Cẩm Thành Mùa Hoa

Chương 20: Lưu Hoằng




Trên mặt hồ dập dìu vài phiến lá sen, có to có nhỏ, nhìn trông cũng thú vị. Sáng sớm Trang Dương tản bộ bên bờ ao, anh ngồi xuống một phiến đá xanh bên cạnh, nhìn hồ nước trong suốt thấy đáy, hai chú tôm sông bơi lội tung tăng. Làn gió sớm mai thật dễ chịu, thổi bay sợi tóc và trường bào của Trang Dương, lại khẽ vuốt ve gương mặt đoan chính của anh.

Sân sau vốn có hai chú gà trống hàng ngày thi nhau gáy vang nhưng nay một con đã bị làm thịt. Còn một con vẫn như thường ngày khi trời mới tinh mơ đã ngưỡng cao cổ lên gáy gọi bình minh, cần cù thành khẩn, chẳng sợ gì hết, đúng chuẩn một con gà điển hình. Hôm nay Trang Dương lại tỉnh giấc từ sớm, ngồi bên cạnh hồ sen như có điều suy tư.

Lúc Khuyển Tử tìm đến, Trang Dương vừa hay đứng dậy định lên lầu trở về phòng. Anh nghe thấy Khuyển Tử chào hỏi với A Dịch.

“Khuyển Tử, mới sáng sớm đã sang đây thế, có chuyện gì không?”

“A Dịch, cậu hai có ở đây không?”

“Có đó, ở ngay sau lùm cây sơn trà đấy.”

Trang Dương đi ra từ sau cây sơn trà. Anh không thấy ngạc nhiên khi Khuyển Tử đến tìm anh, chẳng qua là đến sớm quá.

Hôm qua anh có hỏi Khuyển Tử có tên thật không, Khuyển Tử nói khi nó chào đời thì cha có đặt một cái tên cho nó, viết trên một tấm lụa trắng, gọi là “Hồng”(红), nhưng nó không biết chữ nên không biết là chữ viết như thế nào.

Khuyển Tử đến bên bụi hoa sơn trà, qua đám hồng thắm xanh biếc nhìn thấy Trang Dương một thân áo bào trắng, nó hơi ngây người.

“Khuyển Tử, ở đây.”

Trang Dương khẽ mỉm cười, dẫn Khuyển Tử đến bên bờ ao. Hoa sơn trà tươi tốt tựa như một tấm bình phong, ngăn cách hai người với đám người làm trong sân.

Khuyển Tử đã đến sân nhà họ Trang mấy lần, nhưng đây vẫn là lần đầu nó đến bên ao. Nó cũng chẳng hay rằng sau khóm hoa sơn trà lại chính là một ao nước thanh tịnh và mỹ lệ.

Tấm lụa trắng nắm trong tay đã lâu, có mang theo hơi ấm của con người, Khuyển Tử đưa nó cho Trang Dương, đặt vào lòng bàn tay anh. Trang Dương nhận lấy mở mảnh lụa ra, nhìn trên đó có viết một chữ “Hoằng”, nét chữ mạnh mẽ và cứng cáp.

“Cậu có tên là Lưu Hoằng, “Hoằng” (弘) có nghĩa là quảng đại, khoan hồng, đây là một cái tên rất hay.”

Trang Dương nhặt lấy một cái cành cây nhỏ, viết lên đất một chữ “Hoằng” thật to cho Khuyển Tử xem.

Khuyển Tử yên lặng lắng nghe, nhìn chữ viết trên mặt đất, chữ này cũng không phức tạp lắm, nhưng Khuyển Tử vẫn không hiểu, vì vốn dĩ nó đâu có biết chữ.

“Cha cậu gửi gắm kỳ vọng cho cậu, mong sau này khi cậu trưởng thành sẽ là một người có chí lớn.”

Cái tên này không giống như những người dân bình thường sẽ đặt. Những hộ dân bình thường thường hay đặt những cái tên có chữ như Thọ, Diên Niên, Vạn Niên, Thiên Thu, Phúc Lộc… Không biết rốt cuộc cha của Khuyển Tử có lai lịch như thế nào.

Lưu Hoằng, Khuyển Tử thầm nhẩm cái tên này trong lòng. Nó nghĩ, hóa ra là một cái tên như vậy. Người cha mà nó chưa bao giờ thấy mặt kia, không ngờ đối với tương lai của nó lại ký thác sự kỳ vọng như vậy.

Từ nay về sau tôi sẽ gọi cậu là A Hoằng nhé.”

Khuyển Tử vốn luôn cúi đầu im lặng nghe thấy Trang Dương nói như vậy, nó ngẩng phắt đầu lên, đôi mày kiếm của nó giãn ra khóe miệng khẽ nhếch, khẽ khàng đáp một tiếng khó mà nghe thấy được: “Ừm.”

Trang Dương mỉm cười, anh trả lại mảnh lụa trắng cho Khuyển Tử.

“Cảm ơn cậu hai.”

“Không có gì, tôi vẫn nên cảm ơn cậu đã tặng chậu hoa diên vĩ cho tôi. Chỉ là sau này đừng nên leo trèo vách núi nữa. Nếu chẳng may có gì bất trắc thì phải chịu thế nào với sự giao phó của mẹ cậu.”

Trang Dương đã biết khóm hoa mà Khuyển Tử tặng anh là được nó hái từ trên một vách núi trong rừng. Hôm qua Trang Lan thấy chậu hoa đó mà giật mình, con bé mới kể ra chuyện hôm nọ Khuyển Tử chưa hái hoa được cho Trang Dương nghe. Rõ ràng Khuyển Tử đã tự mình đi vào lần nữa, cũng liều lĩnh mà không màng nguy hiểm đi hái khóm hoa.

Khuyển Tử gật đầu một cái, có chút ngượng ngùng. Xem ra chuyện leo lên vách núi hái hoa đã bị Trang Dương phát hiện. Kỳ thực, Khuyển Tử dám đi hái cũng là trong lòng nó đã chắc chắn sẽ an toàn, nó với mẹ nương tựa nhau mà sống nên càng quý trọng sinh mạng của mình hơn.

“Cậu hai, tôi phải về đây.”

“Đi nhé, A Hoằng.”

Trang Dương cười nói, anh nhìn ra được dù Khuyển Tử không nói nhiều lời, cũng chẳng có biểu cảm gì nhưng lại đối với mình rất gần gũi. Nó là con trai độc đinh, trong nhà không có anh chị em nào cả, rất cô độc. Từ nay về sau nên chăm sóc nó nhiều hơn.

“Ừm.”

Khuyển Tử hiếm khi biểu lộ vui vẻ.

Nhìn theo bóng dáng Khuyển Tử rời đi, Trang Dương nghĩ nên nhắc nhở tụi A Lan đổi cách xưng hô gọi là A Hoằng. Cái tên sẽ theo cả đời, Lưu Khuyển Tử với Lưu Hoằng đúng là khác nhau một trời một vực.

Khuyển Tử về tới nhà, đưa tấm lụa trắng giao cho mẹ Lưu, rồi thuật lại những lời Trang Dương nói cho bà nghe, mẹ Lưu vô cùng cảm khái. Năm đó cha Lưu ra đi vội vã, cũng không kịp nói cho bà biết đặt cái tên này có ý nghĩa gì, không ngờ lại là một cái tên có ý nghĩa to lớn như vậy. Mẹ Lưu cất lại tấm lụa cẩn thận, cha Lưu không có để lại thứ gì cho hai mẹ con nó, cũng chỉ có một món đồ nhỏ nhoi như vậy.

“Cậu hai đúng là người tốt. Con ngoan, sau này con lớn lên, phải nhớ báo đáp cậu ấy hết mình.”

Mẹ Lưu dệt vải từ sáng đến đêm, thế nên việc chăm sóc Khuyển Tử bà cũng chỉ có thể nấu một ngày hai bữa cơm. Đến việc Khuyển Tử bị thương ở chân cũng là cậu hai nhà họ Trang phát hiện ra trước, cũng đưa thuốc bột cho Khuyển Tử. Mẹ Lưu cũng là bất ngờ bắt gặp Khuyển Tử đang rắc thuốc lên vết thương mới biết được rằng con mình bị đau.

Khuyển Tử gật đầu một cái, đợi nó sau khi lớn lên, chắc chắn nó sẽ báo đáp lại Trang Dương thật tốt.

Mẹ Lưu nói qua chuyện này xong lại vùi đầu dệt vải, bà đã dệt sắp xong tấm vải này. Người khác có khi phải dệt hai tháng may ra mới xong, bà chỉ dệt một tháng rưỡi là có thể hoàn thành. Không phải là tay chân nhanh nhẹn, mà là so với người khác bà chăm chỉ cần cù hơn, dậy sớm thức khuya.

“Mẹ à, sau khi bán vải con muốn mua hai con thỏ, với cả mua sợi đay nữa.”

Khuyển Tử nói với mẹ về ý tưởng của mình. Bây giờ dệt vải là nguồn thu nhập lớn nhất trong nhà, nhưng Khuyển Tử không đành lòng để mẹ vất vả cả ngày như vậy, nghĩ mình cũng nên làm nhiều một chút, hỗ trợ chi tiêu trong nhà.

“Thỏ ăn cỏ, mà khắp núi đều là cỏ rồi, không lo không có cái ăn cho nó. Nuôi bốn năm tháng thôi là có thể sinh thỏ con.”

Khuyển Tử rất thông minh, nó biết nghĩ làm sao để cải thiện sinh hoạt.

“Được, sẽ mua thỏ. Thế con mua sợi đay để làm gì?”

Mẹ Lưu biết con trai mình chịu khó, trong nhà nuôi thêm hai con thỏ nữa thì thằng bé cũng có thể chăm sóc được.

Quảng Hư Phủ| Tieutieudaodao.wordpress.com

“Mẹ à, con định dệt lưới. Ở hồ Bông Lau cá vừa nhiều vừa lớn, con thấy tiệm nhà họ Ngô có người bán cá khô. Con muốn làm lưới bắt cá, không ăn hết thì mang đi phơi thành cá khô rồi đi bán lấy tiền.”

“Được, mai chúng ta sẽ đến tiệm nhà họ Ngô.”

Tiệm nhà họ Ngô cũng chỉ là một cách gọi trong khu vực. Nó ở giữa Phong lý và Trúc lý, là một nơi buôn bán, mọi người đến mua sắm, trao đổi hàng hóa.

Ngày hôm sau, hai mẹ con mang vải đi đến tiệm nhà họ Ngô.

Tiền bán vải bình thường sẽ dùng để đi mua lương thực, lại lấy chút tiền thừa mua thức ăn ra mua hai con thỏ con và một bao sợi đay.

Trên đường trở về, Khuyển Tử vác bao lương thực trên lưng. Mẹ Lưu thì dùng một cái giỏ trúc nhỏ có đựng hai con thỏ con, một tay xách giỏ, một tay kia thì xách bao sợi đay. Nhà họ không có xe bò cũng chẳng có xe kéo, chỉ có đôi chân mà thôi. Dọc đường, hai mẹ con thay nhau cõng lương thực. Mẹ góa con thơ, sống trong khổ cực, là người khác thì khó có thể chịu được. Mẹ Lưu người gầy rộc, cả ngày dệt vải, eo hông bà yếu, vác lương thực đi không được xa là phải dừng lại ven đường nghỉ ngơi.

“Mẹ ơi để con vác cho.”

Khuyển Tử ngồi xổm xuống, nâng túi gạo lên, sức nó không khỏe như người trưởng thành, vác đồ trên lưng cũng rất khó khăn.

Quảng Hư Phủ| Tieutieudaodao.wordpress.com

“Con à, nếu mệt thì nghỉ chút đã, không cần gấp vậy đâu.”

Mẹ Lưu mặc dù thương xót Khuyển Tử nhưng cũng chẳng thể làm gì.

Chậm chạp trở về Trúc lý, Khuyển Tử vác bao lương thực trên lưng mà cả người mồ hôi đầm đìa như là ngâm trong nước. Khuyển Tử nghĩ nếu có một cái xe kéo thì tốt biết bao.

Đến cửa nhà, Khuyển Tử dựa vào khung cửa nghỉ ngơi, bên người nó là một bao gạo và hai con thỏ.

Đó là hai con thỏ con lông trắng, dáng vẻ đáng yêu. Lông trắng như tuyết, đôi mắt đỏ hồng, nhìn hai con giống nhau như đúc, nhưng thật ra là một con đực một con cái. Sau này có thể sinh sản, nuôi hai con rồi thu được một đàn, con cháu đời đời đến mãi về sau.

Người bán thỏ cho một cái lồng trúc nhỏ, hai con thỏ chỉ có thể ở tạm. Khuyển Tử sẽ đi làm một cái lồng thỏ lớn, làm thành một ngôi nhà cho chúng nó về sau.

Sau khi về nhà, mẹ Lưu nhanh chóng đi nấu cơm, sợ Khuyển Tử đói bụng, bà bận rộn một hồi trong bếp. Khuyển Tử lấy một cái giỏ bắt cá rồi đặt hai con thỏ vào, như vậy tụi nó sẽ có phạm vi hoạt động rộng rãi hơn chút, mà cũng có chỗ đặt cỏ. Sau đó Khuyển Tử xách rổ đến bờ sông hái cỏ cho thỏ. Ở Phong lý Khuyển Tử chưa bao giờ nuôi thỏ,  có điều cũng đã từng nhìn thấy người ta nuôi thế nào, nó biết thỏ có thể ăn loại cỏ nào.

Nhà không có liềm, Khuyển Tử dùng con dao nhỏ. Nó ra bờ sông đào cây tề thái(1), mã đề(2), cỏ mần trầu(3) và cỏ mã đường(4). Khuyển Tử chỉ cắt mấy loại cỏ dại mà nó biết, nó cũng biết một vài loại cỏ có độc. Hai con thỏ là tài sản quan trọng trong nhà, nên không thể vì qua loa bất cần mà bị ngộ độc chết được.

Quảng Hư Phủ| Tieutieudaodao.wordpress.com

Rất nhanh đã hái được đầy một rổ, rồi lại mang đổ vào cái giỏ trúc, chất đầy nửa cái giỏ. Hai con thỏ đối mặt với một núi thức ăn tràn trề, chúng nó ra sức mà ăn. Tuy không thể nói, nhưng cũng cảm thấy chúng nó rất vui vẻ.

Trong nhà không còn nhiều trúc đã sơ chế. Ngày mai lại đi vào rừng trúc phạt cây tiếp, sau đó sẽ làm cho hai con thỏ một cái lồng, đặt bên dưới cạnh đống củi, có thể che mưa chắn gió.

“Khuyển Tử, đến giờ ăn thôi.”

Mẹ Lưu rũ váy, đứng ngoài căn bếp gọi to.

Khuyển Tử lấy một cái rổ đậy lồng trúc lại, phòng ngừa thỏ con chạy mất. Xong rồi mới đi đến phòng bếp.

Mẹ Lưu nấu cháo đậu, trông sánh hơn thường ngày. Hôm nay Khuyển Tử làm việc mệt nhọc nên cần ăn nhiều hơn chút để bổ sung thể lực. Khuyển Tử múc một bát đầy, xì xụp húp hết một bát. Dạo này trong nhà có lương thực, không phải chịu đói nữa, mỗi ngày đều ăn đậu gạo rau cá, coi như là phong phú. Còn như thịt lợn gà vịt, mấy thứ đó đều là nhà giàu mới có mà ăn. Khuyển Tử cũng mong có ngày trong nhà cũng có thể ăn không thiếu thốn, hơn nữa còn có nhiều tiền. Như nhà bà cô vậy, có thật nhiều ruộng, thật nhiều gia cầm.

Ban đêm, mẹ Lưu dệt vải ở nhà ngoài, Khuyển Tử ngồi một bên bện sợi đay đan lưới đánh cá.

Quảng Hư Phủ| Tieutieudaodao.wordpress.com

Khuyển Tử mới chỉ nhìn chú Vương què đan lưới chứ nó cũng chưa từng tự làm bao giờ. Khuyển Tử xoay sở một hồi, mới tìm ra cách thức.

Mẹ Lưu đi qua nhìn xem, thấy lưới đánh cá mà Khuyển Tử đan ngoài mắt lưới to nhỏ không đều ra thì cũng ra hình ra dạng. Bà còn định lúc nào sẽ dạy Khuyển Tử đan lưới, không ngờ thằng bé đã học từ bao giờ. Mẹ Lưu chưa đan lưới đánh cá bao giờ, nhưng hồi bé cũng đã từng làm lưới bắt chim, cơ bản giống nhau thôi.

Tuổi thơ của mẹ Lưu trải qua đúng là không lo không nghĩ, so với Khuyển Tử thì tốt hơn rất nhiều, vì thế mẹ Lưu rất đau lòng cho Khuyển Tử nhà mình. Nhưng bà ngoài có thằng bé ra thì cũng chỉ biết dệt vải.

Mẹ Lưu dệt vải đến đêm khuya, ngẩng đầu lên thấy Khuyển Tử vẫn còn ngồi đấy, nó đã đan lưới xong, đang cuộn lưới lại.

“Khuyển Tử, ngủ sớm đi con.”

“Vâng, mẹ cũng đi nghỉ sớm đi ạ.”

Khuyển Tử dụi dụi mắt, về phòng của mình.

Ngày hôm nay đúng thật là mệt mỏi, Khuyển Tử đặt lưng xuống giường gỗ, rất nhanh đã chìm vào giấc ngủ.

Đối với Khuyển Tử mới mười ba tuổi mà nói, có thể ăn no cơm là quan trọng nhất, nó vẫn còn chưa có chí hướng lớn lao gì. Điều nó mong đợi, là lợn nhanh to chóng béo, dê sớm ngày sinh đẻ, thỏ sinh ra một ổ, thế là có thể bán lấy tiền rồi. Trong giấc mơ, Khuyển Tử nở một nụ cười.

Bất giác, nhà Khuyển Tử đã có lợn có dê, giờ còn có cả thỏ. Mặc dù đều còn rất nhỏ chờ ngày lớn lên.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.