Bông Hồng Vàng Và Bình Minh Mưa

Chương 3




Chữ Đề Trên Tảng Phiêu Nham

Niềm vui trọn vẹn chỉ tới với nhà văn khi nào

anh ta tin chắc rằng lương tâm mình không có

gì trái ngược với lương tâm của những người

xung quanh.

Saltưkov Shedrin

Tôi ở trong một ngôi nhà nhỏ dựng trên vùng cồn cát. Cả một vùng ven biển Riga ngập trong tuyết. Từ những ngọn thông vòi vọi, tuyết không ngừng bay xuống như những món tóc dài và tan ra thành bụi.

Tuyết bay xuống vì gió và vì trên ngọn thông có những con sóc nhảy. Khi trời thật yên lặng, có thể nghe rõ tiếng sóc gặm nhấm bóc vỏ quả thông.

Ngôi nhà tôi ở nằm sát bờ biển. Chỉ cần ra ngoài cửa rào và đi vài bước theo một con đường nhỏ do chân người dẫm tuyết lên mà thành, băng ngang một biệt thự đóng im ỉm, là đã nhìn thấy biển rồi.

Ở những khung cửa sổ biệt thự này vẫn còn lại những bức rèm cửa từ mùa hè. Những bức rèm lay động mỗi khi có gió thổi nhẹ. Chắc gió đã lọt qua những khe hở kín đáo nào đó vào trong cái biệt thự bỏ trống ấy, nhưng nếu nhìn từ xa anh sẽ tưởng có ai đó đang kéo chúng lên và canh chừng theo dõi anh.

Biển không đóng băng. Tuyết nằm dài đến tận mép nước. Trên tuyết trông rõ những dấu chân thỏ rừng.

Khi ngoài biển có một con sóng lớn cất lên, ta không nghe thấy tiếng sóng đập vào bờ mà lại nghe tiếng băng vỡ và tiếng lạo xạo của tuyết già.

Biển Baltic mùa đông hoang vắng và sầu tư.

Người Latvya gọi Baltic là "Biển lạp phách" (Zintarayura). Người ta gọi thế có lẽ chẳng phải chỉ vì Baltic ném lên bờ nhiều lạp phách mà còn vì nước biển hơi nhuốm sắc vàng của thứ đá nọ.

Suốt ngày chân trời nặng chịch những tầng u ám. Đường nét những bờ biển thấp biến đi trong cái u ám ấy. Chỉ ở đôi nơi có những dải trắng rũ rượi sà xuống trên mặt biển: tuyết rơi.

Đôi khi, những con ngỗng trời năm nay bay về quá sớm hạ cánh xuống nước và kêu ầm ỹ. Tiếng kêu hoảng hốt của chúng lan rất xa trên bờ biển nhưng không có tiếng đáp lại: mùa đông trong những khu rừng ven biển hầu như không còn chim chóc.

Ban ngày trong ngôi nhà tôi ở, cuộc sống quen thuộc vẫn tiếp diễn. Củi nổ tí tách trong những lò sưởi ốp gạch men sặc sỡ, máy chữ đập rào rào, chị phục vụ ít lời Lilya ngồi trong tiền phòng ấm áp và làm ren. Mọi cái đều bình thường và giản dị.

Nhưng tối đến thì bóng đêm đen kịt lại vây chặt ngôi nhà. Những cây thông sáp lại gần và khi rời gian phòng rực sáng ánh đèn bước ra ngoài, ta sẽ ngập trong cảm giác hoàn toàn cô độc khi chỉ có mình ta đối mặt với mùa đông, biển cả và đêm tối.

Biển lùi ra hàng trăm dặm về những phía xa có màu chì xám. Không có lấy một ánh lửa trên mặt nước. Và không có lấy một tiếng sóng vỗ.

Ngôi nhà nhỏ bé giống như ngọn hải đăng cuối cùng bên bờ vực thẳm vô tận của sương mù. Đất đến đây là hết. Vì thế ta phải ngạc nhiên khi thấy đèn vẫn bình thản sáng trong nhà, máy thu thanh vẫn ca hát, những tấm thảm mềm mại nuốt mất tiếng bước đi, trên bàn có những cuốn sách để ngỏ và những tập bản thảo.

Đằng kia, về phía tây, hướng Venspins, sau bức màn tối là một thôn chài nhỏ bé. Một thôn chài bình thường với những tấm lưới phơi trong gió, với những ngôi nhà thấp tè và khói la đà bay ra từ những ống khói, những chiếc thuyền máy đen đúa được lôi lên bãi cát và lũ chó cả tin lông xù rũ rượi.

Những người đánh cá Latvya đã sống hàng trăm năm trong thôn chài ấy. Thế hệ này nối thế hệ khác. Những cô gái tóc vàng ươm với cặp mắt e thẹn và giọng nói thánh thót đã trở thành những bà lão da sạm nắng gió, già khọm, quấn mình trong những tấm khăn nặng nề. Những chàng trai hồng hào diện những chiếc mũ kê-pi điệu đàng đã trở thành những ông già râu ria tua tủa với cặp mắt trầm tĩnh.

Cũng như hàng trăm năm về trước, những người dân chài ra khơi đánh cá trích. Và cũng như hàng trăm năm về trước, không phải tất cả những người trong bọn họ đều trở về. Nhất là về mùa thu, khi biển Baltic gầm thét trong phong ba và sủi lên bọt sóng lạnh giá như trong vạc dầu của quỷ sứ.

Nhưng dù có xảy ra chuyện gì đi nữa, dù đã bao lần phải ngả mũ nghe tin bạn chài thiệt mạng, người ta vẫn cứ tiếp tục công việc của mình, cái công việc nguy hiểm và nhọc nhằn của cha ông để lại. Không thể lùi bước trước biển cả.

Ngoài biển, gần thôn chài, có một tảng phiêu nham lớn. Trên đó, đã lâu lắm rồi, những người dân chài khắc một hàng chữ "Để tưởng niệm những ai đã bỏ mình và sẽ bỏ mình trên biển cả". Từ xa có thể trông rõ hàng chữ ấy.

Khi tôi được biết về hàng chữ ấy, tôi cảm thấy nó cũng buồn thảm như hết thảy các mộ chí. Nhưng anh bạn nhà văn Latvya, người kể cho tôi nghe chuyện tảng phiêu nham đó, không đồng ý với tôi. Anh nói:

- Trái lại. Đó là một hàng chữ dũng mãnh. Nó nói rằng con người không bao giờ chịu hàng phục và bất chấp tất cả, nó vẫn cứ tiếp tục công việc của mình. Tôi muốn đặt hàng chữ ấy như một đề từ cho bất cứ cuốn sách nào nói về lao động và sự bền bỉ của con người. Đối với tôi hàng chữ ấy có nghĩa đại khái như sau: "Để tưởng niệm những ai đã thắng và sẽ thắng biển này.

Tôi đồng ý với anh bạn và nghĩ rằng đề từ ấy có lẽ cũng thích hợp cho cả cuốn sách bàn về lao động của nhà văn.

Nhà văn không thể hàng phục, dù chỉ trong giây lát, trước những dập vùi và không thể lùi bước trước trở ngại. Dù có thế nào đi chăng nữa, nhà văn cũng không được ngừng công việc của mình, công việc do những bậc tiền bối để lại và được người đương thời ủy thác. Chả thế mà Saltưkov Shedrin đã nói rằng nếu như văn học chỉ im tiếng trong một phút thôi, thì điều đó cũng chẳng kém gì cái chết của cả một dân tộc.

Nghề văn không phải là một nghề thủ công và cũng không phải là một thứ công việc.

Nghề văn là sứ mệnh. Đi sâu vào một số từ, vào cội nguồn âm hưởng của chúng, ta sẽ bắt gặp nghĩa ban đầu của chúng. Từ "sứ mệnh" có chung một gốc với từ "tiếng gọi".[7]

Không ai hô hào con người đi làm chuyện vặt. Người ta chỉ kêu gọi con người làm tròn bổn phận và thực hiện những nhiệm vụ khó khăn.

[7] Dịch theo nghĩa gốc của từ zov (tiếng gọi) và từ prizvanie (sứ mệnh). Từ prizvanie có từ căn zov bị mất nguyên âm o.

Vậy thì cái gì thôi thúc nhà văn đến với cái lao động tuyệt mỹ nhưng đôi khi cay cực kia?

Trước tiên là tiếng gọi của trái tim. Tiếng gọi của lương tâm và lòng tin ở tương lai không cho phép nhà văn đích thực sống trên trái đất như một bông hoa điếc và không truyền đạt hết mình cho đồng loại tất cả cái phong phú của tư tưởng và tình cảm đang tràn ngập chính tâm hồn nhà văn.

Nếu anh không làm cho nhãn quan của con người tinh tường thêm, dù chỉ là một phút, anh không phải là nhà văn.

Con người trở thành nhà văn không phải chỉ do tiếng gọi của trái tim. Chúng ta nghe tiếng gọi của trái tim nhiều hơn hết vào lúc thiếu thời, khi chưa có gì lấn át và đập nát thế giới tình cảm tươi mát của chúng ta.

Nhưng rồi tuổi trưởng thành đến và ngoài tiếng gọi của trái tim ta, ta còn nghe rành rọt một tiếng gọi mạnh mẽ khác: tiếng gọi của thời đại ta đang sống và của nhân dân ta, của nhân loại.

Theo lệnh truyền của sứ mệnh, do sự thôi thúc tự bản thân, con người có thể làm nên những điều kỳ diệu và có thể chịu đựng những thử thách gay go nhất.

Số mệnh của nhà văn Hà Lan Eduard Dekker[8] là một trong những dẫn chứng về điều đó. Ông ký dưới bút hiệu "Multatuli". Theo tiếng la-tinh tên đó có nghĩa là "Người chịu nhiều đau khổ".

[8] Dekker, Eduard Douwes (1820-1887), nhà văn Hà Lan, viết dưới bút hiệu Multatuli. Ông là viên chức phục vụ cho chính quyền thuộc địa Hà Lan từ 1838. Năm 1857 ông ký tên dưới bản tuyên bố phản đối chính sách thuộc địa của Hà Lan tại Java. Năm 1860 ông xuất bản một phần cuốn tự truyện Max Havelaar, là một tập của cuốn Uncle Tom’s Cabin (?), cuốn sách tố cáo những điều kiện sống tồi tệ của dân bản xứ trong các thuộc địa của Hà Lan. Những tác phẩm của ông đã mang lại một số điều cải cách trong hệ thống hành chính thuộc địa.

Có thể là chính ở đây, trên bờ biển Baltic u tối, tôi đã nghĩ đến Dekker, bởi vì cũng một biển phương Bắc nhợt nhạt như thế bao quanh tổ quốc Hà Lan của ông. Ông đau đớn và hổ thẹn nói về đất nước mình: "Tôi là đứa con của Hà Lan, đứa con của xứ sở những tên ăn cướp nằm giữa Frisian Islands và Scotland."

Tất nhiên, Hà Lan chẳng phải là đất nước của những tên ăn cướp văn minh. Những tên ăn cướp này chỉ là một nhúm và chẳng ai coi chúng là người đại diện cho nhân dân. Hà Lan là đất nước của những con người cần cù lao động, con cháu của những "gez" dũng mãnh và của Til Ulenshpigel[9]. Đến nay "nắm tro tàn của Klaas”[10] vẫn lên tiếng trong tim rất nhiều người Hà Lan. Nó cũng lên tiếng trong trái tim của Multatuli.

[9] Người dịch không tìm được xuất xứ của hai từ "gez" và "Til Ulenshpigel". Chắc nó thuộc về một nhân vật văn học dân gian.

[10] Nhân vật trong các chuyện dân gian Hà Lan.

Xuất thân từ một gia đình thủy thủ, Multatuli tòng sự ở Java và sau một thời gian ngắn, ông thậm chí được bổ làm công sứ tại một trong những tỉnh trên đảo này. Trước mắt ông là quyền cao, chức trọng, lợi lộc, giàu sang, cả ghế phó vương nữa cũng nên, nhưng... "nắm tro tàn của Klaas lên tiếng" trong tim ông và Multatuli đã coi khinh những bổng lộc đó.

Với lòng dũng cảm hiếm có và chí kiên nhẫn, ông rắp tâm phá từ trong phá ra mưu toan vĩnh viễn nô lệ hóa dân Java mà nhà cầm quyền Hà Lan và bọn lái buôn đang tiến hành.

Ông luôn đứng ra bảo vệ người Java, không cho phép kẻ nào làm nhục họ. Ông thẳng tay trừng trị bọn ăn hối lộ. Ông giễu cợt phó vương và những cận thần của ông ta - tất nhiên bọn họ đều là những con chiên ngoan đạo - và ông giải thích hành động của mình bằng thuyết bác ái của chúa Giêsu. Họ không thể phản đối ông. Nhưng họ có thể khử ông.

Khi cuộc khởi nghĩa của dân Java bùng nổ, Multatuli đã đứng về phía quân khởi nghĩa, vì "nắm tro tàn của Klaas vẫn lên tiếng trong tim ông". Ông viết về những người Java, về những con người cả tin như con trẻ ấy với một tình yêu đằm thắm, và ông viết về đồng bào mình với tất cả nỗi căm giận.

Ông vạch trần cái mưu mẹo bỉ ổi trong chiến đấu của bọn tướng lĩnh Hà Lan.

Người Java ăn ở rất sạch sẽ và không chịu nổi nhơ bẩn. Lợi dụng đặc tính ấy của họ, đám tướng lĩnh Hà Lan tính độc kế.

Quân lính Hà Lan được lệnh ném cứt vào người Java trong khi giao chiến. Và người Java không run sợ trước lửa đạn bão táp của quân thù không chịu nổi cái lối đánh nhau đê tiện như vậy, đã phải tháo lui.

Multatuli bị cách chức và bị đuổi về châu Âu.

Mấy năm trời ròng rã ông đòi quốc hội Hà Lan trả lại lẽ công bằng cho người Java. Đi đâu ông cũng nói tới chuyện đó. Ông viết kiến nghị gửi các bộ trưởng, trình lên nhà vua.

Nhưng vô ích. Người ta nghe ông, miễn cưỡng và vội vã, cho qua chuyện. Họ gọi ông là một tên gàn dở nguy hiểm, thậm chí một thằng điên. Ông không tìm đâu ra việc làm. Gia đình ông đói khổ.

Lúc ấy, theo tiếng gọi của trái tim, nói cách khác, nghe theo cái sứ mệnh vốn vẫn sống trong lòng ông, tuy trước đó chưa rõ rệt, Multatuli bắt đầu viết. Ông viết một cuốn tiểu thuyết vạch trần bộ mặt thật của người Hà Lan trên đảo Java, cuốn Max Havelaar, Hay Là Những Tên Lái Buôn Cà Phê". Nhưng đó chỉ là lần thử bút đầu tiên. Trong cuốn đó hình như ông chỉ mới chạm chân vào mảnh đất nghệ thuật văn chương còn chưa vững chắc đối với ông.

Nhưng bù vào đó, cuốn tiếp "Những Bức Thư Tình" thì lại được viết bằng một sức mạnh ghê gớm. Lòng tin mãnh liệt vào lẽ phải của mình đã cho ông sức mạnh đó.

Từng chương trong cuốn sách, lúc thì như tiếng kêu cay đắng của con người tuyệt vọng hoàn toàn trước nỗi bất công kinh khủng, lúc thì như những bài ngụ ngôn châm biếm sắc sảo và chua cay, lúc thì lại như những lời an ủi nhẹ nhàng, đượm màu hài hước buồn rượi nhằm an ủi người thân, lúc thì giống như những mưu toan cuối cùng muốn làm sống lại niềm tin của tuổi ấu thơ.

"Không có Trời, mà nếu có Trời thì Trời phải tốt - Multatuli viết - Biết đến bao giờ người ta mới thôi bóc lột những kẻ ăn mày!"

Ông rời Hà Lan với hy vọng kiếm ăn ở phương xa. Vợ con ông ở lại Amsterdam. Ông không có lấy một xu thừa để đưa vợ con đi cùng.

Con người bất tiện đối với cái xã hội đứng đắn, con người bị giễu cợt, bị hành hạ ấy, đi ăn xin qua các thành phố châu Âu và viết, viết không ngừng. Ông không nhận được thư vợ, vì đến tiền tem bà cũng chẳng có.

Ông nhớ vợ, nhớ con, nhất là đứa con trai bé bỏng mắt xanh của ông. Ông lo thằng bé sẽ không còn biết mỉm cười tin cậy với mọi người và ông cầu xin người lớn đừng bắt nó phải nhỏ những giọt nước mắt trước tuổi.

Không ai muốn xuất bản sách của Multatuli.

Nhưng sự lạ đã xảy ra. Một nhà xuất bản lớn của Hà Lan bằng lòng mua bản thảo của ông, với điều kiện ông không được phép cho xuất bản cuốn sách ở bất cứ nơi nào khác.

Multatuli, mệt mỏi đến rã rời, đành nhận lời. Ông trở về tổ quốc. Người ta thậm chí còn cho ông một ít tiền. Nhưng họ mua bản thảo của ông chỉ cốt để tước vũ khí ông. Cuốn sách được in ra với một số lượng nhỏ nhoi và bán với giá đắt đến nỗi chẳng khác gì chúng bị thiêu hủy. Bọn lái buôn và chính quyền Hà Lan không thể ăn ngon ngủ yên chừng nào cái thùng thuốc súng kia chưa ở trong tay của chúng.

Chưa được thấy lẽ công bằng, Multatuli đã qua đời. Mà lẽ ra ông còn có thể viết nhiều cuốn tuyệt hay nữa, những cuốn sách, như người ta thường nói, được viết không phải bằng mực mà bằng máu của trái tim.

Ông đã đấu tranh hết mình và đã hy sinh. Nhưng ông đã "thắng biển cả". Và rất có thể, trong một ngày gần đây, trên đảo Java độc lập, ở Jakarta, người ta sẽ dựng tượng con người đau khổ đã vì người quên mình kia.

Đó là cuộc đời của con người đã hợp hai sứ mệnh vĩ đại lại làm một.

Multatuli có một bạn đồng nghiệp cũng trung thành hết mực đối với sự nghiệp của mình như ông; một người Hà Lan cùng thời với ông: họa sỹ Vincent Van Gogh[11]

Khó mà tìm được một tấm gương sáng về đức hy sinh vì nghệ thuật như cuộc đời Van Gogh. Ông mơ ước thành lập ở Pháp một "Liên minh huynh đệ các họa sỹ"- một thứ công xã, trong đó các họa sỹ có thể dốc toàn tâm toàn lực vào việc phụng sự hội họa.

Van Gogh đau khổ rất nhiều. Ông đã rơi xuống tận đáy vực tuyệt vọng của con người trong bức "Những Người Ăn Khoai" và "Giờ Đi Dạo Của Tù Nhân". Ông cho rằng sự nghiệp của họa sỹ là phải dốc toàn lực và đem hết tài năng chống lại đau khổ.

[11] Vincent Willem Van Gogh (1853-1890), họa sỹ trường phái Hậu Ấn tượng, người Hà Lan. Phiên âm cho đúng tiếng Hà Lan là Phinxen Phan Khôôc.

Sự nghiệp của họa sỹ là sáng tạo niềm vui. Và ông đã tạo ra nó bằng những phương tiện mà ông nắm vững hơn hết: màu sắc.

Trên nền vải ông thay đổi bộ mặt của trái đất. Như thể ông đã rửa đất đai bằng một thứ nước thần, làm cho nó sáng chói lên những màu trong sáng và đậm đặc đến nỗi mỗi gốc cây già cũng trở thành một tác phẩm điêu khắc, mỗi cánh đồng cỏ xa trục cũng biến thành ánh sáng mặt trời hiển hiện trong muôn vàn nhị hoa bình dị.

Ông lấy ý chí của mình mà hãm sự đổi thay không ngừng của màu sắc để ta có thể nhập thân vào cái đẹp của chúng.

Nhưng chẳng lẽ vì thế mà có thể nói rằng Van Gogh thờ ơ với con người? Ông đã tặng cho con người cái tốt nhất mà ông có - đó là khả năng sống trên mặt đất, cái mặt đất chói lọi muôn màu muôn sắc với những trung độ vô cùng tế nhị của chúng.

Van Gogh là một người cùng khổ, kiêu hãnh và không thực tế. Ông chia sẻ với những kẻ vô gia cư mẩu bánh cuối cùng và biết rất rõ, bằng kinh nghiệm bản thân, thế nào là bất công xã hội. Ông coi khinh những thành công rẻ tiền.

Tất nhiên, Van Gogh không phải là chiến sỹ. Chất anh hùng của ông nằm trong lòng tin hết sức mãnh liệt ở tương lai tuyệt đẹp của người lao động - dân cày và thợ, nhà thơ và nhà bác học. Ông không thể trở thành chiến sỹ, nhưng ông muốn đóng góp và đã đóng góp phần của mình vào kho báu của tương lai: đó là những bức tranh ca ngợi đất đai.

Trong mọi hình thức của cái đẹp, Van Gogh chọn một: màu sắc. Ông không ngớt ngạc nhiên trước thuộc tính của thiên nhiên là trong nó không bao giờ có sự sai lầm trong quan hệ tương ứng giữa các màu với nhau, trước muôn vàn độ chuyển tiếp của màu sắc, cái nước sơn luôn luôn thay đổi của trái đất, mà mùa nào cũng đẹp, ở đâu cũng đẹp.

Đã đến lúc phải lấy lại lẽ công bằng cho Van Gogh và các họa sỹ khác như Vrubel, Borisov, Musatov, Gauguin[12] và nhiều người khác nữa.

[12] Vrubel, Borisov, Musatov - các họa sỹ Nga thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. (Eugène Henri) Paul Gauguin (1848-1903), họa sỹ hậu ấn tượng chủ nghĩa, người Pháp.

Chúng ta cần tất cả những gì làm phong phú thêm thế giới bên trong của con người xã hội chủ nghĩa, tất cả những gì nâng cao đời sống tình cảm của họ. Cái chân lý đương nhiên ấy chẳng lẽ lại cần phải chứng minh?!

Lẽ hiển nhiên là chúng ta phải trở thành chủ nhân ông của nghệ thuật mọi thời đại và mọi nước. Chúng ta phải tống cổ khỏi đất nước ta bọn đạo đức giả đang điên cuồng chống lại cái đẹp chỉ vì nó tồn tại độc lập ngoài ý muốn của chúng.

Xin các bạn tha lỗi cho tôi vì những dòng tùy bút nhảy từ lĩnh vực văn học vào hội họa này. Tôi cho rằng mọi loại hình nghệ thuật đều giúp nhà văn hoàn thiện nghề viết. Nhưng về cái đó chúng ta sẽ có một cuộc nói chuyện riêng biệt.

Không thể để mất cảm giác về sứ mệnh. Nó không thể nào thay thế được bằng sự tính toán sáng suốt cũng như bằng kinh nghiệm văn học.

Trong quan niệm đúng đắn về sứ mệnh nhà văn hoàn toàn không có những cái mà bọn hoài nghi rẻ tiền cố tình gán ghép cho nó, cũng không có cái nhiệt tình rởm, cũng như không có quan niệm thổi phồng nhà văn về vai trò đặc biệt của anh ta.

Prishvin[13] hiển nhiên là người mang sứ mệnh nhà văn. Ông gắn cả đời ông vào sứ mệnh ấy. Nhưng chính ông lại là người nói ra những lời tuyệt đẹp rằng "hạnh phúc lớn nhất của nhà văn là không tự coi mình như một người đặc biệt, một người cô độc, mà là một người như những người khác".

[13] Nhà văn Nga, nổi tiếng về miêu tả thiên nhiên.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.