Bí Thư Tiên Kiếm

Chương 3: Bàn Sơn động Trấn Sơn Hổ sa cơ




Một đêm mưa gió tầm tả...

Khu rừng Đàn Sơn lạnh lùng ghê rợn trong cảnh mưa gào gió thét. Thỉnh thoảng tiếng hổ gầm, beo rống vang lên làm sởn vía kẻ ở quanh vùng.

Giờ này rừng cây thật là lạnh lẽo ghê hồn, tiếng gió ào ào xô cây xào xạc lá, tiếng suối chảy như tiếng ma kêu quỷ rú kinh hồn.

Thế mà trong khu rừng ấy có ba bóng đen bay vút qua ngàn cây lá. Ba bóng ấy chạy lướt trên ngọn cây như bay biến, chỉ trong một lúc đã đến chân núi.

Ba bóng đen dừng lại thì thầm :

- Đây là Bàn Sơn động của thằng già Trấn Sơn Hổ Vạn Thế Long. Chúng ta nên chia nhau và ra tay một lượt cho rồi.

Họ thì thầm vài câu và dùng thuật phi đằng bay như chim lên đỉnh núi.

Trên đỉnh núi là khu thần động của Vạn Thế Long Trấn Sơn Hổ. Người ở đây với cô cháu gái là Tuyết Hoa con của Vạn Thế Minh, người hiệp khách đã bị Đại Ác hòa thượng giết chết khi vào hắc điếm của bọn Dương Bưu.

Đêm nay Vạn Thế Long Trấn Sơn Hổ đang ngồi tĩnh tọa trong động phủ, bỗng người nghe có tiếng động bên ngoài liền với tay cầm thanh kiếm toan đứng dậy thì từ ngoài một luồng thanh quang bay vào khí thế dữ dội.

Trấn Sơn Hổ nhổm dậy và đưa kiếm lên gạt luồng thanh quang, người toan nhảy lên nóc động cho dễ bề đối địch với luồng kiếm quang quá lợi hại của kẻ đánh lén mình, thì vừa lúc ấy một tiếng kêu như lụa xé, một luồng hoàng quang bay đến như một tảng núi sa mạnh vào đầu lão anh hùng.

Trấn Sơn Hổ hoảng sợ rú lên :

- Trời! Thanh Kình Nghê của Đạt Ma sư tổ. Tên nào lại dùng nó hại mình.

Người vội phóng kiếm lên cự địch, nhưng luồng kiếm của Vạn Thế Long làm sao chống nổi luồng kiếm quá ư khủng khiếp của kẻ địch.

Chớp mắt kiếm người gãy tan và luồng hoàng quang bay sả xuống, luồng thanh quang cũng đâm bổ nhào vào đầu người. Thế là vị cái thế anh hùng tài tình ngang trời dọc đất, nay đã thành người thiên cổ bởi kẻ tâm địa hèn mạt hại người.

Kẻ ấy chính là Thiết Đầu Tử, Dương Bưu và Đại Ác hòa thượng.

Số là sau khi đuổi theo Công Tôn, Đại Ác hòa thượng bị suýt nguy vì thanh Ngũ Lôi thần kiếm, hắn chạy trở lại thì gặp Thiết Đầu Tử lẻo đẻo theo sau.

Hai người kéo về Hoàng Hoa thôn và bàn vói Dương Bưu phải hạ sát ngay Vạn Thế Long vì nếu không thì việc bí mật của thanh Kình Nghê bị tiết lộ ra.

Dương Bưu thấy Đại Ác hòa thượng trong tay có thanh kiếm ghê gớm ấy nên hắn xúi giục Đại Ác phải mau mau hạ sát Vạn Thế Long vì nếu để lâu ngày tất bên mình phải bị hại.

Đại Ác hòa thượng cũng biết tài nghệ bọn mình còn non kém. Nếu không dùng kiếm quang để hạ độc thủ Vạn Thế Long Trấn Sơn Hổ thì nguy. Hắn làm liều đem thanh Kình Nghê đến giết Vạn Thế Long như ta đã thấy.

Thế là bọn chúng chạy về Hoàng Hoa thôn sau khi thi hành xong thủ đoạn tàn ác.

Vạn Thế Long vì quá tin tưởng tài mình thừa sức đánh ngã bọn nghịch, ông có ngờ đâu Đại Ác hòa thượng có thanh kiếm ghê gớm của vị sư tổ cầm đầu môn phái. Nếu biết thế thì ông đâu đến đỗi bỏ mạng.

Thật đáng lo và đáng sợ thay cho những bậc anh hùng trong thiên hạ, khi thanh Kình Nghê còn trong tay Đại Ác hòa thượng. Nào có ai ngờ thanh kiếm chí báu lại lọt vào tay của kẻ như Đại Ác hòa thượng.

Lúc bấy giờ Tuyết Hoa đang ở tại thư phòng. Nghe tiếng động bên ngoài, nàng xách kiếm chạy ra thỉ than ôi! Cành đau thương trước mắt làm nàng nghẹn ngào chết sững.

Người ông yêu quý đáng kính của nàng đã bị ai giết đầu lìa cổ, máu me lênh láng khắp động.

Tuyết Hoa phục xuống ôm thây ông và khóc òa thảm thiết.

Nàng vật vả nguyền rủa kẻ ác tâm hãm hại ông nàng.

Nhưng rồi bẩm tánh con nhà võ làm nàng bớt bi lụy. Nàng gói ghém thi hài ông, đợi sáng ra cho vào áo quan và báo tang với người thân thích vùng lân cận.

Cái tin Vạn Thế Long Trấn Sơn Hổ bị giết không đầy một ngày mà cả vùng đều hay biết. Thiên hạ anh hùng tựu về làm lễ an táng ông.

Không bao lâu tin ấy chấn động trong giới giang hồ hiệp khách, làm đau lòng thiên hạ khóc vị anh hùng cái thế, khiến Không Không sư tổ phải đau đớn xót thương người đồ đệ anh hùng.

Chỉ một mình Tuyết Hoa là khổ sở nhất. Nàng biết kẻ thù của mình là tay ghê gớm vô cùng, tài mình không sao địch nổi. Vả lại nàng biết căn cứ và tên họ chúng đâu mà hòng tìm đến trả thù rửa hận.

Sau mấy tuần buồn rầu đau đớn Tuyết Hoa quyết định rời bỏ Bàn Sơn động ra đi, mong rèn luyện được nghệ thuật tối diệu để tìm kẻ thù rửa hận.

Bóng người thiếu nữ áo trắng xa dần Bàn Sơn động và mờ trong sương xuống chiều hôm.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.