Bữa Sáng Ở Tiffany’s

Chương 5




BỮA SÁNG Ở TIFFANY'S (tt)

Một đám người đã gõ cửa thật. Trong vòng mười lăm phút sau, căn hộ biến thành một bữa tiệc toàn đực rựa, vài người còn mặc quân phục. Tôi đếm thấy hai sĩ quan hải quân, một đại tá không quân; nhưng nhìn lướt qua thì họ lọt thỏm trong đám đầu bạc mới tới. Ngoài khoản là đều già, bọn họ chẳng có gì chung, hình như hoàn toàn xa lạ với nhau; quả thực, mỗi một bộ mặt khi vừa bước vào đều cố giấu vẻ hoang mang khi nhìn thấy những người khác ở đó. Như thể nữ chủ nhân đã phát giấy mời khi vòng vèo qua đủ các quán bar, mà có lẽ sự thật là thế. Sau phút sượng sùng ban đầu, đám khách hòa vào nhau không cằn nhằn, đặc biệt là O.J. Berman, say sưa túm chặt lấy bạn mới để tránh phải thảo luận về tương lai của tôi ở Hollywood. Tôi bị bỏ lại đơn độc với cái giá sách; trong đó hơn một nửa là về ngựa, còn lại là về bóng chày. Tôi vờ quan tâm đến cuốn Ngựa và cách nhận biết, kiếm cái cớ hợp lý được ở một mình, tránh đám bạn của Holly.

Chẳng mấy chốc trong đám có một người nổi bật lên. Ông ta là một cậu-bé-trung-niên vẫn còn vẻ phúng phính trẻ con, dù tay thợ may tài ba đã gần như ngụy trang được bộ mông nục nịch nhìn chỉ muốn phát. Ngỡ như người ông ta không có xương; gương mặt là một hình tròn xoay với những đường nét nhỏ nhỏ, xinh xinh, có vẻ trong trắng, nguyên vẹn: cứ như vừa sinh ra thì bị nở phồng lên, làn da không một vết nhăn như quả bóng thổi căng, và cái miệng như thể sẵn sàng khóc toáng, hờn giận, một kiểu nhăn nhó làm nũng dễ thương. Nhưng vẻ bề ngoài không phải là thứ làm ông ta trở nên khác biệt, những đứa trẻ không chịu già không hiếm đến mức đó. Điều đáng nói là cách cư xử của ông ta trong suốt bữa tiệc giống như một con bạch tuộc đầy sức sống, ông ta lắc rượu martini, bắt chuyện làm quen, điều khiển cái máy quay đĩa. Hầu hết mọi hoạt động của ông ta đều được khéo léo điều khiển bởi nữ chủ nhân: Rusty, anh làm hộ em; Rusty, làm ơn giúp em. Nếu ông ta yêu Holly thì rõ ràng sự ghen tuông của ông đã được kiềm chế. Một người đàn ông ghen tuống có lẽ sẽ mất kiểm soát khi nhìn cô lả lướt trong căn phòng, tay ôm con mèo nhưng tay kia tự do chỉnh cái cà vạt, nhặt mẩu xơ vải ở ve áo, hay đánh bóng cái huân chương mà viên đại tá Không quân đang đeo.

Tên ông ta là Rutherfurd (“Rusty”) Trawler. Năm 1908, ông mất cả cha lẫn mẹ, bố ông là nạn nhân của một kẻ vô chính phủ, còn bà mẹ chết vì sốc, hai cái tang biến Rusty thành đứa trẻ mồ côi triệu phú và nổi tiếng ở tuổi lên năm. Từ đó đến giờ, do hậu quả của những cơn thịnh nộ chồng chất, ông ta là nguồn đề tài thường trực cho tờ Sunday, khi còn là một học sinh, ông ta đã khiến người bảo hộ của mình bị bắt vì tội ấu dâm. Sau đó, hôn nhân và li dị khiến ông ta luôn xuất diện trên báo lá cải chủ nhật. Bà vợ đầu của ông tặng toàn bộ số tiền li dị và cả bản thân bà cho đối thủ của Đức Cha Thần Thánh[7]. Bà vợ thứ hai không được nhắc tới, nhưng bà thứ ba đã kiện ông ta ở Bang New York với một cặp đầy ắp những chứng từ về tài sản. Ông ta chủ động ly dị bà vợ cuối cùng, lí do chính nêu ra là vì bà ta bắt đầu một cuộc nổi loạn trên du thuyền của ông ta, cuộc nổi loạn này dẫn đến kết quả là ông ta được trả một khoản tiền trên vùng đảo Dry Tortugas. Dù từ đó trở lại đời độc thân, nhưng trước chiến tranh, ông ta đã cầu hôn Unity Mitford, ít nhất thì nghe đồn rằng ông ta đã gửi một bức điện tín xuyên đại dương xin cưới bà ta nếu Hitler không cưới. Đấy là lí do vì sao tờ Winchell luôn luôn gọi ông ta là một kẻ theo phe Đức Qụốc xã; và thực tế là ông ta có dự vài cuộc mít tinh ở Yorkville.

[7] Father Divine (1876-1965), tên thật là Reverend Major Jealous Divine, là một lãnh tụ tinh thần người Mỹ gốc Phi, tự nhận mình là Chúa và có ảnh hưởng khá lớn trong cộng đồng da màu.

Tôi không được nghe kể về những chuyện này. Tôi đọc chúng trong tập Hướng dẫn bóng chày lấy từ giá sách của Holly, cô dùng nó như sổ tay. Nhét giữa các trang là những bài viết trên tờ Sunday, cùng với những mẩu cắt ra từ mục tin lá cải. Rusty Trawler và Holly Nhẹ Dạ sánh vai trong lễ ra mắt “Một nét của thần Vệ nữ”. Holly đến từ phía sau bắt gặp tôi đang đọc: Cô Nghỉ Hè Nhẹ Dạ, thuộc nhóm Nhẹ Dạ Boston, biến mỗi ngày thành kỳ nghỉ hè cho cục vàng 24 karat Rusty Trawler.

“Anh ngưỡng mộ danh tiếng của em, hay chỉ là fan của môn bóng chày thôi?” cô hỏi, chỉnh lại cái kính râm khi liếc nhìn qua vai tôi. Tôi đáp, “Báo cáo thời tiết tuần này thì thế nào?”

Cô nháy mắt với tôi, nhưng không vui vẻ gì: một cú nháy mắt cảnh cáo, “Em mê ngựa lắm, nhưng em ghét bóng chày,” cô nói, thông điệp ngầm qua giọng cô ý rằng tôi nên quên chuyện cô từng nói về Sally Cà Chua đi. “Em ghét tiếng ồn của nó trên đài, nhưng em phải nghe, nó là một phần em phải nghiên cứu. Có quá ít người có thể bàn luận về chuyện này. Nếu một người đàn ông không thích ngựa thì chắc chắn anh ta phải thích bóng chày, và nếu anh ta không thích cả hai thứ đó thì, ôi, em gặp rắc rối rồi, vì anh ta cũng không thích gái đâu. Anh và O.J. đi tới đâu rồi?”

“Chúng tôi chia tay tâm đầu ý hợp.”

“Anh ấy là cơ hội cho anh đấy, tin em đi.”

“Tôi tin cô. Nhưng cái mà tôi đưa ra có gây ấn tượng như một cơ hội cho ông ấy không?”

Cô khăng khăng. “Anh ra đấy và làm anh ấy tin là trông mình không tức cười chút nào. Anh ấy thật sự có thể giúp anh đấy, Fred.”

“Tôi hiểu là cô chẳng đánh giá nó cao lắm.” Cô ngớ ra cho đến khi tôi nói tiếp: “Cái phim Câu chuyện của bác sĩ Wassell ấy.”

“Anh ta vẫn lải nhải chuyện đó à?” cô hỏi, thả một cái nhìn trìu mến xuyên qua căn phòng tới Berman. “Nhưng anh ta có lý đấy, em nên cảm thấy ân hận. Không phải vì họ sẽ trao vai cho em hay vì em có thể diễn tốt: không có chuyện đấy đâu. Nếu có ân hận thì chắc là vì em đã để anh ta mơ tưởng, trong khi em không hề mơ mộng chút nào. Em chỉ đi mồi chài đàn ông để tiến thân thôi: em biết thừa là mình sẽ chẳng bao giờ thành ngôi sao màn bạc cả. Nó quá cực nhọc; và với người thông minh thì nó quá ê chề. Mặc cảm của em không đủ thấp: trở thành một ngôi sao và có cái tôi cực kỳ to là hai chuyện liên quan với nhau; thật ra cần thiết phải xóa sạch cái tôi của mình. Không phải em không thích nổi tiếng và giàu có đâu. Đấy là kế hoạch của em, một ngày nào đó, em sẽ xoay ra cách để thành như thế; nhưng nếu nó xảy ra, thì em thích vẫn giữ được cái tôi đó. Em muốn em vẫn là em khi tỉnh giấc vào một buổi sáng đẹp trời và ăn sáng tại nhà hàng Tiffany’s. Anh cần một ly,” cô nói, nhìn thấy tay tôi trống không. “Rusty! Anh mang cho bạn em cái gì uống đi.”

Cô vẫn ôm chặt con mèo. “Đồ lười nhác tội nghiệp này” cô nói, gãi gãi đầu nó, “đồ lười tội nghiệp chẳng có tên. Nó không có tên cũng hơi bất tiện. Nhưng em không có quyền đặt tên cho nó: nó phải đợi đến khi có chủ cơ. Một hôm bọn em vớ phải nhau ở bờ sông, chẳng ai thuộc về ai cả: nó độc lập và em cũng thế. Em chẳng muốn sở hữu cái gì cho đến khi biết rằng mình đã tìm thấy một nơi mà em và các thứ thuộc về nhau. Em chưa biết cái chỗ đó là ở đâu. Nhưng em biết nó phải như thế nào.” Cô mỉm cười, thả con mèo xuống sàn. “Nó giống như tiệm Tiffany’s,” cô nói. “Không phải là em ghét nữ trang đâu. Kim cương thì có đấy. Nhưng U40 đeo kim cương thì ngứa mắt lắm; và thậm chí mạo hiểm nữa. Nó chỉ hợp với những bà già thôi. Maria Ouspenskaya. Nhăn nheo, xương xẩu, tóc bạc trắng và kim cương: em không thể đợi đến lúc đó được. Nhưng em mê mẩn quán Tiffany’s không phải vì thế. Anh có biết những ngày báo động đỏ không?”

images

“Giống như buồn chán phải không?”

“Không,” cô đáp chậm rãi. “Không, buồn chán là khi người ta béo ra hoặc vì mưa dai dẳng quá. Người ta buồn, thế thối. Nhưng báo động đỏ thì kinh khủng lắm. Minh sợ hãi đến toát mồ hôi nhưng lại không biết đang sợ cái gì. Chỉ biết một điều gì đen tối sắp xảy ra, nhưng lại không biết nó là cái gì. Anh có cảm giác đó bao giờ chưa?”

“Thường xuyên lắm. Có người gọi nó là Bất an.”

“Phải rồi. Bất an. Em đã dùng cả aspirin. Rusty cho là em nên hút cần sa, và em đã hút một thời gian, nhưng nó chỉ làm em cười khúc khích. Em phát hiện ra cách tốt nhất là chui vào một cái taxi và đến tiệm Tiffany’s. Sự yên tĩnh và vẻ kiêu hãnh của nó làm em dịu xuống ngay tức khắc; không chuyện gì tồi tệ có thể xảy ra với em ở đó, giữa những người đàn ông lịch thiệp mặc vest đẹp đẽ, có mùi dễ chịu của ví da cá sấu và bạc. Nếu có thể tìm được một chỗ nào đó ngoài đời làm em thấy giống như tiệm Tiffany’s, em sẽ mua đồ đạc và đặt tên cho con mèo này. Em đã nghĩ có thể là sau chiến tranh, em và Fred-” cô đẩy cặp kính râm lên, đôi mắt với những màu sắc khác nhau, xám, xanh lam và xanh lục ánh lên vẻ sắc sảo, lo xa. “Một lần em đã đến Mexico. Đấy là một đất nước tuyệt vời để nuôi ngựa. Em thấy một nơi gần biển. Fred rất giỏi về ngựa.”

Rusty Trawler mang tới một ly martini, đưa nó cho tôi mà không nhìn tôi. “Anh đói rồi,” ông ta thông báo, giọng nói trẻ con cũng như toàn bộ con người ông ta toát lên vẻ yếu đuối, vòi vĩnh của một đứa bé hự, như trách cứ Holly. “Bảy rưỡi rồi, và anh đói quá. Em biết bác sĩ nói gì rồi đấy.”

“Vâng, Rusty. Em biết bác sĩ nói gì.”

“Ừ, thế thì chấm dứt đi. Chúng mình đi.”

“Em muốn anh cư xử cho đúng, Rusty.” Cô nói nhẹ nhàng, nhưng âm sắc có sự răn đe của cô bảo mẫu dọa phạt khiến mặt ông ta đỏ lên kỳ cục, không biết vì hài lòng hay biết ơn.

“Em chẳng yêu anh” ông ta phụng phịu, như thể chỉ có hai người với nhau.

“Không ai yêu đứa hư cả.”

Rõ ràng cô đã nói điều ông ta muốn nghe; nó có vẻ vừa xoa dịu, lại vừa khích động ông ta. Ông ta vẫn tiếp tục, như thể đó là một nghi thức: “Em có yêu anh không?”

Cô phát cho ông ta một cái. “Anh cứ phục vụ xong đi đã, Rusty. Và khi nào em xong thì chúng ta sẽ đi ăn bất cứ nơi nào anh muốn.”

“Khu phố Tàu nhé?”

“Nhưng không được ăn sườn chua ngọt đâu đấy. Anh biết bác sĩ nói gì rồi.”

Khi ông ta trở lại làm bổn phận của mình với dáng điệu phục phịch thỏa mãn, tôi không nhịn được phải nhắc cô rằng cô chưa trả lời câu hỏi của ông ta. “Cô có yêu ông ấy không?”

“Em đã bảo anh rồi: người ta có thể ép mình yêu bất kỳ ai. Hơn nữa anh ấy lại có một tuổi thơ tồi tệ.”

“Nó đã tệ như vậy sao ông ta còn bám lấy nó?”

“Anh động não đi. Anh không thấy là Rusty cảm thấy quấn tã yên ổn hơn là làm người lớn à? Đấy là thực sự là một chọn lựa, chỉ có điều anh ấy cực kỳ nhạy cảm về chuyện đó. Anh ấy định đâm em bằng con dao phết bơ vì em bảo anh ấy phải trưởng thành lên, đối mặt với vấn đề, ổn định cuộc sống và chơi trò gia đình với một bác lái xe tải hiền từ làm bố. Trong khi chờ đợi thì em nắm anh ấy trong tay; thế cũng ổn, vì anh ấy vô hại, anh ấy tưởng con gái là búp bê, theo nghĩa đen ấy.”

“Ơn Chúa.”

“Ôi, nếu đàn ông nào mà cũng thế thì em khó lòng mà cảm ơn Chúa được.”

“Ý tôi là cảm ơn Chúa vì cô sẽ không lấy ông Trawler.”

Cô nhướn mày. “Tiện thể nói thêm, em không giả vờ là không biết anh ấy giàu. Ngay cả đất ở Mexico cũng không phải rẻ. Bây giờ,” cô nói, đẩy tôi về phía trước, “anh hãy tóm lấy O.J. đi.”

Tôi do dự, trong đầu tìm cớ để trì hoãn. Rồi tôi nhớ ra: “Sao lại là Đi Du Lịchì”

“Trên danh thiếp của em á?” cô hỏi, chẳng ăn nhập gì. “Anh nghĩ nó buồn cười à?”

“Không buồn cười. Chỉ gợi tò mò thôi.”

Cô nhún vai. “Rốt cuộc thì làm sao em biết ngày mai mình sống ở đâu? Vì vậy em bảo họ viết là Đi Du Lịch. Dù sao thì đặt làm mớ danh thiếp ấy cũng phí tiền. Mỗi cái là em cảm thấy mình phải mua cho họ một chút gì. Họ là ở tiệm Tiffany’s đấy.” Cô với lấy ly martini mà tôi chưa hể động đến; Cô uống hai ngụm hết sạch rồi cầm tay tôi. “Đừng có đánh trống lảng nữa. Anh phải ra kết bạn với O.J.”

Một sự cố đột nhiên xảy ra chỗ cửa vào. Một cô gái trẻ ào vào như cơn lốc cuốn theo đầy khăn quàng và leng keng những vàng. “H-H-Holly” cô ta vừa tiến lên vừa chỉ chỉ ngón tay, “đồ ăn m-m-mảnh tồi tệ nhé. Tích trữ tất cả chỗ đ-đ-đàn ông m-m-mê hồn này!”

Cô ta khoảng hơn một mét tám, cao hơn hầu hết đàn ông ở đó. Bọn họ thẳng lưng lên, thót bụng lại, thi nhau đọ dáng trước chiều cao thống trị của cô.

Holly hỏi, “Chị làm gì ở đây thế?” môi cô mím một đường căng buồn bực.

“Sao thệ, kh-kh-không làm gì cả, cưng à. Chị làm việc với Yunioshi ở tầng trên. Sao giọng em bực tức thế cưng?” Cô ta nở nụ cười với khắp lượt. “Các ch-ch-chàng của em không phiền nếu chị xen vào buổi t-t-tiệc của em chứ?”

Rusty Trawler cười khúc khích. Ông ta nắn bóp cánh tay cô ta, như thể ngưỡng mộ các cơ bắp đó, rồi hỏi liệu cô có uống chút gì không.

“Chắc chắn rồi” cô ta đáp, “cho em xin một ly whisky ngô.”

Holly đáp luôn, “Không có đâu.” Thế là viên đại tá Không quân gợi ý sẽ ra ngoài mua một chai.

“Ổ, em nói luôn là không cần phải làm t-t-to chuyện đâu. Em uống nước đái quỉ còn được nữa. Holly, cưng ơi” cô ta hích nhẹ Holly, “em không phải lo cho chị đâu. Chị có thể tự giới thiệu được mà.” Cô ta khom người về phía O.J. Berman, ông ta đang mờ mắt vì khao khát, giống như nhiều gã lùn khác trước một phụ nữ cao lớn. “Em là Mag R-r-rừng Hoang, từ Rừng H-h-hoang[8] ở Arkansas. Một xứ sở của núi đồi”

[8] Chơi chữ: Wildwood nghĩa là Rừng hoang.

Như một điệu nhảy; Berman biểu diễn vài cú đưa chân điệu nghệ để ngăn các đối thủ khác xen vào. Ông ta vẫn mất người đẹp vào tay một đối thủ nhảy điệu cađri, người nuốt từng câu đùa ngọng nghịu của cô ta như bồ câu được quăng cho bắp rang bơ. Đấy là một chiến công có thể hiểu được. Cô ta thành công dù xấu xí, nhiều khi xấu còn dễ dụ hơn cả cái đẹp thật sự, chỉ vì nó có sự tương phản. Trong trường hợp này, đối nghịch với sự chải chuốt cầu kỳ và gu thẩm mỹ chọn lọc đến từng chi tiết, mẹo ghi điểm là cường điệu các khiếm khuyết lên. Cô ta khiến đám đàn ông vinh dự bằng cách ngưỡng mộ họ một cách trơ trẽn. Gót giày cao ngất nghểu khiến mắt cá chân cô ta run rẩy không vững; thân hình dẹp lép đến mức cô ta có thể ra biển chỉ với cái quần bơi; tóc được túm ngược về phía sau càng làm phô ra khuôn mặt xương xẩu kiểu người mẫu đói ăn. Thậm chí cái tật nói lắp, chắc chắn là tự nhiên nhưng vẫn có chút cố ý cũng được biến thành lợi thế. Nó là một cú ghi điểm bậc thầy, biến sự vô vị của cô ta thành một cái gì độc đáo, và hơn nữa, nó khiến đàn ông lắng nghe cô ta với cảm giác muốn che chở, bất chấp chiều cao và sự trâng tráo của cô ta. Ví dụ Berman đã chồm lên như bị thụi vào lưng khi cô ta hỏi “Ai chỉ cho em nhà v-v-vệ sinh ở đâu với?”; và để cho trọn vẹn, ông ta đề nghị dắt tay cô ta đến tận nơi.

“Không cần đâu,” Holly nói. “Cô ấy đã đến đây rồi. Cô ấy biết nó ở đâu.” Cô đang đổ các gạt tàn, sau khi Mag Rừng Hoang đi khỏi, cô đổ thêm cái nữa và nói như thở dài: “Thật đáng buồn.” Cô ngừng đủ lâu để tính xem bao nhiêu người đang tỏ ra thắc mắc; khá là đông. “Và cũng thật khó hiểu. Cứ tưởng là nó lộ rõ hơn cơ. Nhưng có trời biết, cô ấy trông khỏe mạnh. Cũng gọi là sạch sẽ. Đấy là điểm đặc biệt nhất đấy. Anh có thấy” cô hỏi với vẻ quan tâm nhưng không với riêng người nào, “Anh có thể nói là cô ấy trông sạch sẽ không?”

Vài người ho, một số khác nuốt nước bọt. Viên sĩ quan Hải quân đang cầm cái ly của Mag Rừng Hoang vội đặt nó xuống.

“Nhưng mà” Holly nói, “em nghe nói rất nhiều cô ở miền Nam cùng bị vấn đề như thế.” Cô rùng mình duyên dáng rồi đi vào bếp lấy thêm đá.

Mag Rừng Hoang không hiểu nổi vì sao sự hâm mộ đột nhiên mất sạch khi mình quay lại, các cuộc trò chuyện cô ta gợi lên cứ như củi ướt, sậm sịt không cháy lên được. Càng không tha thứ nổi là mọi người bỏ đi mà không thèm hỏi số điện thoại của cô ta. Viên đại tá Không quân chuồn luôn khi cô vừa quay đi, đây đúng là giọt nước làm tràn ly: trước đó ông ta đã mời cô đi ăn tối. Đột nhiên, cô ta không thấy gì nữa. Rồi rượu vào mất khôn, cô ta bắt đầu ve vãn không giấu giếm. Tự nhận mình là tiếp viên sa đọa ở Hollywood. Rủ rê đánh nhau với một ông tuổi ngũ tuần. Bảo với Berman rằng Hitler có lý. Cô ta mua vui cho Rusty Trawler bằng cách kéo tay ông ta vào một góc. “Anh có biết điều gì sắp xảy đến với anh không?” cô ta hỏi, không lắp bắp một chút nào. “Em sẽ bắt anh ra vườn thú và quăng làm mồi cho con bò Tây Tạng.” Trông ông ta có vẻ khá thích thú, nhưng cô ta làm ông thất vọng khi lại trượt xuống sàn rồi cứ ngồi đó lầu bầu.

“Chị phiền hà quá đấy. Đứng lên đi,” Holly vừa nói vừa nới găng tay. Những người còn lại của buổi tiệc đang đợi ở cửa, và khi kẻ gây rối không chịu nhúc nhích, Holly liếc sang tôi xin lỗi. “Anh giúp em với, Fred dễ thương. Cho cô ta vào taxi. Cô ta sống ở khu Winslow.”

“Không. Ở Barbizon chứ. Khối 4-5700. Cứ hỏi Mag Rừng Hoang.”

“Anh là thiên thần, Fred.”

Họ bỏ đi. Viễn cảnh phải nhét cái rừng Amazon này vào xe taxi làm tôi quên cả nỗi oán giận. Nhưng cô ta đã tự giải quyết vấn để.

Lấy sức đứng dậy; cô ta nhìn xuống tôi với vẻ lắc lư ngạo nghễ, “Đi nào Cò ơi. Tóm lấy quả bóng may mắn,” rồi ngã vật xuống như một cây sồi bị đốn tận gốc. Ý nghĩ đầu tiên của tôi là chạy đi gọi bác sĩ. Nhưng xem mạch cô ta vẫn ổn và hơi thở bình thường. Cô ta chỉ ngủ thiếp đi thôi. Sau khi kiếm cái gối kê đầu cho cô ta, tôi để kệ cô ả ngủ.

Chiều hôm sau, tôi va vào Holly ở cầu thang. “Anh” cô nói, vội vã lướt qua với một gói thuốc của dược sĩ. “Chị ấy sắp bị viêm phổi rồi đấy. Say khướt đến nỗi thế. Lại còn thêm cả hoảng loạn nữa.” Tôi đoán rằng Mag Rừng Hoang vẫn còn ở trong nhà cô, nhưng cô không cho tôi có dịp tìm hiểu sự thông cảm đáng ngạc nhiên của mình. Đến cuối tuần thì sự bí hiểm lại càng đậm đặc hơn nữa. Đầu tiên là một ông Mỹ Latinh gõ nhầm cửa phòng tôi, hỏi thăm cô Rừng Hoang. Phải mất một lúc mới giải thích được sự nhầm lẫn này vì phát âm của đôi bên có vẻ không thể hiểu nổi đối với nhau, nhưng đến khi hiểu được thì tôi đâm khoái. Cái đầu tóc nâu và thân hình bò mộng của ông ta kết hợp với nhau ăn khớp, hoàn hảo, như một quả táo, một trái cam, thứ gì đó mà tạo hóa đã sinh ra đúng phải như thế. Trang điểm thêm vào đó là một bộ vest Ăng Lê, nước hoa thơm mát và tính bẽn lẽn chẳng Latinh chút nào. Sự kiện thứ hai trong ngày đó cũng liên quan tới ông ta. Khoảng chiều muộn, tôi nhìn thấy ông ta trong lúc ra ngoài ăn tối. Ông ta vừa đi taxi tới; người lái xe đỡ ông ta lảo đảo đi vào tòa nhà với một đống vali. Điều đó khiến tôi lại có cái để nhai đi nhai lại: đến Chủ nhật thì hàm tôi đâm ra ê ẩm.

Rồi bức tranh trở nên vừa rõ ràng, lại vừa tối mò hơn. Chủ nhật là một ngày nắng gắt, mặt trời chói chang, cửa sổ nhà tôi mở toang, và tôi nghe tiếng người nói ở lối thoát hiểm. Holly và Mag đang trùm chăn ngả ngớn ở đó, con mèo nằm giữa. Tóc họ vừa mới gội, vẫn còn rũ xuống. Cả hai đều bận rộn, Holly đánh móng chân, còn Mag đan một chiếc áo len. Mag đang nói.

“Nếu em hỏi thì chị nghĩ rằng em m-m-may mắn đấy. Ít nhất có một điểm em có thể nói về Rusty. Anh ta là người Mỹ.”

“Đáng ca ngợi quá nhỉ.”

“Cưng ơi. Đang chiến tranh mà.”

“Và khi nó qua rồi thì cũng tàn đời trai.”

“Chị không nghĩ thế đâu. Chị t-t-tự hào về đất nước mình. Đàn ông trong gia đình chị là những chiến binh tuyệt vời. Có tượng của Cha Rừng Hoang chính giữa trung tâm Wildwood đấy.”

“Fred cũng là lính,” Holly nói. “Nhưng em chả tin là anh ấy sẽ được dựng tượng: với cái mũi gí vào thành cốc, trông ai cũng dễ ngớ ngẩn lắm. Dù sao thì anh ấy là Fred khác. Fred anh của em cơ.”

“Em gọi người r-r-ruột th-th-thhịt của mình là ngớ ngẩn ư?”

“Nếu anh ấy đúng là như thế.”

“Hừ, nói thế thật là vô duyên. Một chàng trai chiến đấu cho chị, em và tất cả chúng ta.”

“Cái gì đây: tập hợp lòng yêu nước à?”

“Chị chỉ muốn em biết chị đứng về phe nào. Chị thích đùa, nhưng bên trong là một người ngh-ngh-nghiêm túc. Tự hào là người Mỹ. Chính vì thế mà chị tiếc cho José.” Cô ta đặt kim đan xuống. “Em nghĩ anh ấy đẹp trai kinh khủng, đúng không?” Holly hừm một tiếng, lấy cái bàn chải sơn của mình đập đập ria con mèo. “Nếu chị có thể làm quen với ý tưởng c-c-cưới một gã người Brazil. Và biến mình thành người B-B-Brazil. Cứ như phải vượt qua đại vực vậy. Gần mười nghìn cây số và không hiểu tiếng-”

“Thì đến Berlitz học.”

“Sao họ lại dạy tiếng B-B-Bồ Đào Nha làm quái gì? Ai mà nói cái tiếng ấy chứ. Không, khả năng duy nhất của chị là làm José quên chính trị đi và trở thành người Mỹ. Thật vô ích với một gã đàn ông muốn là t-t-tổng thống Brazil.” Cô ta thở dài, nhặt kim đan lên,

“Chị phải yêu phát điên lên. Em thấy bọn chị với nhau rồi đấy. Em có nghĩ chị yêu điên cuồng không?”

“Ờ. Thế anh ấy có cắn không?”

Mag tuột mất một mũi kim. “Cắn á?”

“Cắn chị. Ở trên giường.”

“Sao cơ, không. Anh ấy phải cắn à?” Rồi cô ta nói thêm, nghiêm túc. “Nhưng anh ấy có cười.”

“Tốt. Đấy là thái độ đúng đấy. Em thích đàn ông biết nhận ra sự hài hước; hầu hết bọn họ chỉ biết mỗi việc hít vào thở ra thôi.” Mag thôi không phàn nàn nữa; cô ta xem nhận xét trên như lời khen ngợi mình. “ừ. Chị chắc thế.”

“Ok. Anh ấy không cắn. Anh ấy cười. Còn gì nữa không?”

Mag đếm mũi bị tuột và bắt đầu đan lại nhoay nhoáy.

“Em nói là-”

“Chị có nghe. Và không phải là chị không muốn kể cho em đâu. Nhưng khó mà nhớ nổi. Chị không đ-đ-để ý đến mấy thứ đó. Không giống như em. Nó cứ trượt ra khỏi đầu chị như một giấc mơ ấy. Chị chắc th-th-thái độ đó cũng bình thường thôi.”

“Nó có thể là bình thường, chị thân mến ơi; nhưng em thích tự nhiên hơn.” Holly hơi ngừng tay giữa lúc đang sơn đỏ hết đám ria còn lại của mèo. “Nghe này. Nếu chị không nhớ nổi, thì cứ để đèn sáng nhé.”

“Làm ơn hiểu cho chị, Holly. Chị là một người rất, rất truyền thống”

“Ồ, vớ vẩn thật. Ngắm nhìn một người đàn ông mình thích thì có gì sai trái nào? Đàn ông đẹp chứ, rất nhiều người đẹp, José chẳng hạn, và nếu chị thậm chí không muốn nhìn anh ấy, thì thôi, em chắc anh ấy sẽ mất hứng như đĩa mì nguội ngắt cho xem.”

“Không. Vì chị không phải là đĩa m-m-mì nguội. Chị là người tình cảm ấm áp. Đấy là cá tính của chị.”

“Ừ thì chị tình cảm. Nhưng nếu em là đàn ông thì lên giường, em vẫn thích mang theo cái bình nước nóng hơn. Nó có thể sờ thấy được.”

“José chẳng kêu ca gì đâu” cô ta nói, mãn nguyện, cặp kim đan lóe sáng trong ánh nắng. “Hơn nữa, chị yêu anh ấy. Em có để ý là chị đã đan mười đôi tất kẻ trong vòng chưa tới ba tháng không? Và đây là cái áo len thứ hai.” Cô ta căng cái áo len ra rồi quẳng nó sang bên. “Chẳng biết để làm gì nữa. Áo len ở Brazil. Lẽ ra chị phải làm cái mũ chống n-n-nắng.”

Holly nằm xuống, ngáp dài. “Cũng phải có mùa đông chứ?”

“Có mưa, chị biết thế. Nóng. Mưa. R-r-rừng rậm”

“Nóng. Rừng rậm à. Thực ra em thích thế.”

“Giá chị là em.”

“Ừ” Holly nói với vẻ mơ màng không phải vi buồn ngủ. “Giá em là chị.”

Sáng thứ Hai, khi tôi xuống nhà lấy thư, tấm biển trên hòm thư của Holly đã thay đổi, thêm một cái tên: Cô Nhẹ Dạ và Cô Rừng Hoang giờ đi du lịch cùng nhau. Lẽ ra tôi đã để tâm đến nó lâu hơn nếu không có một cái thư trong hòm thư của chính tôi. Đấy là thư từ tạp chí của một trường đại học nhỏ mà tôi đã gửi truyện ngắn của mình tới. Họ thích nó, và mặc dù tôi phải hiểu rằng họ không có tiền trả nhuận bút, nhưng họ muốn xuất bản. Xuất bản: có nghĩa là in. Không lời nào tả xiết nỗi choáng ngợp phấn khích của tôi. Tôi phải kể cho ai đó: và nhảy hai bậc cầu thang một, tôi đập cửa nhà Holly.

Tôi không dám dùng lời để kể về tin đó; khi cô ra mở cửa, mắt nhắm mắt mở vì ngái ngủ, tôi giúi lá thư vào tay cô. Phải mất thời gian lâu như đọc cả sáu chục trang giấy, cô mới đưa lại nó cho tôi. “Em sẽ không cho họ in nếu không trả tiền,” cô đáp, ngáp dài. Có lẽ vẻ mặt tôi giải thích rằng cô đã hiểu sai ý, tôi không cần khuyên bảo mà là chúc mừng kia: miệng cô nhếch lên biến cái ngáp thành một nụ cười. “Ô, em hiểu rồi. Thật tuyệt vời. Nào, anh vào đi” cô nói. “Mình sẽ pha một bình cà phê và ăn mừng. Không. Em sẽ thay đồ và đưa anh đi ăn trưa.”

Phòng ngủ của cô cũng hệt như phòng khách: nó gợi nhớ không khí cắm trại: thùng và vali, mọi thứ đều được gói ghém và sẵn sàng lên đường, giống như hành lý của một tên tội phạm thấy mình bị luật pháp truy đuổi sát gót. Trong phòng khách không có lấy một đồ đạc thông thường, nhưng trong phòng ngủ chính là một cái giường cỡ to gấp đôi và khá bóng bẩy: gỗ màu vàng bọc satanh.

Cô để cửa phòng tắm mở toang rồi nói chuyện vọng ra giữa lúc giật nước và đánh răng, hầu hết toàn những cái không thể hiểu được, nhưng đại để là: cô cho rằng tôi đã biết Mag Rừng Hoang đã dọn vào đây, như thế thật tiện phải không? Vì nếu định kiếm bạn chung phòng mà không phải dân đồng tính, thì ưu tiên thứ nhì là một ả thật ngu, như Mag, thế thì có thể trút gánh nặng thuê nhà lên ả và bắt mang đồ đi giặt.

Rõ ràng Holly có vấn đề với chuyện giặt giũ; căn phòng rải bừa bãi, như phòng tập thể thao của con gái.

“- và anh biết không, chị ấy là người mẫu khá thành công đấy: tuyệt không? Nhưng có cái hay là,” cô nói, vừa lò cò ra khỏi phòng tắm, vừa chỉnh lại một cái tất. “Cứ tưởng phải giữ chị ấy khỏi quấy rầy em cả ngày. Nhưng hóa ra cũng chẳng khó mấy vì có anh chàng đó. Chị ấy đính hôn rồi. Một anh chàng cũng được phết. Mặc dù có lệch nhau một tí về chiều cao: em chắc chị ấy cao hơn chừng ba chục phân. Quái, đâu mất-” cô quỳ xuống lục lọi dưới gầm giường. Sau khi thấy cái muốn tìm, là một đôi giày da thuộc loại hiếm, cô còn phải kiếm áo khoác, thắt lưng, và thật đáng để tìm hiểu, làm thế nào, từ mấy thứ linh tinh như vậy, cô tạo ra hiệu ứng sau cùng: đài các, điềm tĩnh không chê vào đâu được, như thể cô được hộ tống bởi các nữ tì của nữ hoàng Cleopatra. Cô nói “Anh nghe này,” và đỡ cằm tôi lên, “Em rất mừng vì cái truyện ấy. Thật sự đấy.”

Ngày thứ Hai, tháng Mười năm 1943 ấy. Một ngày tuyệt đẹp vô tư lự. Bắt đầu là rượu cốc-tai Manhattan ở quán của Joe Bell; rồi khi anh ta nghe tin vui của tôi, lại cốc-tai pha sâm-banh cho cả nhà. Sau đó, chúng tôi lang thang đến Đại lộ Năm, nơi có một cuộc diễu binh. Cờ bay trong gió, tiếng dậm chân và quân nhạc, có vẻ như không liên quan gì tới chiến tranh mà là để tôn vinh danh tiếng của tôi.

Chúng tôi ăn trưa tại một quán tự phục vụ ở công viên. Sau đó, tránh đi qua vườn thú (Holly nói cô không chịu nổi phải nhìn bất cứ cái gì trong cũi), chúng tôi cười đùa, chạy và hát dọc con đường dẫn về cái nhà thuyền bằng gỗ cũ kỹ, bây giờ không còn nữa. Lá cây bồng bềnh trên hồ; bên bờ, người coi công viên đang quạt lửa đốt lá, và khói, như tín hiệu của người da đỏ, là vết nhòe duy nhất trong không gian xao động. Tháng Tư chẳng bao giờ có ý nghĩa lắm gì với tôi; mùa thu mới là mùa khởi đầu, thanh xuân; tôi cảm thấy thế khi ngồi với Holly trên lan can hành lang nhà thuyền. Tôi nghĩ về tương lai, kể về quá khứ. Vì Holly muốn biết về thời thơ ấu của tôi.

images

Cô cũng nói về tuổi thơ mình, nhưng nó mù mờ, không tên, không rõ nơi nào, một hồi ức theo trường phái ấn tượng, mặc dù ấn tượng gây ra ngược lại với cái mọi người chờ đợi, vì cô toàn kể về những lạc thú như bơi, mùa hè, cây thông Nô-en, những người anh em xinh xắn, tiệc tùng: nói tóm lại là sung sướng mà với một đứa trẻ bỏ nhà đi như cô thì không bao giờ có được.

Hay là, tôi hỏi, chuyện cô đã bỏ đi sống tự lập từ năm mười bốn tuổi là không đúng sự thật? Cô day day mũi. “Thật mà. Những chuyện khác thì không. Nhưng thật ra là, anh yêu, anh đã biến tuổi thơ anh thành bi kịch quá mà em không thích đùa làm gì.”

Cô nhảy khỏi lan can.”Dù sao, nó làm em nhớ ra: em phải gửi cho Fred một ít bơ lạc.” Phần còn lại của buổi chiều hôm ấy, chúng tôi chạy đông chạy tây, moi bằng được từ những người bán tạp phẩm trơ lì những hộp bơ lạc vốn rất khan hiếm trong thời chiến; đến tối mịt thì chúng tôi gom được nửa tá, vét sạch từ một tiệm bán đồ ăn sẵn ở Đại lộ Ba. Nó gần cửa hàng đồ cổ có bày cái lồng chim kiểu cung điện, vì thế tôi đưa cô đến xem, cô thích thú với sự quái lạ đó: “Nhưng dù sao, nó vẫn là một cái lồng”

Đi ngang tiệm Woolworth, cô tóm lấy cánh tay tôi: “Mình ăn trộm cái gì đi” cô nói, kéo tôi vào trong cửa hàng, nơi ngay lập tức gây cho ta cảm giác như đang bị theo dõi. “Thôi nào. Đừng có nhát như cáy thế.” Cô quan sát một cái quầy chồng chất những quả bí đỏ bằng giấy và mặt nạ Halloween. Bà bán hàng bận bịu với một nhóm các bà xơ đang thử mặt nạ. Holly nhặt lấy một cái mặt nạ, đeo vào mặt mình; cô chọn một cái khác đeo cho tôi; rồi cô nắm tay tôi và hai đứa đi ra. Đơn giản như thế đấy. Ra đến ngoài, chúng tôi chạy qua khoảng vài quãng phố, tôi nghĩ để làm cho nó có vẻ gay cấn hơn, nhưng cũng vì, như tôi khám phá ra, hưng phấn khi ăn trộm thành công. Tôi tự hỏi không biết cô có hay ăn trộm không. “Em đã từng thế đấy” cô bảo. “Ý em là em buộc phải thế. Nếu em muốn có cái gì. Nhưng thỉnh thoảng em vẫn còn làm đấy, kiểu như cho vui thôi.”

Chúng tôi đeo mặt nạ suốt trên đường về nhà.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.