Ba Đường Luân Hồi

Quyển 1 - Chương 29




Dịch Táp bấm số di động của Tỉnh Tụ.

Điện thoại của Tỉnh Tụ luôn gắn kết với công việc, nhạc chuông là một đoạn tiếng Trung và tiếng Anh giới thiệu về dịch vụ mát xa, hơn nữa còn là tiếng Trung trước.

Xem ra tuy ở nước ngoài nhưng tiếp khách vẫn phần đông là người Trung Quốc.

Tỉnh Tụ nghe máy: “Hello?”

Dịch Táp nói: “Cô Tỉnh phải không, có một người bạn giới thiệu cô cho tôi, gần đây cơ thể tôi không thoải mái lắm, muốn lên lịch hẹn dịch vụ mát xa toàn thân phục vụ tận nơi.”

Tỉnh Tụ rất hảo sảng: “Miễn là khách sạn hai sao trở lên trong nội thành đều không thành vấn đề, khi nào ạ?”

Dịch Táp ra bên ngoài ngó mặt trời: Đã là ban chiều, nếu cô tranh thủ thời gian đi không ngừng nghỉ thì hẳn có thể tới Xiêm Riệp vào buổi tối.

“Tối nay được không?”

Tỉnh Tụ đáp: “Cô đợi chút.”

Trong ống nghe truyền tới tiếng lật trang giấy xột xoạt, Tỉnh Tụ như đang xem xét: “… Chiều nay tôi có một cái hẹn, còn một cái nữa lúc sáu giờ, buổi tối sau tám giờ thì có lẽ là được.”

Thời gian khá dư dả, Dịch Táp ừ một tiếng: “Vậy tôi gửi địa chỉ cho cô sau nhé.”

Cúp máy, Dịch Táp suy nghĩ xem chuyến đi này phải chuẩn bị những gì.

Ngoài cửa đúng lúc có một chiếc thuyền ba lá chạy qua, đuôi thuyền mang theo vệt nước lóe lên sắc vàng kim.

Người chèo thuyền cất tiếng chào cô: “Isa, cô coi nhà bác sĩ Trần thành nhà mình rồi hử?”

Là Ma Cửu, ngày thường, lão chèo thuyền bắt cá kiếm sống, lén lút đưa người vượt biên, năm ấy, Ô Quỷ chuyển được sang đây cũng có công của lão.

Lão quen gọi Trần Hói một cách tôn kính là bác sĩ Trần, bởi Trần Hói mở phòng khám, người mở phòng khám phải gọi là doctor, gọi “bác sĩ” nghe càng oách hơn (*).

(*) Ở đây cần phải giải thích một chút, người Trung không dùng chữ “bác sĩ – 博士 [bóshì]” để gọi người hành nghề y như bên mình mà thường gọi là “y sinh – 医生” hoặc “đại phu – 大夫”, “bác sĩ” thường dùng để chỉ người có học vị cấp cao nhất (tiến sĩ). Tuy nhiên trong tiếng Anh, “doctor” lại mang cả hai nghĩa đó. Thế nên ở đây là Ma Cửu dịch “doctor” của tiếng Anh sang “bác sĩ” của tiếng Trung, cảm thấy như vậy nghe oách hơn là “y sinh” hay “đại phu”, có thể tạm hiểu giống như trong tiếng Việt, gọi “bác sĩ” thì sang hơn gọi “thầy thuốc” vậy.

Dịch Táp vẫy tay gọi Ma Cửu, đợi lão đến gần, cô rút hai tờ mười đô la trong ví ra đưa cho lão rồi ra hiệu về phía Ô Quỷ cách đó không xa: “Lão đưa nó đến chỗ chị Hương hộ tôi.”

Ma Cửu nở nụ cười khoa trương: “Chao, Isa, cô phát tài rồi hả, đường ngắn tí mà cho nhiều thế!”

Dịch Táp cũng cười: “Lão nghĩ hay đấy, đây là tiền cọc.”

Rồi thấp giọng: “Tôi phải đi xa một chuyến, khả năng sẽ về nước, lão đợi điện thoại của tôi, lỡ có việc cần…”

Cô nháy mắt: “Cũng gửi nó về thăm quê một bữa.”

Ma Cửu bừng tỉnh: “Hiểu rồi…”

Lão liếc nhìn Ô Quỷ: “Khách tha phương nhớ quê đúng là nên thường xuyên về quê thăm một bữa.”

***

Tỉnh Tụ xách cái túi to, đi ra đầu phố vẫy xe tuk tuk.

Vốn dĩ hôm nay chỉ còn hai cái hẹn, đột nhiên lại thêm một cái nữa, khi ấy thuận miệng nhận lời, về sau lại hơi hối hận – không nên xếp lịch dày như vậy, khách hàng thường hay có mấy “trò quỷ”, chẳng may ca trước có tình huống gì thì mấy ca sau lại không thể đúng giờ.

Có chiếc tuk tuk đỗ lại trước mặt Tỉnh Tụ, cô lên xe rồi, bỗng liếc thấy cái xe vừa rẽ ngoặt đầu phố, lại vội vàng bước xuống, sau đó xua tài xế đi: “Anh đi đi, không ngồi nữa.”

Tài xế mất vui: “Này, cô…”

Tỉnh Tụ chỉ chiếc xe đang đi tới: “Bạn tôi kia rồi…”

Nói xong còn giơ tay vẫy vẫy về phía bên đó: “Ê, A Phạ! A Phạ!”

Có vẻ là bạn thật, ủng hộ bạn làm ăn là chuyện hiển nhiên, tài xế chẳng thể làm gì, phạch phạch lái xe rời đi.

Đầu bên này, A Phạ miễn cưỡng chạy tới: “Cái giề.”

Tỉnh Tụ ném cái túi to vào xe, nắm lấy gióng xe trèo lên: “Nhóc con, tôi ủng hộ cho cậu, cậu còn lên mặt ông lớn thế hả!”

***

Sau khi Tông Hàng mất tích, Tỉnh Tụ mới quen thân với A Phạ.

Vì cả hai đều là nhân vật chủ chốt trong vụ án, một là người nhìn thấy Tông Hàng cuối cùng, một là người uống rượu suốt buổi tối với hắn trước khi hắn mất tích – trở thành khách quý của đồn cảnh sát, bị “thăm hỏi” nhiều lần cũng là chuyện nằm trong dự liệu.

Sau đấy, A Phạ xin thôi việc, bảo rằng muốn tự mình tìm cách, nhất định phải nghe ngóng được ít tin tức của cậu chủ, Tỉnh Tụ khuyên cậu không nên từ bỏ công việc ổn định, cậu lập giậm chân với cô.

Vừa giậm vừa khóc: “Tôi có cách nào chứ? Tôi dẫn cậu chủ ra ngoài, một lần thì bị đánh suýt chết, một lần thì tìm chẳng thấy. Tôi còn sống tiếp được sao?”

Tỉnh Tụ nghe mà bực mình: A Phạ thật ra còn khó bảo hơn cả Long Tống, lại còn nhỏ tuổi, tính tình thì thẳng đuột.

Cho nên cô chỉ có thể giúp A Phạ trong khả năng cho phép: chẳng hạn như ưu tiên ngồi xe của cậu, thỉnh thoảng nhìn thấy trên đường, thậm chí không cần đi xe cũng sẽ ngồi một đoạn.

Cô không biết kỳ thực A Phạ gai mắt với mình như vậy là bởi đám người chạy xe tuk tuk vẫn luôn suy nghĩ theo chiều hướng hạ lưu mà châm chọc cậu, hỏi cậu “Có gian tình với cô ả mát xa kia đúng không?”, bảo “A Phạ, mày còn nhỏ thế, con ả kia hình như hơi dừ so với mày đó”.

A Phạ tức chết đi được, cảm thấy xui tận mạng, chẳng được việc gì suôn sẻ, lại chẳng biết nên làm thế nào, thế nên ngày nào cũng quàu quạu y như một con nhím, vớ được ai là đâm người ấy.

Tỉnh Tụ chỉ xem như A Phạ còn nhỏ, không chấp nhặt với cậu ta, có cơ hội lại muốn khuyên cậu đôi câu: Hiện giờ muốn tìm một công việc ổn định khó bao nhiêu, nếu ông chủ đã không mở miệng sa thải cậu thì cậu nghỉ trước làm gì.

A Phạ hỏi địa chỉ cô muốn đi rồi quay đầu xe.

Vóc người cậu nhỏ bé, vai cũng gầy nhom, thật sự chẳng nên gắng gượng gánh lấy những trách nhiệm đó.

Tỉnh Tụ hỏi cậu: “Nghe ngóng được gì chưa?”

A Phạ mất kiên nhẫn: “Chưa.”

Tỉnh Tụ bình thản: “A Phạ này, tôi với Tông Hàng là bạn bè, tôi cũng lo cho cậu ấy, nhưng có những việc không thể dựa vào suy nghĩ chủ quan được, truyền thông quan tâm nhiều như vậy, bao nhiêu cảnh sát đang điều tra, đại sứ quán đã đứng ra, bố Tông Hàng đã treo tiền thưởng lên tới trăm vạn rồi, đến giờ vẫn không có kết quả, cậu cứ tìm loạn như ruồi mất đầu thế này cũng chẳng ích gì…”

A Phạ ngắt lời cô: “Cô thì biết gì chứ? Tôi đã xem rất nhiều phim hình sự, có những chuyện không vội được, phải từ từ. Với lại, không phải người Trung Quốc các cô nói có chí thì nên à…”

A Phạ lớn lên trong một gia đình người Hoa, cũng biết trích dẫn vài câu tục ngữ Trung Quốc chính gốc.

Tỉnh Tụ bị A Phạ chẹn họng, vừa bực mình vừa buồn cười, lại ít nhiều ngưỡng mộ cậu ta: Cũng chính vì cậu còn nhỏ, có nhiệt huyết, nên mới có những kích động thiếu thực tế nhưng dũng cảm tiến thẳng về phía trước như vậy.

Trái lại bản thân mình có phải hơi lạnh lùng quá rồi không: ngoài than thở với thương tiếc ra, hình như cũng chưa từng làm gì cho Tông Hàng.

Cô nói: “Phải, có chí thì nên, cơ mà kẻ có chí cũng phải ăn cơm chứ, công việc ở khách sạn tốt xấu gì cũng đảm bảo…”

A Phạ nín thinh, cậu biết Tỉnh Tụ nói đúng: chạy tuk tuk không dễ kiếm cơm, ở Xiêm Riệp, tuk tuk còn nhiều hơn cả khách, đôi khi khách chỉ có một mà phải có đến bốn, năm xe tranh giành, người ăn không đủ no luôn phải bận lòng bởi những chuyện cơm áo gạo tiền, ý chí quả thực sẽ mai một…

Nhưng người vẫn đang trong thời kỳ tâm tính thiếu niên, đụng phải tường cũng muốn khoe đôi câu cứng đầu, cậu lại dùng giọng điệu kiên cường đáp trả Tỉnh Tụ: “Lắm chuyện, cô tự lo cho mình đi ấy.”

A Phạ khiến Tỉnh Tụ tức đến phì cười: “Tôi làm sao?”

“Đến cậu chủ cũng có thể mất tích trên đường lớn, chứng tỏ xã hội phức tạp, khách của cô cũng phức tạp, như cô gọi là người làm nghề có nguy cơ nguy hiểm cao, vậy mà vẫn còn lòng dạ nói tôi, tự lo cho mình trước đi.”

Ranh con, ngậm miệng mở miệng còn bàn đến “xã hội phức tạp” cơ đấy, Tỉnh Tụ hừ mũi một tiếng: “Bọn tôi có phải mát xa đen đâu, nhận đơn hàng có nguyên tắc, địa chỉ phải là khách sạn hai sao trở lên trong nội thành.”

A Phạ ngửa đầu lên trời cười khan ba tiếng “Ha, ha, ha” rồi bảo: “Hai sao trở lên thì sao? Kẻ xấu không ở khách sạn chắc?”

***

Chẳng biết có phải bị ảnh hưởng bởi lời nói của A Phạ không, lúc vào thang máy, trong lòng Tỉnh Tụ hơi gai gai.

Nguyên nhân cũng bởi khách sạn này rất cũ, là nơi cư trú đầu tiên cho du khách người Hoa tại Xiêm Riệp, bày trí thiên về phong cách cổ xưa, đèn cảm ứng trong hành lang lúc được lúc không, thang máy khi chạy kêu ken két, cứ như thể sắp gặp sự cố đến nơi, chẳng qua ỷ vào có thâm niên, có nhiều cửa nên miễn cưỡng lên được hai sao.

Theo kinh nghiệm trước kia, khách nơi này cũng chẳng khá khẩm mấy, nào ép giá, kéo dài thời gian, còn không ít kẻ hay táy máy tay chân, nếu người hẹn không phải là một phụ nữ thì Tỉnh Tụ đã từ chối thẳng rồi.

Ra khỏi thang máy, thời gian vừa đúng, Tỉnh Tụ đi dọc theo hành lang tìm số phòng. Tìm được phòng 218, đang định giơ tay gõ cửa thì cánh cửa phòng đối diện đằng sau lặng lẽ mở ra.

Có người phụ nữ gọi cô: “Tỉnh Tụ?”

Quá đột ngột, Tỉnh Tụ giật hết cả mình, ngơ ngác ngoảnh đầu lại.

Bên trong cửa phòng đối diện rất tối, hẳn là kéo rèm che ánh sáng, cửa chỉ mở một khoảng bằng bàn tay, người phụ nữ bọc mình trong bóng tối, mái tóc phần nào che khuất mặt – Tỉnh Tụ không nhìn rõ được mặt mũi chị ta, chỉ loáng thoáng đoán được là một người phụ nữ trung niên, trạng thái không ổn lắm, có vẻ rất mệt mỏi.

Sao người phụ nữ này lại biết tên cô mà gọi nhỉ? Tỉnh Tụ nhìn tấm biển phòng 218 rồi ngoảnh đầu nhìn chị ta, có chút không hiểu ra sao.

Cô ta nói chuyện rất nhã nhặn: “Là tôi gọi điện thoại hẹn cô, ban đầu ở phòng 218, nhưng bồn cầu phòng ấy không xả được nước nên chuyển sang phòng này.”

“Tôi quên mất không báo lại với cô, về sau nhớ ra, xem thời gian thấy cô cũng sắp đến rồi nên nghĩ gặp trực tiếp rồi nói cũng được.”

Vậy à, Tỉnh Tụ nở nụ cười: “Thiết bị trong khách sạn này cũ thật đấy.”

Người phụ nữ cũng cười, lùi vào trong một bước, mở cửa ra.

Trong phòng rất tối, ban ngày ban mặt mà che kín như bưng, bật mỗi một bóng đèn vàng trên tường.

Có điều cũng chẳng hiếm những khách hàng tính tình cổ quái kỳ quặc, Tỉnh Tụ sớm đã quen.

Vào phòng, trước tiên Tỉnh Tụ đặt túi xách lên bàn trà, lấy từng món đồ nghề và trang phục mát xa ra, vô tình ngước mắt, bắt gặp người phụ nữ đứng cách đó không xa đang quan sát cô từ trên xuống dưới.

Tỉnh Tụ hơi lúng túng, nói thật, cô có rất nhiều chiêu trò đối phó với đàn ông, nhưng ở cùng với khách nữ thì lại luôn cảm thấy hơi mất tự nhiên.

Cô chỉ cái áo choàng tắm dài tay liền thân rộng rãi mà người phụ nữ đang mặc: “À… Kiểu trang phục này không thuận tiện làm mát xa lắm, đều là phụ nữ cả, nếu chị không ngại thì mặc đồ lót là được.”

Cuối cùng Tỉnh Tụ cũng nhìn rõ được người phụ nữ này: gầy gò, tiều tụy y như que củi, dưới mái tóc dài phất phơ là một khuôn mặt xanh xao, ánh mắt ảm đạm, giống như lúc nào cũng mất hồn mất vía.

Vừa nhìn đã biết là khí huyết không lưu thông, cần năng làm mát xa toàn thân.

Cô ta cúi đầu nhìn quần áo của mình: “Trước đây tôi từng bị thương, trên người có sẹo, sợ làm cô sợ.”

Tỉnh Tụ vội lắc đầu: “Không đâu, không đâu, thực tế da bị thương khác với da lành lặn, khi làm mát xa, lực tay càng phải phân rõ nặng nhẹ, tốt nhất nên để tôi xem.”

Dứt lời lại cảm thấy lúng túng, cảm thấy tuy thái độ của người phụ nữ này điềm đạm, nhưng mình đứng trước chị ta vẫn không khỏi không thoải mái cho lắm.

Vẫn nên mau chóng vào chủ đề chính đi thôi, xong việc càng sớm càng tốt, cô chỉ vào phòng tắm: “Tôi có thể vào trong chuẩn bị chút không?”

Người phụ nữ gật đầu.

Tỉnh Tụ cầm bộ đồ mặc lúc mát xa đi vào phòng tắm, sau khi bật công tắc đèn, cô muốn chốt cửa lại, nhấn hai lần lại phát hiện ra chốt cửa đã bị hỏng, đành phải từ bỏ: dù sao bên trong bên ngoài đều là phụ nữ, không sợ bị nhìn trộm.

Cô nhanh nhẹn thay quần áo rồi vặn vòi nước, rửa tay bằng xà phòng thơm – phải rửa tay thật sạch, lát nữa thoa dầu mát xa sẽ thuận hơn.

Đang rửa chợt cau mày nhìn chằm chằm vào gương.

Nói sao nhỉ, phòng tắm này không rộng, nằm trong diện thiết kế tiêu chuẩn: người đứng ở cửa thì đối diện là bồn cầu, bên phải là bồn rửa tay với vách tường treo gương, bên trái là bồn tắm.

Lúc rửa tay, đối mặt với gương soi, có thể thu trọn cả gian phòng tắm vào mắt.

Song, lạ ở chỗ tấm rèm quanh bồn tắm lại được kéo kín mít.

Trong tiếng nước róc rách, Tỉnh Tụ xoa xoa tay, sống lưng dần dần ớn lạnh.

Rèm che bồn tắm này nếu thực sự mở ra, liếc mắt là thấy được hết, cô cũng không đến nỗi nghĩ nhiều: kéo kín thế kia khiến người ta bứt rứt trong lòng, cứ cảm thấy bên trong giấu giấu gì đó.

Không nhịn được nữa, Tỉnh Tụ quay đầu lại xem, trong lòng như có vuốt mèo đang gãi gãi.

Xét theo khoa học, bồn tắm là chỗ ẩm thấp, không khuyến khích để “bí” như vậy, bất tiện trong việc tản mùi.

Tỉnh Tụ liếc nhìn cửa phòng tắm, đưa tay vặn vòi nước lên hết cỡ.

Cô không có ý gì khác, chỉ xem chút thôi cho yên lòng.

Thả chậm bước chân đi qua, ngón trỏ cô hơi gập lại, se sẽ vén tấm rèm che bồn tắm ra một khe hở.

Đập vào tầm mắt, trong đầu bỗng nổ tung.

Đó là một bồn đầy nước, hiện lên lớp gỉ sét mỏng màu đỏ, một người nằm trong bồn, chân gập lại, chắc bởi thân mình cao lớn nên bồn tắm không chứa nổi.

Tỉnh Tụ như phải bỏng, thình lình thu tay, suýt nữa hét ra tiếng, may mà phản ứng kịp thời, cấp tốc lấy tay bịt miệng.

Rèm bồn tắm vẫn nhẹ nhàng lay động, cô đứng nguyên tại chỗ, hai chân run lẩy bẩy cơ hồ không đứng vững nổi.

Biến thái, tội phạm giết người, có lẽ là con quỷ giết người hàng loạt, A Phạ nói đúng, khách sạn cũng chẳng phải nơi yên bình gì.

Cả người Tỉnh Tụ rét run, cô chầm chậm khẽ khàng dịch bước ra sau.

Phải giữ bình tĩnh, phải làm như không có việc gì, ra ngoài mát xa cho người phụ nữ kia, sau đó tận dụng thời cơ, tông cửa bỏ chạy, ra ngoài rồi lập tức hét lên, sẽ có người nghe thấy, chỗ này là tầng hai, dù là ở trên tầng nhưng nếu lao nhanh xuống cũng không đến mấy giây…

Tỉnh Tụ đột nhiên bất động.

Sau lưng cô đụng phải một người.

Chịu hết nổi, Tỉnh Tụ có thể bình tĩnh hơn những phụ nữ bình thường khác, nhưng cũng chỉ bình tĩnh hơn “một tẹo” mà thôi.

Tim Tỉnh Tụ đập điên cuồng, cần giải tỏa cảm xúc gấp, cô lập tức kêu thành tiếng.

Nhưng âm thanh này mau chóng bị cắt đứt, người nọ đưa tay bóp xương hàm cô, cú bóp này khiến cơ mặt Tỉnh Tụ méo mó biến dạng, chặn đứt tiếng kêu của cô, bóp đến nỗi dẫu cô có há to miệng, trong họng cũng chỉ phát ra được tiếng khí xì xì.

Qua khóe mắt, Tỉnh Tụ trông thấy rõ, kẻ bóp hàm mình chính là người phụ nữ kia – chị ta rất khỏe, ống tay áo trượt xuống khỏi cánh tay, để lộ mảng da hệt như từng bị dao chém lung tung, dày đặc những sẹo là sẹo.

Tỉnh Tụ ra sức giãy giụa, móng tay cào vào bắp tay người phụ nữ, cào rách da thịt, nhưng không thấy chảy tí máu nào, chị ta có vẻ hoàn toàn chẳng bận tâm, giơ tay giật rèm bồn tắm xuống, đá một cước vào khoeo chân Tỉnh Tụ, đạp cô quỳ xuống rồi thì hung tợn nhấn đầu cô về phía mặt nước.

Tỉnh Tụ suýt chết ngất, trong đầu chỉ có một ý nghĩ: Ả giết tôi rồi! Ả sắp giết tôi rồi!

Hai tay Tỉnh Tụ gắt gao bám vào hai bên thành bồn, mắt nhắm tịt, thậm chí còn đóng trước luôn cả hô hấp: cánh tay mảnh mai gắng sức chống lấy cơ thể, chỉ cầu mong không bị nhấn vào nước.

Sau nữa, lực nhấn bỗng ngừng lại.

Tỉnh Tụ có thể cảm nhận được mặt mình chỉ cách mặt nước một milimét, hơi lạnh của nước trong bồn ở ngay sát chóp mũi và mi mắt cô.

Người phụ nữ khẽ cười một tiếng rồi nói: “Mở to mắt ra nhìn thử xem, có quen cậu ta không?”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.