Bức Thư Tình Cuối

Chương 1




Gọi lại sau x

Ellie Haworth cuối cùng cũng tìm thấy đám bạn sau khi len lỏi qua đám đông trong quán bar. Cô thả túi xách xuống dưới chân rồi đặt điện thoại lên bàn. Cả đám đã ngà ngà say – cách họ lên giọng khi nói, những cánh tay ôm đầy bạo dạn, những tiếng cười to và những chai rượu đã nốc cạn trên bàn tố cáo điều ấy.

‘Lại muộn.’ Nicky giơ đồng hồ lên, chỉ một ngón tay về phía cô. ‘Đừng có nói với chúng tớ kiểu ‘Tớ còn một bài phải viết cho xong.’’

‘Xin lỗi mọi người. Tớ phải phỏng vấn bà phu nhân của ngài Thủ tướng. Cho số báo ngày mai,’ cô nói, lướt đến ngồi trên một chiếc ghế còn trống và rót cho mình một chút rượu cặn còn lại trong chai. Cô đẩy chiếc điện thoại về phía hội bạn. ‘Được rồi. Chủ đề bàn luận cho tối nay, một từ khó hiểu: “Gọi lại sau”.’

‘Gọi lại sau?’

‘Chỉ là một hình thức hoãn binh. Nó nghĩa là ngày mai, hay là một lát nữa trong ngày hôm nay? Hay chỉ là cách nói bắt chước lũ choai choai bây giờ, mà thực chất chả có nghĩa gì cả?’

Nicky liếc màn hình đang nhấp nháy. ‘”Gọi lại sau” lại còn kèm thêm “X”. Giống như thể “Chúc ngủ ngon”. Tớ nghĩ là ngày mai.’

‘Chắc chắn là ngày mai,’ Corinne khẳng định. ‘Gọi lại sau luôn có nghĩa là ngày mai.’ Cô dừng lại một chút. ‘Hoặc cũng có thể là sau ngày mai.’

‘Từ này cũng bình thường mà.’

‘Bình thường?’

‘Thì cậu cũng có thể nói thế với người đưa thư vậy.’

‘Thế cậu có gửi cả nụ hôn tới người đưa thư không?’

Nicky ngoác miệng cười. ‘Sao không. Anh chàng đó thật tuyệt vời.’

Corinne xăm xoi tin nhắn lần nữa. ‘Tớ nghĩ nói thế cũng oan cho anh ta. Cũng có thể anh ấy đang vội làm gì đó.’

‘Cũng có thể. Đang bận với vợ anh ta chẳng hạn.’

Ellie lườm nguýt nhìn Douglas.

‘Gì vậy?’ cậu ta thản nhiên. ‘Tớ chỉ nói thế thôi, cậu không thấy là quan hệ của cậu và anh ta đã qua cái thời kỳ nói chuyện bằng những tin nhắn khó hiểu à?’

Ellie tợp một ngụm rượu, ngả người về phía trước. ‘Được rồi. Tớ cần một ly nữa để chuẩn bị nghe giảng đạo.’

‘Nếu cậu thân mật với ai đó tới mức có thể quan hệ với họ ngay trong phòng làm việc của anh ta, tớ nghĩ chẳng có lý gì cậu không thể gọi điện hỏi lúc nào các cậu có thể gặp nhau ở một quán cà phê nào đó.’

‘Cho bọn tớ xem toàn bộ tin nhắn đi. Đừng nói với tớ là điều ấy chẳng dính dáng gì tới việc quan hệ với nhau trong phòng làm việc của anh ta nhé.’

Ellie cầm điện thoại lên và kéo xuống dòng tin nhắn dưới. “’Mạo hiểm khi gọi điện từ nhà. Dublin tuần sau nhưng chưa có kế hoạch chắc chắn. Gọi lại sau x.’”

‘Anh ta để ngỏ rất nhiều lựa chọn cho bản thân,’ Douglas nói.

‘Có thể anh ấy… cậu biết đấy… không chắc chắn về kế hoạch của mình.’

‘Thế thì anh ta sẽ nhắn “Sẽ gọi cho em từ Dublin.” Hay thậm chí “Anh sẽ mua vé cho em bay tới Dublin.”

‘Anh ta có mang vợ theo không?’

‘Không bao giờ. Trong những chuyến công tác.’

‘Có thể anh ta mang theo người khác,’ Douglas lẩm bẩm với cốc bia trên miệng.

Nicky lắc đầu trầm tư. ‘Lạy Chúa, chẳng phải cuộc sống sẽ dễ dàng hơn bao nhiêu nếu anh ta chỉ cần nhấc điện thoại lên và gọi cho cậu? Khi đó ít nhất cậu cũng phán đoán được mức độ lưỡng lự của anh ta qua giọng nói.’

‘Đúng vậy.’ Corinne chế giễu. ‘Trong khi cậu ngồi hàng giờ ở nhà, bên cạnh cái điện thoại chỉ để chờ họ gọi tới.’

‘Ồ, có những đêm tớ -'

‘- kiểm tra đường dây điện thoại có thông suốt không - ’

‘- và lại đặt điện thoại xuống để nhỡ anh ta có gọi cậu ngay lúc đó.’

Ellie nghe tiếng lũ bạn cười, cay đắng nhận ra sự thật ẩn chứa trong tràng cười châm chọc ấy. Rõ ràng ở một nơi nào đó trong cô vẫn luôn chờ ánh sáng lóe lên trên màn hình nhỏ của chiếc điện thoại báo hiệu một cuộc điện thoại gọi tới. Một cuộc điện thoại không bao giờ xảy ra.

Douglas đưa cô về nhà. Cậu chàng là người duy nhất trong số bốn người hiện sống cùng bồ, một cô gái tên là Lena, làm khá to cho một công ty quảng cáo công nghệ và thường xuyên ở văn phòng tới mười, mười một giờ đêm. Lena chẳng bao giờ lấy làm phiền lòng khi thấy cậu thường xuyên đi chơi với những cô bạn cũ – thực ra cô ta cũng đã đi cùng cậu một vài lần nhưng cô ấy thấy khó có thể hòa hợp với những câu chuyện đùa cũ rích liên quan tới những kỷ niệm từ cả thập kỷ trước đây. Vì vậy phần lớn là cô để cậu đi một mình.

‘Thế cuộc sống của cậu thì sao, cậu bé to đầu?’ Ellie kéo nhẹ tay cậu khi họ suýt va phải xe đẩy hàng ai đó để ngay trên vỉa hè. ‘Ở trong quán rượu, cậu không nói gì về bản thân cậu cả. Hoặc có thể cậu nói lúc tớ chưa tới.’

‘Cũng chẳng có gì mới,’ anh nói hơi chút ngập ngừng. Anh thọc cả hai tay vào túi áo. ‘Mà cũng không hẳn thế. Ừm… Lena muốn có con.’

Ellie nhìn sang anh. ‘Ồ!’

‘Và tớ cũng muốn,’ anh vội nói thêm. ‘Chúng tớ đã bàn về chuyện đó cả thế kỷ rồi, và chúng tớ quyết định là sẽ chẳng bao giờ có thời điểm nào gọi là thích hợp cả nên tốt nhất cứ tiến hành luôn đi.’

‘Các cậu thật lãng mạn theo kiểu cổ hủ.’

‘Tớ… tớ không biết nữa… tớ thấy khá vui. Thật đấy. Lena vẫn sẽ làm công việc của cô ấy, còn tớ sẽ ở nhà trông em bé. Cậu biết đấy, miễn là mọi thứ diễn ra đúng như dự tính…’

Ellie cố gắng giữ giọng bình tĩnh. ‘Đó có phải là điều cậu thực sự muốn?’

‘Đúng vậy, đằng nào tớ cũng không thích công việc đang làm. Còn cô ấy có một công việc rất tốt và làm ra nhiều tiền. Tớ nghĩ được chơi đùa với một đứa trẻ cả ngày cũng thú vị đấy chứ.’

‘Có đứa con không chỉ đơn thuần là chơi đùa với chúng –’ cô nói.

‘Tớ biết. Cẩn thận… đi lên vỉa hè đi.’Anh nhẹ nhàng kéo cô tránh sang một bên. ‘Nhưng tớ sẵn lòng chấp nhận. Tớ không muốn tối nào cũng chui vào mấy quán rượu. Tớ muốn bước sang một trang mới. Điều đó không có nghĩa là tớ không thích ra ngoài chơi với các cậu, mà chỉ là… đôi khi tớ tự hỏi chẳng lẽ tất cả chúng ta… cậu biết đấy… vẫn chưa trưởng thành ư?’

‘Ồ, không!’ Ellie siết chặt cánh tay anh. ‘Cậu đã bước qua nửa kia đen tối của cuộc đời.’

‘Ồ, tớ không quá nặng nề chuyện công việc như cậu. Với cậu, sự nghiệp là tất cả, đúng không?’

‘Gần như là tất cả,’ cô thú nhận.

Họ lặng im bước bên nhau qua một vài con phố nữa, lắng nghe tiếng còi vọng lại từ xa, tiếng đóng cửa xe ô tô và những âm thanh hỗn độn khác. Ellie luôn thích khoảnh khắc vào lúc tối muộn như thế này, khi cô được đùa giỡn cùng với những người bạn thân thiết, tạm để sang một bên những lo toan trong cuộc sống. Cô đã có một buổi tối tuyệt vời trong quán rượu cùng những người bạn, cô đang trở về căn phòng ấm cúng của cô. Cô khỏe mạnh. Cô có một tài khoản tín dụng với khá nhiều tiền chưa dùng tới và cô đang lên kế hoạch sẽ làm gì với số tiền đó vào cuối tuần này. Cô là đứa duy nhất trong lũ bạn chưa bị ràng buộc với một anh chàng tóc hoa râm chưa vợ nào đó. Cuộc sống chẳng thể tuyệt vời hơn.

‘Cậu đã bao giờ nghĩ về cô ấy chưa?’ Douglas hỏi.

‘Ai cơ?’

‘Vợ của John. Cậu có nghĩ là cô ấy biết?’

Câu hỏi của anh phủ một bóng mây lên niềm hạnh phúc của cô. ‘Tớ không biết.’ Cô nói tiếp khi thấy Douglas không nói gì, ‘Nếu tớ là cô ấy, chắc chắn tớ sẽ biết. Anh ấy bảo vợ anh ấy quan tâm tới mấy đứa con hơn là chồng. Đôi khi tớ tụ nhủ có lẽ cô ấy còn thích thú khi không phải quan tâm lo lắng cho chồng nữa. Ý tớ là làm cho chồng thỏa mãn.’

‘Đó chỉ là một ý nghĩ chủ quan của cậu.’

‘Có thể. Nhưng nếu phải nói thật lòng thì không, tớ chẳng nghĩ về cô ta và tớ cũng chẳng thấy có lỗi gì. Vì tớ nghĩ những chuyện này sẽ không xảy ra nếu họ sống hạnh phúc.’

‘Đàn bà các cậu có một cách nhìn cực kỳ sai lệch về đàn ông.’

‘Cậu nghĩ anh ấy vẫn sống hạnh phúc với vợ mình?’ cô nghiên cứu nét mặt anh.

‘Tớ không biết anh ta có đang sống hạnh phúc hay không. Tớ chỉ biết rằng một người đàn ông ngoại tình không có nghĩa là anh ta đang có gì đó bất ổn với vợ anh ta.’

Cô thấy tâm trạng lẫn lộn và buông tay cậu bạn, sửa lại chiếc khăn trên cổ.

‘Cậu nghĩ tớ là một người tồi tệ. Hoặc anh ấy là một người tồi tệ?’

Nói hẳn ra như thế còn hơn. Cái sự thật mà Douglas vừa nhắc tới, những lời chỉ trích bóng gió của những người bạn tại quán rượu, khiến cô đau lòng.

‘Tớ không nghĩ ai là người tồi tệ ở đây cả. Tớ nghĩ về Lena. Cô ấy sinh cho tớ một đứa con và chỉ vì cô ấy quan tâm nhiều tới đứa con của tớ hơn là quan tâm tới tớ mà tớ lại đi lăng nhăng ở ngoài…’

‘Có nghĩa là cậu nghĩ anh ta là người tồi tệ.’

Douglas lắc đầu. ‘Tớ chỉ…’ Anh dừng lại, nhìn một lúc lên bầu trời sâu thẳm trước khi nói điều anh suy nghĩ. ‘Tớ nghĩ cậu phải rất cẩn thận Ellie à. Cái việc cứ suốt ngày phải dò đoán ý anh ta là gì, anh ta muốn gì là chuyện nhảm nhí nhất tớ từng thấy. Cậu đang phí phạm thời gian của cậu. Trong quan niệm của tớ, mọi chuyện đơn giản hơn nhiều. Một người nào đó thích cậu, cậu thích một ai đó, cả hai người sẽ phải hy sinh vì nhau.’

‘Cậu sống trong một thế giới quá hoàn hảo, Doug. Đáng tiếc đó không phải là một cuộc đời thật.’

‘Được rồi, chúng ta nên chuyển sang đề tài khác. Thật chẳng hay ho gì khi nốc rượu vào.’

‘Không đúng.’ Giọng cô đanh lại. ‘Rượu là cha đẻ của sự thật. Có gì đâu. Ít nhất tớ cũng biết cậu nghĩ gì. Kể cả bây giờ tớ sẽ ổn thôi. Chào Lena giùm tớ.’ Cô chạy ngang qua hai con đường nữa mới về tới nhà, không hề ngoái lại nhìn người bạn cũ.

Tờ Nation chất đầy các loại thùng đựng đồ để chuẩn bị dọn sang tòa nhà mới được lát kính sáng loáng ngay bên khi cầu cảng phía đông thành phố. Tòa soạn chuyển dần từng bộ phận một; nơi trước đây là những chồng thông cáo báo chí, tài liệu và các bài báo lưu trữ thì nay chỉ là những chiếc bàn để không với bề mặt sáng bóng một cách bất ngờ. Những món quà kỉ niệm của những sự kiện đáng nhớ được khui lên, từ phần thưởng của một chuyến đi khảo cổ, cho đến lá cờ kỷ niệm của hoàng gia, những chiếc mũ trắng kim loại từ thời chiến tranh và những chứng chỉ được đóng khung của những giải thưởng đã bị quên lãng. Một đống dây nhợ nằm ngổn ngang, thảm trải sàn đã được dỡ đi, trần nhà lộ ra những lỗ hổng gớm ghiếc. Bộ phận Quảng cáo và Ban chuyên đề Thể thao đã chuyển tới Compass Quay. Tờ Tạp chí Thứ bảy, Ban Kinh tế và Tài chính Cá nhân cũng sẽ chuyển sang đó trong vài tuần tới. Riêng Ban Phóng sự của Ellie sẽ chuyển tới sau cùng, cùng với Ban Tin tức, và sẽ phải chuyển từ từ rất cẩn trọng để số báo ra ngày thứ Bảy xuất bản từ địa chỉ cũ trên phố Turner, nhưng số báo ngày thứ hai sẽ phải được xuất bản từ địa chỉ mới.

Tòa nhà, vốn là trụ sở của tờ báo trong một trăm năm qua, giờ không còn là một nơi thích hợp nữa. Theo ban điều hành, tòa nhà không đáp ứng được bản chất năng động của một tờ báo hiện đại, thường xuyên phải cập nhật tin tức. Nó có quá nhiều ngóc ngách.

‘Chúng ta phải ăn mừng sự kiện này,’ Melissa, trưởng Ban phóng sự, nói vọng ra từ văn phòng gần như trống rỗng của bà. Bà mặc một chiếc váy lụa dài màu vang đỏ. Nếu Ellie vận chiếc váy đó, trông cô sẽ chẳng khác gì bà ngoại mặc váy ngủ đi làm, vậy mà khi nó được Melissa khoác lên người – trông bộ trang phục thật sang trọng.

‘Việc chuyển văn phòng á?’ Ellie vẫn không rời mắt khỏi chiếc điện thoại di động, vẫn im phăng phắc ở bên cô từ nãy đến giờ. Xung quanh cô, những phóng viên Ban Phóng sự im lặng không nói gì, máy tính, di động để trên đầu gối.

‘Đúng vậy. Tôi nói chuyện với một trong những người trông coi thư viện tối hôm nọ. Ông ấy nói có rất nhiều tài liệu cũ ở trong kho chẳng được ai ngó ngàng tới cả mấy năm nay. Tôi đang muốn viết một phóng sự gì đó về cuộc sống của người phụ nữ năm mươi năm trước đây. So với thời đó, người phụ nữ thời nay đã thay đổi như thế nào, về trang phục, về những lo toan và về quan điểm trong cuộc sống. Tôi muốn có những trường hợp thực tế để so sánh, thời đó và thời nay.’

Melissa mở tập tài liệu và lấy ra một vài trang photo khổ A3. Bà đọc với giọng đầy tự tin của một người biết rằng mình luôn được những người khác nghe chăm chú. ‘Ví dụ, trên mục Thắc mắc của một tờ báo cũ có một mẩu thư như thế này: “Làm thế nào tôi có thể khiến vợ tôi ăn mặc đẹp hơn và trông quyến rũ hơn. Mỗi năm tôi kiếm được 1.500 bảng Anh và con đường sự nghiệp của tôi đang rất thuận lợi. Tôi thường được khách hàng mời tới các sự kiện, nhưng dạo này tôi buộc phải tìm cách thoái thác vì thú thực là vợ tôi ăn mặc rất luộm thuộm.”’

Có tiếng cười khúc khích trong phòng.

‘”Tôi đã thử góp ý khéo với cô ấy, nhưng cô ấy nói cô ấy không quan tâm tới thời trang, trang sức hay trang điểm. Nhìn cô ấy thật chẳng giống vợ của một người đàn ông thành đạt, điều tôi luôn mong muốn ở cô ấy.”’

Có lần John nói với Ellie rằng, sau khi có con, vợ anh hoàn toàn chẳng quan tâm gì đến vẻ bề ngoài nữa. Rồi anh nhanh chóng chuyển sang đề tài khác, và sau đó không bao giờ nhắc về điều đó nữa, như thể việc phê phán vợ như vậy là hành động phản bội hơn cả việc anh ngủ với người đàn bà khác. Ellie thấy bực dọc trước biểu hiện ấy dù cô ít nhiều thông cảm với anh. Nhưng những gì anh nói đã ghim sâu trong tưởng tượng của cô. Cô tự vẽ ra hình ảnh vợ anh: lôi thôi trong bộ quần áo ngủ ố vàng, tay bế con, miệng càm ràm chuyện tiền nong chi tiêu. Cô muốn nói với anh là cô sẽ không bao giờ là người như thế.

‘Lẽ ra nên để vào mục Tâm sự.’ Rupert, biên tập chuyên trang Thứ Bảy, ngả về phía trước nhìn vào tờ photo.

‘Tôi không nghĩ họ cần làm thế. Nghe câu trả lời này: “Có thể vợ anh nghĩ rằng giờ cô ấy không nhất thiết phải là một phần bộ mặt của anh nữa. Cô ấy chắc chắn tự nhủ rằng mình đã lấy chồng, hạnh phúc và ổn định, vì sao mình còn phải quan tâm đến điều đó?”’

‘Thế đó,’ Rupert kết luận. ‘”Kết quả hạnh phúc của một cuộc hôn nhân là thế đó”.’

‘’Tôi thường xuyên chứng kiến cảnh một cô gái vừa chạm ngõ vào tình yêu nhanh chóng biến thành một bà già thơ thẩn sống với cuộc hôn nhân cũ kỹ. Đã có lúc họ đẹp và tươi trẻ như một bức họa mới vẽ, với vòng eo lý tưởng và mùi nước hoa thoang thoảng. Rồi một người đàn ông tới và nói, ‘Anh yêu em’, thế là chỉ một thời gian sau, cô gái rạng rỡ đó biến thành một bà già luộm thuộm. Một bà già luộm thuộm nhưng hạnh phúc.”’

Căn phòng rộ lên những tràng cười khúc khích.

‘Nếu là các cô thì các cô sẽ chọn thế nào? Tìm mọi cách giữ eo thon hay là làm một mẹ sề hạnh phúc?’

‘Tôi nhớ hình như đã xem một bộ phim tựa đề như thế không lâu trước đây,’ Rupert nói.

Nụ cười của anh chàng tắt ngóm khi nhận thấy căn phòng bỗng im bặt tiếng cười.

‘Có rất nhiều điều chúng ta có thể khai thác về đề tài này.’ Melissa khoát tay chỉ về phía tập tài liệu. ‘Ellie, cô có thể tìm thêm tự liệu trong chiều nay không? Để xem có gì hay ho không. Chúng ta chỉ quay lại thời kỳ cách đây bốn mươi, năm mươi năm thôi. Khoảng cách một thế kỷ có thể là quá xa. Ban biên tập đồng ý để chúng ta tự quyết định đề tài miễn là làm sao lôi kéo được độc giả.’

‘Chị muốn tôi phải chui đầu vào kho tài liệu ý hả?’

‘Có gì vướng mắc à?’

Tất nhiên là không với người nào thích ngồi trong bốn bức tường tối với mùi giấy mốc ẩm và bị ông già lập dị canh thư viện tròng trọc theo dõi như tội phạm. Ông già đó chắc phải tới ba mươi năm chưa nhìn thấy mặt trời.

‘Ồ, không có gì,’ cô nói một cách vui vẻ. ‘Tôi chắc chắn sẽ tìm ra một thứ gì đó thú vị.’

‘Nếu muốn cô có thể mang theo một vài người trợ giúp. Tôi nghe nói có một vài bí mật ẩn giấu dưới đó.’

Ellie không nhận ra sự vui thích một cách ác ý của trưởng ban khi bà cố tình áp đặt kiểu tư duy của “bà đầm thép về thời trang” Anna Wintour vào trong cái tòa soạn này. Cô đang bận suy nghĩ. Tiêu rồi. Ở dưới đó không có sóng điện thoại.

‘Mà này Ellie, cô đi đâu cả buổi sáng nay?’

‘Gì cơ ạ?’

‘Sáng nay tôi muốn cô viết một tin về những đứa trẻ bị lạc người thân. Đúng vậy không? Không ai biết cô ở đâu.’

‘Tôi đi phỏng vấn.’

‘Phỏng vấn ai?’

Bất kỳ ai cũng sẽ nhận ra ngay lập tức nụ cười mỉa mai của Melissa thực ra là một tiếng gầm gừ.

‘Một luật sư. Người có công tố giác. Tôi hy vọng có gì đó để viết bài về sự phân biệt đối xử phía sau cánh cửa phòng ngủ.’ Cô bật ra trước khi kịp nghĩ mình sẽ nói gì.

‘Phân biệt đối xử. Có vẻ không có gì độc đáo lắm. Ngày mai cô nhớ tới văn phòng đúng giờ. Những cuộc phỏng vấn tự biện ấy cô nên tiến hành ngoài giờ làm việc. Rõ chứ?’

‘Rõ.’

‘Tốt. Tôi muốn một bài phóng sự hai trang cho số báo đầu tiên xuất bản từ địa chỉ mới. Một cái gì đó đánh dấu sự thay đổi.’ Bà viết nguệch ngoạc lên cuốn sổ bìa sa. ‘Những thiên kiến, quảng cáo, vấn đề nổi cộm… Chiều nay cho tôi xem cô tìm được gì và chúng ta sẽ bàn tiếp.’

‘Chắc chắn rồi,’ Ellie nở nụ cười rạng rỡ và chuyên nghiệp, bước theo mọi người ra khỏi văn phòng.

Cả ngày phải chui đầu trong cái hầm chết tiệt đó để chuộc tội, cô vừa gõ vào màn hình vừa nhấp một ngụm rượu nhỏ. Phòng lưu trữ thông tin. Anh phải thấy mình may mắn khi không bị như thế.

Anh gửi lại thư cho cô từ hòm thư cá nhân. Anh tự gọi mình là Gã văn thư, họ hay trêu chọc nhau như thế. Cô co chân lên ghế và đợi tín hiệu trả lời từ phía anh.

‘Em là một kẻ ngoại đạo tồi tệ. Anh thích tất cả những gì được lưu trữ, màn hình trả lời lại cô. Nhớ nhắc anh một ngày đẹp trời nào đó đưa em tới Thư viện Báo chí Anh quốc.’

Cô cười ngoác miệng. Anh thật biết cách đem lại niềm vui cho một cô gái nhỏ.

Em đã làm hết sức

Ông già thủ thư duy nhất ở đó vứt cho em một đống giấy lộn. Chắc cũng chả có gì hay ho để đọc trước khi đi ngủ.

Rồi cô cho thêm đằng sau tin nhắn ấy một hình mặt cười vì sợ anh sẽ nghĩ cô đang tìm cách châm biếm.

Nhưng rồi ngay lập tức cô nguyền rủa mình khi nhớ ra có lần anh viết một tiểu luận trên tờ Literary Review nói về việc những chiếc mặt cười chính là sản phẩm của việc truyền thông hiện đại đi sai hướng.

Đó là một cái mặt cười mỉa mai, cô gõ thêm vầ để tay lên che miệng.

Đợi chút, có điện thoại. Màn hình đứng yên.

Điện thoại. Từ vợ anh ấy? Anh đang ở một khách sạn ở Dublin. Cửa sổ phòng anh nhìn ra hồ nước, anh bảo cô thế. Em hẳn sẽ thích nó. Cô cần phải trả lời anh thế nào đây? Vậy lần sau anh đưa em tới đó nhé? Quá đòi hỏi. Em chắc chắn là em sẽ thích? Nghe có vẻ hơi châm biếm. Vâng, cuối cùng cô trả lời chỉ một câu ngắn gọn và buông tiếng thở dài khẽ.

Tất cả là lỗi tại cô, bọn bạn cô vẫn bảo thế. Kể cũng kỳ lạ, cô phải công nhận điều đó.

Cô gặp anh tại một hội chợ sách ở Suffolk. Cô được yêu cầu phỏng vấn nhà văn chuyên viết tiểu thuyết ly kỳ, người đã có một đống tài sản kếch xù. Tên anh là John Armour, nhân vật trong tiểu thuyết của anh, Dan Hobson, là một nhân vật nửa hoạt hình nửa người cổ xưa. Cô phỏng vấn anh trong bữa ăn trưa, chờ đợi anh sẽ đưa ra những lý lẽ rẻ tiền để bảo vệ cho loại hình tiểu thuyết này, có thể thêm một vài phàn nàn về nền công nghiệp xuất bản – cô thấy mấy ông nhà văn chả bao giờ hứng thú với việc bị phỏng vấn. Cô chờ đợi gặp một ông nhà văn bụng phệ, tầm tuổi trung niên, lờ đờ sau nhiều năm ngồi bàn giấy. Thế nhưng người đàn ông đến bắt tay chào cô lại là một người cao ráo, da rám nắng và lốm đốm tàn nhang, mang dáng vẻ của một người nông dân Nam Phi dày dạn nắng gió. Anh ấy thật vui tính, duyên dáng, quan tâm tới cô và thích tự chế giễu mình. Hóa ra anh lại là người phỏng vấn lại cô, hỏi về công việc của cô, rồi anh kể cho cô thuyết về nguồn gốc ngôn ngữ và vì sao anh luôn tin truyền thông đang bị biến thái sang một kiểu ủy mị và xấu xa.

Khi cà phê được mang tới, cô giật mình nhận ra chưa ghi được một chút gì vào sổ tay trong suốt bốn mươi phút.

‘Anh không thích âm điệu của chúng à?’ Cô hỏi khi họ cùng bước ra khỏi nhà hàng và quay trở lại hội chợ sách. Đó là thời điểm cuối năm và những tia nắng mùa đông đã khuất từ lâu sau dãy nhà thấp tầng trên con phố yên tĩnh. Cô đã uống rất nhiều rượu, tới mức cô không còn thể điều khiển những lời cô định nói ra như cô muốn. Cô vẫn chưa muốn rời nhà hàng kia mà.

‘Cái gì cơ?’

‘Tiếng Tây Ban Nha đó. Và cả tiếng Ý. Chắc hẳn vì thế mà tôi thích nghe opera bằng tiếng Ý và không thể chịu nổi tiếng Đức. Một ngôn ngữ thô kệch và khô cứng.’ Sự im lặng của anh khiến cô mất nhuệ khí. Cô bắt đầu nói lắp: ‘Tôi biết có thể mình không hợp thời, nhưng tôi rất thích Puccini. Tôi yêu những bản nhạc cao vút ấy. Tôi thích cách uốn lưỡi khi phát âm chữ r, cách ngắt từ…’ Cô ấp úng khi tự thấy giọng điệu đầy vẻ khoe khoang của mình. Anh dừng lại tại bậc thềm, nhìn nhanh về phía con đường họ vừa đi, rồi quay về phía cô. ‘Tôi không thích opera.’ Anh nhìn xoáy vào cô khi nói. Như thể anh đang cố tình thách thức cô. Cô cảm thấy tim mình thắt lại. Ôi, Lạy Chúa.

‘Ellie,’ Anh hắng giọng khi họ đứng đó phải tới một phút. Đó cũng là lần đầu tiên anh gọi cô bằng tên. ‘Ellie, tôi phải chạy về khách sạn lấy vài món đồ trước khi quay trở lại hội chợ. Cô có muốn đi cùng tôi không?’

Anh chỉ vừa kịp đóng cửa phòng khách sạn sau lưng, họ đã nằm trên nhau, hai cơ thể quấn lấy nhau, hôn nhau ngấu nghiến trong khi tay họ vội vàng điên cuồng cởi áo của nhau.

Sau này cô đã hồi tưởng lại hành xử của cô lúc ấy và luôn tự hỏi về giây phút lạc lối này. Cô đã quay thước phim đó hàng trăm lần và cô nhớ rất rõ từng chi tiết, chứ không phải cái cảm xúc cực phấn khích lúc đó. Quần áo lót của cô, như mọi khi, chẳng hề ăn nhập với nhau, bị vứt sang một bên; sau khi làm tình xong họ nằm trên sàn nhà, nhìn nhau cười khúc khích một cách điên rồ. Cả cái khoảnh khắc anh duyên dáng đưa trả lại chìa khóa cho quầy lễ tân vào cuối buổi chiều hôm đó.

Anh gọi lại cho cô hai ngày sau, và niềm phấn khích của cô dần chuyển sang một cảm giác thất vọng.

‘Em biết là anh đã có vợ,’ anh nói. ‘Chắc hẳn em đã đọc tiểu sử của anh chứ.’

‘Em đã tìm trên mạng mọi thông tin liên quan đến anh,’ cô nói với anh trong im lặng.

‘Anh chưa bao giờ… phản bội vợ. Anh giờ vẫn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra.’

‘Em nghĩ chắc tại bánh trứng,’ cô nói một cách ngượng nghịu.

‘Em khiến anh lạc lối, Ellie Haworth. Anh đã không thể viết nổi một từ trong bốn mươi tám tiếng vừa qua. Em khiến anh quên mình định nói gì.’

Vậy em là người có lỗi ư, cô nghĩ. Ngay khi cô cảm nhận toàn bộ cơ thể anh đè lên mình, môi anh tìm tới môi cô, cô đã hiểu – mặc cho những gì cô nói với đám bạn về hội đàn ông đã có vợ, tất cả những gì cô tin tưởng trước đây – rằng cô chỉ cần biết anh thực sự nghĩ gì.

Một năm sau đó, cô vẫn chưa muốn bắt đầu tìm một lối ra khỏi bế tắc này.

Anh xuất hiện lại trên mạng bốn lăm phút sau đó. Lúc này cô đã rời màn hình, kiếm cho mình một ly rượu nữa trong khi đi lại vô định trong phòng, ngắm nghía mình qua tấm gương trong phòng tắm. Rồi cô thu gom đống tất và vứt vào giỏ đồ giặt. Cô nghe tiếng pip của tin nhắn và vội sà xuống ghế.

Xin lỗi. Anh không định để em đợi lâu thế. Ngày mai nói chuyện tiếp nhé.

Không được gọi điện thoại di động, anh đã nói với cô thế. Hóa đơn điện thoại hiển thị chi tiết từng cuộc gọi.

Anh có đang ở trong khách sạn không? Cô vội đánh trả lời. Em có thể gọi vào phòng anh. Những lời cô vừa nói ra thật xa xỉ và hiếm hoi. Nhưng lạy Chúa, cô chỉ muốn được nghe giọng nói của anh.

Anh phải đi ăn bây giờ, em yêu. Xin lỗi – anh muộn rồi. Nói chuyện sau x

Và anh đi.

Cô nhìn chằm chằm vào màn hình bất động. Anh đang tiến xuống dưới sảnh, cười duyên dáng với nhân viên quầy tiếp tân, bước vào chiếc xe hội chợ đã chuẩn bị sẵn cho anh. Tối nay anh có bài nói chuyện thú vị với những vị khách dùng bữa tiệc tối và anh sẽ khiến bất kỳ ai có may mắn được ngồi cùng bàn với anh cảm thấy thú vị với những câu chuyện hài hước. Anh sẽ tới đó, sống hết mình ở đó, trong khi cô đang ngồi tại một nơi rất buồn chán.

Cô đang làm cái quái quỷ gì thế này?

‘Mình đang làm cái quái quỷ gì thế này?’ cô nói to một mình và bấm vào nút tắt máy tính. Cô trút nỗi thất vọng lên trần nhà và thả mình xuống chiếc giường lạnh lẽo trống trải. Cô không thể gọi điện cho bạn cô lúc này: họ đã quá quen với những câu chuyện của cô, và cô cũng thừa biết họ sẽ nói gì – họ chỉ nói duy nhất điều đó. Những gì Doug đã nói với cô nghe thật đau đớn. Nhưng cô cũng sẽ nói y chang như thế với người khác nếu cô ở vào địa vị của họ.

Cô ngả người trên ghế sofa, bật vô tuyến lên. Rồi cô liếc sang đống tài liệu để bên cạnh và với tay lấy để lên trên đùi, vừa lật vừa nguyền rủa Melissa. Một đống giấy tờ linh tinh, anh chàng thủ thư nói với cô, những mảnh vụn cắt ra từ những tờ báo không có ngày tháng và thư mục – ‘Tôi không có thời gian đọc hết chúng. Chúng tôi nhận được rất nhiều những tài liệu kiểu như thế này hàng ngày.’ Đây là anh chàng thủ thư duy nhất ở đây chưa tới 50 tuổi. Cô tự hỏi vì sao trước đây cô không hề biết anh.

‘Cô thử xem có thể dùng được chúng không.’ Anh chàng ngả người về phía trước một cách bí ẩn. ‘Những gì cô thấy không cần dùng đến thì cô vứt luôn đi, nhưng đừng nói gì với sếp tôi. Chúng tôi giờ ngập đầu với các loại tài liệu giấy tờ nên không thể có thời gian mà quản lý hết chúng được.’

Cô nhanh chóng hiểu vì sao anh ta nói thế khi lật nhanh chồng tài liệu: một vài bài phân tích sân khấu, một danh sách dài những hành khách tham dự hành trình trên con tàu thủy, một vài thực đơn trong những bữa tiệc tối. Cô vừa xem vừa liếc mắt nhìn vô tuyến. Mớ giấy lộn này chẳng có nổi một mẩu chuyện thú vị để làm hài lòng Melissa.

Rồi cô lật tới một tập giấy nhìn như thể hồ sơ khám bệnh. Toàn các bệnh về phổi, cô nhận thấy ngay lập tức. Rồi một vài giấy tờ liên quan tới khai khoáng. Cô vừa định quẳng chúng sang một bên thì một góc giấy màu xanh nhạt đập vào mắt cô. Cô nhẹ nhàng dùng ngón tay trỏ và tay cái lôi ra được một chiếc phong bì với đề thư viết bằng tay. Chiếc phong bì đã được ai đó mở, bên trong có một bức thư đề ngày 4 tháng Mười 1960.

Tình yêu duy nhất đời anh,

Anh nói đúng như những gì anh nghĩ. Cuối cùng anh cũng đi tới quyết định rằng cách duy nhất để giải thoát cho hai chúng ta là một trong hai phải đưa ra quyết định táo bạo.

Anh không phải là người mạnh mẽ như em. Khi anh lần đầu gặp em, anh nghĩ em là một người thật mong manh dễ vỡ, một người anh cần che chở bảo vệ. Giờ thì anh nhận ra anh thật sai lầm. Em là người mạnh mẽ, một người có thể chịu đựng một cuộc sống với một tình yêu như thế, với một thực tế là chúng ta sẽ không bao giờ được phép làm thế.

Xin em đừng phán xét sự yếu đuối của anh. Cách duy nhất anh có thể làm là tới một nơi anh sẽ không bao giờ gặp lại em nữa, và cũng sẽ không bị ám ảnh bởi khả năng có thể nhìn thấy em cùng với anh ta. Anh cần tới một nơi nào đó mà anh không còn thời gian để nghĩ về em, hàng giờ, hàng phút. Ở thành phố này thì anh không thể làm thế.

Anh sẽ nhận công việc này. Anh sẽ ở Sân ga số 4, Paddington, 7h15 tối Thứ Sáu, và không có gì trên đời này làm anh hạnh phúc hơn nếu em đủ can đảm đi cùng anh.

Nếu em không tới, anh biết những tình cảm chúng ta dành cho nhau chắc hẳn chưa đủ mạnh. Anh sẽ không trách em, em yêu. Anh biết em đã phải trải qua những giây phút khó khăn thế nào trong những tuần vừa rồi và bản thân anh cũng thấy rất nặng nề vì việc đó. Anh không thể chịu nổi cái ý nghĩ vì anh mà em buồn.

Anh sẽ đợi em trên sân ga từ bảy giờ kém mười lăm. Em có biết em nắm giữ trái tim anh, niềm hy vọng của anh, trong tay em.

Người yêu của em,

B

Ellie đọc lại bức thư lần nữa và không hiểu sao mắt cô bỗng nhòe lệ. Cô không thể rời mắt khỏi những dòng chữ viết tay nghiêng ngả, những từ ngữ như nhảy múa trước mắt cô sau bốn mươi năm bị chôn vùi. Cô lật lại phong bì xem kỹ hơn. Nó được gửi tới hòm thư số 13, bưu điện Luân Đôn. Có thể gửi cho một người đàn ông hoặc một người đàn bà. Mình phải làm gì, hòm thư số 13? Cô tự hỏi.

Rồi cô đứng dậy, cẩn thận đút lại bức thư vào phong bì và bước về bàn máy tính. Cô mở hòm thư điện tử và bấm nút ‘nhận thư’. Không có tin nhắn nào mới gửi cho cô kể từ cái cuối cùng lúc bảy giờ bốn lăm phút.

Anh phải đi ăn bây giờ, em yêu. Xin lỗi – anh muộn rồi. Nói chuyện sau x

Phần 1

Cách duy nhất anh có thể làm là tới một nơi anh sẽ không bao giờ gặp lại em nữa, và cũng không bị ám ảnh bởi khả năng có thể nhìn thấy em cùng với anh ta. Anh cần tới một nơi nào đó mà anh không còn thời gian để nghĩ về em, hàng giờ, hàng phút. Ở thành phố này thì anh không thể làm thế.

Anh sẽ nhận công việc này. Anh sẽ ở sân ga số 4, Paddington, 7h15 tối Thứ Sáu, và không có gì trên đời này làm anh hạnh phúc hơn nếu em đủ can đảm đi cùng anh.

Thư một người đàn ông gửi một ngưởi đàn bà.

1960

‘Cô ấy tỉnh rồi.’

Có tiếng sột soạt, tiếng ghế kéo sang một bên, rồi tiếng rèm cửa được kéo ra. Hai giọng nói thì thầm với nhau.

‘Để tôi đi kiếm ông Hargreaves.’

Rồi cả phòng lại chìm vào im lặng. Trong thinh không tuyệt đối im lặng ấy, cô dần nhận ra những tầng âm thanh khác nhau – tiếng thì thầm vọng lại từ một nơi xa xôi nào đó, tiếng ô tô đi lại: dường như, rất lạ, như thể chúng đang đi ngay dưới người cô vậy. Cô nằm yên để cảm nhận chúng, để mặc trí óc bay bổng, khi cô đã có thể phân biệt được từng âm thanh. Chỉ đến lúc này cô mới bắt đầu cảm thấy người cô đau ê ẩm. Cơn đau ấy len lỏi khắp người: đầu tiên là cánh tay cô, đau thấu da thấu thịt từ khuỷu tay lên đến vai, rồi tới đầu: trống rỗng, uể oải. Toàn bộ cơ thể cô đau nhức, hệt như lúc cô…

Lúc cô…?

‘Ông ấy sẽ tới trong vòng hai giây. Ông ấy bảo phải kéo rèm lại.’

Miệng cô đắng ngắt. Cô mím môi lại và nuốt một cách khó nhọc. Cô muốn xin một ít nước uống nhưng không thể cất tiếng. Cô cố hé mắt nhìn. Hai bóng dáng nhạt nhòa chuyển động quanh cô. Khi cô cố xác định họ là ai thì họ lại di chuyển tiếp. Màu xanh. Họ mặc áo màu xanh.

‘Cậu biết ai vừa được đưa vào phòng cấp cứu ở tầng dưới không?’

Tiếng trả lời thì thầm. ‘Bạn gái của Eddie Cochrane. Người thoát chết trong vụ tai nạn xe hơi. Cô ấy là người chuyên viết bài hát cho anh ta. Giờ thì chỉ là trong trí nhớ của anh ta.’

‘Cô ấy không thể giỏi bằng anh ta, tớ cuộc với cậu.’

‘Cô ấy xuất hiện trên báo tất cả các buổi sáng.’

Cô không hiểu họ nói gì. Đầu cô vẫn đau như búa bổ, những tiếng đập thình thịch trong đầu ngày càng dữ dội tới mức cô phải nhắm mắt lại và đợi cho nỗi đau dần lắng xuống. Rồi một khoảng trắng bao trùm lên cô, cuốn cô đi. Tràn ngập biết ơn, cô thở ra một cách nhẹ nhõm và tự cho phép mình nghỉ ngơi một chút.

‘Cô tỉnh rồi phải không cô gái? Cô có khách tới thăm này.’

Có bóng người đu đưa trước mắt cô, một bóng ma nhanh nhẹn chạy từ nơi này sang nơi khác. Cô bỗng nhớ tới chiếc đồng hồ đeo tay đầu tiên cô được sở hữu, cách cô dùng mặt đồng hồ hứng những tia nắng rồi rọi lên trần nhà, rồi lại rọi xuống nền, cứ nghịch như thế khiến chú chó nhỏ của cô sợ hãi sủa ầm ĩ.

Chiếc áo xanh lại xuất hiện. Cô thấy nó chuyển động, sột soạt. Rồi một bàn tay cầm lấy cổ tay cô, cô đau nhói và thốt lên đau đớn.

‘Cẩn thận với cánh tay bên đó, Y tá,’ một giọng nói đầy trách móc cất lên. ‘Cô ấy biết đau rồi đó.’

‘Tôi vô cùng xin lỗi, ông Hargreaves.’

‘Cánh tay đó sẽ cần phải phẫu thuật lần nữa. Chúng tôi đã cố định một vài chỗ, nhưng vẫn chưa hết.’

Một bóng đen xuất hiện phía cuối giường. Cô quyết tâm xác định đó là cái gì, nhưng giống như chiếc bóng màu xanh, cô không thể làm được, và cô buộc phải nhắm mắt lại.

‘Ông có thể ngồi cạnh cô ấy. Hãy nói chuyện với cô ấy. Cô ấy có thể nghe được rồi.’

‘Thế còn… những vết thương khác của cô ấy thì sao?’

‘Tôi e sẽ còn nhiều việc phải làm. Đặc biệt là ở cánh tay này. Và cô ấy bị một cú va chạm mạnh ở đầu nên chắc chắn phải một thời gian khá lâu nữa cô ấy mới biết mình là ai. Nhưng, với một tai nạn khủng khiếp như thế, tôi có thể nói là cô ấy đã quá may mắn khi thoát chết.’

Sự im lặng bao trùm căn phòng.

‘Đúng vậy.’

Có ai đó đặt khay trái cây xuống cạnh cô. Cô mở mắt lần nữa và nhìn chăm chú vào vật thể bên cạnh, cố sức xác định hình dáng màu sắc của chúng. Và rồi, với một sự hài lòng ra mặt, cuối cùng cô cũng biết đó là gì. Những trái nho, cô tự nhủ. Và cô nhẩm lại trong đầu: những trái nho. Cảm giác ấy thật quan trọng, như thể nó là cột mốc đánh dấu thời điểm cô quay trở lại với hiện tại.

Nhưng rồi, cũng nhanh chóng như khi xuất hiện, trí nhớ của cô vụt biến mất khi bị bao trùm bởi bóng một chiếc áo xanh thẫm bên cạnh. Khi chiếc bóng đó tiến lại gần, cô chỉ cảm nhận phảng phất mùi thuốc lá. Một giọng nói cất lên, ngập ngừng, thậm chí hơi chút bối rối. ‘Jennier? Jennifer? Em có nghe thấy anh nói không?’

Những tiếng nói sao mà to vậy; dội vào tai cô một cách khó chịu.

‘Jenny thân yêu, là anh đây.’

Cô tự hỏi liệu họ có để cô nhìn lại những trái nho nữa không. Cô thấy mình cần phải nhìn lại chúng; những trái nho tròn, tím và tươi tốt. Rất quen thuộc.

‘Ông có chắc là cô ấy nghe được rồi không?’

‘Chắc chắn, có điều cô ấy sẽ gặp những khó khăn nhất định khi bắt đầu giao tiếp lại.’

Cô muốn thốt ra điều gì đó nhưng không thể. Mà cũng có thể là cô không muốn cố gắng nữa. Dường như không có gì rõ ràng cả. ‘Anh… có thể…’ cô thì thầm.

‘Nhưng não cô ấy không bị tổn thương đúng không? Trong vụ tai nạn ý? Ông biết là sẽ không có… kéo dài…?’

‘Tôi đã nói rồi, cô ấy bị va chạm khá mạnh ở đầu, nhưng không quá mức nghiêm trọng.’ Có tiếng lật giấy. ‘Không bị rạn nứt. Không bị tổn thương não. Nhưng những chấn thương kiểu này nhiều khi cũng không biết trước được hết, mức độ ảnh hưởng phụ thuộc vào cơ địa từng bệnh nhân. Nên ông chỉ cần một chút –’

‘Làm ơn…’ Giọng cô yếu ớt, nhưng lần này đã thành lời.

‘Ông Hargreaves! Hình như cô ấy muốn nói gì.’

‘… muốn thấy…’

Một khuôn mặt cúi thấp xuống nghe cô nói. ‘Vâng?’

‘… muốn thấy…’ Những trái nho, cô van nài. Tôi chỉ muốn nhìn lại những trái nho.

‘Cô ấy muốn gặp chồng mình!’ Nữ y tá đứng thẳng dậy mừng rỡ khi đoán được ý cô nói. ‘Tôi nghĩ cô ấy muốn gặp chồng.’

Một chút im lặng, rồi một người khom về phía cô.

‘Anh đây, em thân yêu. Mọi thứ… mọi thứ ổn cả rồi.’

Cô chùng người xuống, nhận thấy một bàn tay vỗ nhẹ trên lưng. ‘Đó, ông thấy chưa? Cô ấy đã tỉnh lại rồi. Thật là đúng lúc nhỉ?’ Rồi một giọng nam cất lên. ‘Y tá, đi kiếm và yêu cầu Hộ lý chuẩn bị một ít đồ ăn cho tối nay. Đừng nhiều quá. Một ít đồ ăn nhẹ và dễ nuốt… Làm ơn cho chúng tôi một tách trà trong lúc cô chạy ra ngoài.’ Cô nghe tiếng bước chân đi xa dần và tiếng thì thầm trao đổi bên cạnh cô. Cô lại chìm vào suy nghĩ. Chồng?

Một lúc sau, khi nghe họ nói cô đã ở trong bệnh viện bao lâu rồi, cô không tin vào tai mình. Thời gian vượt ngoài tầm kiểm soát, trôi miên man và rời rạc. Bữa sáng ngày thứ Ba. Rồi bây giờ là bữa trưa ngày thứ Tư. Cô đã ngủ liền tù tì mười tám tiếng đồng hồ - họ nói điều này có vẻ không vui, như thể việc cô vắng mặt lâu như thế là điều rất không phải. Và rồi lại thứ Sáu. Một lần nữa.

Đôi khi chợt tỉnh giấc giữa đêm, cô cố nâng đầu khỏi chiếc gối màu trắng và dõi theo bóng nữ y tá đi lại nhẹ nhàng trong phòng, tiếng bước chân nhẹ nhàng của những y tá khác đi dọc hành lang, thỉnh thoảng vọng lại tiếng trao đổi thì thầm giữa y tá và bệnh nhân. Cô thậm chí được phép xem vô tuyến vào buổi tối nếu muốn, các nữ y tá nói thế. Chồng cô đã trả khá nhiều tiền để cô có thể có hầu như bất kỳ điều gì cô muốn. Nhưng cô luôn nói không, cám ơn: cô vẫn đang choáng váng trước lượng thông tin đồ sộ dồn dập đến với cô thông qua những cuộc hội thoại ở phía góc phòng.

Những buổi tối không ngủ được càng nhiều hơn, và cô bắt đầu quen dần với khuôn mặt của những nữ bệnh nhân khác cùng phòng. Nằm phía bên phải cô là một người phụ nữ đứng tuổi, mái tóc đen nhánh của bà được buộc cẩn thận, trên đầu gắn một sợi dây trang trí nhỏ: ở bà luôn thấp thoáng nỗi thất vọng với vẻ ngoài không được tươm tất ấy. Bà hẳn đã tham gia một vài bộ phim điện ảnh khi còn trẻ và sẵn sàng cho bất kỳ nữ y tá nào biết về điều đó. Giọng của bà sắc nét và bà chỉ có vài người tới thăm. Nằm ở phòng đối diện là một phụ nữ trẻ đẫy đà, bà thường khóc thầm vào lúc sáng sớm. Mỗi tối có một người phụ nữ già, nhanh nhẹn – có thể là người giữ trẻ – đưa những đứa trẻ tới gặp bà. Hai cậu bé thường trèo lên giường bà, ôm chặt bà cho tới khi bà giữ trẻ phải kéo chúng xuống, sợ chúng ‘làm đau mẹ’.

Các nữ hộ lý cho cô biết tên của những nữ bệnh nhân khác, và cả tên của họ nữa, nhưng cô không thể nhớ hết. Hẳn cô đã làm họ thất vọng.

Chồng cô, như cách mọi người vẫn gọi, tới thăm cô vào tất cả các buổi tối. Ông mặc một bộ vest cắt may rất khéo, màu xanh đậm hoặc xám. Ông thường hôn cô một cách chiếu lệ lên má và ngồi xuống phía cuối giường. Ông thì thầm hỏi cô một cách đầy quan tâm, cô thấy thức ăn hôm nay thế nào, cô có cần ông mang vào thêm cho cô thứ gì không. Đôi khi ông chỉ đến, ngồi cạnh cô và đọc báo.

Đó là một người đàn ông đẹp trai, có lẽ hơn cô mười tuổi, trán cao, mũi khoằm với một cặp mắt nghiêm trang. Bằng cách nào đó, cô biết ông chắc chắn là người như ông nói, rằng ông là chồng cô, nhưng thật bối rối khi cô không hề có cảm giác gì với ông và cách cô tiếp nhận mối quan hệ này có thể khiến mọi người ngỡ ngàng. Đôi lúc, khi ông không để ý, cô nhìn ông chằm chằm, chỉ để tìm ra một nét thân quen nào đó. Đôi lúc, khi cô thức giấc, cô thấy ông ngồi trước mặt cô, tờ báo để dưới đùi, và ông nhìn cô như thể ông đọc được suy nghĩ của cô.

Ông Hargreaves, bác sĩ riêng của cô, tới thăm cô hàng ngày, kiểm tra biểu đồ sức khỏe của cô và hỏi cô có nhờ ngày, giờ và tên cô không. Giờ thì cô đã có thể trả lời đúng hết. Thậm chí cô còn nhớ được tên thủ tướng Macmillan và tuổi của cô, hai mươi bảy. Nhưng cô rất khó khăn khi nhớ về những sự kiện xảy ra trước khi cô vào viện. ‘Rồi cô sẽ nhớ ra,’ bác sĩ nói, vỗ nhẹ vào tay cô. ‘Đừng cố bắt đầu óc mình phải làm việc.’

Rồi mẹ cô tới thăm, mang theo rất nhiều những món quà nhỏ xinh: xà bông, dầu gội đầu, những cuốn tạp chí, như thể chúng sẽ giúp cô nhớ lại những hình ảnh thời xưa cũ. ‘Cả nhà đã rất lo cho con, Jenny thân yêu ạ.’ Bà nói, đặt bàn tay mát lạnh lên trán cô. Cảm giác thật dễ chịu. Không quen thuộc, nhưng dễ chịu. Có lúc bà như định nói với cô điều gì, nhưng rồi bà chỉ thầm thì, ‘Mẹ không nên làm con bận tâm với những câu hỏi. Rồi con sẽ nhớ lại mọi thứ. Bác sĩ đã nói thế. Nên con không có gì phải lo lắng cả.’

Cô không hề lo lắng, cô muốn nói với bà điều đó. Cô cảm thấy khá yên bình trong cái bong bóng hiện tại. Cô chỉ hơi cảm thấy một nỗi buồn mơ hồ rằng cô không thể trở về là người mà tất cả mọi người đang mong chờ. Nghĩ tới điều này càng làm cô thêm bối rối và cô nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.

Cuối cùng vào một buổi sáng cô cũng nhận được thông báo là cô có thể ra viện. Tại thời điểm đó cô đã có thể đi túc tắc quanh phòng, trao đổi báo với các bệnh nhân khác, những người đang mải mê nói chuyện với các nữ y tá hay đang nghe đài. Cánh tay phải của cô phải chịu thêm một cuộc phẫu thuật thứ hai, nhưng nó đang lành khá nhanh, họ bảo cô thế dù cô vẫn cảm thấy đau đớn mỗi khi nhìn vết sẹo dài màu đỏ và cô cố gắng giấu chúng đi dưới tay áo dài. Mắt cô được kiểm tra, thính giác cũng được kiểm tra. Lớp da bị trầy xước do bị những mảnh kính vỡ bắn vào cũng đã lành. Những vết thâm tím trên người cũng đã mờ đi, những chiếc xương cổ và xương đòn bị gãy cũng đã được cố định tốt để cô có thể nằm ở bất kỳ tư thế nào cũng không cảm thấy đau.

Họ khẳng định là trông cô đã rất giống với ‘cô trước đây’, họ nói đi nói lại nhiều lần như thể nói nhiều như thế sẽ khiến cô nhớ ra cô là ai. Trong khi đó, mẹ cô lục tung đống ảnh đen trắng cũ rích và cho cô xem để cô có thể nhớ lại Jennifer của những năm tháng cũ.

Cô biết được rằng cô đã cưới chồng được bốn năm. Họ chưa có đứa con nào – qua cách mẹ cô hạ giọng khi nói về điều này, cô đoán việc này đã khiến một vài người thất vọng. Cô sống trong một ngôi biệt thự xinh đẹp ở một khu vực nổi tiếng của Luân Đôn, họ có người giúp việc và lái xe riêng. Rất nhiều phụ nữ trẻ ở thành phố này sẵn sàng đánh đổi cả răng và tóc họ để có một nửa những thứ mà cô có. Chồng cô làm chức vụ gì đó khá to trong ngành công nghiệp khai khoáng và thường xuyên phải đi công tác, mặc dù vậy ông khẳng định là ông đã hoãn khá nhiều chuyến đi cực quan trọng kể từ khi tai nạn xảy ra với cô. Qua cái cách cung kính của các nhân viên trong bệnh viện khi nói chuyện với ông, cô đoán ông đúng là một nhân vật quan trọng, và nói rộng ra, cô cũng sẽ nhận được sự cung kính tương tự dù rằng điều đó chẳng có ý nghĩa gì với cô cả.

Không ai nói gì về việc vì sao cô lại ở đây. Một lần cô lén nhìn vào sổ ghi chép của bác sĩ và biết rằng cô bị thương trong một vụ tai nạn xe hơi. Có lần cô đã cố hỏi mẹ cô xem chuyện gì đã xảy ra, nhưng mặt bà biến sắc, bà vội lấy tay che miệng cô, ‘đừng bận tâm về điều đó con gái. Những gì đã xảy ra… thật là buồn.’ Mắt bà ngấn lệ, và cô im lặng, không muốn làm bà buồn thêm nữa.

Một cô gái nhanh nhẹn với mái tóc đỏ rực được đưa tới để làm lại tóc của Jennifer cho gọn gàng. Điều này sẽ khiến chị cảm thấy dễ chịu hơn, cô gái trẻ nói. Jennifer đã mất một ít tóc phía sau đầu – chúng bị gọt đi để lấy chỗ chữa trị vết thương – và cô gái khẳng định cô rất tài trong việc che giấu những vết thương ấy ở trên đầu cô đi.

Khoảng một tiếng sau, cô gái trẻ giơ một chiếc gương lên với vẻ mặt rạng rỡ. Jennifer nhìn chằm chằm vào người đàn bà cũng đang nhìn lại cô chằm chằm. Khá là xinh, cô nghĩ với một thoáng hài lòng. Một khuôn mặt ưa nhìn dù vẫn hơi xanh xao. Khuôn mặt của mình, cô nghĩ.

‘Chị có đồ trang điểm ở đây không?’ Cô gái làm tóc hỏi. ‘Em có thể dặm một ít phấn lên mặt cho chị, nếu tay chị vẫn còn đau. Một ít son môi cũng sẽ làm mặt chị hồng hào hơn.’ Jennifer vẫn không rời mắt khỏi chiếc gương. ‘Cô có nghĩ tôi cần làm như thế không?’

‘Ồ, tất nhiên rồi. Một cô gái xinh xắn như chị. Em sẽ làm một cách rất tinh tế… và em sẽ đánh một ít phấn hồng lên má nữa. Được rồi, đợi một chút, em sẽ chạy xuống dưới lấy bộ trang điểm của em. Em có mấy cây son môi từ Paris, một ít son môi hiệu Charles of the Ritz là hoàn hảo rồi.’

‘Ồ, cô trông thật quyến rũ. Thật tuyệt khi thấy một phụ nữ được trang điểm. Điều đó chứng tỏ cô đã dần trở về cuộc sống của mình,’ ông Hargreaves nói. ‘Chúng ta ai cũng mong được trở về nhà, phải vậy không?’

‘Đúng vậy, cám ơn ông,’ cô trả lời một cách lịch sự. Cô không biết phải làm sao cho ông hiểu là cô thực sự không nhớ cái ông gọi là nhà là như thế nào.

Ông nhìn cô một lúc, có lẽ ông nhận ra sự do dự trên khuôn mặt ấy. Rồi ông đến ngồi bên cạnh giường nơi cô nằm và đặt một tay lên vai cô.

‘Tôi hiểu cô chắc hẳn đang khá bối rối, vì cô chưa thể trở về là chính cô, nhưng cô cũng đừng quá lo lắng nếu mọi thứ vẫn còn mơ hồ. Bị chấn thương ở đầu bao giờ cũng gây hậu quả như vậy. Cả gia đình luôn ở bên cô, tôi chắc chắn khi cô được sống giữa một khung cảnh quen thuộc, với những thói quen cũ, bạn bè, mua sắm như cô đã từng làm, cô sẽ dần tìm lại được cuộc sống cũ quen thuộc của mình.’

Cô gật đầu ngoan ngoãn. Mấy ngày gần đây cô nhận ra rằng nếu cô làm thế thì những người thân của cô sẽ vui hơn.

‘Một tuần sau cô sẽ phải quay lại đây để khám lại vết thương ở tay. Cô cũng cần phải điều trị vật lý trị liệu để có thể hoàn toàn hồi phục. Còn điều quan trọng nhất hiện giờ đối với cô là nghỉ ngơi và không lo nghĩ quá nhiều. Cô hiểu chứ?’

Ông đứng dậy, sẵn sàng để đưa cô đi. Cô còn có thể nói gì được nữa?

Chồng cô đến đón cô trước giờ uống trà buổi sáng. Các nữ y tá xếp hàng ngang dưới sảnh tiếp tân để chào tạm biệt cô, họ nở những nụ cười tươi tắn như những chiếc ghim cài áo trên bộ đồng phục họ đang mặc. Cô vẫn thấy khá mệt và cảm giác đứng không vững, và rất biết ơn khi chồng cô đưa tay ra đỡ cô.

‘Cám ơn vì đã chăm nom vợ tôi trong thời gian qua. Làm ơn gửi hóa đơn tới văn phòng tôi,’ ông nói với nữ y tá trưởng.

‘Rất hân hạnh,’ bà bắt tay ông và cười với Jennifer. ‘Chúng tôi rất vui khi thấy bà hồi phục. Bà nhìn rất tuyệt, thưa bà Stirling.’

‘Tôi cảm thấy… đỡ hơn nhiều rồi. Cám ơn.’ Cô khoác một chiếc áo len cashmire dài và mang một chiếc mũ nhỏ không vành rất hợp với chiếc áo. Chồng cô đã đem tới cho cô ba bộ trang phục để cô lựa chọn. Và cô chọn bộ tối màu nhất; cô không muốn là tâm điểm chú ý của mọi người.

Họ cùng ngẩng đầu lên khi thấy ông Hargreaves nói vọng vào: ‘Thư ký của tôi bảo có một vài phóng viên đứng ngoài cửa – để gặp cái cô gái Cochrane kia. Chắc ông bà sẽ muốn đi bằng cửa sau nếu không muốn bị làm phiền.’

‘Như thế chắc sẽ tốt hơn. Ông làm ơn nhắn tài xế của tôi vòng qua cửa sau được không?’

Sau vài tuần chỉ nằm trong phòng bệnh viện ấm áp, bước ra ngoài cô đột ngột thấy lạnh khủng khiếp. Cô cố gắng bước theo chân chồng, thở dồn dập và rồi cô cũng ngồi vào băng ghế sau của một chiếc xe hơi lớn màu đen, thấy dễ chịu hơn với chiếc ghế bọc da khổng lồ, một âm thanh sang trọng phát ra từ cánh cửa ô tô được đóng lại. Chiếc xe tiến vào trung tâm thành phố Luân Đôn đông đúc.

Cô liếc nhìn qua cửa sổ, thấy các phóng viên tập trung khá đông ngay phía cổng trước, cô quấn một chiếc khăn che kín mặt trước các ống kính. Phía đằng xa, đường phố Luân Đôn dày đặc người đi lại hối hả, những chiếc cổ áo được dựng ngược lên để che giấu, những chiếc mũ được kéo xuống tận lông mày.

‘Cô gái Cochrane nghĩa là gì?’ cô quay sang nhìn ông và hỏi.

Ông đang nói nhỏ điều gì đó với lái xe. ‘Ai cơ?’

‘Cô gái Cochrane. Ông Hargreaves vừa nhắc tên cô ấy.’

‘Có thể là ông ấy muốn ám chỉ người bạn gái của một ca sĩ nổi tiếng. Họ gặp tai nạn xe hơi chỉ trước khi…’

‘Tất cả mọi người ở bệnh viện đều bàn tán về cô ấy. Tất cả các y tá tại bệnh viện.’

Ông có vẻ như chẳng hề bận tâm. ‘Tôi sẽ đưa bà Stirling vào nhà. Sau khi thu xếp cho vợ tôi ổn định tôi sẽ lên văn phòng,’ ông nói với tài xế.

‘Chuyện gì đã xảy ra với anh ta?’ cô không bỏ cuộc.

‘Ai cơ?’

‘Cochrane. Người ca sĩ đó.’

Chồng cô nhìn sang cô, như thể muốn cân nhắc điều gì đó rồi ông nói. ‘Anh ta chết rồi.’ Xong ông quay sang nói chuyện tiếp với tài xế.

*

Cô chậm rãi bước từng bậc thang dẫn lên ngôi nhà màu trắng và khi cô vừa bước tới bậc thang cuối cùng, cửa nhà bật mở như có bàn tay thần tiên dang sẵn đón cô. Người lái xe cẩn thận đặt va li đồ của cô xuống hành lang rồi đi. Đằng sau lưng cô, chồng cô gật đầu chào một người phụ nữ lớn tuổi đứng ở giữa lối đi, rõ ràng là để chào đón họ. Đó là một phụ nữ trung niên, mái tóc sẫm màu được búi gọn lại phía sau và bà ăn mặc theo kiểu thủy quân ngày xưa.

‘Chào mừng bà đã về nhà, thưa bà,’ bà nói, đưa một tay ra đỡ cô. Nụ cười của bà rất thân thiện và bà nói một thứ tiếng Anh khá nặng. ‘Chúng tôi rất vui khi thấy bà đã hồi phục.’

‘Cám ơn,’ cô nói. Cô muốn gọi tên bà khi cám ơn, nhưng cảm thấy thật bất nhã khi hỏi tên bà.

Người phụ nữ nán lại để đỡ chiếc áo khoác cho họ và nhanh chóng biến mất sau dãy hành lang.

‘Em có thấy mệt không?’ ông nghiêng đầu nhìn sang cô.

‘Không. Không. Em ổn.’ Cô liếc nhìn xung quanh nhà, ước gì cô có thể che giấu sự hoảng loạn trên khuôn mặt khi nhận ra rằng cô hình như chưa bao giờ nhìn thấy ngôi nhà này trước đây.

‘Anh phải tới công ty bây giờ. Em ở nhà với bà Cordoza được không?’

Cordoza. Cái tên không hề quen thuộc với cô. Cô cảm thấy hơi chút bất nhã. Bà Cordoza. ‘Em ổn mà, cám ơn anh. Xin đừng lo lắng về em.’

‘Anh sẽ về nhà khoảng 7 giờ tối… nếu em thấy ổn…’ Rõ ràng ông có vẻ rất vội vàng. Ông cúi người, hôn nhẹ lên trán cô và rời khỏi nhà sau một chút lưỡng lự.

Cô vẫn đứng giữa hành lang, nghe tiếng chân ông nhỏ dần và tiếng động cơ xe xa dần. Ngôi nhà đột ngột rơi vào im lặng. Cô đưa tay chạm vào mảng giấy dán tường với những đường gân bằng lụa, liếc mắt nhìn sàn nhà bóng loáng dưới chân và trần nhà cao đến chóng mặt. Cô cởi găng tay bằng một động thái khá cương quyết và chính xác. Rồi cô hơi ngả người về phía trước để nhìn kỹ hơn những khung hình đặt trên chiếc bàn hành lang. Một tấm ảnh cưới được đặt trong một khung hình to nhất với viền khung làm bằng bạc sáng trưng và họa tiết hoa văn lộng lẫy. Trong khung hình đó là cô, mặc một chiếc váy dài trắng ôm khít thân hình, mặt cô phủ tấm voan bằng ren trắng. Chồng cô cười rạng rỡ bên cạnh cô. Mình thực sự đã cưới người đàn ông này, cô tự nhủ. Và: mình nhìn mới hạnh phúc làm sao.

Cô giật nẩy người. Bà Cordoza đứng sau lưng cô từ lúc nào, hai tay bà lúng túng gài trước ngực. ‘Tôi tự hỏi không rõ cô có muốn uống một ít trà không. Tôi nghĩ có thể cô sẽ muốn dùng trà trong phòng khách. Tôi cũng đã bật lò sưởi trong phòng khách cho cô.’

‘Ồ, thật là...’ Jennifer chăm chú nhìn dọc hành lang với rất nhiều lần cửa. Rồi cô lại nhìn tấm hình cưới. Cô im lặng một chút rồi cất tiếng. ‘Bà Cordoza… tôi có thể vịn vào tay bà một chút không? Chỉ một chút cho tôi khi tới phòng khách. Tôi thấy mình đi không được vững lắm.’

Cô cũng không biết tại sao cô không muốn bà biết là cô không còn nhớ lối đi lại trong ngôi nhà nữa. Có vẻ như nếu cô cứ giả vờ biết và tất cả những người khác đều tin vào điều ấy thì đến một ngày điều ấy cũng sẽ trở thành sự thật.

Bà giúp việc đã chuẩn bị sẵn bữa tối: thịt hầm khoai tây và hạt đậu Pháp. Bà đã để sẵn ở trong lò nướng. Jennifer đợi chồng về rồi mới bày những thứ đó lên bàn: cánh tay phải của cô vẫn còn khá yếu, cô sợ mình sẽ làm rớt chiếc nồi hầm bằng sắt.

Cô không nhớ rõ mình đã đi đi lại lại một mình trong ngôi nhà rộng lớn này bao lâu, cố nhớ lại xem có những đường nét nào quen thuộc không. Cô mở ngăn kéo và ngắm những bức hình lưu trong đó. Nhà mình, cô tự nhủ hàng trăm lần. Đồ đạc của mình. Chồng mình. Một đôi lần cô để mặc trí nhớ dẫn dắt đôi chân đi tìm phòng tắm và phòng đọc sách và cô lấy làm hài lòng khi biết phần nào đó trong cô vẫn còn nhận ra nơi này. Cô chăm chú giở những cuốn sách để trong phòng khách và hài lòng nhận ra cô có thể nhớ lại cốt truyện của khá nhiều truyện trong số đó.

Cô dừng lại lâu nhất trong phòng ngủ. Bà Cordoza đã dỡ hết đồ đạc ở trong va li của cô ra. Hai chiếc tủ âm tường đầy ắp các loại quần áo được cắt may đẹp mắt. Những bộ quần áo này vừa khít người cô, ngay cả những đôi giày đã sờn cũ. Lược chải đầu, nước hoa và phấn trang điểm được xếp gọn gàng trên bàn trang điểm. Màu phấn cũng rất hợp với cô: Coty, Chanel, Elizabeth Arden, Dorothy Gray – xung quanh gương để rất nhiều các loại kem trang điểm đắt tiền.

Cô mở một ngăn kéo khác, nơi để các loại phụ kiện, áo lót và những tấm khăn choàng làm bằng ren và lụa. Mình hẳn là một người phụ nữ rất chú trọng đến vẻ bề ngoài, cô tự nhủ. Cô ngồi xuống và ngắm mình qua chiếc gương ba cánh, rồi cô từ từ chải tóc. Đây là việc mình đã làm hàng ngày. Khi không còn ngỡ ngàng bởi những điều lạ lẫm xung quanh, cô bắt tay làm một vài việc lặt vặt: sắp xếp lại khăn lau trong chiếc tủ đề đồ dưới nhà, bày ly chén lên bàn ăn.

Chồng cô về nhà trước bảy giờ một chút. Cô ngồi đợi ông ở ngay sảnh với gương mặt trang điểm nhẹ nhàng và một ít nước hoa sức trên vai và cổ. Rõ ràng điều đó đã làm ông hài lòng, khi ông thấy cô lại là cô như trước đây. Cô đỡ chiếc áo khoác từ tay ông, treo nó lên giá và hỏi ông có muốn uống gì không.

‘Được thế thì thật tuyệt vời. Cám ơn em,’ ông nói.

Cô lưỡng lự, tay để trên bình rượu.

Ông quay lại, thấy sự phân vân của cô. ‘Đúng, là nó đó em yêu. Whisky. Khoảng hai đốt ngón tay. Có đá nhé. Cám ơn em.’

Vào bữa ăn, ông ngồi bên phải cô trên chiếc bàn ăn bằng gụ bóng loáng, một nửa chiếc bàn được để trống và không trang trí gì. Cô múc thức ăn vào đĩa và ông để đĩa gọn gàng trước mặt từng người. Đây chính là cuộc sống của mình, cô nhìn theo tay ông. Đây là việc mình và chồng thường làm vào buổi tối.

‘Anh nghĩ chúng ta có thể sẽ mời nhà Moncrieffs tới ăn vào tối thứ Sáu này. Tới lúc đó em đã hồi phục hẳn chưa?’

Cô dùng nĩa đưa một miếng thịt nhỏ lên miệng. ‘Em nghĩ là được.’

‘Tốt.’ Ông gật đầu. ‘Những người bạn của chúng ta hỏi thăm về em rất nhiều. Họ muốn tận mắt thấy em… rằng em đã trở về là chính em.’

Cô mỉm cười. ‘Điều ấy thật dễ chịu.’

‘Anh nghĩ trong vòng một hai tuần tới chúng ta không nên tổ chức quá nhiều hoạt động. Cho tới khi em hoàn toàn hồi phục.’

‘Vâng.’

‘Đồ ăn hôm nay rất ngon. Em làm à?’

‘Không. Là bà Cordoza.’

‘À.’

Họ im lặng dùng bữa tối. Cô uống nước lọc – ông Hargreaves đã khuyên cô không nên dùng bất kỳ thức uống nào nặng hơn – còn cô thì rất ghen tị với ly rượu để trước mặt chồng cô. Cô muốn uống cho quên đi cảm giác lạ lẫm vẫn xâm chiếm cô từ nãy đến giờ, chỉ một hớp thôi.

‘Công việc của anh thế nào?’

Ông cúi đầu. ‘Vẫn tốt đẹp. Anh sẽ phải đi thăm các mỏ quặng trong vài tuần tới, nhưng chỉ khi anh chắc chắn em đã ổn. Tất nhiên là em luôn có bà Cordoza ở bên cạnh lúc nào em cần.’

Cô cảm thấy nhẹ nhõm khi nghĩ đến cảm giác được ở một mình. ‘Em chắc chắn là em sẽ ổn.’

‘Sau đó anh muốn chúng ta tới Riviera chơi vài tuần. Anh có một vài công việc làm ăn ở đó, còn em sẽ được hưởng ánh nắng ấm áp. Ông Hargreaves nói rằng điều đó sẽ tốt cho em…’ Giọng ông nhỏ lại.

‘Riviera,’ cô nhắc lại. Bỗng hiện ra trước mắt cô đường bờ biển lấp lánh ánh trăng. Những tiếng cười giòn giã. Những ly rượu cụng lách cách. Cô nhắm mắt, ước gì những hình ảnh ấy sẽ hiện về rõ ràng hơn.

‘Anh nghĩ chúng ta sẽ cùng chạy xe về đó, chỉ hai chúng ta.’

Những hình ảnh đã biến mất. Cô nghe thấy nhịp tim đập mạnh bên tai. Hãy bình tĩnh, cô tự nhủ. Trí nhớ của cô sẽ dần hồi phục. Ông Hargreaves đã từng nói thế.

‘Mỗi lần tới đó em thường rất vui. Có khi còn vui hơn ở Luân Đôn.’ Ông liếc nhìn cô rồi quay đi chỗ khác. Cái cảm giác ấy đã quay lại, cái cảm giác cô đang bị ông kiểm tra. Cô cố nhai và nuốt. ‘Nếu anh nghĩ điều ấy là tốt nhất cho em,’ cô nói nhẹ nhàng.

Căn phòng tiếp tục rơi vào im lặng, chỉ có âm thanh từ chiếc nĩa thỉnh thoảng chạm vào đĩa đầy nặng nề. Bỗng nhiên cô cảm thấy không thể nuốt trôi đĩa thức ăn trước mặt. ‘Thú thực là em vẫn còn hơi mệt. Em có thể lên nhà nghỉ trước không?’

Ông lập tức đứng dậy khi thấy cô chớm đứng lên. ‘Lẽ ra anh phải bảo bà Cordoza làm món ăn nhẹ nhàng cho bữa tối nay của em. Em có muốn anh đưa em lên nhà không?’

‘Ồ, anh đừng bận tâm.’ Cô từ chối cánh tay đang đưa ra của ông. ‘Chỉ là em hơi mệt một chút thôi. Sáng mai chắc chắn em sẽ khá hơn.’

Cô nghe tiếng ông bước vào phòng lúc mười giờ kém mười lăm. Cô vẫn đang trằn trọc trên giường, cảm nhận rõ ràng tấm ga trải giường mới tinh quẩn quanh, ánh trăng mờ ảo hắt qua tấm rèm mỏng, tiếng xe cộ vọng lại từ xa, tiếng taxi thả người, tiếng một người cảnh sát nói chuyện với một người đang dắt chó đi dạo. Cô nằm im, mong đợi điều gì đó sẽ phá tan sự tĩnh lặng này.

Và rồi cánh cửa bật mở.

Ông không bật đèn. Cô nghe tiếng móc quần áo bằng gỗ khẽ chạm vào nhau khi ông mắc chiếc áo choàng của ông vào tủ, tiếng ông cởi giày. Và rồi cô thấy toàn cơ thể mình cứng ngắc. Chồng cô – người đàn ông này, con người xa lạ này – chuẩn bị lên giường nằm cùng cô. Đã có rất nhiều khoảnh khắc lạ lẫm đến với cô kể từ lúc cô bước chân lại vào căn nhà này và cô đã hoàn toàn không nghĩ tới giờ phút này. Cô đã hy vọng ông sẽ ngủ ở một phòng khác.

Cô cắn môi, mắt nhắm nghiền, cố tình thở đều đều chầm chậm như thể cô đang ngủ say. Cô nghe tiếng ông đi vào phòng tắm, tiếng vòi nước mở, tiếng đánh răng và tiếng ông súc miệng. Rồi ông bước chân trần trên chiếc nền trải thảm, lật chăn lên và nhẹ nhàng nằm xuống. Ông nằm im gần một phút trong khi cô vẫn cố gắng giữ cho hơi thở thật đều. Ồ, không, làm ơn, chưa phải lúc này, cô thầm nói. Tôi vẫn chưa thực sự quen với ông.

‘Jenny?’ ông gọi.

Cô thấy tay ông để trên hông cô, và cô quyết vẫn nằm im. Ông có vẻ kiên quyết hơn. ‘Jenny?’

Cô buột ra một tiếng thở dài, như thể cô đang chìm sâu vào một giấc ngủ mộng mị. Cô thấy ông dừng lại, tay ông ngập ngừng và rồi, ông nặng nề thả người xuống gối với một tiếng thở dài.

Anh ước gì anh là người cứu giúp em nhưng điều đó đã không xảy ra… Anh sẽ không gọi điện cho em sau khi em nhận được bức thư này vì điều đó có thể làm em phiền lòng và anh không muốn thấy em khóc vì anh chưa bao giờ thấy em khóc trong suốt một năm rưỡi chúng mình quen nhau và anh càng chưa từng có một người bạn gái nào như em.

Thư của một người đàn ông gửi một người đàn bà.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.