Ba Trăm Năm Không Gặp Thượng Tiên

Chương 43: Duyên xưa




Những người treo ngược trên xà nói, “Một vị tướng quân.”

“Một vị tướng quân trẻ tuổi.”

“Nghe nói đã chết bên dưới gốc thần mộc.”

“Nhưng vì sao khối ngọc này biến đổi?”

“Có phải vì hai chiêu kiếm vừa rồi không?”

“Chắc thế…”

Những người treo ngược nhao nhao nhìn sang Tiêu Phục Huyên vừa xuất kiếm với nét mặt tràn trề thắc mắc và ngờ vực.

Chỉ duy mỗi Ô Hành Tuyết nghe đến câu “chết bên dưới gốc thần mộc” thì khẽ run ngón tay đang thả bên người. Lạ kỳ thay, ngay vào khoảnh khắc ấy, lòng chàng nhen nhóm thứ cảm xúc day dứt cứ như chàng đã từng tận mắt chứng kiến người nọ đã “chết bên dưới gốc thần mộc” như thế nào.

Chàng ngẩn ngơ giây lát rồi vươn tay hướng về khối ngọc chạm theo bản năng.

Những người treo ngược kia hoảng hốt kinh hồn, rối rít hô to.

“Không được chạm vào bức tượng kia!”

“Đó là tượng do chính thần mộc chạm trổ, không được khinh khi…”

“Trừ chính bản thân thần mộc, ai chạm vào cũng sẽ gặp —”

Chữ “chuyện” còn chưa thốt ra lời, cả đám bọn họ đồng lòng ngưng bặt, lòng đây nghi ngờ băn khoăn.

Vì họ trông thấy Ô Hành Tuyết chạm tay vào khối ngọc kia nhưng không gặp bất kỳ chuyện gì. Chỉ duy một cơn gió lớn lộng qua gian miếu, thoáng như có thứ gì đó bên trong bức tượng ngọc chợt thức tỉnh.

Tiêu Phục Huyên nắm lấy cánh tay Ô Hành Tuyết, nhìn thấy hàng mi run khe khẽ của người nọ, bèn hỏi, “Thế nào?”

Mãi một lúc thật lâu sau, Ô Hành Tuyết mới mấp máy khoé môi, nói, “Không.”

Không có gì.

Chỉ là, ngay khoảnh khắc chạm vào tượng ngọc, chàng cảm nhận được một luồng linh thức len khẽ quanh đầu ngón tay và chảy xuôi vào cơ thể.

Nó giống như chút mảnh vụn tàn chàng từng đánh rơi bên trong tượng ngọc, đến giờ cuối cùng mới tìm về được.

Ngay khi linh thức hoà vào đầu ngón tay, chàng bỗng nhớ ra đôi việc.

Về thần mộc, về Bạch Tướng.

***

Thật lâu về trước, trước cả sự hiện diện của Linh đài, trên Lạc Hoa Đài có một gốc đại thụ cao ngất rợp trời, trên đội trời, dưới nối đất, cành lá sum suê tạo thành vòm vương miện rậm rạp tựa áng mây. Bao vòng luân hồi sinh tử chốn nhân gian đều xoay vần bên gốc đại thụ này —

Mỗi khi có một em bé cất tiếng khóc chào đời tại nhân gian, nó sẽ trổ một cành xanh mới và đơm một nụ hoa. Mỗi khi có thân xác ai từ giã cõi trần, một đoá hoa sẽ lìa khỏi thân cây.

Người bình thường không thể nhìn thấy nó, chỉ có người vừa ra đời hoặc người sắp rời đi mới có thể tuỳ duyên mà trông thấy nó một lần.

Đôi khi có người tìm được đường sống từ tuyệt cảnh, họ may mắn được toàn mạng trở về. Sau khi hồi phục đã kể lại việc mình gặp được một cây thần trên Lạc Hoa Đài. Rồi dần dà về sau, đủ loại tin đồn về thần mộc ra đời.

Lời đồn kể rằng, thần mộc có vẻ ngoài nửa rộ nửa tàn — nửa trên thân cây tán rủ um tùm, từ xa xa trông tới ngỡ như vầng ráng chiều tía đỏ vô biên. Song bên dưới tán cây và sâu trong cành lá, hoa lại không ngừng rơi rụng, dẫu sớm chiều xuân thu vẫn không hề ngơi nghỉ.

Cánh hoa rơi đủ để bao trùm cả dãy núi mười hai dặm, trôi lượn lờ theo dòng suối và nhuốm sắc đào đỏ thắm ở nơi nơi sông nước chảy ngang. Bởi thế, Lạc Hoa Đài từng có một cảnh sắc lộng lẫy nức danh mà người đời sau hiếm ai được trông thấy có tên “Nước trong tiến núi, dòng đỏ vào đồng”.

Cảnh sắc ấy là sinh tử cõi phàm trần, đại diện cho muôn người trên thế gian.

Lời đồn càng truyền càng lan xa, vì vậy mà người dân đã tu sửa khu vực Lạc Hoa Đài và xây một ngôi đền để thờ phụng gốc đại thụ mà người thường không cách nào nhìn thấy kia.

Những điều liên quan đến sự sống và cái chết đều có sức quyến rũ vô hình với con người, ngôi đền ấy từng là một trong những địa điểm đông đảo người thăm viếng nhất nhân gian, rất nhiều người từng bước qua ngưỡng cửa và nguyện cầu đủ điều nguyện ước.

Thoạt tiên, những nguyện ước nọ phần nhiều có gắn liền với sinh tử — cầu có được một đứa trẻ, cầu vượt qua bệnh nan y, cầu cuộc đời bình an hoặc trăm năm vô ưu.

Rồi dần dà về sau, lời khấn càng lúc càng đa dạng hơn. Bởi thế mà sau này, người ta dõi về thần mộc với một ý nghĩa đặc biệt nào đấy.

Tương truyền rằng, vì thần mộc lắng nghe rất nhiều niềm vui nỗi buồn cũng như lời nguyện cầu của phàm nhân nên đã từ từ sinh ra một phần tính người. Và sau nữa, những lời đồn về thần mộc lại mỗi lúc một nhiều và phong phú hơn.

… Người có duyên nhìn thấy thần mộc bảo rằng họ từng nhìn thấy một bóng người bên dưới tán cây mơn mởn sum suê của thần mộc, người như đang tựa tay lên cành và ngồi giữa muôn hoa đặng buông mắt nhìn Lạc Hoa Đài mỗi lúc một rộn rã.

Vì những sự tình liên quan đến thần mộc mà càng ngày càng có nhiều những căn nhà được xây ven sườn núi Lạc Hoa Đài, rất nhiều người từ nam ra bắc đều nhân tháng ba đầu xuân vạn vật sinh sôi mà ghé đến nơi này, từ đó hình thành nên hình mẫu thuở đầu của chợ phiên.

Ấy thế nhưng, trên thế gian có một sự thật chẳng ai ưa mà luôn trở thành lời sấm truyền, đó là câu “Ngày vui ngắn chẳng tày gang”.

Dẫu là thần mộc cũng khó thoát khỏi những lời này.

Thoạt đầu, nghe đến thần mộc người ta nghĩ đến ước nguyện. Nhưng dần về sau, những người mang lòng tham không đáy xuất hiện, họ bắt đầu có những ý đồ bất chính.

Nếu thần mộc là đại diện của luân hồi sinh tử và những tháng năm trôi, vậy… nếu có thể tìm cách mượn một ít sức mạnh của thần mộc thì sao? Liệu có thể giúp người khởi tử hồi sinh không, liệu có thể níu kéo những năm tháng đã phí hoài không?

Những suy nghĩ này đã khiến lòng người chao đảo, thèm thuồng nhỏ dãi. Từ đó mà sự tồn tại của thần mộc đã mất đi ý nghĩa vốn dĩ từ xa xưa là phù hộ bình yên.

Những kẻ nọ dùng đủ mọi loại thủ đoạn và gây ra đủ mọi loại cơ sự phiền hà — có người vì thần mộc mà mất mạng, có người vì thần mộc mà gây ra cái chết cho người khác…

Tất cả mối phiền hà đó đều hoá thành nhân quả quải ngại, chập chồng trên thân thần mộc.

Người ta đồn rằng, bởi vì thần mộc đã sinh tính người, lại gánh thêm những nhân quả quải ngại kia nên không cách nào trốn thoát khỏi quy luật thế gian — nó có kiếp số.

Vào năm thần mộc nhận kiếp, nhân gian cũng không thái bình, chiến loạn triền miên.

Thuở đó, còn chưa có Lãng Châu, Mộng Đô, nơi nơi đều có các quốc gia lãnh thổ khác nhau.

Có nhiều tiểu quốc tụ tập ở phía tây nam, đó là nơi khói lửa chiến tranh ác liệt nhất, sắc đỏ phủ mấy trăm dặm đồng hoang, xác người rải rác không đâu không có. Sau đó, ngay cả những chàng trai đương độ thiếu niên cũng phải vác gươm giáo lạnh lẽo mà bước ra chiến trường.

Đêm mùa thu năm ấy, mặt trăng tròn vạnh sáng vời, mà khung cảnh phía tây nam sao buồn rười rượi…

Một bên là trận chiến vừa chấm dứt ở mảnh đất vô danh mà sau này trở thành cánh đồng Gia Minh, lửa tàn vẫn còn bừng bừng lan rộng khắp cánh đồng hoang vu, mùi cháy khét của thịt da xen lẫn trong tiếng ngựa nỉ non thê lương tan trăm dặm vào gió đêm.

Bên còn lại là sấm rền rung chấn Lạc Hoa Đài, ánh lửa điện chặt chẽ như một tấm lưới không khe hở, giáng trần từ chín tầng mây, nã từng đợt từng đợt vào nơi thần mộc cư ngụ.

Đó là thời điểm một người thiếu niên bê bết máu lê mình về phía thần mộc từ phía cuối sơn dã…

Trông cậu ta trạc mười bảy mười tám tuổi, mặt mũi đã bắt đầu ra nét thiếu niên song bị phủ khuất bởi sát khí ngột ngạt căm căm như sắt lạnh. Cậu có đôi chân dài, lẽ ra vóc người nên thật cao ráo nhưng cơ thể đã hoàn toàn kiệt sức, còn thương tích khắp người nên không cách nào đứng thẳng được.

Nhìn có thể đoán ngay là vừa ra khỏi lửa chiến.

Cậu mang một thanh trường kiếm trong tay và khoác tấm vải đẫm máu trên lưng.

Khi băng qua miền sơn dã, bàn tay nắm chặt kiếm của cậu có phần loạng choạng, tấm vải đẫm máu kia trượt ra, để lộ hai cánh tay gầy gò rũ thõng xuống, trên cánh tay nọ chi chít những vết thương và dấu hoen. Nếu có kinh nghiệm, chỉ nhìn từ xa cũng thấy ngay — đó là một đứa bé ốm yếu, và nó đã chết.

Trong hai năm vừa qua, không hiếm thấy những đứa trẻ như vậy trên chiến trường, chúng tan cửa nát nhà, không nơi nương tựa, nhận lấy kết cục hoặc bị đẩy trôi, hoặc trở thành xác chết đói. Cho dù có chết đói cũng không chết nguyên vẹn, mà chúng còn bị thú hoang, bọn vật tính âm, hoặc những kẻ đói khát cùng cực khác ăn mất, đẩy vào cái kết tan xác không còn đến cả xương. Người chết vẹn nguyên có thể đếm trên đầu ngón tay.

Người thiếu niên bước đến dưới tán thần mộc ngay giữa hai đợt thiên lôi, thời điểm toàn bộ Lạc Hoa Đài có phút giây yên bình ngắn ngủi.

Người ta đồn rằng người bình thường không thể thấy được thần mộc, nên những người đến Lạc Hoa Đài đều tìm ngôi đền chứ không thường đi lang thang tìm gốc đại thụ vô hình trong mắt họ.

Vậy mà, người thiếu niên nọ không tiến về phía ngôi miếu thờ, cậu chống kiếm và đứng bên dưới tàng cây, nuốt máu trong miệng và ngẩng đầu lên.

Gương mặt cậu ta tuấn tú khôn cùng, nếu rửa sạch máu tanh và sát khí phủ kín người thì ắt hẳn sẽ là một chàng thiếu niên lạnh lùng như ngọc, khí khái hiên ngang. Tiếc thay, cậu ta đã chẳng còn ngày ấy nữa.

Vì sau khi nuốt máu vào trong, cậu khàn giọng thì thào, “Ta nhìn thấy mi…”

Tương truyền rằng, chỉ có người mới chào đời hoặc người sắp qua đời mới có thể nhìn thấy thần mộc.

Cậu ta thấy được, cũng có nghĩa là cậu ta sắp chết.

Đôi mắt cậu phản chiếu sắc trời xanh đen, hơi lay nhè nhẹ như thể muốn một lần nhìn trọn toàn bộ thân thần mộc, nhìn vào đến lùm cây sâu nhất. Mãi một lúc lâu sau, cậu mới nuốt khan cổ họng, rủ mắt mà trầm giọng nói, “Không giống như trong truyền thuyết…”

Thần mộc của đêm này quả thật không như lời truyền thuyết, nó vừa lãnh chịu mấy chục đợt thiên lôi từ kiếp số, khắp thân thể chằng chịt những rãnh dài. Hoa trên cành chẳng còn mấy đoá, mà có thể thấy cánh hoa khô héo đã rơi đầy nền đất. Khác với truyền thuyết, nó không đẹp tựa ráng mây, và cũng không bàng bạc soi toả ánh trăng phản chiếu.

Người thiếu niên đã sức cùng lực kiệt, chỉ đứng vững trên Lạc Hoa Đài cũng muôn vàn khó khăn.

Sau khi cậu rủ mắt, cả người cũng quỳ sụm một chân dọc theo thân kiếm. Với chút sức lực cuối cùng của mình, cậu đào một khoảnh đất bên dưới gốc cây và chôn đứa trẻ trên lưng xuống đấy.

Dân gian thường nói nếu nhận được phù hộ của thần mộc sau khi chết thì kiếp sau có thể sống một đời hạnh phúc bình an, thọ lâu trăm tuổi.

Cậu đắp đất lại, sau cùng cũng không gắng gượng nổi nữa mà ngã ngửa ngồi trên mặt đất. Đầu cậu gục xuống nhưng tay vẫn nắm chặt thanh kiếm, mí mắt mong mỏng sụp dần khiến đôi mắt trở thành một đường hẹp và dài. Máu chảy xuôi từ trên trán, đổ vào hốc mắt và lan dần từ khoé mắt vào trong.

Khi ấy, ý thức cậu đã bắt đầu trở nên nhạt nhoà, không thấy gì trước mắt ngoài màu máu đỏ thẫm, bên tai cũng lùng bùng không nghe rõ. Bởi thế, khi một giọng nói khe khẽ cất lên hỏi “Cậu chôn ai thế?”, cậu chỉ chớp mắt chậm rãi chứ không hé miệng.

Cậu bật cười khẩy như một lời mỉa mai, vì cảm thấy đây chỉ là ảo giác trước lúc lìa đời của mình. Dù vậy, cậu vẫn mấp máy môi và thì thào ở mức độ gần như chỉ hà hơi, “Nhặt…”

Chỉ là một đứa bé không liên quan gì đến cậu, chẳng là tình cờ cậu đi ngang, vén lấy chút sức lực sau cùng để bắt lấy đứa nhỏ ấy.

Có lẽ vì sợ nó chết rồi dạt đi, hoặc sợ nó chết rồi còn bị người khác xâu xé mà đau đớn.

Sau khi trả lời một lúc lâu sau, cậu mới chợt nhận ra dường như giọng nói nọ xuất hiện thật bất chợt khó hiểu. 

Truyền thuyết từng nói rằng, thần mộc từng sinh ra tính người, trước đây có người đã trông thấy bóng dáng mơ hồ bên dưới tán cây.

Người thiếu niên siết chặt đôi tay cầm kiếm, gắng th ở dốc và nuốt máu trào trong cuống họng, trái cổ cậu nhấp nhô khe khẽ. Cậu muốn mở mắt thật to để nhìn rõ xem rốt cuộc có ai bên dưới tán cây kia hay không, nhưng chớp mắt cỡ nào cũng không rửa sạch máu thẫm, cuối cùng vẫn không nhìn rõ được gì.

Cậu chỉ cảm giác giọng nói kia cũng có đôi phần yếu ớt, dường như người nọ cũng đớn đau không khác mình là bao. Rồi cậu chợt nhớ đến ánh điện sấm sét xé trời mình thấy ban nãy, tự hiểu phần nào.

Nếu cây thần có thể thật sự biến thành người, thì những rãnh dài trên thân thể kia ắt sẽ đau lắm, thảo nào… giọng lại khẽ đến vậy.

Cậu nghĩ thầm trong lòng, song dường như thần mộc có thể nghe thấy, thân thể lay nhẹ phát ra tiếng sột soạt.

Hoặc có lẽ tiếng sột soạt kia cũng chỉ là ảo ảnh trước lúc lìa đời mà thôi.

Khi cậu còn đang nghĩ, ánh sáng chợt loé bừng từ không trung, đó là những đợt thiên lôi cuối cùng giáng xuống gốc thần mộc từ chín tầng trời cao. Người thiếu niên chớp mắt trước ánh sáng, máu đọng trên viền mi theo đó mà rơi xuống mặt đất.

Cậu đau lắm không?

Dù gì tôi cũng sắp chết rồi…

Chàng thiếu niên nghĩ thầm.

Vào khoảnh khắc máu thấm xuống nền đất, thiếu niên kia thình lình chống mạnh trường kiếm, đứng thẳng người dậy và gồng lưng nhận thiên lôi giáng xuống vào người mình.

Trong giây phút cuối cùng của cuộc đời, điều loé lên trong đầu cậu lại là đồng hoang trăm dặm chồng chất những xác người nhìn hoài bất tận, và bóng dáng cây thần với cánh hoa úa tàn rụng đầy trên đất. Cậu đã nghĩ: Kiếp sau được mở mắt ra, tôi có thể thấy cậu trổ hoa chứ…

Xưa nay, thần mộc đã nghe được bao điều ước nguyện. Phàm nhân ai cũng có mong muốn, hết thảy đều cầu nó có thể chở che.

Đây là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất, có một người lấy thân phàm nhân mà chở che cho nó.

Nhưng rồi thiếu niên ấy đã nhắm mắt thật lâu, không thể mở ra được nữa.

Nên cậu đã không cách nào nhìn thấy, sau khi mình mất đi, bóng hình giữa tán cây cao cao kia đã từ từ ngưng tụ thành một người thực thụ.

***

Rất lâu về sau, vẫn không ai nhìn thấy được thần mộc, nhưng họ tìm ra một bộ hài cốt nơi thần mộc ở, bên cạnh hài cốt có một tấm quân bài, mặt trước quân bài ấy có chữ “Tướng”, và mặt sau là họ “Bạch”.

Người ta đồn rằng, đó là một vị tướng quân đã chết dưới tàng cây, vị tướng nọ chỉ tầm mười bảy mười tám tuổi, còn chưa kịp đến tuổi trưởng thành đôi mươi.

Sau khi cậu chết, những nơi máu tươi chảy qua đều sinh sôi tinh chất ngọc, nó bao phủ toàn bộ cây thần mộc bên trong ánh sáng bạc lành lạnh và rực rỡ.

Và từ một hôm nào đấy, bỗng dưng có một khối ngọc xuất hiện bên trong đền thờ thần mộc, ngọc chạm trổ một thiếu niên anh tuấn lạnh lùng tựa mình bên gốc đại thụ ngất trời.

Mọi người đều ngạc nhiên khôn xiết, ai cũng không rõ tác phẩm khắc ngọc này sao lại xuất hiện từ thinh không. Về sau, có người lại nói đêm trước khi khối ngọc ấy xuất hiện, dường như có một bóng người áo trắng bước vào trong đền, rồi sau lẳng lặng biến mất như tan vào sương mây.

Thế là mọi người đồn rằng bóng người nọ là thần mộc hoá thành, và bức ngọc chạm kia do chính tay người tạc nên, dành riêng cho vị tướng quân còn rất trẻ đã bỏ mình dưới tàng cây.

Giờ đây ngẫm lại, truyền thuyết nọ hẳn đúng đến tám chín phần, song có một điều ngay cả truyền thuyết cũng chưa từng nhắc đến.

Chỉ có người tự tay tạc bức tượng ngọc mới tỏ tường nhất…

Ô Hành Tuyết nhớ ra, năm xưa khi tạc bức tượng ngọc kia, chàng đã gửi một sợi linh thần của mình vào trong đấy, kèm với một giọt máu của người nọ —

Theo đấy, nếu về sau người nọ được đầu thai trở lại nhân gian, nếu có duyên đến ngôi đền này, nếu khiến linh thần và máu trong tượng ngọc nhận ra hương vị linh phách quen thuộc… thì bức tượng ngọc người thiếu niên tựa thân cây ngất trời kia sẽ nhận ra ngay lập tức.

Chàng ra đời cùng thần mộc, từ thuở ban sơ đến về sau, chỉ duy một lần nghe được lời không liên quan đến ước nguyện, đó là câu nói của người nọ: “Có đau lắm không, tôi cũng sắp chết rồi. Kiếp sau được mở mắt ra, tôi có thể thấy cậu trổ hoa chứ.”

Khi đó, chàng chẳng thể ngờ rằng thần mộc rồi sẽ bị phong ấn, chìm vào cấm địa cùng cả ngôi đền này. Và chàng cũng nào có ngờ, vị tướng quân thiếu niên năm nào sau khi chuyển thế lại vì mối dây mơ với thần mộc lúc xưa mà bị triệu hoán thành tiên từ trẻ, nhận danh tự “Miễn” trời ban.

Vào năm đó, lần đầu trông thấy Tiêu Phục Huyên cầm trường kiếm bước lên những nấc thang bạch ngọc cao cao chốn Tiên Đô, chàng đã ngửi được hương vị linh phách quen thuộc ấy và chợt cảm thấy đôi phần nuối tiếc. 

Không phải nuối tiếc vì người đầu thai đã mất đi ký ức của kiếp trước, mà nuối tiếc vì người kia sẽ không nhìn thấy bức tượng bạch ngọc, nơi ẩn giấu món quà tạ lễ nho nhỏ của chàng.

Tiêu Phục Huyên chưa từng biết đến phần tâm tình ấy, và rồi bản thân chàng cũng quên bẵng hơn hai mươi năm. Thật không ngờ đến ngày hôm nay, có được cơ duyên này và một sợi linh thức đã đưa chàng về phần ký ức ấy.

Và càng bất ngờ hơn rằng họ lại đứng bên trong ngôi đền này lần nữa.

Thế nên… khi hai đường kiếm của Tiêu Phục Huyên quét qua ngôi đền, gốc cây chạm ngọc kia đã nhận ra linh phách và trổ nụ đơm hoa.

Đó là cây hoa mãn khai chỉ dành riêng cho một mình y.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.