Bố Là Bà Giúp Việc

Chương 5: Tìm một vai diễn trong đời




Vài tuần sau, bà Doubtfire đang dựa lưng vào lan can chiếu nghỉ, gãi sồn sột cẳng chân đầy lông và phì phèo điếu xì gà thì Lydia ở trong phòng đi ra, tay ôm một đống truyện tranh nhàu nát.

“Bố không nên hút thuốc,” Lydia quở trách, bỏ đống truyện bẩn thỉu xuống ngay ngoài phòng Christopher. “Bố sẽ làm phổi đen sì đi đấy.”

Bà Doubtfire nheo nheo mắt và quay sang phì khói thuốc vào tấm rèm. Đoạn bà rút mẩu thuốc ra để gạt tàn.

“Nghe này, viên kẹo bi của bố,” bà nói. “Hồi bố còn trẻ, đó là những ngày tháng tươi đẹp khi bố chưa lấy mẹ các con, bố thường được uống uýt ky trong yên bình, hút thuốc mà không bị ai quấy rầy. Nhưng quãng đời hạnh phúc đó đã qua lâu rồi, đã trở thành quá khứ rồi. Nên nếu ở cái tuổi trung tuần đầy mệt mỏi này mà bố thỉnh thoảng có phải nốc một cốc bia, hoặc phải hút một điếu thuốc thì bố sẽ rất biết ơn nếu con để cho bố được yên.”

Nói rồi bà hít thêm một hơi dài.

“Phải dọn dẹp cho nhanh thôi, cún con ạ. Nếu mẹ con về mà nhà cửa chưa được dọn sạch sẽ tinh tươm thì bà giúp việc tép riu này sẽ bị đuổi thẳng cổ đấy.”

Lydia tiếp tục dọn dẹp. Vừa cầm sọt rác đầy ú ụ ra hành lang, Christopher nhăn mặt lại khi thấy mình còn đống đồ nữa được chị gái chất sẵn ở đó.

“Con không thể hiểu tại sao chúng con luôn phải dọn dẹp nhà cửa,” thằng bé càu nhàu. “Bố là người được trả tiền cơ mà.”

“Thế người ta mới nói có con đẻ thì còn có đứa nó đỡ đần đây con ạ.”

Bà Doubtfire lại đưa điếu thuốc lên miệng, đoạn chỉnh chiếc khăn trên đầu cho chắc chắn.

“Mà con thừa biết bố kém tài trong việc giữ cho nhà cửa đẹp đẽ rồi còn gì. Đó chính là một trong những lý do mẹ con ly hôn với bố.”

Bà vén cao váy, để lộ một phần bắp đùi rắn chắc, đoạn ngồi trên bậu cửa sổ rộng giữa đám chậu đỗ quyên đơm hoa vào mùa xuân.

“Bây giờ phải tính đến khu vườn. Đó cũng là cả một vấn đề.”

Bà nhìn chăm chăm ra ngoài cửa sổ. Đôi lông mày được tỉa và đánh bóng cẩn thận thấp thoáng nỗi lo âu khi nhìn xuống những hàng súp lơ và bắp cải của Miranda đang nhú lên màu tim tím.

“Đáng ra phải vãi vôi cho luống rau đó rồi...”

Christopher và Lydia cứ hết chạy sang phòng dứa kia lại chạy về phòng mình để trả sách và bút, đổ những cốc nước còn thừa vào bồn rửa mặt, vứt quần áo nhàu nát vào hai giỏ mây đặt ngoài tủ hong quần áo. Trong khi đó, bà Doubtfire đứng tựa cửa sổ nhìn chằm chằm khu vườn nhà bên.

“Bà Hooper đó lại để cửa nhà kho mở toang hoác rồi. Thế kia thì nước mưa sẽ bắn vào làm hỏng hết dụng cụ cho mà xem.” Giọng bà đột nhiên trở nên tức giận. “Các con có biết lúc hai đứa đi học, người đàn bà xấu xa đó đã làm gì không?”

“Không ạ,” Christopher đáp, đưa cho Lydia chiếc rađiô đang kẹp ở nách. “Người đàn bà xấu xa đó đã làm gì lúc chúng con đi học hả bố?”

Bà Doubtfire giữ chặt chiếc khăn đội đầu.

“Bà ta chỉ giật phắt một dây kim ngân tuyệt đẹp trên tường đi. Đó là tất cả những gì bà ta đã làm! Trồng hoa mà tàn bạo với hoa như thế thử hỏi có điên không chứ?”

“Có thể bà ấy muốn lấy chỗ để trồng hoa khác,” Lydia gợi ý. “Bố bỏ đầu gối ra để con đẩy cái máy hút bụi qua được không ạ?”

Bà Doubtfire miễn cưỡng vén váy và thu đôi chân đầy lông lại.

“Rất có thể,” bà đáp. “Lấy chỗ để trồng một loại hoa hồng sặc sỡ nào đó bán trong siêu thị, không còn nghi ngờ gì nữa.” Bà thở dài đánh thượt, nhả ra đám khói màu xanh. “Sao người đàn bà đó lại có thể vác mặt đến lớp học vẽ mỗi tuần một buổi được chứ, bố chẳng bao giờ hiểu nổi. Cứ nhìn nét vẽ tầm thường của bà ta trong bức vẽ vóc dáng đẹp đẽ của bố thì đủ biết khiếu thẩm mỹ của bà ta không khá hơn cái chổi cọ nhà vệ sinh, năng lực cảm thụ của bà ta không hơn gì phiến đá lát tường. Bà ta đã vẽ bố tám lần rồi đấy! Tám lần! Bố đã đứng, nằm và ngồi ở mọi tư thế. Bà ta đã vẽ bố đang quấn tấm vải muxơlin dưới ánh đèn đủ màu sắc. Bà ta đã vẽ chân dung bố bằng phấn, chì than, bút chì, rồi sơn dầu, bằng màu nước, chì màu, rồi phấn màu, nói chung là đủ cả, và tuần trước, Chúa ơi, thậm chí bằng đất sét nữa. Đó là tám lần bà ta cho bố tám bộ dạng khác nhau: đần độn, lưng gù, chân vòng kiềng, mắt lác, vẹo cổ, tay vượn, ngực thùng, và tuần trước, khi bà ta trát mảnh đất sét cuối cùng vào bức ảnh, nó như cú đánh chí mạng vào lòng tự trọng của bố, bởi trông bố không còn được là người nữa.” Bà Doubtfire mặt hằm hằm tức giận. “Bố đã bị dùng uổng phí cho mục đích của người đàn bà đó, thực sự là uổng phí. Bà ta nào có biết gì về vẻ đẹp tự nhiên chứ.”

“Con không biết,” Christopher buột miệng. “Có vẻ bà ấy giống con...”

“Con thì biết cái gì chứ,” bà Doubtfire cay cú nhận xét. Quan sát đầu lọc điếu xì gà, bà đẩy cánh cửa sổ phía sau lưng ra để gảy tàn thuốc xuống khóm kim túc của bà Hooper.

“Lạy Chúa tôi!” bà hét toáng lên, suýt chút nữa lộn nhào ra ngoài cửa sổ vì choáng váng. “Bà ta đang trồng thược dược.”

“Đó là vườn nhà bà ấy cơ mà,” Lydia phân trần. “Sao bà ấy lại không được trồng thược dược hả bố?”

“Vào tháng Ba ư? Con có khùng không đấy?”

Một tay giữ khăn đầu, tay kia giấu điếu xì gà đang cháy dở dưới bậu cửa, bà Doubtfire nhoài người ra.

“Này cô thân mến,” bà réo qua bãi cỏ. “Tôi phải cảnh báo cô điều này! Giờ mà trồng thì thược dược của cô sẽ chết héo vì sương giá đấy!”

Nói rồi bà thụt cái đầu quấn khăn vào trong và đóng sầm cửa lại.

“Ngu thế cơ chứ! Năm nào cũng phải nhắc. Ngày bố còn ở đây bố đã phải nhắc bà ta không biết bao nhiêu lần.” Bà thở dài đánh thượt. “Bố sẽ nói cho các con biết cái tật của bà Hooper đó: bà ta có cái tật không bao giờ thèm nghe ai khuyên cả. Bố nghĩ có khi phải xuống đó ngăn bà ta lại. Dù thế nào bố cũng phải nói chuyện với bà ta về bệnh xoăn lá mới được.”

Christopher đang hì hụi mở nắp chai Downy liền ngừng lại. Dù không nói ra, song thằng bé không thích “bố mình ra vườn nhà Hooper trong bộ dạng bà Doubtfire”. Nó sợ bố nó có thể bị phát hiện, và hậu quả sẽ thật khủng khiếp khi chuyện đến tai mẹ nó.

“Bố đừng có ra vườn. Bố lại ở đó cả tiếng đồng hồ cho mà xem. Chúng con sắp chết đói rồi. Bữa tối của chúng con thì sao?”

Bà Doubtfire đẩy cửa nhà tắm để vứt mẩu xì gà vào bồn cầu.

“Nghe này,” bà nói. “Bố trông các con sau giờ học. Bố kiểm tra bài cho các con. Bố giặt quần lót cho các con. Con không thể bắt bố đi chợ nấu ăn được.”

Christopher tức giận.

“Bố chưa đi chợ ạ?”

Bà Doubtfire đánh trống lảng bằng cách giật bồn cầu.

“Không có gì ăn ạ?” Christopher vẫn chưa chịu thôi.

Bồn cầu quay tít mẩu xì gà, tháo hết nước, sau đó lại đẩy một chút nước lên. Mẩu xì gà vẫn ở đó, khẽ xoay tròn.

“Cái gì cũng không có ạ?”

Bà Doubtfire nhún vai.

“Bố cho rằng lúc nào cũng có chim...”

“Chim ư?” Christopher khiếp sợ. “Bố muốn nói tới con Hetty sao?”

Bà Doubttire ngó chăm chăm đầu ngón tay.

“Hetty là chim...” bà nói. “Chim rất bổ...”

Lydia xuất hiện ở ngưỡng cửa, tỏ vẻ kinh sợ không khác gì em trai.

“Bố và em đang nói về việc thịt con Hetty sao?”

“Sao không?” Bà Doubtfire tỉ mẩn cạy lớp sơn móng tay màu hồng. “Mấy ngày trước bố mới biết có món này ngon ra phết. Chim cút và xa lát atisô.” Đôi lông mày bóng loáng nhíu lại. “Song có thể hơi khó. Một trong những nguyên liệu để nấu món ăn này là quả bách xù. Chắc chả đứa nào muốn trèo qua bờ rào hái một, hai quả bách xù bé xíu của bà Hooper nhỉ?”

“Đúng ạ!” Christopher thét lên.

“Đúng ạ!” Lydia cũng hùa theo.

Bà Doubtfire dựa vào lan can.

“Natalie!” bà gọi to. “Lại đây nào cháu yêu quý. Nhanh lên. Bà Doubtfire cần cháu giúp một chút.”

“Ồ, không, bố đừng làm thế!” Christopher năn nỉ. “Chị Lydia có thể làm xa lát cá hồi cho cả nhà mà.”

“Em tự đi mà làm lấy,” Lydia quặc lại đầy tức giận.

“Ứớc gì bố nhớ được chính xác cách làm món này,” bà Doubtfire suy tư. “Bây giờ phải làm gì nhỉ? Cho chân và xương vào làm nước xốt. Lọc thịt rồi chiên trong mỡ nóng già... Các con nghĩ mình nên lọc những phần nào hả các con yêu quý? Hai chiếc chân bé xíu...?”

“Con sẽ làm xa lát cá hồi,” Christopher vội vàng lên tiếng đầu hàng.

“Còn con sẽ chuẩn bị một cái bánh pudding,” Lydia dàn xếp.

Thế là đẹp lòng bà Doubtfire. Bà lại mở toang cửa sổ và nói chõ xuống chỗ bà Hooper:

“Xin thưa với cô, tôi không thèm nói điêu đâu, năm nay sẽ có điều thú vị xảy ra đấy, cô thân mến...”

Christopher dọn dẹp nốt đống ngổn ngang dưới gầm giường, còn Lydia quẳng máy hút bụi vào cái tủ nơi chiếu nghỉ. Hài lòng với đám cải bắp của bà Hooper, bà Doubtfire đóng cửa sổ lại, chỉ ban cho hàng xóm đúng một cái vẫy tay qua tấm cửa kính y như mình là bà hoàng thái hậu tốt bụng trong khi bà Hooper đang yên đang lành lại đâm ra lo lắng về bệnh sùi gốc cải bắp càng để càng nghiêm trọng.

“Bố không thể hiểu tại sao bà ta lại lo lắng về bệnh sùi gốc cải bắp đến thế,” bà giãi bày cùng Lydia và Christopher, vừa lúc đó Natalie xuất hiện ở đầu cầu thang để xuống giúp bố. “Cải bắp sùi gốc là chuyên đơn giản nhất của bà Hooper. Nhìn đám rau người ta lại nghĩ bà ta chỉ có ba dụng cụ làm vườn là cưa xích, cuốc chim và súng phun lửa.”

“Buồn cười quá,” Natalie nói với bà. “Bố cháu cũng toàn bảo thế đấy.”

Daniel nhìn chằm chằm đứa con gái nhỏ. Anh lắc đầu bất lực. Anh biết mỗi đứa con của mình đều có cách đối phó riêng với tình huống trớ trêu anh đẩy chúng vào mà không hề báo trước. Thái độ của Lydia đối với hai vai, đôi khi kết hợp làm một vai của anh đơn thuần là thích thú một cách vô tư. Christopher thì luôn có thái độ phòng vệ: thằng nhóc luôn chuẩn bị sẵn sàng cho giây phút bị phát hiện hãi hùng ấy. Hai cách đối phó này Daniel đều có thể hiểu được. Nhưng cách mà Natalie xử sự với hai con người của bố thật kỳ quặc, kỳ quặc đến không ngờ.

Daniel nhớ lại, những ngày đầu, cô bé rất lo lắng - thực sự, thực sự lo lắng. Khi anh tự tin đi đi lại lại trong ngôi nhà dưới bộ dạng của bà Doubtfire, Natalie đứng trơ trơ một cách khổ sở và lo lắng, nhìn bố mà lòng dạ không yên, rồi giật thót mình mỗi khi thấy cửa mở hoặc điện thoại đổ chuông. Chỉ cần nhắc đến cái tên Miranda thôi là cũng đủ làm cô bé lo sốt vó. Việc đóng giả này thực sự khiến cô bé phấp phỏng đến nỗi Daniel phải tự hỏi liệu đây có phải là một lỗi lầm tai hại và sự có mặt cúa anh ở đây khiến Natty cảm thấy lo âu hơn là thoải mái.

Bây giờ, khi nhớ lại chuyện đó, anh thấy mọi thứ đã thay đổi.

Với Natty, anh dường như trở thành hai con người hoàn toàn tách biệt. Natty dần coi bà Doubtfire là có thực, và Daniel hoàn toàn biến mất khỏi tâm trí cô bé. Điều này có vẻ giúp cô bé thoải mái hơn. Đúng lúc gần như phát điên vì lo lắng thì cô bé lại trở lại với bản tính yên lặng và điềm tĩnh vốn có của mình. Cô bé không còn cố tránh mặt anh kể cả khi đang cặm cụi tô màu hay chơi với mấy con thú nhựa bé tí xíu ở bất kỳ chỗ nào nữa, thay vào đó, cô bé quanh quẩn bên anh một cách vui vẻ, thoải mái kể chuyện trường lớp, những cuộc cãi cọ và chơi đùa ở sân trường, và cả những ông bạn trai của mẹ nữa.

“Tối nay mẹ cháu sẽ đi chơi với chú Sam,” cô bé nói, rồi tiếp tục với vẻ buồn bã: “Ước gì mẹ cháu đừng đi với chú ấy.”

“Tại sao hả cháu yêu?”

“Cháu chỉ thích mẹ đi chơi với chú Lennox thôi.”

“Tại sao thế?” Daniel gặng hỏi, đột nhiên lo lắng gã Sam này có thể hung dữ, hoặc vô tâm, thậm chí lạnh lùng với Natty yêu quý của anh.

“Vì chú Sam lúc nào cũng mang tới mấy bông hoa héo chán chết. Còn chú Lennox mang cả sô cô la, những hộp kem dâu thật to, ăn cũng được ạ.”

“Ta cũng thích kem dâu ra phết đấy, cháu yêu ạ.”

“Bố cháu cũng thế.”

Có vẻ tốt nhất là không nên nói gì. Nhưng Daniel thấy thật bồn chồn khi phải đứng bên bồn rửa bát, lơ đãng rửa một, hai cái bát dưới vòi nước, và nghe chính con gái mình kể về bánh xà phòng trong bếp của bố cô bé cáu lớp bụi bẩn cứng đơ thường cào vào lòng bàn tay cô bé mỗi khi rửa tay, và búi rửa bát quá xơ xác nên rửa bát đĩa không tài nào sạch được. Kinh nghiệm của anh cho thấy, những lúc như thế tốt hơn hết là không nên trở lại làm Daniel để bảo vệ danh dự của mình chỉ vì những chuyện cỏn con thế này. Làm thế có khi còn khiến cô bé lo sợ. Thực tế là sau một thời gian, cô bé phân biệt hai người này rạch ròi đến nỗi mỗi khi Daniel vô tình gỡ bỏ chiếc mặt nạ của mình, dù chỉ một tích tắc - gọi cô bé từ phòng này sang phòng kia bằng giọng thật của anh, kiệu cô bé trên vai, hay chửi cái máy hút bụi theo đúng phong cách của Daniel - thì Natalie lập tức lặng thinh và cụp mắt xuống, thơ thẩn sang phòng khác và ở lì trong đó. Nhưng chỉ cần Daniel xỏ đôi giày đi núi nặng trình trịch anh đã mua để đóng giả bà Doubtfire - cùng với chiếc khăn đầu không kẹp ghim mới và vài chiếc áo cánh đẹp đẽ - thì Natalie luôn cảm thấy vui vẻ và thoải mái với sự hiện diện của anh, còn sẵn lòng giúp anh làm những công việc vặt vãnh trong nhà, háo hức tiết lộ những bí mật của mình, không ngại ôm bà Doubtfire.

Vì vậy, Daniel phải tránh thể hiện bất kỳ đặc điểm nào của Daniel khi đóng làm bà Doubtfire. Anh học uống bia trong bữa trưa bằng tách sứ dùng uống trà. Anh tập thói quen thỉnh thoảng mới ra chiếu nghỉ hút xì gà, và quẳng ngay đi khi thấy Natalie bé bỏng đang tới. Và, cứ gần tới giờ trà chiều, anh phải cẩn thận đóng cánh cửa nhà tắm để ngăn cách anh và cô con gái bé nhỏ rồi mới bắt đầu cạo râu lần thứ hai trong ngày.

Chuyện lạ thế đấy, quá lạ. Nhưng không có gì lạ mãi được. Chẳng bao lâu sau anh đã thấy quen thuộc với việc nghe Natalie kể lại chính xác những gì mình đã nói khi con bé lẽo đẽo đi theo bà Doubtfire khắp nhà vào mỗi buổi chiều.

“Cháu yêu có thể đưa cho ta cái mắc áo được không? Ta sẽ treo áo choàng của mẹ cháu vào tủ.”

Natalie đang lăn lộn trên giường sẽ ngoan ngoãn bò ra mép giường với chiếc mắc áo dưới sàn.

“Bị con gì nhá rồi này, bà ơi,” cô bé lên giọng trách móc. “Ngoài mép bị nhá hết cả. Bố cháu nói là không bao giờ, không bao giờ được nhá nhựa.”

“Bố cháu nói đúng đây cháu yêu ạ. Ai mà biết trong nhựa có những chất độc gì chứ.”

“Vâng, bố cháu cũng nói thế. Bố cháu nói nếu buộc phải ngậm thì có thể ngậm, nhưng cắn và nhá thì không được, hoàn toàn không được, và bố cháu không nói đùa đâu.”

“Ừ, bố cháu nói không sai chút nào, cháu yêu ạ. Ta mà là cháu thì ta sẽ nhớ thật kỹ tất cả những gì bố cháu nói.”

“Cháu có nhớ mà.”

“Thế thì tốt.”

“Và cháu sẽ đan tặng bố một chiếc cà vạt nhân ngày sinh nhật.”

“Thật sao cháu yêu? Chắc là sẽ đẹp lắm. Ta hy vọng là bố cháu sẽ thích.”

“Cháu định đan màu hồng bà ạ.”

“Ta chắc rằng bố cháu sẽ rất thích.”

“Cháu sẽ làm bố bất ngờ.”

“Đúng, chắc chắn rồi. Cháu yêu dưa cho ta cái áo lót được không? Chiếc áo ren vắt trên ghế ấy.”

Cầm cái áo Natalie đưa cho, bà Doubtfire xem xét thật kỹ rồi mới vứt vào đống quần áo bẩn.

Natalie cười khúc khích.

“Áo lót mặc hai lần

Sẽ không còn đẹp nữa,” cô bé cất tiếng hát vui vẻ.

“Đối với những người có đủ tiền mua máy giặt thì đúng là thế thật,” bà Doubtfire nói đôi chút bí ẩn.

“Bố cháu không có máy giặt bà ạ,” Natalie buồn bã, rồi nhắc nhở: “Khi đeo chiếc cà vạt hồng cháu tặng thì bố cháu phải giữ thật sạch chứ.” Cô bé thở dài. “Nếu bố chịu đeo...”

Bà Doubtfire khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Nếu cháu đan tặng bố chiếc cà vạt màu hồng nhân dịp sinh nhật, thì bố cháu sẽ đeo chứ, ta chắc chắn như vậy đấy.”

“Chị Lydia cũng nói thế. Chị ấy bảo là bố cháu có cả ngăn toàn cà vạt xấu hoắc, vậy mà bố vẫn đeo, thế nên bố sẽ đeo cái cháu tặng.”

“Lydia đã nói thế hả cháu yêu?”

“Vâng. Chị ấy đã nói thế.”

Natalie ngồi khoanh chân trên giường và trầm tư.

“Cháu đã cố gọi điện cho bố.”

“Thật sao cháu yêu? Để làm gì thế?”

“Để hỏi xem bố có thích màu hồng không.”

“Cháu gọi khi nào?”

“Mới vừa nãy ạ. Lúc đó bà đang trong nhà tắm. Nhưng bố cháu không có ở nhà.” Cô bé lơ đãng túm mép chiếc ga trải giường. “Dạo này bố cháu hay vắng nhà lắm. Trước lần nào cháu gọi điện bố cũng có ở nhà.”

“Natalie...”

“Dạ?”

“Không có gì. Cháu đừng để ý.”

Nhưng đó là cả một vấn đề, và anh có thể nói rằng con bé rất quan tâm đến điều đó. Và anh cũng vậy - anh lo lắng nhiều đến nỗi tối đó, khi Miranda đi làm về rất muộn và quăng hộp đui đèn không đạt tiêu chuẩn to uỳnh lên bàn ăn với tâm trạng khó chịu, anh vẫn còn rất lo lắng, lo lắng đến nỗi phải bịa ra ngay một cuộc điện thoại.

“Cô ạ, tôi phải nói với cô điều này trước khi về - hôm nay bố lủ trẻ đã gọi điện...”

Anh để ý thấy cả Lydia và Christopher chỉ vểnh tai nghe với vẻ thích thú; nhưng Natalie trông thực sự vui mừng.

Miranda cau mặt mệt mỏi.

“Ôi, Chúa ơi. Làm như người ta báu lắm ấy!”

“Cô bảo sao?”

“Thôi, bà đừng bận tâm. Anh ta gọi lúc nào thế? Đừng nói với tôi là vào giờ ăn trưa nhé.”

“Giờ ăn trưa ư? Tại sao lại là giờ ăn trưa?”

“Anh ta có một thói quen khiến tôi rất bực mình là cứ nhằm đúng giờ ăn mà gọi điện.”

“Ồ, thật sao?”

Bực mình, Daniel ghi nhớ trong đầu là hôm sau sẽ gọi điện cho cô ta vào giờ ăn sáng.

“Vâng, đúng thế.” Cô với lấy cốc trà. “Thế lần này anh ta cần gì?”

“Lần này ư?” Bà Doubtfire thoáng đưa ánh mắt khiển trách nhìn cô. “Cô không nên trách cứ cậu ấy quấy rầy cô, thưa cô. Bọn trẻ cũng là con cậu ấy, và kể từ ngày tôi tới giúp việc cho cô, cậu ấy cũng mới chỉ gọi điện có vài lần.”

“Vâng,” Natalie xen vào với giọng buồn bã. “Giờ bố hầu như chẳng gọi điện nữa rồi.”

Miranda đã có một ngày làm việc quá vất vả. Cô không có tâm trạng nào để thông cảm được nữa.

“Bố con cần gì phải gọi điện. Các con gặp anh ta luôn, nên anh ta phải thuộc lòng thời gian biểu rồi chứ gì nữa.”

“Thật à!” Lúc này bà Doubtfire cảm thấy hoàn toàn không tán thành. “Tôi nghĩ rằng cậu ấy thật tốt khi đã gọi điện. Không phải tất cả mọi thứ trong cuộc sống này đều có thể lên kế hoạch. Bọn trẻ có thể gọi cho cậu ấy bất cứ khi nào chúng muốn. Tại sao cậu ấy lại không thể gọi cho chúng? Nếu cha con họ cần liên lạc với nhau thì người làm mẹ như cô không nên ngăn cản.”

Miranda nhún vai phớt lờ những lời thuyết giáo.

“Anh ta muốn gì?”

Cuộc đối thoại gần như tranh luận này đã khiến bà Doubtfire bộc phát trả lời khác với những gì đã chuẩn bị.

“Cậu ấy muốn đưa bọn trẻ đi xem kịch vào chiều thứ Bảy.”

Natalie ré lên sung sướng. Miranda mặt hằm hằm.

“Thứ Bảy tuần này?” Nhưng tuần này là đến lượt tôi!”

“Nhưng thứ Bảy cô sẽ vắng nhà đến tận sáu giờ, thưa cô. Cô đã nói với tôi khi cô yêu cầu tôi đến đây vào ngày thứ Bảy còn gì. Cô phải tham dự Hội thảo Đèn Gia đình ở Wolverhampton. Chính cô đã nói thế mà.”

“Dù gì thì vẫn là cuối tuần của tôi,” Miranda sưng sỉa.

Bà Doubtfire chuẩn bị vặc lại.

“Xin lỗi vì tôi phải nói điều này, thưa cô. Nhưng cô không thấy thế là ích kỷ sao?”

Mặt Miranda lại càng hằm hằm.

“Ôi trời! Bực mình quá đi mất!”

Christopher lao tới.

“Ồ, con xin mẹ đấy! Mẹ cho chúng con đi chơi với bố hôm thứ Bảy đi. Mấy năm rồi, con không được đến rạp hát.”

“Con không thể nhớ được lần cuối cùng con đến rạp hát là khi nào,” Lydia thêm vào.

“Con thì chưa lần nào được đến đó,” Natalie lên tiếng.

“Có, cháu đã đến rồi mà,” bà Doubtfire lỡ lời. Sau đó, bà lại vội vàng lấp liếm. “Chắc là cháu phải đến rồi chứ cháu yêu. Có khi cháu quên thôi.”

“Chúng con đều quên hết rồi,” Christopher lên tiếng. “Lâu lắm rồi chứng con có được đi đâu. Mẹ cho chúng con đi nhé. Con xin mẹ, xin mẹ, xin mẹ đấy.”

“À, mẹ chưa biết thế nào!” Miranda trừng mắt. “Bố con thật quá đáng khi đảo lộn lịch sinh hoạt thế này. Ai mà biết anh ta có đưa các con về nhà đúng giờ không chứ? Con cũng biết bố con thế nào mà. Có khi anh ta còn chưa mua được vé. Anh ta lúc nào mà chả thế. Cả ba đứa sẽ rất háo hức, và rồi thứ Bảy anh ta lù lù đến đây nói đã hết vé. Mẹ sẽ mệt lử khi ở Wolverhampton về nhưng vẫn phải nghĩ ra cái gì đó để các con vui vẻ trở lại. Trước giờ chuyện như này đâu phải hiếm. Ôi, bực mình với anh ta quá đi mất!”

“Nhưng thưa mẹ! Nếu bố mua được vé thì chúng con có thể đi chứ ạ?”

“Ôi trời! Thật là bực mìnhl” Miranda nói một cách dứt khoát, như thể vấn đề này đã được giải quyết với nỗi bất mãn tột cùng.

Không hiểu ý mẹ là gì, Christopher hỏi bâng quơ:

“Nghĩa là mẹ nói chúng con có thể đi đúng không ạ?”

Khuôn mặt Miranda sa sầm tức giận. Cô cắn đầu ngón tay. “Ôi, mẹ không biết đâu! Thật là phiền phức! Sao anh ta dám làm thế nhỉ? Lúc nào cũng thế!”

Đã đến lúc bà Doubtfire cần phải can thiệp, và bà can thiệp thật.

“Ta nghĩ ý mẹ các cháu là các cháu có thể đi, lũ nhóc yêu quý ạ,” bà nói với lũ trẻ, “Và ta nghĩ các cháu may mắn lắm đấy. Đó đúng là một đặc ân khi được đến rạp hát cùng Daniel Hilliard. Cậu ta là một diễn viên rất giỏi, thực tình rất giỏi.”

Cảm thấy thực sự bực mình với Miranda, bà quyết định chơi với lửa. “Thật ra, ta từng xem cậu ta diễn trên sân khấu...”

“Thật thế ạ?” Lydia và Christopher cười nhăn nhở trong khi Natalie hồi hộp. “Trông bố cháu thế nào ạ? Bố cháu đóng vai gì ạ?”

Đột nhiên, bà Doubtfire có vẻ chột dạ. Christopher láng máng nhớ lại lần đi xem vở kịch câm đầu tiên của bố. Một người đàn ông cao lớn trong trang phục phụ nữ nhảy tưng bừng trên sân khấu sáng trưng. Mẹ cúi xuống thì thầm vào tai con trai: “Nhìn kìa! Bố con đấy, bố con đang nhảy theo nhạc kia kìa. Bố con đóng vai bà Doubtfire đấy.”

“Xe buýt!” Christopher bỗng hét toáng. “Bà nhanh lên kẻo lỡ xe đấy!”

Chỉ chờ có thế, bà Doubtfire tóm túi xách dưới gầm bàn rồi vơ vội áo khoác mà lòng đầy biết ơn.

“Tạm biệt các cháu thân yêu,” bà thỏ thẻ. “Hẹn gặp lại ngày mai!”

Bà rảo bước ra về song không quên ngoái lại hôn gió lũ trẻ.

Miranda lắc đầu. Thật khó có thể chê trách bà Doubtfire. Miranda lên lầu rửa tay vì phải bê cái hộp bụi bặm toàn đui đèn vỡ, cô thấy ngôi nhà đã rất gọn gàng, đúng là rất gọn gàng. Tất cả những thứ cô vứt bừa trong phòng sau buổi tối cùng Sam đã được dọn cẩn thận, và phòng của Lydia và Christopher trông không thể tuyệt hơn được nữa. Tuy nhiên, đôi khi Miranda nghĩ dường như cô đã thuê một người giúp việc kỳ lạ nhất trên đời.

Cô quay sang con trai. Cô nghĩ lúc này trông thằng bé có phần hơi lo lắng.

“Christopher,” cô gọi. “Con thấy bà Doubtfire thế nào?”

Căng thẳng quá đi mất, Christopher thầm nghĩ, nhớ lại mùi hăng hắc của mẩu xì gà sũng nước nó moi trong bồn cầu ra được vài phút thì mẹ về.

“Tuyệt ạ,” cậu bé khẳng định. “Rất tuyệt.”

Miranda mân mê thìa trà.

“Bà ấy rất, ừm, lạ, con không nghĩ thế à?”

“Không ạ,” Christopher trả lời dứt khoát. “Con thấy bà ấy có gì lạ gì đâu. Chị Lydia cũng nghĩ thế. Cả Natalie cũng vậy.”

“Các con không thấy bà ấy rất, ừm, to lớn à?”

“Bà ấy làm gì đến nỗi to lớn ạ,” Christopher phản đối. “Bà ấy chỉ cao hơn mẹ một chút thôi.”

“Nhưng mẹ rất cao. Mẹ chỉ thấp hơn bố con một chút xíu. Vậy mà bà Doubtfire thậm chí còn cao hơn cả mẹ.”

“Vậy thì sao ạ?”

Cô lấy làm lạ với kiểu bênh vực của thằng bé. Đột nhiên cô tự hỏi có phải thằng bé đã biết thể hiện phép lịch sự đối với phụ nữ không.

“Ừm, nhưng dù sao con cũng phải công nhận là bà ấy trông rất to chứ.”

“Không.” Christopher ngoan cố. “Con nghĩ bà ấy không to chút nào.”

“Ồ, thật vậy sao, Christopher!”

Tức giận, Miranda quay sang cô con gái lớn.

“Con nghĩ thế nào về bà ấy hả Lydia?”

“À...” Lydia cười toe toét. “Bà ấy hơi lạ một chút.”

Miranda thấy nhẹ nhõm hơn. Chí ít một đứa nhà cô vẫn còn đôi chút tinh tường.

“Chẳng lạ thì gì nữa? Bà ấy đúng là rất lạ. Nhưng con không nghĩ thế này lại hay sao? Còn hơn là ở bên bố các con.”

Lydia im lặng một lúc rồi mới trả lời.

“Con không nói là hơn. Nhưng con cũng không nói là kém. Con nghĩ rằng con phải nói là - khác nhau.”

Cảm thấy hài lòng với câu trả lời, Miranda quay sang Natalie.

“Còn con nghĩ thế nào hả Natty? Con có thích bà Doubtfire không?”

“Ồ, có ạ!” Natalie lập tức xác nhận. “Con thích bà ấy lắm.” Thấy anh và chị gái cười, cô bé vội vàng nói thêm: “Con nghĩ con thích bà Doubtfire nhất.”

Lydia hỏi tinh quái:

“Thế còn bố thì sao?”

Natalie nhìn chị lăm lăm, đờ người sợ sệt. Miranda nghĩ rằng cô bé trông thật khổ sở. Cô bé hít một hơi, thở hắt ra, rồi lại hít một hơi, thật sâu.

“Em nghĩ...” cô bé lắp bắp. “Em nghĩ... Em nghĩ...” Và rồi đột nhiên tìm ra câu trả lời, cô bé đắc thắng kết thúc:

“Em nghĩ em thích cả hai người như nhau!”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.