Cái Hôn Của Tử Thần

Chương 16




Thư của Annabelle Koch gửi cho Leo Kingship

Cư xá nữ sinh viên

Đại học Stoddard, Blue River Iowa

Ngày 5 tháng 3 năm 19…

Kính thưa bác Kingship,

Cháu nghĩ bác sẽ thắc mắc không hiểu cháu là ai, trừ phi bác nhớ đã đọc thấy tên cháu trên báo chí. Cháu là cô gái cho Dorothy, con gái bác, mượn thắt lưng. Cháu là người cuối cùng chuyện trò với Dorothy. Cháu thật tâm không muốn gợi lại nỗi đau khổ này nơi bác nhưng cháu có câu chuyện cần phải thưa với bác.

Như bác biết, Dorothy và cháu có bộ áo quần màu xanh lục rất giống nhau. Chị ấy đến phòng cháu mượn cái thắt lưng. Cháu đã cho chị ấy mượn; về sau cảnh sát đã tìm thấy (hoặc cháu nghĩ là như thế) thắt lưng đ1o ngay trong phòng Dorothy. Cảnh sát giữ cái thắt lưng hơn một tháng rồi mới hoàn trả lại cho cháu. Thời gian đó quá trễ nên mùa vừa qua cháu không mặc bộ đồ ấy.

Mùa xuân đang trở lại, hôm qua cháu đem bộ đồ ra mặc thử. Thật vừa vặn, thưa bác. Nhưng khi mang thắt lưng vào, cháu rất đỗi ngạc nhiên vì đấy lá cái thắt lưng của Dorothy. Bác biết không, thắt lưng nới rộng đến hai khuy, cháu không sao mang vừa được.dorothy mảnh khảnh, cháu càng mảnh khảnh hơn. Thú thật, cháu rất gầy. Tuy nhiên chắc chắn là cháu không sút cân vì cháu mặc bộ áo rất vừa vặn như đã thưa với bác ở trên. Thắt lưng của Dorothy, bác ạ. Khi cảnh sát giao lại cho cháu, thoạt tiên cháu nghĩ đó là thắt lưng của cháu bởi vì khóa nịt bị tróc sơn như cái của cháu. Sự trùng hợp đó cháu nghĩ chắc là vì cả hai cùng do một nơi sản xuất ra.

Vì một lý do nào đấy Dorothy không thể mang cái thắt lưng của mình nên phải mượn của cháu, dù thắt lưng của chị ấy không hư hỏng tí nào. Cháu thật không hiểu nổi. Lâu nay cháu cứ cho là Dorothy muốn nói chuyện với cháu nên viện cớ như vậy.

Bây giờ đã biết đó là thắt lưng của Dorothy thì cháu không thể nào mang được. Không phải cháu tin dị đoan đâu, thưa bác; nhưng nói cho sùng nó không phai của cháu, nó thuộc về Dorothy đáng thương. Cháu đã định ném đi nhưng thấy làm thế là không phải. Cháu xin gửi lại cho bác trong gói hàng riêng và bác giữ hoặc sử dụng thế nào đó tùy bác.

Bộ áo quần xanh lục kia cháu vẫn mặc vì năm nay ở đây các cô gái đều mang thắt lưng to bản làm bằng da cả.

Cháu xin kính chào bác.

Thư của Leo Kingship gởi cho Ellen Kingship

Ngày 8 tháng 3 năm 19…

Ellen con,

Ba mới nhận được thư của con. Ba xin lỗi không trả lời cho con sớm hơn được vì công việc ở công ty quá bề bộn.

Hôm qua là thứ tư, Marion đến đây ăn cơm tối với ba. Trông chị con không được khỏe lắm. Ba đưa thư của Koch cho chị con xem và Marion đề nghị gởi thư này cho con. Con hãy đọc thư này trước, sau đó đọc thư của ba.

Marion nói với ba rằng con lúc nào cũng bị dày vò dằn vặt kể từ khi Dorothy qua đời đến nay vì con nghĩ chính sự bô tâm của con là nguyên nhân gây ra cái chết của Dorothy. Cau chuyện kể của Koch, cũng theo Marion, khiến con tưởng lầm rằng con là người Dorothy tha thiết muốn tâm sự và nếu như con không xô đuổi thì em con đã không đến nỗi hành động dại khờ như thế.

Ba tin Marion đúng bởi vì những gì chị con nói có thể giải thích được thái độ và nỗi lòng sâu kín của con.

Trong những ngày tháng tư vừa qua, con vẫn bướng bỉnh không chịu chấp nhận cái chết của Dorothy là một trường hợp tự tử, dù bức thư là một bằng chứng hiển nhiên không sao chối cãi được. Con có cảm tưởng con phải gánh lấy một phần trách nhiệm nếu em con quyên sinh nên những tuần trước đây con đành phải chấp nhận sự thật như vậy và con cũng đành chấp nhận những dằn vặt tư tưởng của con.

Bức thư của Koth đã làm vấn đề trở nên rõ ràng. Dorothy, với lý do gì đấy không biết, đến gặp Koch và mượn thắt lưng. Dorothy không sống trong một tâm trạng tuyệt vọng đến nỗi phải cần có một người tâm sự, nhưng em con đã quyết tâm thực hiện điều mà em con muốn làm. Chẳng có lý do gì để con tin rằng nếu hai chị em con không hục hặc nhau vào mùa Giáng sinh thì con là người Dorothy muốn gặp trước hết. (Con cũng đừng quên Dorothy là người gây sự với con trước và em con đang mang tâm trạng u uẩn buồn rầu). Về thái độ nhạt nhẽo bất cần của Dorothy thì ba nhắc con nhớ chính ba đã đồng ý để Dorothy đến đại học Stoddard hơn là đại học Caldwell, vì không muốn em con sống dựa vào con quá đáng. Vẫn biết nếu Dorothy theo con lên đại học Caldwell, có thể tấm thảm kịch đã không xảy ra. Nhưng chữ “Nếu” là chữ lớn nhất trên đời, Ellen con ạ. Hình phạt đó đối với Dorothy có thể quá nghiêm khắc, nhưng chính Dorothy đã muốn chọn hình phạt như vậy. Ba không có trách nhiệm, con cũng không có trách nhiệm gì cả. Không ai chịu trách nhiệm hết trừ em con ra.

Ba mong rằng việc hiểu lầm về thái độ ban đầu của Dorothy mà Koch cho biết sẽ rũ bỏ được nơi con mặc cảm tội lỗi và con sẽ không tự buộc tội mình nữa.

Ba của con.

Tái bút: Ba viết tay hơi khó đọc. Thư riêng nên ba không thể đọc cho thư ký viết.

Thư của Ellen Kingship gửi cho Bud Corliss

Ngày 12 tháng 3 năm 19…

(tám giờ sáng)

Anh Bud yêu mến,

Hiện em đang ngồi trong toa xe với lon Côca côla (vào giờ này – thật kinh khủng!), với cây bút và giấy, cố gắng viết đừng run tay vì con tàu lắc lư và cố gắng diễn đạt cho thật rõ ràng nếu không nói là cho thật bình tĩnh – như giáo sư Mulholland thường nói – lý do nào đã thúc đẩy em đi Blue River.

Em rất tiếc trận đấu bóng rổ tối nay, nhưng em tin Connie và Jane sẽ sẵn sàng thay thế chỗ em và anh có thể tưởng tượng là em vẫn có mặt trong hai hiệp đấu ấy.

Bây giờ trước hết, cuộc hành trình này hoàn toàn không phải là do bốc đồng đâu anh nhé! Suốt đêm qua, em đã suy nghĩ nát óc. Anh sẽ nghĩ là em đang tìm cách trốn chạy qua Cairo, thủ đô của Ai Cập. Thứ hai: Em sẽ không mất bài vở bởi vì đã có anh đi ghi bài đầy đủ cho em rồi, và dẫu sao em cũng không đi lâu quá một tuần. Hơn nữa, có khi nào người ta đánh hỏng sinh viên cuối cấp thi ra trường chỉ vì lý do cúp cua không? Thứ ba: Em sẽ không lãng phí một giây phút nào vì em biết em phải làm gì và khi biết như thế thì nhất định em sẽ không chậm trễ được.

Vậy chẳng có gì để phản đối cả phải không anh? Anh hãy để em giải thích vì sao em ra đi như thế này. Trước hết, em nói những điều em biết cho anh nghe.

Sáng thứ bảy, em nhận được thư của ba em. Anh biết đấy, đầu tiên Dorothy rất muốn đến đại học Caldwell nhưng em phản đối và kể từ đó em luôn luôn giữ vững ý kiến của em. Sau khi Dorothy chết, em cứ tự tra vấn em xử sự như thế có phải vì vô tư hay không. Cuộc sống ở gia đình rất tù túng, một phần do tính quá nghiêm khắc của ba em, một phần thì Dorothy bám víu vào em quá đáng, dù lúc đó em chưa nhận ra điều ấy. Cho nên khi vào đại học Caldwell, em thực sự đã sống buông thả. Ba năm đầu tiên ở đó, em là một cô gái kinh khủng lắm. Anh sẽ không nhận ra em được đâu. Như em đã nói, em không rõ là khi em ngăn chặn Dorothy theo em lên đại học Caldwell là cốt để cho Dorothy tập sống tự lập hay là để cho bản thân em được rảnh tay rảnh chân sống tự do thoải mái, vì ai cũng biết Caldwell là nơi ai muốn làm gì thì làm.

Việc phân tích của ba em (có thể với sự góp ý của chị Marion) về thái độ của em trước cái chết của Dorothy là chính xác. Em không muốn chấp nhận đó là một trường hợp tự tử bởi vì như thế có nghĩa là em phải gánh chịu một phần trách nhiệm. Tuy nhiên ngoài những lý do tình cảm trên, em có những lý do để nghi ngờ về cái chết của Dorothy. Chẳng hạn lá thư Dorothy gửi cho em. Đúng là nét chữ của em ấy – em không phủ nhận điều này – nhưng xem ra không phải là giọng điệu của Dorothy. Nghe nó kệch cỡm rỗng tuếch thế nào: - “Chị yêu quí của em” – trong khi trước kia Dorothy thường viết cho em: “Chị Ellen thân mến”. Em có nêu lên chi tiết này với cảnh sát nhưng họ cho đó là điều tất nhiên vì Dorothy viết thư với tâm trạng căng thẳng và khủng hoảng, không thể có giọng điệu bình thường như mọi lần được. Sự kiện Dorothy đem giấy khai sinh theo cũng khiến em thắc mắc nhưng cảnh sát vẫn giữ lập luận như trên: Người tự tử thường bận tâm về việc làm thế nào để người ta nhận diện mình được. Cần gì phải thế vì lúc nào Dorothy cũng có thẻ sinh viên đại học Stoddard kia mà. Nhưng cảnh sát chẳng mảy may xem xét đến ý kiến của em.

Em đành chịu. Cuối cùng phải chấp nhận Dorothy đã tự tử chết và tự trách mình. Câu chuyện của Annabelle Koch là một lý lẽ đanh thép. Mô típ của cái chết ấy càng khiến cho em cảm thấy có trách nhiệm thêm vì một cô gái có một chút hiểu biết sẽ không khi nào tự hủy mình khi đang có thai nghén, không bao giờ, em nghĩ thế, trừ phi các cô gái đó không còn một nơi nào để nương tựa. Sự việc Dorothy có thai chứng tỏ nàng đã bị một kẻ nào đó phụ bạc – chính hắn! Em rất biết rõ Dorothy, nàng rất coi trọng vấn đề luyến ái và không phải là một cô gái dễ sa đọa. Sự kiện Dorothy có thai cho thấy nàng vô cùng yêu hắn và đã có ý định kết hôn với hắn.

Đầu tháng mười hai, trước khi chết, Dorothy viết thư cho em kể rằng nàng có một người bạn trai cùng học lớp tiếng Anh với nhau. Nàng thường đi chơi với hắn. Đó là một sự thật. Dorothy hứa sẽ nói hết cho em nghe vào dịp nghỉ Giáng sinh đó… Nhưng suốt những ngày nghỉ, bọn em gây gổ nhau. Cho nên bọn em không có dịp để tâm sự. Khi quay về lại trường, những bức thư bọn em gởi cho nhau chỉ là những bức thư thăm hỏi chiếu lệ. Vì thế em không biết được tên hắn. Những gì em biết về hắn chỉ thu gọn trong lá thư kia, rằng hắn cùng học một lớp tiếng Anh, rằng hắn khá đẹp trai, hơi giống Len Vernon – là chồng của người chị họ – điều ấy có nghĩa là người yêu của Dorothy cao lớn, tóc nâu, mắt màu xanh…

Em có nói với ba em về hắn, hối thúc ba em tìm xem hắn là ai và phải trừng trị hắn. Ba em không đồng ý với lý do chẳng lấy gì làm bằng chứng chính hắn đã xuống tay hạ thủ Dorothy rồi lẩn trốn. Dorothy tự tử là vì những tội lỗi do chính nàng gây ra. Thế rồi ba em im luôn.

Mãi đến thứ bảy vừa rồi, em nhận được thư của ba em kèm theo lá thư của Koch. Nhưng lá thư đó chẳng có tác dụng gì như ba em mong đợi, bởi vì như em nói, câu chuyện kể của Koch không dính dáng, liên hệ gì đến những nỗi buồn của em. Tuy nhiên em bắt đầu đặt những câu hỏi: nếu thắt lưng còn tốt, tại sao Dorothy lại đi nói dối để mượn thắt lưng của Koch? Tại sao Dorothy không dùng cái thắt lưng của mình? Ba em không thắc mắc chuyện đó: nó có những lý do riêng của nó. Nhưng em lại muốn biết những lý do gì? Dorothy đã gợi nơi em ba vấn đề cầm phải tìm hiểu. Chúng cứ lẩn quẩn trong đầu óc của em. Thế này:

1.Vào lúc mười giờ mười lăm sáng hôm đó, Dorothy đã mua một đôi găng tay màu trắng đắt tiền trong cửa hàng phía bên kia đường cư xá. (Chủ tiệm đã báo cáo việc này cho cảnh sát khi nhìn thấy ảnh Dorothy trên báo). Trước tiên Dorothy hỏi mua một đôi tất nhưng chúng quá lớn nàng mang không vừa nên mới mua găng tay và đã trả một đô la năm mươi xu. Khi chết Dorothy còn mang chúng. Tuy nhiên trong ngăn kéo của bàn học trong phòng Dorothy lại có một đôi găng tay bằng vải rất đẹp mà chị Marion đã tặng vào dịp Giáng sinh. Tại sao Dorothy không dùng đôi găng tay đó?

2. Dorothy là một cô gái rất kén chọn trong việc ăn mặc. Khi chết, nàng mặc bộ áo quần màu xanh lục, bên ngoài lại khoác áo choàng bằng lụa trắng có nơ hình con bướm cũ kỹ, xấu xí không hợp với bộ áo xanh lục kia. Hơn nữa nơi tủ áo lại có áo khoác bằng lụa còn mới toanh rất hợp thời, tại sao Dorothy không mặc chiếc áo này?

3. Dorothy mặc bộ áo quần màu xanh lục, trong lại mặc quần lót màu trắng và nâu. Chiếc khăn tay thì lại sặc sỡ, màu sắc chẳng hài hòa tí nào cả. Còn ít ra mười chiếc khăn tay khác, cái nào cũng trông hợp với cái áo màu xanh lục, tại sao Dorothy không chọn những khăn tay đó?

Ngay lúc Dorothu chết, em đưa vấn đề này với cảnh sát. Họ bác bỏ toàn bộ những gì em đề cập đến. Nạn nhận bị quẫn trí! Thật là buồn cười khi đòi hỏi nạn nhân phải ăn mặc như mọi ngày. Em có nói sự trùng hợp này là điều khó thấy nơi Dorothy. “Đó là điều tất nhiên – họ nói – vì nạn nhân đang sống trong tình trạng không được bình thường lắm. Họ kết luận – cô không có kinh ngiệm về những sự việc như thế này đâu!”.

Lá thư của Koch lại là bằng cứ thứ tư. Thắt lưng của Dorothy còn tốt, tại sao nàng lại đi mượn thắt lưng của Koch kia chứ? Tại sao? Em phải tìm cho ra lẽ. Có một sự tương phản kỳ lạ trong cách ăn mặc của Dorothy. Nguyên nhân nào?

Cả đêm thứ bảy, em trằn trọc mãi vì những câu hỏi này. Anh đừng hỏi rằng em muốn chứng minh cái gì đây. Em có cảm tưởng các sự việc kia có một mối ràng buộc chặt chẽ với nhau. Em cần phải tìm hiều trạng thái tinh thần của Dorothy những ngày đó ra sao. Em giống như một người bệnh đang đau răng cứ thích lấy đầu lưỡi ấn mạnh vào cái răng đau ấy.

Em phải viết cho anh hàng chục lá thư mới kể hết được những diễn tiến quá trình suy nghĩ của em, lý luận của em trong việc tìm kiếm mối liên hệ giữa các sự kiện đã bị bác bỏ kia. Em phải đánh giá lại toàn bộ dữ kiện, xét lại mọi kết luận, dù đó là kết luận của ai chăng nữa. Thậm chí em còn lấy những mảnh giấy rồi ghi lên đó nào là khăn tay, găng tay, áo choàng, thắt lưng và ghi chú những hiểu biết của em về mỗi vật, tìm hiểu ý nghĩa của từng vật. Nhìn bên ngoài, chúng không mang một ý nghĩa nào hết. Kích thước, tuổi tác, quyền sở hữu, giá cả, màu sắc, phẩm chất, nơi mua sắm – không một ý nghĩa nào xuất hiện trên bốn vật của bản danh sách đó cả. Em xé bỏ rồi đi ngủ. Không thể cho đó là một vụ quyên sinh được.

Một giờ sau đó, bỗng một ý nghĩ bất ngờ đến trong đầu em. Em sững sờ ngồi bật dậy, nghe lạnh toát cả người. Chiếc áo lỗi thời đôi găng tay mua sáng hôm đó, cái thắt lưng của Koch, khăn tay… Cái thì cũ, cái thì mới, cái màu xanh, cái thì mượn…

Em muốn tin đấy là một sự tình cờ, ngẫu nhiên thôi. Nhưng tự thâm tâm em không sao tin như thế.

Dorothy đến nhà Hành chính, không phải vì đó là tòa nhà cao nhất ở Blue River mà đến đấy với mục đích làm lễ thành hôn. Dorothy mặc cái thì mới, cái thì cũ, cái mượn, cái thì màu xanh, cái thì màu trắng… Ôi đứa em gái lãng mạn đáng thương của em!

Đem theo giấy khai sinh, Dorothy muốn chứng minh là nàng đã trên mười tám tuổi. Và không ai đi đến đấy một mình bao giờ. Dorothy chỉ có thể đi với một người – tác giả của cái bào thai đó, người nàng đã gắn bó từ lâu, người Dorothy đã yêu tha thiết – cái gã tóc nâu, mắt xanh, đẹp trai cùng học trong lớp tiếng Anh với nàng. Hắn đã đưa Dorothy lên tận mái nhà. Em quả quyết sự việc là vậy.

Về phần bức thư kia thì sao? Chỉ viết thế này – “Em mong chị tha thứ nỗi buồn phiền em đã gây ra. Em không thể làm gì khác được” – Đâu là ý định tự tử chứ? Dorothy chỉ muốn nói đến việc kết hôn của nàng! Dorothy biết ba em không bao giờ chấp nhận hành động hấp tấp nông nổi đó. Nhưng Dorothy không thể làm gì khác hơn được nữa vì đã có thai. Cảnh sát rất đúng khi cho rằng giọng điệu lừng khừng ấy là triệu chứng tâm trạng của một người đã manh nha ý muốn tự vẫn.

Cái thì mới, cái thì cũ… cũng đủ lý do để em bắt tay tiến hành điều tra nhưng những chứng cứ đó chưa đủ vững mạnh để thuyết phục cảnh sát mở lại hồ sơ của vụ án, nhất là họ vẫn còn thành kiến với em – một cô gái quái gỡ đã làm cho họ bực mình trong năm vừa qua. Anh biết không đó là sự thật. Cho nên em phải truy lùng hắn và sẽ hành động như thám tử Sherlock Homes của Conan Doyle. Khi nào em phát hiện ra một việc gì đấy để hỗ trợ cho những nghi ngờ của em, một chứng cứ hùng hồn nào đó để cảnh sát phải lưu ý đến thì em hứa rằng em sẽ đi thẳng đến họ ngay. Em đã xem nhiều phim trong đấy vị nữ anh hùng đã kết tội tên sát nhân trong chính căn phòng cách âm của hắn và tên sát nhân nói rằng: “Đúng, tao đã làm việc đó nhưng mày sẽ không còn sống để kể câu chuyện ấy đâu”. Anh đừng lo cho em, đừng có nôn nóng và cũng đừng viết thư cho ba em vì ba em sẽ rùm beng lên. Có thể em thật ngu ngốc và bốc đồng khi dấn thân vào câu chuyện theo cách này nhưng làm sao em có thể ngồi khoanh tay chờ đợi trong khi em biết phải làm gì và biết chẳng còn ai khác làm việc đó ngoài em ra.

Tàu đang vào địa phận của Blue River, từ cửa sổ em có thể nhìn thấy nhà Hành chính.

Trong nội ngày hôm nay em sẽ gửi thư này, em sẽ cho anh biết em ở đâu và làm những gì. Cho dù Stoddard có lớn hơn gấp mười lần Caldwell chăng nữa, em cũng biết em sẽ bặt đầu từ đâu. Hãy cầu chúc cho em được may mắn nghe anh…

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.