Bóng Hình Của Gió

Chương 28




CHIỀU HÔM ẤY, khi tôi ngồi sưởi ấm bên bếp lửa, Bea kể tôi nghe câu chuyện làm thế nào Thiên thần Mù sương trở thành sở hữu của gia đình Aldaya. Nó có mọi đặc tính của một vở kịch ghê rợn mà rất có thể đã xuất hiện dưới ngòi bút của Julián Carax. Ngôi nhà được công ty kiến trúc Naulí, Martorell i Bergadà xây vào năm 1899 cho một nhà tài phiệt thành đạt và ngông cuồng người xứ Catalan tên là Salvador Jausà, ông này chỉ sống ở ngôi nhà ấy một năm. Nhà tài phiệt, vốn là trẻ mồ côi từ năm lên sáu và có xuất thân nghèo hèn, đã tích lũy nên núi tài sản chủ yếu từ việc làm ăn ở Cuba và Puerto Rico. Mọi người bảo ông ta là một trong những nhân vật ám muội đằng sau âm mưu dẫn đến sự sụp đổ của Cuba và cuộc chiến với Hoa Kỳ, trong cuộc chiến ấy người Mỹ mất nốt các thuộc địa cuối cùng. Ông ta mang từ Tân Thế Giới về còn hơn cả một đống tài sản: cùng với ông là một người vợ Mỹ - một cô gái mong manh thuộc giới quý tộc ở Philadelphia không hề biết một chữ Tây Ban Nha – và một cô hầu người lai đã phục vụ ông ta từ những năm đầu ông ở Cuba, cô này mang theo một con khỉ nhốt trong lồng ăn mặc giống anh hề, cùng bảy thùng hành lý. Ban đầu họ ở tại mấy phòng khách sạn Colón trong khi chờ mua được một chỗ phù hợp với khiếu thẩm mỹ và mong muốn của Jausà.

Không ai nghi ngờ dù chỉ một chút rằng cô hầu – một mỹ nữ có làn da gỗ mun, với đôi mắt và thânà, mà theo những trang báo lá cải, có thể làm nhịp tim rối loạn – trên thực tế là tình nhân của ông ta, người dẫn dắt ông ta vào vô vàn cuộc truy hoan trái luân thường đạo lý. Chẳng những vậy, người ta còn đồ cô ta là một ả phù thủy ghê gớm. Tên cô là Marisela, hoặc đó là cái tên mà Jausà gọi cô. Sự hiện diện và vẻ bí ẩn của cô chẳng bao lâu trở thành chủ đề bàn tán ưa thích tại các cuộc tụ họp những mệnh phụ giàu có bày ra để nếm thử món bánh bích quy cũng là để giết thì giờ và giết những buổi chiều thu buồn dài dặc. Tại bữa tiệc trà ấy người ta kháo nhau những tin đồn không ai kiểm chứng rằng người đàn bà ấy, như một ảo ảnh từ địa ngục, đã gian dâm trên người đàn ông kia, nghĩa là cưỡi lên ông ta như một con ngựa cái đang cơn, phạm đến ít nhất năm trong sáu đại tội được công nhận. Bởi thế nên, không dưới một người đã viết thư gửi đến ngài giám mục đề nghị ban phước và bảo vệ đặc biệt cho những linh hồn thanh khiết, chưa bị vấy bẩn của mọi gia đình khả kính ở Barcelona. Và trên tất cả, Jausà cả gan ngồi trên cỗ xe của ông ta vào những sáng Chủ nhật, cùng bà vợ và cô hầu Marisela, phô trương khung cảnh Babylon đồi bại này trước mắt bất cứ thanh niên đức hạnh nào tình cờ đang tản bộ dọc Paseo de Gracia trên đường đến dự lễ mixa lúc mười một giờ. Báo chí còn nhận xét vẻ kiêu kỳ của ả đàn bà cao lớn kia, ả nhìn công chúng Barcelona “như nữ chúa rừng xanh nhìn bầy người lùn.”

Lúc bấy giờ, cơn sốt chủ nghĩa hiện đại Catalan đang hoành hành ở Barcelona, nhưng Jausà đã tuyên bố rõ với nhóm kiến trúc sư tham gia xây dựng ngôi nhà mới của ông ta rằng ông muốn một cái gì đó khác biệt. Trong từ điển của ông ta “khác biệt” được là từ khen tụng ở mức cao nhất. Jausà đã mất nhiều năm dạo qua những dãy biệt thự theo phong cách tân Gothic thái quá mà các trùm tư bản của thời đại công nghiệp Mỹ xây trên Đại lộ Năm ở thành phố New York. Luyến tiếc những ngày vinh quang ở Mỹ, nhà tài phiệt từ chối lắng nghe bất cứ lập luận nào ngả về việc xây dựng theo xu thế đương thời, cũng như ông ta không chịu mua một lô trong nhà hát Liceo, được xây theo phong cách thời thượng, mà ông ta gọi là tháp Babel dành cho bọn điếc, cái tổ ong cho những kẻ đáng khinh. Ông ta muốn ngôi nhà của mình phải ở cách xa thành phố, tại một vùng hãy còn khá biệt lập trên Đại lộ Tibidabo. Ông muốn đứng từ xa nhìn vào Barcelona, ông nói. Công trình phụ cận duy nhất ông muốn là một khu vườn đầy các tượng thiên thần, mà theo chỉ thị của ông ta (do Marisela truyền đạt lại) phải được đặt trên các đỉnh của một ngôi sao sáu cạnh – không hơn, không kém. Quyết tâm thực hiện kế hoạch của mình, và với sáu két sắt đựng đầy tiền có thể thỏa mãn mọi ý muốn nhất thời của mình, Salvado Jausà cử kiến trúc sư đến New York trong ba tháng để nghiên cứu những cấu trúc thú vị đã làm nên những ngôi nhà như Commodor Vanderbilt, nhà Astor, Anderew Carnegie, và năm mươi gia đình giàu có còn lại. Ông ta chỉ cho họ phải đồng hóa phong cách và kỹ thuật của công ty Stanford White & McKim và cảnh cáo họ đừng c đến gõ cửa nhà ông ta với một dự án mà theo lời ông ta sẽ chỉ làm hài lòng những hạng “đồ tể và chế súng”.

Một năm sau, ba kiến trúc sư xuất hiện tại căn phòng xa hoa của ông ta ở Khách sạn Colón để trình bày đề xuất của họ. Jausà, cùng sự có mặt của cô gái Cuba Marisela, im lặng lắng nghe họ, và cuối buổi thuyết trình, hỏi họ phải mất bao nhiêu tiền để thực hiện công việc trong sáu tháng. Frederic Martorell, trưởng nhóm kiến trúc sư, liền hắng giọng và, đúng theo khuôn phép, viết con số lên một mảnh giấy, đưa cho nhà tài phiệt. Ông này, không hề chớp mắt, viết ngay một tấm séc với tổng số tiền đó rồi giải tán đoàn kiến trúc sư bằng một cử chỉ mơ hồ. Bảy tháng sau, vào tháng Bảy năm 1900, Jausà, vợ ông ta và cô hầu Marisela chuyển vào ngôi nhà. Đến tháng Tám, hai người phụ nữ kia chết, và cảnh sát tìm thấy Salvador Jausà mê man trần truồng, tay bị còng vào ghế nơi phòng làm việc. Báo cáo điều tra của tay hạ sĩ được giao xử lý vụ này nhận xét rằng tất cả các bức tượng trong nhà đều vấy máu, và các tượng thiên thần quanh vườn bị phanh thây – khuôn mặt chúng bị vẽ như mặt nạ của thổ dân – và dấu vết những cây nến đen được tìm thấy nơi bệ tượng. Cuộc điều tra kéo dài tám tháng. Lúc ấy Jausà đã rơi vào câm lặng.

Các cuộc điều tra của cảnh sát kết luận rằng mọi dấu hiệu cho thấy Jausà và vợ ông ta bị đầu độc bởi một thứ chiết xuất thảo dược mà Marisela đã cho họ uống, trong phòng của cô người ta tìm thấy đầy các loại chai lọ đựng thứ chất gây chết người kia. Vì lý do nào đó Jausà đã thoát khỏi vụ đầu độc, mặc dù hệ quả sau đó thật ghê rợn, vì ông dần dần mất đi khả năng nghe nói, một phần cơ thể ông ta bị bại liệt, và ông ta bị những cơn đau đớn khủng khiếp đến mức chúng buộc ông phải sống phần đời còn lại trong quằn quại triền miên. Người ta phát hiện bà Jausà trong phòng ngủ, nằm trên giường không mảnh vải che thân, trên người chỉ có những đồ trang sức, một trong số đó là chiếc vòng xuyến kim cương. Cảnh sát tin rằng khi Marisela thực hiện xong tội ác, cô ta đã lấy dao chặt đứt cổ tay mình rồi đi lang thang khắp nhà để cho dây máu lên tường các hành lang và của các phòng cho đến lúc cô ta ngã sụp xuống trong phòng mình trên gác. Theo lời cảnh sát, động cơ là do ghen tuông. Dường như vợ nhà tài phiệt có mang vào thời điểm bị chết. Có lời đồn Marisela đã dùng nến cháy đỏ vẽ một bộ xương người trên bụng của người đàn bà trần truồng ấy. Vài tháng sau, vụ việc này, cũng giống như cái miệng của Salvador Jausà, bị phong kín mãi mãi. Giới thượng lưu Barcelona nhận định rằng chưa hề có chuyện gì như thế xảy ra trong lịch sử thành phố, và những kẻ thực dân giàu có như vậy cùng đám tiện dân đến từ bên kia đại dương đang hủy hoại nền tảng đạo đức của đất nước. Đằng sau những cánh cửa khép kín, nhiều người lấy làm hoan hỉ vì những trò kỳ dị của Salvador Jausà đã đến hồi kết. Như thường lệ, họ đã nhầm: chỉ mới bắt đầu mà thôi.

Cảnh sát và các luật sư của Jausà chịu trách nhiệm đóng hồ sơ vụ việc, nhưng triệu phú Jausà muốn tiếp tục. Chính vào lúc này ông ta gặp Don Ricardo Aldaya - bấy giờ là một nhà công nghiệp giàu có với danh tiếng quyến rũ phụ nữ và tính tình như sư tử - muốn mua ngôi nhà nhằm mục đích phá dỡ và bán lại đặng kiếm lợi kếch xù; giá đất trong khu vực ấy đang sốt. Jausà không đồng ý bán, nhưng ông ta mời Ricardo Aldaya đến thăm ngôi nhà và chứng kiến điều ông ta gọi là thí nghiệm khoa học và tâm linh. Chưa ai từng bước chân vào tòa nhà ấy kể từ khi cuộc điều tra kết thúc. Điều Aldaya chứng kiến trong ngôi nhà đó khiến ông ta sửng sốt không nói nên lời. Jausà đã hoàn toàn mất trí. Những vết máu đen của Marisela vẫn ám trên tường. Jausà đã triệu đến nhà phát minh, một người tiên phong về kỹ thuật mới lạ lúc bấy giờ, một nhà nhiếp ảnh. Tên ông ta là Fructuós Gelabert, và ông ta đồng ý với yêu cầu của Jausà để đổi lấy số tiền xây dựng một xưởng phim tại vùng Vallés, vì ông ta cảm thấy chắc rằng, trong thế kỷ 20, điện ảnh sẽ hất cẳng tôn giáo có tổ chức. Rõ ràng Jausà tin linh hồn của Marisela vẫn còn ở lại ngôi nhà. Ông ta khẳng định có thể cảm thấy sự hiện diện của cô, giọng nói của cô, mùi của cô, thậm chí cả sự đụng chạm với cô trong bóng đêm. Khi nghe những câu chuyện này, kẻ hầu người hạ nhà Jausà ngay lập tức bỏ trống để tìm kiếm một công việc bớt căng thẳng hơn trong vùng Sarriá kề cận, nơi có rất nhiều dinh thự và gia đình không có khả năng tự đi múc nước hay mạng tất.

Bị bỏ lại đơn độc, Jausà ngày càng chìm sâu vào ám ảnh về những bóng ma vô hình. Ông ta quả quyết câu trả lời cho những tai họa của mình nằm trong việc biến cái vô hình trở nên hiện hình. Ông ta đã có cơ hội nhìn thấy một vài kết quả phát minh nhiếp ảnh ở New York, và ông ta cùng có chung quan điểm với Marisela quá cố rằng máy ảnh đã nuốt những linh hồn. Theo mạch suy nghĩ ấy, ông thuê Fructuós Gelabert chụp hàng thước phim trong các hành lang của Thiên thần Mù sương, nhằm tìm kiếm dấu hiệu và hình ảnh từ thế giới bên kia. Bất chấp những nỗ lực xuất sắc của nhà nhiếp ảnh, công cuộc truy tầm khoa học của Jausà đối với những bóng ma không có kết quả gì.

Mọi thứ thay đổi khi Gelabert tuyên bố ông ta vừa mới nhận được một loại phim mới, nhạy do nhà máy của Thomas Edison ở Menlo Park, New Jersey gửi đến. Loại sản phảm mới này có thể giúp chụp ở điều kiện ánh sáng cực thấp - thấp hơn cả ánh nến - điều chưa từng biết đến vào lúc bấy giờ. Rồi, trong một tình huống không bao giờ được làm rõ, một trợ lý trong phòng nghiên cứu của Gelabert đã vô tình đổ thứ rượu Xarelo lóng lánh của vùng Penedés vào khay tráng phim. Do phán ứng hóa học, những hình dạng kỳ lạ bắt đầu xuất hiện trên ảnh. Đây là thước phim mà Jausào Don Ricardo Aldaya xem vào đêm ông ta mời ông đến nơi ở ma quái số 32, Đại Lộ Tibidabo.

Khi Aldaya nghe chuyện này, ông cho rằng Gelabert vì sợ mất đi nguồn tài trợ của Jausà nên đã viện đến một trò lừa tinh vì hòng duy trì niềm hứng thú của ông chủ. Dù sự thật có ra sao, Jausà chẳng hề hoài nghi sự xác tín của kết quả. Hơn nữa, trong khi người khác chỉ nhìn thấy ở đó những hình dạng và bóng đen, ông ta nhìn thấy những bóng ma. Ông ta thề có thể thấy bóng hình của Marisela hiện về dưới tấm khăn liệm, một chiếc bóng biến thành con sói và đi thẳng lưng. Than ôi, điều duy nhất Don Ricardo Aldaya có thể thấy trong suốt buổi chiếu phim là những vệt máu lớn. Ông cũng cho rằng cả thước phim và tay kỹ thuật viên điều khiển máy chiếu đều sặc mùi rượu và mùi những thứ cồn thuốc khác hoàn toàn trần tục. Tuy vậy, là một doanh nhân sắc sảo, nhà công nghiệp nhận ra ông có thể lợi dụng tính huống này. Một tỉ phú điên rồ cô đơn, bị ám ảnh vào việc chụp những hình ảnh lạ trên phim, ấy chính là nạn nhân lý tưởng. Aldaya đồng ý với ông ta và khuyến khích ông ta tiếp tục cuộc phiêu lưu. Trong nhiều tuần liền, Gelabert và người của ông ta chụp hàng ngàn thước phim rồi đem đi rửa trong các khay khác nhau, sử dụng dung dịch hóa chất tráng phim hòa lẫn rượu ngoại, vang đỏ được ban phước ở nhà thờ giáo khu Ninot, các loại cava lấy từ lò rượu nho Tarragona. Giữa những lần chiếu phim, Jausà chuyển giao, ký ủy quyền và giao quyền kiểm soát kho tài chính của ông ta cho Ricardo Aldaya.

Jausà biến mất vào một đêm tháng Mười một năm ấy trong một con bão. Không ai biết chuyện gì đã xảy ra với ông ta. Dường như ông ta đang phơi sáng một trong cuốn phim đặc biệt của Gelabert thì gặp tai nạn. Don Ricardo Aldaya đề nghị Gelabert khôi phục lại cuộn phim ấy. Sau khi xem trong phòng riêng, Aldaya quyết định tự tay châm lửa đốt nó. Rồi, với một tấm séc rất hậu hĩnh, ông đề nghị tay kỹ thuật viên quên đi mọi chuyện về biến cố ấy. Lúc này Aldaya đã là chủ sở hữu hầu hết tài sản của Jausà mất tích. Có người nói rằng Marisela quá cố đã quay về đưa Jausà theo cô ta xuống địa ngục. Người khác lại bảo sau đấy vài tháng ở trong Công viên Ciudadela đã bắt gặp một kẻ ăn mày trông rất giống nhà triệu phú quá cố kia, rồi sau đó một chiếc xe màu đen rèm phủ kín đã cán lên người ông ta ngay giữa ban ngày ban mặt mà không thèm dừng lại. Các câu chuyện cứ lan ra: truyền thuyết bị thảm về tòa dinh thự nguy nga, như sự xâm lăng của âm nhạc Cuba vào các phòng khiêu vũ của thành phố, là không thể kiểm soát được.

Vài tháng sau, Don Ricardo Aldaya cùng gia đình chuyển vào căn nhà trên Đại lộ Tibidabo, và chỉ hai tuần sau, đứa con út Penélope của vợ chồng họ chào đời. Để mừng sự kiện ấy, Aldaya đổi tên ngôi nhà thành “Biệt thự Penélope”. Tuy vậy, cái tên mới không bao giờ bám trụ được. Ngôi nhà có cá tính riêng và tỏ ra miễn dịch với sự ảnh hưởng của chủ mới. Những người mới đến than phiền về những tiếng ồn và tiếng đánh sầm sầm vào tường trong đêm, những mùi thối bất chợt và những cơn gió lạnh băng tựa hồ rong ruổi khắp ngôi nhà như những tay lính gác. Tòa dinh thự là cả một lô một lốc những bí ẩn. Nó có hai tầng hầm, tầng dưới được làm theo dạng hầm mộ nhưng không sử dụng đến. Còn tầng hầm trên là phòng xưng tội có bức tường lớn nhiều màu khắc họa đức Giê-su bị đóng đinh, mà đám người hầu nghĩ rằng trông giống đến sững người cái ông Rasputin, một nhân vật rất đại chúng trên báo chí thời ấy. Những cuốn sách trong thư viện liên tục bị sắp xếp lại hoặc quay mặt trước ra sau. Trên tầng ba có một căn phòng, phòng ngủ không bao giờ sử dụng vì những vết đen nhớp nháp khó tả trên tường dường như tạo nên những khuôn mặt mờ ảo, ở đó hoa tươi sẽ héo úa chỉ trong vài phút và người ta có thể nghe tiếng ruồi vo ve tuy không thể nào thấy chúng.

Đầu bếp thề thốt rằng một số thứ như đường biến mất khỏ tủ như nhờ phép thuật và sữa chuyến sang màu đỏ mỗi khi trăng non. Đôi khi họ thấy những con chim hoặc chuột nhắt chết nơi cửa một số phòng. Có lúc những đồ đạc bị mất, đặc biệt là trang sức và cúc áo cất trong tủ bếp và ngăn kéo. Thỉnh thoảng những đồ vật bị mất thì nhiều tháng sau lại xuất hiện một cách bí ẩn ở một góc rất xa của ngôi nhà hoặc bị chôn trong vườn. Nhưng thường thì người ta không bao giờ thấy lại chúng nữa. Don Ricardo nghĩ đấy chỉ là những trò đùa vô bổ. Ông nghĩ, một tuần chay tịnh rồi sẽ diệt trừ được mọi nỗi sợ của gia định ông. Điều ông không nhìn nhận với thái độ giàu triết lý như vậy là những vụ cắp đồ trang sức của vợ ông. Hơn năm cô hầy đã bị sa thải khi có những món trong hộp trang sức của bà Aldaya biến mất, mặc cho họ kêu gào thề thốt mình vô tội. Những người hiểu biết thì cho rằng chẳng có gì bí ẩn cả: lời giải thích nằm ở thói quen đáng tiếc của Don Ricardo là hay lẻn vào phòng các cô hầu trẻ lúc ban đêm vì mục đích chơi bời lạc thú. Danh tiếng của ông ta trong lĩnh vực này lừng lẫy chả kém gì sự giàu có của ông, và có kẻ nói rằng với tốc độ diễn ra những cuộc phiêu lưu của ông thì rồi sẽ có lúc những đứa con ngoài giá thú bị ông bỏ rơi lại lấy lẫn nhau.

Sự thật là không chỉ trang sức biến mất. Cùng thời gian này gia đình họ đã mất đi toàn bộ niềm vui sống. Gia đình Aldaya chưa bao giờ hạnh phúc trong căn nhà chiếm được nhờ xảo thuật đàm phán. Bà Aldaya liên tục nài nỉ chồng bán ngôi nhà ấy đi và chuyển đến một nơi trong thành phố hoặc trở về ngôi nhà cũ mà Puig i Cadafalch đã xây cho Ông nội Simón, người trưởng tộc. Ricardo Aldaya thẳng thừng từ chối. Do thời gian của ông hầu hết dành cho việc đi đây đi đó hoặc ở trong các nhà máy của gia đình, nên ông thấy ngôi nhà chẳng gây ra điều gì phiền toái. Một lần cậu bé Jorge biến mất trong tòa dinh thự những tám tiếng đồng hồ. Mẹ cậu và đám người hầu hoảng loạn tìm kiếm, nhưng không thấy. Khi cậu xuất hiện trở lại, tái mét và choáng váng, cậu bảo đã ở suốt trong thư viện, cùng với một phụ nữ da đen bí ẩn, người đã cho cậu xem những bức ảnh cũ và nói với cậu rằng toàn bộ cánh đàn bà trong gia đình sẽ bị chết trong căn nhà đó để chuộc tội cho những người đàn ông. Người phụ nữ bí ẩn kia còn tiết lộ cho cậu bé Jorge ngày mẹ cậu chết: 12 tháng Tư năm 1921. Dĩ nhiên chẳng ai tìm thấy cô gái da đen kia cả, nhưng nhiều năm sau, vào ngày 12 tháng Tư năm 1921, khi trời hừng sáng, người ta phát hiện bà Aldaya bất động trên giường. Mọi trang sức của bà đã biến mất. Khi bể nước trong sân khô cạn, một cậu bé giúp việc phát hiện chúng ở trong đống bùn dưới đáy bể, cạnh một con búp bê của con gái bà, Penélope .

Một tuần sau Don Ricardo Aldaya quyết định tống khứ căn nhà. Lúc ấy đế chế tài chính của ông ta đã suy tàn, và có kẻ nói bóng gió rằng tất cả đều là do ngôi nhà bị nguyền rủa kia, ngôi nhà mang tại họa đến cho bất cứ ai ở đó. Những người khác, thận trọng hơn, chỉ đơn giản khẳng định rằng Aldaya không bao giờ hiểu được xu hướng thay đổi của thị trường và điều duy nhất ông đã hoàn tất trong suốt đời mình là phá hủy cái doanh nghiệp khổng lồ do Simón trưởng tộc gây dựng nên. Ricardo Aldaya tuyên bố ông sẽ rời Barcelona và cùng gia đình chuyển đến Argentina, nơi mà ngành công nghiệp dệt may được cho là vẫn đang huy hoàng. Nhiều người tin rằng ông đang chạy trốn sự thất bại và nỗi xấu hổ.

Năm 1922, Thiên thần Mù sương được treo biển bán với giá thấp đến lố bịch. Lúc đầu rất nhiều người quan tâm mua nó, vì danh tiếng của ngôi nhà cũng như vì giá trị của khu vực này ngày càng tăng, nhưng sau khi đến xem ngôi nhà thì không một người mua tiền năng nào ra giá cả. Năm 1923, dinh thự này đóng cửa. Các giấy tờ của tòa nhà được chuyển giao cho một công ty bất động sản đứng đầu trong danh sách dài dằng dặc các chủ nợ của Aldaya, để công ty này dàn xếp việc bán hoặc phá hủy nó. Ngôi nhà được rao trên thị trường nhiều năm, nhưng công ty này không thể tìm được người mua. Công ty này là Botell i Llofré S.L., bị phá sản năm 1939 khi hai thành viên của nó vào vòng lao lý vì những tội danh không rõ ràng. Sau một tai nạn chết người khó hiểu xảy ra với cả hai người này tại nhà tù San Vicens năm 1940, công ty được một tập đoàn tài chính tiếp quản, trong số các cổ đông của tập đoàn có ba tên tướng phát xít và một ngân hàng Thụy Sĩ. Giám đốc điều hành của công ty hóa ra là ông Aguilar, bố của Tomás và Bea. Bất chấp mọi lỗ lực, không một nhân viên nào của ông Aguilar có thể bán được ngôi nhà, ngay cả khi đã đưa ra giá thấp hơn nhiều so với ban đầu. Đã mười năm qua không ai quay lại căn nhà đó.

“Cho đến hôm nay," Bea nói khẽ, co người lại một thoáng. "Em muốn cho anh xem nơi này, anh hiểu không? Em muốn mang lại cho anh một điều ngạc nhiên. Em tự nhủ phải mang anh đến đây, vì đây là một phần trong câu chuyện của anh, câu chuyện về Carax và Penélope. Em đã mượn chìa khóa ở văn phòng cha em. Không ai biết chúng ta ở đây. Đấy là bí mật của chúng ta. Em muốn chia sẻ nó với anh. Và em đang tự hỏi liệu anh có đến không.”

“Em biết anh sẽ đến mà.''

Nàng khẽ gật đầu, cười. “Em tin chẳng có gì xảy ra tình cờ cả. Từ trong sâu thẩm, mọi vật đã có dự định bí mật cho riêng chúng, cho dù chúng ta không hiểu được. Như việc anh tìm thấy cuốn tiểu thuyết của Julián Carax trong Nghĩa Trang Những Cuốn Sách Bị Lãng Quên hay việc bây giờ anh cùng em ở đây, trong ngôi nhà từng thuộc về gia đình Aldaya. Tất cả chúng đều là một phần của một cái gì đó chúng ta không thể hiểu nổi, cái gì đó làm chủ chúng ta.”

Trong khi Bea nói, bàn tay tôi lóng ngóng luồn xuống cổ chân nàng rồi lần lên đầu gối. Nàng nhìn như thể đang nhìn một con côn trùng đang bò lên chân mình. Tôi tự hỏi nếu là Fermín thì anh ta sẽ làm thế nào trong tình huống này. Trí khôn của anh ta ở đâu ngay lúc tôi cần nó nhất?

“Tomás bảo anh chưa bao giờ có bạn gái," Bea nói, như thể giải thích cho tôi.

Tôi rụt tay lại và cúi xuống, thảm bại. Tôi ngờ Bea đang cười, nhưng tôi không dám kiểm chứng.

“Cậu ấy khá trầm tính, nhưng cũng khá là lắm chuyện. Thế cái tay đưa tin này còn nói gì nữa về anh nào?”

“Anh ấy bảo anh nhiều năm theo đuổi một phụ nữ già hơn và chuyện đó khiến anh tan nát.”

“Anh chỉ bị sứt môi và mẻ lòng kiêu hãnh thôi.”

“Tomás bảo anh không đi chơi với những cô gái khác vì anh cứ so sánh tất cả bọn họ với người phụ nữ kia.”

Tomás tốt bụng và những cú đánh trộm của cậu ta. “Cô ấy tên Clara,” tôi thành khẩn.

“Em biết. Clara Barceló.”

"Em biết cô ấy à?

“Tất cả mọi người đều biết Clara Barceló. Cái tên chỉ là phần nhỏ nhất thôi.”

Trong một lúc chúng tôi rơi vào im lặng, ngồi nhìn lửa cháy.

“Sau khi anh về, em đẽ viết thư cho Pablo,” Bea nói.

Tôi nuốt khó nhọc. “Cho cậu bạn trai đại úy của em ư? Để làm gì?”

Bea lấy trong áo ra một chiếc phong bì đưa cho tôi xem. Nó dán kín.

“Trong thư em bảo anh ấy rằng em muốn bọn em sẽ nhanh chóng làm đám cưới, trong một tháng nữa, nếu có thể, và em muốn rời Barcelona mãi mãi.”

Tôi như run lên, nhìn vào đôi mắt không thể xuyên thấu của nàng.

“Sao em lại kể cho anh nghe chuyện này?”

“Vì em muốn hỏi anh em có nên gửi nó đi không. Vậy nên hôm nay em mới bảo anh đến đây, Daniel.”

Tôi nhìn phong thư nàng vân vê trong tay như một lá bài.

“Nhìn em này,” nàng nói.

Tôi ngước mắt lên và bắt gặp ánh mắt nàng. Tôi không biết phải trả lời thế nào. Bea cúi xuống và đi về phía cuối phòng. Một cánh cửa dẫn đến lan can đá cẩm thạch mở ra khoảng sân trong của ngôi nhà. Tôi nhìn theo bóng nàng nhòa dần trong mưa. Tôi chạy theo để ngăn nàng lại, giật lấy chiếc phong bì khỏi tay nàng. Cơn mưa táp xuống mặt nàng, cuốn đi những giọt nước mắt và nỗi hờn giận. Tôi dẫn nàng vào nhà đến bên hơi ấm của ngọn lửa. Nàng tránh ánh mắt tôi. Tôi cầm chiếc phong bì ném vào ngọn lửa. Chúng tôi nhìn bức thư cháy tàn ra giữa những hòn than ửng đỏ và những trang giấy tan biến thành những vòng khói, từng trang một. Bea quỳ xuống cạnh tôi, mắt đẫm lệ. Tôi ôm nàng và cảm thấy hơi thở nàng nơi cổ mình.

“Đừng bỏ rơi em, Daniel,” nàng thầm thì.

Người đàn ông thông thái nhất tôi từng biết, Fermín Romero de Torres, đã bảo tôi rằng chẳng trải nghiệm nào trong đời có thể so sánh với việc một người đàn ông lần đầu tiên cởi đồ cho một người phụ nữ. Trong tất cả những lời khôn ngoan ấy, tuy anh ta đã không lừa dối tôi, song anh ta cũng chẳng nói sự thật. Anh ta không hề kể gì về sự run rẩy kỳ lạ của bàn tay gỡ bỏ từng khuy cúc, từng khóa kéo, để đi vào một thử thách quá sức của con người. Anh ta cũng không nói gì về sự mê đắm nơi làn da trắng muốt run run, sự lướt chạm đầu tiên vào đôi môi, hay về sự diệu kỳ dường như làm lung linh mỗi lỗ chân long. Anh ta không nói với tôi bất kỳ điều gì như vậy, vì anh ta biết rằng cái kỳ diệu chỉ xảy ra một lần và, khi nó xảy ra, nó nói bằng thứ ngôn ngữ của những bí mật, những bí mật mà sau khi mở lộ là sẽ tan biến vĩnh viễn. Hàng ngàn lần tôi những muốn tìm lại cái buổi chiều đầu tiên ấy cùng Bea trong ngôi nhà mênh mông trên Đại lộ Tibidabo, khi tiếng mưa đã quét sạch đi cả thế giới. Hàng ngàn lần tôi ước ao được quay lại để lạc vào cái ký ức mà tôi có thể giữ lại duy chỉ một hình ảnh bị đánh cắp từ hơi nóng của ngọn lửa: Bea, trần trụi và tỏa sáng với cơn mưa, nằm bên ngọn lửa, đôi mắt mở to đã đi theo tôi từ ngày ấy. Tôi cúi xuống miết đầu ngón tay trên bụng nàng. Bea khép mắt và mỉm cười, tự tin và mạnh mẽ.

“Hãy làm những gì anh muốn với em,” nàng thì thầm.

Nàng mới mười bảy, cả cuộc đời nàng ánh lên trên bờ môi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.