Bắt Trẻ Đồng Xanh

Chương 12




Chiếc xe taxi cũ kỹ và nồng nặc một mùi tanh tưởi, như thể có ai đó vừa chui vào đấy ngốn ngấu bữa chiều xong. Tứ thời, tôi toàn vớ phải những chiếc taxi hôi hám, mỗi lúc có việc phải đi đâu khuya khoắt. Phố xá lúc này yên ắng nên vắng vẻ và càng quạnh hiu thêm. Không một bóng người, tuy rằng hôm nay là thứ bảy. Thỉnh thoảng mới gặp một đôi trai gái ôm nhau cất bước hoặc một tốp du đãng lê gót cùng với đám bồ tèo, vừa đi vừa cười hô hố như một lũ sói tham lam, tuy rằng chả chắc đã có gì đáng nực cười lắm. New York nói chung rất đáng ghét vào những lúc khuya khoắt và có tiếng cười hô hố của ai đó trong cảnh quạnh hiu. Đứng cách cả trăm dặm vẫn nghe rõ tiếng cười. Nên càng hiu hắt và quạnh quẽ. Tôi chẳng muốn gì hơn được bay ngay về nhà, tán gẫu với đứa em gái nhỏ. Nhưng rồi đành bắt chuyện với người lái xe. Tên lão là Horwitz. Lão dễ chịu hơn gã tài xế ban nãy. Thế nên tôi nghĩ bụng: chắc lão sẽ biết chút đỉnh về lũ vịt trời đằng công viên. Tôi bèn lên tiếng:

- Anh Horwitz, chắc thỉnh thoảng anh vẫn qua lại đằng mé hồ trong Công viên trung tâm? Cạnh cửa Nam ấy mà, anh nhớ chứ?

- Cái gì?

- Mé hồ nước. Cái hồ nhỏ, nơi người ta vẫn thả bầy vịt trời. Chắc anh biết cái hồ ấy?

- Biết. Nhưng sao kia?

- Anh có còn thấy lũ vịt trời dưới ấy không? Dạo mùa xuân và hè, chúng vẫn nhởn nhơ dưới đó. Chẳng biết mùa đông chúng sẽ đi đâu nhỉ?

- Ai đi đâu, hả?

- Lũ vịt trời! Chắc anh có nghe nói? Không biết người ta mang xe tới chở chúng hay chúng tự bay về miền Nam.

Horwitz tức thì quay ngoắt lại, nhìn tôi. Trông cũng biết lão nóng tính kinh khủng, tuy rằng nhìn chung lão chẳng có gì đáng ghét lắm.

- Làm sao tôi biết đươc? - Lão nói - Mà biết làm cóc gì những chuyện vớ vẩn ấy cho mệt người?

- Thì thôi. Nhưng anh đừng bực mình. - Trông cũng biết lão đang cáu tiết.

- Ai bực mình, hả? Tôi thèm vào để tâm mấy cái chuyện bá láp của cậu!

Tôi nghĩ bụng: thôi, đừng trò chuyện nữa, một khi lão đã nóng tính đến thế.

Nhưng rồi chính lão lại mở mồm. Lão quay ngoắt lại, nói lớn:

- Cá chẳng phải đi đâu hết. Chúng vẫn ở lại dưới hồ. Sống ngay dưới hồ, cóc phải đi đâu.

- Cá thì nói làm gì. Tôi hỏi là hỏi lũ vịt kia!

- Thì khác gì nhau? Chẳng khác quái gì nhau hết - Horwitz đốp chát và nghe giọng, tôi biết lão đã nổi cáu thực sự - Trời ơi, thực ra, cá còn khốn đốn hơn vịt trong mùa đông. Cậu phải động não một chút chứ, quỉ ạ! Tôi nín thinh một lúc lâu. Mãi mới lại lên tiếng tiếp:

- Thôi được. Thế lũ cá sẽ xoay xở ra sao, khi nước hồ đóng cứng băng, đến mức người có thể chạy nhảy hoặc trượt băng trên ấy? Nghe tôi bảo thế, lão lại lập tức quay ngoắt xuống, nói như quát vào mặt tôi:

- Sao? Cậu hỏi lũ cá sẽ làm gì dưới ấy à? Chúng cứ ở yên dưới ấy, chứ còn biết làm gì nữa, trời đất!

- Chúng phải cảm thấy quanh chúng mọi thứ đếu đóng băng. Gì chứ chuyện đó chúng không thể không nhận thấy.

- Ai bảo cậu chúng không biết? - Horwitz hét lớn. Lão cáu tiết tới mức tôi sợ lão sẽ lao thẳng xe vào cột đèn. - Chúng cứ việc sống trong băng, hiểu chưa? Trời sinh ra thế. Nên chúng cứ nằm yên một chỗ suốt mùa đông, ngay trong băng, hiểu chưa?

- Thật thế à? Thế chúng ăn gì? Nếu cứ bị giam trong băng, thì chúng sẽ làm thế nào mà bơi? Thức ăn đâu để sống?

- Cậu chẳng hiểu cóc gì cả, quỉ thần ạ! Cơ thể chúng tự nuôi chúng, hiểu chưa? Trong băng dưới hồ vẫn có các thứ rong rêu. Lỗ chân lông của chúng sẽ mở rộng, để qua đó, chúng hút thức ăn thức uống. Cậu hiểu chưa nào?

- Ừm. - Tôi không muốn tiếp tục cãi vã vì sợ lão sẽ húc chiếc xe thổ tả đang lái vào một của nợ gì đó thì khốn to. Với lại dễ cáu như lão thì có tranh luận cũng vô bổ. - Này, anh thấy sao? Ta ghé vào đâu đó, uống tí gì cho ấm bụng đi, được không? - tôi ướm hỏi lão.

Nhưng đến trả lời, lão cũng chẳng thèm nhếch mép. Chắc vẫn còn đang nghĩ tới lũ cá dưới hồ. Tôi nhắc lại lời đề nghị. Nói chung, lão còn khá hơn lão trước.

- Tôi không có thời giờ, anh bạn trẻ ạ! - Lão nói. - Vả lại, cậu bao tuổi? Sao giờ này còn chưa lên giường đánh một giấc tới sáng mai?

- Tôi chưa buồn ngủ.

Lúc tôi xu ống xe trước Ernie, rút ví ra trả tiền, lão Horwitz còn bổ sung về lũ cá:

- Này, nếu cậu cũng là cá, chắc trời cũng chẳng bỏ mặc cậu đâu, đúng không? Đã thế sao cậu còn lo lũ cá sẽ chết cóng, mỗi khi đông tới.

- Không, chúng chẳng chết cóng, nhưng...

- Đúng! Nghĩa là chúng sẽ không bao giờ chết cóng! - Horwitz hét lớn thế rồi phóng xe đi tiếp, như một gã rồ. Người dễ cáu như lão, thực tôi chưa từng gặp bao giờ. Động mở miệng là gắt ỏm tỏi.

Khuya khoắt thế, nhưng Ernie vẫn còn chật như nêm. Khách chơi phần lớn đều là bọn đầu trộm đuôi cướp ở các trường trung học và cao đẳng các nơi. Trường nào cũng đều cho học trò nghỉ lễ sớm, trừ cái nơi thổ tả Pencey tôi đang học. Phòng giữ áo khoác chẳng còn một số nào dư cả vì khách đông nghịt. Nhưng rất trật tự bởi chính lão Ernie đang chơi piano. Lão ngồi hết sức uy nghiêm, như thể đang ngồi sau chiếc đại phong cầm giữa một thánh đường bề thế. Ánh mắt mọi người đều đổ dồn vào lão, như thể đang chiêm ngưỡng một bản thánh ca. Kỳ thực, theo tôi cóc có kẻ nào chiêm ngưỡng lão. Chứng cớ, cạnh tôi có mấy cặp thấp thỏm đứng chờ một chiếc bàn trống; bọn họ cứ xô đẩy nhau suốt, gã nào cũng nhón gót, nên trông tưởng như để cố nhìn lão Ernie chơi đàn. Trên đầu lão, người ta treo một chiếc gương rõ to. Lão còn được một ngòn đèn pha rọi thẳng vào, để ai nấy đều nhìn rõ mặt, lúc lão đang trình tấu.

Tôi không nhìn thấy hai tay lão lướt trên dãy phím thế nào, mà chỉ nhìn thấy thân người lão thôi. Khiếp, da lão cứ đen nhẫy như thịt nướng quá lửa! Tôi không biết lão đang tấu bài gì lúc mới bước chân vào tiệm, nhưng nghe giai điệu, tôi biết chắc lão đang tàn sát toàn bộ nền âm nhạc từng có xưa nay. Bởi lẽ lão cứ nện chí tử cả mười ngón tay ngu ngốc của mình xuống dãy phím bên âm vực cao, khiến dòng âm thanh phát ra méo mó cả đi đến mức tôi thấy bụng đau quặn, như ăn phải những thứ thiu thối. Nhưng giá các bạn cũng được nghe những gì đám đông la hét lúc lão kết thúc. Chắc các bạn phải nôn thốc nôn tháo cả mật xanh mật vàng, phải mất trí ngay, chứ chả chơi. Thật hệt như lũ ngu ngốc lúc xem phim ấy, chúng cứ cười như nắc nẻ ở những chỗ chẳng có gì đáng cười. Thề có Chúa, tôi sẽ tự coi là kẻ bị sỉ nhục, nếu chơi đàn hoặc diễn kịch mà lại được lũ nỡm ấy tán thưởng. Tôi cần quái gì những tràng vỗ tay ấy khi toàn vang lên vào những chỗ chẳng đáng vỗ tay. Nếu là danh cầm, nhất định tôi sẽ khoá trái cửa, rồi ngồi chơi một mình trong phòng. Biểu diễn xong bản nhạc và được mọi người vỗ tay như điên dại, lão Ernie liền xoay ghế, đứng dậy, cúi chào đúng kiểu kép hát. Làm ra vẻ ta đây không những là một danh cầm, mà còn là một nghệ sĩ hết sức khiêm tốn. Nhất nhất đều ra vẻ vậy nhưng kỳ thực, tôi chưa từng thấy ai hách bằng lão. Tuy thế, chẳng hiểu sao tôi vẫn thấy lão rất đáng thương bởi chính lão cũng chẳng biết mình chơi dở hay chơi hay. Nhưng ngẫm cho cùng, lão chẳng có tội tình gì. Lỗi là ở cái bọn vô công rồi nghề vỗ tay tán thưởng lão, bọn chúng thì hễ hãm hại được ai là ra tay ngay, cóc cần biết hậu quả ra sao. Chứng kiến cảnh ấy, tôi lại thấy ngao ngán, bực dọc kinh khủng, chỉ muốn vớ lấy áo khoác trong phòng gửi rồi về ngay khách sạn cho xong. Nhưng khốn nỗi hãy còn sớm, và tôi lại chẳng muốn thui thủi một mình trong căn phòng đằng ấy.

Mãi họ mới thu xếp được cho tôi một chiếc bàn chết rấp, kê sát vách tường, khuất sau một chiếc cột rõ to nên chẳng còn thấy quái gì. Đã thế, kích thước nó lại quá nhỏ, chỉ ba góc chứ chẳng được vuông, và nếu muốn vào chỗ ngồi, thì đám khách ở bàn bên phải đứng cả dậy nhường lối, bạn mới len vào nổi. Mà đám khách chó chết kia thì đừng hòng chịu làm thế với những ai chậm chân. Tôi gọi một cốc Whitsky pha sôda - thứ thức uống tôi ưa thích nhất sau Daiquiris pha đá. Ở Ernie, bạn muốn gọi gì tuỳ thích, cho dù chỉ mới lên sáu, vì ở đó đèn đóm rất tù mù. Hơn nữa, cũng chẳng ai thèm bận tâm tuổi bạn bao nhiêu. Đến tụi nghiện xì ke, họ cũng chẳng thèm ngó ngàng, huống hồ chuyện tuổi tác.

Quanh tôi rặt một lũ mất dạy. Bên cái bàn nhỏ mé tay trái, tôi thấy một gã xấu xí đến phát khiếp chễm chệ cạnh một ả cũng xấu xí đến phát kinh. Chắc cả hai đều cùng tuổi tôi, mà cũng có thể lớn hơn. Nhìn chúng, ai cũng phải chết cười. Có mỗi cốc rượu mà cứ rề rà mãi, chẳng dám uống hết. Vì chẳng có việc gì làm, nên tôi thử nghe xem hai đứa trò chuyện những gì. Anh thì kể với ả một trận bóng vừa xem chiều nay. Kể tỉ mỉ, từng phút một, toàn bộ trận đấu. Diễn biến nghe tẻ đến mức tôi chưa từng thấy ai kể dở hơn thế. Trông cũng biết ả nọ chẳng chút bận tâm tới câu chuyện ấy nhưng ả xấu kinh khủng, thậm chí còn tởm hơn gã nọ, nên nếu không nghe kể thì cũng chẳng còn biết làm gì cho qua thời giờ. Làm con gái mà xấu xí thì thường vẫn khốn khổ thế đấy. Lắm lúc, tôi thấy tội nghiệp tới mức không thể đành lòng nhìn họ, nhất là lúc họ phải ngồi với một gã ưa khoe mẽ, động mở miệng là lôi ngay chuyện bóng đá ngu ngốc ra.

Bên phải tôi còn thảm hại hơn. Thằng ngồi bên ấy là một gã công tử bột, học đằng Yale (một viện đại học nổi tiếng của Hoa Kỳ, từng đào tạo được nhiều học giả xuất sắc - ND), diện một bộ vettông xám bên ngoài chiếc gilê rất mốt. Đám con nhà dòng dõi quí phái trói gà không chặt bên ấy, gã nào trông cũng giống hệt nhau. Bố tôi cũng thích gửi tôi xuống ăn học dưới Yale Princeton. Nhưng tôi thề thà chết chứ không đời nào lại để cho ai lôi mình vào nhập bọn với lũ quí phái rởm bên đó. Thì các bạn cứ nhìn con bé đẹp tuyệt vời ngồi với gã quí phái nọ khắc biết. Đúng là một giai nhân. Nhưng cứ thử nghe câu chuyện giữa hai người xem! Một là cả anh lẫn ả đều đã ngà ngà. Hắn cứ luồn tay dưới gậm bàn sờ soạng cô gái suốt, trong khi miệng vẫn ba hoa đủ thứ về một thằng bạn học đã xơi gọn cả một vỉ Aspirine, nên suýt nữa thì đi đời. Còn cô gái cứ luôn mồm: "Trời, khiếp quá. Kìa anh, đừng thế... Em van anh... Có điều đừng thế ở đây".Các bạn thử hình dung xem, người gì mà tay cứ làm trò khỉ, trong khi mồm vẫn thao thao bất tuyệt về một đứa bạn định tự vẫn! Thật đến chết cười!

Tôi ngồi chưa ấm chỗ đã thấy nẫu ruột vì buồn. Và chẳng biết làm gì hơn, tôi đành đánh bạn cùng cốc rượu với gói thuốc lá thơm. Nói của đáng tội, tôi có bảo cậu bồi bàn, tới hỏi đích thân Ernie, xem ông ta có vui lòng chạm cốc với tôi không. Tôi cũng dặn hắn nói hộ tôi là em ruột anh D.B. Nhưng tôi đoán: gã này chắc chẳng thèm chuyển giúp tôi lời mời ấy. Đám súc sinh đó thì có bao giờ làm được gì tử tế cho người khác đâu. Thình lình có một cô cất tiếng gọi lớn tên tôi:

- Holden Caulfield! - Cô ấy tên là Lilian Simmons. Trước, cô ấy là bồ của anh D.B. Khiếp, tôi chưa thấy ai có bộ ngực phổng phao đến mức ấy.

- Chào chị, - tôi nói. Dĩ nhiên, tôi cố đứng dậy, nhưng chật kinh khủng. Cùng đến với cô ấy là một sĩ quan hàng hải, gã ưỡn hẳn ngực ra trước, như thể đang bị ai đó thọc vào chính giữa mông một chiếc que thông lò.

- Gặp lại cậu, tôi mừng quá! - Lilian Simmons nói. Ả nói dối, tôi biết. - Thế anh cậu hồi này thế nào? - Ả chẳng cần biết gì hơn ngoài cái điều vừa hỏi tôi xong.

- Vẫn khoẻ. Anh ấy đang ở bên Hollywood.

- Hollywood ư? Tuyệt nhỉ? Thế anh ấy đang làm gì bên ấy?

- Làm sao em biết được? Đang viết, chắc vậy. - tôi nói. Tôi không muốn ba hoa. Trông cũng biết ả coi chuyện anh ấy sang Hollywood là một thành đạt lớn lao. Ai cũng nghĩ thế, nhất là những người chưa đọc văn chương của anh ấy bao giờ. Chuyện đó khiến tôi cáu tiết kinh khủng.

- Tuyệt nhỉ! - Lilian tiếp, rồi giới thiệu tôi với gã sĩ quan. Gã là đại uý Blop, hoặc một âm gì đại để thế. Gã thuộc loại người luôn sợ bị thiên hạ chê là bà già, nếu không bẻ gãy của bạn chừng bốn chục ngón khi bắt tay bạn. Trời, sao mà tôi ghét gã đến thế không biết! - Cậu ngồi một mình hả, cậu bé? - Lilian hỏi. Ả án ngữ mất lối đi, nhưng trông cũng biết ả chẳng thích có thêm ai khác vào ra. Anh chàng bồi bàn cứ đứng đực ra đó chờ ả nhường lối, nhưng ả chẳng buồn nhận thấy. Ngốc kinh khủng. Trông cũng biết anh bồi nọ chẳng ưa gì ả, cả viên sĩ quan chắc cũng thế, tuy rằng chính gã đã dắt ả tới đây. Tôi, tôi cũng chẳng ưa ả chút nào. Ả chẳng được ai cảm tình.

- Không đi cùng với cô bé nào cả ư? Holden? - Ả hỏi tiếp.

Tôi đứng đã mỏi cả chân, thế nhưng ả vẫn chẳng thèm nhắc tôi ngồi. Loại như ả có thể thừa sức bắt bạn đứng cả giờ để tiếp chuyện cùng. - Trông cậu ấy cũng đã ra dáng rồi đấy, anh nhỉ? - Ả quay sang phía gã sĩ quan hàng hải. - Holden, càng lớn. cậu trông càng xinh trai thêm!

Ả nói đến đó thì gã nọ liền bảo ả đứng tránh sang một bên, chứ ả choán hết lối đi.

- Lại đây ngồi với bọn này đi, - ả rủ. - Cầm cả cốc tới luôn thể, Holden nhé.

- Em sắp phải về rồi, - tôi đáp. - Em có hẹn.

Trông cũng biết ả muốn quấn lấy tôi, để moi thêm tin tức về anh D.B.

- Thôi được, quỉ con! Muốn tránh mặt chị chứ gì? Gặp anh ấy nhớ bảo chị rất ghét cái mặt anh ấy, nhé.

Chưa dứt câu, ả đã quay ngoắt đi. Tôi với gã sĩ quan hàng hải thi nhau đấu hót: "Rất sung sướng được làm quen". Tôi toàn gặp chuyện nực cười. Luôn phải nói: "rất hân hạnh được làm quen với anh", khi chẳng thấy hân hạnh chút nào hết. Khốn nỗi, muốn được lòng thiên hạ bao giờ bạn cũng phải nói những chuyện rất bá láp mới ăn thua.

Tôi chỉ còn nước đứng dậy ra về, bởi vừa bảo với Lilian Simmons phải đến ngay chỗ hẹn. Có thể rốn lại để xem Ernie còn tấu thêm bài gì khá hơn chút đỉnh. Nhưng thà chết rầu còn hơn phải ngồi với ả Lillian Simmons cùng gã sĩ quan hàng hải kia? Thế nên tôi đứng dạy ra về. Nhưng ấm ức kinh khủng trong lúc chờ lấy áo khoác. Thói thường vẫn thế: bạn đang thích thì thế nào cũng bị thiên hạ báo đời!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.