Bến Xe

Chương 12




Đúng vậy, thời gian không còn nhiều. Từ lúc kết thúc kỳ thi đại học đến khi nhận được thông báo trúng tuyển của Bắc Đại, Liễu Địch trải qua hơn bốn mươi ngày chờ đợi căng thẳng. Trong khi đó, khoảng thời gian từ lúc nhận được giấy gọi cho đến ngày nộp hồ sơ chỉ có chín ngày.

Trong chín ngày này, phần lớn thời gian Liễu Địch dùng để chuẩn bị hành lý. Cô có tính tự lập từ nhỏ, bình thường không cần bố mẹ lo lắng và bận tâm. Nhưng đây là lần đầu tiên con gái đi xa, người làm bố làm mẹ không thể yên lòng. Mẹ Liễu Địch giúp cô sắp xếp quần áo, còn cô sắp xếp sách vở và đồ dùng học tập vào một chiếc va ly. Liễu Địch hết mở va ly rồi lại đóng vào, đóng vào lại mở ra, chỉ sợ bỏ sót thứ gì đó. Cô hận đến mức không thể dọn cả căn phòng nhỏ của cô đi Bắc Đại.

Bố Liễu Địch không có việc gì để làm nên ngày ngày căn dặn, dạy bảo Liễu Địch nhiều điều. Ông cứ nói mãi nói mãi, đạo lý của ông có thể thu thập thành một cuốn luận văn. Có lẽ đây là đặc điểm của các học giả.

Còn bạn bè thân hữu gần xa, không biết chui từ đâu ra, suốt ngày xuất hiện ở nhà Liễu Địch chúc mừng này nọ. Tuy Liễu Địch không thích nhưng vẫn tiếp đón theo phép lịch sự. Tóm lại, Liễu Địch trải qua chín ngày cuối cùng trong trạng thái khẩn trương, bận rộn nhưng cũng rất thỏa mãn.

Mặc dù bận đến mức nào, Liễu Địch cũng không quên thầy Chương. Bên tai cô thường vang lên câu nói khẩn thiết của giáo sư Tô "Hãy ở bên cạnh thầy Chương nhiều hơn". Do đó, mỗi buổi chiều, Liễu Địch đều giành thời gian đến trường tìm thầy Chương. Nhưng kể từ lúc Liễu Địch nhận được thông báo trúng tuyển, thầy Chương không còn xuất hiện ở trường. Một tuần liền, Liễu Địch không có cơ hội gặp thầy.

Trước hôm lên đường, Liễu Địch mạnh dạn tới nhà thầy Chương.

Vừa vào đến sân nhỏ, Liễu Địch phát hiện, cửa nhà thầy Chương mở toang, cửa sổ cũng không treo tấm rèm. Đi đến cửa ra vào, Liễu Địch có thể thấy toàn bộ tình hình ở trong nhà. Thầy Chương đang giặt quần áo, tuy mắt không nhìn thấy nhưng thầy giặt đồ hết sức kỹ càng, chăm chú và thành thạo.

Liễu Địch kinh ngạc phát hiện, hôm nay thầy Chương không mặc áo trắng quần đen như thường lệ, mà thầy mặc áo sơ mi màu mận và quần jeans màu xanh đậm. Khi thầy Chương đứng dậy giũ quần áo, Liễu Địch mới chú ý, thân hình thầy cao lớn, đôi chân thầy vừa dài vừa thẳng tắp trong chiếc quần jeans. Thầy có mái tóc ngắn đen nhánh, đường nét gương mặt cương nghị, đôi mắt đã thay cặp kính màu nâu trà. Không quan sát kỹ, khó phát hiện thầy là người mù.

Thầy Chương bây giờ không còn vẻ âm trầm, nghiêm túc và lạnh lẽo như trước. Trông thầy trẻ trung, khỏe mạnh và rất...nam tính. Liễu Địch không nhịn được hét lên: "Thầy Chương, em không ngờ thầy đẹp trai như vậy."

Thầy Chương ngẩn người: "Liễu Địch đấy à?" Thầy giũ quần áo rồi lấy mấy cái kẹp: "Đẹp trai? Cám ơn em. Đã năm năm, tôi chưa từng nghe lời tán dương tương tự." Thầy nhún vai tự giễu rồi cầm quần áo ra ngoài sân phơi.

Năm năm chưa từng nghe qua? Vậy năm năm trước, chắc thầy thường xuyên nhận được lời tán dương từ người khác. Liễu Địch trầm tư đi vào nhà. Cô mang theo hai tấm lưới cửa sổ màu xanh lá cây, treo chúng lên hai cửa sổ nam và bắc. Có tấm lưới này, gian nhà được thông thoáng, ánh nắng rọi vào, mà người ở bên ngoài lại không nhìn thấy cảnh tượng ở trong nhà, một mũi tên trúng ba đích.

Liễu Địch lờ mờ cảm thấy, thầy Chương cũng thích màu xanh lá cây nhạt giống cô. Rất nhiều đồ ở trong nhà thầy có màu này, ví dụ ga trải giường, tấm vải phủ hòm gỗ, đèn bàn, đồng hồ báo thức, cốc chén uống trà. Cô không rõ tại sao thầy lại thích màu xanh lục, có lẽ thầy cũng giống cô, cho rằng màu xanh lá cây là tượng trưng của sự sống.

Thầy Chương đi vào nhà. Thầy đã đổ hết nước bẩn, rửa tay sạch sẽ. "Liễu Địch, bao giờ em lên đường?" Thầy trầm tư hỏi.

"Ngày mai ạ. Chuyến tàu lúc bảy giờ rưỡi tối."

Thầy Chương hít một hơi sâu: "Nhanh thật đấy."

Liễu Địch không tiếp lời. Cô tìm đến cây đàn ghita cũ của thầy Chương. Nó được thầy Chương đặt ở góc bờ tường phía Bắc. Sau đó, Liễu Địch lấy ra sáu sợi dây đàn cô mới mua. Thế nhưng, Liễu Địch chưa bao giờ thay dây đàn, cô không biết tháo cũng không biết lắp dây đàn, càng không biết dùng dụng cụ nào. Sợi dây đàn gỉ sét phát tiếng kêu tưng tưng khi Liễu Địch chạm vào. Một lúc sau, Liễu Địch mồ hôi nhễ nhại, nhưng cô vẫn không thay nổi một sợi dây đàn.

Thầy Chương thở dài: "Được rồi, để tôi làm cho." Thầy cầm cây đàn, lấy từ ngăn kéo vài dụng cụ rồi bắt đầu làm việc. Thầy thành thạo tháo bỏ mấy sợi dây đàn cũ rồi nhanh chóng lắp sáu sợi dây đàn mới. Liễu Địch chứng kiến cả quá trình bằng ánh mắt ngạc nhiên. Mặc dù không nhìn thấy nhưng động tác của thầy Chương vẫn rất ung dung thoải mái. Xem ra, thầy thật sự bỏ nhiều công sức vào cây đàn ghita.

Sau khi thay dây đàn, thầy Chương gảy thử rồi điều chỉnh độ căng chùng. Sau đó, thầy bắt đầu chơi một bản nhạc. Ban đầu, các ngón tay của thầy cứng ngắc vì dù sao thầy cũng năm năm không động đến cây đàn.

Nhưng chỉ một lúc sau, thầy ngày càng điêu luyện, đàn ngày càng hăng say. Các ngón tay của thầy lướt nhanh trên các phím đàn. Nốt nhạc du dương phát ra từ đầu ngón tay của thầy, như sóng vỗ vào bờ đá, như nước mưa gõ vào cửa kính, như thác nước dội ào ào, như rừng cây xào xạc...

Liễu Địch không khỏi sửng sốt, kỹ thuật chơi ghita của thầy Chương giỏi hơn "nhóm nhạc nam" của lớp cô không biết bao nhiêu lần. Liễu Địch bất giác bị tiếng đàn ghita tuyệt diệu đó thu hút. Cô im lặng lắng nghe, nghe đến xuất thần.

Thầy Chương phảng phất chìm đắm trong dòng suối âm nhạc rung động lòng người do thầy tạo ra. Đường nét trên gương mặt thầy dần trở nên ôn hòa, khóe miệng thầy ẩn hiện ý cười dịu dàng. Thầy như chìm trong hồi ức, trong thế giới riêng của thầy.

Dần dần, thầy Chương bắt đầu cất giọng hát trầm trầm theo tiếng đàn ghita kỳ diệu. Thầy hát bằng tiếng Anh. Chỉ một hai câu đầu, Liễu Địch phát hiện bài thầy hát chính là ca khúc " Yesterday Once More" mà cô hát hôm liên hoan cuối năm:

"Thời niên thiếu, tôi thường nghe radio,

Chờ đợi những bài hát tôi yêu thích,

Khi tiếng nhạc nổi lên, tôi bắt đầu hát theo,

Khiến tôi mỉm cười..."

Liễu Địch không khỏi choáng váng, cô không ngờ thầy Chương có giọng hát hay như vậy. Thanh âm của thầy trầm ấm, đầy từ tính. Đáng quý hơn, thầy có thể hát ra tình cảm chứa trong ca khúc. Liễu Địch chống tay lên cằm, ngơ ngẩn ngắm nhìn thầy, nghe thầy tiếp tục hát:

"Những ngày tháng vui vẻ không kéo dài,

Nó đã biến mất từ lâu,

Bây giờ nó đã quay về,

Như những người bạn cũ mất đi,

Những bài hát mà tôi yêu thích!

...

Tôi nguyện hát lại những ca khúc này,

Tôi nhớ rõ tất cả ca từ,

Âm thanh cổ xưa vẫn khiến trái tim tôi xúc động,

Nó hòa tan năm tháng đã trôi qua của tôi..."

Đúng vậy, thời gian vui vẻ đã quay về, trở về theo tiếng đàn du dương và tiếng hát trầm ấm của thầy Chương. Thầy Chương bắt đầu hát hết bài này đến bài khác. Thầy toàn hát bằng tiếng nước ngoài, tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha. Thầy hát "Edelweiss", "Old Man River", "Old Folks at Home", "The Last Rose of Summer", "Pigeon"...

Thầy Chương quả nhiên "nhớ tất cả ca từ". Một số bài hát đúng là "hòa tan năm tháng" của thầy. Gương mặt nhợt nhạt của thầy ửng hồng, thần sắc ngày càng dịu dàng. Niềm vui mất đi đã thật sự trở lại.

Liễu Địch im lặng lắng nghe, cô đã hoàn toàn chìm vào thế giới âm nhạc của thầy Chương, quên đi sự tồn tại của bản thân. Ca khúc lưu lại trong trí não thầy Chương dường như vô cùng vô tận, đều là những bản tình ca đi vào lòng người. Nhờ có nền tảng tiếng Anh khá tốt, Liễu Địch có thể nghe hiểu đại khái ca từ tiếng Anh. Còn bài hát tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha, Liễu Địch chịu chết.

Nhưng bất kể nghe hiểu hay không, Liễu Địch cũng đều bị những giai điệu của bài hát thu hút. Cô say sưa trong tiếng đàn hát, đắm say trong thế giới tình cảm thâm trầm, chìm đắm trong niềm vui và không khí ấm áp của ngôi nhà nhỏ này.

Lúc này, Liễu Địch lại nghe thầy Chương hát một ca khúc cô không biết tên:

"Tôi ra đời vì sự ra đời,

Tôi chết đi vì sự tử vong,

Tôi chết đi vì sự ra đời."

Đây là ca khúc gì vậy? Liễu Địch không rõ, cô chỉ cảm thấy lời bài hát rất đơn giản, nhưng lại không đơn giản một chút nào, tựa hồ ẩn chứa đạo lý triết học. Liễu Địch còn chưa kịp nghĩ sâu hơn, thầy Chương lại đổi sang bài hát khác:"

"Tôi nhìn thấy đôi mắt em ẩn hiện trong mái tóc mượt mà của em,

Giống như kẻ lữ hành nhìn thấy dòng suối chảy dài trong rừng xanh,

Tôi kinh ngạc thốt lên một tiếng, trái tim dịu dàng của tôi ngâm nga,

Tôi ăn uống no say và chìm vào mộng cảnh trong sự tĩnh mịch ngọt ngào đó.

Tôi nhìn thấy linh hồn của em qua đôi mắt em,

Phảng phất thợ lặn tìm thấy ngọc trai dưới đáy biển,

Tôi lẩm bẩm, không dám nói to, từ một khoảng cách khá xa,

"Cô gái chân thành, em có thể yêu tôi không?"

Liễu Địch biết đây là một ca khúc được phổ nhạc từ bài thơ "Three Shadows" của nhà thơ kiêm họa sỹ người Anh gốc Ý Dante Gabriel Rossetti (Dante Gabriel Rossetti (12 tháng 5 năm 1828 – 9 tháng 4 năm 1882) – nhà thơ, dịch giả, họa sĩ Anh gốc Ý, một trong những người sáng lập trào lưu Tiền Raphael (Pre-Raphaelites) nổi tiếng trong hội họa và thi ca Anh nửa cuối thế kỷ XIX). Nghe đến câu cuối cùng, tim Liễu Địch đập nhanh một nhịp. Âm điệu của thầy Chương có vẻ lạ thường, tựa hồ run run.

Thầy từng thất tình? Bởi vì thầy bị mù hai mắt? Ý nghĩ này vừa vụt qua đầu Liễu Địch, thầy Chương đã chuyển sang một bài hát có giai điệu nhẹ nhàng của Mỹ "Let It Be Forgotten":

"Hãy quên đi tất cả, như quên một bông hoa,

Như quên đã từng hát lên ngọn lửa vàng,

Hãy quên đi vĩnh viễn.

Thời gian là người bạn nhân từ, nó sẽ khiến chúng ta trở nên già nua.

Nếu có người hỏi đến, hãy nói đã quên rồi,

Khoảng thời gian từ rất lâu trước đây,

Giống hoa, giống hỏa, giống bước chân lặng lẽ

Bị băng tuyết chôn vùi tất cả."

Đúng vậy, Liễu Địch nhanh chóng quên đi nghi vấn vừa rồi, quên đi phiền não, quên đi ly biệt, quên gương mặt lạnh lùng trước đó của thầy Chương, quên tất cả những chuyện không vui. Cô chỉ cảm thấy không gian nhỏ bé này tràn ngập niềm hạnh phúc, chỉ cảm thấy âm nhạc là tươi đẹp, tiếng hát là tươi đẹp, thầy Chương là tươi đẹp, bản thân cô cũng tươi đẹp. Liễu Địch chưa bao giờ hưởng thụ khoảnh khắc đẹp đẽ như lúc này. Cô chưa bao giờ biết, cuộc đời cũng có những giây phút thăng hoa như vậy. Liễu Địch lĩnh hội một cảm giác hoàn toàn mới mẻ, nắm bắt mỗi giây phút ấm áp.

Thầy Chương lại hát bài mới:

"Tôi hỏi bầu trời có những vì sao xán lạn,

Tôi nên trao cho tình yêu của tôi thứ gì,

Ông trời trả lời tôi bằng sự trầm mặc,

Sự trầm mặc của trời xanh.

Tôi hỏi đại dương tăm tối như bóng đêm,

Người đánh cá thường xuất hiện ở đâu,

Đại dương trả lời tôi bằng sự trầm mặc,

Sự trầm mặc của hạ giới.

Tôi có thể khóc vì em,

Tôi có thể hát tặng em,

Nhưng cuộc đời này,

Sao tôi có thể chỉ cho em sự trầm mặc?"

...

Không khí vui vẻ đột nhiên đột nhiên trở nên nặng nề. Khi thầy Chường hát đến câu "Hỏi trời trời không thấu, hỏi đất đất không hay" bằng ngữ điệu đau thương, tâm linh nhạy cảm của Liễu Địch lập tức bị ảnh hưởng. Cô cảm thấy một nỗi thê lương lan tỏa trong lòng, thay thế sự yên bình và hạnh phúc vừa rồi. Theo bản năng, Liễu Địch cố gắng kháng cự sự "thay thế" đó.

May mà thầy Chương lại chuyển sang một ca khúc cô quen thuộc. Đó là bài "All Kinds of Everything":

"...Mùa hè, mùa đông, những bông hoa mùa xuân và cây cối mùa thu,

Thứ hai, thứ ba đều vì em ngừng lại,

Từng điệu múa, từng câu tâm tình,

Ánh nắng và kỳ nghỉ, đều vì em ngừng lại,

Vạn sự vạn vật, vạn sự vạn vật,

Đều khiến tôi bất giác nhớ em."

Thầy Chương lặp đi lặp lại mấy lần câu hát: "Vạn sự vạn vật, vạn sự vạn vật, đều khiến tôi bất giác nhớ em." Nỗi bi thương trong lòng Liễu Địch ngày càng lan tỏa, nhanh chóng bao trùm trái tim cô. Không hiểu tại sao, giọt lệ dâng tràn lên viền mắt cô, làm mờ tầm nhìn của cô.

Cô đã nghe ra, thầy Chương đang dùng tiếng hát để biểu đạt tình cảm của thầy. Vạn sự vạn vật đều khiến thầy nhớ đến ai? Ngày mai, cô sẽ rời xa thầy, rời khỏi thành phố này, bắt đầu một trang mới trong cuộc đời ở nơi khác. Còn thầy Chương, thầy vẫn phải tiếp tục cuộc sống cô độc và khắc khổ ở nơi đây.

Vạn sự vạn vật, vạn sự vạn vật, sao cô có thể không nhớ đến thầy Chương, nhớ đến khoảng thời gian ba năm khó quên? Chín ngày qua, không, ba năm nay, đây là lần đầu tiên cô nghe thấy rõ tiếng bước chân của sự ly biệt. Hóa ra ly biệt đã ở gần cô như vậy.

Trong tầm nhìn mơ hồ, Liễu Địch không rời mắt khỏi thầy Chương. Sắc mặt thầy phảng phất nỗi bi ai, thay thế nét dịu dàng ban nãy. Liễu Địch cố gắng không để nước mắt rơi xuống, cô thì thầm trong lòng: "Thầy Chương, thầy mau hát bài khác đi, em không chịu nổi nữa rồi!"

Thầy Chương quả nhiên đổi sang ca khúc khác, là bài dân ca Canada nổi tiếng "Red River Valley":

"Mọi người đều nói em sắp rời khỏi quê hương,

Chúng tôi sẽ luôn nhớ nụ cười của em.

Đôi mắt sáng hơn ánh mặt trời của em,

Sẽ mãi mãi chiếu rọi trái tim tôi.

Em có nghĩ sau khi em ra đi,

Thôn làng sẽ cô đơn lạnh lẽo biết bao,

Em mang đi ánh sáng vui vẻ trong sinh mệnh của tôi,

Để lại cho tôi bao nỗi sầu khổ và bi thương.

Hãy đến đây ngồi xuống bên cạnh tôi,

Đừng biệt ly vội vàng như vậy,

Hãy nhớ thung lũng dòng sông đỏ là quê hương của em,

Và cả tình lang yêu em tha thiết."

Thầy Chương đàn đi đàn lại ca khúc này, bốn lần, năm lần, sáu lần...Thanh âm của thầy thâm trầm, thần sắc thần nặng nề u ám. Thầy phảng phất quên đi bản thân, đem bản thân hòa nhập vào bài hát. Dường như cả trái tim, cả sinh mệnh, cả linh hồn của thầy đang diễn tấu.

Liễu Địch nghe đến mức ngẩn ngơ, cô hoàn thành bị tiếng đàn bi thương và giọng ca sầu muộn thu hút, hoàn toàn chìm vào cảm xúc ly biệt trong bài hát. Cô mơ thấy cô đi đến bên thầy Chương, ngồi xuống cạnh thầy. Cô mơ thấy cô đặt tay lên vai thầy Chương, tựa hồ muốn an ủi linh hồn cô độc và đau đớn, tựa hồn muốn đem trái tim mình hòa nhập vào trái tim của thầy. Liễu Địch chậm rãi cúi đầu, một giọt lệ lặng lẽ rơi xuống mu bàn tay đang gảy đàn của thầy Chương.

Bàn tay thầy Chương run rẩy. Sau đó một âm thanh sắc nhọn, vỡ vụn từ cây đàn, kéo hai thầy trò từ trong mộng cảnh về thế giới hiện thực. Hai thầy trò không hẹn cùng giật mình đứng dậy. Căn phòng yên tĩnh vô cùng, chỉ nghe thấy dư âm của tiếng đàn ngân vang.

Một lúc lâu sau, tiếng đàn chấm dứt, hai thầy trò vẫn im lặng. Liễu Địch lau nước mắt, ngước nhìn thầy Chương. Thầy đứng thẳng người như thân cây khô. Sắc mặt thầy khôi phục vẻ lạnh nhạt thường ngày, sự dịu dàng và bi thương đã biến mất hoàn toàn.

Tuy nhiên, Liễu Địch nhìn thấy rõ ràng, một giọt lệ chảy ra từ đằng sau mắt kính màu nâu trà của thầy, rơi xuống gương mặt trắng bệch của thầy.

"Thầy ơi, thầy khóc đấy à?" Liễu Địch nói khẽ. Thầy Chương đang khóc, giọt lệ thuần khiết nhất chảy ra từ khóe mắt của con người kiên cường, lập tức chạm đến nơi sâu thẳm trong linh hồn của Liễu Địch. Lòng cô tràn đầy nhu tình như nước. Cô nhẹ nhàng nắm tay thầy Chương.

Nhưng đột nhiên, thân hình thầy Chương run run, giống như lần đầu Liễu Địch chạm vào người thầy sau tiết học đầu tiên vào năm lớp 10. Thầy lập tức hất tay Liễu Địch sang một bên. Liễu Địch kinh ngạc há miệng, nhưng không thể thốt ra lời. Cô nằm mơ cũng không ngờ, thầy Chương lại có phản ứng như vậy.

Sau đó, thầy Chương nhanh chóng quay lưng về phía Liễu Địch. Thầy cất giọng khàn khàn và rõ ràng: "Liễu Địch, em về đi!"

Liễu Địch hoàn toàn ngây ngốc. Giọt nước mắt chua xót và thất vọng trào ra khóe mi, chảy giàn giụa xuống mặt. Nhưng Liễu Địch cắn răng, không để phát ra tiếng nức nở. Qua làn nước mắt, Liễu Địch thấy thân hình cao lớn của thầy Chương thẳng tắp bất động. Thầy lại khép chặt cánh cửa trái tim, thầy lại trở thành tảng băng góc cạnh. Tại sao thầy đột nhiên thay đổi? Chẳng phải cô đã thu hẹp khoảng cách với thầy, cô đã được thầy tin tưởng hay sao? Tại sao bây giờ thầy lại tỏ ra xa cách? Liễu Địch không tài nào hiểu nổi.

Sau đó, cô lại nghe thầy Chương nói, từng chữ như rít khỏi kẽ răng: "Liễu Địch, em về đi!"

Thanh âm của thầy vô cùng lạnh lẽo, Liễu Địch cảm thấy cô không thể chịu đựng lâu hơn. Cô lắc đầu, quay người chạy ra ngoài. Vừa đến cửa nhà, giọng nói của thầy Chương đột nhiên vang lên bên tai cô: "Chiều mai, tôi sẽ đến trường...tiễn em."

Liễu Địch ngẩn người, nhưng vẫn sải bước dài rời khỏi ngôi nhà. Mặt trời đã xuống núi, không gian được bao phủ bởi ánh chiều tà. Khi Liễu Địch chạy ra sân nhỏ, cô chợt nghe thấy một tiếng động, dường như trong ngôi nhà của thầy Chương, có đồ vật gì đó rơi xuống đất.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.