bà cô còn mặt mũi sưng vù, quần áo bẩn thỉu đang kể lể về chuyện nguy hiểm đêm qua.

“A Hoằng cháu đến rồi, mau đến bên bà.”

Bà cô nhìn thấy Lưu Hoằng thì vội gọi hắn qua.

Lưu Hoằng ngồi xuống cạnh bà cô, thì thầm hỏi bà chuyện đêm qua mới biết được qua có mấy tên trộm cướp phá cửa xông vào, vô cùng phách lối khiến của cải trong nhà hư hỏng mất mát không ít, đến người cũng bị đánh đập.

Du chước ở Hồ hương triệu tập mấy thanh niên trai tráng, rõ ràng là muốn đi bắt bọn cướp. Lưu Hoằng đuổi theo hỏi ông ta: “Du chước biết do kẻ nào làm sao?”. Du chước nhìn quần áo của hắn, lại còn là một thiếu niên nên hỏi ngược lại: “Cậu chính là Lưu Khuyển Tử đấy à?” Lưu Hoằng gật đầu đáp lại.

Một nhóm người xuất phát, trừ mấy võ biền vác đao vác cung ra thì đều là nông dân, vũ khí cũng chỉ là mấy dụng cụ làm nông.

Đêm qua tối lửa tắt đèn, lũ cướp cũng đều bịt mặt nên chẳng nhận ra ai với ai, chỉ là du chước dẫn mọi người đi vào rừng lùng sục mà thôi. Trong rừng có phát hiện một đống lửa đã tàn, một bầu rượu rỗng và dấu chân khắp nơi, có thể thấy là lũ cướp kia đêm qua đã nghỉ chân ở đây, nhưng không biết lũ đó đã cướp tiền đi đâu.

Nhà họ Lý là nhà giàu ở Hồ hương người người đều biết, trong đám cướp này chắc chắn có kẻ biết rõ Hồ hương, chỉ sợ quá nửa là người địa phương.

Cuộc lùng bắt không có kết quả, mọi người đành phải quay về.

Lưu Hoằng cưỡi ngựa về Trúc lý, về đến nhà thì kể lại hết sự tình nhà bà cô bị cướp cho mẹ nghe. Mẹ Lưu thở dài: “Bây giờ càng ngày càng loạn rồi.”

Mấy chuyện vào nhà cướp của có nghe nói Lưu Hoằng đi theo Đoàn du chước cũng bắt được mấy kẻ trộm cướp, nhưng không ngờ giờ đến chính họ hàng của bà cũng bị cướp sạch.

Quảng Hư Phủ| Tieutieudaodao.wordpress.com

Căn nhà cũ của Lưu Hoằng đã tu sửa nhiều lần, cố lắm cũng có thể ở được, nhìn một cái chính là nhà nghèo khó, trộm cướp sẽ không có hứng thú với những nhà như vậy, còn chẳng buồn liếc mắt. Nhưng nhà họ Trang bên kia bờ thì khác hẳn, người trong Trúc lý có ai không biết nhà họ Trang khá giả.

Nếu có cướp xông vào nhà họ Trang, dám to gan tổn hại đến một sợi tóc của cậu hai thôi Lưu Hoằng cũng tuyệt đối không nương tay. Nghĩ thế Lưu Hoằng lại đến nhà họ Trang, giúp nhà họ kiểm tra cửa nẻo.

Chuyện ở Hồ hương có nhà bị cướp đã lan đến tận Trúc lý. Trang Dương thấy Lưu Hoằng đang kiểm tra cửa nhà mình cũng hiểu hắn định làm gì.

A Dịch cười trêu: “A Hoằng à, tôi trông cậu hay là dọn đến nhà chúng tôi ngủ mấy ngày đi, nghe đến tên của cậu có tên cướp nào dám đến.”

“A Hoằng huynh có thể ngủ ở phòng huynh trưởng nhé.”

Trang Lan đang ngồi xổm một bên chơi đùa với Bánh Trứng, cô nàng thấy đây là một cách hay.

“Phòng của cậu ba để không sao lại phải ngủ ở phòng cậu hai.”

A Hà trộm cười hỏi ra câu này.

“A Bình không thích người khác vào phòng huynh ấy mà.”

Tuy Trang Lan thông minh nhưng vẫn không hiểu hàm ý trong lời nói của A Hà tỷ tỷ.

Lưu Hoằng khép cửa về lại chỗ cũ, hắn đứng dậy vỗ vỗ tay, nói với Trang Dương: “Cửa chắc lắm.” Trang Dương đáp lại: “Đừng lo, nghĩ bọn chúng đang bị truy bắt hẳn sẽ không dám làm chuyện tái phạm đâu.”

Quảng Hư Phủ| Tieutieudaodao.wordpress.com

Lưu Hoằng nhìn Trang Dương lại nghĩ đến Lý Trung bị thương, hắn vội lắc đầu xua nỗi bất an này đi. Nên chuyện Trang Lan nói cái gì mà ngủ ở phòng cậu hai Lưu Hoằng cũng không nghe thấy.

Cuộc sống ở Trúc lý vẫn thế, mọi người không thấy tung tích lũ trộm cướp, cùng lắm cũng chỉ có nhà ai mất con gà con vịt thì cũng cho là bị thú rừng tha đi, vì trong rừng trúc có nhiều rắn lắm chồn, coi như là xui xẻo.

Sống yên bình nhiều năm, người dân ở Trúc lý không muốn quan tâm đến mấy chuyện bên ngoài, hầu hết là cảm thấy không liên quan gì đến mình.

Cho đến một ngày, mọi người phát hiện ra dấu vết có kẻ sống trong căn nhà hoang dột nát có cây dâu già kia —— trên nền nhà đầy lông gà lông vịt, còn có nồi xoong bát đũa nấu ăn. Đằng kia còn có đống cỏ và cái gối. Nơi này thường có rắn rết nên ít người qua đây, vì thế người trốn ở đây đúng là chuyện rất dễ.

Đại Xuân dẫn mọi người ở phía Nam đi lục soát rừng cây sau căn nhà hoang thì tóm được một kẻ lang thang bần khổ, áp giải về dưới gốc cây dâu già.



Thôn dân chỉ trỏ, nói rằng nhà mình mất gà mất vịt, hận không thể xông lên đạp cho cái. Đây là một tên hay lén trộm gia cầm, mọi người áp giải đến hương sắc phu(1) nghe xét xử, nhưng cũng chỉ đuổi ra khỏi thôn. Dạo này có không ít kẻ như vậy, quản không nổi.

Dân làng mắng chửi, xắn tay áo đánh kẻ lang thang đấy một trận, đánh tên đó ngã nhào ra đất, cả người bám đầy đất cát. Gã lang thang râu tóc bết lại, nhìn không ra tuổi tác, người gầy đét, tiếng khóc rền rĩ.

“Đừng đánh.”

Nghe thấy can ngăn, mọi người xôn xao ngẩng đầu, lại thấy cậu hai nhà họ Trang đang đứng bên kẻ lang thang.

“Cậu hai, nó trộm gà nhà tôi đấy.”

“Cậu hai, cậu đừng bao che cho nó.”

Thấy dân làng giận dữ bất bình, Lưu Hoằng im lặng chắn trước người Trang Dương. Hắn không tham gia truy bắt với đám Đại Xuân, không mang theo vũ khí nên cứ đứng tay không như thế. Mọi người vẫn phải nể hắn mấy phần.

“Lỡ đánh chết chắc chắn huyện úy sẽ đến bắt người.”

Giọng Trang Dương điềm đạm, anh nhìn kẻ lang thang kia ôm đầu quỳ dưới đất. Kẻ này quần áo không đủ che thân, bị mọi người đánh máu me đầy mặt, nhìn đến là thê thảm.

“Thả hắn đi.”

Nhiều một chuyện chi bằng bớt một chuyện, bị đánh như thế hẳn gã cũng không dám bén mảng đến Trúc lý nữa. Nếu nhất thời tức giận đánh chết gã thì những người làng người xóm này chắc chắn sẽ phải chịu khổ lao dịch.

Mọi người nghe cậu hai nói có lý nên đuổi gã lang thang đi, gã hoảng sợ chạy biến.

“Trúc lý nhiều nhà hoang vậy hay là phá hết đi, tránh sau này thành nơi cư ngụ cho lũ trộm cướp.”

Đại Xuân giơ cuốc gào lên, mọi người đều đồng ý. Chỉ chốc lát sau ngôi nhà phía sau gốc dâu già kia nhẹ như không biến thành bãi đất ngói.



Mọi người nhiệt huyết không thôi, vác cuốc vác xẻng đến các khu nhà hoang dẹp sạch, phỏng chừng bao nhiêu rắn bọ trú ở tường hoang phải phơi thây dưới cuốc xẻng. Đúng là cháy thành họa đến cá ao(2).

Bụi đất bay đầy, mái ngói đổ sụp. Trang Dương không quay đầu lại, yên lặng đi trên đường mòn. Lưu Hoằng đi bên cạnh anh. Trang Dương không nói một lời nhưng Lưu Hoằng có thể thấy được ưu thương trong mắt anh.

“Cậu hai.”

“Ừ?”

“Tôi sẽ bảo vệ cậu hai, còn cả nhà họ Trang nữa.”

Đây là trách nhiệm của hắn, hắn sẽ dùng đao cung cậu hai tặng để bảo vệ anh và người nhà của anh.

“A Hoằng, cậu đã đến thành Cẩm Quan bao giờ chưa?”

Khóe miệng Trang Dương vẫn vương nét cười, nhưng đó là một nụ cười u buồn.

“Chưa đến.”

“Trúc lý giống như chỗ nước cạn không giữ nổi cậu, sớm muộn gì cậu sẽ phải đi ra bên ngoài.”

“Cậu hai, vậy còn cậu?”

Lưu Hoằng cảm thấy trong Trúc lý cậu hai vẫn luôn lẻ loi một mình, không có ai có thể đàm luận thi từ, âm luật với anh. Khắp Trúc lý chỉ toàn nông dân thô lỗ, bao gồm cả hắn.

Trang Dương nhìn Lưu Hoằng, anh vươn tay lên chạm vào gương mặt của hắn. Lưu Hoằng trợn tròn hai mắt, vẻ mặt kinh ngạc. Trang Dương dùng ngón cái lau gò má Lưu Hoằng, khẽ nói: “Là nước dâu.”

Lưu Hoằng cúi đầu, đỏ mặt.

Vào hè thời tiết oi bức, mọi người cũng không đóng cửa mà để đón gió. Phong hương xảy ra mấy chuyện trộm cắp, lão Đoàn vì đuổi trộm bắt cướp mà bôn tẩu mệt mỏi, hết lần này đến lần khác gọi Lưu Hoằng đến giúp đỡ.

Trang Dương thường hay đến La hương, lần này là do A Dịch đánh xe. Hai người đã lên đường từ sớm, đến ban đêm vẫn chưa thấy về.

Mẹ Trang vô cùng lo lắng, gọi ông Dịch đến bàn bạc. Ông Dịch mới xuống giường bệnh được con dâu đỡ ra nhà họ Trang, thấy mẹ Trang hoảng hốt lo sợ.

“Dương Nhi nói đến đầu chiều sẽ về, vậy mà giờ đã đêm rồi, con trai tôi có phải đã gặp cướp rồi không.”

“Bà đừng hoảng, trước mượn xe nhà cậu Trương đến La hương hỏi thăm đã, có lẽ là xe bị hỏng dọc đường thôi.

Đường đến La hương không dễ đi, A Dịch lái xe còn kém.

Được ông Dịch trấn an, lúc này mẹ Trang mới ngừng khóc mà đến nhà họ Trương mượn xe.

Cậu cả Trang với ông chủ Trương đã đi ra ngoài buôn bán, hai nhà cũng không có người đáng tin cậy, toàn đàn bà trẻ nhỏ không có chủ kiến.

“Bác gái, để con theo xe đi tìm huynh trưởng, bác đừng lo lắng.”

Trương Ly nhảy lên xe ngựa, ngồi trên xe nói lời từ biệt với bác Trang và mẹ mình. Trương Ly học kém, cũng không theo cha ra ngoài kinh thương, hàng ngày nó chỉ ở nhà không có việc gì làm, coi như là một người không có gì nổi bật.

“A Ly, ta đi nữa.”

Trang Lan mang theo đao cũng muốn leo lên xe ngựa, lập tức bị đám người hầu ngăn lại.

“Lan Nhi, giờ là lúc nào mà con còn ham vui, mau xuống đây.”

Mẹ Trang trách mắng, bà đang lo đến nóng ruột.

“Mẹ, con cũng đi tìm huynh trưởng, con không chơi mà.”

Trang Lan ấm ức đến ứa lệ, từ xưa đến giờ cô nàng thân với Trang Dương nhất.

“Đến đỡ mẹ con đi, ngoan ngoãn ở nhà chờ huynh trưởng.”

Mẹ Trương lôi Trang Lan đến bên mẹ Trang. Bà nhìn con trai trên xe ngựa, vừa cảm thấy vui vẻ yên tâm bởi nó có thể san sẻ vì người lớn lại lo lắng nó xảy ra chuyện, tâm tình hết sức phức tạp.

“Đi thôi, không nên trễ nải việc đường nữa.”

Trương Ly thúc giục phu xe, theo sau xe ngựa có bốn năm người hầu, một đoàn rầm rập đi đến trấn La.

Trang Lan theo mẹ Trang về nhà. Mẹ Trang mặt mày trắng bệch, một tay che ngực, khiến Trang Lan sợ phát khóc. Chị dâu Lâm Tường nhẹ nhàng vuốt lưng cho mẹ Trang, ôn tồn trấn an. Đợi mẹ Trang thả lỏng rồi Lâm Tường mới hỏi Trang Lan: “Hôm nay A Hoằng nhà họ Lưu không có nhà à?” Trang Lan được chỉ điểm, nín khóc cười nói: “Tẩu tử, vậy em đi tìm huynh ấy!”

Trang Lan mở cửa chạy đến bên kia sông, ánh trăng chiếu tỏ bóng người thoăn thoắt của cô nàng, lục lạc bên hông kêu tinh tang. Trang Lan đến nhà họ Lưu, cô nàng dùng sức gõ cửa, lớn tiếng gọi: “A Hoằng huynh về chưa?”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.