Bà Nhóc Già Nhà Tử Thần

Chương 16: Không đi đâu hết




Lúc chạng vạng, chân trời phía xa xa có những áng mây đỏ rực như lửa, Kim Sân chuyển bàn làm việc ra cạnh vườn hoa.

Bà cụ Hồ đã có tuổi, sức cũng không bằng trước. Bà vốn muốn bỏ mấy cuốn sách của mình vào cặp, sau đó xách cặp đến bên bàn của ba, kết quả trở thành kéo lê chiếc cặp đi ra. Kim Sân thấy con gái hì hục kéo cặp, không hề ra tay hỗ trợ. Tuy trong lòng rất muốn làm thay cho con gái mọi việc nhưng anh cũng biết con cần phải vận động, cần có cảm giác tự hoàn thành việc của mình.

Giống như bình thường lúc quét sân, Kim Sân và ông cụ Hồ đều giảm tốc độ để kịp với sự chậm chạp của bà.

Bà cụ cười hì hì kéo chiếc cặp đến bên cạnh ba mình, sau đó chuyển một cái ghế qua ngồi đối diện với anh, ngoan ngoãn lấy giấy, bút màu ra, hưng phấn khoe: “Ba ơi, ba mau nhìn này, con đang làm bài tập đấy!”

Kim Sân ngẩn đầu nhìn con gái. “Ngoan quá, làm bài tập xong rồi mới chơi con ha.”

Bà cụ Hồ gật đầu, sau đó cúi xuống ra sức vẽ gì đó.

Ông cụ Hồ thì đang tưới nước cho cây táo cách đó không xa. Bà ngẩng đầu lên gọi ông: “Anh Thừa Khiếu, anh mau qua đây cùng làm bài tập đi. Em đã chừa cho anh một cái ghế này. Chúng ta ngồi chung bàn với ba đấy!”

Ông cụ từ tốn đi qua, ngồi xuống cạnh bà để làm bài tập.

Kim Sân vẫn chú ý đến họ, nhưng phần lớn sự tập trung đều dồn vào các manh mối để lại, tiếp tục tìm kiếm vị trí cụ thể của cõi hư vô.

Bà cụ làm bài tập xong, đi đến cạnh ba. Tuy không hiểu ba đang làm gì nhưng bà cũng bắt chước nhìn vào màn hình máy tính.

Vô số các công thức đang không ngừng hiện lên trên màn hình, không ngừng tiến hành phân tích.

Kim Sân cau mày. Vẫn không có tiến triển gì. Bà cụ Hồ đột nhiên lên tiếng: “Ba ơi, chỗ này này.”

Bà nhón chân lên, đưa tay chỉ vào một tín hiệu trên màn hình. “Ba ơi, chỗ này này, chỗ này giống như một con sâu vậy, thật là lạ. Hình như nó không nên ở đây.” Bà cứ cảm thấy nhìn nó không vừa mắt lắm, rất muốn đưa tay phủi cái thứ giống con sâu này đi.

Kim Sân ngẩn ra, thao tác lại lần nữa, loại bỏ tín hiệu kia đi. Ngay sau đó, anh trợn tròn mắt. Anh đang tính toán vị trí của cõi hư vô, mà kết quả cho ra lần này không còn rối tung như trước nữa, trên màn hình hiển thị rất rõ một lĩnh vực mà con người còn chưa khám phá được: Lĩnh vực lượng tử!

Lòng Kim Sân bị chấn động. Anh đột nhiên ý thức được nghề nghiệp của con gái và con rể mình là chuyên gia vật lý ngành lượng tử.

——

Hôm sau, Kim Sân đưa hai đứa trẻ nhà mình đến trường xong là lập tức đến trường đại học mà các con mình đã làm việc.

Bà cụ Hồ nắm tay anh Thừa Khiếu đi vào trong. Trên đường đi, có không ít các ông bà cụ đến chào hỏi:

“Chào buổi sáng, em Chúc Chúc.”

“Em Chúc Chúc, mũ của em đẹp quá.”

Các ông các bà chậm rãi đi, lúc đến cửa phòng học, mọi người đều tranh thủ uống thuốc. Với họ mà nói, chuyện quan trọng nhất lúc này là không để bệnh tình trở nên nghiêm trọng hơn, nếu để bệnh phát tác thì sẽ không thực hiện được giai đoạn tiếp theo.

Lúc này, “người bạn nhỏ” nhặt chai nhựa hôm qua lầu bầu nói gì đó, sau đó len lén giấu những cây bút màu sặc sỡ trên bục giảng vào trong cặp mình.

Bà cụ Hồ cảm thấy hơi lạ. Bà bước tới mới phát hiện trong cặp của người bạn này có rất nhiều bút màu. Chúc Chúc hỏi nhỏ: “Sao bạn lại lấy nhiều bút màu vậy?”

Bà lão nhặt bút không được tỉnh táo lắm nên ấp úng trả lời: “Con trai mình học hội họa nên cái này có thể cho nó vẽ tranh.”

Bà cụ Hồ vô cùng ngạc nhiên: “Con trai bạn học vẽ à. Lợi hại thế!”

Bà lão nhặt chai nhựa tỏ ra tự hào, vui vẻ nói: “Nó vẽ tranh rất đẹp. Sau này sẽ làm họa sĩ lớn.”

Bà cụ Hồ cũng vui vẻ theo, chỉ có những ông bà lão còn tỉnh táo và ông cụ Hồ là im lặng.

Hôm qua mọi người đã làm quen với nhau, cũng biết tình hình của bà lão này. Con trai bà ấy học hội họa, bà ấy nhặt ve chai để nuôi con đi học, vậy mà con trai còn oán trách bà không thể mua nhà cho mình như những cha mẹ khác. Sau khi bà bị bệnh, anh ta đưa bà vào một viện dưỡng lão tồi tàn, nghe nói sau đó còn không trả tiền, cuối cùng đưa bà tới đây, vì thế tình hình của bà nghiêm trọng hơn những người khác.

Hôm qua một số họ được đưa về nhà theo yêu cầu của con cháu, một số người không có con cháu hoặc con cháu không cho về nhà thì sẽ ở lại trường. Bà lão nhặt ve chai của về nhà, trong nhà sớm đã không có phòng dành cho bà, bà ở chung phòng với bác sĩ thẩm mỹ không con cái. Tối qua bác sĩ thẩm mỹ nghe bà lải nhải cả đêm: “Mình là một đứa trẻ, nói chuyện phải giống đứa trẻ, không được nổi nóng, phải uống thuốc, phải gọi em Chúc Chúc.”

Bác sĩ thẩm mỹ bị quấy rầy giấc ngủ nên tức giận, nổi nóng với bà. Bà lão nhặt ve chai vừa xin lỗi vừa lấy trái cây cho, khiến bà cụ bác sĩ phải thở dài, tự thấy áy náy.

May mà nửa đêm về sáng, bà lão nhặt ve chai không làm phiền nữa, bà bác sĩ mới được ngủ ngon. Kết quả sáng sớm hôm sau, lúc thức dậy, bà phát hiện bà lão nhặt ve chai không ở trên giường. Bà lão bác sĩ mở cửa ra thì thấy đang trùm chăn đi trên hành lang, miệng không ngừng lẩm bẩm: “Mua nhà. Mua nhà.”

Bà nghĩ, tối qua trước khi ngủ còn không ngừng lặp đi lặp lại việc phải làm trẻ con, nhưng sau đó sao lại dần trở nên thế này.

Bà bác sĩ thấy bà lão nhặt ve chai sắp phát bệnh thì vội nói với bà cụ Hồ. “Em Chúc Chúc, em có muốn làm thẻ hội viên không. Mỗi ngày chị sẽ chăm sóc da cho em, đảm bảo da em ngày càng trắng, người sẽ ngày càng đẹp hơn.”

Bà cụ Hồ chớp mắt, hỏi: “Hội viên là sao ạ?”

“Ngoắc tay với chị xong là em sẽ trở thành hội viên rồi.” Họ đã nhận được nhiều tiền như vậy, đương nhiên không thể lấy thêm nữa.

Bà cụ Hồ tò mò móc ngoéo với bà.

Bà lão bác sĩ thẩm mỹ nói về việc chăm sóc da bằng tia laser, còn mượn mắt kính của bà lão bên cạnh, đeo lên cho bà cụ Hồ. “Tia laser không tốt cho mắt, cái này sẽ bảo vệ mắt em.”

Sau đó bà lấy điện thoại di động ra, chiếu lên mặt cho bà cụ Hồ rồi nói: “Được rồi đó.”

——

Đến trưa, mọi người cùng nhau ăn cơm, vui vẻ bàn tán về nhiều đề tài khác nhau.

Bà cụ Hồ nói: “Ba mình nói khi nào có thời gian sẽ dẫn mình đi biển.”

Với bà cụ, ba chính là đề tài số một. Những người khác cũng nhớ đến cha mẹ đã nằm sâu trong ký ức của mình:

“Lúc còn nhỏ, các bạn của mình đều được đi Cố Cung, mình cũng muốn đi. Mẹ mình để dành tiền rất lâu, sau đó dẫn mình ngồi xe lửa hết ba ngày để đến Cố Cung.”

“Lúc mình còn nhỏ, ba mẹ mình là bác sĩ, thường cùng nhau đi trực ở bệnh viện nên mình phải đến ở nhà ông bà nội, rất lâu mới gặp họ một lần. Có lần họ trở về, mình giả vờ không nhận ra, gọi họ là cô chú, sau đó họ khóc rất nhiều, cuối cùng đổi công việc khác.”

Trong lúc nhớ lại, có ông bà trí nhớ bị hỗn loạn, bỗng dưng nức nở:

“Sẽ không còn ai tốt với mình như ba mẹ nữa.”

“Lúc mẹ mình mất, bà cứ nắm lấy tay mình, nói không yên tâm về mình, nói năm đó lẽ ra nên sinh hai đứa con, ít nhất bà đi rồi thì mình còn có người chăm sóc.”

Ông cụ Hồ vốn đi lấy canh cho vợ. Khi ông đi, mọi người đang vui vẻ nói về ba mẹ mình, khi trở lại thì thấy đám bạn già đều khóc rưng rức, bà cụ Hồ thì lúng túng lấy khăn giấy cho mọi người.

Bà cụ Hồ lấy làm lạ. “Sao tự nhiên họ đều khóc vậy?”

Một cụ già trong đó trả lời: “Bởi vì ba mẹ bọn mình đều mất cả rồi, không bao giờ có thể gặp được họ nữa.”

Bà cụ Hồ như bị câu này đâm trúng tim, cũng bắt đầu òa khóc.

Buổi chiều khi Kim Sân đến liền bị con gái ôm chầm lấy, khóc lóc gọi ba ơi ba, thế nào cũng không chịu buông ra.

Kim Sân đau lòng xoa đầu con gái, hỏi: “Có phải ai đó bắt nạt con không? Nói cho ba biết, ba sẽ giúp con.”

Bên kia, ông cụ Hồ kể lại chuyện hôm nay.

Bà lão buồn bã nói: “Ba ơi, ba không được đi đâu, con rất sợ.”

Kim Sân lâu nước mắt cho con gái, nhìn mái đầu bạc phơ, nhìn những nếp nhăn trên mặt con, bàn tay đang lau nước mắt của anh bỗng run lên, cuối cùng dịu dàng nói: “Ba sẽ không đi đâu hết, sẽ không bao giờ đi đâu hết.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.