Bữa Sáng Ở Tiffany’s

Chương 7




BỮA SÁNG Ở TIFFANY'S (tt)

José rút ra phòng ngoài, nơi anh ta trút giận lên bà Spanella đang đứng đó len lén rình mò. “Đừng có đụng vào tôi! Tôi sẽ kêu cảnh sát,” bà ta đe dọa khi anh ta đuổi bà ra cửa với những câu rủa tiếng Bồ Đào Nha.

Anh ta cũng định quẳng cả tôi ra, hoặc là tôi đoán thế qua thái độ của anh ta. Nhưng thay vào đó, anh ta mời tôi uống một ly. Chai rượu lành lặn duy nhất mà chúng tôi tìm thấy là thứ vecmut nguyên chất. “Tôi có một cái lo,” anh ta thổ lộ. “Tôi có cái lo là việc này có thể gây scandal. Cô ấy đập vỡ mọi thứ. Cư xử như một người điên. Tôi phải không được có scandal công cộng. Nó quá nhạy cảm: tên của tôi, công việc của tôi.”

Anh ta có vẻ vui lên khi nghe tôi bảo không có lí do gì để gây “scandal” cả; phá phách tài sản cá nhân của mình, tôi đoán, là một vấn đề riêng tư.

“Vấn đề là vì buồn đấy mà,” anh ta tuyên bố chắc nịch. “Khi tin buồn tới, đầu tiên là cô ấy quẳng đồ mình đang uống đi. Cả chai. Những quyển sách. Một cái đèn. Thế là tôi sợ. Tôi vội đưa bác sĩ đến”

“Nhưng tại sao chứ?” tôi muốn biết. “Tại sao cô ấy lại nổi tam bành lên với Rusty chứ? Nếu là cô ấy thì tôi đã ăn mừng.”

“Rusty ư?”

Tôi vẫn mang theo tờ báo và chia cho anh ta cái tựa bài.

“Ồ, cái đó.” Anh ta ngoác miệng cười khinh bỉ. “Họ làm chúng tôi mừng quá thì có, Rusty và Mag. Chúng tôi cười vào chuyện đó: sao họ lại nghĩ là sẽ làm tim chúng tôi tan nát, khi chúng tôi luôn luôn muốn họ biến đi. Tôi cam đoan với anh là chúng tôi đang cười khi tin buồn đó tới.” Mắt anh ta tìm kiếm trong đống rác trên sàn; anh ta nhặt lên một mẩu giấy màu vàng. “Cái này” anh ta nói.

Đấy là một bức điện tín từ Tulip, Texas: Nhận giấy báo Fred tử trận ở nước ngoài chấm chồng và các con em chia nỗi buồn chung này chấm hết thư yêu em Doc.

Holly không bao giờ nhắc đến anh mình nữa: trừ một lần. Hơn nữa, cô cũng thôi không gọi tôi là Fred. Tháng Sáu, tháng Bảy, suốt những tháng ấm áp đó cô náu mình như con thú ngủ đông không biết mùa xuân đã đến rồi đi. Tóc cô sẫm lại, người mập ra. Cô ăn mặc cũng cẩu thả hơn: có lần cô chạy vòng vòng ở tiệm bán đồ nguội chỉ mặc độc chiếc áo mưa, bên trong trần như nhộng. José đã dọn vào căn hộ, tên anh ta thay thế Mag Rừng Hoang ở hòm thư. Nhưng Holly vẫn có nhiều thời gian một mình, vì José ở Washington ba ngày một tuần. Khi anh ta vắng nhà, cô không tiếp đãi ai hết và hiếm khi rời khỏi phòng - trừ ngày thứ Năm hàng tuần khi cô đến Ossining.

Thế không có nghĩa là cô đã mất hứng thú với cuộc sống; trái lại là khác; cô có vẻ trở nên bằng lòng hơn, và hoàn toàn hạnh phúc hơn bao giờ, kể từ khi tôi quen cô. Một sở thích bất ngờ, không Holly chút nào, về trang trí nhà cửa dẫn đến những mua sắm cũng không giống Holly: trong buổi đấu giá ở Parke-Bernet, cô kiếm được một tấm thảm thêu cảnh cuộc đi săn dồn hươu đến đường cùng ở điền trang William Randolph Hearst, một đôi ghế bành kiểu Gothic trông u ám; cô mua trọn bộ sách Văn học Hiện đại, hàng ngăn đĩa nhạc cổ điển, vô số phiên bản của bảo tàng Metropolitan (gồm cả một cái tượng đầu mèo Trung Hoa mà con mèo của cô rất ghét, cứ rít lên dọa dẫm và cuối cùng cũng bị vỡ), một máy đánh trứng hiệu Waring, một cái nồi áp suất và cả thư viện sách nấu ăn. Cô dành cả những buổi chiều vào việc nội trợ, hì hụi đẫm mồ hôi ở căn bếp bé tí như cái hộp của minh: “José bảo em còn giỏi hơn cả dân Thuộc địa. Thật đấy, ai mà tưởng tượng được em có năng khiếu tự nhiên tuyệt như thế? Một tháng trước em còn không tráng được trứng.” Và giờ cô cũng chưa tráng trứng được. Những món đơn giản như bít tết, một đĩa salad đúng kiểu, không nằm trong phạm vi của cô. Thay vào đó, cô nhồi nhét cho José, và đôi khi cả tôi nữa, những món súp kỳ quái (rùa đen ướp rượu Brandy dọn trong vỏ trái bơ), các món mới vương giả kiểu Ý (gà lôi quay nhồi lựu và hồng giòn) và những cách tân rất đáng ngờ (gà và cơm nghệ rưới nước sốt sôcôla: “Một món kinh điển của Đông Ấn, anh yêu”). Sự khan hiếm đường và kem trong chiến tranh đã hạn chế bớt trí tưởng tượng của cô khi làm các món ngọt - tuy nhiên, một lần cô vẫn chế ra được một thứ gọi là: Bánh Sắn Thuốc Lá: tốt nhất là đừng tả nó ra.

Khỏi cần tả những cố gắng của cô để học tiếng Bồ, một thử thách chán ngắt cả với tôi và cô, vì mỗi lần đến thăm cô, chiếc máy hát cứ tua không ngừng nguyên album đĩa của Linguaphone. Giờ thì hiếm khi cô nói một câu mà không bắt đầu bằng “Sau khi bọn em cưới-” hoặc “Khi nào bọn em chuyển đến Rio-” mặc dù José chưa bao giờ đề nghị cưới xin cả. Cô thừa nhận như thế. “Nhưng, cuối cùng thì anh ấy biết là em có bầu. Vâng, em đang có đấy, anh yêu. Đã sáu tuần rồi. Em không biết tại sao anh lại ngạc nhiên vì chuyên đó. Em thì không. Không một tí tẹo nào. Em mừng lắm. Em muốn có ít nhất là chín đứa. Em chắc một đứa sẽ có màu da sẫm - José hơi lai da màu mà, chắc anh cũng đoán thế phải không? Em thấy chẳng sao cả: có gì xinh hơn một bé da đen với cặp mắt đẹp màu xanh biếc không? Em ước gì, anh đừng cười em đấy, nhưng em ước em còn trinh trắng cho anh ấy, José ấy. Không phải em bị chạm nọc vì những gì người ta nói đâu: em không trách lũ ngu ngốc bàn tán chuyện đó, em luôn để ngoài tai như trò đùa ấy mà. Thật đấy, một đêm em đã tổng kết rồi, em chỉ có mười một người tình - không tính những thứ đã xảy ra trước khi em mười ba tuổi, bởi vì, rốt cuộc thì nó không đáng kể. Mười một. Nó có làm em thành một con đĩ không? Nhìn Mag Rừng Hoang mà xem. Hay Honey Tucker. Hay Rose Ellen Ward. Nếu mỗi anh tính là một cái vỗ tay thôi thì họ có cả tràng pháo tay rồi ấy chứ. Tất nhiên em chẳng có gì phản đối gái điếm cả. Trừ một điểm: vài người trong số họ có thể nói thật, nhưng tất cả bọn họ đều mang trái tim lừa dối. Ý em là không thể hạ gục một anh chàng, lấy tiền của người ta mà không ít nhất là cố gắng tin rằng mình yêu anh ta. Em không bao giờ như thế. Ngay cả với Benny Shacklett và cả cái đám dơi chuột đó. Em gần như tự thôi miên để nghĩ là chính sự đê tiện của họ cũng có sức quyến rũ. Thực ra, trừ Doc ra, nếu anh muốn tính cả Doc, José là mối tình đầu không-dơi-chuột của em. Ô, anh ấy không phải là cái kết hoàn hảo theo ý em. Anh ấy cũng nói dối tí ti, anh ấy cứ lo lắng mọi người nghĩ gì, và anh ấy tắm năm mươi lần một ngày: người phải bốc mùi gì thì mới thế chứ. Anh ấy quá đạo mạo, quá cẩn trọng để thành người đàn ông lí tưởng của em; anh ấy luôn quay lưng lại khi cởi đồ và gây quá nhiều tiếng ồn lúc ăn, em cũng không thích nhìn anh ấy chạy vì lúc đấy trông anh ấy có cái gì tức cười lắm. Nếu em được tự do chọn lựa bất kỳ ai còn sống, chỉ việc búng ngón tay và gọi đến đây đi anh, thì em sẽ không chọn José đâu. Nehru[12] gần đạt tiêu chuẩn. Wendell Willkie[13]. Garbo nữa, em sẽ ừ với cô ấy bất kỳ ngày nào[14] Tại sao lại không chứ? Đã là người thì phải được cưới đàn ông hay phụ nữ hoặc - nghe này, nếu anh đến nói với em là anh muốn lấy Man O’ War[15] thì em vẫn tôn trọng tình cảm của anh. Không, em nghiêm túc đấy. Tình yêu phải được công nhận. Em hoàn toàn ủng hộ nó. Vì em yêu José - em sẽ bỏ thuốc lá nếu anh ấy bảo em thôi. Anh ấy thân thiện, anh ấy có thể làm em cười quên cả báo động đỏ, em không hay bị thế nữa, chỉ thỉnh thoảng thôi, và nó cũng chẳng ghê gớm đến mức em phải nốc Seconal hay chạy bổ đến tiệm Tiffany’s nữa: em mang bộ vest của anh ấy ra tiệm giặt là, hay nhồi một ít nấm, thế là em thấy ổn, thật tuyệt. Và còn điều này nữa, em đã quẳng cả mớ lá số tử vi của mình đi rồi. Chắc em đã phải tiêu một đô cho mỗi ngôi sao trong cả cung thiên văn quái quỉ đó. Nó thật nhàm chán, nhưng câu trả lời là điều tốt lành chỉ xảy đến với ta khi ta tốt. Tốt ư? Ý em định nói là trung thực. Không phải trung thực theo kiểu hợp pháp đâu - em sẽ cướp một ngôi mộ, đánh cắp hai đồng tử của người chết nếu em nghĩ nó có thể đem lại niềm vui cho hôm nay - mà là kiểu trung thực với chính mình. Em sẽ là bất cứ cái gì chứ không phải một đứa hèn nhát, giả tạo, kẻ lừa tình, con đĩ: em thà bị ung thư còn hơn có một trái tim giả dối. Không phải đạo đức giả đâu. Chỉ là thực tế thôi. Ung thư chỉ có thể làm anh đi đời, nhưng những thứ kia thì chắc chắn đấy. Ôi, kệ cha nó, anh yêu - đưa em cái đàn guitar, em sẽ hát cho anh bài fado[16] bằng tiếng Bồ cực chuẩn.”

[12] Nehru: thủ tướng đầu tiên (và lâu nhất) của Ấn Độ từ khi nước này giành độc lập năm 1947.

[13] Wendell Willkie (1892-1944): luật sư nổi tiếng của Mỹ, người theo chủ nghĩa Quốc tế, Đảng Tự Do.

[14] Greta Garbo (1905-1990): nữ diễn viên huyền thoại gốc Thụy Điển, được cho là người lưỡng tính luyến ái.

[15] Man O’ War (1917-1947): tay đua ngựa lỗi lạc nhất ở Mỹ sau Thế chiến thứ nhất.

[16] Fado: Số phận - bài dân ca Bồ Đào Nha, đượm nỗi u sầu, nhớ quê hương.

Những tuần cuối cùng đó, khoảng cuối mùa hè chuyển sang thu, cứ mờ ảo trong ký ức, có lẽ vì chúng tôi đã tâm đầu ý hợp đến độ hai người có thể trao đổi với nhau bằng im lặng tốt hơn là dùng lời: một sự im lặng đầy xúc động thay vì căng thẳng, huyên thuyên không ngớt, nặn ra chuyện mà nói để rồi sinh ra một thứ tình bạn đầy phô trương, phù phiếm với những khoảng khắc kịch tính. Thường thì, khi anh ta đi xa (tôi đã đi tới chỗ ghét anh ta đến mức hiếm khi dùng tên), chúng tôi ở bên nhau suốt các buổi tối mà chỉ trao đổi chưa tới một trăm từ; một lần, chúng tôi đi bộ đến tận khu phố Tàu, chén đĩa mì xào đại tướng, mua vài cái đèn lồng và ăn trộm một hộp nhang, rồi la cà băng qua cầu Brooklyn, và trên cầu, nhìn những con tàu hướng về đại dương, băng qua những vách đá in bóng lên chân trời cháy đỏ, cô nói: “Nhiều năm sau, rất rất nhiều năm, một trong những con tàu này sẽ đưa em trở lại, em với chín đứa nhóc Brazil của em. Vì, phải rồi, chúng phải nhìn thấy cảnh này, những ngọn đèn này, dòng sông - em yêu New York, dù nó không phải của em, cái cách mà mọi thứ ở đây, cái cây, con phố, một ngôi nhà hay cái gì đó, đều ăn ý với em vì em thuộc về nó”. Và tôi đáp “Im đi nào” ấm ức vì bị bỏ rơi - như một cái tàu kéo ở vũng nước cạn, trong khi cô, người lữ hành rực rỡ xuống bến cảng để đi đến những miến an lạc, trong tiếng huýt sáo và confetti bay đầy trời.

Và như thế, ngày tháng, những ngày cuối cùng, như những chiếc lá thu sương khói bay đi khỏi miền ký ức: cho đến một hôm không giống như bất kỳ ngày nào khác mà tôi từng sống.

Nó xảy ra đúng vào 30 tháng Chín, sinh nhật tôi, một thực tế chẳng ảnh hưởng gì đến vụ việc, ngoại trừ cái là tôi nóng lòng chờ đợt phát thư buổi sáng, mong nhận được quà sinh nhật dưới dạng tiền của gia đình. Qụả thực, tôi đã xuống cầu thang và đợi bác đưa thư. Nếu tôi không lảng vảng ở tiền sảnh thì chắc Holly đã không rủ tôi đi cưỡi ngựa, và cũng chẳng có dịp để cứu mạng tôi.

“Thôi nào” cô nói khi thấy tôi ngong ngóng bác đưa thư. “Mình dẫn vài con ngựa đi vòng công viên đi.” Cô mặc một cái áo gió, quần jeans màu xanh và đi giày tennis; cô đập tay lên bụng, làm người ta phải chú ý đến sự phẳng phiu của nó: “Đừng tưởng em ra ngoài để giảm eo. Nhưng có một cô ngựa - Mabel Minerva già thân yêu của em - em không thể ra đi mà không tạm biệt Mabel Minerva.”

Tạm biệt á?

“Một tuần nữa, tính từ thứ Bảy. José đã mua vé rồi.”

Thẫn thờ, tôi để cô kéo mình xuống phố. “Bọn em đổi máy bay ở Miami. Rồi băng qua biển. Băng qua Andes[17]. Taxi!”

[17] Andes: rặng núi dài nhất thế giới ở Nam Mỹ.

Bay qua Andes. Khi ngồi trên taxi băng qua Công viên Trung Tâm, tôi cảm thấy hình như mình cũng đang bay, trôi nổi chán chường trên lãnh thổ hiểm nguy, nhọn hoắt phủ đầy tuyết lạnh.

“Nhưng em không thể. Sau tất cả, thế còn... Hừ, thế còn... Chà, em không thể lặn mất tăm và bỏ lại tất cả mọi người được.”

“Em chắc chẳng ai thèm nhớ em đâu. Em không có bạn.”

“Anh sẽ nhớ em. Joe Bell cũng thế. Và ồ - cả triệu người. Như Sally. Ông Cà Chua tội nghiệp.”

“Em yêu anh Sally già ấy” cô đáp, và thở dài. “Anh biết không, em không gặp anh ấy cả tháng nay rồi. Khi em bảo anh ấy là em sẽ đi xa, anh ấy là một thiên thần. Thực ra” - cô thẫn thờ - “anh ấy có vẻ vui mừng vì em rời khỏi đất nước này. Anh ấy nói thế là tốt nhất. Vì chẳng sớm thì muộn cũng sẽ có rắc rối. Nếu họ phát hiện ra em không phải là cháu thật của anh ấy. Ông luật sư béo mập, O’Shaughnessy, O’Shaughnessy chuyển cho em năm trăm đô. Tiền mặt. Đấy là quà cưới của Sally”

Tôi muốn tỏ ra tàn nhẫn. “Em cũng có thể nhận được quà cưới của anh đấy. Khi nào, và nếu, đám cưới diễn ra.”

Cô cười phá lên. “Anh ấy sẽ cưới em, được rồi. Ở nhà thờ nhé. Và với cả gia đình anh ấy ở đó. Vì thế mà bọn em đợi đến khi nào bọn em tới Rio.”

“Anh ấy có biết là em đã lấy chồng chưa?”

“Anh làm sao thế? Có phải anh đang cố tình hủy hoại ngày đó không? Đấy là một ngày tươi đẹp: để nó yên!”

“Nhưng hoàn toàn có thể...”

“Chẳng có thể gì hết. Em đã nói với anh rồi, nó không hợp pháp. Nó không thể tính được.” Cô day day mũi, và liếc xéo sang tôi. “Anh yêu, nếu anh hé răng với bất kỳ ai chuyện đó, em sẽ treo ngược anh lên và lột da sống đấy.”

Cái chuồng ngựa - tôi chắc bây giờ được thế chỗ bởi xưởng phim truyền hình - nằm trên phố 66 Tây. Holly chọn cho tôi một con ngựa cái già, lưng võng xuống, lông trắng đen. “Đừng lo. Nó còn an toàn hơn nằm nôi nữa.” Đấy là sự trấn an cần thiết vì kinh nghiệm cưỡi ngựa đáng kể nhất của tôi là những lần mất mười xu để nhong nhong trên lưng ngựa con trong lễ hội của bọn nhóc tì. Holly kéo tôi lên yên, rồi trèo lên con ngựa lông ánh bạc của mình, nó dẫn trước khi chúng tôi cùng thả bước xuyên qua đám đông ở góc Tây Công viên Trung Tâm, đi vào con đường ven rừng lác đác những chiếc lá gió tạt phiêu bồng đây đó.

“Anh thấy chưa?” cô kêu lên. “Tuyệt cú mèo!”

Và đột nhiên, nó đúng là như thế. Đột nhiên, ngắm màu tóc đa sắc của Holly rực lên trong ánh sáng màu lá đỏ và vàng, tôi yêu cô đến mức quên cả chính mình, quên đi nỗi tuyệt vọng thương thân, và hiểu rằng cái mà cô cho là hạnh phúc, nó sẽ đến. Rất nhẹ nhàng, lũ ngựa bắt đầu chạy nước kiệu, gió như những đợt sóng ập vào người, phát vào mặt, chúng tôi lao qua ánh mặt trời xen giữa những vũng tối, và niềm hoan lạc vi mình-đang-s ống làm tôi tê dại như uống cả một ngụm nitơ lỏng[18]. Đó là một phút trước; và phút sau bắt đầu màn hài kịch dưới hình thức thật tàn nhẫn.

[18] Nitơ lỏng được dùng để làm mát hoặc gây tê khi chữa răng.

Cùng một lúc, như những kẻ man rợ phục kích giữa rừng, một bọn con trai da đen xồ ra từ bụi cây ven đường. Hú hét, chửi rủa, chúng ném đá và lấy gậy quật vào mông ngựa.

Con ngựa cái lông đen trắng của tôi chồm hai chân sau, hí ầm ĩ, lảo đảo như nghệ sĩ xiếc đu dây, rồi phi như gió xuống đường, hất chân tôi tuột khỏi bàn đạp và để tôi bám lủng lẳng ở đấy một cách đáng sợ. Những cái móng của nó gõ lên đá sỏi tóe lửa. Đất trời điên đảo. Cây cối, cái hồ với những chiếc thuyền buồm trẻ con, các pho tượng trồi vùn vụt. Mấy cô giữ trẻ chạy bổ đến cứu bọn trẻ tránh đường chúng tôi điên cuồng đâm thẳng tới; đàn ông, mấy kẻ vô công rồi nghề và những người khác gào lên: “Tóm lấy dây cương!” và “Ôi, cậu kia, ối!” và “Nhảy đi!”. Chỉ sau này tôi mới nhớ ra những giọng nói kia; lúc đấy tôi chỉ ý thức về Holly, âm thanh cao bồi của cô chạy đuổi phía sau tôi, không bao giờ bắt kịp, nhưng hết lần này tới lần khác gào lên động viên. Chúng tôi băng qua công viên, ra Đại lộ Năm: phóng điên cuồng giữa dòng giao thông buổi chiều, taxi, xe bus rú còi đổi hướng náo loạn. Qua lâu đài Công Tước, bảo tàng Frick, qua khách sạn Pierre và trung tâm mua sắm. Holly gần bắt kịp; có thêm một viên cảnh sát cưỡi ngựa vào cuộc: mỗi người một bên, từ bên sườn con ngựa cái đang bỏ chạy của tôi, ngựa của họ chuyển động đan chéo nhau chặn đầu, buộc nó dừng lại đẫm mồ hôi. Lúc đó, rốt cuộc tôi cũng ngã khỏi lưng ngựa. Ngã xuống, tự bò dậy và đứng đó, lơ mơ không rõ mình đang ở đâu. Đám đông xúm lại. Viên cảnh sát nạt nộ và ghi chép vào cuốn sổ: ngay sau đó, anh ta tỏ vẻ thông cảm, cười toe toét và bảo sẽ giúp đưa hai con ngựa của chúng tôi về chuồng.

Holly đưa tôi vào taxi. “Anh yêu. Anh cảm thấy thế nào?”

“Ổn mà.”

“Nhưng mạch của anh không đập tí nào,” cô nói, sờ mó cổ tay tôi.

“Thế thì chắc anh đã chết rồi.”

“Không, đồ ngốc. Nghiêm túc đấy. Nhìn em nào.”

Vấn đề là tôi không thể nhìn cô, nói cách khác, tôi thấy vài Holly, một chùm ba gương mặt đẫm mồ hôi và trắng bệch vì lo lắng khiến tôi vừa cảm động, vừa xấu hổ. “Thật đấy. Anh không cảm thấy gì. Chỉ thấy ngượng thôi.”

“Em xin đấy. Anh có chắc không? Nói thật với em đi. Anh suýt chết đấy.”

“Nhưng anh không chết. Và cám ơn em. ơn em đã cứu mạng anh. Em thật tuyệt vời. Duy nhất. Anh yêu em.”

“Đồ ngốc kinh khủng.” Cô hôn lên má tôi. Rồi xuất hiện một chùm bốn Holly và tôi chết ngất đi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.