Bệ Hạ, Nhận Mệnh Đi!

Chương 23: Hẹn hò




Phượng Huyền kinh ngạc nói: “Các hạ là người phương nào, sao lại nhận thức ta?” Quay đầu nhìn đến đám hộ vệ vây quanh kia, nắm chặt dây cương trong tay, nghiêm túc nói: “Bất luận các hạ là người phương nào, cũng không thể làm lơ pháp kỷ, coi thường mạng người!”

Phượng khanh tính tình vẫn cứng rắn như vậy.

Tuyên đế cảm thấy bộ dáng này của y thật gần gũi đáng yêu, mỉm cười, trong lòng vui mừng như muốn đầy tràn ra. Lần này tương phùng thật sự có chút ngoài ý muốn, Phượng Huyền tự nhiên cũng không nhận biết hắn, nhưng ở trong mắt Tuyên đế, Phượng Huyền hiện tại vẫn giống như đứa nhỏ hắn tự tay đề bạt, nuôi lớn trước kia.

Tuy rằng Phượng Huyền chỉ nhỏ hơn Tuyên đế không đến nửa tuổi, nhưng từ lúc y vào triều đến sau khi vào trong quân, rồi đối chiến cùng Chu Huyên, sau lại Nam chinh Bắc phạt, cơ hồ đều là Tuyên đế tự tay dạy dỗ đề bạt. Nếu như Tuyên đế thực sự có nhi tử, công sức bỏ ra trên người nó chưa chắc có thể tận tâm như đối với Phượng Huyền.

Chu Huyên chung quy đã từng phản loạn, Tuyên đế mỗi khi nghĩ đến y đều có chút tâm tư đề phòng, thậm chí trong lúc hợp tác luôn mang theo ý tứ lấy lòng, chỉ sợ y dẫm vào vết xe đổ kiếp trước. Thuần Vu Gia cũng tốt, là một văn thần, tính tình chăm chỉ cần cù nhưng lại có chút nhỏ mọn. Chỉ có Phượng Huyền chính trực trung thành, thiên phú về cầm quân đánh giặc lại cực cao, có y ở bên cạnh, Tuyên đế mới thực sự yên tâm.

Hắn biết Phượng Huyền tính tình ngay thẳng, trong mắt không chấp nhận có nửa hạt cát, vì thế chủ động nhận sai: “Ta có việc muốn ra ngoại thành, trong lòng có chút nóng nảy, Phượng…… Phượng lang chớ trách. Bất quá ta bình sinh vận khí cực tốt, phàm là mỗi khi gặp chuyện, nhất định sẽ có người ra tay tương cứu, mới vừa rồi Phượng lang không phải đã thay ta cứu vị lão nhân kia sao?”

Một câu ngụy biện hắn nói ra vô cùng tự nhiên, ngay cả Phượng Huyền thiếu chút nữa bị hắn làm cho tin tưởng, trên đường đi đầu óc lại xoay một hồi, nhíu mày than một tiếng: “Nếu mới vừa rồi ta không có mặt, chỉ sợ ngươi làm bị thương người xong liền bỏ chạy, cũng không ai có thể ngăn cản. Hiện tại ta đã đụng phải ngươi, tự nhiên không thể cho ngươi rời đi dễ dàng như vậy.”

Đôi tay y run lên dây cương, muốn quay đầu lại đi tới quan phủ. Tuyên đế nắm chặt dây cương nói: “Ta hôm nay có việc gấp, buổi trưa nhất định phải ra ngoại thành gặp một người. Phượng lang theo tùy tùng của ta trở về, đợi ta gặp qua nàng rồi lại nói việc này sau.”

Phượng Huyền cố chấp không chịu, nội thị xung quanh cũng xông tới khuyên nhủ: “Thất lang mau theo chúng thuộc hạ trở về đi, sao có thể tùy tiện như vậy liền ra khỏi thành.”

Tuyên đế nhìn mấy tên nội thị âm thầm cản trước ngựa của hắn, ‘nha’ một tiếng, từ trong ủng móc ra tiểu đao chém tới dây cương, đôi tay nắm chặt bờm ngựa, trên bụng ngựa dùng sức thúc một cái, khiến con ngựa hí vang một tiếng, nhanh như tia chớp mà phóng đi.

Dây cương trên tay Phượng Huyền thoáng chốc bị buông lỏng, suýt chút nữa từ trên ngựa té xuống. Cánh tay y ở trong không khí quơ loạn vài vòng, bắt lấy quần áo Tuyên đế, hai tay trượt về phía trước, gắt gao ôm lấy vòng eo của hắn, cuối cùng mới ngồi ổn. Y dựa vào sau lưng Tuyên đế, vội vàng mà nói: “Ngươi lá gan cũng thật lớn, bỏ chạy như vậy nếu xảy ra chuyện…… Ai, ngươi đến tột cùng là con cái nhà ai, cùng Phượng gia ta có phải cũng quen biết?”

Tâm tư Tuyên đế đều đã bay tới nơi khác, không thèm quay đầu lại đáp: “Phượng lang không phải là đường đệ của Tả đô Ngự sử Phượng Cảnh hay sao? Ta nhận thức huynh trưởng ngươi, tự nhiên cũng biết được ngươi. Về phần ta là người phương nào, đợi ngươi nhậm chức Trung Thư xá nhân, chúng ta ở trong triều thường xuyên gặp mặt, tự nhiên liền biết.”

Một câu ‘Trung Thư xá nhân’ này ngược lại tác động đến tâm của Phượng Huyền.

Tin tức y nhập kinh còn chưa truyền ra, người trước mắt này thế nhưng lại có thể nhận thức y, còn biết y tương lai phải làm Trung Thư xá nhân. Ngay cả huynh trưởng Phượng Cảnh cũng chỉ biết Hoàng Thượng muốn cho y vào Quốc Tử Giám học tập, hoặc có khả năng nhận một chức quan nào đó.

Người này tướng mạo như vậy, lại không kiêng nể gì, xem biểu tình của hắn cũng thân mật đến không bình thường, còn đối với việc trong triều quen thuộc…… Có phải hay không đúng như lời nói của huynh trưởng, hoàng thượng có đoạn tụ chi phích, mà người này chính là nam hậu Tuyên đế coi trọng, Tạ Nhân?

Phượng Huyền vẫn không dám tùy tiện mở miệng chứng thực, lại nổi lên suy tính tình thế trước mắt trong kinh.

Chờ đến khi y bị một trận tiếng kinh hô đánh gãy suy nghĩ, ngựa đã phóng đến giữa không trung, vượt qua cửa thành, hướng ngoại thành mà đi. Phượng Huyền trong lòng vừa cả kinh vừa khẩn cấp, hận không thể lập tức ghìm ngựa kéo cương. Nhưng lúc này cho dù y có thuật cưỡi ngựa cao siêu bao nhiêu, cũng vô pháp ngăn cản, chỉ có thể mặc cho Tuyên đế phóng ngựa xông ra ngoài thành, hướng thẳng đến bờ sông Vị Thủy.

Tuyên đế dần dần thả chậm lại tốc độ, giục ngựa đi về hướng đông hơn mười dặm, liền thấy bên bờ sông có một cái tiểu đình. Giữa đình có một quý công tử y phục xanh thẫm, cổ áo bẻ lật kiểu y phục người Hồ đang ngồi một mình, lưng tựa vào trụ đình, tay tùy ý gảy tỳ bà, thanh âm văng vẳng, réo rắt trào dâng.

Không sai, đó chính là A Nhân của hắn!

Tuyên đế trong lòng gợn sóng phập phồng, hình ảnh trước mắt, dần dần trùng lấp lên cảnh tượng sơ ngộ cùng A Nhân đời trước.

Khi đó thời điểm hắn gặp được A Nhân vẫn là tại 5 năm sau. Lúc ấy loạn Chu Huyên đã dẹp, quốc gia có hàng trăm việc phải xử lí. Khi đại binh Tây Nhung xâm phạm biên giới, thủ hạ của hắn có thể sử dụng chỉ có mỗi Phượng Huyền, ngay cả quân sĩ cũng không đủ, đành phải tự mình mặc giáp xuất chinh. Ngày đó cũng là ở bờ sông Vị Thủy này, trong tiểu đình gặp được A Nhân, lúc ấy hắn không biết A Nhân là nữ tử, chỉ cho rằng nàng là con cháu Tạ thị, muốn tòng quân báo quốc……

Người trong đình ngẩng đầu lướt qua bọn họ, ánh mắt xoay chuyển, cảm giác phong lưu vô hạn. Ngũ quan tinh điêu tế trác, mặt mày kiều diễm câu động lòng người như vậy, hắn thế nào lại tựa như người mù, đem nàng nhận thành nam tử, đến cuối cùng để nàng rời đi rồi mới phát hiện, vị thiếu niên tướng quân mà mình vẫn luôn yêu quý đề bạt này là nữ giả nam trang?

Thời điểm người được phái đi đón A Nhân hồi kinh truyền đến tin tức bọn họ nhập kinh, Tuyên đế liền quyết định tự mình ra khỏi thành, giống như đời trước, muốn cho nàng lưu lại một ấn tượng tốt đẹp nhất. Không nghĩ tới trời cao rũ lòng thương, hôm nay cảnh tượng lúc bọn họ gặp gỡ, thế nhưng cùng ngày đó giống nhau như đúc. Tuyên đế xuất thần ngắm người trong đình, bên tai cũng không nghe được tiếng sóng của sông Vị Thủy cùng lời dò hỏi của Phượng Huyền, chỉ có tiếng đàn tỳ bà uyển chuyển trong trẻo.

Khúc nhạc khi đó A Nhân đàn chính là “Thố tư”, hắn nghe ra khát vọng trong lòng nàng, tiếng ca vang vọng bên đình hòa cùng hình dáng của nàng, từ đấy A Nhân liền thành tâm can của hắn…… Tuyên đế mở miệng xướng theo, bỗng nhiên phát hiện có chỗ không đúng. Sao khúc tỳ bà đang gảy kia không phải là “Túc túc thố ta, thi vu trung lâm” mà là “Ngư võng chi thiết, hồng tắc lệ chi, yến uyển chi cầu, đắc cử thích thi”*???

[*Chú thích:

Câu đầu trích trong bài Thố tư 3 (Lưới bắt thỏ 3) thuộc Kinh Thi, phần Quốc Phong của Chu Nam:

Túc túc thố ta,

Thi vu trung lâm.

Củ củ vũ phu,

Công hầu phúc tâm.

Dịch thơ (bởi Mia Tree):

Lưới thỏ vội vàng

Giăng giữa rừng sâu

Dáng người uy dũng

Tâm phúc công hầu.

Câu thứ hai chính là bài thơ Tân đài 3 thuộc Kinh Thi, phần Quốc Phong của Bội Phong:

Ngư võng chi thiết

Hồng tắc lệ chi

Yến uyển chi cầu

Đắc cử thích thi.

Dịch thơ (bởi Mia Tree):

Giăng lưới đánh cá

Bắt phải chim hồng

Cầu người uyển chuyển

Vớ phải gù lưng.

Ý cả bài thơ: Giăng lưới để bắt cá, nhưng chim hồng lại mắc vào. Tìm người dịu dàng, xinh đẹp lại vớ phải người xấu xí, bệnh tật. Cái mình có được không phải là cái mình kiếm tìm, ước ao.]

Hắn lòng dạ rộng lượng, lại không thể mở miệng tự mắng mình. Một khúc này xướng lên Tuyên đế liền như mắc nghẹn, thừa dịp A Nhân chuyển điệu, liền xướng một khúc “Lân chi chỉ”*:

Lân chi chỉ

Chân chân công tử

Hu ta lân hề!

Dịch thơ (bởi Mia Tree):

Con của vương

Tựa chân của lân

Ôi chao, như con lân vậy!

[*Chú thích:

Bài thơ “Lân chi chỉ” (Chân con lân) trên thuộc Kinh Thi, phần Quốc Phong của Chu Nam. Văn vương và hậu phi lấy đức hạnh tu thân, nên con cháu tông tộc đều hoá ra hiền lành.

Ý của bài thơ là: Tính con lân nhân hậu, cho nên chân của nó cũng nhân hậu. Văn vương và hậu phi nhân hậu, nên con cháu của ngài cũng nhân hậu.]

Hắn cùng A Nhân hiện tại xem như bèo nước gặp nhau, việc A Nhân nữ giả nam trang, ngay cả thúc phụ của nàng cũng đều không biết, tự nhiên không nên bị một người xa lạ như hắn nhìn ra, vì vậy hắn cũng chỉ lấy một câu thơ tán tụng quân tử để biểu đạt tâm ý.

Không ngờ xướng xong một khúc, tiếng tỳ bà trong đình cũng ngừng lại,  thanh âm mang theo vài phần tán thưởng cùng khí phách thiếu niên của Tạ Nhân từ trong đình truyền ra: “Hôm nay ta mới biết được cái gì gọi là ti không bằng trúc, trúc không bằng nhục. Một khúc này của tiên sinh công chính bình thản, hòa với tự nhiên, thật là quân tử chi âm.”

Tuyên đế kiềm chế đắc ý trong lòng, đem tươi cười nơi khóe miệng thu lại, khiêm tốn nói: “Không bằng ngươi ‘tay gảy bốn dây, nhìn theo chim hồng’*, càng có thần thái tao nhã.”

[*Lấy ý từ một bài thơ của Kê Khang:

Mục tống quy hồng,

Thủ huy ngũ huyền.

Phủ ngưỡng tự đắc,

Du tâm thái huyền!

Dịch thơ (bởi Mia Tree):

Mắt nhìn hồng hạc

Tay gảy ngũ huyền

Tự do tâm ý

Hòa cùng thiên nhiên!

Ở đây tác giả Ngũ Sắc Long Chương đã biến tấu từ ‘ngũ huyền’ thành ‘tứ huyền’, vì đàn tỳ bà chỉ có 4 dây mà thôi.]

Tạ Nhân từ trong đình đi ra, tay áo hẹp dài được buộc chặt kiểu y phục người Hồ càng làm cho thân hình y thêm cao gầy thanh nhã, phong lưu diễm lệ, bừng bừng sinh khí.

Tuyên đế vừa lòng mà ngắm nhìn, cảm thấy A Nhân của hắn so với kiếp trước càng diễm lệ hơn vài phần. Hơn nữa, tựa hồ bởi vì chưa từng chịu qua phong sương của chiến trường, dáng người cũng cao hơn một chút, cơ thể cũng trông đầy đặn hơn, khí chất trên người được bảo dưỡng tỉ mỉ từ thế gia đại tộc khiến y càng thêm thanh khiết xuất trần.

Phượng Huyền ngồi ở sau lưng ngựa cũng nhịn không được mà tán thưởng thành tiếng: “Không biết đây là công tử nhà ai, thật sự là người như châu ngọc, khiến ta cảm thấy bản thân thật tầm thường.”

Tuyên đế nghe xong, trong lòng âm thầm kiêu ngạo, lại nghĩ tới vừa rồi gặp được A Nhân nên có chút lãnh đạm với Phượng Huyền, liền quay đầu lại khen y một câu: “Phượng lang như sấm rền vang, bộ dáng cũng không kém.”

Phượng Huyền trong lòng cảm thấy có chút khác thường, không biết có nên cảm tạ hắn khích lệ hay không.

Tuyên đế cũng không nghĩ ngợi nhiều, khen xong một câu liền xoay người xuống ngựa tiếp đón Tạ Nhân.

Lúc xuống ngựa, Tuyên đế bỗng nhiên phát hiện A Nhân của hắn vóc dáng thật sự có chút cao quá đầu hắn, hắn vậy mà lại tựa hồ lùn hơn nàng cả một cái đầu. Mà ngực của nàng dường như cũng quá rắn chắc, vai lại hơi quá rộng……

Chắc là vì giả nam trang, ở trong quần áo độn vải bố chăng?

(Editor: má ơi, em thụ ngu ngơ không bút mực nào tả xiết…. huhu, tới giờ ẻm vẫn còn ảo tưởng bản thân là đại trụ của mỹ nữ, quyết không chịu thừa nhận mình là hoa cúc của một đám dưa leo!!)

Lời này chỉ xoay chuyển ở trong lòng Tuyên đế, cũng không hỏi ra miệng.

Tạ Nhân trong lòng đoan chính, hướng về phía hai người bọn họ chắp tay thi lễ: “Tại hạ là Tạ Nhân ở Hội Kê, không biết tiên sinh cùng vị lang quân kia xưng hô thế nào?”

Thanh âm như kim ngọc va chạm, tuy rằng không nhẹ nhàng uyển chuyển giống như nữ tử bình thường, nhưng cũng thập phần trong sáng động lòng người. Tuyên đế nghe được trong lòng liền vui sướng, cũng không so đo dáng người của y, chậm rãi đáp lễ lại: “Tại hạ họ Tuyên, tên chỉ một chữ Chí. Vị này chính là Khúc Phụ Phượng thị Phượng Huyền.”

Phương Huyền đứng bên cạnh ngay ra như tượng, bị Tuyên đế vỗ vỗ mấy cái mới bừng tỉnh mà theo vào trong đình.

Tạ Nhân liền lấy đạo chủ nhân mà đãi khách, kêu phó dịch mang trà tới. Tuyên đế uống một ngụm liền khen: “A…… trà này của Tạ lang so với trong kinh hương thơm thanh mát hơn rất nhiều, không biết là như thế nào mà chế thành.”

Tạ Nhân cũng không chút để ý đáp: “Sản vật trong núi sâu, có chút hương khí của thiên nhiên. Trà này cũng không đáng là gì, hôm nay khó có dịp gặp được tiên sinh cùng Phượng lang, không bằng nhân lúc phong cảnh hữu tình, lại tương hợp một khúc, hoặc luận bàn chút thơ văn?”

Tuyên đế đời trước biết rõ tính nết của y, lúc này cũng không thuận theo y, ngược lại thở dài: “Hiện giờ quốc sự gian nan, Tây Bắc lưu dân mới vừa yên ổn, dù muốn du sơn ngoạn thủy, nhưng có thể thật tình mà xem phong cảnh sao? Đại tướng quân ở Tây Bắc tuy rằng thắng mấy trận, nhưng thảo nguyên rộng lớn, cuối cùng vẫn không thương tổn được nguyên khí của Tây Nhung……”

Tạ Nhân nghe xong lập tức đem tỳ bà gác xuống, ánh sáng trong mắt tỏa ra bốn phía, thao thao bất tuyệt mà nói một hồi về đại thắng vài ngày trước đó của Chu Huyên. Tuyên đế nghe vào tai liền kinh hồn táng đảm, sợ y di tình biệt luyến mà coi trọng Chu Huyên, vội vàng lấy ra kinh nghiệm chinh chiến của bản thân đời trước, chỉ điểm giang sơn, đem Tạ Nhân nói đến tâm động thần trì, trên trán chảy xuống mồ hôi.

Tuyên đế lúc nào cũng nhìn chằm chằm y, lập tức từ trong lòng rút ra một chiếc khăn, tự mình lau mồ hôi trên mặt Tạ Nhân, lại cầm lấy tay y mà khuyên nhủ: “Ở đây nói chuyện không tiện, chúng ta cùng vào thành, sau này ta lại đến tìm ngươi tiếp tục luận bàn có được không?”

Tạ Nhân lúc này mới phục hồi tinh thần, bắt lấy khăn tay thở dài một tiếng: “Chỉ sợ ta sau khi nhập kinh, tiên sinh liền không gặp được nữa. Thôi, mệnh bất đồng……”

Tuyên đế trông thấy đau lòng khó nhịn, do dự không muốn lập tức lộ ra thân phận, đành phải khuyên nhủ: “Chuyện tương lai, ai có thể biết được? Nói không chừng về sau ngươi cũng có thể mang binh ra trận, đến lúc ấy lý giải của ngươi về binh pháp, có lẽ so với ta càng thêm thấu triệt.”

Chỉ cần A Nhân thích, hắn sẽ khiến cho nàng giống như đời trước cầm quân nơi sa trường, có gì mà không được?

Tạ Nhân miễn cưỡng nhấc lên tinh thần đáp tạ, sau đó cũng không đề cập tới nữa, an bài xe ngựa cùng Tuyên đế một đường vào thành. Phượng Huyền lấy ngựa từ trong tay phó dịch, tự mình đi theo phía sau Tuyên đế.

Tuyên đế tính toán không lập tức bại lộ thân phận, nửa đường liền dừng ngựa, xa xa nhìn theo Tạ Nhân bước vào Lâm Xuyên vương phủ. Đợi cho mọi người tan hết, mới quay đầu lại hỏi Phượng Huyền muốn đi hướng nào.

Phượng Huyền xoay người xuống ngựa, hướng về Tuyên đế cúi người cung kính: “Phượng Huyền ngu độn, mới vừa rồi đã mạo phạm thánh giá.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.