Cảm Lạnh Mùa Hè

Chương 12: Là ai không phá vỡ được lời nguyền 3




Đêm khuya rồi nên đường phố vừa lạnh vừa yên tĩnh, không khí có chút ẩm ướt. Hơi lạnh khiến tôi rùng mình run rẩy. Đầu óc chợt nhớ tới cái áo khoác của Hứa Y Nam treo trong tủ quần áo, còn chưa trả lại cho anh ấy. Anh chàng này quần áo để đâu cũng không biết tìm, tóm lại là cơ thể anh ấy chịu lạnh giỏi nên chẳng cần đến nó.

Tôi vừa đi trên đường vừa lắng nghe tiếng giày cao gót gõ xuống đường lộp cộp lộp cộp, càng nghe càng sợ. Tôi chỉ mong mau mau về đến nhà mình, nhưng con đường này như chạy đến vô cùng, càng đi càng xa.

Trên đường chỉ có mấy thiếu niên nhuộm tóc vàng, miệng huýt sáo, xem chừng là bọn lưu manh. Thấy vậy, tôi chỉ biết mau chóng tránh ra xa, lúc này rất muốn tập lại mấy động tác Teakwondo học mấy năm trước. Đột nhiên nghe thấy phía sau có tiếng xe máy khởi động, hình như bọn nhóc này định đua xe.

Ra đường vào lúc hai giờ đêm thế này xem ra không có mấy người tốt, chỉ có tôi là ngoại lệ mà thôi.

Đi đến chỗ không có đèn đường tôi càng sợ nên càng phải hát to những bài hất xưa cũ để ra vẻ ta đây can đảm.

Tôi khẽ thở dài, có lẽ là vì nghĩ mình đã già rồi, Hứa Y Thần đã thay đổi rồi, trước đây nha đầu này điên điên khùng khùng chẳng biết sợ là gì.

Đi đến chỗ thang máy tôi mới cho phép mình thở phào nhẹ nhõm. Dùng câu danh ngôn đã sửa lại: sống ngày nào biết ngày ấy, để an tủi bản thân. Câu danh ngôn này là của ai, tôi không nhớ nổi, có lẽ là của một ông nào đó đã qua đời từ rất lâu rồi.

Lục lọi trong bếp hồi lâu, tôi tìm được một gói mì ăn liền, xem ra mức sống của tầng lớp trí thức không mấy khá giả, đến rau củ muối cũng không có mà ăn.

Tôi đột nhiên nhớ ra vẫn còn chỗ thức ăn Lăng Sở mua cho tôi để trong tủ lạnh, mở tủ ra tôi thật sự bị hoa mắt. Lúc này, tôi cũng đã biết thế nào gọi là tâm hồn hòa hợp, sở thích tương đồng, bởi vì tất cả đều là những món tôi thích ăn nhất.

Sau khi ăn uống no nê, tôi nằm ườn trên sofa, đương nhiên còn chưa kịp tắt đèn thì đã ngủ mất rồi.

Tôi ôm chăn, cuộn kín từ đầu đến chân, nằm ngủ và không quên chờ đợi cuộc gọi như đêm hôm trước, chỉ là không muốn dùng lại lời thoại hôm trước mà thôi.

Liệu tên khốn Y Dương có gọi lại cho tôi không? Tôi vô cùng mong mỏi nhìn thấy dãy số quen thuộc ấy, chỉ là tôi không muốn gọi đi, thứ nhất, tôi không thể coi thường chính mình; thứ hai, tôi sợ Y Dương cũng coi thường tôi.

Nói thực, trên thế giới này, trừ sự coi trọng của Y Dương ra, tôi không cần sự coi trọng nào khác.

Trước đây tôi thường cho rằng, chia tay chẳng có gì là ghê gớm cả. Bạn trai như là bộ quần áo mặc trên người, đôi giày đi dưới chân, hết có thể mua, cũ có thể đổi. Nhưng đến khi chia tay Y Dương, tôi mới hiểu khi đường ai nấy đi, không ai có thể tự nhiên trước mặt nhau, càng không dễ dàng nói ra câu “xin cào, tạm biệt” khi gặp nhau được.

Tôi chợt phát hiện ra những câu nói của mình gần đây thường mang tính triết lý, chưa biết chừng một ngày nào đó có thể tập hợp chúng lại làm thành một cuốn sách, lưu truyền muôn thuở.

Đòng hồ trên tường đổ ba hồi chuông, tôi hiểu ba hồi chuông đó muốn nói là: “Đã ba giờ đêm rồi, tên khốn Y Dương còn chưa gọi điện, có lẽ là sẽ không gọi đâu.”

Tôi nhắm mắt, không nghĩ gì nữa, chuyện đêm qua càng không cần nghĩ đến nữa.

Buổi sáng tỉnh dậy, tôi lại bị chảy máu chân răng. Tôi khẳng định lần này không còn là ngày mai trời lại sáng nữa, tôi bị bệnh thật rồi. Tôi đã hy vọng sau một đêm triệu chứng này sẽ biến mất, kết quả là máu chảy càng nhiều hơn, khiến tôi mất hết hy vọng. 

Tôi khoác áo da đen, đi đôi giày cao gót đến công ty họp vào lúc mười một giờ. Hồ ly cái tinh nhanh nhìn thấy tôi hỏi ngay một câu: “Bản vẽ hoàn thành chưa?”

Tôi dương dương tự đắc đưa bản vẽ cho chị ta, nghĩ bụng, không ngờ lão nương tôi đây đã làm xong phải không?

Mười một giờ bốn mươi cuộc họp mới kết thúc.

Tôi lấy lý do sức khỏe không tốt, to gan đề đạt với cấp trên xin nghỉ phép năm ngày, thật không ngờ hồ ly già đó nhanh chóng đồng ý.

Oh my God!

Từ công ty đi ra, tôi chợt cảm thấy tình thân bộc phát mãnh liệt, dang cao đến vạn trượng. Tôi sờ một lượt khắp các túi quần áo, may mà còn một chút tiền để dành. Tôi không có thẻ vàng, thẻ xanh, thẻ mẫu đơn [5], trong túi xách chỉ có thẻ ra vào của nhân viên. Sau khi nghênh ngang kiêu ngạo bước vào khu mua sắm, tôi xem quần áo, dao qua khu bán giày, không biết khu bán trang sức đi đường nào nhỉ?

[5] Những loại thẻ VIP, thẻ ưu đãi, thẻ ngân hàng quốc tế dùng để mua hàng.

“Tiểu thư! Xin hỏi cô muốn xem hàng gì? Cô nhân viên bán hàng tươi cười hỏi tôi.

Tôi lại sờ túi, ước tính tất cả chỉ còn mấy trăm tệ, thấy thật khó xử. Lần trước còn rêu rao với Hứa Y Nam rằng lúc tôi kết hôn sẽ mua cái lắc đắt hơn cái lắc anh ấy mua cho Hàn Cần Hiên mấy lần, cứ xem tình trạng này thì phải đợi đến “tháng ngựa năm lừa” mất.

Tôi quay sang cô nhân viên bán hàng cười ngượng, xua tay nói: “Không cần đâu.”

Mặt cô ta xị hẳn xuống, vẫy tay áo như muốn đuổi khách hàng.

“Mẹ kiếp, làm gì mà khinh người thế, đợi bà cô ta đây có tiền, khi đó sẽ vét hết kim cương của quầy hàng này nhét vào túi chơi.” Tôi thầm mắng cô ta, lúc chuẩn bị bước đi liền nhìn thấy một đôi nam nữ đi đến quầy trang sày.

Cô nhân viên bán hàng lập tức diễn lại bộ mặt tươi cười, ân cần chào hỏi.

“Choáng! Cái loại gì, thảo mai thảo quả [6] thế không biết.”

[6] Ý nói tâng bốc, nịnh nọt không thật lòng.

Tôi thầm nghĩ nhưng không nói ra. Tôi sợ sau khi nói ra, mặt tôi lập tức sẽ bầm dập vì mười cái móng tay dài đến ba phân kia.

Người đàn ông đứng tuổi ôm eo cô gái trẻ đó, dáng vẻ rất thân thiết, tôi không muốn đi nữa mà hứng thú ngồi xuống bên cạnh.

Cô gái trẻ đó mặc rất model, khuôn mặt trái xoan bị tô vẽ một lớp phấn dày, mí mất không biết là được vẽ thêm cái gì cho dài và rõ hơn, toàn thân thoảng mùi nước hoa đắt tiền. Tôi quan sát cô ấy, ước chừng cô gái này chưa quá hai mươi tuổi.

Người đàn ông lớn tuổi đó, khuôn mặt nhàu nát, bụng bia to phệ, cổ béo rụt, không biết là ông hay là bố của cô gái kia.

Đúng lúc tôi đang tự hỏi thì mỹ nữ đó bỗng cất giọng hỏi: “Anh yêu! Cái này có đẹp không?”

Tôi vịn vào tủ hàng đứng lên, quay về phía cái nhẫn kim cương cô gái đó cầm nhìn một cái. Đáng lẽ với chỉ số IQ của tôi thì phải sớm đoán ra họ là một đôi chứ.

Người đàn ông khẽ gạt gật đầu, nói nhanh: “Đẹp, đẹp, em đeo cái gì cũng đẹp hết.”

Tôi nhận thấy cô nhân viên bán hàng còn vui mừng hơn cả cô gái mua nhẫn kia, miệng không ngừng tán tụng: “Chiếc nhẫn này là mẫu mới nhất của năm nay, bán trên toàn quốc với số lượng có hạn, nó rất hợp với khí chất của tiểu thư.” Tôi ném ánh mắt khinh thường về phía cô nhân viên bán hàng, ngọn lửa căm thù bùng cháy trong lòng.

“Tiểu thư, tôi lại cảm thấy chiếc nhẫn này không hề hợp với cô, khí chất cao quý như cô phải đeo chiếc nhẫn có viên kim cương to hơn, cô không cảm thấy viên kim cương này quá nhỏ sao? Tôi vừa xem qua, bên kia còn có nhiều nhẫn kim cương đẹp hơn cái này.” Nói xong, tôi ngẩng lên nhìn cô ấy, ánh mắt trong sáng, lương thiện.

Cô gái đó vội tháo chiếc nhẫn, trả lại cho cô nhân viên bán hàng, sau đó cũng không biết nhìn tôi bằng ánh mắt nóng hay lạnh, rồi kéo tay người đàn ông lớn tuổi đó đi mất.

Tôi đứng lên khỏi ghế ngồi, quay người nhìn cô nhân viên bán hàng đang tức đến tím mặt, ánh mắt giận dữ như có thể dọa chết con mèo bà Vương dưới lầu đang nuôi.

Có lẽ cô ta đang không ngừng chửi mắng tôi ở phía sau, vậy thì cô cứ việc chửi thoải mái đi nhé.

Tôi đã sớm nói rồi, Hứa Y Thần không phải là người dễ bị bắt nạt.

Từ trung tâm thương mại đi ra, tôi phát hiện ra mình không mua gì cả, thật khiến người khác cảm thấy thương hại. Như thế này, tiền còn đây, tôi sẽ đi ăn một bữa thật ngon vậy.

Lúc đi đến ngã rẽ chỗ trung tâm thương mại Mỹ Liên, tôi thấy một chiếc xe màu trắng dừng lại, rất nhiều người đi lại chỗ đó. Nhìn lên hàng chữ viết trên xe, thì ra là xe hiến máu nhân đạo.

Tôi bước qua, chỗ này có rất nhiều người đang tụ tập, từ trung niên đến thiếu niên, không biết vì sao tôi rõ ràng có bệnh thấy máu là choáng lại lượn vòng quanh nơi này mãi. Một cô y tá bên cạnh đưa cho tôi một tập đơn hiến máu, tôi nắm chặt trong tay, có chút sợ hãi. Đang lúc tôi sắp quay người bỏ đi thì nghe thấy có người gọi tên mình.

Nhìn xung quanh hồi lâu tôi mới khẳng định được tiếng gọi tên mình phát ra từ phía xe hiến máu, tôi tránh ánh mắt nhìn của đám người ở đó, cúi đầu bước đi.

Tôi làm sao có thể ngờ, người gọi tôi từ trong xe hiến máu là Hàn Cần Hiên, chị ấy vén tay áo, để lộ làn da trắng như tuyết, tôi ngẫm nghĩ một hồi, thấy lạ là sao da chị ấy trắng thế, nhưng cố kìm lại không hỏi.

Chị ấy cười, thỏi thăm tình hình của tôi gần đây có ổn không, người sắp hiến máu mà có thể thản nhiên tươi cười như vậy, thật can đảm.

Chứng kiến Hàn Cần Hiên làm một việc vĩ đại như vậy mà tôi cũng không chút động lòng. Lại còn đứng bên trả lời lại không chút liêm sỉ: “Cũng tàm tạm thôi.”

Lúc nhìn thấy cô hộ lý chuẩn bị dụng cụ để trích máu cho Hàn Cần Hiên, tôi lấy bao thuốc từ trong túi xách ra, sau đó lắp ba lắp bắp nói: “Em... đợi chị ở phía dưới nhé.”

Nếu lại để Hàn Cần Hiên biết là tôi sợ bị choáng khi nhìn thấy máu nên mới rời đi thì chẳng phải hơn hai mươi năm qua tôi đã sống hoài hay sao?

Hàn Cần Hiên lương thiện như thế sao? Tôi rút một điếu thuốc trong bao, đi lại quanh quẩn bên chiếc xe ô tô màu trắng này. Hàn Cần Hiên còn nằm trong xe nghỉ ngơi thêm một lúc rồi mới xuống, tay chị ấy cầm một cuốn sổ màu đỏ, tôi mở ra xem thử, trông nó đẹp hơn giấy chứng nhận tốt nghiệp một chút.

“Chị... không sao chứ?” Thấy sắc mặt chị ấy nhợt nhạt như vậy, tôi do dự rất lâu sau mới dám rụt rè hỏi một câu như vậy. Sao tự nhiên tôi lại thấy quan tâm tới Hàn Cần Hiên là trách nhiệm của tôi vậy.

Chị ấy trả lời có chút mệt nhọc: “Không sao”, sau đó yếu ớt kéo tay tôi lại gần, trầm tư nói: “Cùng chị về nhà ăn cơm đi, đã lâu rồi em không về bên nhà. Bố mẹ ngày nào cũng nhắc em đấy.”

Tôi đảm bảo nếu không phải vì Hàn Cần Hiên vừa mới hiến máu xong, hiện giờ chị ấy cần vịn vào người tôi thì chị ấy đã không nói như vậy. Bố mẹ tôi nhớ tới tôi mới lạ chứ. Tôi đã nghĩ kỹ rồi, nếu không phải bố mẹ gọi điện bảo tôi phải về thì tôi tuyệt đối không về.

Hàn Cần Hiên nhìn tôi một lúc, ánh mắt đó chẳng hiểu sao lại khiến tôi không thể nào nói hai chữ “không về”. Sau đó tôi chán chường cùng Hàn Cần Hiên leo lên xe buýt về nhà bố mẹ.

Lúc xe buýt đi qua siêu thị rau, chị ấy không xuống xe mà lại chọn cách đi lòng vòng trong một con ngõ uốn lượn quanh co để tìm mua rau. Tôi đi sát ngay sau chị ấy, nghe người ta nói hiến máu xong đi lại dễ bị ngất, nếu để xảy ra chuyện gì thì sau này Hứa Y Nam hẳn sẽ tìm tôi tính sổ, thế thì phiền phức lắm, tôi không thể bất cẩn được.

Nhớ hồi còn nhỏ, Hứa Y Nam vì tranh cướp que kem vị táo mèo giá năm hào với tôi mà hết leo lên bờ tường lại leo lên cây, cuối cùng tôi tức tới mức khóc không thành tiếng, anh ấy vẫn không từ thủ đoạn, vội vàng cho que kem vào miệng mút mấy cái, sau đó còn mặt dày giơ que kem cao quá đầu dứ dứ tôi, hỏi tôi có ăn không.

Tôi nhắc lại câu chuyện này chỉ là muốn nói rõ một điều, đầu óc Hứa Y Nam rất nhanh nhạy.

Hàn Cần Hiên ngồi xổm xuống chọn cà chua, rồi bắt đầu: “Y Thần, lát nữa làm món trứng gà chưng cà chua cho em ăn nhé?” Chị ấy cứ như con giun trong bụng tôi vậy, tôi thích ăn gì cũng biết.

Tôi quay về phía chị ấy cười cười, đứng lên giậm giậm chân.

“Tất cả là ba đồng bảy.” Ông chủ mặt mày chán nản đưa túi cà chua, nói đặc giọng miền Tây Bắc.

“Vậy ba đồng rưỡi được không?” Hà Cần Hiên vừa nhận túi cà chua vừa mặc cả, không ngờ hồ ly này lại tinh nhanh đến thế, có hai hào cũng không bỏ qua.

Ông chủ hàng rau đó dùng ánh mắt nghi ngờ nhìn về phía chúng tôi, sau đó nói: “Ba đồng rưỡi thì ba đồng rưỡi.”

Từ cửa hàng rau đi ra tôi mới phát hiện mấy thứ Hàn Cần Hiên mua đều là những loại rau tôi thích ăn nhất. Chị ấy hiểu tôi như vậy sao, thật là người siêu việt khác thường. Nhìn chị ấy xách túi đồ mà bước đi nghiêng ngả, tôi vội vàng chạy lên nhận xách giúp.

Hàn Cần Hiên gượng cười, tiếp tục đi.

Về đến nhà, cái đồ tiện nhân Hứa Y Nam ấy chạy ngay ra đỡ lấy túi xách cho Hàn Cần Hiên treo vào mắc áo. Thật đáng chém ngàn đao, không nhìn thấy tôi hai tay xách đầy đồ hay sao?

Hàn Cần Hiên quả là rất nhanh ý, nhận lấy túi đồ từ tay tôi mang vào trong bếp.

Tôi ngồi xuống sofa, còn chưa nóng chỗ, Hứa Y Nam đã đưa cho tôi một trái lê đường xanh mượt. Sau đó dùng giọng nói không khách khí hỏi tôi: “Hứa Y Thần, một nghìn tệ đó của anh, khi nào em định trả?”

Anh ấy vừa nói xong, tôi đã làm rơi quả lê đường đó. Cái này gọi là cáo có lòng chúc mừng gà [7] đây mà. Tôi quay sang trái đùn đùn đẩy đẩy, định đẩy Hứa Y Nam xuống đất, nhưng anh ấy ngồi vững quá, người chỉ hơi dịch chuyển trên sofa làm phát ra những tiếng kẽo cà kẽo kẹt.

[7] Trung Quốc có chuyện cổ tích kể là: Vào ngày đầu năm mới, có con cáo đói bụng muốn tìm gà ăn thịt, nhớ ra gần đó có một nhà gà mẹ, cáo liền đến đó giả là đến chúc mừng năm mới gà, thực chất là muốn lọt vào nhà để bắt gà ăn thịt, gà mẹ thông minh tương kế tựu kế đánh đuổi cáo. Ý câu này là kẻ thù thường giả vờ tử tế để lừa con mồi.

“Hứa Y Nam, anh cũng phải giảm béo đi thôi.” Tôi chuyển chủ đề, sống chết không muốn nhắc đến chuyện tiền nong.

“Anh đang nói đến chuyện trả tiền.” Hứa Y Nam quả nhiên không dễ đối phó, phản ứng ngay.

“Hứa Y Nam, chúng ta có phải anh trai em gái không, đừng nói chuyện thẳng thắn như thế được không, đừng nhắc đến tiền với em, nhắc đến tiền là em thấy phiền lắm.” Tôi cười hi hi, muốn lấp liếm cho qua.

Hứa Y Nam rất béo, người nung núc thịt, anh ấy thường đùa, anh ấy là lương tài quốc gia nuôi dưỡng chờ có dịp sẽ dùng. Không hiểu Hàn Cần Hiên thấy được gì hay ho ở con heo này. Chỉ cần hai người đứng cạnh nhau là đủ thấy sự đối lập, rồi sẽ có ngày Hàn Cần Hiên bị Hứa Y Nam đè chết.

Nghĩ như vậy, tôi phát hiện ra sự so sánh này thật buồn cười.

Lúc đó, Hàn Cần Hiên trong phòng bếp bỗng thò đầu hỏi vọng ra: “Nói chuyện gì mà vui thế.”

Tôi vội vàng cười ha ha, trả lời: “Không, không có chuyện gì.” Tuyệt đối không thể để chị ấy biết tôi mượn tiền của Hứa Y Nam được, tôi không muốn ai biết chuyện tôi vay tiền Hứa Y Nam.

Lúc này trong bếp không ngừng vang lên những tiếng thái rau, Hàn Cần Hiên ở trong bếp bỗng kêu “ối” một tiếng mà Hứa Y Nam đã nhanh như thỏ phi vào la lối om sòm. Đến lúc tôi chạy vào, đã thấy chị ấy ngã lăn dưới đất rồi. Tôi chợt nhớ đến chuyện Hàn Cần Hiên vừa mới hiến máu, lo lắng không nói nên lời.

“Hứa Y Thần, em sao thế hả? Chị dâu đi hiến máu mà không nói sớm, ngộ nhỡ có chuyện gì thì phải làm thế nào đây?” Hứa Y Nam tức giận nhìn tôi, dáng vẻ rất đáng sợ.

Tôi nghe hết những lời trách móc đó, lòng đầy buồn bực, lại không thể thanh minh một lời.

Hàn Cần Hiên từ trên giường ngồi dậy, bảo Hứa Y Nam đừng nói nữa, cũng đừng trách mắng tôi. Tôi bước đến cửa nhìn vào, đột nhiên cảm thấy có chút cảm động nhưng trong lòng cũng có chút ấm ức. Đúng thế, tôi thừa nhận, có một chút.

Không bao lâu sau thì mẹ tôi về, rửa tay xong, mẹ vào bếp tiếp tục công việc Hàn Cần Hiên bỏ dở, tôi bất đắc dĩ phải vào bếp phụ việc lấy đĩa bày bát.

Đợi đến lúc người thích khoa trương lòng dũng cảm và thiện lương của Hàn Cần Hiên xuất hiện, tôi mới được thảnh thơi ngồi ở sofa xem tivi.

Hứa Y Nam lại nói: “Em xem, Y Thần nhà chúng ta thật là nhát gan, vừa nghe đến hiến máu đã chạy mất, không dũng cảm tiến lên như em.”

Hừm, tôi trốn tránh gì chứ, nếu không phải gần đây tôi thường bị chảy máu răng, không chừng tôi cũng động lòng mà hiến máu ấy chứ.

Buổi tối mẹ tôi hầm cháo táo đỏ ý dĩ bồi bổ cho Hàn Cần Hiên. Tôi cũng được hưởng ké một chút. Đến chín giờ tối, tôi thật sự ngại đi về, đành vào phòng Hàn Cần Hiên ngủ nhờ một đêm.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.