Bích Nhãn Thần Quân

Chương 24: Lương Sơn xuất kiếm Thiên Ma tử - Thanh Đảo Vô Quy phế Mộ Đồ





Vân Long xa huynh đệ và quần hào đã lâu nên rất nhớ, hơn nữa việc do thám Lương Sơn lại quá khó khăn. Chàng quyết định trở lại Lạc Dương, cùng đồng đạo mưu tính việc đánh Thiên Ma giáo nên vào triều cáo biệt Kim thượng. Ngờ đâu, trong buổi chầu sáng, ngài truyền chỉ cho chàng phải dẫn đầu đoàn thị vệ xuôi Nam, đem bảng sắc phong đến Tổng đà Cái bang. Toán thị vệ của Trương Nhất được cử đi theo Tiêu hầu, lòng rất phấn khởi.
Trước lúc lên đường, chàng ghé qua Phân đà Bắc Kinh, bảo Tất Lôi dùng phương tiện thông tin của bổn bang, báo trước cho Bang chủ biết.
Gần tháng sau đã đến Lạc Dương. Suốt trục đường chính xuyên qua thành từ Bắc đến Nam, đệ tử Cái bang thấy chàng đều sụp xuống vái lạy.
Họ biết chính Tiểu trưởng lão đã làm rạng rỡ thanh danh bổn bang.
Phương pháp truyền tin của Cái bang đứng đầu thiên hạ, nên bang chúng khắp thành kéo về Tổng đà như trẩy hội.
Trước cửa Tổng đà đã bày sẵn một hương án, khói trầm nghi ngút. Hạ bang chủ cùng ba vị trưởng lão vẫn mặt bang phục có nhiều mảnh vá nhưng sạch sẽ, chỉnh tề. Các đệ tử cũng vậy.
Bọn thị vệ khiêng từ xe ngựa xuống một tấm bảng gỗ dài, bọc nhiễu đỏ, đặt xuống hai giá gỗ trước hương án. Vân Long nghiêm nghị nói :
- Xin chư vị anh hùng quỳ xuống tiếp chỉ.
Quần cái đồng sụp xuống chờ nghe. Chàng bắt đầu tuyên đọc :
- Vĩnh Lạc thập nhị nguyên niên, phụng thiên thừa vận, Hoàng đế chiếu viết :
Cái bang một lòng trung nghĩa, dù không được hưởng ân vũ lộ của vua cũng vẫn liều mình cứu giá, đem tấm thân huyết nhục ra che chở cho thánh đế. Gương trung dũng ấy đáng lưu hậu thế. Nay trẫm sắc phong cho Cái bang năm chữ vàng: Trung Dũng Đệ Nhất Bang. Và ân thưởng một vạn lượng vàng.
Khâm thử.
Đọc xong thánh chỉ, chàng lột bỏ lớp nhãn bao quanh bảng, để lộ năm chữ bằng vàng ròng lấp lánh. Quần cái đồng hô to :
- Thánh thượng vạn tuế!
Hai trưởng lão họ Hà và họ Vương đến nâng bảng đem vào cho bọn đệ tử treo lên xà nhà.
Hạ Khánh Dương lúc này đang ôm chặt Vân Long vào lòng, nước mắt long lanh. Lão thân thiết bảo :
- Long đệ! Cái bang được vinh dự này là do công lao của ngươi. Ta vô cùng cao hứng.
Lữ trưởng lão cũng đến xiết vai chàng :
- Từ ngày khai tông lập phái, chưa bao giờ sự nghiệp Cái bang rạng rỡ đến thế.
Các tửu lâu trong thành Lạc Dương mau chóng cho xe chở rượu ngon và thức ăn đến. Mùi xào nấu xông lên bát ngát. Năm trăm đệ tử trong thành đều được mời ở lại dự tiệc mừng.
Quần cái vui say đến nửa đêm mới chịu thôi. Sáng hôm sau, chàng thưởng cho bọn thị vệ năm trăm lượng bạc và bảo Trương Nhất hồi kinh nhờ Triệu đề đốc tâu lên với Thánh thượng rằng chàng sẽ ở lại Lạc Dương bàn bạc, sau đó sẽ đến Sơn Đông tấn công Lương Sơn.
Đội thị vệ mừng cảm tạ rối rít, xếp cờ lọng lên xe rồi lên đường.
Chàng và Ngọc Yến vào trong dùng điểm tâm với quần cái. Đang uống trà thì Tiền Thông vào báo rằng Phân đà Sơn Đông đã gửi họa đồ về đến.
Hắn dâng lên một cuộn giấy. Hạ lão lập tức tháo lớp giấy dầu bọc ngoài, trải họa đồ ra bàn ọi người cùng xem.
Chung quanh Lương Sơn là một vùng ngập nước rộng tám trăm dặm, đầy lau sậy, cỏ lác. Mực nước chỗ sâu, chỗ nông nên thuyền lớn không di chuyển được, muốn ra vào chỉ có cách dùng thuyền nhẹ và bè tre. Rải rác khắp nơi là mấy trăm gò mối, dùng làm nơi tập kích rất tốt. Đường lên núi còn có mấy chục địch lâu để giám sát toàn vùng và bố trí cung thủ.
Mọi người ngao ngán trước hiểm địa kỳ tuyệt này, không biết dùng cách nào để tấn công.
Hạ Khánh Dương thở dài bảo :
- Mười vạn quân nhà Tống còn không vào được Lương Sơn. Lần nào cũng hao binh tổn tướng mà rút lui. Có lẽ phải chờ Yêu Lão hết tuổi thọ chết đi thôi.
Pháp Cái Hà Quyết nói :
- Ba tháng nay, quan quân triều đình phong tỏa Lương Sơn, không cho tiếp tế lương thực. Nhưng chu vi cứ địa này quá rộng, không thể nào vây kín được, có điều bọn Thiên Ma chẳng muốn đụng chạm đến quan quân nên không xuất hiện đấy thôi. Hơn nữa thủy bạc rất nhiều tôm cá, chim chóc, khó mà chết đói được.
Ngọc Yến bỗng xen vào :
- Sao chúng ta không phối hợp với quân triều đình?
Vân Long nhìn nương tử cười bảo :
- Chuyện của võ lâm đâu thể để triều đình xen vào. Dù có thắng cũng chẳng vinh dự mà còn bị hào kiệt khắp thiên hạ chê cười. Với lại, địa thế vùng thủy bạc này không thích hợp cho cả bộ binh và thủy binh. Chỉ có bọn cao thủ võ lâm chúng ta là còn chút hy vọng vào được.

Ngọc Yến cố vớt vát thêm :
- Còn đại pháo thì sao? Chúng ta đã từng dùng thần lôi để mở đường vào Tỏa Thiên sơn trang.
Hạ lão buồn rầu nói :
- Nhưng làm gì còn thần lôi nữa? Cả đời họ Kim chỉ chế được trăm trái đã tặng chúng ta hết rồi còn gì.
Một diệu kế bỗng lóe lên trong đầu, Vân Long mừng rỡ khen :
- Hay lắm, cảm tạ nàng đã nhắc nhở ta!
Chàng phấn khởi chỉ trỏ trên họa đồ. Phác ra kế hoạch tấn công Lương Sơn. Quần cái tán thành, quyết định ngày rằm tháng sáu sẽ tề tựu anh hùng các lộ ở Sơn Đông.
* * * * *
Sơn Đông là đất của nước Lỗ thời Xuân Thu chiến quốc. Khổng Phu Tử cũng là người huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông.
Chưa đến ngày rằm tháng sáu, hào kiệt bốn phương đã đến đông đủ, tụ tập ở một sơn trang rộng rãi gần Phân đà Cái bang tại ngoại thành Tế Châu. Tổng số lên đến hơn ngàn người. Quan quân Sơn Đông biết họ là đồng đạo của Hổ Uy Hầu đến đây tiêu diệt loạn đảng ở Lương Sơn, nên rất cảm kích. Trong thâm tâm họ vẫn lo sợ chính mình phải dấn thân vào nơi hiểm địa lừng danh đó.
Phu thê Vân Long và quần cái đã đến trước mười ngày để chuẩn bị phương tiện. Hàng trăm chiếc thuyền nhẹ được cất giấu trong doanh trại quân triều đình quanh Lương Sơn.
Phích Lịch bảo chủ Kim Chấn Sơn vốn là chủ nhân của một xưởng chế tạo pháo nổi tiếng ở Lạc Dương, nên đã dễ dàng hoàn tất hai ngàn trái hỏa pháo cực mạnh. Dù sức công phá, sát thương không bằng thần lôi nhưng cũng đã làm bọn Thiên Ma mặt mũi nám đen, sặc sụa vì khói, đau đớn da thịt, không cách nào chiến đấu được. Vân Long tin rằng, bọn giáo chúng đã từng bị thần lôi làm cho khiếp vía, lần này nghe hỏa pháo nổ vang rền ắt sẽ kinh hoàng rối loạn.
Sáng ngày mười ba tháng sáu, chàng gắn họa đồ phòng thủ của Lương Sơn lên vách rồi trình bày kế hoạch tấn công với thủ lĩnh các môn phái, bang hội.
- Theo tin tức thu lượm được, giáo đồ Thiên Ma ước độ ngàn người, một số ẩn nấp trên các cồn cỏ quanh chân núi. Mỗi địch lâu đều có bốn cung thủ, năm chục địch lâu vị chi là hai trăm tên. Số còn lại là lực lượng cơ động, dùng thuyền nhẹ luồn lách trong lau sậy để tập kích đối phương và tiếp ứng cho các điểm cố định. Không loại trừ có cả những giáo đồ tinh thông thủy tính, phục ngầm dưới nước để đánh đắm thuyền địch thủ. Vũ khí chính của bọn chúng là cung tiễn, vì vậy, tiểu đệ đã mượn của Vương tổng trấn năm trăm cây cung lớn và hai mươi vạn mũi trường tiễn. Loại cung này chế tạo đặc biệt cho ba quân, sức bắn mạnh và xa mà Thiên Ma giáo không thể nào sánh được. Hơn nữa, hai trăm đệ tử Kiếm môn đã được toán thần tiễn ngoại Mông huấn luyện nên tiễn pháp thần kỳ, hơn hẳn đối phương. Nghĩa là, chúng ta lợi dụng sở trường của mình, từ xa rót hỏa pháo lên đầu chúng. Quần hùng sẽ chia làm ba lực lượng tấn công vào ba hướng. Mũi chính Nam do bốn phái Võ Đang, Côn Luân, Không Động, Điểm Thương phụ trách, trang bị hai trăm cung nỏ, bảy trăm hỏa pháo và hai trăm tay đao. Mũi Đông Nam gồm Thiếu Lâm, Nga Mi, Hoa Sơn và Cái bang cũng gồm hai trăm cung thủ và hai trăm hào kiệt. Hai mũi này sử dụng thuyền nhẹ, lợi dụng sức bắn xa của trường cung để rót hỏa pháo tấn công các gò nổi và thuyền của Thiên Ma. Không cần tiến nhanh để bảo toàn lực lượng, bước đầu chủ yếu là nghi binh, thu hút sự chú ý của Yêu Lão. Tháng này gió Nam thổi mạnh, làn khói của hỏa pháo sẽ che chắn nhãn quang của bọn cảnh giới trên đỉnh núi. Thừa lúc đó, tiểu đệ đem theo cao thủ Kiếm môn và một trăm cung thủ từ mặt Tây âm thầm tiến vào, cho bầy độc vật đi trước mở đường. Khi nào chư vị thấy trên Lương Sơn có pháo hiệu nổ thì thần tốc đánh thẳng vào. Nhớ chú ý tập trung tiêu diệt các địch lâu. Trời chưa mưa nhưng trên Thủy Bạc, sương mù dầy đặc, đầu canh tư chúng ta xuất phát, đến sáng là đã tiếp cận phòng tuyến ngoài cùng. Nghĩa là mũi chính Tây xâm nhập vào sau hai hướng kia một canh giờ, nhưng sẽ vào Lương Sơn trước và đốt pháo hiệu. Để dễ phân biệt bạn thù, chúng ta cột một mảnh vải đỏ nơi tay tả.
Quần hùng bàn bạc, bổ sung, tán thành sách lược của Vân Long.
Sáng ngày rằm, thừa lúc sương mù còn bao phủ mặt nước, quần hào theo kế hoạch tiến vào. Anh em thủy đạo đã mai phục ở đây ba tháng trời nên nắm rõ đường đi nước bước, hướng dẫn ba đoàn thuyền đi rất nhanh. Hai mũi Nam và Đông Nam sẽ khởi sự trước. Mỗi thuyền gồm năm cung thủ và hai tay chèo. Kim Chấn Sơn là một thiên tài trong nghề hỏa dược, hỏa pháo của ông thuôn dài, không sử dụng ngòi đốt mà là một viên thuốc nổ cực nhạy gắn phía trên đầu. Chỉ cần chạm mạnh vào người hoặc gỗ đá là phát nổ ngay.
Chu vi Lương Sơn quá rộng, giáo chúng Thiên Ma không thể nào bố trí hết được từ xa. Vì vậy chúng co lại thành một phòng tuyến bán kính chừng hai dặm. Khi sương mù tan hết thì quần hào chỉ cách đối phương một tầm tên.
Bọn cảnh giới trên địch lâu cao nhất đã phát hiện nên nổ pháo hiệu báo động. Phe bạch đạo liền rót hỏa pháo vào các điểm phục kích của Thiên Ma. Tiếng nổ chấn động cả một vùng, chim chóc hoảng loạn bay lên. Khói tỏa mù mịt, theo gió trôi về hướng Lương Sơn.
Đúng như Vân Long dự đoán, bọn giáo đồ như chim sợ cành cong, nghe tiếng hỏa pháo cứ ngỡ thần lôi nên kinh tâm táng đởm, đua nhau xuống thuyền con đào tẩu hoặc nhảy xuống nước giơ tay chịu trói. Thực ra chúng đã quá ngán ngẩm cuộc sống tù túng thiếu thốn ở Lương Sơn Bạc. Hơn nữa, chúng cũng biết Tiêu minh chủ chính là Sở Vô Quy, tính tình nhân hậu, đã mấy lần tha mạng cho bọn giáo đồ. Nếu quy hàng, chắc chắn sẽ bảo toàn được tánh mạng.
Cũng có những tên ngoan cố, trung thành với Yêu Lão, chống cự tới cùng, nhưng bị hỏa pháo và khói cay bó tay, bó chân, cuối cùng cũng bị giết chết.
Thấy tình hình diễn ra thuận lợi một cách bất ngờ. Vân Long cho lực lượng của mình tấn công sớm hơn dự kiến.
Ngọc Yến và Tiểu Linh điều khiển đàn Độc Phong và Phi Thiên Ngô Công đánh phá các điểm phòng ngự ở mặt Tây. Đối phương không cách nào đương cự lại độc vật liền nhảy xuống nước, bị các cung thủ và hảo hán sông Hoàng Hà tiêu diệt gọn. Tả phi, Tả Kiếm đẩy mạnh tay chèo, dẫn đoàn thuyền tiến lên một cách êm ái.
Đến đầu giờ tỵ, lực lượng của chàng đã đến chân núi phía Tây của Lương Sơn. Hàng trăm cung thủ Thiên Ma núp sau những tảng đá, mô đất và thân cây trên bờ bắn tên xuống như mưa.
Ngoài một tầm tên, bầy độc vật không còn nghe lệnh nữa nên Ngọc Yến phải thu chúng về. Các cung thủ bạch đạo bắt đầu sử dụng hỏa pháo.
Nhưng vì đối phương có chỗ ẩn thân tốt nên vẫn chống cự quyết liệt. Vân Long nóng ruột, vận thần công hộ thể lao xuống nước bơi vào bờ. Hàng trăm mũi tên lập tức bay đến cản đường nhưng đều vô ích. Chàng sải tay bơi đến như một con kình ngư. Bọn trong bờ thấy chàng mình đồng da sắc vô cùng hoảng sợ. Còn cách bờ mười trượng, chàng tung mình lên lướt đến bọn cung thủ. Chúng liền rút đao chống đỡ nhưng không tên nào chịu nổi nửa chiêu. Tay kiếm, tay chưởng dũng mạnh như thiên thần, liên tiếp giết chết liền mười mấy tên. Bọn giáo đồ thấy đối thủ không sợ đao thương khiếp vía bỏ chạy tán loạn. Phòng tuyến hoàn toàn tan vỡ.
Ngọc Yến cùng mọi người lập tức chèo nhanh vào bờ rồi kéo về hướng Tụ Nghĩa đường, nơi mà Yêu Lão đang trấn giữ.
Độc Cô Thiên chờ lúc đến gần trọng địa liền lấy pháo lệnh trên lưng xuống đốt. Tiếng nổ kinh thiêng động địa và một cột khói trắng bốc thẳng lên cao. quần hào bên ngoài phấn khởi đánh thốc vào, thế như chẻ tre.
Bọn giáo đồ rút hết lên bờ cầm cự, dựa vào các địch lâu mà chống đỡ.
Nhưng các đại cao thủ như Kiếm Ma, Thanh Kính, Nhất Tâm, Hạ Khánh Dương.... đã múa tít vũ khí xông qua làn tên triệt hạ các điểm phòng ngự.
Bọn cung thủ bạch đạo núp sau lưng những tảng đá bắn hỏa pháo vào các địch lâu. Giáo chúng lại phải rút lên cao hơn, núp sau bức tường đá bao quanh Tụ Nghĩa đường bắn xuống. Nhờ vậy, phe Thiên Ma cầm chân được quần hào.
Trong khi đó, Yêu Lão nghe tiếng nổ, biết đối phương đã vào đến tận cửa, liền bỏ đài chỉ huy trên cao, dẫn Triển Tháo, Lỗ Dung và hơn trăm giáo đồ xuống mặt tây cự địch.
Thấy Vân Long, lão biết không còn đường thoát, bật cười ghê rợn :
- Hôm nay ta quyết đổi mạng với ngươi.
Nói xong, lão múa song chưởng xông lên, hai luồng kình phong ập đến như núi đổ. Vân Long cười nhạt xuất chiêu “Từ Hàng Phổ Độ”, tiếng va chạm nổ như sấm. Đỡ thêm vài chưởng nữa, thấy khí huyết nhộn nhạo, chàng biết công lực mình vẫn không bằng đối phương nên rút Vô Cực kiếm xuất liền tám chiêu liên hoàn, phong tỏa các tử huyệt trước ngực khiến lão ma phải lùi liền mấy bước.
Bên này, Ngọc Yến vung nhuyễn kiếm đấu với Ngật Tâm Dạ Xoa Lỗ Dung, còn huynh đệ họ Tả thì bám lấy Lãnh Diện Xà Tâm Triển Tháo.
Độc Cô Thiên thống lĩnh ba trăm cao thủ đánh với bọn giáo đồ. Thanh Hắc kiếm do Vân Long tặng đã làm tăng uy lực của pho Ma Vân kiếm pháp. Lưỡi kiếm của gã nhanh như điện chớp và vô cùng sắc bén. Chỉ vài chiêu đã chặt gãy mười mấy thanh đao. Gã hứng chí quát vang như sấm, xông vào chém giết, lòng thầm biết ơn đại ca đã tặng cho thần vật.
Hai thanh Phong ma đồng côn cũng thả sức tung hoành áp đảo đường kiếm của họ Triển. Mỗi lần đồng côn vung lên là Triển Tháo phải lui bước.
Ngật Tâm Dạ Xoa càng đánh càng khiếp sợ, cố vận toàn lực chống đỡ thanh bảo kiếm mềm mại, uyển chuyển như linh xà. Đầu trượng bị chặt gãy dần từng khúc một. Lỗ Dung mặt mũi xấu xí lại tàn ác nên bị người đời gọi là dạ xoa. Mụ thấy Ngọc Yến xinh đẹp như tiên lòng thêm căm tức, quyết hạ cho được. Nhưng pho Linh Xà kiếm pháp lừng danh vũ nội, làm sao mụ đương nổi?
Ngọc Yến biết Lỗ Dung tội ác ngất trời nên chẳng thể tha. Nàng rú lên thánh thót, dỡ tuyệt chiêu “Linh Xà Phún Vụ”, nhuyễn kiếm tỏa hơi lạnh như sương bao phủ lấy đối thủ. Tiếng kêu thảm thiết vang lên, thủ cấp Ngật Tâm Dạ Xoa lăn lông lốc trên mặt đất.
Thấy đại tẩu đã đắc thủ, Tả Kiếm, Tả Phi hứng khởi, vận thần lực đánh liền mấy chục côn. Thanh kiếm của Triển Tháo liền gãy lìa và đầu lão cũng vỡ tan như một trái dưa.
Yêu Lão thấy hai thủ hạ thân tín thảm tử, nguy cơ đại bại không thể vãn hồi nên chẳng còn muốn sống nữa, xông thẳng vào luồng kiếm quang quyết đổi mạng với đối phương. Vân Long là người cơ cảnh, thấy nhân thần lão lộ hung quang, liền tung mình lên không, xuất thần chiêu “Vô Sở Nhi Quy”.
Yêu Lão gào lên đau đớn, hai tay bị chặt cụt tận khuỷu, lồng ngực bị xẻ rách tung. Nhưng chàng cũng trúng liền ba chỉ, máu trào ra khóe miệng.
Nếu không có lớp da rắn và thần công hộ thể ắt chàng đã thọ trọng thương.
Thiên Ma Yêu Lão Bộc Cung Dương thấy họ Tiêu chỉ bị thương nhẹ, lão uất ức ngã xuống, đôi mắt mở trừng trừng. Chàng vung kiếm chặt lấy thủ cấp, chạy bay lên sườn núi, đến trước bức tường đá vận thần công Sư Tử Hống của Phật môn, quát lớn :
- Giáo đồ Thiên Ma hãy quy phục để được toàn mạng. Yêu Lão đã bị ta giết rồi.
Tiếng chàng vang dội khắp cả vùng Thủy Bạc. Bọn giáo chúng thấy chiếc đầu lâu có mái tóc dài bạc trắng trong tay chàng, biết là vô vọng nên nhất loạt buông vũ khí đầu hàng.
Quần hào vui mừng reo hò vang dội. Vân Long bắt bọn tù binh phải đào hố chôn hơn ba trăm xác giáo chúng.
Toàn quân kéo vào Tụ Nghĩa đường để tham quan và kiểm điểm nhân mã. Chỉ thiệt mất hơn hai chục người và thọ thương gần hai trăm. Các Chưởng môn tấm tắc khen ngợi Minh chủ thần cơ diệu toán nên đại thắng mà không tổn hao nhiều xương máu đồng đạo.
Bang chủ Cái bang vuốt râu cười sảng khoái :
- Thật là kỳ tích! Tống triều đánh phá mấy năm không xong mà chúng ta chỉ nửa ngày đã toàn thắng.
Lão cũng muốn tán dương Minh chủ thêm vài câu, nhưng chợt nghĩ chàng là tiểu đệ của mình nên không tiện mở miệng.
Chưởng môn phái Điểm Thương là Bôn Lôi kiếm khách Lâm Thiện Đình cao giọng nói :
- Đại thắng trận này hoàn toàn nhờ vào trí tuệ và thần công của Tiêu minh chủ.
Vân Long cười, đưa tay chỉ Phích Lịch bảo chủ :
- Nói cho đúng, công đầu phải thuộc về Kim đại hiệp, hỏa pháo đã làm bọn Thiên Ma mất cả dũng khí.
Họ Kim lắc đầu :
- Xin Minh chủ đừng quá khiêm tốn. Cả nước có hàng trăm ngàn xưởng pháo, nơi nào cũng có thể làm được. Đâu phải chỉ riêng mình lão phu?
Cười nói một hồi, họ lên thuyền trở ra, đem theo xác đồng đạo và tù binh.
Tổng trấn quân vụ Sơn Đông là Vương Hàng đã biết tin thắng trận, cùng mấy chục võ quan đứng chờ sẵn ở bờ Nam để chúc mừng.
Thực ra, phẩm ngạch của gã không thua gì Hổ Uy Hầu, nhưng chàng là sủng thần của Hoàng thượng và có ngọc bài trong tay nên gã vô cùng kiêng sợ.
Khi chàng cùng quần hùng bước lên, gã vòng tay chúc tụng :
- Hầu gia tài trí quán thế, trong nửa ngày đã đánh chiếm Lương Sơn, tiêu diệt quần ma. Bổn tướng vô cùng khâm phục.
Chàng vòng tay nói lời cảm tạ rồi bảo :
- Có hơn sáu trăm giáo đồ Thiên Ma giáo bị bắt, nhờ Vương tổng trấn xử lý giùm.
Chàng chợt nhớ đến Ưng Ma, liền bảo Độc Cô Thiên đi hỏi bọn tù binh.
Một tên cho biết Ưng Ma hơn tháng trước đã mang theo rất nhiều châu báu đi về phía biển Đông.

* * * * *
Vân Long dẫn quần hào trở lại nơi xuất phát. Sơn trang này của một tri huyện về hưu, con trai lão là đệ tử tục gia của Thiếu Lâm tự, nên rất vui lòng cho họ mượn khu rừng rộng quanh trang làm nơi cư trú và hội họp.
Sau trận ác chiến, mọi người đều cảm thấy đói. Và Kim Chung Ác Phật Đơn Hy đã không phụ lòng thiếu gia, thương lượng với các chủ hiệu giàu có trong thành Tế Châu góp tiền chiêu đãi quần hùng. Họ vẫn nhớ ơn Hầu gia, diệt trừ Tô Xuyên miễn cho họ phải mất tiền hối lộ hàng tháng, nên vui vẻ nhận lời. Các tửu quán, tiệm ăn đã cung cấp thức ăn ngon và rượu quý. Hai trăm chiếc bàn ăn phủ vải đỏ bày đầy dưới bóng mát trong vườn.
Đơn lão đích thân vác chiếc bụng phệ, lăng xăng chỉ huy đạo quân tiểu nhị. Hàng mấy trăm chiếc thau nước và khăn mặt mới đã chờ sẵn. Các hảo hán chỉ rửa sơ mặt mũi và đôi bàn tay rồi ngồi ngay xuống ghế. Rất nhiều người bị thương phải băng bó nhưng gương mặt họ rạng rỡ, phấn khởi phi thường. Hai mươi sáu người tử nạn đã được ba trại hòm trong thành khâm liệm tử tế, đặt vào cổ áo quan tốt nhất.
Chưởng môn ba phái Thiếu Lâm, Võ Đang, Nga Mi và các môn đồ được hướng dẫn đến những bàn cơm chay.
Đơn lão với nụ cười tươi cố hữu trên môi, lớn tiếng thúc dục bọn hầu bàn. Chỉ tàn một nén nhang, rượu thịt, chén đũa đã đầy đủ. Vân Long biết mọi người có ý chờ mình nên đứng lên mời :
- Xin chư vị cứ tự nhiên, chính tại hạ cũng đã đói lắm rồi.
Câu nói giản dị, thành thực của Minh chủ khiến quần hùng bật cười, mất đi vẻ khách khí. Họ bắt đầu động đũa. Hai trăm vò rượu Trúc Diệp Thanh, Thiệu Hưng, Sơn Tây Phồn tửu.... được mở nắp, mùi thơm tỏa ngát.
Trừ những người chay tịnh, số còn lại đều quý rượu ngon như tính mạng nên rất phấn chấn, suýt xoa.
Hạ Khánh Dương ăn xong hai chén bắt đầu uống rượu. Lão đứng dậy nâng chén, cất giọng sang sảng :
- Chư vị anh hùng, xin rót đầy chén rồi cùng lão phu uống mừng chiến thắng.
Thân phận của lão trên giang hồ rất lớn, lại là đại ca của Minh chủ nên mọi người đều hưởng ứng.
Kiếm Ma Công Tôn Sửu uống xong, rót thêm một chén nữa rồi đứng lên tuyên bố :
- Quần ma đã diệt xong, Kiếm môn không còn cần thiết nữa. Lão phu xin được cáo thoái, trả đệ tử về cho các phái.
Vân Long vòng tay thưa rằng :
- Công tôn tiền bối! Ưng Ma đã đem vàng bạc châu báu ra biển Đông, chắc là để cầu cứu một đại cao thủ cự phách trong lực lượng hùng mạnh nào đó. Mong tiền bối vì võ lâm mà duy trì một thời gian nữa. Sau vài tháng, nếu không thấy động tĩnh gì, thì tiền bối hãy về ẩn dật.
Quần hào đồng thanh cầu khẩn nên Kiếm Ma không từ chối được đành nhận lời.
Sáng hôm sau, các môn phái chia tay nhau hộ tống quan tài của đệ tử trở về cứ địa lo việc ma chay.
Vân Long, Ngọc Yến và các em quay lại Bắc Kinh, hơn nữa tháng sau, mới đến Đào gia trang, Tả Kiếm lấy cớ cất hành lý, lẻn ngay vào hậu viện tìm Tiểu Phượng. Mặt trời đã lặn, cả gia đình quây quần bên bàn ăn, nói cười vui vẻ.
Tài Thần vuốt râu cười hỏi :
- Quần ma đã diệt xong, Long nhi định bao giờ sẽ rửa tay gác kiếm?
Nam Cung Sương nhìn ông âu yếm nói :
- Tướng công cũng hiểu rằng Long nhi tuổi mới đôi mươi, không lẽ tìm nơi thâm sơn cùng cốc mà ẩn náu? Chứ nếu còn ở Đào gia trang này thì mỗi khi võ lâm có chuyện, đồng đạo giang hồ lại đến cậy nhờ, sao có thể phủi tay được. Hơn nữa, Hầu tước phủ cũng sắp xây xong, khó mà dứt áo ra đi. Dù không tham gì chút hư vinh, nhưng nếu giấu mặt mà ra sức giúp một tay cho sơn hà và võ lâm thì cũng là chuyện nên làm.
Vân Long kính cẩn thưa :
- Mẫu thân dạy chí phải. Chỉ cần trong lòng Long nhi coi danh lợi như phù vân là được rồi.
Chàng quay sang Tài Thần cười tinh nghịch nói :
- Lão nhân gia đừng lo, ba đứa nội tôn kia sắp ra đời, chỉ sợ phụ thân không có thì giờ, sức lực mà vui đùa với chúng.
Phạm Phi Vân nghe nhắc đến cháu nội, cao hứng cười khà khà :
- Phải, ta quên mất!
Ba nàng dâu thẹn chín người, cúi mặt nhìn bụng mình.
Tài Thần chợt nhớ lại chuyện cũ :
- Chà! Trước đây ta đã hứa cử hành một hôn lễ linh đình cho các con. Nhưng nay bụng các con đã lớn, Long nhi lại chưa thể công khai trở lại thân phận cũ.... Phu nhân có cao kiến gì không?
Nam Cung Sương nhìn các nàng dâu rồi dịu dàng hỏi :
- Ý các con thế nào?
Ngọc Yến nhìn ánh mắt ba nàng kia, hiểu ý họ nên cung kính đáp :
- Bẩm A Nương, chúng con đều là giang hồ nhi nữ nên không coi nặng vấn đề nghi lễ huy hoàng hay đạm bạc, chỉ mong được lão gia và A Nương thương yêu là mãn nguyện lắm rồi.
Phu thê Tài Thần gật đầu hài lòng, Vân Long cười bảo :
- Tứ vị nương tử đừng lo! Phạm thiếu gia không cưới được thì Tiêu minh chủ này sẵn sàng tổ chức một hôn lễ long trọng và đông đảo nhất Bắc Kinh. Áo tân nương rất rộng, chẳng ai biết được lũ tiểu quỷ đang nằm trong đó.
Xích Long Quái Y bật cười nhưng lại băn khoăn :
- Chẳng lẽ ta và song thân ngươi lại đến dự như người dưng ư?
Chàng ra vẻ thần bí đáp :
- Ngoại tổ phụ yên tâm, Long nhi đã có cách. Một tháng nữa Hầu phủ xây xong là chúng ta sẽ có thể cử hành đại hỉ. Xin người cứ lựa ngày lành, gửi thiếp mời ngay hào kiệt bốn phương.
Dù không biết diệu kế của chàng nhưng ai cũng vui mừng. Tối đến, các nàng gạn hỏi nhưng chàng không nói, chỉ bảo họ tự đoán lấy. Tố Tâm, Phi Hà, Thiên Hương mang thai đã bốn tháng nên không được phép kề cận với trượng phu, chỉ vui đùa đến nửa đêm phải trở về phòng riêng, chỉ còn lại mình Ngọc Yến.
Thiên Hương ranh mãnh nói :
- Đại tỷ là người thông minh nên đâu dại gì mang nặng như bọn tiểu muội. Thứ nhất là giữ được thân hình thon thả, thứ hai là luôn được quấn quýt với tướng công.
Ngọc Yến xấu hổ chụp lấy Thiên Hương mà đánh yêu.
Chờ ba vị phu nhân kia ra khỏi, Vân Long dìu nàng vào giường. Hơn tháng qua mải bôn ba, chưa gần gũi nhau nên cả hai cùng háo hức.
Chàng vuốt ve, ngắm nhìn thân hình thon dài, săn chắc của nàng rồi nói :
- Ta cảm thấy Yến muội hình như không bao giờ vượt qua tuổi đôi mươi, nàng lúc nào cũng trẻ trung xinh đẹp.
Ngọc Yến ngượng ngùng đưa tay mơn man ngực chàng rồi dịu dàng thỏ thẻ :
- Tuổi xuân của chàng và thiếp sẽ qua đi rất chậm. Mật Phi Thiên Dâm Xà là kỳ bảo của đất trời, thiếp cũng được sư tổ cho uống năm mười bảy tuổi.
Vân Long vui mừng nhưng không khỏi băn khoăn :
- Như vậy cũng tốt, nhưng chỉ sợ ba nàng kia tủi phận.
Ngọc Yến gật đầu, suy nghĩ một lúc rồi bảo :
- Tướng công chớ lo, tiện thiếp sẽ hóa trang cho nhan sắc già đi theo các em. Họ sẽ không biết đâu.
Đối với nữ nhân, nhan sắc là điều quý giá nhất đời. Vậy mà Ngọc Yến dám vì hạnh phúc của ba vị phu nhân kia mà che giấu cái đẹp của mình, quả là một bậc kỳ nữ hiếm có. Vân Long thầm khâm phục và yêu thương nàng gấp bội. Chàng khẽ thì thầm :
- Ta rất biết ơn nàng!
Chàng hôn lên đôi môi chín mọng ngọt ngào, họ say đắm hòa vào làm một. Bây giờ chàng đã hiểu vì sao trong bốn nàng, Ngọc Yến là người duy nhất có thể theo chàng đến tận cùng của đêm xuân.
H
ôm sau, Vân Long dậy sớm vào cung dự buổi chầu sớm.
Bá quan thấy chàng vắng mặt đã lâu liền xúm lại chào đón hỏi han.
Tin chàng thắng trận Lương Sơn đã bay về đế đô nên quần thần tranh nhau chúc tụng.
Minh Thành Tổ lâm triều, thấy mặt sủng thần, ngài hớn hở phán :
- Tiêu hầu đại phá Lương Sơn làm uy phong Đại Minh rạng rỡ.
Chàng cung kính đáp :
- Cũng nhờ hồng phúc của Thánh thượng nên bọn hạ thần dễ dàng thắng lợi.
Hoàng hậu nương nương vẫn áy náy về sức khỏe của cha già nên nhắc lại lời giao ước cũ :

- Tiêu hầu! Trịnh Khải đã không tìm được hung thủ, vậy mong khanh hãy ra tay giúp ta tìm lại kỳ trân.
Chàng liếc gương mặt tái xanh của họ Trịnh rồi tấu rằng :
- Khởi tấu nương nương, lực lượng thị vệ và bộ đầu không tìm được thì hạ thần cũng đành bó tay. nhưng xin được dâng lên Quốc trượng một trăm hoàn Diên Hương Linh Chi Đan, dược dụng thập toàn hơn hẳn Thiên Niên Hà Thủ Ô. Chỉ cần mỗi tháng uống một hoàn thì bách bệnh bất xâm, tráng dương ích thọ. Nếu sai lời thần xin chịu tội.
Bá quan nghe nói, nhìn lọ ngọc trong tay chàng với vẻ thèm thuồng.
Chỉ có Vương thừa tướng là chỉ mỉm cười, vì Tài Thần cũng đã tặng ông một lọ y như vậy.
Tô Mỹ Nhân đẹp dạ bảo :
- Ta nào dám nghi ngờ lời nói của khanh. Xin thay mặt Quốc trượng cảm tạ hầu gia.
Dương công công bước xuống nhận lấy dâng lên, Hoàng hậu mở nắp ra xem thử, thấy mùi thuốc thơm ngạt ngào tỏa vào mũi làm tinh thần sảng khoái.
Tô Mỹ Nhân chợt hiểu lý do vì sao đức Kim thượng trở nên cường tráng lạ thường. Mặt nàng đỏ bừng, lòng thầm đa tạ Tiêu hầu.
Binh bộ thượng thư Chu Lộ bước ra tấu rằng :
- Khởi tấu Thánh thượng! Tổng đốc Tuy Viễn vừa cho kỵ mã đem tin hỏa tốc về báo rằng Mãn Châu đã cử một phái đoàn thương thuyết, đem lễ vật sang ngoại Mông xin liên kết với vương tử Mông Cổ là Gia Luật Sở Hoa. Nếu hai lực lượng này liên kết với nhau, vùng biên thùy phía Bắc sẽ lâm nguy.
Minh đế và bá quan biến sắc. Ngài hỏi quần thần :
- Trước mối hiểm họa này, chư khanh có cao kiến gì không? Bốn mươi bảy năm nay từ ngày đức Thái Tổ Hoàng đế đánh đuổi người Mông về bên kia Vạn Lý Trường Thành, họ vẫn một lòng thần phục. Nay bị bọn Mãn Châu xúi giục ắt sanh lòng phản loạn. Trẫm thật khó nghĩ.
Chu thượng thư vòng tay bẩm :
- Muôn tâu, theo thiển ý hạ thần, triều đình nên điều thêm trăm vạn quân ra bổ xung cho vùng quan ải. Như thế sẽ không còn đáng lo nữa.
Vương thừa tướng là bậc lão thần trì trọng, thở dài than rằng :
- Việc điều binh sẽ làm náo động dân tình và hao tổn ngân khố triều đình. Đó không phải là thượng sách, nhưng chắc không còn cách nào khác.
Bá quan gật gù tán đồng.
Thấy quần thần không ai có ý gì hay hơn, Hoàng thượng quay sang hỏi Hổ Uy Hầu :
- Tiêu khanh là bậc tài trí, có cách nào giúp trẫm không?
Chàng nghiêm nghị khởi tấu :
- Muôn tâu! Động binh là chuyện không nên làm. Theo ý hạ thần, Thánh thượng chỉ cần xuống chiếu, sắc phong cho Gia Luật Sở Hoa làm đại hãn toàn xứ Mông Cổ và ân thưởng cho y một vạn lượng vàng. Thần tin rằng y sẽ cảm ân đức của Thánh thượng mà suốt đời thần phục.
Thấy kế sách của chàng quá đơn giản, ấu trĩ vì số vàng quá ít, chắc chắn một Vương tử giàu có như Sở Hoa sẽ không thèm nhìn đến. Vì vậy, bá quan xôn xao bàn tán.
Minh đế băn khoăn, áy náy :
- Khanh là hiệp khách giang hồ nên đâu biết rằng Sở Hoa coi một vạn lượng vàng chỉ như một đống sắt vụn.
Chàng mỉm cười thưa :
- Nếu lễ vật quá hậu thì tổn thương đến vẻ tôn nghiêm của thiên tử Đại Minh, giả như Thánh thượng sợ lễ bạc thì có thể gửi thêm cho y một trăm vò Bách Hoa tửu.
Lễ bộ thượng thư Tào Sinh nghiêm giọng trách :
- Đây là quân cơ đại sự, Tiêu hầu nên cẩn ngôn.
Luật triều Minh định rõ rằng Hoàng hậu chỉ được dự chầu chứ không được quyền lạm bàn quốc sách. Tô Mỹ Nhân cũng biết điều này nên nãy giờ im lặng. Nàng sợ Tiêu hầu thất thố mà mang tội nên cất tiếng hỏi :
- Tiêu hầu! Khanh có tin chắc rằng kế sách của mình sẽ thành công hay không?
Chàng thản nhiên đáp :
- Nương nương yên tâm, với thần oai của Thánh thượng, Sở Hoa chẳng dám không tuân phục.
Dứt lời, chàng vận thần công Vô Tướng Truyền Âm tấu nhỏ vào tai Minh đế và Hoàng hậu :
- Xin Thánh thượng và nương nương cứ chuẩn tấu. Trước đây hạ thần đã cứu mạng Vương tử Mông Cổ. Nếu nhận được thư của hạ thần, y sẽ cắt đứt quan hệ với Mãn Châu.
Minh Thành Tổ không ngờ chàng lại có ân trạng với Sở Hoa nên mừng rỡ phán :
- Hay lắm, Tiêu khanh quả là bậc đại công thần. Trẩm chuẩn tấu sách lược của khanh.
Bá quan không ngờ Kim thượng lại u mê nghe theo ý kiến thô thiển cũng Tiêu hầu, lòng họ ngán ngẩm nhưng không dám bàn ra, chỉ chờ xem sự việc thế nào. Nếu lần này thất bại thì họ sẽ khép tội Hổ Uy Hầu.
Tưởng ngự sử là người trung liệt, dù ngưỡng mộ tài trí và khí độ của Tiêu hầu, nhưng trong việc này lòng không phục nên sụp xuống dập đầu can gián :
- Khởi tâu Thánh thượng! Thần trộm nghĩ, việc bang giao không thể đem thần oai ra mà khuất phục địch quốc được. Nếu Sở Hoa không nhận sắc phong, đuổi sứ giả về sẽ là cái nhục của Đại Minh. Lúc đó có muốn động binh cũng đã trễ mất thời gian gần hai tháng, e không kịp tiếp viện biên thùy.
Minh đế không giận mà lại vui vẻ phán :
- Trẫm biết chư khanh vì an nguy của xã tắc nên đem lòng nghi ngại trước kế sách đơn giản của Tiêu hầu. Nhưng bên trong còn có điều huyền diệu mà trẫm không thể nói ra. Rồi các khanh sẽ thấy.
Quần thần thấy Thánh thượng và nương nương hân hoan một cách bí ẩn, nên không rõ thực hư thế nào mà bàn thêm nên đành im lặng.
Vương thừa tướng biết chàng là giòng dõi Tài Thần, làm việc gì cũng cẩn trọng nên không hề phản bác.
Công bộ Thượng thư Tần Hoán bước ra tấu trình tiến độ thi công kinh đào Qúy Tây và phủ Hầu tước.
Hoàng thượng nghe xong cười hỏi :
- Này Tiêu hầu, sao khanh lại chọn mảnh đất ở phía Nam thành để xây phủ đệ?
- Muôn tâu! Hạ thần vốn là kẻ quen cảnh sơn dã nên rất thích khoảnh rừng sau Đào gia trang. Nếu ở gần đấy cũng phần nào khuây khỏa nỗi nhớ giang hồ.
Minh đế quay sang hỏi thừa tướng :
- Vương khanh thử hỏi xem Tài Thần Phạm Phi Vân có chịu bán khu rừng ấy không? Trẫm muốn mua để ân thưởng cho Tiêu hầu.
Họ Vương lật đật tâu rằng :
- Khởi tấu Thánh thượng! Theo lão thần được biết, đó là sản nghiệp tổ truyền, họ Phạm chẳng bao giờ dám bán.
Vân Long đỡ lời :
- Muôn tâu! Hạ thần đội ơn lòng yêu vì của Thánh thượng. Nhưng không nhất thiết phải làm như thế vì quân tử không đoạt sở thích của người. Hơn nữa, sau nhiều lần gặp gỡ, Phạm lão gia thấy hạ thần là láng giềng mới, lại có ý mến cánh rừng ấy nên đã cho phép tùy tiện xuất nhập. Như vậy cũng đủ lắm rồi.
Các quan dâng thêm một số tấu chương nữa, xử lý xong thì đã qua giờ tỵ. Hoàng thượng truyền bãi triều.



Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.