Ba Trăm Năm Không Gặp Thượng Tiên

Chương 104: Nửa đời




Từ rất lâu về trước, khi trên thế giới mới chỉ có thần mộc chứ chưa tồn tại Tiên Đô, nhân gian đã có rất nhiều tu sĩ. Tuy nhiên, những tu sĩ thời kỳ đó tự tu theo cách riêng chứ không lập thành hệ thống.

Khu vực Tây Nam chủ yếu tu bằng dị thuật, đa phần tu sĩ nơi đây nghiên cứu thuật con rối, cổ dược và các loại kỳ môn pháp trận. Ở phương Bắc, khí hậu lạnh giá chạy dài từ núi Thái Nhân đến biển Vô Đoan ở Miện Châu, nên các tu sĩ thường học dùng lửa luyện đan, bàn tu và các thuật pháp phù chú. Còn ở phía Đông Nam chiến tranh liên miên, về sau các tu sĩ có xu hướng nhập đạo bằng đao kiếm hay các loại vũ khí.

Đã có đao kiếm vũ khí ắt khó tránh khỏi giao chiến đối đầu, đã vậy ở Đông Nam còn có nhiều thành trấn, dễ dàng tạo điều kiện cho các tu sĩ qua lại với nhau, những môn phái đầu tiên được ra đời tại đây.

Trong những môn phái đó, có hai gia tộc tồn tại đến hàng trăm năm. Họ trở thành tên tuổi nổi trội trong giới tiên môn. Hai gia tộc đó là nhà họ Phong ở Mộng Đô và nhà họ Hoa ở Xuân Phiên thành.

Người đời sau chỉ biết hai gia tộc này cách nhau không xa, họ có mối quan hệ thân thiết và có thể được xem là bạn thâm giao lâu năm. Nhưng hiếm ai biết rằng vào thuở đầu, hai gia tộc này vốn cùng một môn phái.

Tổ tiên nhà họ Phong và nhà họ Hoa cùng bái một vị tu sĩ làm thầy và được người ấy truyền dạy kiếm pháp. Kể ra cũng xem như là sư huynh đệ.

Tuy là đồng môn cùng gốc gác nhưng tính tình hai bên trái nhau như trời với đất, cũng bởi vậy mà kiếm pháp họ tiếp thu rẽ hoàn toàn sang hai ngả tách biệt — một bên sắc bén như đao, một bên nhẹ nhàng như nước.

Nhà họ Hoa rơi vào trường hợp sau.

Và cũng do họ đồng môn cùng gốc gác nên sau khi các sư huynh đệ lần lượt thành gia lập thất và xây dựng môn phái riêng, khó tránh được việc họ bị đem ra bàn luận so sánh — danh tiếng nhà nào vang xa hơn, tu vi nhà nào cao hơn, đệ tử nhà nào phi phàm ưu việt hơn.

Ngặt nỗi vào thời điểm đó, nhà họ Hoa không hề nổi bật, cho dù có so với nhà nào cũng chỉ có thể nhận thế yếu về mình.

Khi nhắc đến nhà họ Hoa, giới tu hành chỉ thường bảo “tài năng xoàng xĩnh”.

Cứ thế bao thế kỷ trôi qua, cuối cùng nhà họ Hoa xoàng xĩnh tầm thường cũng đã xuất hiện một nhân tố ngoại lệ.

Đó là con trai trưởng của gia chủ nhà họ Hoa, tên chỉ đúng một từ “Tín”. Từ lúc còn bé, hắn đã phô bày tài năng xuất chúng. Thời điểm những đệ tử khác còn nỗ lực cầm kiếm cho vững, hắn đã có thể dùng cành cây dài đánh tay đôi với trưởng lão vài chiêu.

Khi ấy hắn còn chưa tròn bảy tuổi.

Thời điểm đó, người ta hay đồn rằng những người thông minh và đạt nhiều tiên duyên từ tấm bé thì đến khi lớn lên cũng chỉ xoàng thôi.

Nhà họ Hoa đã bị nhận định là “xoàng xĩnh tầm thường” suốt hàng trăm năm mới xuất hiện một kỳ tài ở đẳng cấp này, thì hẳn nhiên không thể lơi là dù chỉ giây lát, để tránh cho kỳ tài ấy trở thành “cũng chỉ xoàng thôi” trong miệng người đời.

Thành thử, khởi đầu của cuộc thẩm vấn Tiên thủ Minh Vô Hoa Tín là một chuỗi dài ký ức đơn điệu lặp đi lặp lại…

Các đệ tử nhà họ Hoa đều tu luyện trong đệ tử đường, những con trai con gái khác của gia chủ cũng không được đối xử đặc biệt hơn đệ tử bình thường. Họ vẫn thường vui đùa bên trong phủ, chỉ riêng một mình hắn bị đưa vào căn gác cao bên cạnh sân luyện kiếm.

Căn gác ấy cao mấy tầng, có một tầng để tĩnh tu, một tầng làm phòng sách, phía dưới nữa có dược đường và ghế nằm. Trước tuổi trưởng thành, việc duy nhất hắn làm là tu luyện và tiếp tục tu luyện. Ngoại trừ lễ đón giao thừa hằng năm, hắn gần như không rời khỏi căn gác cao ấy.

Gia chủ cũng cấm những người khác không được đến gần nơi này, tránh gây động tĩnh ồn ào.

Trong quãng thời gian đó, người hắn trông thấy nhiều nhất là một vị tiên sinh dạy pháp trận và luyện đan. Nghe đâu vị tiên sinh này vô vùng hà khắc, mặt mũi bặm trợn, bởi vậy nên hai bên khoé mũi ông hằn hai nếp nhăn sâu hoắm, vừa nhìn đã thấy không dễ gần.

Nghe đâu nhận được một câu khen ngợi từ miệng ông còn khó hơn lên trời, ông nói câu nào là răn đe câu đó. Vậy mà trong căn gác cao ở nhà họ Hoa, mọi thứ lại đảo ngược. Ông không hề thốt ra một câu răn đe nào.

Ban đầu ông còn kiềm lòng không đặng nên ca ngợi hết lời, bảo rằng Hoa Tín là mầm non tuyệt vời “trăm năm hiếm gặp”, năng lực nhạy bén vô cùng. Sau đó mấy câu khen ngợi quanh đi quẩn lại cũng bấy nhiêu, nên lâu ngày ông không nói nữa.

Về sau nữa, có đôi khi vị tiên sinh kia sẽ tỏ nét buồn rầu và thở dài vu vơ.

Hoa Tín hiếm khi tọc mạch vào chuyện của người khác nên dù có nghe tiếng thở dài của ông, hắn vẫn không giảm tốc độ chép bài và luyện đan.

Cho đến một lần nọ, bị tiên sinh nhìn bằng ánh mắt thật sự lộ liễu, hắn mới ngừng bút và ngẩng đầu hỏi, “Thầy thở dài vì con à?”

Mãi lâu sau, người kia mới đáp, “Ta thấy tất cả các đệ tử của nhà họ Hoa đều tu luyện trong đệ tử đường, có lúc dụng công chăm chỉ nhưng cũng có lúc vui chơi rộn rã. Chỉ có một mình đại công tử con ở đây một mình từ nhỏ, tu luyện ngày này qua ngày khác mà chưa từng ngơi nghỉ, con không cảm thấy bất bình tức giận sao?”

Hoa Tín trả lời thản nhiên, “Lúc còn nhỏ có đôi khi con cũng muốn lười biếng, nhưng sau này không như thế nữa.”

Tiên sinh lại nói, “Nhiều lần ta phải trách đệ tử mình không chịu khó chăm chỉ, mà đến lượt con cứ muốn khuyên nghỉ ngơi một chút, thỉnh thoảng cũng cần giải lao cho khuây khoả.”

Hoa Tín: “Để thầy phải lo lắng rồi.”

Hắn nói rồi lại dời tầm mắt về, tay tiếp tục nhấc bút.

Hành động đó khiến vị tiên sinh sững sờ, ông không nén trong lòng nữa mà hỏi, “Đại công tử khổ luyện tu hành là để thay mặt nhà họ Hoa đứng ra phủ định những lời bình luận bên ngoài kia hay sao?”

Hoa Tín hơi ngạc nhiên.

Song hắn chưa trả lời thì tiên sinh ngộ ra. “Xem chừng không phải thế. Vậy là vì điều gì? Tu sĩ nào cũng có ước vọng, nhưng dường như trước giờ ta vẫn chưa nhìn ra được ước vọng của con.”

Hoa Tín: “Các tu sĩ đó mong ước điều gì?”

Tiên sinh trả lời, “Đa phần họ cầu trường sinh. Con có vậy không?”

Hoa Tín: “Con chưa từng nghĩ tới.”

Hắn chỉ vừa qua tuổi thành niên, đâu hề e dè chuyện sinh tử.

Tiên sinh nói, “Ta cũng nghĩ vậy, thông thường người ta có điều gì đó luyến tiếc thì mới cầu trường sinh bất tử.”

Ông tiếp tục nói, “Cũng có một số người tu hành để bảo vệ một hoặc một vài người nào đó. Không biết công tử có đặc biệt mong muốn bảo vệ một ai không?”

Hoa Tín đáp, “Không ạ.”

Từ thuở bé, hắn đã sống xa cách mọi người, đến cả quan hệ thân thuộc cũng chẳng mấy mặn nồng. Hắn đã sớm quen với việc có một giới hạn giữa mình và những người khác.

Nếu gặp phải tà ma âm v@t, hắn sẽ không ngại ngần ra tay tương trợ, bất kể đó là người nhà họ Hoa hay chỉ là một người ngồi xe cưỡi ngựa qua đường nào đó. Nhưng để nói đây chính là mục đích tu hành của hắn thì chưa thật sự chính xác.

Nói chi đến “đặc biệt mong muốn bảo vệ một người” gì chứ.

Trông thấy nét mặt âu lo của tiên sinh, hắn cất giọng nhỏ nhẹ, “Mục đích bảo vệ một người hoặc một vài người quá ngắn ngủi.”

Đây là lần đầu tiên sinh nghe Hoa Tín bàn về “Đạo”, ông bớt vẻ âu lo trên mặt và thốt, “Ồ?”

Hoa Tín nói, “Nếu người mình rất muốn bảo vệ không còn nữa thì họ phải làm thế nào bây giờ? Họ sẽ bỏ dở mọi thứ hay sẽ tìm gì đó để tiếp tục gắng sức ư?”

Tiên sinh gật gù. “Đúng vậy đấy.”

Sau giây lát do dự, tiên sinh mới hỏi, “Thế… đại công tử nghĩ sao?”

Hoa Tín tư lự rồi nói, “Chỉ cần không có người mình muốn dốc lòng bảo vệ, chỉ cần không có việc mình muốn dốc lòng hoàn tất, vậy thì người nào cũng ổn và việc nào cũng suôn, rồi sẽ không có một ngày bị suy sụp đến mức không đường chống đỡ.”

Tiên sinh nhìn hắn, trong giây lát ông chưa biết nên tỏ quan điểm ra sao.

Mãi lâu sau, tiên sinh mới nói, “Cũng hợp lý. Ta mong rằng sau này con vẫn giữ được như vậy, đây là việc tốt có thể giúp còn đạt thành đại đạo.”

Ông ngừng lời, không tiếp tục nói nữa.

Hoa Tín hiểu rõ lời tiên sinh vẫn còn một nửa vế sau, nếu đã có “Nếu vẫn giữ được như vậy thì thật tốt” thì ắt hẳn phải có “Nhỡ có một ngày chợt thay đổi”. Song thời điểm đó hắn cũng không bận tâm cho lắm. Đối với hắn, chỉ cần có nửa vế đầu là được, nửa vế sau không liên quan gì đến hắn cả.

***

Nửa vế đầu lời vị tiên sinh kia vô cùng chính xác.

Hoa Tín đạt nhiều thành tựu tu hành từ lúc còn rất trẻ. Sau khi trưởng thành, hắn không còn ở lì trên gian gác cao kia suốt ngày nữa. Khi đó, địa vị hắn ở nhà họ Hoa đã lên rất cao, thậm chí còn chớm vượt qua gia chủ. Dù vậy, hắn hiếm khi can thiệp vào các sự vụ trong môn phái.

Hắn thường du hành bên ngoài và hay ra tay giúp đỡ đó đây, nhưng hắn luôn luôn giữ một mối quan hệ “có điểm dừng” với tất cả những người mình giao thiệp cùng.

Từ đại công tử nhà họ Hoa, sau mấy mươi năm, hắn dần trở thành “cao nhân”, “tiền bối”. Tuy vậy, nếu có ai đó hỏi về hai chữ “cố hữu”, người đầu tiên hắn nghĩ đến chỉ có mỗi vị tiên sinh từng dạy hắn trận pháp và luyện đan năm nào.

Có lẽ vì vị tiên sinh nọ đã từng trao đổi những lời ấy cùng hắn một cách nghiêm túc.

Hắn vẫn giữ liên hệ với vị tiên sinh ấy dù không mấy thường xuyên, chỉ thi thoảng họ mới trao đổi thư truyền âm với nhau.

Nhờ có hắn mà trong những năm đó, nhà họ Hoa bắt đầu có tiếng tăm.

Song hắn không mấy để tâm.

Có một số người đề cập đến tình hình nhà họ Phong trước mặt hắn. Họ kể nhà họ Phong có một hậu bối cực kỳ giỏi giang với tài năng thiên bẩm, tiếc thay vừa trưởng thành đã kết hôn và hạ sinh một đôi nam nữ, từ đó bỏ dở tu hành. Mà đáng tiếc hơn cả chính là nghe đâu hai bé vừa mất hai ngày trước.

Hôm ấy là hôm Hoa Tín tình cờ đi ngang qua thành Mộng Đô, hắn giương mắt nhìn về phía nhà họ Phong từ xa.

Cả một toà phủ trạch rộng lớn nhường ấy treo đầy những chiếc đèn lồ ng bợt bạt. Còn người hậu bối được đồn là “có tài năng thiên bẩm” đang đưa tiễn khách khứa trong tướng mạo gần như không ra hình người.

Đấy là lần đầu tiên hắn trông thấy một nhà tu hành vì chuyện sinh tử mà bị suy sụp đến mức độ này.

***

Không phải Hoa Tín không hiểu sinh tử. Trái lại, trong những năm tháng ngao du bên ngoài, hắn đã chứng kiến vô vàn những cuộc sinh tử, những buổi gặp gỡ và biệt ly. Hắn có thể hiểu tường tận điều gì khiến những người đó cảm thấy đau thương, thi thoảng hắn còn cảm thấy xúc động trước những chuyện ấy.

Thế nhưng bẩm sinh tính cách hắn đã như vậy, xúc động ấy rồi cũng “có điểm dừng” chứ chưa từng vượt quá tầm kiểm soát.

Hắn đã giữ tính cách như vậy một thời gian rất lâu.

Sau đó thần mộc biến mất khỏi nhân gian và phía bên chín tầng mây xuất hiện một Tiên Đô. Hắn may mắn được trở thành một trong những vị tiên phi thăng sớm nhất, thậm chí còn được ngồi trên vị trí Tiên thủ Linh đài, cũng từ đó mà cảm giác xúc động “có điểm dừng” ấy lại càng lúc càng nhạt phai.

Bởi từ đấy, nhân gian mà hắn nhìn thấy đã trở thành tổ hợp vô số những gương mặt mơ hồ chứ chẳng còn là một cá thể đang khóc than đau đớn nào nữa.

Có lúc, hắn tưởng rằng mình sẽ không bao giờ dấy lên niềm xúc động vì “sự đau khổ của một người nào đó” nữa. Thế mà vào ngày kia, hắn bất ngờ nhận được một phong thư gửi đến từ dưới nhân gian.

Bức thư ấy thấm hương thuốc thoang thoảng trên giấy bùa, một mùi hương Hoa Tín vô cùng quen thuộc. Ấy là vị tiên sinh đã từng dạy hắn trận pháp và luyện đan, người giờ đây được hắn xưng là “cố hữu”. Tiên sinh luôn sử dụng loại giấy bùa có mùi hương này mỗi khi truyền thư tín đến cho hắn.

Sau đó, vị tiên sinh ấy lìa trần, trước phút lâm chung, ông có gửi đến hắn một phong thư cuối cùng. Thư nói rằng ông chỉ có một cô con gái độc nhất còn sống trên đời mà không rõ tương lai sau này con bé sống ra sao, nên nhờ hắn thi thoảng xuống nhân gian hãy ghé mắt ngó chừng giúp một chút.

Cô con gái độc nhất của tiên sinh được gả vào làm vợ liêu sứ Vấn Thiên liêu và hiện đang sống ở Vương đô. vào thời điểm đó, Vấn Thiêu liêu mang nhiệm vụ bói thiên cơ, người được họ thờ phụng chính là Linh đài thập nhị tiên.

Hoa Tín nhận lời phó thác của tiên sinh nên những hồi thi thoảng xuống nhân gian, hắn thường xuyên ghé sang nơi đó, sau được liêu sứ kính xưng “tiên hữu”.

Bức thư mà hắn nhận được ngày nọ là do hai vợ chồng liêu sứ gửi lên.

Khổ thay bức thư ấy đi qua nhiều biến cố quanh co, để khi đến được tay hắn đã chỉ là cảnh còn người mất…

Cặp vợ chồng liêu sứ bỏ mạng vì bị người âm mưu hãm hại, để lại mỗi cậu con trai độc nhất. Mà cậu bé kia giờ đang sống lang bạt cùng lưu dân ở miền sơn dã chứ không còn trong Vương đô nữa rồi.

Mấy năm đó Tiên Đô vô cùng hưng thịnh, song nhân gian chẳng hề bình an.

Ngoài sơn dã, đám tà ma âm v@t hoành hành hung hãn, để một đứa trẻ chẳng tinh thông thuật pháp lưu lạc nơi ấy thì không biết liệu có còn giữ được xương cốt hay không nữa là.

Dù đã dự trù như vậy, Hoa Tín vẫn xuống nhân gian một phen.

Dưới sơn dã, hắn gặp được cậu con trai độc nhất của hai vợ chồng liêu sứ. Cậu bé mù một mắt, gãy một chân, và đang giương mắt nhìn hắn với thân thể bê bết máu.

Hắn tưởng rằng cậu thiếu niên kia sẽ bật khóc, khóc vì đau, khóc vì sợ, hoặc khóc vì ấm ức.

Những người hắn từng gặp đều phản ứng đại loại kiểu bật khóc nức nở, gào thét không thôi. Nhưng đối phương không như thế.

Thiếu niên nhìn hắn đăm đăm với đôi mắt hoen đỏ, sau đó cắn vào tay hắn một cách mãnh liệt.

Đã bao nhiêu năm trôi qua rồi, cuối cùng hắn đã lần nữa trông rõ gương mặt “một người” dưới nhân gian.

Con mắt đỏ au cùng nhát cắn thinh lặng thế mà dậy lên trong hắn niềm xúc động còn nhiều hơn cơn khóc ròng.

Rốt cuộc chẳng rõ là do bắt nguồn từ “cố hữu” hay vì vết cắn và máu trên tay đã khiến hắn cảm nhận được nỗi đau đớn và cơn thịnh nộ của người kia.

Bởi thế, lần đầu tiên trong đời hắn đã cất giọng giải thích, “Linh đài có thiên quy, ta không thể nhúng tay vào sự vụ dưới nhân gian.”

Hắn gần như không bao giờ thấy xúc động, nên đâu giỏi an ủi.

Tuy vậy, vào ngày hôm đó, khi trông thấy người thiếu niên từ từ nhả miệng ra với đôi chân run rẩy mà vẫn ương bướng không rên một tiếng nào, hắn vẫn ngỏ vài lời an ủi.

Nhưng hắn thật sự không giỏi chuyện này nên chỉ còn cách nói linh tinh ngoài lề. Thậm chí, hắn còn đặt cho người nọ cái tên, tên gọi Vân Hãi.

***

Trước đây khi vẫn còn dưới nhân gian, Hoa Tín từng nghe người ta nói rằng nếu muốn mối quan hệ giữa mình và điều gì đó thêm đậm sâu thì hãy đặt cho nó cái tên.

Song hắn vốn sẵn tính thờ ơ nên không hề cảm thấy thêm một cái tên có thể thay đổi được gì.

Mà đúng thật, không có thay đổi nào hiện ra ngoài — hắn dẫn đứa nhỏ tên Vân Hãi đến nhà họ Hoa.

Những năm ấy, nhà họ Hoa hay thu nhận một số trẻ nhỏ phiêu dạt từ khắp nơi vào. Bên trong đệ tử đường có sẵn thầy dạy học nên mọi thứ sẽ được sắp xếp thoả đáng. Vân Hãi đến đây cũng sẽ được chăm sóc dạy dỗ, từ nay về sau cứ để số phận hắn thuận theo lẽ tự nhiên, không cần Hoa Tín phải chăm nom nhiều nữa.

Cùng lắm, lâu lâu hắn xuống nhân gian sẽ ghé mắt ngó chừng một chút theo lời gửi gắm của tiên sinh dạy luyện đan.

Lẽ ra hết thảy chỉ có thế mà thôi.

Vậy mà, vào thời điểm rời khỏi nhà họ Hoa, hắn chợt trông thấy nét mặt Vân Hãi — cậu thiếu niên ấy đang nhìn mấy đệ tử nhà họ Hoa đang luyện kiếm với ánh mắt đầy khao khát cháy bỏng. 

Bất giác, hắn nhớ lại lời vị tiên sinh nói năm nào, “Tu sĩ nào cũng có ước vọng.”

Hắn biết rõ thứ mà cậu thiếu niên kia khao khát hiện tại không phải trường sinh và cũng không phải vì muốn bảo vệ một ai đó, dầu sao giờ cậu ta đã tan cửa nát nhà, đâu còn ai để bảo vệ. Bao khát khao tuôn trào trong mắt cậu chỉ thuần là oán hận và báo thù.

Rồi oán hận có thể kéo dài bao lâu? Rồi báo thù xong thì thế nào?

Nếu báo thù xong rồi ngưng lại thì đành thôi, còn nếu không ngưng lại được thì phải làm sao đây? Mà đời hắn từng gặp phải biết bao nhiêu là người không ngưng tay được sau khi nhúng máu.

Hắn không muốn cậu thiếu niên kia trở thành một trong số đó.

Vì vậy trước khi ròi khỏi, hắn đã dặn dò người nhà họ Hoa khoan hãy cho Vân Hãi cầm kiếm, và cũng đừng dạy cậu thuật pháp.

Gia chủ nhà họ Hoa nghe vậy thì không khỏi ngỡ ngàng, phải nhìn hắn với gương mặt đầy kinh ngạc. Song cuối cùng, gia chủ cũng không dám nhiều lời can thiệp mà chỉ hỏi một câu, “Đã không được luyện kiếm còn không rèn thuật pháp, vậy nên cho cậu ta làm gì bây giờ?”

Hoa Tín nói, “Cứ dưỡng thương trước đã.”

Mãi đến lúc trở về cung phủ trên Tiên Đô rồi, Hoa Tín mới sực nhận ra lý do khiến gia chủ nhà họ Hoa sững sờ ngạc nhiên là vì hắn đã vô tình phá vỡ một nguyên tắc nữa: Không nhúng tay vào chuyện người khác.

Xưa kia, thầy dạy học than một ngày ba bận mà hắn còn không hé lời nửa câu. Thế mà bây giờ hắn lại chỉ dẫn cho nhà họ Hoa nên đối đãi cậu thiếu niên kia như thế nào.

Đây hẳn là hậu quả của việc “đặt tên”.

Có lẽ để đưa mọi chuyện trở lại như cũ, suốt gần hai năm sau đó, hắn không xuống nhân gian nữa. Dần dà, người thiếu niên kia cũng trở thành một sự hiện hữu “không khác gì muôn vàn người khác trên thế gian”.

Mãi đến hai năm sau, hắn có việc ghé nhà họ Hoa một chuyến.

Cậu thiếu niên nhảy phốc xuống từ trên đầu tường, phóng vọt vào hành lang, níu chặt áo hắn và gọi một tiếng “Thưa sư phụ”, tiếp đó lại bày đặt tỏ vẻ rộng lượng và nói, “Nếu người hối hận vì đã dẫn ta về đây thì đừng ngại cho ta hay, để ta tự giác rời khỏi đây là được.”

Thời điểm đó, vết thương của Vân Hãi đã lành lặn từ lâu, đỉnh đầu hắn dỏng hẳn lên, tôn dáng vẻ sắc sảo của thiếu niên dậy thì. Vẻ ngoài đã thay đổi nhưng xương cốt vẫn để lộ sự ương bướng dù gãy một chân run lẩy bẩy mà sống chết vẫn cắn răng không rên một tiếng.

Thế là, cũng tương tự năm xưa, Hoa Tín đã cho hắn một lời giải thích nữa.

***

Rất lâu về sau, khi nhớ lại những chuyện xưa năm ấy, Hoa Tín mới vỡ lẽ hoá ra những ngoại lệ vô cớ đã hiện hữu đầy rẫy giữa hai người bọn họ ngay từ lúc ban đầu.

Mỗi một đợt “hiếm khi”, “hi hữu” hay “phá lệ” của hắn đều rơi trên cái người mang tên Vân Hãi, dẫu đó là vui cười hay tức giận.

Có lẽ vì suốt thiên hạ này, chỉ duy mỗi người đó xem hắn là “sư phụ” chứ không phải một “Tiên thủ Minh Vô” ngự trên ngai cao.

Hắn luôn cảm thấy tất cả mọi chuyện Vân Hãi làm đều mang đến cảm giác “nghiễm nhiên” như thế —

Xem như hắn là sư phụ và Vân Hãi là đệ tử, nghiễm nhiên mối quan hệ giữa hai người họ phải gần gũi hơn những người khác trên Tiên Đô.

Nghiễm nhiên, Vân Hãi có thể ra vào nơi ở của hắn, có thể bày biện đủ loại đồ chơi trong cung phủ thuần một sắc trắng của hắn. Và nghiễm nhiên, Vân Hãi cũng có thể ghé sang Linh đài những khi nhàn rỗi để tìm hắn xin thỉnh giáo vài vấn đề linh tinh, mà mỗi lần ghé sang đều ở trong đấy cả buổi.

Khi hoàn thành tốt công việc, nghiễm nhiên Vân Hãi sẽ đến tìm hắn để tìm lời khen ngợi. Khi gặp phải chuyện không hay, nghiễm nhiên Vân Hãi cũng sẽ chạy đến đòi được vài câu quở trách.

Theo thời gian, Hoa Tín đã lấy đó làm quen.

Thậm chí không phải là “theo thời gian”, mà dường như hắn đã quen với việc đó ngay từ ban đầu.

***

Thực chất, thói quen chính là thứ êm đềm như nước, như dòng chảy ngầm bên dưới mặt hồ phẳng lặng, trên mặt hồ không gợn sóng khiến người ta chẳng bao giờ phát hiện ra.

Với tính cách của Hoa Tín càng đúng như thế.

Nhưng cũng không phải lòng hắn không hề gợn sóng.

Có một ngày nọ, hắn đang ngồi chép kinh trên một toà lầu các trong cung phủ. Các tiên sứ và tiên đồng sợ làm phiền đến hắn nên ngồi hết ở gian phòng phụ một cách nghiêm túc. Gian phụ này ở cách toà lầu các rất xa.

Giữa bốn bề trắng thuần đơn sắc, yên lặng như tờ, trong không khí thoang thoảng mùi hương đan dược đang luyện trong lò từ tầng dưới. Đang chép dở một quyển kinh mà ngửi được mùi thuốc ấy chợt khiến hắn ngẩn ngơ.

Có một giây lát nào đấy, hắn gần như tưởng rằng mình hãy còn trong tuổi thiếu thời chưa tròn đôi mươi, khi đó hắn ở trên gian gác bên cạnh sân luyện kiếm nhà họ Hoa, sống mười mấy năm ngày ngày như một, trở thành chuẩn mực và ngoại lệ trong cả lứa đệ tử nhà họ Hoa. Nơi ấy, không ai làm phiền, không ai đến gần.

Vào thời điểm hắn chấm đầu bút vào lọ mực, đổi sang một quyển lụa tiên khác đặng tiếp tục chép kinh trong bình lặng như mặt hồ không gợn sóng, chợt có một bóng người khoác áo xanh xuất hiện bên rìa tầm mắt.

Bóng dáng ấy đang cầm một chậu cây biết nói với khả năng nhại theo tiếng người trên tay, vừa đấu võ mồm với chậu cây ấy vừa phóng qua lan can phía trên căn gác nhảy vào trong, cuối cùng đáp xuống chính xác ngay trước bàn viết kinh.

“Ngoan chút đi nào, chịu khó học giỏi biết nghe lời, bớt làm phiền người khác,” Vân Hãi cảnh cáo chỉ tay vào cành cây biết nói kia, đoạn đặt chậu cây mang cùng sắc màu với trang phục mình trên mặt bàn, phát ra một tiếng cạch nhè nhẹ.

Hắn chống tay lên bàn chép kinh, cười nói, “Sư phụ chép kinh có buồn không? Để ta ngồi chung với người nhé.”

Hoa Tín ngưng bút, ngước mắt lên.

Ngòi bút thấm mực chấm một vệt trên mặt lụa tiên, loang ra thành mảng lớn chẳng biết tự khi nào.

***

Thực tế, đó chính là một viên đá ném xuống mặt hồ phẳng lặng…

Tiếc thay thời cơ chẳng chín muồi, mà đã hơi trễ rồi.

Vì chẳng mấy lâu sau,Vân Hãi bị giáng hết lần này đến lần khác. Hương hoả ở thung lũng Đại Bi dần suy tàn, suốt một trăm năm không người thờ cúng. Bởi vậy mà vào một hôm nào đó, ánh sao tỏ trên trời rơi xuống, và Tiên Đô vắng bóng một vị tiên được gọi “Lang quan”.

Thể theo quy tắc Linh đài, tiên bị giáng trần đều sẽ biến mất khỏi ký ức của tất cả các vị tiên còn lại trên Tiên đô. Không một ai còn nhớ đến người này, dẫu cho nhìn thấy những món đồ có liên quan.

Hết thảy quá khứ và ký ức có liên quan đến hắn đều bị phủ bên trong một tảng sương mù dày đặc, mịt mờ nhìn sao cũng không thấy rõ.

Nhưng Hoa Tín không giống những người khác vì nơi nơi trong cung phủ hắn đều vương dấu người kia — những món đồ có linh giúp khuấy động bầu không khí, và đám cây cỏ biết nói ngày ngày hí ha hí hửng hô, “Hôm nay Tiên thủ chưa có cười nha”.

Dưới tác động của Thiên đạo, ký ức hắn cũng dần bị xoá mất. Mà đồng thời, khi nhìn thấy những cây cỏ biết nói và đồ vật có linh kia, hắn lại nhớ về bóng người vận y bào xanh phóng mình qua lan can, nhảy vào trong gian gác cao.

Cảm giác đó vô cùng mâu thuẫn. Tưởng chừng như có một ai đó không ngừng ném hòn đá vào mặt hồ, rồi lại cưỡng ép đè mặt hồ gợn sóng kia phẳng lặng trở lại.

Hắn bắt đầu giam mình trên gian cao của toà lầu các để chép kinh liền tù tì mấy hôm, dùng cùng một loại lụa trắng, cùng một loại bút lông, và có những khi còn cùng một vệt đỏ thắm như in ngày ấy.

Nhưng dầu hắn có chép bao nhiêu quyển kinh, có ngừng bút ngẩng đầu bao bận, cũng chẳng còn một ai nghiễm nhiên nhoẻn miệng cười tíu tít trước mặt hắn nữa.

***

Bởi thế, hắn lại phá lệ thêm một lần nữa.

Thể theo thiên quy Linh đài, hắn không được hỏi han về các tiên đã bị giáng trần. Thế mà nhân một lần đi công tác hắn lại ghé sang nhà họ Hoa, để lại một tấm bùa thư nhờ thăm dò tung tích người kia.

Theo thư hồi âm trong những năm đó, cuộc sống của Vân Hãi sau khi hạ phàm tương đối ổn thoả. Hắn đã quên mất mọi thứ trên Tiên Đô và hiện đang sống những tháng ngày bình thường hệt như muôn vàn bá tánh. Hắn sống trong một góc nhỏ tại Xuân Phiên thành, trong phạm vi có thể đến nhà họ Hoa mỗi ngày để học một số thuật pháp đơn giản. Thế nhưng mãi mà hắn vẫn không gia nhập vào tiên môn lần nữa.

Những người trên Tiên Đô không để ý năm tháng, nhưng Tiên thủ Minh Vô là một ngoại lệ. Nếu có một ai bất chợt hỏi, hắn thậm chí còn không cần phải nghĩ cũng có thể trả lời năm nay là năm nào ở nhân gian. Dù rằng, làm một Tiên thủ, rõ ràng hắn phải túc trực bên cạnh Linh đài chứ làm gì có thời gian rỗi rãi xuống nhân gian.

***

Đã từng, Hoa Tín những tưởng những tháng ngày đó sẽ trôi qua rất rất nhiều năm, trôi qua bình lặng cho đến khi Vân Hãi bước dần đến cuối cuộc đời phàm nhân của mình.

Song thực tế lại hoàn toàn khác biệt.

Cái gọi là “bình lặng” ngắn hơn hắn tưởng rất nhiều.

Vào một hôm nào đó, hắn nhận được một tấm bùa thư hồi âm của nhà họ Hoa, thư nói Vân Hãi đi theo đoàn xe ngựa băng qua thung lũng Đại Bi, vừa lúc chạm trán tà ma đang tác hoạ. Nhà họ Hoa đang cho người đến đấy nhưng chỉ e lành ít dữ nhiều.

Rất lâu về trước, vào thời điểm hắn vẫn còn trẻ chưa đến đôi mươi, thầy dạy học từng đàm luận với hắn về sinh tử. Khi đó, hắn trả lời ông rằng, “Ấy đều là duyên, đoản mệnh hay trường thọ đều do tạo hoá định đoạt, việc này ta không bận tâm đ ến”.

Và chẳng mấy lâu về trước, hắn hãy còn nghĩ, phàm nhân đều có sinh lão bệnh tử, Vân Hãi khó thoát khỏi quy luật này.

Vậy mà đến khi đọc được bốn chữ “lành ít dữ nhiều” trên bức bùa thư, hắn mới vỡ lẽ những lời mình nói ra trước đây đều chỉ là những lời nói suông. Trước khi hắn kịp ý thức được thì hắn đã mang kiếm tức tốc xuống thẳng nhân gian.

Hắn nhủ bụng: Hễ Vân Hãi còn một hơi thở, hắn nhất định phải cứu cho được người về bằng mọi giá.

Còn nếu Vân Hãi đã ngừng thở…

Khoảnh khắc ấy, hắn đang lướt xuyên mây mù bọc quanh thung lũng Đại Bi. Trời không rét mà hắn thấy lạnh đến rợn kinh người.

Hắn chợt nhận ra, mình không tài nào dám nghĩ đến điều gì sẽ tiếp nối sau chữ “nếu” ấy.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.