Bà Nhóc Già Nhà Tử Thần

Chương 20: Tiểu công chúa nhà hiệu trưởng




“Ba ơi, ba chụp cho con tấm hình để con xem con có đẹp không đi.” Bà cụ Hồ lôi một chiếc mũ nồi ra, đội lên đầu, sau đó nói với ba như vậy.

Nhà họ không có gương, trường học cũng không có, và đương nhiên cũng không có những thử có công dụng như chiếc gương.

Bây giờ con gái đang mang tâm thái của một đứa trẻ, nếu đột nhiên nhìn thấy mình trở nên già nua, mặt có nhiều nếp nhăn thì chắc chắn sẽ không tiếp nhận được.

Kim Sân muốn từ từ chữa bệnh cho con.

“Ba ơi, mau chụp cho con một tấm đi.” Bà cụ Hồ kéo ống tay áo của ba mình, giơ một ngón tay lên, năn nỉ như một đứa trẻ. “Chỉ một tấm thôi.”

Kim Sân lấy điện thoại ra, mở ứng dụng mà mình đã nghiên cứu được, nhanh chóng chụp một tấm ảnh.

Bà cụ Hồ nhìn ảnh của mình, vui vẻ nói: “Đẹp quá đi.”

“Được rồi, đến giờ đi học rồi, thêm chút nữa là trễ học mất.” Kim Sân nghiêm túc nói.

Thế là hai ông bà lại vui vẻ đến trường. Sau khi đi học một thời gian, ông cụ Hồ cảm thấy cũng khá thú vị. Ông chỉ cần cùng vợ ngồi nghe những ông bà lão khác kể chuyện.

——

Cuối cùng Hồ Đào cũng tìm được việc. Anh ứng tuyển vào vị trí công nhân trong trường của các ông bà lão. Anh muốn tìm hiểu xem bây giờ cha mẹ sống thế nào, trong lòng anh ôm ấp một ý nghĩ: ba tin tưởng đứa con kia như thế, kết quả chẳng phải vẫn bị anh ta đưa đến nơi này để lấy tiền đấy sao.

Vừa bước vào trường học, Hồ Đào lập tức ngây người. Trước kia anh đã từng đến trường đại học này, cũng từng đi qua khu phòng học này, lúc đó nó chỉ là những phòng học bình thường nhưng bây giờ từng con đường, mỗi tòa nhà, thậm chí cây cỏ cũng được thay đổi để trở thành khu vui chơi dành cho các cụ già.

Hồ Đào mặc bộ đồng phục mới, đi theo sau đội trưởng. Đội trưởng thấy vẻ ngơ ngác như chưa từng trải đời của anh bèn giải thích: “Đây là hình tượng công chúa mà con gái của hiệu trưởng thích nhất khi còn nhỏ.”

Anh ta không nén được, kể thêm: “Thật ra những công chúa kia làm sao hạnh phúc bằng con gái của hiệu trưởng chúng ta chứ. Công chúa còn phải thay đổi theo thế giới chứ con gái của hiệu trưởng là thế giới phải thay đổi theo bà ấy.”

Hồ Đào yên lặng lắng nghe. Trong tưởng tượng của anh, con gái của hiệu trưởng có lẽ là một bà lão quái đản, mẹ anh thỉnh thoảng lại làm ra những chuyện kỳ quặc, không biết có khi nào đắc tội với công chúa kia không.

“Nghe nói có một bệnh nhân bệnh tình trở nặng, tính khí thất thường nên lập tức bị đưa vào bệnh viện.”

Hồ Đào: “…”

Anh vốn tưởng mình sẽ được phân công quét dọn khu vực hoạt động của các ông bà lão, ai ngờ đội trưởng dẫn anh đến một sân cỏ trống không.

Nhìn vẻ nghi hoặc của Hồ Đào, đội trưởng giải thích: “Lúc nhỏ, con gái của hiệu trưởng rất thích một trò chơi là nuôi gà trong nông trại, vì thế chúng ta phải làm một cái chuồng gỗ ở đây, dùng để nuôi gà.”

“Ở nơi tấc đất tấc vàng này, xây chuồng nuôi gà, chắc cũng chỉ có ông hiệu trưởng kia mới làm được.”

“Có phải chấn động luôn rồi không?”

Hồ Đào trả lời: “Đúng là rất ngạc nhiên.”

Đội trưởng rinh đống gỗ qua, nói: “Cậu đến giúp một tay đi.”

Hồ Đào chưa từng làm việc nặng, cũng không có kinh nghiệm gì nên chỉ một lát sau là tay bị phồng rộp lên. Đội trưởng ném cho anh một cái bao tay. “Có phải nay cậu chưa bao giờ làm việc nặng không? Làm mộc mà cậu không cần đeo bao tay, quả là đàn ông.”

Hồ Đào cười khổ: “Tôi là thạc sĩ của đại học B.”

Đội trưởng: “Lợi hại vậy. Sao không đến mấy công ty mà làm?”

Hồ Đào thở dài một hơi, đáp: “Mẹ tôi bị bệnh. Khoảng thời gian đó cứ xin nghỉ để chăm sóc bà, sau bị công ty sa thải luôn. Giờ này tìm việc thì khó lắm.”

Đội trưởng an ủi: “Vậy cậu cũng có hiếu quá. Tiền tuy quan trọng nhưng cha mẹ càng quan trọng hơn. Dù sao tiền không có, công việc không có cũng có thể từ từ tìm được chứ cha mẹ mà không còn thì đâu tìm về được.”

Đội trưởng nhìn Hồ Đào với ánh mắt tán thưởng, tiếp tục nói: “Người như cậu thời buổi này hiếm lắm. Yên tâm đi, chỉ là thạm thời sa cơ mà thôi, một người con hiếu thảo với cha mẹ như thế sẽ không bị xã hội ruồng bỏ đâu.”

“Lúc tôi còn nhỏ cha mẹ đã qua đời, tôi làm cô nhi mấy chục năm nay nên rất hâm mộ những người như cậu.”

Hồ Đào cầm một miếng gỗ, tay nhưng ngừng gõ búa. Rõ ràng đang là ngày đông nhưng trán anh không ngừng tuôn mồ hôi, không nói thêm gì nữa.

Hồ Đào không phải là người có khiếu làm những việc này, đội trưởng cũng nhanh chóng phát hiện ra nhưng anh ta không nói gì mà còn hỗ trợ anh nữa. “Chú đừng vội, cái này dễ học lắm, anh dạy chú.” Hiển nhiên, Hồ Đào vì chăm sóc mẹ mà bỏ qua công việc lương cao nên đội trưởng rất sẵn lòng giúp anh một tay.

Hồ Đào thu búa lại, mắt lảng sang nơi khác. “Không cần đâu, để em làm là được.”

Cứ thế, giờ ăn trưa cũng đến. Hồ Đào hỏi: “Chỗ chúng ta ăn cơm khác với chỗ các ông bà lão kia phải không?”

“Ừ. con gái ông hiệu trưởng và các ông bà lão ăn ở bên kia, những nhân viên ăn nhanh uống chóng như chúng ta thì ở bên này. Phó hiệu trưởng nói vì chúng ta ăn nhanh quá nên gây áp lực cho các ông bà cụ ấy.”

Hồ Đào nhận khay cơm, ngồi giữa đám nhân viên. Anh vốn nghĩ nhà ăn chia nhau ra thì chắc cơm nước bên này cũng chẳng ra làm sao nhưng lúc lấy cơm mới phát hiện cơm nước bên này cũng đầy đủ sắc hương vị, không chỉ thế còn có khu cung cấp bánh trái và hoa quả tráng miệng sau khi ăn.

Đội trưởng giải thích: “Phó hiệu trưởng nói hiệu trưởng cho mỗi nhân viên chúng ta những đãi ngộ tốt như thế, từ tiền lương đến các khoản phúc lợi đều cao là hy vọng chúng ta có tâm trạng tốt, gặp ai cũng cười, phải niềm nở với tiểu công chúa nhà hiệu trưởng.”

Hồ Đào: “…”

Đội trưởng vừa ăn vừa nói: “Nghe nói tiền lương của các giáo viên càng kinh khủng. Anh có nghe những nhân viên khác nói lúc trước khi tuyển dụng, những giáo viên kia nghe nói là chăm sóc một đám người già mắc chứng alzheimer nên đều do dự, sau này nghe nói đãi ngộ tốt nên hoàn toàn bằng lòng làm một giáo viên “tận tình chu đáo”.”

“Chú đừng có rầu rĩ ủ ê như thế, nếu để phó hiệu trưởng thấy là sẽ làm công tác tư tưởng với chú đấy.”

Hồ Đào thực không sao cười nổi.

Một nơi khác, hiệu trưởng Kim Sân đang nhìn camera giám sát, phó hiệu trưởng thấp thỏm đứng sau, không dám hó hé tiếng nào. Kim Sân nhanh chóng xem xong, vốn định lập tức đuổi người ngay nhưng do dự một lát rồi nói với phó hiệu trưởng. “Đừng có để cho cậu ta gặp được con gái con rể tôi, càng không được để cậu ta biết tên con gái con rể của hiệu trưởng.”

Phó hiệu trưởng đã quá quen với cách xưng hô kỳ quặc này, dù gì tiền có thể sai khiến mọi thứ mà, huống chi là chấp nhận một cách xưng hô.

Ông ta lập tức nói: “Tôi hiểu rồi.”

Thế là lúc Hồ Đào tan ca, trong trường chỉ còn lại một vài ông bà lão không có con cái hoặc con cái không đến đón.

Hồ Đào không được phép đi vào ký túc xá nên cũng không biết cha mẹ mình có được đón về không.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.