Bởi Vì Thấu Hiểu Cho Nên Từ Bi

Chương 27: Trăng sáng cố hương




Phụ nữ… điều cả đời phụ nữ kể lể là đàn ông, nhớ nhung là đàn ông, oán hận cũng là đàn ông, vĩnh viễn và vĩnh viễn.

(Trương Ái Linh ngữ lục)

Rốt cuộc hạnh phúc là gì? Là bỗng nhiên quay đầu nhìn lại, người đó đã đứng ở nơi đèn hoa rực rỡ; là trong ngõ nhỏ tầm thương, chỗ ngã rẽ không hẹn mà gặp; là trên hành trình vạn dặm, mưa gió của bến đò thời gian ùa về. Mong đợi nhìn tưởng như giản đơn này, lại luôn phải kinh qua muôn non ngàn nước, mới có thể viên mãn. Chuyện đời khó định, sớm chiều vô thường, chỉ là chúng ta đều nên tin rằng, sẽ có một ngày cùng quay về từ những nẻo đường khác biệt.

Trương Ái Linh và Reyer là hai người đi trên hai con đường khác nhau, nhưng vì họ có nhân duyên gặp gỡ, nên sẽ phải ở bên nhau. Reyer đến ga xe lửa từ trước để đợi vị hôn thê của mình, hẳn tâm trạng của ông khi ấy vừa xúc động lại vừa rối bời. Còn tâm trạng lạc lõng cô độc của Trương Ái Linh không lời nào có thể tả hết. Cô không dám thờ ơ trước lần kết hôn hai trong cuộc đời này, càng không dám quên thời khắc này.

Reyer tìm được một gian nhà trọ, sắp xếp ổn thỏa chỗ ở cho Trương Ái Linh, rồi ông mới cầu hôn cô. Trương Ái Linh không cần vờ suy nghĩ, liền đồng ý ngay tức khắc, mặc dầu khi cầu hôn, Reyer chỉ đưa ra một yêu cầu, đó là ông không cần đứa con. Trương Ái Linh cũng đồng ý bỏ đứa con, thậm chí cô còn kiên định hơn cả Reyer. Có lẽ rất nhiều người đều không hiểu, nếu là vì đứa con, hai người mới kết hôn thì không có gì khó hiểu cả. Nhưng bây giờ, họ quyết định bỏ đứa con đi, vậy thì sao lại còn cần tờ giấy hôn ước đó?

Trương Ái Linh và Hồ Lan Thành cũng đã từng có một tờ hôn ước, lời thề nguyền năm tháng tĩnh lặng, kiếp này bình yên của họ đã sớm hóa thành tro bụi. Nhưng, Reyer và Hồ Lan Thành không giống nhau, ông chân thành lương thiện, không bạc tình bạc nghĩa như Hồ Lan Thành. Nhưng, ông cũng là một lãng tử, đã sớm quen với cuộc sống tự do phóng túng, ông lấy cái gì để đem lại sự an ổn cho Trương Ái Linh? Nếu chỉ vì tình yêu, hoặc chỉ vì nương tựa vào nhau, vậy chẳng cần sự bó buộc của hôn nhân, mà chỉ cần hai bên sớm tối bên nhau, chăm sóc lẫn nhau. Sẽ có một ngày, khi mỏi mệt rồi, cả hai đều có thể tùy ý ra đi.

Nhưng bọn họ đã kết hôn, cho dù có hạnh phúc hay không, họ đều quyết định ở bên nhau. Tháng 8 năm 1956, Reyer và Trương Ái Linh tổ chức một buổi hôn lễ đơn giản. Sau khi hôn lễ kết thúc, hai người nắm tay nhau đi khắp New York, và coi như đó là một chuyến du lịch trăng mật. Khi Trương Ái Linh thông báo tin này cho người mẹ ở London xa xôi, Hoàng Dật Phạn cảm thấy rất vui. Bà thấy, chàng rễ hơn Trương Ái Linh ba chục tuổi đời này, dẫu không xứng với con gái bà, nhưng như thế cũng coi như Trương Ái Linh có một chỗ dựa, không đến nỗi cô độc lạc loài. Người mẹ cả đời phiêu dạt này của Trương Ái Linh, đã bị bệnh rồi qua đời ở nước Anh vào năm thứ hai sau khi cô kết hôn. Không biết, khoảng khắc nhắm mắt, bà đã tỉnh giấc mộng hồng trần hay chưa?

Hai tháng sau khi kết hôn, Reyer lại bị đột quỵ lần nữa, và cận kề cái chết. Cuối cùng, tuy may mắn qua được cơn nguy hiểm, nhưng tài tình suy giảm, ông càng ngày càng phải dựa dẫm vào Trương Ái Linh. Họ vẫn sống không có nơi ở cố định như trước, sinh kế đều nhờ vào việc viết lách của Trương Ái Linh. Cuộc sống khốn khó như thế nào, tưởng tượng là đủ biết. Và sau này, rất nhiều người cảm thấy đau lòng thay cho Trương Ái Linh, cho rằng cô không nên lấy Reyer, vì ông mà liên lụy uổng phí thời gian mười năm. Có nhiều người chỉ trích Reyer, đặc biệt là Hạ Chí Thanh tiên sinh, ông cho rằng Reyer là một người đàn ông ích kỷ ngang ngược, thực sự phụ lòng Trương Ái Linh.

Có lẽ, đây chính là tình kiếp mà Trương Ái Linh không thể trốn tránh được, năm đó, cô vì Hồ Lan Thành mà đến nỗi tài hoa tan tác, đến nay lại vì Reyer mà vất vả kiếm sống. Cô là một phụ nữ, nhưng cả cuộc đời chưa từng được hưởng thứ hạnh phúc mà một người phụ nữ đáng được có. Sau khi kết hôn với Reyer, ngoại trừ viết lách kiếm tiền ra, tất cả thời gian của Trương Ái Linh đều dành để chăm sóc sức khỏe cho ông. Họ thường đau khổ vì một góc trú qua đêm, thậm chí buồn bực vì tiền ăn một bữa. Niềm an ủi duy nhất chính là hai người được ở cạnh nhau, chỉ có điều niềm vui lần đầu gặp gỡ, giận vì đã gặp nhau quá muộn kia, đã bị thời gian mài mòn đến mức không tồn tại nữa.

Cố gắng mấy năm, tác phẩm của Trương Ái Linh cũng được coi là có chút khởi sắc, nhưng dường như cô đã không thể quay về thời huy hoàng đỉnh cao như ở Bến Thượng Hải năm xưa nữa. Trong đại dương sâu thẳm mà mênh mông của văn chương đó, bạn vô tình gặp gỡ, sẽ có được thu hoạch không ngờ. Còn khi bạn cố ý tìm kiếm, sẽ tốn công vô ích. Trương Ái Linh hiểu rằng được mất tùy duyên, nhưng cuộc sống thì phải có miếng ăn chốn ở, không thể thiếu cái nào được. Nếu như chỉ là cơm áo đơn thuần, có lẽ còn có thể chống chọi được, nhưng thỉnh thoảng Reyer lại phát bệnh, khiến Trương Ái Linh không thể không lo lắng.

Cuối cùng, sau năm năm kết hôn, Trương Ái Linh có dự định sẽ đến Hương Cảng, Đài Loan để phát triển sự nghiệp. Lúc này, Trương Ái Linh và Reyer vừa đến San Francisco không lâu, cuộc sống cũng tạm ổn định, nhưng viễn cảnh sáng tác vẫn mù mờ như cũ. Cô không thể cứ ngồi đợi thời gian trôi qua như thế, cho nên cô phải ra đi. Dự định này đương nhiên khiến Reyer chấn động. Trương Ái Linh đi, ai là người chăm sóc thân thể đầy bệnh tật của ông? Cho dù Trương Ái Linh để lại tiền cho ông, đã nhờ cô con gái của ông chăm sóc cho cha, nhưng Reyer vẫn cảm thấy tuyệt vọng như thể bị cô vứt bỏ.

Xưa nay, việc Trương Ái Linh đã quyết định thì chưa bao giờ thay đổi, nhưng nhân phẩm của cô không cho phép bất cứ ai nghi ngờ. Cô đi, từ nước Mỹ bay đến Đài Bắc. Reyer nhìn bóng dáng của cô một hồi rồi cho rằng, người phụ nữ phương Đông cô độc cao ngạo và mạnh mẽ này, sẽ không bao giờ quay lại nữa. Trương Ái Linh không để ý đến cảm nhận của ông, lần này cô trở về cố hương sau sáu năm cách biệt, không chỉ là vì bản thân, mà còn vì ông.

Hòn đảo xa lạ Đài Bắc, lại không hề lạ lẫm với cô. Ngọn gió lướt qua mặt khiến cô cảm nhận được sự mới mẻ và hơi ấm của Tổ quốc đã xa cách lâu ngày. Đón cô chính là lãnh đạo của Sở Tin tức Thượng Hải ngày trước – McCarthy, nay ông ta đã là chuyên viên văn hóa của Lãnh sự quán của Mỹ đóng tại Đài Bắc. Ông đưa Trương Ái Linh đến ở căn biệt thự lớn và sang trọng của mình, lên xe xuống ngựa, vô số người hầu. Đã nhiều năm rồi Trương Ái Linh không được hưởng thụ cuộc sống xa hoa như vậy. Đêm hôm đó, cô ngước nhìn vầng trăng treo ngoài cửa sổ, bàng hoàng như trong mộng.

Năm tháng sàng lọc, tác phẩm của Trương Ái Linh dần nhận được sự chú ý và quan tâm của vô số độc giả Đài Loan. Một số tác giả trẻ của trường Đại học quốc lập Đài Loan đã sùng bái, coi Trương Ái Linh là thần tượng. McCarthy đã tổ chức tiệc ở nhà hàng Đại Đông viên đối diện với Nhà hát quốc tế Đài Bắc để đón Trương Ái Linh. Tiếp đón khách mời có Bạch Tiên Dũng, Vương Văn Hưng, u Dương Tử, Trần Nhược Hy, Vương Trinh Hòa, Đái Thiên, n Trương Lan Hy… Đại đa số họ đều là “thanh niên văn nghệ” trong các sinh viên đại học Đài Bắc, bấy giờ đang phát hành tạp chí Văn học hiện đại.

Những người này chưa từng gặp Trương Ái Linh, cho nên trước khi gặp cô, họ đều phỏng đoán và hình dung về tướng mạo của Trương Ái Linh. Trần Nhược Hy hỏi Bạch Tiên Dũng: “Anh nghĩ cô ấy béo hay gầy?”. Bạch Tiên Dũng quả quyết: “Chắc chắn cô ấy vừa gầy vừa nhỏ.” Không lâu sau Trương Ái Linh xuất hiện, cô gầy guộc cô độc, làn da trắng mướt, mặc một chiếc áo sườn xám nhạt màu, trông lại càng trẻ trung. Trong Một lần gặp gỡ Trương Ái Linh, Trần Nhược Hy từng viết: “Toàn thân toát ra một thần thái đặc biệt, một sự quyến rũ vừa xa xôi lại vừa quen thuộc, đại khái là phong cách đặc trưng của những năm ba mươi vậy…”.

Đúng thế, cô chính là người phụ nữ đi ra từ trong mưa khói Dân Quốc, mang một vẻ quyến rũ mà không ai có thể thay thế được. Ngữ điệu của cô rất nhẹ, rất chậm, thậm chí còn phảng phất xen lẫn những linh cảm, nhưng xót xa. Bạch Tiên Dũng nhớ, anh ngồi bên cạnh Trương Ái Linh, cho rằng cô sẽ nói khẩu âm Thượng Hải, nhưng không ngờ giọng nói của cô lại là tiếng phổ thông mang âm hưởng Bắc Kinh nhàn nhạt.

Dường như Trương Ái Linh nói chuyện rất ăn ý với Vương Trinh Hòa, cô nói: “Đọc qua cuốn Quỷ, Gió Bắc, Người của cậu, quả thật tôi rất thích căn nhà cũ mà cậu viết, khi đọc cảm thấy dường như mình đã sống ở nơi đó vậy”. Vương Trình Hòa nghe xong lấy làm phấn khởi, lập tức mời Trương Ái Linh đến nhà cũ của anh ta ở huyện Hoa Liên[1] ở mấy ngày, trải nghiệm cuộc sống ở đây.

[1] Hoa Liên: Một huyện lớn nhất ở Đài Loan, nằm ở khu vực miền núi, duyên hải phía đông Đài Loan.

Trương Ái Linh cũng nhận lời, sau bữa cơm, cô để Trần Nhược Hy đưa cô đi dạo phố, mua một ít vải vóc, dự định làm quà gặp mặt tặng cho Vương Trinh Hòa và mẹ anh. Sau khi rời buổi tiệc, Trương Ái Linh và Trần Nhược Hy nói chuyện thao thao bất tuyệt, họ bàn luận về vấn đề nữ giới, sườn xám, kiểu tóc… Sau này Trần Nhược Hy kể lại: “Đây đúng là người phụ nữ đáng yêu nhất mà tôi đã từng gặp, tuy cô ấy hoàn toàn khác với tưởng tượng của tôi trước đây, nhưng lại không hề khiến tôi thất vọng một chút nào”.

Trương Ái Linh ở lại Hoa Liên một tuần, phong tục nhân tình ở vùng đất này khiến cô ấn tượng sâu sắc, khó quên. Vương Trinh Hòa cũng nảy sinh một thứ tình cảm không thể nói thành lời với Trương Ái Linh, mỗi lần nhớ lại, trong lòng anh luôn dấy lên một cơn sóng nhè nhẹ. Anh nói: “Dáng vẻ cô ấy khi đó rất trẻ trung, người lại lanh lẹ, trong con mắt người ngoài, chúng tôi lại giống như một cặp tình nhân, còn trong mắt người Hoa Liên, cô ấy chính là ‘người phụ nữ thời thượng’. Bởi vì chúng tôi đi đến đâu, đều thu hút sự chú ý của mọi người. Khi ấy, tôi đang học học kỳ một của năm thứ hai đại học, hàng xóm thấy tôi dường như đã trở thành ‘người lớn’, lần đầu có cảm giác có ‘bạn gái’, trong lòng mừng vui khắp khởi”.

Vương Trinh Hòa và Trương Ái Linh đã dạo chơi ở rất nhiều thắng cảnh của Hoa Liên. Lúc đó, cô quên mất sự vất cả kiếm sống mấy năm nay, chìm đắm trong vùng đất xinh đẹp tràn đầy không khí cổ kình này. Cô trẻ trung xinh đẹp, thần sắc rạng ngời. Sau lần tạm biệt này, Vương Trinh Hòa và Trương Ái Linh cũng luôn thư từ qua lại. Nhưng vài năm sau, khi đến Mỹ, Vương Trinh Hòa muốn gặp Trương Ái Linh, nhưng cô từ chối. Những năm cuối đời, Trương Ái Linh sống xa bầy lẻ bạn, đóng cửa không tiếp khách, cô không muốn có bất cứ dây dưa nào với những người và những chuyện của quá khứ. Vương Trinh Hòa cho rằng, sở dĩ Trương Ái Linh từ chối gặp mặt, là vì cô muốn trong ký ức của anh, cô vĩnh viễn xinh đẹp trẻ trung như thế.

Nếu như không nhận được tin Reyer bị đột quỵ ở Mỹ, thì chuyến đi đến Đài Loan lần này của Trương Ái Linh, hẳn là vui vẻ và tốt đẹp. Nhưng ông đột ngột phát bệnh, khiến tâm trạng đang tương đối dễ chịu thoải mái của Trương Ái Linh lại bắt đầu ngổn ngang trăm mối suy tư. Khi nghe tin, cô muốn lập tức quay về Mỹ, nhưng sau khi cân nhắc, cô vẫn quyết định từ bỏ ý định đó. Không phải là cô nhẫn tâm, mà là lúc này số tiền Trương Ái Linh có không mua nổi một tấm vé máy bay. Cho dù có thể vay của bạn bè, nhưng trở về rồi thì sao, cô cũng sẽ đi đến cảnh ngộ cùng đường bí lối y như vậy.

Mục đích về nước lần này, là để tìm cơ hội kiếm tiền, cải thiện tình cảnh khốn quẫn xưa nay. Bây giờ mới đến Đài Bắc, còn chưa có thành tựu mà đã gấp rút quay về, há chẳng phải là tốn công vô ích sao? Thế nên, Trương Ái Linh không còn cách nào khác, đành gác bỏ nỗi nhớ nhung Reyer, quyết ý bay đến Hương Cảng, tìm người bạn cũ Tống Kỳ, hy vọng có thể có được cơ hội hợp tác ở chỗ anh ta. Trước đó, Trương Ái Linh đã từng nhận lời Tống Kỳ viết kịch bản cho mấy bộ phim Tình trường như chiến trường, Vận đào hoa, Nhân tài lưỡng đắc… cho Công ty Điện ảnh Điện Mậu Hương Cảng. Tuy không có thành tựu xuất sắc, nhưng cũng thành công không ít.

Phóng tầm mắt nhìn trời mây, chim hạc bay còn có chốn về, cớ sao tài nữ Dân Quốc này lại thê lương không biết nương tựa vào đâu? Nếu chỉ có một mình, cô chỉ cần một gian nhà, ngày ngày trà thô cơm nhạt là đủ. Nhưng tại sao cô lại tham luyến những sự tình xa xỉ trên thế gian này, vì một người đàn ông như ngọn nến tàn lay lắt trước gió mà kiên định quyết chí trả giá như thế? Đêm khuya yên tĩnh, mây chiều cuộn lại, tâm sự sầu thương, biết giãi bày cùng ai?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.