Búp Bê Bắc Kinh

Chương 49: La la la




Bạc Hà dẫn tôi đi mua sắm, mua cho tôi một đôi kính vàng, cùng một cái mũ len rất “Ăng-lê” mà anh chụp lên đầu tôi cùng một nụ cười. “Trông tuyệt lắm!” 

Vài ngày sau, anh mua cho tôi cái áo “Miss America” màu đỏ. Tôi nhớ lại những ngày ở bên G, khi chúng tôi thường phải tính xem dùng tiền để ăn McDonald hay mua một cái áo giá sáu mươi tệ. 

Mua bán xong, Bạc Hà rủ tôi đi chơi với anh tối hôm đó, bảo rằng muốn cho tôi gặp gỡ vài người bạn của anh. 

Chúng tôi đi xem một buổi trình diễn không hay lắm ở câu lạc bộ, do một công ty băng đĩa tài trợ để quảng cáo cho các nghệ sĩ mới. Trên sân khấu, một anh chàng cứ hát “Bởi vì chúng tôi trẻ…” Tôi quên mất dòng tiếp theo là gì, nhưng đại để bạn khi còn trẻ thì bạn làm gì cũng được. 

Bạc Hà giới thiệu tôi với các bạn của anh: “Đây là AB, đây là ABC, đây là ABCD, đây là ABCDE,…” 

Tôi chào cả bọn họ. Họ có vẻ ngạc nhiên rằng Bạc Hà cuối cùng cũng có bạn gái. Chết tiệt, tôi thấy ngạc nhiên. Lúc sau, anh bảo tôi rằng anh có ba điều kiện khi tìm bạn gái: thứ nhất, không chủ động; thứ hai, không tiền; thứ ba, không đầu tư. Kết cục, chẳng có cô nào thích anh. Tôi thấy thú vị với ABCD, người không cao lắm, mặc áo da có mũ. Sau khi nói chuyện, tôi biết rằng cậu ta làm cho tờ Rock TSGQ. “Mình thậm chí còn đọc bản thảo mà cậu biên tập rồi!” Tôi phấn khích bảo, khiến Bạc Hà phải quay ra nhìn. 

Tôi cho họ xem một số những gì tôi viết, vì Bạc Hà giới thiệu tôi rằng: “Đây là bạn gái mình, Xuân Thụ. Cô ấy đang viết tiểu thuyết.” Có lẽ việc tôi viết tiểu thuyết đem lại cho anh chút uy tín nào đó. 

AB, ABC, ABCDE không nói gì sau khi đọc qua một chút, nhưng ABCD bảo rằng cậu ta rất thích. Cậu ta có ấn tượng với đoạn văn mở đầu. Tôi nghĩ đó là bởi vì, giống cô gái trong tiểu thuyết, cậu ta đang phải ở đó, khó chịu, trước một buổi biểu diễn mà mình chẳng thích. Không có gì là phù phiếm hay cố tình mập mờ nơi cậu. Đó là một người bộc trực, thuần khiết. 

*** 

Một dịp cuối tuần, Bạc Hà và tôi quyết định tới Thiên Tân để mua quần áo cũ, rẻ tiền. Con tàu đi qua một vùng bằng phẳng, nơi các dấu chân, một vài cái vũng nông sâu trải ra trên quang cảnh tuyết trắng. Xa xa, chúng tôi nhìn thấy tuyết trắng muốt, cây cối và rặng núi. Mặt trời buổi trưa ve vuốt chúng tôi, như mẹ, như người tình. Tôi không muốn nói hay nghĩ ngợi về bất cứ điều gì. Chúng tôi hút hết điếu này tới điếu khác, ăn những quả đào được bảo quản và nhai thịt bò khô. Chúng tôi đang ở trong một cái xe không hút thuốc, nhưng chẳng thấy ai phàn nàn. 

“Này, em nghe Duẩn Ngô đi.” Bạc Hà đưa cho tôi cái tai nghe của anh. 

Thực lòng, tôi chẳng quan tâm mấy đến Duẩn Ngô; anh ta quá nhỏ và buồn bã. Nhỏ người thì chả có gì xấu, nhưng khi một người bé nhỏ như anh hát về những thứ như nỗi nhớ nhà, nhân loại, lý tưởng và sự lang thang vô định trong đời thì nghe hài hước, thậm chí mỉa mai. Nhưng có lẽ chỉ có tôi nghĩ thế. 

Vậy nhưng, sau một hồi, tôi nhận thấy nhạc của Duẩn Ngô thật hay khi đi tàu, và tâm trạng của bài hát rất hợp với cảm giác chia ly. 

“Anh mua cái băng đó đúng vào hôm nó mới phát hành. ‘Xin hãy tin’ là bài anh rất thích. Lần đầu nghe nó anh đã khóc.” 

Lời hát như thế này: 

Đừng, đừng ngủ, bạn ơi, vì đường còn dài trước mặt. Đừng, đừng đánh mất hy vọng trong tim, dù ta đã mơ, những giấc mơ tan vỡ, cùng trái tim bị tổn thương, và đau đớn bởi thời gian trôi qua. Có thể rằng bạn thấy nản lòng và vô vọng, nhưng tôi muốn bảo điều này: Xin hãy tin rằng không phải mọi tiếng gọi đều không lời đáp, không phải mọi mất mát đều không được đền bù, không phải mọi ngôi sao đều không báo hiệu bình minh sau đêm đen, không phải mọi giấc mơ đều cố tình gãy cánh, không phải mọi hạt giống đều không tìm được đất nảy mầm, không phải mọi bài hát đều lướt qua mà không ở lại trong tim. Dù cuộc đời vẫn không ngừng hủy hoại những giấc mơ của ta, và có những mất mát không bao giờ lấy lại được, niềm hy vọng vẫn tiếp tục vươn lên. Hãy gánh vác tất cả, đặt lên vai tất cả. 

Những ngân hàng ở Thiên Tân không nối máy tính, cho nên chúng tôi không thể dùng thẻ nhà băng để lấy tiền từ ATM. Bạc Hà thường rất không may. Anh phải cố đến hai, ba lần để làm được cái điều mà người khác chỉ làm một lần là xong, và có những thứ với người khác chẳng thành vấn đề thì có khi lại khiến anh điên đầu. Khi cả hai chúng tôi đã gần chết đói, Bạc Hà đề nghị đến chỗ McDonald ngồi một lúc. “Chúng mình có thể uống cà phê ở đó. McDonald bày máy cà phê bên ngoài nên chúng mình có thể uống cà phê miễn phí trong suốt buổi chiều, miễn là có cốc. Chúng mình có thể xin thêm đường và sữa.” Đó là một ý tưởng tuyệt diệu. Ngồi trong một tiệm ăn nhanh sáng sủa, ấm cúng khiến ta quên hết mọi ưu phiền về thế giới. Và ở Thiên Tân, cửa hàng McDonald mở cửa đến tận nửa đêm, muộn hơn một giờ so với Bắc Kinh. 

Phần còn lại của buổi tối, chúng tôi ngồi trong một quán cà phê mở cửa suốt đêm, và gom hết tiền lại cũng đủ để mua một bát sữa đậu nành. Gió lạnh vẫn tiếp tục thổi bên ngoài, nhưng bên trong quán thì lại ấm như mùa xuân. Tôi chào đón ngày mới với son phấn từ đêm trước, nhưng tôi hồ hởi và vui sướng. Bầu trời trong trẻo và không khí mới mẻ lúc nào cũng làm ta sung mãn. Tay trong tay, Bạc Hà và tôi dạo quanh khu chợ đồ cũ cùng Bách hóa Y Thế Đan và thấy hạnh phúc dù chẳng có tiền trong túi. Không dễ dàng gì, nhưng chúng tôi xoay xở được.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.