Bông Hồng Vàng Và Bình Minh Mưa

Chương 7




Nhân Vật Nổi Loạn

Ngày trước, khi phải dọn nhà đi nơi khác, đôi khi người ta cũng thuê tù ở trại giam địa phương đến làm việc chuyển đồ.

Bao giờ cũng vậy, lũ trẻ con chúng tôi chờ đợi sự xuất hiện của những người tù với lòng thương và nỗi tò mò nôn nóng.

Những viên cai ngục để ria mép với những khẩu súng lục to đùng kiểu "Bulldog" bên sườn áp giải những người tù ấy. Chúng tôi cứ trố mắt nhìn họ - những người mang áo tù xám, đầu đội những mũ nhỏ tròn xoay, cũng một màu xám xịt. Lạ một cái, không hiểu vì lẽ gì mà chúng tôi cứ ngây ra ngắm nhìn những người tù bị những dây xích nhỏ kêu rổn rảng quấn ngang người như những cái dây lưng kia với niềm kính trọng đặc biệt.

Tất cả những cái đó thật bí ẩn. Lạ nhất là hầu hết những người tù nọ lại chỉ là những người bình thường, những người mệt mỏi đến rã rời, và là những người tốt bụng đến nỗi không thể nào tin được họ là những kẻ phạm tội và những kẻ độc ác. Ngược lại, không những họ lễ phép, mà còn lịch thiệp nữa. Họ lo nhất là khi di chuyển những đồ vật cồng kềnh mà lỡ va phải ai hoặc làm gãy, vỡ vật gì.

Bọn trẻ chúng tôi, được người lớn đồng tình, đã nghĩ ra một kế hoạch láu cá. Mẹ chúng tôi mời các viên cai ngục vào bếp uống trà, trong khi đó thì chúng tôi hối hả nhét vào túi những người tù bánh mì, xúc xích, đường, thuốc lá, đôi khi cả tiền. Bố mẹ chúng tôi cho chúng tôi những thứ đó.

Chúng tôi hình dung đấy là một công việc nguy hiểm và vui mừng đến tột độ khi những người tù vừa thì thào cảm ơn, vừa nhấm nháy với chúng tôi vừa chỉ về phía bếp. Họ giấu quà biếu của chúng tôi vào những túi bí mật trong người.

Thỉnh thoảng những người tù lén lút đưa thư cho chúng tôi. Chúng tôi dán tem lên phong bì rồi ầm ĩ kéo nhau đi bỏ vào thùng. Trước khi bỏ vào thùng, chúng tôi còn nhìn quanh xem gần đấy có viên cẩm nào hoặc giả có tên đội xếp nào không? Cứ y như là họ biết được chúng tôi đang gửi đi những bức thư gì.

Trong đám phạm nhân tôi nhớ mãi một người có bộ râu bạc. Những người tù gọi ông bằng "trưởng toán".

Ông ta đứng ra trông nom việc chuyển đồ. Đồ đạc, đặc biệt là tủ áo và đàn dương cầm, thường hay bị kẹt ở giữa cửa. Xoay trở chúng rất khó, nhiều khi không tài nào đặt nổi chúng vào chỗ mới đã định cho chúng, dù cho những người tù có vật vã đến mấy. Đồ đạc chống cự ra mặt. Trong những trường hợp như vậy, ông "trưởng toán" lại đem chuyện khuân một cái tủ nào đó ra mà nói:

- Hãy để nó vào chỗ mà nó muốn, các cậu ơi. Đấm đá nó mà làm gì! Tớ đã làm cái việc chuyển đồ này năm năm trời rồi, tính nết chúng nó thế nào, tớ biết. Phàm đồ đạc đã không ưng chỗ mà mình định thì dù các cậu có cố ấn nó vào đến mấy chúng nó cũng không chịu. Gãy thì gãy, chứ nhất định không chịu.

Khi nghĩ đến những đề cương của nhà văn và cách hành xử của các nhân vật văn học, tôi chợt nhớ đến câu nói cửa miệng người tù già nọ. Trong cách hành xử của đồ đạc và của những nhân vật kia có một cái gì đó giống nhau. Nhân vật thường hay chống lại tác giả và bao giờ nó cũng chiếm phần thắng. Nhưng chuyện đó để sau.

Tất nhiên, hầu hết các nhà văn đều có đề cương cho những sáng tác tương lai. Một số nhà văn vạch ra những đề cương đó tỉ mỉ và chính xác. Nhiều nhà văn khác lại làm việc đó một cách rất đại khái. Nhưng cũng có một số nhà văn chỉ vạch đề cương bằng vẻn vẹn vài chữ, mà là những chữ dường như chẳng có liên quan gì với nhau.

Chỉ có những nhà văn có tài xuất khẩu thành chương mới có thể viết mà không cần có một đề cương vạch sẵn. Trong các nhà văn Nga, Pushkin rất tài về mặt này, còn trong các nhà văn hiện đại của chúng ta thì có Aleksey Nikolaevich Tolstoy.[14]

[14] Aleksey Nikolayevich Tolstoy (1882-1945), nhà văn Nga.

Xin phân biệt với Lev Tolstoy.

Tôi dám cho rằng nhà văn thiên tài có thể viết mà không cần đến một đề cương nào. Thiên tài vốn đã phong phú tự bên trong đến nỗi bất cứ đề tài nào, bất cứ ý nghĩ nào, bất cứ trường hợp nào hay bất cứ vật nào cũng gợi lên trong nhà văn một dòng liên tưởng vô tận.

Chekhov khi còn trẻ, bảo Korolenko:

- Này, trên bàn ông có một cái gạt tàn kìa. Nếu ông muốn, tôi sẽ viết ngay lập tức một truyện ngắn về nó.

Và tất nhiên, Chekhov có thể viết thừa đi được.

Ta có thể hình dung một người nào đó nhặt được tờ bạc một rúp nhàu nát ở giữa phố, bắt đầu cuốn tiểu thuyết của mình từ tờ bạc một rúp ấy, bắt đầu như thể đùa bỡn, nhẹ nhàng và đơn giản. Nhưng ngay lập tức sau đó, cuốn tiểu thuyết phát triển cả về bề sâu lẫn bề rộng, dần dà đầy thêm người, sự việc, ánh sáng, màu sắc và bắt đầu trôi chảy mạnh mẽ và phóng khoáng. Bị trí tưởng tượng thúc giục, nó đòi nhà văn mỗi lúc một nhiều thêm những vật hiến tế, buộc nhà văn phải nộp cho nó những dự trữ quý giá về hình tượng và ngôn ngữ.

Và như thế là trong câu chuyện bắt đầu bằng cái ngẫu nhiên, những ý mới liên tiếp nảy ra, nảy ra cả cái số mệnh phức tạp của những con người. Và nhà văn đã không còn đủ sức để chống lại nỗi xúc động của chính mình. Nhà văn sẽ khóc trên chồng bản thảo của mình như Dickens, rền rĩ vì đau đớn như Flaubert hay cười phá lên như Gogol.

Cũng như vậy ở vùng núi, chỉ một tiếng động nhỏ bé, một tiếng nổ của súng săn thôi, cũng đủ làm từng đợt tuyết lấp lánh bỗng đổ ụp xuống trên sườn núi dựng đứng. Rồi ngay đấy, tuyết biến thành một con sông tuyết rộng, lao nhanh xuống dưới, và chỉ sau vài phút là cả một núi tuyết đã ầm ầm đổ xuống thung lũng làm cho không khí tràn đầy một thứ bụi óng ánh.

Nhiều nhà văn đã viết về sự dễ dàng xuất hiện trạng huống sáng tác ở những con người thiên tài và lại có thêm cả tài xuất khẩu thành chương.

Baratynsky, người biết rất rõ Pushkin sáng tác như thế nào, đã nói về ông:

Chàng Pushkin kia, trẻ trung và bay bướm

Với tay chàng viết nghịch cũng thành thơ

Tôi đã nói rằng có một số đề cương chỉ là một mớ từ.

Đây là một thí dụ nhỏ. Tôi có một truyện ngắn tên là "Tuyết". Trước khi viết, tôi ghi ra một tờ giấy và từ những đoạn ghi đó, truyện ngắn ra đời. Những đoạn ghi ấy có hình thù thế nào?

"Cuốn sách về phương Bắc bị bỏ quên. Màu căn bản của phương Bắc là màu giấy thiếc. Hơi nước trên mặt sông. Những người đàn bà giũ quần áo ở các lỗ băng thủng. Khói. Những chữ đề trên quả chuông nhỏ ở nhà bà Aleksandra Ivanovna "Ta treo ngươi trên cửa - hãy kêu giòn cho vui". "Và quả chuông nho nhỏ, quà tặng của Vanđai, nó treo nơi cổ ngựa, một điệu buồn bi ai". Người ta gọi chúng, những quả chuông ấy, là "quà-của-Vanđai". Chiến tranh. Tanya. Nàng ở đâu, trong cái tỉnh lỵ xa vắng nào? Một mình. Trăng mờ khuất sau mây - cái miền xa lơ xa lắc. Cuộc đời nén chặt trong vòng sáng nhỏ bé của ánh đèn. Suốt đêm có cái gì kêu u u trong tường. Những cành cây nhỏ cào mặt kính. Chúng tôi rất ít khi ra khỏi nhà vào cái giờ lặng lẽ nhất của đêm đông... Cái đó cần phải kiểm tra lại. Cô đơn và chờ đợi. Con mèo già bất mãn. Không sao chiều nổi nó. Hình như mọi vật đều rõ - cả những cây nến hình xoáy ốc (nến dầu ô-liu) trên cây đàn dương cầm, ngoài ra hiện nay chẳng còn có gì khác. Nàng tìm một căn nhà có dương cầm (nữ ca sĩ). Tản cư? Câu chuyện về sự chờ đợi. Nhà người. Cổ, nhưng ấm áp cách riêng, những cây vạn niên thanh, mùi thuốc lá cũ miền Stambol hoặc Mesaksudi. Ông lão đã sống và đã qua đời. Cái bàn viết bằng gỗ chà là với những vết vàng trên tấm dạ xanh phủ bên trên. Đứa con gái nhỏ. Đứa bé bị hắt hủi. U già. Tạm thời không còn ai thêm nữa. Người ta nói rằng tình yêu có sức hút vượt đường xa. Có thể viết một truyện ngắn chỉ riêng về nỗi chờ đợi. Chờ gì? Chờ ai? Nàng không biết nữa. Cái đó làm tim nàng vỡ ra. Trên những ngã năm ngã bảy của hàng trăm con đường, những con người ngẫu nhiên gặp nhau, không hề biết rằng cả cuộc sống đã qua của họ là sự chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ ấy. Thuyết xác suất. Áp dụng vào tâm hồn người. Đối với lũ ngốc thì cái gì mà chả đơn giản. Cả nước chìm trong tuyết. Tất phải xuất hiện một con người: thư ai gửi cho người đã chết? Chúng xếp thành chồng trên bàn. Chìa khóa là ở đó. Thư gì? Trong thư viết những gì? Anh bộ đội hải quân. Người con trai. Nỗi lo sợ anh bộ đội sẽ đến. Chờ đợi. Lòng tốt của nàng không có giới hạn. Những bức thư biến thành sự thực. Lại những cây nến hình xoáy ốc. Trong một tính chất khác. Những bản nhạc. Cái khăn mặt với những chiếc lá sồi. Cây đàn phong cầm. Khói bạch dương. Người lên dây đàn, người Tiệp nào cũng chơi nhạc cừ. Khăn quấn đến tận mắt. Rõ cả rồi!".

Đó là cái mà ta có thể gọi một cách hết sức khiên cưỡng là đề cương của truyện ngắn nói trên. Nếu chỉ đọc bản ghi chép này mà không biết gì về truyện ngắn ta cũng có thể thấy đó là sự mò mẫm chậm chạp, không rõ ràng, nhưng kiên trì để dò tìm đề tài và cốt truyện.

Vậy thì cái gì thường xảy đến với những đề cương chính xác đã được suy nghĩ kỹ, được kiểm tra chu đáo nhất của nhà văn. Nói tình thật, cuộc sống của những đề cương ấy phần lớn là ngắn ngủi.

Trong tác phẩm mới bắt đầu viết, cứ vừa xuất hiện những con người và những con người đó vừa mới bắt đầu hoạt động theo ý tác giả thì cũng lại là lúc chúng bắt đầu chống lại đề cương và bước vào cuộc vật lộn với đề cương. Tác phẩm bắt đầu phát triển theo cái lô-gích nội tại của nó. Tất nhiên, động lực đầu tiên của tác phẩm là do nhà văn tạo ra. Nhân vật hoạt động theo cá tính của nó, không hề đếm xỉa đến việc nhà văn là người sáng tạo ra cá tính đó.

Nếu như nhà văn buộc các nhân vật hoạt động ngược với cái lô-gích nội tại hiện hữu, nếu nhà văn cố gắng nhét nhân vật vào trong khuôn khổ của đề cương, thì nhân vật bắt đầu chết dần chết mòn, biến thành những công thức biết đi, những người máy.

Lev Tolstoy đã diễn tả ý đó hết sức đơn giản.

Có một người đến thăm Yasnaia Polyana đã trách Tolstoy quá tàn nhẫn với Anna Karenina khi bắt nàng lao vào gầm xe lửa.

Tolstoy mỉm cười, đáp:

- Ý kiến đó gợi tôi nghĩ đến một trường hợp đã xảy ra với Pushkin. Có lần ông nói chuyện với một người bạn: "Ông có thể tưởng tượng được cái cô Tatyana đã chơi xỏ tôi một vố như thế nào không? Cô ta đi lấy chồng, ông ạ. Chuyện đó, nói thực, tôi hoàn toàn không ngờ là nó có thể xảy ra với cô ấy". Tôi cũng có thể nói hệt như vậy trong trường hợp Anna Karenina. Nói chung, đám nhân vật của tôi, cả nam lẫn nữ, họ làm những chuyện mà tôi chẳng muốn chút nào. Họ làm những gì mà họ phải làm trong cuộc sống thực và thường xảy ra trong cuộc sống thực, chứ không làm những gì tôi muốn.

Tất cả các nhà văn đều biết rõ tính ngang ngạnh của các nhân vật. Aleksey Tolstoy nói: "Trong lúc công việc đang độ sôi nổi nhất tôi không hề biết năm phút sau nhân vật sẽ nói gì. Tôi theo dõi nó với cả một sự ngạc nhiên".

Có khi nhân vật phụ lấn át các nhân vật khác, tự nó biến thành nhân vật chính, làm đảo lộn cả trình tự câu chuyện và kéo câu chuyện đi theo mình.

Tác phẩm chỉ bắt đầu sống thực sự một cách hết sức mạnh mẽ trong ý thức của nhà văn trong lúc nhà văn viết nó ra. Cho nên sự đổ vỡ của đề cương chẳng có gì là lạ, và cũng chẳng có gì đáng coi là bi đát.

Ngược lại, cái đó là chuyện rất đương nhiên và nó chỉ chứng minh thêm một lần rằng cuộc sống chân chính đã xông vào, làm tràn đầy giản đồ sáng tác, khai triển nó ra, bằng áp lực sống động của nó cuộc sống phá tung khuôn khổ đề cương ban đầu của nhà văn.

Cái đó hoàn toàn không làm hỏng đề cương, nó không hề thu hẹp vai trò nhà văn vào chỗ chỉ làm có một việc ghi chép tất cả những gì mà anh ta được cuộc đời nhắc cho. Bởi vì chính cuộc sống của những hình tượng trong tác phẩm của nhà văn chịu sự quy định của ý thức nhà văn, của trí nhớ, của trí tưởng tượng - của toàn bộ cơ cấu bên trong con người nhà văn.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.