Bà Nhóc Già Nhà Tử Thần

Chương 42: Một bà lão bình thường




Sau khi tang lễ kết thúc, nơi này chỉ còn lại mấy người họ. Các ông bà im lặng ngồi đó, thời tiết vốn âm u nặng nề cũng dần chuyển sang hửng nắng, lộ ra bầu trời trong xanh.

Khi ánh mặt trời chiếu xuống, tuyết xung quanh cũng tan nhanh hơn, không khí cũng càng lạnh lẽo, nhìn trời nắng ấm áp nhưng thật ra là rét mướt thấu xương.

Bà lão bác sĩ rụt vai lại, quay đầu qua nhìn bia mộ còn mới tinh bên cạnh. Trên tấm bia in hình ông lão cảnh sát khi còn trẻ. Bà thở dài một hơi, nói: “Sau khi chết, tôi cũng sẽ chôn ở ngọn núi này. Mọi người bầu bạn với nhau, đến lúc đó có thể làm lại nghề cũ, làm trắng da bằng tia laser cho mọi người.”

Bà cụ Hồ nghĩ ngợi rồi nói: “Vậy mình cũng sẽ ở đây.”

Ông lão bác sĩ tâm lý nói: “Tôi cũng vậy.” Lúc còn trẻ có rất nhiều bạn, cuối cùng ai cũng có các mối quan hệ của mình, tình cảm nhạt dần đi, ngược lại những người bạn già mới quen này lại giống như bạn đã thân một đời vậy.

Ông cụ Hồ quay đầu qua nhìn vợ mình. Ông không chắc bà có hiểu chuyện đang xảy ra không, thậm chí không chắc bà có hiểu những gì mình vừa nói không. Trong lòng ông rất chua xót.

Mấy ngày nay, vợ ông giống như một đứa trẻ, cứ nép sau lưng người lớn khi xảy ra chuyện. Bà yên lặng và ngoan ngoãn đi theo họ, tay nắm chặt tay anh Thừa Khiếu của mình.

Ông cụ Hồ vốn không định để cho bà tham gia tang lễ nhưng Kim Sân lại bảo: “Con bé biết người bạn cảnh sát đã qua đời, tang lễ là lời từ biệt cuối cùng, có thể mang lại cho nó sự an ủi.”

Vì thế cuối cùng họ quyết định để bà tham gia.

Bà cụ Hồ hiểu được một chuyện, sau khi chết đi, người ta sẽ bị chôn xuống đất, không được gặp nhau nữa.

Trường học lại thiếu đi ông lão cảnh sát mỗi ngày đều chạy bộ, dù mọi người cảm thấy không quen cho lắm thì ngày tháng vẫn cứ trôi qua.

Ngày hôm sau, dù là bà lão bác sĩ hay ông lão bác sĩ vừa mất đi một người bạn cùng phòng đều cảm thấy rất mất mát.

Lúc ăn cơm, ông lão bác sĩ lấy hai phần. Khi đặt khay cơm xuống mới nhớ ra bạn mình đã ra đi, không cần ông lấy cơm cho nữa.

Ông thở dài một hơi. bà lão bác sĩ vẫy tay gọi bà cụ Hồ: “Em Chúc Chúc, em gầy đi nhiều quá.”

Gần đây bà cụ Hồ cũng không vui, ăn cơm không thấy ngon nên đương nhiên gầy đi.

May mà lúc này, hiệu phó hớn hở chạy tới báo cho mọi người một tin vui.

Nông trại phía sau trường đã xây xong, mọi người có thể nuôi gà được rồi!

Trong nhà ăn, các ông bà lão toát ra vẻ mong đợi. Các ông bà chưa từng nuôi gia cầm nên đương nhiên khá háo hức, ngay cả bà lão bác sĩ cũng nói: “Tôi phải chọn một con gà mái mới được.”

Ăn cơm xong, mọi người bèn kéo nhau ra nông trại đằng sau. Diện tích của nông trại khá lớn, còn xây rất nhiều cái chuồng cao ngang đầu người.

Bà lão bác sĩ nhìn cái là nhận ra ngay. “Cái này rất giống với mấy cái chuồng trong game nông trại mà tôi chơi trước kia.”

Bà cụ Hồ lập tức cướp lời: “Nông trại vui vẻ, ngày nào em cũng chơi!”

Bà lão bác sĩ quay qua nhìn bà cụ Hồ. À há, dạo này xảy ra quá nhiều chuyện làm bà quên mất người bên cạnh mình chính là tiểu công chúa sở hữu cả con đường cầu vồng cơ mà.

Các nhân viên của nông trại đuổi lũ gà ra ngoài, chúng nhanh chóng chạy tán loạn trước mặt họ.

Có những chú gà con như cuộn len màu vàng, nhỏ bằng nắm tay; có cả những chú gà trống đã trưởng thành.

Bà lão bác sĩ lập tức bị những chú gà con lông mịn như nhung kia thu hút.

Còn bà cụ Hồ thì tức khắc nhìn trúng chú gà trống đẹp nhất ở trong góc. Mào đỏ thẫm, lông đỏ rực, lúc đi đường vươn cổ ưỡn ngực trông khá kiêu ngạo.

Vừa thấy chú gà trống kia là ông cụ Hồ biết ngay vợ mình sẽ chọn nó. Quả nhiên, quay qua là thấy vợ ông không nhìn không chớp mắt.

Hồ Đào và đội trưởng quản lý khu chăn nuôi gà này. Anh chỉ biết chú gà trống đẹp nhất đó là dành cho con gái của hiệu trưởng. Anh cũng đã nhìn thấy mẹ mình, bà ngồi xuống, nhổ một cọng cỏ, đưa ra chọc chú gà trống. “Mày tên là gì vậy?”

Chú gà trống vươn tới mổ vào cọng cỏ. Bà cụ Hồ giật mình, ném cọng cỏ, ôm lấy ông cụ Hồ bên cạnh.

Đúng kiểu “Diệp Công thích rồng[1]“, thích thì thích đó nhưng vẫn hơi sợ.

Bà lão bác sĩ bên cạnh đã đặt chú gà con lên bàn tay, lông mịn như nhung sờ thật là thích. Bà đưa cho bà cụ Hồ xem. “Em Chúc Chúc, em có muốn sờ một cái không?”

Bà cụ Hồ không sợ gà con, nhẹ nhàng sờ một cái nhưng ánh mắt bà vẫn tập trung vào chú gà trống xinh đẹp kia. Mắt bà cứ sáng rực lên. Thật là đẹp quá!

Ông cụ Hồ nắm một nắm gạo, đưa cho vợ mình, nói: “Em rải gạo xuống, nó nhặt gạo dưới đất, em sẽ không sợ nữa.”

Bà cụ Hồ ừm một tiếng, ném gạo tới trước. Quả nhiên chú gà trống cúi đầu mổ gạo. Lông đuôi của nó xòe ra đỏ rực như lửa, rất mượt, bà cảm thấy sờ vào sẽ rất thích.

Hồ Đào thấy vậy thì hơi lo. Anh sợ mẹ mình thích con gà trống này quá, chừng đó sẽ làm con gái hiệu trưởng không vui.

Thời gian làm việc ở đây đủ để khiến Hồ Đào biết con gái ông hiệu trưởng cao quý cỡ nào, anh đương nhiên không muốn mẹ mình đắc tội với bà ấy.

Hồ Đào đuổi một chú gà trống khác qua, đi đến trước mặt cha mẹ, nói nhỏ: “Con gà trống này cũng rất đẹp.”

Ông cụ Hồ quay đầu lại thì thấy con trai mình. Ông cúi đầu nhìn con gà trống mà anh xua đến, nói: “Bà ấy đã chọn rồi, con gà trống kia rất đẹp.”

Hồ Đào nhìn người mẹ đang rất vui vẻ của mình, nhân lúc mọi người đang cho gà ăn, vội nói nhỏ: “Ba, đó là con gà chuẩn bị cho con gái hiệu trưởng, mẹ chọn con này đi.”

Ông cụ Hồ nhìn người vợ đang hăm hở nhổ rau dại bên cạnh, bà vừa sợ hãi vừa hưng phấn ném rau dại cho chú gà trống mà mình thích. Thấy chú gà cúi đầu ăn rau, bà vui vẻ kéo bà lão bác sĩ lại nói gì đó.

Ông cụ Hồ thu mắt về, nhìn con trai mình, lên tiếng: “Trong mắt con, bà ấy là một bà già bị bệnh nhưng trong mắt nhiều người, bà ấy là một tiểu công chúa cần được yêu thương.”

Trong mắt con trai hay cháu gái, vợ ông chỉ là một bà lão yêu chiều chúng, chúng là người phải được chiều chuộng. Chúng nào có biết đâu thật ra trong mắt người khác, bà ấy cũng là một cục vàng, được bảo bọc không để chịu chút thiệt thòi nào.

Hồ Đào cảm thấy hơi oan ức. “Con không có ý đó.” Anh chỉ không muốn mẹ mình đắc tội con gái hiệu trưởng mà thôi.

Lúc này, người đội trưởng nãy giờ đang vào trong khiêng thức ăn gia cầm vừa đi ra. Sợ Hồ Đào đắc tội với người khác, anh ta vội vàng đi tới, làm lành. “Ông à, đây là Hồ Đào – nhân viên mới chỗ tụi cháu. Nếu cậu ấy có làm gì đắc tội với ông thì cứ nói với cháu nhé.”

Ông cụ Hồ lắc đầu, nói: “Không có, cậu ấy làm việc rất chăm chỉ.”

Đội trưởng là người nhiệt tình, có thể bắt chuyện với bất cứ ai, nghe thế bèn lập tức nói: “Đúng vậy, cậu ấy làm việc rất chăm chỉ, còn là thạc sĩ của đại học B nữa, cũng rất hiếu thảo. Trước kia đi làm ở công ty lớn nhưng vì chăm sóc mẹ mà…”

Anh ta còn chưa nói xong đã bị Hồ Đào ngắt lời: “Còn ai chưa ra nhỉ?”

Hồ Đào không dám nhìn cha mình. Anh cúi đầu. Có những lời nói dối nói cả ngàn lần không biết có thành sự thật không nhưng người nói thì lại tin tưởng. Khoảng thời gian này, Hồ Đào vẫn được mọi người ưu ái, lúc đầu trong lòng anh hơi áy náy nhưng sau này dần thành quen, anh không cảm thấy mình nói dối nữa.

Đội trưởng phát hiện có người còn chưa ra ngoài nên nói: “Ông à, bọn cháu vào làm việc tiếp đây, có chuyện gì thì cứ gọi nhé.”

Ông cụ Hồ không hề vạch trần lời nói dối của Hồ Đào. Ông nhìn con trai một cái rồi thu mắt về.

Hồ Đào vội vàng theo đội trưởng đi vào trong.

Đội trưởng tưởng anh vẫn chưa thể thích nghi với môi trường này nên nói: “Anh nghe những người khác nói ông cụ đó thoạt nhìn khá khó tính nhưng thật ra lại rất dễ chịu. Chú đừng để ý.”

Hồ Đào ừm một tiếng. Cha anh là người như vậy đấy, anh biết mà.

“Vợ ông ấy rất thân thiện, giống như một bà lão bình thường vậy.” Đội trưởng nói thế là vì anh ta vốn tưởng con gái của hiệu trưởng sẽ có tính khí khó chiều, ai ngờ tất cả các nhân viên đều nói bà rất hiền hòa, hay cười, thân thiện, chưa từng khoe khoang gì cả. Nếu không để ý sẽ không biết bà ấy là con gái của hiệu trưởng.

Chính vì vậy, đội trưởng mới dùng cụm từ “giống một bà lão bình thường.”

Hồ Đào thì lại hiểu khác. Anh tưởng đội trưởng nói giống một bà lão bình thường là không giống như người bị bệnh alzheimer.

Hồ Đào nói: “Đúng là… bà ấy rất tốt.”

Đội trưởng nhấn cho nước phun ra, nói: “Thật ra nghĩ lại cũng khá xót xa. Có những người già bị con cháu và xã hội ghét bỏ, mỗi ngày chỉ có thể ngồi trước cửa nhìn người qua lại để giải buồn, không ai trò chuyện với họ. Như con gái của hiệu trưởng, đến tuổi này rồi còn mắc bệnh như vậy, thế mà muốn gì có đó, cả đám người cùng bà ấy trò chuyện, chơi đùa. Những người khác đều gọi là ấy là hình mẫu công chúa khi già đi.”

Hồ Đào nghe câu con cháu ghét bỏ, bỗng nhiên cảm thấy không thoải mái lắm.

Đội trưởng thấy anh không được thoải mái, tưởng anh nhớ đến mẹ mình nên an ủi. “Mẹ chú cũng thật có phúc, có được một đứa con trai hiếu thảo như vậy ở bên cạnh.”

Hồ Đào nghe đến đây, ánh mắt né tránh, ứng đối qua loa rồi bê nước ra ngoài.

Lúc đi ra, anh đưa mắt tìm kiếm một lượt, muốn xem thử rốt cuộc con gái hiệu trưởng ở đâu.

Hồ Đào không nhìn thấy con gái hiệu trưởng, chỉ nhìn thấy mẹ mình đã bắt đầu sờ chú gà trống kia. Anh đi qua thì nghe mẹ nói: “Anh Thừa Khiếu, lúc tan học chúng ta dẫn nó về nhà được không?”

Hồ Đào hạ giọng thật nhẹ nhàng, dỗ dành bà: “Gà phải để lại đây, không được mang về nhà đâu.” Đây là nơi giúp các ông bà lão giải trí, giảm nhẹ áp lực tâm lý. Nó còn là tài sản chung của nhà trường, sao có thể mang về nhà? Huống chi đây là con gà trống chuẩn bị cho con gái hiệu trưởng.

Bà cụ Hồ nghe chú chăn gà nói vậy thì cũng không miễn cưỡng. Bây giờ bà đã không còn sợ chú gà trống xinh đẹp này nữa rồi, vì thế bà nhẹ nhàng vuốt cái đuôi óng mượt của nó, nói: “Vậy ngày mai tao sẽ đến thăm mày nha, mày đừng có đánh nhau với mấy con gà khác đó.”

Chú gà trống mổ đống rau cỏ dưới đất, giống như là gật đầu. Bà cụ Hồ vui vẻ bảo: “Ngoan lắm!”

[1] Điển tích “Diệp Công thích rồng” kể rằng Diệp Công thời Xuân Thu, từ nhỏ luôn nói rất thích rồng và mọi đồ đạc đều khắc hình rồng; rồng thật trên trời biết chuyện cảm động, bèn từ trên trời giáng hạ xuống nhà Diệp Công. Diệp Công nhìn thấy rồng thật liền sợ hãi quay người bỏ chạy, giống như đánh rơi mất hồn vậy.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.