Ba Người Lính Ngự Lâm

Chương 66




Hành quyết.

Đã gần nửa đêm, mảnh trăng khuyết hạ tuần như nhuốm máu bởi những dấu vết cuối cùng của cơn giông tố, nhô lên sau cái thị trấn nhỏ Acmăngchie, làm nổi bật trong ánh trăng nhợt nhạt bóng dáng âm u các ngôi nhà và cái gác chuông cao lênh khênh như một bộ xương người. Phía trước mặt dòng sông Litx cuồn cuộn chảy như một dòng thiếc nóng, còn phía bờ bên là một khối đen sì cây cối hiện ra dưới bầu trời giông tố vẫn còn ngổn ngang những đám mây lớn màu đồng thau, tạo thành một cảnh hoàng hôn giữa ban đêm. Bên trái nổi lên một chiếc cối xay cũ bỏ hoang, với bộ cánh gió im lìm, trong chốn hoang phế ấy vang lên tiếng the thé, từng hồi và đơn điệu của một con cú mèo. Đây đó, trong cánh đồng, bên trái và bên phải con đường mà đám rước tang tóc ấy đang đi, hiện ra mấy cây thấp, mập giống như những thằng lùn dị dạng đang ngồi xổm để rình xem mọi người vào cái giờ thê lương ấy.

Thỉnh thoảng một lúc đám chớp lớn lại sáng lòa khắp chân trời và ngoằn ngoèo trên những đám cây đen ngòm, giống như một lưỡi đao khủng khiếp phạt đứt bầu trời và mặt nước ra làm hai mảnh. Không một làn gió nhẹ lướt qua vùng không khí nặng nề. Một sự im lìm chết chóc đè nặng lên tạo vật. Đất ẩm ướt và trơn tuột vì trời mưa. Cỏ cây như sống lại càng bốc nặng mùi hương.

Hai người hầu lôi Milady, mỗi người giữ một cánh tay, đao phủ đi sau, Huân tước De Winter, D'Artagnan, Athos, Porthos và Aramis bước sau đao phủ. Planchet và Bandanh đi sau cùng.

Hai người hầu lôi Milady tơi bờ sông. Miệng mụ câm như hến, nhưng đôi mắt mụ lại nói lên một cách hùng hồn khó tả như thể lần lượt van xin những người mà mụ đang nhìn.

Vì mụ đi trước mấy bước(1) mụ bảo mấy người hầu:

- Một nghìn Pitxtôn cho mỗi người các anh, nếu để cho tôi trốn. Còn nếu các anh nộp tôi cho chủ các anh (?) tôi có ở gần đây những kẻ báo thù sẽ bắt các anh phải trả giá đắt cái chết của tôi.

Grimaud lưỡng lự, Mousqueton run hết cả tứ chi lên.

Athos nghe thấy Milady nói vậy vội đến gần ngay. Huân tước De Winter cũng vậy. Ông ta nói:

- Đổi mấy tên người hầu này đi thôi, mụ ta đã nói với chúng, không tin được chúng nữa.

Planchet và Bazin được gọi lên thay chỗ cho Grimaud và Mousqueton.

Đến bờ sông, đao phủ lại gần Milady, trói chân và trói tay mụ lại.

Bấy giờ mụ mới phá tan sự im lặng kêu lên:

- Chúng bay là những thằng hèn, chúng bay là những tên khốn nạn giết người. Chúng bay phải tới mười người để cắt cổ một người đàn bà, hãy coi chừng, nếu tao không được cứu thì tao sẽ được trả thù.

- Mụ không phải là một người đàn bà - Athos lạnh lùng nói - mụ không thuộc giống người, mụ là một loài yêu quái trốn thoát khỏi địa ngục và chúng ta sắp tống mụ trả về đấy.

- Chà các trang nam nhi đức hạnh! - Milady nói - Hãy coi chừng, kẻ nào động đến một sợi tóc trên đầu tao, thì kẻ ấy mới là tên sát nhân.

- Đao phủ có thể giết, nhưng không vì thế mà là một kẻ sát nhân - Người mặc áo choàng đỏ vừa nói vừa vỗ vào thanh kiếm rộng bản của mình - đây là vị quan tòa cuối cùng, có thế thôi:

- Nachrichter(2) như những ông bạn láng giềng Đức chúng ta vẫn nói ấy mà.

Nghe đao phủ vừa nói như thế vừa trói mình, Milady kêu lên hai ba tiếng man rợ tạo nên một hiệu quả u ám dị thường bay trong đêm tối và chìm dần trong rừng thẳm.

- Nhưng nếu tao là tội phạm, nếu tao mắc những tội mà chúng bay cáo buộc - Milady gào lên - thì phải đưa tao ra trước một tòa án, chúng bay không phải là các quan tòa để có thể kết tội tao.

- Ta đã đề nghị Tybum cho mụ - Huân tước De Winter - tại sao mụ lại không muốn?

- Bởi tôi không muốn chết - Milady vừa hét lên vừa giãy giụa - Bởi tôi còn quá trẻ không chết được.

- Người đàn bà bà đã đầu độc ở Bêtuyn còn trẻ hơn bà đấy, thế nhưng người ấy đã chết rồi - D'Artagnan nói.

- Tôi sẽ vào nhà tu kín, tôi sẽ bắt mình đi tu? - Milady nói.

- Mụ đã từng ở trong một nhà tu kín - đao phủ nói - và mụ đã ra khỏi đó để làm hại em ta.

Milady kêu lên một tiếng hãi hùng và quỵ xuống.

Đao phủ xốc nách mụ lên và định lôi mụ xuống đò.

- Ôi, Chúa ơi - Mụ kêu lên - lạy Chúa! Các người định dìm chết ta ư?

Tiếng kêu đó cũng có đôi chút não lòng khiến D'Artagnan là người hăng hái nhất trong việc truy đuổi Milady, cũng thẫn thờ đến tựa vào một gốc cây, đầu cúi xuống, lấy hai tay bịt tai lại, thế nhưng, mặc dù làm vậy, chàng vẫn nghe tiếng mụ hăm dọa và kêu khóc.

D'Artagnan là người trẻ nhất trong tất cả bọn họ, nên không sắt đá nổi.

- Ôi! Tôi không thể nhìn cái cảnh tượng hãi hùng này! Tôi không thể bằng lòng với cảnh người đàn bà này chết như thế này?

Milady nghe thấy mấy câu nói đó, mụ lại lấy lại được chút tia hy vọng.

- D'Artagnan! D'Artagnan!- Mụ kêu lên - chàng nhớ là em đã yêu chàng chứ!

Chàng trai trẻ đứng lên và tiến một bước về phía mụ.

Nhưng Athos cũng đứng dậy, rút gươm ra chặn D'Artagnan lại và nói:

- D'Artagnan, nếu cậu tiến thêm một bước, chúng ta sẽ phải so gươm với nhau đấy.

D'Artagnan quỳ xuống và cầu nguyện.

- Thôi nào, đao phủ - Athos tiếp tục - làm phận sự của mình đi.

- Xin sẵn sàng, thưa Đức ông - đao phủ nói - bởi cũng đúng như việc tôi là một tín đồ Cơ đốc ngoan đạo, tôi tin tưởng vửng chắc rằng tôi rất chân chính khi hoàn thành chức năng của tôi đối với mụ đàn bà này.

- Tốt lắm.

Athos bước một bước lại phía Milady.

- Ta tha thứ cho bà - chàng nói - về cái ác bà đã làm đối với ta, ta tha thứ cho bà làm tương lai ta tan nát, hạnh phúc ta mất mát, tình yêu ta nhơ bẩn và sự cứu rỗi linh hồn ta mãi mãi bị tổn hại bởi nỗi tuyệt vọng mà bà đã ném ta vào. Hãy chết cho bình yên.

Đến lượt mình, Huân tước De Winter cũng tiến lên và nói:

- Ta tha thứ cho bà đã đầu độc anh trai ta, đã ám sát Quận công De Buckingham, ta tha thứ cho bà về cái chết của gã Felten tội nghiệp, ta tha thứ cho bà về những mưu đồ ám hại chính bản thân ta. Hãy chết cho bình yên.

- Còn tôi - D'Artagnan nói - xin bà hãy tha thứ cho tôi, đã dùng một ngón giảo quyệt không xứng với một nhà quý tộc, khiêu khích bà nổi giận, và đổi lại, tôi cũng tha thứ cho bà việc giết hại người bạn gái đáng thương của tôi và những sự trả thù tàn bạo của bà đối với tôi, tôi tha thứ cho bà và cũng khóc thương bà. Bà hãy chết bình yên.

- I am lost! - Milady lẩm bẩm bằng tiếng Anh - I must die(1).

Rồi mụ tự đứng dậy nhìn xung quanh với con mắt rực lửa.

Nhưng mụ không nhìn thấy gì hết.

Mụ lắng nghe, nhưng cũng không nghe thấy gì hết.

Mụ chỉ có xung quanh mình toàn là kẻ thù.

- Tôi sẽ chết ở đâu? - Mụ hỏi.

- Ở bờ sông bên kia - Đao phủ đáp.

Rồi đao phủ lôi mụ xuống đò, khi anh ta vừa bước chân xuống đò, Athos trao cho anh ta một số tiền.

- Cầm lấy - chàng nói - đây là tiền công hành quyết. Để cho mọi người thấy chúng tôi hành động như những quan tòa.

- Được thôi - đao phủ nói - và bây giờ để người đàn bà đến lượt mình cũng hiểu rằng không phải tôi hoàn thành một việc có tính chất nghề nghiệp mà là nghĩa vụ của tôi.

- Và hắn ta ném số tiền ấy xuống sông.

Đò xa dần sang bờ trái sông Litx, mang theo kẻ tội phạm và người hành quyết. Mọi người khác đều ở lại bên bờ phải và cùng quỳ xuông.

Con đò lướt đi chầm chậm theo dọc dây chăng qua sông của bến đò, dưới ánh phản quang của một đám mây nhợt nhạt lúc này đang chiếu xiên ngang mặt nước.

Thuyền đã cặp bờ bên kia, những bóng người in lên một màu đen trên nền chân trời màu đỏ nhờ.

Milady trong lúc sang sông đã cởi được thừng trói chân mình. Tới bờ này, mụ nhẹ nhàng nhảy lên bờ chạy trốn.

Nhưng đất ướt, lên hết dốc, mụ bị trượt chân ngã khuỵu xuông.

Một ý nghĩ mê tín chắc hẳn đã tác động mạnh đến mụ. Mụ hiểu rằng trời đã không dung mụ nữa, nên cứ ngồi nguyên như thế, đầu gục xuống và hai tay chắp lại.

Lúc đó, từ bờ kia nhìn sang mọi người thấy đao phủ từ từ nâng cao hai cánh tay lên, ánh trăng phản chiếu trên lưỡi đao rộng bản rồi hai cánh tay hạ xuống, người ta nghe thấy tiếng rít của lưỡi đao và tiếng kêu của nạn nhân, rồi một khối thịt mất đầu vật xuống.

Đao phủ liền cởi chiếc áo choàng đỏ trải ra đất, đặt thi thể nằm xuống, ném cái đầu vào, túm lại bốn góc khoác lên vai và bước xuống đò.

- Đến giữa dòng sông Litx, anh ta cho dừng đò lại, nâng cái bọc nặng lên trên mặt sông và hét lên rất to:

- Xin để cho Chúa phán xử!

Và anh ta buông cái xác cho rơi xuống đáy sông, và cho dòng nước khép lại.

Ba ngày sau, bốn chàng ngự lâm trở lại Paris, và vẫn còn trong thời hạn nghỉ phép. Ngay tối đó, như thường lệ, họ tới thăm ông De Treville.

- Thế nào? Các vị - Ông đại úy tử tế hỏi họ - các vị thỏa thích trong chuyến đi chơi xa chứ?

Athos thay mặt cho tất cả các bạn trả lời:

- Tuyệt diệu ạ!

Chú thích:(1) Mỗi người hầu giữ một bên cánh tay thì không thể đi trước mấy bước. mà chỉ có thể đl ngang nhau

(2) Tục lệ cổ của người Đức khi hành quyết đều hô lên tiếng đó. Nachrichter có nghĩa; "đây là kẻ đến sau quan tòa"

(3) Tiếng Anh có nghĩa: Ta thua rồi - ta phải chết thật rồi.

Alexandre Dumas

Ba người lính ngự lâm

Dịch giả: Nguyễn Bản

Kết luận.

Ngày mồng sáu tháng sau, giữ lời hứa với Giáo chủ rời khỏi Paris trở lại La Rochelle, nhà Vua ra khỏi kinh thành lúc còn rất đỗi bàng hoàng về tin tức vừa lan đến là Buckingham bị ám sát.

Cho dù đã được báo trước người đàn ông mình yêu biết bao gặp nguy hiểm. Hoàng hậu, khi người ta báo tin cái chết ấy, vẫn không chịu tin, lại còn bất cẩn kêu lên:

- Thất thiệt! Ông ấy vừa viết thư cho ta!

Nhưng hôm sau thì bà đành phải tin cái tin thảm khốc đó.

La Port cũng như mọi người khác bị giữ chân lại ở Anh theo lệnh của Vua anh Charles đệ nhất, đã trở về mang theo món quà cuối cùng, tang tóc mà Buckingham gửi cho Hoàng hậu.

Nhà Vua vui mừng khôn tả. Ông chẳng tội gì giấu giếm niềm vui, lại còn cố ý làm rùm beng trước mặt Hoàng hậu, Louis XIII giống như mọi con tim hẹp hòi khác, thiếu sự đại lượng.

Nhưng rồi nhà Vua lại trở nên u buồn và cáu bực ngay.

Vầng trán Ngài không thuộc những vầng trán rạng rỡ được lâu dài. Khi trở lại trận tuyến, Ngài cảm thấy sắp sửa lại phải sống lệ thuộc, tuy nhiên Ngài vẫn trở lại.

Giáo chủ đối với Ngài như con rắn biết thôi miên và Ngài là con chim chuyền từ cành này sang cành khác nhưng không thể thoát ra được.

Vì vậy việc trở lại La Rochelle buồn sâu sắc. Nhất là bốn người bạn, họ làm cho đồng đội phải ngạc nhiên. Họ đi bên nhau, đầu cúi xuống, mắt u sầu. Chỉ có Athos thỉnh thoảng ngẩng vầng trán rộng lên, mắt long lanh, một nụ cười chua chát lướt trên môi, rồi lại như các bạn mình, phó mặc cho những ý nghĩ mơ màng.

Đoàn hộ tống đi tới một thành phố, ngay sau khi hộ giá nhà Vua về tới nơi nghỉ lại, bốn người bạn lui về chỗ mình ở hoặc đến một tửu quán hẻo lánh nào đó, chẳng bài bạc cũng không chè chén mà chỉ nói nhỏ với nhau, chăm chú nhìn xem có ai để ý nghe mình nói không.

Một hôm nhà Vua dừng lại ở dọc đường nhìn chim ác là bay, bốn người bạn theo thường lệ, đáng lẽ đi săn cùng, đã dừng lại trong một tửu quán cạnh đường cái, một người đàn ông phi nước đại từ La Rochelle tới, dừng lại ở cửa để uống một cốc rượu vang, phóng mắt nhìn vào tận bên trong nơi bốn chàng đang ngồi tại bàn.

- Ô, ông D'Artagnan! - Hắn nói - chẳng phải ông, tôi đang thấy đó sao?

D'Artagnan ngẩng đầu lên và reo lên mừng rỡ. Cái con người mà chàng gọi là con ma của chàng ấy chính là cái thằng cha căng chú kiết ở Măng, ở phố Phu đào huyệt, và ở Arát.

D'Artagnan rút gươm và lao ra cửa.

Nhưng lần này thay vì chạy trốn, kẻ lạ mặt nhảy phắt từ ngựa xuống, và tiến đến đối mặt với D'Artagnan.

- Chà, thưa ông

D'Artagnan nói - cuối cùng thì tôi cũng gặp được ông, lần này thì ông không thoát nổi tôi đâu.

- Tôi cũng có ý ấy đâu thưa ông, bởi lần này, tôi tìm ông, nhân danh đức Vua, tôi bắt ông. Ông hãy trao gươm cho tôi, và không được chống cự, sẽ mất đầu đấy, tôi báo cho ông biết vậy.

- Vậy ông là ai? - D'Artagnan vừa hỏi vừa hạ gươm xuống, nhưng vẫn chưa trao.

- Tôi là hiệp sĩ De Rochefort - người lạ trả lời - tổng quản của Đức giáo chủ Richelieu, và tôi được lệnh áp giải ông đến chỗ Đức ông.

- Thưa ông hiệp sĩ, chúng tôi đang quay về bên chỗ Đức ông - Athos vừa nói vừa tiến lại - và ông sẽ chấp nhận lời hứa của ông D'Artagnan là ông ấy sẽ đi thẳng một mạch đến La Rochelle.

- Tôi phải giao ông ấy cho lính cận vệ để giải ông ấy về doanh trại.

- Chúng tôi sẽ làm cái việc ấy, thưa ông, xin lấy danh dự của các nhà quý tộc mà hứa đấy. Nhưng cũng xin lấy danh dự của các nhà quý tộc - Athos cau mày nói thêm - Ông D'Artagnan sẽ không rời khỏi chúng tôi đâu.

Hiệp sĩ De Rochefort liếc nhìn về phía sau đã thấy Porthos và Aramis đứng xen vào giữa hắn ta và cổng quán, nên hiểu rằng phải tuân theo bốn người đó.

- Thưa các vị - hắn nói - nếu ông D'Artagnan bằng lòng trao gươm cho tôi và cũng hứa như ông, tôi bằng lòng việc ông hứa dẫn ông D'Artagnan tới hành dinh của Đức ông Giáo chủ.

- Tôi hứa với ông như vậy - D'Artagnan nói - gươm của tôi đây!

- Thế thì càng tốt cho tôi - Rochefort nói thêm - tôi còn phải tiếp tục cuộc hành trình của tôi.

- Nếu là để gặp Milady - Athos lạnh lùng nói - sẽ vô ích thôi, ông sẽ không gặp lại được nữa đâu.

- Vậy bà ta ra sao rồi? - Rochefort vội hỏi.

- Cứ trở về doanh trại rồi ông sẽ biết.

Rochefort lặng lẽ đi một lát đăm chiêu. Rồi vì chỉ một ngày đường nữa là đến Xuyếcgie, nơi Giáo chủ đến yết kiến nhà Vua, hắn quyết định nghe theo lời khuyên của Athos và trở về cùng với họ.

Vả lại việc quay trở lại cũng có ích cho hắn, đó là hắn đích thân giám sát được tù nhân của mình.

Tất cả lại lên đường.

Hôm sau, ba giờ chiều, họ đến Xuyếcgie. Giáo chủ đợi Louis XIII ở đó. Thủ tưởng và nhà Vua cực lực ve vuốt tán dương nhau, về dịp may ngẫu nhiên khiến nước Pháp rũ bỏ được một kẻ thù cuồng nhiệt đang xúi bẩy cả châu Âu chống lại mình. Sau đó, Giáo chủ vì đã được Rochefort báo cho biết D'Artagnan đã bị bắt giữ, vội đến gặp chàng, nên đã xin cáo từ nhà Vua và mời nhà Vua ngày mai đến khánh thành công trình xây dựng con đê.

Chiều tối, lúc trở về hành dinh ở Cầu Đá, Giáo chủ thấy D'Artagnan đứng trước cổng ngôi nhà ông ở, không gươm, cùng với các bạn mình đều vũ trang đầy đủ.

Lần này, vì ông đang ở thế mạnh, ông nghiêm khắc nhìn họ và giơ tay, liếc mắt ra hiệu cho D'Artagnan đi theo mình.

D'Artagnan tuân theo.

- Chúng mình đợi cậu đấy, D'Artagnan - Athos cố tình nói to để Giáo chủ nghe thấy.

Giáo chủ cau mày, dừng lại một lát, rồi lại đi tiếp không nói một lời.

D'Artagnan theo sau giáo chủ đi vào, và cửa được canh giữ ngay.

Giáo chủ đi vào căn phòng dùng làm phòng làm việc và ra hiệu cho Rochefort dẫn D'Artagnan vào.

Rochefort vâng lời và rút lui.

Còn lại một mình D'Artagnan trước mặt Giáo chủ. Đây là cuộc gặp mặt lần thứ hai với Rochefort và chàng tự thú nhận chàng đã tin chắc đây là cuộc gặp gỡ cuối cùng.

Rochefort vẫn đứng tựa người vào lò sưởi, một chiếc bàn kê giữa ông ta và D'Artagnan.

- Này ông, - Giáo chủ nói - ta đã ra lệnh bắt ông.

- Thưa Đức ông, người ta đã bảo tôi vậy.

- Ông có biết tại sao không?

- Không, thưa Đức ông, bởi điều duy nhất khiến tôi có thể bị bắt giữ, Đức ông còn chưa biết.

Richelieu chăm chăm nhìn chàng trai trẻ:

- Ra thế, thế nghĩa là thế nào?

- Mong Đức ông vui lòng cho tôi biết trước những tội mà người ta buộc cho tôi, tôi sẽ nói những việc tôi đã làm sau.

- Người ta buộc ông những tội mà ngay cả những người có địa vị cao hơn cả ông cũng phải mất đầu đấy! - Giáo chủ nói.

- Thưa Đức ông, là những tội gì?

D'Artagnan hỏi với thái độ bình tĩnh khiến Giáo chủ cũng phải kinh ngạc.

- Người ta đã buộc tội ông đã thông đồng với kẻ thù của vương quốc, buộc tội ông đã làm lộ bí mật quốc gia, buộc tội ông toan làm thất bại những kế hoạch đại tướng của ông.

- Và ai buộc tội tôi như thế thưa Đức ông? D'Artagnan nói - Và ngờ rằng đó là do Milady - một con đàn bà bị công lý của đất nước đóng dấu chín, một con đàn bà đã cưới một người đàn ông ở Pháp, và một người khác ở Anh, một con đàn bà đã đầu độc người chồng thứ hai và toan tính đầu độc chính tôi ư?

- Ông nói gì thế? - Giáo chủ ngạc nhiên kêu lên - Và ông đang nói về mụ đàn bà nào thế?

- Về Milady de Winter - D'Artagnan trả lời - Vâng, về Milady de Winter, mà chắc hẳn Đức ông không biết mọi tội ác của mụ khi mà mụ ta có vinh dự được hưởng sự tin cẩn của ngài.

- Này ông, Giáo chủ nói - nếu Milady de Winter phạm những tội ác như ông nói, mụ ta sẽ bị trừng phạt.

- Thưa Đức ông, mụ đã bị trừng phạt rồi!

- Ai đã trừng phạt mụ.

- Chúng tôi.

- Mụ ở trong tù à?

- Mụ đã chết.

- Chết! - Giáo chủ nhắc lại, chưa tin nổi những gì mình nghe thấy - Chết ư? Ông không nói mụ ta chết đấy chứ?

- Ba lần mụ định giết tôi, và tôi đã tha thứ cho mụ. Nhưng mụ đã giết người đàn bà tôi yêu. Thế là các bạn tôi và tôi, đã bắt, xét xử và kết án mụ.

D'Artagnan liền kể lại việc đầu độc bà Bonacieux trong nữ tu viện Cácmel ở Bêtuyn, việc xét xử trong ngôi nhà hẻo lánh, việc hành quyết bên bờ sông Litx.

Giáo chủ đâu phải là người dễ rùng mình, vậy mà người cứ run lên.

Nhưng rồi bất ngờ một ý nghĩ thầm kín nảy sinh trong ông, Giáo chủ cho tới lúc này vẫn sa sầm, dần dần rạng rỡ lên, rồi hoàn toàn trong sáng hơn bao giờ hết.

- Như vậy là - Giáo chủ nói bằng một giọng dịu dàng trái hẳn với tính chất nghiêm khắc của câu nói - các ông tự cho mình là quan tòa, không nghĩ rằng những kẻ nào không có nhiệm vụ trừng phạt mà lại đi trừng phạt đều là những kẻ sát nhân!

- Thưa Đức ông, tôi xin thề với ngài rằng không giây phút nào, tôi có ý định chống lại ngài để giữ lấy cái đầu tôi. Đức ông muốn trừng phạt tôi thế nào, tôi cũng chịu. Tôi có thiết sống lắm đâu mà sợ chết.

- Phải, ta biết điều đó, ông là một con người dũng cảm - Giáo chủ nói bằng một giọng gần như trìu mến - ta có thể nói trước với ông rằng ông sẽ bị xét xử, bị kết án nữa đấy.

- Một kẻ khác đã có thể đảm bảo với Đức ông rằng hắn ta có lệnh đặc xá ở trong túi mình. Còn tôi, tôi vui lòng nói với ngài rằng xin Đức ông cứ ra lệnh, tôi đã sẵn sàng.

- Đặc xá ông? – Richelieu kinh ngạc nói.

- Vâng, thưa Đức ông - D'Artagnan nói.

- Và ai ký, nhà Vua ư? - và Giáo chủ thót lên câu nói ấy với vẻ miệt thị khác thường.

- Đức ông hẳn nhận ra chữ ký của ngài.

Và D'Artagnan đưa cho Giáo chủ mẩu giấy quý giá mà Athos đã tước được của Milady, và chàng đã đưa cho D'Artagnan dùng làm bùa hộ mệnh.

Đức ông cầm mẩu giấy và chậm rãi đọc, nhấn mạnh vào từng vần:

"Theo lệnh của ta và vì quyền lợi quốc gia, người mang giấy này đã làm điều người ấy phải làm.

3 tháng 12, 1672.

Richelieu"

Đọc xong hai dòng chữ ấy, Giáo chủ như rơi vào một giấc mơ sâu thẳm, nhưng không trả lại mẩu giấy cho D'Artagnan.

"Ông ta đang suy nghĩ xem dùng cực hình gì đối với ta đây - D'Artagnan tự nhủ thầm. Được thôi, ta thề là ông ta sẽ thấy một nhà quý tộc chết như thế nào"

Chàng lính ngự lâm trẻ tuổi đã suy tính rất tuyệt để chết một cách anh hùng.

Richelieu vẫn suy nghĩ, cuộn vào rồi lại giở ra tờ giấy trong tay. Cuối cùng ông ngẩng đầu, trừng trừng đôi mắt chim ưng nhìn vào khuôn mặt trung trực, cởi mở, thông minh, đọc trên khuôn mặt ròng ròng nước mắt ấy những đau khổ mà anh ta phải chịu từ một tháng nay, và lần thứ ba hay thứ tư gì đó, ông lại nghĩ rằng thằng bé hai mốt tuổi này hẳn có tương lai biết mấy, và sự năng động của nó, lòng dũng cảm của nó, trí tuệ của nó sẽ cống hiến biết bao kế sách cho một người chủ tốt.

Mặt khác, tội ác, quyền lực, và thiên tài yêu quái của Milady từng đã nhiều lần làm ông hoảng sợ. Ông cảm thấy như có một niềm vui thầm kín mãi mãi rũ bỏ được kẻ đồng mưu nguy hiểm đó.

Ông chậm rãi xé tờ giấy mà D'Artagnan đã hào hiệp trao cho ông.

"Ta toi rồi" - D'Artagnan tự nhủ.

Và chàng cúi gập đầu trước Giáo chủ, như bảo ông: "Đức ông, ý của ngài đã được mãn nguyện!".

Giáo chủ lại gần bàn, không ngồi, ghi thêm mấy dòng vào một tờ giấy đã viết kín đến hai phần ba rồi áp dấu.

"Đây là bản án của mình đây - D'Artagnan thầm nói - Ông ta tha cho mình vào ngục Bastille và việc lề mề xét xử. Cũng là tiện cho ông ta!".

- Cầm lấy - Giáo chủ nói với chàng trai trẻ - ta lấy mất của ông tờ giấy khống chỉ, ta trả lại ông một tờ khống chỉ khác.

Chưa có tên trên tờ chứng chỉ đó đâu, để tự ông sẽ điền vào.

D'Artagnan lưỡng lự cầm tờ giấy và liếc mắt nhìn qua.

Đó là giấy phong hàm trung úy ngự lâm quân.

D'Artagnan quỳ xuống chân Giáo chủ nói:

- Thưa Đức ông, sinh mệnh tôi thuộc về ngài. Từ nay xin tùy ngài sắp xếp, nhưng ân tình mà ngài ban cho tôi, tôi không xứng đáng đâu, tôi có ba người bạn đều xứng đáng và cao quý hơn tôi.

- Ông là một chàng trai trung hậu, D'Artagnan - Giáo chủ ngắt lời, thân mật vỗ vai chàng, sung sướng vì đã chinh phục được cái bản chất bất trị ấy - Ông thích thế nào thì cứ làm như thế. Có điều hãy nhớ rằng, tuy tên còn để trống, nhưng là ta cho ông đấy.

- Tôi sẽ không bao giờ quên - D'Artagnan đáp.

- Đức ông có thể tin chắc như vậy.

Giáo chủ quay lại và lớn tiếng gọi:

- Rochefort!

Hiệp sĩ hẳn vẫn ở đằng sau cánh cửa liền vào ngay.

- Rochefort! - Giáo chủ nói - Ông xem ông D'Artagnan này, ta đã nhận ông ta vào số những bạn bè của ta. Vậy hãy ôm hôn nhau, và hãy khôn ngoan nếu muốn giữ vững cái đầu.

Rochefort và D'Artagnan ôm hôn nhau qua quýt chút đầu môi, nhưng Giáo chủ vẫn đứng đó đang quan sát họ bằng con mắt soi mói.

Họ ra khỏi phòng cùng một lúc.

- Chúng ta còn gặp nhau, phải không ông?

- Khi nào ông thích - D'Artagnan nói.

- Chắc sẽ có dịp thôi - Rochefort trả lời.

- Hả? – Richelieu mở cửa ra hỏi.

Hai người mỉm cười, bắt tay nhau và chào Giáo chủ.

- Bọn mình bắt đầu sốt ruột rồi đấy - Athos nói.

- Tôi đây mà, các bạn! - D'Artagnan trả lời - không những được tự do mà còn được ân sủng nữa.

- Cậu sẽ kể cho bọn mình nghe chứ?

- Ngay tối nay.

Quả vậy, ngay tối ấy, D'Artagnan trở về lều Athos, thấy chàng đang uống cạn chai vang Tây Ban Nha, một việc mà tối tối chàng đều thành kính hoàn thành.

D'Artagnan kể lại mọi chuyện xảy ra giữa Giáo chủ và mình rồi rút trong túi ra cái chứng chỉ và nói:

- Anh cầm lấy, anh Athos thân mến, cái đó rất hợp với anh.

Athos mỉm một nụ cười hiền hậu và duyên dáng:

- Anh bạn ơi - chàng nói - với Athos thế quá nhiều, với Bá tước de la Fe, lại là quá ít - cậu cứ giữ lấy cái giấy chứng chỉ đó, nó thuộc về cậu. Than ôi! Lạy chúa? Cậu đã phải mua nó khá đắt rồi.

D'Artagnan ra khỏi phòng Athos và vào phòng Porthos, chàng thấy Porthos ăn mặc rất lộng lẫy, áo quần đầy những đường thêu rực rỡ và đang soi mình trước gương.

- Chà, chà! - Porthos nói - cậu đấy à, bạn thân mến! Cậu thấy bộ quần áo này có hợp với mình không?

- Tuyệt lắm! - D'Artagnan nói - nhưng tôi đến để đề nghị với anh một bộ quần áo còn hợp với anh hơn kia.

- Quần áo nào? - Porthos hỏi.

- Quân phục của trung úy ngự lâm quân!

D'Artagnan kể cho Porthos cuộc hội kiến với Giáo chủ và rút tờ chứng chỉ từ trong túi ra:

- Cầm lấy, Porthos thân mến, anh hãy ghi tên anh vào đấy, và anh hãy là chỉ huy tất của tôi.

Porthos đưa mắt đọc tờ chứng chỉ rồi trả lại cho D'Artagnan làm chàng hết sức ngạc nhiên.

- Đúng - Porthos nói - cái đó tôn mình lên rất nhiều nhưng mình sẽ chẳng có đủ thời gian lâu dài để hưởng cái ân huệ ấy đâu. Trong thời gian chúng ta viễn chinh tới Bêtuyn, ông chồng của bà Công tước của mình đã chết, thành thử cái két bạc của người quá cố đang dang hai tay đón mình, bạn thân mến ạ, mình sẽ cưới bà góa ấy. Coi đây, mình đang thử quần áo cưới mà, hãy giữ lấy chức trung úy, bạn thân mến. Giữ lấy.

Và Porthos trả lại cho D'Artagnan.

Chàng trai trẻ lại vào phòng Aramis.

D'Artagnan thấy chàng đang quỳ trước ghế đọc kinh, trán tựa vào cuốn sách kinh đã mở.

D'Artagnan kể cho chàng nghe cuộc gặp gỡ với Giáo chủ, và lần thứ ba rút tờ chứng chỉ từ trong túi ra và nói:

- Anh, người bạn của tất cả chúng tôi, ánh sáng của chúng tôi, người che chở vô hình của chúng tôi, anh hãy nhận cái chứng chỉ này, anh xứng đáng với nó hơn bất kỳ ai bởi sự thông thái của anh và những lời khuyên của anh luôn luôn đem theo những thành công may mắn.

- Ôi chao! Bạn thân mến - Aramis nói - cuộc phiêu lưu cuối cùng của chúng ta đã làm tôi hoàn toàn chán ngán sự đời và gươm giáo rồi. Lần này, ý nguyện của tôi không thể lay chuyển nữa. Sau cuộc vây hãm thành La Rochelle này, tôi sẽ vào giáo đoàn truyền giáo(1). Hãy giữ lấy cái chứng chỉ đó, D'Artagnan, nghề binh đao phù hợp với cậu, cậu sẽ trở thành một đại úy can trường và bất chấp mọi hiểm nguy.

D'Artagnan rơm rớm nước mắt tỏ lòng biết ơn và rạng rỡ vui mừng, trở lại chỗ Athos, thấy chàng vẫn ngồi bàn và đang soi cốc rượu Malaga cuối cùng trước ánh đèn.

- Thế đấy? Họ cũng vậy, đều từ chối tôi cả?

- Chính là vì không ai xứng đáng với nó hơn cậu, bạn thân mến ạ.

Và Athos cầm một chiếc bút ghi tên D'Artagnan lên tờ chứng chỉ rồi trao cho chàng.

- Vậy tôi sẽ không còn có bạn bè nữa - chàng trai trẻ nói - Ôi thôi! Không còn gì nữa, chỉ còn những kỷ niệm cay đắng…

Rồi chàng gục đầu vào hai lòng bàn tay, nước mắt ròng ròng trên hai gò má.

- Cậu còn trẻ - Athos trả lời - và những kỷ niệm cay đắng của cậu sẽ có đủ thời gian để đổi thành những kỷ niệm ngọt ngào!

Chú thích:(1) Lazaristes: giáo đoàn của các giáo sĩ đi truyền đạo ở khắp nơi.

Alexandre Dumas

Ba người lính ngự lâm

Phần chót.

La Rochelle, mất đi sự cứu trợ của hạm đội Anh và của sư đoàn mà Buckingham đã hứa hẹn, đã đầu hàng sau một năm bị vây hãm. Ngày 28 tháng mười năm 1628, người ta ký kết đầu hàng.

Nhà Vua trở về Paris ngày 23 tháng mười hai năm ấy.

Người ta tổ chức lễ khải hoàn như thể vừa chiến thắng quân thù chứ không phải thắng người Pháp. Nhà Vua đi vào ngoại ô Thánh Giắc qua những cổng chào xanh rờn hoa lá.

D'Artagnan đã nhận chức vụ của mình, Porthos giải ngũ và năm sau cưới bà Coquenard, cái két sắt thèm thuồng bấy lâu nay chứa những tám trăm ngàn quan.

Mousqueton được nhận một bộ chế phục lộng lẫy, và lấy làm thỏa mãn vì đã thực hiện được cái tham vọng suốt đời là được trèo lên phía sau một cỗ xe mạ vàng.

Aramis, sau một chuyến du hành đến Loren, bất ngờ biến mất và thôi không viết thư cho bạn bè. Mãi sau, do bà De Chevreuse nói cho hai ba người tình của bà, mới biết chàng đã thụ giáo ở tu viện Năngxy.

Bazin trở thành thầy dòng.

Athos vẫn ở lại ngự lâm quân dưới quyền chỉ huy của D'Artagnan đến năm 1631, sau một chuyến du lịch đến Loren, chàng cũng rời quân ngũ mượn cớ vừa được thừa hưởng một gia tài nhỏ ở Rutxiông.

Grimaud đi theo Athos.

D'Artagnan ba lần đấu với Rochefort và cả ba lần đều làm ông ta bị thương.

- Có thể lần thứ tư tôi sẽ giết ông đấy - chàng vừa bảo ông ta vừa đưa tay nâng dậy.

- Vậy thì sẽ tốt hơn cho cả ông lẫn cả tôi là chúng ta dừng lại ở lần này thôi - người bị thương trả lời - Mẹ kiếp! Tôi là bạn ông hơn là ông nghĩ đấy, bởi ngay từ lần đầu chạm trán với ông, tôi chỉ cần nói với Giáo chủ một câu là ông đã có thể bị chặt đầu rồi.

Lần này họ ôm hôn nhau, nhưng thật lòng và không một chút ẩn ý.

Planchet nhận được ở Rochefort chức đội trưởng trong đội cận vệ.

Ông Bonacieux sống rất bình yên, hoàn toàn không biết vợ mình đã ra sao, và cũng chẳng quan tâm mấy đến việc đó. Một hôm ông ta bất cẩn đi nhắc lại việc đó với Giáo chủ. Giáo chủ trả lời ông ta rằng Ngài sắp chu cấp cho ông ta để từ nay sẽ không bao giờ thiếu thốn cái gì nữa.

Quả nhiên, ngày hôm sau, bẩy giờ tối, ông Bonacieux ra khỏi nhà để đi đến điện Louvre, rồi không bao giờ thấy xuất hiện lại ở phố Phu đào huyệt nữa. Theo giới thạo tin thì ông đã được nuôi dưỡng và cư trú ở một vương phủ nào đó do Đức ông hào phóng tài trợ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.