Anh Muốn Cùng Em Đi Tới Cuối Cuộc Đời

Chương 12: Duyên




Sau khi kết thúc tiệc cưới, Hứa Thế An cho người sắp xếp hai gian phòng xa hoa cho thông gia nghỉ ngơi, hôm sau lại đưa bọn họ trở lại Hy Trấn.

Thông gia chu đáo săn sóc lại không hề làm ra vẻ như vậy, tất nhiên là không có gì phải chê. Đồng Kiến Văn cảm thấy trong lòng bất an, nhưng lại không thể nói ra có chỗ nào không ổn, cứ như nhận được bánh bao thịt rơi xuống từ trên trời, nhưng bánh này lớn quá, ông bị nó đập vào choáng váng đầu hoa mắt, cảm thấy như mình đang mộng du.

Đồng Hâm tiễn hết khách khứa thì trở lại phòng khách sạn, bảo bố mẹ là anh ta sắp đi hưởng tuần trăng mật với Hứa Lâm Lang, lập tức phải lên sân bay.

Đồng Kiến Văn vội hỏi con: Hưởng tuần trăng mật xong thì ở bên nào. Đồng Hâm nói là ở nhà Hứa Lâm Lang. Sau khi Đồng Hâm tốt nghiệp đại học, Đồng Kiến Văn đã mua cho con trai một căn hộ nhỏ ở trong thành. Bỏ ra hơn nửa tiền tiết kiệm nhưng cũng chỉ đủ thanh toán trước một nửa căn hộ diện tích 63 mét vuông, bây giờ vẫn đang trả góp. Nhà họ Hứa là hào môn, trong nhà còn có bảo mẫu, bây giờ Hứa Lâm Lang lại có bầu, bố mẹ cô ta thương con gái, chắc chắn sẽ không để cô ta ở trong cái ổ bé tẹo của Đồng Hâm.

Trên đường từ quê ra đây, Đồng Kiến Văn cũng đã đoán được kết quả này, chỉ thở dài nói với vợ: "Sao tôi cảm thấy con trai mình cứ như đi ở rể ấy."

Chu Dư Phương nghĩ thoáng hơn ông ta, cười tủm tỉm nói: "Cháu trai cũng có rồi, nghĩ nhiều như vậy làm gì."

Đồng Tịch kéo tay áo Đồng Hâm: "Anh, có ảnh chụp hay không ạ, ảnh nhỏ cũng được."

Đồng Hâm hỏi để làm gì. Đồng Tịch nghiêm trang nói: "Vận may của anh tốt quá mà, em sẽ để ảnh anh trong túi, khẳng định là sẽ thi đỗ."

Đồng Hâm dở khóc dở cười gõ trán của em họ: "Còn coi anh là cá chép Cẩm Lý đấy à."

Đồng Kiến Văn giục con trai nhanh lên chút, đừng để muộn giờ máy bay. Đồng Xuân Hiểu và Đồng Hâm cùng xuống lầu, lâu lắm cô mới trở lại thành phố T một chuyến, thừa dịp này phải đi công ty xuất bản nói chuyện với biên tập về kế hoạch sáng tác sách mới, và việc xuất bản thêm sách cũ. Đồng Tịch ở trong phòng xem TV một lát thì cảm thấy nhàm chán, thế là xin phép chú cho đi mua sách. Cô từng ở thành phố T hai năm rồi, nơi thường tới là "Nhà sách Đại Hạ", Đồng Kiến Văn cũng khá yên tâm, chỉ dặn cô đi sớm về sớm.

Đến nơi, cô lập tức lên lầu ba chọn sách chuyên ngành. Đang nghỉ hè nên ở đây khá đông, rất nhiều bạn nhỏ coi nơi này như là thư viện, ở đây cả ngày mà không chán.

Vừa ở "Nhà sách Đại Hạ" không lâu thì trời bỗng nổi sấm chớp, sau đó mưa to. Mùa hè ở thành phố T tùy hứng như vậy đấy, thỉnh thoảng còn có bão, toàn bộ thành phố trở nên hỗn độn. Mưa như trút nước, sắp hai tiếng mà vẫn chưa có dấu hiệu ngừng. Đồng Tịch chỉ đành gọi điện cho chú, bảo ông không cần chờ mình về ăn cơm, sau khi mưa tạnh thì cô sẽ về.

Kết quả, sau khi nói chuyện với chú không lâu thì mưa đã tạnh rồi, trận mưa to không báo trước này cũng vây khốn không ít người.

Tuy Nhiếp Tu lái xe tới "Nhà sách Đại Hạ" nhưng ở đây không có gara ngầm, bãi đỗ xe ngoài trời ở phía đông tòa nhà, đi bộ qua đó nhất định sẽ ướt hết quần áo. Anh lại có bệnh sạch sẽ, không muốn mặc quần áo ẩm ướt vào ngồi trong xe, vì thế vẫn đợi ở phòng sách trên lầu, cho tới khi mưa tạnh mới đi xuống.

Anh đứng trên cầu thang chậm rãi đi xuống lầu một, tới gần cửa thanh toán thì thấy một bóng dáng quen thuộc. Anh thấy nao nao, nhìn quanh một vòng nhưng không thấy Đồng Xuân Hiểu, chỉ có một mình cô.

Có nên chào hỏi hay không nhỉ? Đang do dự thì đột nhiên có hai học sinh tiểu học đến xếp hàng trước mặt anh.

Đồng Tịch không thích nhìn đông nhìn tây, làm chuyện gì cũng cực kỳ chuyên chú, lúc chờ giao dịch viên tính tiền vẫn luôn giữ tư thế đó, không quay đầu cũng không xoay mặt ngó nghiêng. Hoàn toàn không biết đằng sau có người vẫn luôn nhìn mình chăm chú.

Trả tiền xong, cô bỏ sách vào một túi giấy rồi lập tức quẹo phải, ra khỏi cửa hiệu sách.

Hai đứa bé đứng phía trước Nhiếp Tu móc túi tìm tiền lẻ rất lâu, mãi mới trả hết tiền.

Nhiếp Tu cho rằng lúc này Đồng Tịch đã sớm đi rồi, anh lái xe đi ra nhưng không ngờ lại gặp cô ở ngã rẽ. Cô cầm túi đứng trên đường, trên túi có in ảnh một con gấu nhỏ ngây thơ dễ thương, hình như đang đợi xe.

Thời tiết này khó bắt xe. Anh cũng muốn đưa cô về nhà nhưng lo lắng mới gặp một lần, cô không chịu ngồi xe của một người xa lạ. Tuy nghĩ vậy nhưng khi xe chạy tới cạnh cô, anh vẫn phanh xe lại.

Đồng Tịch đợi mãi mà chẳng có lấy một cái bóng xe bus, ngay cả mấy cái taxi chạy cô cũng đều chở đầy khách, trong lòng đang thầm sốt ruột thì bỗng thấy có người gọi tên mình. Cô quay sang, thấy có một chiếc xe đang đỗ bên phải mình.

Người trong xe đúng là Nhiếp Tu. Đồng Tịch lúc đầu tỏ ra kinh ngạc, sau đó cười nói: "Là anh à."

Mưa vừa tạnh, ánh sáng như mang theo một tầng sương mù, nụ cười của cô giống như ánh mặt trời đẹp đẽ nấp phía sau tầng mây mù.

Tim anh đập chậm nửa nhịp, yết hầu hơi lăn một chút, một lát mới nói: "Trời mưa không dễ bắt xe, em đi đâu để anh chở."

Trên tiệc cưới ầm ĩ, Nhiếp Tu đứng sau bố mẹ anh, khi gặp vợ chồng Đồng Kiến Văn chỉ chào một tiếng cô chú rồi sau đó vẫn giữ im lặng, Đồng Tịch cũng không chú ý tới giọng nói của anh. Giờ phút này mới nhận ra anh nói chuyện rất êm tai. Không phải bởi giọng của anh, mà do ngữ khí anh nói chuyện, bình tĩnh thong dong, có cảm giác khiến người tin phục.

Nếu là một người xa lạ thì nhất định Đồng Tịch sẽ từ chối. Nhưng anh là bạn học của chú, còn là đồng hương Hy Trấn. Cô hơi chần chờ một chút rồi quyết định lên xe, báo địa chỉ. Nhiếp Tu nghe cô bảo về khách sạn tổ chức hôn lễ lúc trưa thì nói: "Nếu sớm biết mọi người không về Hy Trấn, mẹ anh đã mời mọi người ăn cơm, tỏ lòng hiếu khách rồi."

Đồng Tịch vội nói: "Không cần đâu mà, bác Hứa đã sắp xếp hết rồi, ngày mai bọn em cũng về luôn."

Trong lòng Nhiếp Tu không hiểu sao lại chìm xuống một chút, ngày mai trở về... Ý tưởng này trong đầu anh xoay chuyển, không gian bỗng im lặng một chút.

Vì thế Đồng Tịch mở lời trước: "Trước kia em từng gặp anh rồi." Nói xong câu này thì thấy cứ như là mánh lới bắt chuyện, thế là nở nụ cười trước, gấp gáp nói thêm: "Thật đó."

Nhiếp Tu tỏ ra ngạc nhiên: "Khi nào?" Nếu như từng gặp rồi thì anh tuyệt đối sẽ có ấn tượng với cô chứ nhỉ.

"Bốn năm trước, lúc bà ngoại anh qua đời, em ở ngõ Cò Trắng thấy anh." Đồng Tịch mím môi cười: "Khi ấy có phân chim rơi vào cánh tay anh, em đưa cho anh một cái khăn giấy, không biết anh còn nhớ không."

Nhiếp Tu nghe lời trước đó thì không có ấn tượng, nghe được phân chim thì bỗng nhiên nhớ tới chuyện đó. Nhưng anh nhớ mang máng là một cậu bé, nhớ kiểu này thì chi bằng không nhớ còn hơn, vì thế hơi lúng túng cười: "Anh nhớ rồi, thật xin lỗi không nhận ra em."

Ánh mắt Đồng Tịch cong cong cười: "Không sao mà, em đoán là anh cũng không nhớ được. Kỳ thật em từng gặp anh sớm hơn cơ."

Nhiếp Tu càng ngạc nhiên hơn, nghiêng người nhìn cô bé cười mỉm nói lên chuyện sáu năm trước. Đôi mắt xảo tiếu thiến hề, anh cực ít nhìn thấy nụ cười vui vẻ của cô gái mà khi cười rộ lên lại xinh đẹp như vậy.

Đèn đỏ dừng đến năm phút đồng hồ mới chuyển xanh.

Trí nhớ của anh rất tốt, những chuyện mà Đồng Tịch kể rất nhanh được vẽ ra trong đầu, anh giải thích: "Ngày đó anh đi ăn cơm với vài người bạn, ở cửa khách sạn gặp một bà lão bán đài sen bị người lừa, anh dùng tiền thật đổi tiền giả của bà ấy, tờ tiền giả kia thì xé đi."

Đồng Tịch lộ ra vẻ giật mình: "Ồ, ra là giả." Đôi mi dài hơi nhấp nháy trên đôi mắt giống như lưu ly, Nhiếp Tu cảm thấy trong lòng gợn sóng. Anh không nghĩ tới mình đã sớm gặp cô bé này hai lần rồi, họ có duyên như thế mà không tự biết.

"Anh có biết tại sao em lại nhớ được anh không?"

Nhiếp Tu không kìm lòng được hỏi: "Tại sao?" Trong lòng lại lặng yên dâng lên kỳ vọng nào đó.

Đồng Tịch chỉ vào trón trỏ trên tay phải của anh: "Khi anh xé tiền, em vô cùng đau lòng, thế là cứ nhìn tay anh chằm chằm thôi. Trùng hợp là, em cũng có."

Nhiếp Tu nhìn nốt ruồi trên ngón trỏ của cô thì rất giật mình, bởi anh cũng có một nốt ruồi ở vị trí đó, thế là nói nhẹ nhàng: "Đúng là rất trùng hợp."

Đồng Tịch nâng mắt lên nhanh chóng nhìn anh một cái, cười hơi e thẹn: "Còn nữa, anh vẫn chẳng thay đổi gì cả."

Nhiếp Tu nhìn cô: "Ý em là, anh từ lúc mười bốn tuổi đã trông già như lúc hai mươi tuổi hả?"

Đồng Tịch buồn cười, vội lắc đầu: "Không, ý em là, chiều cao và diện mạo của anh đều không thay đổi nhiều. Nếu như nhìn thấy lúc anh còn nhỏ thì chắc chắn là em sẽ không nhận ra anh được."

Nhiếp Tu chưa bao giờ tin tưởng duyên phận, vì thế trên trời cho anh một ví dụ để chứng minh, để anh hiểu rõ duyên phận kỳ diệu biết bao.

Cho dù là ai, bản thân không biết lúc nào đã được một cô gái xinh đẹp nhớ lâu như vậy, trong lòng đều sẽ nổi lên những gợn sóng. Anh cũng không ngoại lệ.

Anh vô cùng muốn hỏi cô bao nhiêu tuổi, lại lo rằng như thế lỗ mãng quá, thế là dùng cách nói khác: "Em đang học đại học à?"

"Em mới học năm cuối cấp ba. Lúc từ Vladivostok trở về thì học lại một lớp."

Nhiếp Tu thấy lúc nãy cô còn cười nói vui vẻ, đảo mắt đã không cười, sắc mặt ửng đỏ, ánh mắt cũng cụp xuống. Nhất thời hiểu rõ là cô đang so sánh bản thân với mình, vì thế lập tức lướt qua đề tài này.

Đúng lúc, anh có một bạn học đến từ St. Peterburg, kỳ nghỉ đông năm trước, anh đã đi chơi với bọn họ, thế là anh chuyển đề tài sang trò chuyện về phong cảnh tập tục ở Nga.

Nhiếp Tu chỉ là du khách, đương nhiên không hiểu biết sâu như Đồng Tịch, thế là từ từ biến thành cô nói, anh lắng nghe.

Từ đó Nhiếp Tu mới biết bố mẹ cô đã qua đời vì tai nạn xe cộ, cô về nước sống với chị gái Đồng Xuân Hiểu, sau hai năm chị gái lại dẫn cô từ thành phố T về Hy Trấn ở với chú.

Cuộc sống như vậy nhưng trên người cô không để lại dấu vết lang bạt, cũng không có thần thái cơ khổ, hiển nhiên là công lao của chị gái cô. Nhất định chị cô rất quan tâm và trân trọng thì mới có thể khiến cô lớn lên vô ưu vô lo như vậy.

Đường rời khỏi "Nhà sách Đại Hạ" khá yên tĩnh, khi rẽ tới đường chính, tình hình giao thông bắt đầu loạn lên, hai bên đường đều là vũng nước đọng, người đi xe máy xe đạp đều lấn sang chính giữa đường, chỉ chừa lại một làn xe cho xe cơ động. Xe của anh đi rất chậm, đường ngày càng hẹp, cuối cùng bị tắc tại một giao lộ.

Nhiếp Tu đợi vài phút, thấy phía trước chẳng có vẻ gì sẽ hoạt động, thế là bắt đầu đánh tay lái, chậm rãi xê dịch sang xung quanh, cuối cùng rút khỏi đoàn xe, quẹo vào một lối rẽ.

Giờ phút này Đồng Tịch còn chưa từng chạm vào tay lái, cũng chưa có bằng lái, thấy anh xoay sở kỳ diệu như thế, không nhịn được nói: "Anh giỏi quá."

Nhiếp Tu bật cười: "Thế thì có gì mà giỏi, lái xe và đi xe đạp cũng không khác nhau lắm."

Đồng Tịch vô tình nói tiếp: "Vậy anh cảm thấy thế nào mới là giỏi?"

"Thực hiện lý tưởng mà số ít nhân loại vẫn luôn muốn thực hiện."

Nhiếp Tu cũng không phải cố ý tỏ vẻ cao thâm, chẳng qua câu trả lời này liên quan tới chuyên ngành của anh thôi, vừa hay bị cô hỏi thì thuận miệng đáp lời. Không ngờ không khí bỗng dưng trở nên tẻ ngắt.

Vốn là trông anh đã không dễ gần rồi, anh có vẻ thành thục ổn trọng vượt qua lứa tuổi, vừa nói câu này ra, Đồng Tịch cắn cắn môi, cảm giác được một ranh giới vô cùng vô cùng lớn. Hôm nay giống như không thể nói chuyện tiếp được nữa.

Nhiếp Tu thấy cô cắn môi không nói chuyện, lập tức hiểu rõ mình lại vừa mắc sai lầm lớn, vội vàng bổ cứu: "Vừa rồi em luôn luôn nói về cuộc sống của em, anh không nói gì thì quả là không công bằng. Em có gì muốn hỏi anh không?"

Khóe mắt anh hơi nhếch lên, nhưng bởi vì mắt rất đen nên chẳng có nửa phần khí chất phong lưu dịu dàng, chỉ cảm thấy ánh mắt thâm thúy sắc bén như xâm nhập tận đáy lòng người. Đồng Tịch nhìn vào mắt anh, trong lòng hoảng hốt vội nhìn sang nơi khác: "Không có."

Từ nhỏ đã có rất nhiều nữ sinh quanh co lòng vòng tìm hiểu tin tức về anh. Thế mà lần đầu anh chủ động muốn tâm sự về bản thân lại bị từ chối. Thật đúng là... có chút ngoài ý muốn.

Đồng Tịch cũng không phải là không tò mò, nhưng bèo nước gặp nhau, cô sợ rằng hiểu biết nhiều về anh rồi thì sẽ thích anh, thế chẳng phải sẽ hỏng bét sao.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.