Anh Linh Thần Võ Tộc Việt

Chương 27: Anh em như thể chân tay




Trời chập choạng tối, cửa thành phía Tây hé mở, ba bóng người xẹt ra ngoài nhanh như tia chớp, nên dù đội quân Hồng-thiết giáo vây phía ngoài cách đó không xa, mà không ai thấy. Ba bóng đó núp vào một bụi cây quan sát địa thế, nghe ngóng. Chợt họ nhìn về góc phải có ánh lửa bùi nhùi đỏ chuyển qua, chuyển lại. Họ lao về phía đó. Tới nơi, đã có mười người chờ họ.

Mười ba người không nói, không rằng cùng tiến về một căn lều. Vào trong lều rồi, họ đóng cửa lại. Dưới ánh sáng lờ mờ của mấy ngọn bạch lạp, chín người cúi gập xuống hành lễ với ba bóng đen:

- Bọn tiểu nhân kính cẩn tham kiến công chúa điện hạ, vương phi và Ngô tướng quân.

Nguyên ba người đó là công chúa Mỹ-Linh, vương phi Thanh-Mai và tướng Ngô An-Ngữ. Còn chín người kia là hai tướng chỉ huy hai đạo Đằng-hải tả, hữu, và bẩy viên đô thống. Trong bẩy viên đô thống thì một chỉ huy kị binh, sáu sư trưởng thuộc hai đạo binh Đằng-hải.

Mỹ-Linh lên tiếng trước:

- Khai-Quốc vương nhận được tin các vị trở về với triều đình thì mừng lắm. Cho nên vương gia nhờ vương phi dẫn chúng tôi ra gặp các vị. Vương gia nói: Tất cả các vị đều do vương gia đào tạo ra, nên vương gia hiểu thấu lòng các vị.

Thanh-Mai tiếp:

- Các vị đừng lo nghĩ gì cả, bọn Hồng-thiết giáo cực kỳ sảo quyệt, các vị thân vương như Dực-Thánh, Vũ-Đức, Đông-Chinh đều bị lừa cả. Bây giờ các vị với chúng tôi bàn định kế sách. Thế Hữu-kiêu vệ đại tướng quân đâu rồi?

Nguyên trước kia tổng chỉ huy hai đạo Đằng-hải là Hữu-lãnh vệ thượng tướng quân Trần Tự-Quang. Chỉ huy đạo hữu Đằng-hải là Thiên-tướng Lý Duy, tả Đằng-hải là Thiên-tướng Lê Mai. Nay không thấy Trần Tự-Quang đâu, Mỹ-Linh mới hỏi thăm.

Lê Mai cung tay:

- Khải công chúa, từ lúc quân trẩy đến đây, Trần tướng quân được thăng chức tước như sau: Thái-tử thiếu phó, Hữu kiêu vệ thượng tướng quân, Nghệ-an tiết-độ sứ, An-sơn hầu. Người phải ở chung với Đô nguyên-soái Đàm Can, hầu bàn truyện quân quốc. Bọn tiểu nhân không biết tướng quân ở đâu nữa.

Mỹ-Linh tính nhẩm:

- Không biết tên ngụy nào mà dám lộng hành, thăng cho Trần Tự-Quang nhảy một lúc tám bậc. Rồi lại ban cho cả chức văn nữa. Còn đám tướng này chắc y cũng thăng chức tước lớn chứ không nhỏ đâu. Ta phải hỏi cho biết mới được.

Nàng hỏi:

- Ai thăng chức tước cho chư tướng vậy? Các tướng tá được phong chức tước như thế nào?

Lê Mai đáp:

- Lúc khởi binh, Dực-Thánh vương lấy cớ có chiếu chỉ của Hoàng-thượng trao quốc sự, nên người thăng chức, tước đồng loạt cho tướng sĩ. Kẻ lên năm bậc, người lên bẩy bậc. Như Đàm nguyên soái được phong làm Kiểm-hiệu thái-sư, Bình-hải tiết độ sứ, Thị-trung, Thượng-trụ quốc, Cửu-chân vương. Tuyên-vũ sứ Đàm Toái-Trạng được thăng lên làm Thái-tử thái phó, Tả kim-ngô đại tướng quân, Đồng-trung thư môn hạ bình chương sự, Đồng-tri khu mật viện sự, tước Trung-Thành vương. Nguyễn Khánh được thăng lên cao nhất. Trước kia y dưới bọn tiểu nhân mấy bậc, nay được thăng Thái-tử thiếu bảo, Tả-kiêu vệ đại tướng quân, Đồng-trung thư môn hạ bình chương sự, Khu-mật viện sứ. Tước Nhật-Nam hầu. Tức là nhảy một lúc 27 bậc. Riêng bọn tiểu nhân thì không tham dự lúc đầu, nên người hứa sau khi hạ được thành Trường-yên, sẽ thăng cho tiểu nhân lên làm Hữu lâm-môn vệ đại tướng quân, Lý Duy được thăng lên làm Hữu lãnh huy vệ đại tướng quân.

Thanh-Mai hỏi:

- Từ lúc đến đây, các vị không được gặp Trần Tự-Quang, thế ai là người đem lệnh cho các vị?

- Thông thường một giáo chúng Hồng-thiết giáo.

Ngô An-Ngữ hỏi:

- Hai đạo Đằng-hải được Hoàng-thượng đặt trực thuộc Vũ-Uy vương. Tại sao lại trao cho Đàm Toái-Trạng?

- Hồi ở Thanh-hóa, Đàm Toái-Trạng mời Vũ-Uy vương cùng ba tướng tới dinh Tuyên-vũ sứ họp, rồi y cho người xưng là sứ giả tuyên chỉ của Hoàng-thượng cho vương rằng giao đạo Đằng-hải cho y để lên đường về kinh khẩn cấp.

Thanh-Mai chau mày lại nói:

- Vũ-Uy vương là anh của phụ hoàng, không lẽ vương không biết phân biệt chiếu chỉ thực hay giả?

- Khi được chiếu chỉ, vương cũng ngạc nhiên không ít. Bởi vậy vương mới xem kỹ lại thì là chiếu chỉ thực, không có chút nào giả mạo. Tiểu nhân còn giữ tờ chiếu đây.

Y cung cung kính kính xuất trên lưng ra trục giấy trao cho Thanh-Mai. Nàng mở trục ra, bên trong có cuộn giấy in hình hai con rồng đang bay trên thành Thăng-long, dưới là bản văn tờ chiếu. Nàng nhìn kỹ chỗ ấn đóng, thì thấy đó là ấn thực, không có chi giả mạo. Nhưng khi nhìn xuống chỗ thự danh của Thuận-Thiên hoàng đế, thì thấy hơi khác. Như vậy rõ ràng ấn thì có bàn tay gian nhân lấy kiềm thự vào, rồi chúng nhái theo thự danh của Hoàng-đế, nên Vũ-Uy vương mới bị lầm. Nàng nghĩ thầm:

- Hôm trước phụ hoàng tuyên chỉ trao việc cho Dực-Thánh vương, mới định ban hành, thì sư phụ ta về kịp, người ngăn cản, nên mới đổi lại tuyên triệu Khai-Thiên vương vào. Thế rồi không hiểu sao chiếu để ở tẩm cung mà biến mất, rồi vào tay Dực-Thánh vương, nên vương mới có cớ làm loạn. Tạ chỉ huy sứ nghi có cung nữ nào ở tẩm cung làm gian tế, ăn cắp tờ chiếu cho giặc.

Mỹ-Linh nói với Thanh-Mai:

- Như vậy vì có tờ chiếu giả mà thực này ban cho Vũ-Uy vương, nên mới ra nông nỗi. Từ trước đến giờ ông nội vẫn có hai ấn. Một ấn để ở điện Càn-nguyên, do quan Tả bộc-xạ, Trung thư thị lang, Thái-tử thái bảo, Cần-chính điện đại học sĩ Lý Đạo-Nghĩa giữ. Một để ở cung Long-thụy do hoàng hậu Tá-quốc giữ. Khi ban chiếu liên quan đến hậu cung, hoàng tộc thì dùng ấn ở điện Càn-nguyên. Còn khi ban chiếu liên quan đến triều đình thì dùng ấn ở cung Long-thụy. Cháu xem ấn này đúng ở điện Càn-nguyên, vậy thì ắt có gian tế tại đây. Việc này xong, cháu phải thưa với chú hai, tìm ra kẻ phản bội để tru diệt cho mát lòng những người chết vì chúng.

Lý Duy cung tay:

- Bây giờ anh em tiểu nhân cùng đem bản bộ binh mã đánh úp bọn giáo chúng Hồng-thiết giáo, giết cho sạch bọn hôi hám, thế là gọn hơn cả.

Mỹ-Linh lắc đầu:

- Hành động như vậy thì giản dị quá. Chư vị tướng quân nên biết rằng từ mấy chục năm nay, bọn trưởng lão Hồng-thiết giáo bầy ra đủ trò, đủ loại bịp bợm. Chúng nói rằng Nhật-Hồ lão nhân phép tắc như thiên tướng. Vì vậy có nhiều người tin theo. Họ là nạn nhân của chúng. Ta phải thương xót họ, mở cho họ con đường trở về.

- Khải công chúa, thế ý chỉ của vương gia ra sao?

- Chú tôi đã luận bàn rất kỹ với chư tướng rồi. Ta đem thực nhiều quân bao vây, hầu làm nát tinh thần bọn giáo chúng. Như vậy quân giặc không đánh cũng tan. Nhưng tan rồi mà lão Nhật-Hồ còn đó, thì chúng lại tụ tập nữa. Nhổ cỏ phải nhổ tận rễ. Muốn diệt Hồng-thiết giáo, ta phải dùng võ công giết lão trước mặt đám giáo chúng. Lão chết rồi, gốc rễ ma giáo không còn nữa.

Các tướng đều bái phục:

- Vậy vương gia định đánh chúng ra sao?

- Chúng tôi âm thầm giả làm đội trưởng của các vị. Ngày mai khi đối trận, thình lình ta trở cờ, rồi giáo chủ Lạc-long giáo Thân Thiệu-Thái dùng võ công giết lão Nhật-Hồ.

Lê Mai bàn:

- Khải vương phi, hồi chiều tiểu tướng được lệnh đêm nay Trần tướng quân sẽ hội với anh em tiểu tướng cùng với các sư trưởng để ban lệnh tiến đánh thành ngày mai. Không biết ý chỉ vương phi ra sao?

- Tôi cũng đang muốn gặp mặt Trần tướng quân đây. Vậy chúng tôi sẽ giả làm tùy tùng của các tướng quân, đợi khi giáp mặt, chúng tôi sẽ tùy nghi ứng phó.

Lý Duy lấy quần áo của đạo binh Đằng-hải cho Thanh-Mai, Mỹ-Linh, và Ngô An-Ngữ thay. Thế là ba người hiên ngang di chuyển trong chỗ đóng quân của đạo Đằng-hải.

Có tiếng vó ngựa lộp cộp, rồi một giáo chúng Hồng-thiết bước vào. Y cung tay nói với Lê-Mai:

- Hữu-kiêu vệ thượng tướng quân mời nhị vị tướng quân cùng bẩy vị đô thống tới bàn chuyện hành quân.

Lê Mai hỏi:

- Trần tướng quân hiện ở đâu?

- Người ở chung lều với Đàm nguyên soái tại bờ suối cách đây không xa. Tôi xin dẫn đường.

Thanh-Mai đưa mắt cho Lê Mai, ý nói cứ đi họp xem sự thể ra sao. Lê Mai đưa mắt cho Thanh-Mai, Mỹ-Linh, Ngô An-Ngữ, rồi nói với tên giáo chúng:

- Chúng tôi cần mấy người tuỳ tùng này đi theo, không biết có được không?

- Được chứ.

Bẩy viên sư trưởng, hai tướng cùng bọn Thanh-Mai ba người, cộng mười hai người lấy ngựa, theo tên giáo chúng lên đường. Trái với ý nghĩ của Mỹ-Linh rằng lều của Trần Tự-Quang ở trong khu vực đóng quân, không ngờ khi cả bọn rời xa chỗ đóng quân hơn ba dặm mà tên giáo chúng vẫn chưa dừng vó ngựa. Ngô An-Ngữ hỏi:

- Này người anh em. Sao Trần tướng quân ở xa quá vậy?

- Người ở cùng Đàm nguyên soái mãi trong khu vực núi Cánh-diều kia.

Thanh-Mai dùng Lăng-không truyền ngữ nói với Ngô An-Ngữ:

- Sư huynh thấy thế nào. Muội nghĩ dường như chúng có âm mưu gì thì phải, chứ không sao chúng đưa ta vào núi thế này.

- Theo sư huynh nghĩ, chúng không thể biết mình hiện diện. Chắc Trần Tự-Quang bị bắt giam hay bị giết rồi. Nay chúng mới ra tay giết nốt các tướng chỉ huy hai đạo binh cùng các sư trưởng, để mai này chúng giả chiếu chỉ bổ nhiệm bọn ma đầu thay thế thì đúng hơn.

- Muội sẽ dùng Lăng-không truyền ngữ nói với Mỹ-Linh. Sư huynh nói cho chư tướng biết mà đề phòng.

- Được.

Lại đi thêm quãng nữa, tới sườn núi. Bên sườn có khoảng hơn mười cái lều đóng quân. Tên giáo chúng chỉ vào bọn Thanh-Mai:

- Hữu kiêu-vệ thượng tướng quân chỉ ra lệnh triệu hồi các tướng mà thôi. Còn ba vị huynh đệ đây phải ở ngoài.

Ngô An-Ngữ nói:

- Dĩ nhiên. Tôi xin ở ngoài này giữ ngựa.

Mọi người xuống ngựa, Ngô An-Ngữ nhanh tay tiếp cương ngựa mọi người, rồi cột vào gốc cây. Viên giáo chúng chỉ lều trước mặt, trong có ánh đèn rọi ra:

- Mời chư vị vào đi thôi.

Bọn Lê Mai vừa bước đi, thì tên giáo chúng dẫn đường lên ngựa biến vào đêm tối. Thanh-Mai vẫy tay cho Ngô An-Ngữ, Mỹ-Linh cùng núp ngoài liều nghe ngóng.

Lê Mai đứng ngoài lều nói vọng vào:

- Thiên-tướng Lê Mai, Lý Duy xin tham kiến Trần tướng quân.

Cửa lều mở, một người thò đầu ra ngoài nói:

- Mời các vị vào.

Thanh-Mai nhận ra y chính là một đạo trưởng Hồng-thiết giáo tên Trần Trọng-Cựu, hồi đại hội Lộc-hà đã được Thiệu-Thái trị bệnh cho.

Chín người vào trong lều, họ thấy Đàm Can, thì đều hành lễ quân cách. Bởi đẳng cấp Đàm Can hiện cao nhất triều Lý, tới Đô nguyên soái, trong khi Lê Mai, Lý Duy mới làm tới cấp Thiên-tướng, so với Đàm Can thì còn cách quá xa. Đàm Can chỉ ghế nói:

- Mời các tướng an tọa.

Lê Mai nhìn quanh lều, bên trong đã có gần hai chục người ngồi đó từ bao giờ: Đàm Toái-Trạng, Vũ Linh-Nguyện, Lê Tấn, Vũ Hào.

Lê Mai hỏi ngay:

- Thưa nguyên soái. Tiểu tướng muốn được diện kiến với Trần tướng quân.

Đàm Can sẽ đập tay lên bàn:

- Hữu kiêu vệ thượng tướng quân, vì có công cứu giá, nên đã được cử đi trấn thủ Nghệ-an rồi. Bản soái mời các tướng đến họp, để chuẩn bị ngày mai công thành.

Ngô An-Ngữ dùng Lăng-không truyền ngữ nói với Lê Mai, Lý Duy:

- Cứ giả nhận lệnh chúng, rồi tính sau.

Đàm Can hô:

- Chư vị chuẩn bị tiếp giá Nhật-Hồ giáo chủ cùng Vũ-Đức vương.

Vũ-Đức vương với Nhật-Hồ vào trong lều. Đàm Can cung cung, kính kính mời hai người ngồi lên bàn chủ tọa. Vũ-Đức vương lên tiếng:

- Chư vị trưởng lão, chư vị tướng quân. Cô gia được ủy nhiệm thúc phụ là Dực-Thánh vương đến đây hội chư vị để chuẩn bị ngày mai tiến đánh thành Trường-yên. Bây giờ cô-gia để Nhật-Hồ giáo chủ điều động chư vị.

Nhật-Hồ lão nhân khoan thai nói:

- Chư tướng cùng các trưởng lão. Như chư vị biết, từ khi đức Thuận-Thiên hoàng-đế vâng mệnh trời, ứng lòng người lên ngôi báu đến giờ, ngài dùng đức từ bi, hỷ xả của đức Thích-ca Mâu-Ni cai trị thiên hạ. Trong ban ân huệ cho dân, ngoài mở mang bờ cõi, khiến cho tám nước thuộc tộc Việt cùng quay đầu qui phục. Trong thâm tâm ngài định khi về già sẽ trao ngôi trời cho hoàng-đệ là Dực-Thánh vương. Nhưng hỡi ơi! Nào ngờ, người sinh ra đứa nghịch tử Lý Đức-Chính. Không biết bằng cách nào y biết được việc đó. Y đánh thuốc độc ngài. Lúc biết rõ mọi sự, tuy sức cùng, lực kiệt, nhưng ngài còn đủ minh mẫn ban chiếu chỉ tạm trao việc lớn cho Dực-Thánh vương. Tên nghịch tử Đức-Chính nghe tin, đem quân vào phong toả Hoàng-thành, rồi bức hại ngài...

Đến đây y ôm mặt khóc hu hu, khóc nức nở, nước mắt, nước mũi chảy đầm đìa. Đám trưởng lão cũng khóc theo. Có tên đập đầu xuống bàn kêu gào thảm thiết.

Thanh-Mai lợm giọng:

- Nếu chính mình không được nhìn cảnh này, mà nghe ai thuật lại thì mình sao có thể tin được trò hề kia!

Khóc một lúc Nhật-Hồ tiếp:

- Đức-Chính thí được ngài, nhưng chiếu chỉ vẫn tới tay Dực-Thánh vương. Vương bèn triệu tập anh hùng cùng chư vương đem quân hỏi tội y. Lão phu tuy tuổi cao, đang thanh tu với sư phụ là Di-lặc Tôn-Phật. Ngài ban giáo chỉ cho lão phu phải trở lại trần thế tru diệt Đức-Chính hầu báo đáp khi xưa Hoàng-thượng đã ân xá cho lão phu cùng giáo chúng.

Lão lau khô nước mắt:

- Nhưng khi chư vương vây Thăng-long, chính lão phu khuyên chư vương tránh không cho đổ máu. Đức-Chính lợi dụng đức từ bi của lão phu, y giết mất trưởng lão Hoàng Văn, Phạm Trạch, Ngô Bách-Vân cùng Hữu-kiêu vệ đại tướng quân Đàm An-Hoà. Rồi trận đánh Yến-vĩ, y hại mất trưởng lão Đặng Trường, Đinh Hiền, Thạch Nan-Biện. Mới đây y hại thêm trưởng lão Nguyên-Hạnh, cùng Trấn-quốc đại tướng quân Nguyễn Khánh. Con dun đạp mãi cái đầu phải quằn, lão phu không thể tuân lời sư phụ, dùng đức từ bi với Đức-Chính.

Lão chỉ Đàm Can:

- Đại đệ tử của lão phu là Đàm nguyên-soái hãy điều động tướng sĩ, giáo chúng tiến chiếm Trường-yên rồi chỉ ngọn cờ về Thăng-long, trước tru diệt nghịch tử, sau khuông phò Dực-Thánh vương lên ngôi bảo tộ.

Đàm Can cúi đầu, kính cẩn vái Nhật-Hồ lão nhân, rồi ngửa mặt lên nói:

- Hai ngày nữa, giờ Thìn, thế nào Lý Long-Bồ cùng với tùy tùng cũng xuất ra cửa Đông để hội với Vũ-Đức vương. Đó là kế diệu hổ ly sơn. Tuy chỉ với chưa tới hai vạn người, nhưng y thủ Trường-yên thì ta khó mà đánh được. Bây giờ ta phải đánh thực nhanh, sao chiếm được Trường-yên trong một ngày. Chiếm được Trường-yên rồi, ta mới có thể tiến ra Thăng-long tru diệt bọn nghịch tử Đức-Chính. Nếu ta chậm trễ, Thăng-long yên rồi, y đem quân các nơi khác về, ta khó mà thắng nổi y.

Lý Duy hỏi:

- Thưa nguyên soái, tiểu tướng có thắc mắc rằng hôm trước chúng ta vây Thăng-long, Trường-yên, sao ta không đem đại lực lượng về chiếm Thăng-long, để đến nay các đạo vây kinh kỳ tan vỡ mất rồi, ta khó mà thành công.

Đàm Can thở dài:

- Lỗi chính về Dực-Thánh vương. Ngay ngày đầu, nếu ta chịu hy sinh một số quân, tiến công Thăng-long, thì mọi truyện đã ngã ngũ. Đây vương sợ đánh như vậy sẽ đổ máu nhiều, cho nên Phật-Mã với Thân Thừa-Quý mới có thời giờ gọi quân các nơi về.

Y ngồi thẳng người dậy nói:

- Ngày mai đạo tả Đằng-hải vây cửa Nam, đạo hữu Đằng-hải vây cửa Bắc. Cửa Đông do quân của trấn Thanh-hóa. Còn cửa Tây do giáo chúng. Khi Lý Long-Bồ ra cửa Đông rồi, chúng ta cùng công thành một lượt. Sau khi công thành hơn giờ, ta chuyển hai đạo tả, hữu đánh quặt sang Đông. Bọn thủ thành ắt tung quân ra hai cửa Bắc, Nam để đánh vào hậu quân ta hầu cứu chúa. Bấy giờ các vị quay lại giao tranh với chúng. Tất cả các cửa Bắc, Đông, Nam đều là hư. Thực sự ta dồn quân chiếm cho được cửa Tây. Vì tại cửa này ta có người ẩn ở trong giết quân canh cửa cho chúng ta vào. Khi ta chiếm được thành rồi bấy giờ các cửa Đông, Bắc, Nam chỉ còn cách đầu hàng.

Sau đó Đàm Can cho lệnh chi tiết, cùng những ứng phó khi có biến cố xẩy ra. Cuối cùng y nói:

- Ta cho trưởng lão Vũ Hào dẫn ba đội giáo chúng cảm tử giúp Lê tướng quân. Tại cửa Bắc, ta cho trưởng lão Trần Trọng-Cựu cùng đội cảm tử giáo chúng giúp Lý tướng quân.

Y quay lại hỏi lớn:

- Có ai thắc mắc gì không?

Mọi người im lặng. Đàm Can nói:

- Thôi chư tướng lui về nghỉ.

Các tướng đứng dậy lục tục ra về. Bên ngoài Thanh-Mai đưa mắt ra hiệu cho Mỹ-Linh, Ngô An-Ngữ. Hai người vội rời chỗ núp đến cạnh cột buộc ngựa. Còn nàng, vẫn nằm im nghe ngóng.

Nhật-Hồ lão nhân nói với Vũ-Đức vương:

- Xin vương gia về an nghỉ, để lấy sức, ngày mai công thành.

Vũ-Đức vương muốn nói gì, nhưng lại thôi, vương cùng đoàn tùy tùng ra về. Đợi cho bọn Vũ-Đức vương đi xa rồi, Nhật-Hồ lão nhân đưa mắt nhìn chư đệ tử. Lão thở dài:

- Các con! Tuổi ta nay đã trên một trăm, không biết ngày một ngày hai ta về với thế giới người hiền Mã-Mặc, Lệ-Anh bao giờ. Tuy vậy, dù còn một hơi thở, ta cũng phải cố gắng sao chiếm được đất nước này đã. Trận đánh ngày mai là trận then chốt. Ta đã khiến Vũ-Đức vương viết thư cho tên Lý Long-Bồ dụ y ra ngoài. Với bản tính y, chắc chắn y sẽ ra, nhưng thế nào y cũng mang theo những cao thủ bậc nhất. Cao thủ gì, chúng ta cũng không sợ. Ta chỉ sợ duy nhất có con lợn Thân Thiệu-Thái. Tuy nhiên ta đã có cách giết y rồi. Sau khi giết Thân Thiệu-Thái, những bọn còn lại ta dùng độc chưởng khống chế, chẳng mấy lúc ta lại có thêm nhiều cao thủ.

Lão nhìn Đàm Can:

- Đêm mai người cùng mấy cao thủ nhập thành làm việc đó, liệu có thành công chăng?

- Tấu sư phụ nhất định là thành công rồi.

Sợ bị lộ hình tích thì e nguy hiểm, Thanh-Mai lạng mình biến vào đêm tối, lát sau nàng thấy dưới gốc cây bên đường có con ngựa. Nhìn kỹ lại thì ra con ngựa của nàng cỡi ban nãy. Nàng nghĩ thầm:

- Chu đáo thế này, hẳn là Ngô sư huynh của ta đây.

Nàng tung mình lên ngựa, lát sau về tới lều của Lê Mai. Ngô An-Ngữ hỏi:

- Sư muội! Có gì lạ không.

Vì muốn bảo mật, Thanh-Mai nói lảng ra:

- Không có gì lạ cả. Bây giờ chúng ta định kế sách ngày mai. Xin sư huynh ban lệnh.

Ngô An-Ngữ ngồi nghiêm chỉnh lại hỏi Mỹ-Linh:

- Công chúa. Trước khi xuất thành, dường như vương gia ủy cho công chúa toàn quyền quyết định mọi việc thì phải.

Tuy Ngô An-Ngữ chỉ nói mấy câu, nhưng Mỹ-Linh cũng hiểu ý viên tướng này: Dực-Thánh vương hứa thăng chức tước cho bọn tướng phản loạn, để chúng hết lòng. Bây giờ mấy viên tướng này tuy trở về với triều đình, nàng cũng phải hứa thăng chức cho họ, để họ cố gắng lập công. Nàng nói:

- Thay mặt Khai-Quốc vương, tôi hứa với các vị: Sau khi diệt xong bọn phản loạn, bất kể quân tướng, đều được thăng một cấp. Ngoài ra ai có công trạng đặc biệt có thể được thăng lên từ ba tới mười cấp.

Quả nhiên trên mặt chư tướng hiện ra vẻ hân hoan không bút nào tả xiết. Vương phi Thanh-Mai nói:

- Lát nữa tôi với công chúa Bình-Dương sẽ trở về thành. Sùng-ban lang tướng Ngô An-Ngữ sẽ ở lại thay tướng Trần Tự-Quang để chỉ huy đạo Đằng-hải. Chư vị phải nhất nhất tuân theo mệnh lệnh của người. Từ nay chư vị cứ giả tuân lệnh của Nhật-Hồ lão nhân. Đợi khi quân trong thành đổ ra, thay vì các vị đánh quặt lại, thì tiến thẳng về phía Đông diệt bọn Hồng-thiết giáo. Tuy nhiên, bấy giờ các vị cứ nhìn lên địch lâu, theo lệnh của cờ phất chỉ huy mà hành động.

Sau khi căn dặn chi tiết cùng ban chỉ dụ cho chư tướng, Thanh-Mai, Mỹ-Linh, âm thầm vào trong thành. Bấy giờ trời đã gần hết canh hai. Ba người trở về dinh tổng trấn Trường-yên. Khai-Quốc vương cùng mọi người đang ngồi chờ. Thanh-Mai tường trình mọi chi tiết với vương.

Vương trầm ngâm một lúc rồi nói:

- Có một việc rất khó là đêm mai tên Đàm Can sẽ nhập thành cùng với các cao thủ, chúng âm mưu gì, khó mà ta biết được. Vì còn hai ngày nữa trận đánh diễn ra rồi, ta không thể theo dõi y rồi tương kế tựu kế, bởi thời giờ quá cấp bách. Đúng ra với tội của Đàm Can, thì ta có tru di tam tộc nhà y cũng đáng. Nhưng phụ hoàng ta...

Lê Văn là thầy thuốc, tuy chưa lớn tuổi, nhưng chàng đã có nhiều kinh nghiệm về tâm lý. Chỉ nghe Khai-Quốc vương nói mấy câu chàng đã nắm ngay được vấn đề: Đàm Can là khai quốc công thần của triều Lý. Y lại là bạn cố tri của Hoàng-đế. Hơn nữa con gái y hiện là quý phi, mới sinh ra một hoàng nam. Cho nên vai vế y cao hơn Khai-Quốc vương đến hai bậc. Vì thế nên từ Khai-Quốc vương, vương phi, Mỹ-Linh, Bảo-Hòa, Thiệu-Thái đều không thể giết y. Vì giết y, thì sau này e có rạn nứt trong hoàng tộc. Còn đám cao thủ phái Đông-a cũng như chư tướng, lại không có đủ bản lĩnh giết y. Vương nêu vấn đề ra, với ý định gián tiếp tìm phương cách giết y. Chàng đã nghĩ ra kế giết Đàm Can, nên đưa mắt nhìn vương rồi nói:

- Đại ca để em dùng vệ sĩ vây bắt y, sau đó giải về kinh để Hoàng-thượng phát lạc, như vậy là êm truyện.

Khai-Quốc vương thấy Lê Văn nháy mắt, vương hiểu ý em, vui vẻ:

- Được! Ngô sư huynh hiện vắng mặt, vậy Văn đệ thay người chỉ huy đội Thị-vệ. Văn đệ toàn quyền điều động Thị-vệ bảo vệ chư tướng trong khi Ngô sư huynh vắng mặt.

Trước đây Tạ Diệu-Chi được vương phi Thanh-Mai trao cho thống lĩnh đội Thị-vệ phủ Khai-Quốc. Bây giờ nàng dẫn Lê Văn ra ngoài để trao quân cho chàng. Sau khi nhận nhiệm vụ, Lê Văn tìm đến khu trú ngụ của các cao thủ phái Đông-a.

Nguyên thành Trường-yên là cố đô thời Đinh, thời Lê, nên trong thành có đủ cung điện như Thăng-long. Dinh Khai-Quốc vương chính là điện Càn-nguyên trước đây. Còn chỗ các cao thủ phái Đông-a là cung Tuyên-hòa của các công chúa. Lê Văn vừa bước vào, thì gặp Thông-Mai. Thông-Mai nắm tay Lê Văn:

- Chú mày đến đây để vấn kế ta phương cách giết người hả?

Lê Văn vốn ớn Thông-Mai như Tự-Mai:

- Sao đại ca biết?

- Ta biết, vì ta biết. Việc đó chú mày cũng làm được, lọ là phải hỏi ta?

- Nhưng công lực em không đủ, phải nhờ đến đại ca.

- Khi Thuận-Thiên hoàng-đế lên ngôi, ngài đưa ra chủ trương trong hoàng tộc tuyệt đối tránh tỵ hiềm. Vì vậy luật lệ về nội cung hoàng triều định rằng: Khi một ngoại nhân có tỵ hiềm với bất cứ người nào trong hoàng tộc, thì không thể được làm dâu, làm rể triều Lý. Cho nên ta vô dụng mất rồi. Chú biết truyện ta với Bảo-Hòa chứ? Bảo-Hòa ở dưới cái gã hoàng-tử do Đàm quý phi đẻ ra một bậc. Ta mà giết Đàm Can, đương nhiên sẽ có mối tỵ hiềm lớn với gã hoàng tử đó. Vì vậy không hy vọng gì vua Bà Bắc-biên thuận cho ta với Bảo-Hòa thành vợ chồng.

- Bộ đại ca không làm hòa-thượng nữa sao mà định lấy vợ?

Thông-Mai cốc lên đầu Lê Văn:

- Ta đi tu có hạn kỳ. Ta tu chỉ với lời nguyện được thấy mẫu thân. Khi thấy mẫu thân rồi, thì ta hoàn tục. Sau vụ này, ta sẽ nhờ sư thái Tịnh-Huyền hỏi Bảo-Hòa cho ta. Vì vậy ta không giúp chú mày được gì cả.

- Không, em không nhờ đại ca xuất lực, mà nhờ đại ca chỉ điểm cho một vài chi tiết về võ công bản môn.

- Võ công nào của bản môn, chú mày cũng thông hơn ta, ta có hơn chú mày cái gì đâu mà chỉ cho chú mày. À, ta biết rồi, chú mày muốn học Thiên-vương mật dụ phải không?

- Gần như thế.

Thông-Mai xoa đầu em:

- Thiên-vương mật dụ là yếu quyết tối cao của Phù-Đổng Thiên-vương, rất khó luyện tập. Khi luyện, thì con trai phải còn đồng tử, con gái phải còn đồng trinh, trong lòng lại chưa vướng vít yêu đương...

- Em vẫn còn đồng tử mà, em đã lấy vợ đâu!

- Nhưng chú mày đã có công chúa Thái trong tâm rồi, khi luyện Thiên-vương mật dụ, vô tình chỉ nghĩ đến nàng thôi, cũng đủ rung động tâm mạch mà chết.

- Thế sao anh có chị Bảo-Hòa mà vẫn luyện được? Tại sao thái sư phụ với bố em, vợ con cả đàn mà vẫn luyện thành?

Thông-Mai cốc lên đầu Lê Văn:

- Sư phụ luyện thành Thiên-vương mật dụ rồi mới cưới vợ. Còn ta, khi ta luyện Thiên-vương mật dụ, ta chưa gặp chị Bảo-Hòa.

- Có phải khi luyện Thiên-vương mật dụ, tâm tính con người thay đổi đi không?

- Đúng thế. Tổ sư chúng ta là thánh Gióng. Vì hồi niên thiếu ngài luyện công phải tịnh khẩu, nên người ta bảo ngài câm. Khi luyện thành rồi thì tự nhiên ít nói, mỗi lời nói phát ra uy nghiêm, khiến ai nghe thấy cũng phải lạnh gáy, răm rắp tuân theo.

Lê Văn như tìm được điều gì mới lạ : hồi trước chính chàng là người hay nói, nên bị bố, mẹ, chị gái gọi là cà chớn, rồi dần dần mỗi ngày võ công một cao, thì trở thành nghiêm nghị, mà thân với chàng như Thanh-Mai cũng không biết. Chàng thở phào:

- Thì ra thế. Trên đường đi sứ, bọn em thấy đại ca lạnh lùng, mỗi lời nói đều uy nghiêm, khiến bọn em líu ríu tuân theo. Thì ra đó là cái uy của thánh còn để lại. Nhưng em muốn đại ca dạy em một thuật mới của bản phái.

Thông-Mai đưa mắt nhìn sư thúc Hoàng Hùng, Trần Kiệt:

- Hai sư thúc trí tuệ vô biên, may ra có cách giúp Văn đệ. Cháu nghĩ hai vị đón giết tên Vũ Nhất-Trụ đi cho rồi.

Trần Kiệt là bạn thân của Hồng-Sơn đại phu từ nhỏ, nên ông rất

thương Lê Văn. Ông bảo Hoàng Hùng:

- Tứ ca, chúng ta giúp thằng cháu ngoan ngoãn này một tay. Mình Thông-Mai chưa chắc đã làm nổi, vì võ công tên Nhất-Trụ rất cao thâm, không dễ gì cháu thắng được y.

Ông hỏi Lê Văn:

- Cháu có mang theo những vị thuốc cần thiết đó không?

Lê Văn rùng mình hỏi:

- Sư thúc, sao sư thúc biết...

Trần Kiệt vỗ vai Lê Văn:

- Sư thúc đoán ra mà thôi. Cháu muốn giết tên Đàm Can dùm Khai-Quốc vương, nhưng công lực cháu không đủ. Công lực không đủ thì phải dùng một thuật nào đó của phái Sài-sơn thay thế. Trong các thuật, chỉ có thuật đẩy thuốc vào người đối phương mà Thái-sư phụ cháu mới sáng chế ra gần đây hữu hiệu nhất. Cho nên cháu muốn xin Thông-Mai dạy cháu thuật đó, rồi dùng để giết Đàm Can như Thái sư-phụ với bố cháu làm ở Biện-kinh. Có đúng không?

Lê Văn bẽn lẽn gật đầu. Trần Kiệt tiếp:

- Thuật đó những người công lực tới mức tối cao như bố cháu, như Thông-Mai mới luyện được, vả phải luyện cả tháng mới thành. Nay cháu muốn luyện khẩn cấp thì e vô ích. Nhưng ta có cách.

Ông nhìn Lê Văn tủm tỉm cười:

- Những ngày đi cùng Tôn Đản, Tự-Mai sang Tống, cháu đã dạy tất cả sở học của mình cho chúng, ngược lại chúng cũng dạy cháu tất cả những gì chúng biết. Có phải thế không?

- Sao sư thúc biết?

- Trời ơi, cứ nhìn tướng đi của bọn cháu là thấy ngay chứ có gì lạ đâu. Bây giờ ta giúp cháu sao cho công lực cao hơn tên Đàm Can, rồi cháu giết hắn có phải hay biết bao không? Nhưng cháu ơi! Công lực tên Đàm Can không tầm thường. Trong phái Đông-a hiện chỉ có đại sư huynh ta với Thông-Mai, Thanh-Mai là thắng được y. Còn bọn ta may lắm thì ngang với y. Nhưng muốn cho công lực cháu hơn y cũng không khó.

Ông bảo Lê Văn:

- Bây giờ cháu ngồi vận khí ôn lại thuật Âm dương hỗ căn của Bắc-bình vương Đào Kỳ để lại, mà Tôn Đản dạy cháu. Sau đó ta với sư thúc Hoàng Hùng, sư huynh Thông-Mai truyền cho cháu ít chân khí, thì công lực cháu ngang với tên Đàm Can ngay.

- Nghĩa là...

- Cháu vận khí hút, còn bọn ta đẩy, chỉ mấy khắc, công lực cháu sẽ cao hơn Đàm-Can.

Lê Văn rùng mình:

- Như vậy chẳng hóa ra hai sư thúc bị tổn hại nguyên khí, phải luyện mấy tháng mới phục hồi. Muôn ngàn lần cháu không dám.

- Vì việc nước, thì phải hy sinh. Có hy sinh thì sự thành mới đáng quý. Thôi, cháu vận công đi.

Không đừng được, Lê Văn ngồi xuống vận công, trong lòng nhẩm ôn lại những gì Tôn Đản giảng cho nó về thuyết Âm-dương hỗ căn. Vốn là thầy thuốc giỏi, trong học thuyết kinh lạc, không chỗ nào mà chàng không biết. Hơn nữa chàng lại thông minh, nên thoáng một cái, kinh khí luân lưu đều trong cơ thể.

Thình lình Hoàng Hùng nắm tay trái, Trần Kiệt nắm tay phải Lê Văn rồi vận khí đẩy vào người chàng. Lê Văn rùng mình một cái, chàng qui liễm chân khí của hai sư thúc vào đơn điền. Người chàng căng như chiếc bong bóng, muốn nổ tung ra. Khoảng hơn khắc sau chàng thấy chân khí thu được với chân khí cơ hữu không hòa hợp được với nhau, nên trong người cực kỳ khó chịu.

Vì mãi suy nghĩ, chậm qui liễm một chút, chân khí ngoại nhập tràn ra khắp cơ thể. Kinh hoảng chàng vận khí chuyển vào vòng Tiểu-chu-thiên, thế là hai luồng chân khí hỗ tương đấu tranh. Nhưng chỉ được một lát, chàng thấy chân khí mình với chân khí thu thái không hoà lẫn vào được với nhau ngay bên ngoài kinh mạch.

Chàng định lên tiếng cho hai sư thúc dừng lại, nhưng chân khí hai ông mạnh quá, nếu chàng ngừng, e sẽ bị vỡ lồng ngực mà chết. Chàng đành vận công chống, nhưng công lực chàng may chỉ có thể chống được một vị, chứ sao đấu nổi với hai?

Thông-Mai đứng ngoài, nhìn hoàn cảnh đó, chàng chợt hiểu, vội lên tiếng:

- Hai vị sư thúc mau thu chân khí lại, bằng không nguy lắm.

Nhưng Hoàng Hùng, Trần Kiệt đã nhập tĩnh thực sâu, rồi đẩy chân khí ra, đâu có nghe thấy Thông-Mai nói gì. Trong khi đó Lê Văn nghiến răng định giật hai tay ra, nhưng không nổi. Chàng đành buông lỏng, tự than:

- Hôm nay là ngày mình phải chết đây.

Thình lình cửa sổ bị đánh tung ra, rồi hai người từ ngoài lách mình vào trong. Cả hai cùng chắp tay để lên vai Lê Văn. Hai lực đạo hơi giống chân khí của chàng mạnh như nghiêng trời lệch đất dồn vào người, đẩy tung Trần Kiệt, Hoàng Hùng bắn ra xa. Hai người đó tiếp tục dồn vào người chàng. Hai luồng chân khí này, chàng qui liễm thực dễ dàng.

Cứ như vậy khoảng một khắc, hai người đó thu tay lại, Lê Văn rùng mình mở mắt nhìn. Thì ra Thái sư-phụ Phan Nam với Ngô Quảng-Thiên. Chàng vội vàng quỳ gối hành đại lễ:

- Đệ tử xin tham kiến Thái sư-phụ cùng Ngô thái sư-bá. Đa tạ Thái sư-phụ cùng Thái sư-bá cứu nạn.

Phan Nam bảo Lê Văn:

- Bé con! Ngồi ngay ngắn lại, hấp khí, rồi dẫn theo vòng tiểu Chu-thiên. Được rồi. Phát một chưởng Thông-Mai xem nào.

Không nghĩ ngợi, Lê Văn hít một hơi rồi phát chiêu Lôi đả Ân-tặc hướng Thông-Mai. Chưởng chưa ra hết, mà Thông-Mai đã cảm thấy lực đạo mạnh kinh người. Chàng vội tránh sang bên trái. Chưởng của Lê Văn trúng vào con lân bằng đá đến bộp một tiếng. Con lân to bằng người ôm bị đẩy bắn tung ra xa đến hơn thước.

Ngô Quảng-Thiên reo:

- Thành công rồi. Bây giờ thì công lực cháu muốn hơn bố cháu rồi. Cháu nhớ nhé, trên thế gian này chỉ có hai loại công lực khắc chế lại Hồng-thiết công mà thôi. Mà cháu may mắn có một loại.

Lê Văn gật đầu:

- Thưa cháu hiểu.

- Cháu thử nói ta nghe xem có hợp lý không?

Lê Văn chắp tay vái Thái sư-phụ với Ngô Quảng-Thiên:

- Thưa, võ công Hồng-thiết giáo là võ công tà ma. Muốn thắng ma công, quỷ chiêu phải dùng võ công của chư thánh, hoặc dùng thiền công nhà Phật hóa giải. Xét võ học Đại-Việt ta, thì chỉ có võ công bản môn vốn xuất từ Thiên-vương, cùng võ công phái Tản-viên xuất từ thánh Tản có thể tru diệt được chúng. Nếu muốn thắng chúng, ta dùng thiền công hóa giải Hồng-thiết công, rồi dùng chiêu số của chư thánh thì chúng phải thua.

Phan Nam lắc đầu:

- Không phải thua, mà phải chết. Đối với bọn ma quỷ không thể nhân nhượng, nhớ đấy.

- Dạ, cháu nhớ.

Phan Nam tiếp:

- Bây giờ ta giải thích cho cháu nghe về những thắc mắc của cháu. Trong đại hội Lộc-hà, công lực Bảo-Hòa thấp hơn Đặng Đại-Khê, mà thắng Xích-Thập, Phạm Hổ, Phạm Trạch. Tại sao? Vì khi Đại-Khê với Xích-Thập đấu với nhau bằng võ công Tản-viên. Hai người cùng một môn hộ, công lực ai cao người ấy thắng. Còn khi Bảo-Hòa đấu với Xích-Thập, Phạm Trạch, Phạm Hổ, thì Bảo-Hòa dùng võ công thánh Tản, còn chúng chuyên dùng võ công Hồng-thiết.

Ông xoa đầu Lê Văn:

- Công lực bố cháu không cao hơn Tự-An, mà Tự-An không thắng nổi Nhật-Hồ. Trong khi bố cháu đánh bốn chưởng, khiến y bay trở lại đài là tại sao? Vì bố cháu dùng nội công trong Thiên-vương mật dụ là võ công thánh, đương nhiên thắng võ công tà ma của Nhật-Hồ. Đến cặp vợ chồng Ưng-sơn...

Lê Văn gật đầu liên tiếp, Phan Nam bẹo tai chàng:

- Cháu thử nói xem có đúng không nào?

- Thưa thái sư phụ, công lực Ưng-sơn không cao hơn Đặng Trường làm bao, nhưng y dùng nội công Đông-a là nội công nhà Phật hóa giải ma công của Đặng Trường, rồi phát chiêu Thiên-vương chưởng, là chưởng của thánh Gióng có khả năng tru diệt ma quỷ, vì vậy Đặng Trường chết nát thây.

- Đúng thế. Thành ra công chúa Bình-Dương với cháu đứng lược trận, cứ tưởng võ công Ưng-sơn cao lắm, kỳ thực y biết cách hòa hợp võ công mà thôi. Thông-Mai giết Lê Ba cũng bằng phương pháp này. Bây giờ cháu có thể đấu ngang tay với Nhật-Hồ rồi, cháu phải giết cho được tên Vũ Nhất-Trụ để trừ hại cho dân.

Hoàng Hùng, Trần Kiệt hành lễ, rồi hỏi Phan Nam:

- Thưa tiền bối, xin tiền bối giảng cho bọn hậu sinh được biết, tại sao với phương pháp qui liễm Âm-dương, xưa Bắc-bình vương Đào Kỳ thu được chân khí Phong-châu song quái, rồi Khất đại phu thu được của Lê Đạo-Sinh, mới đây Tôn Đản thu một lúc chân khí của hai cao thủ phái Hoa-sơn đều vô sự. Thế mà Lê Văn thu của hai tiểu bối, hút nữa cả ba bị mất mạng?

- Hai vị đại hiệp hết lòng với đất nước, tưởng giúp cháu giết tên hại nước. Nhưng hai vị quên mất một điều : Công lực Song-quái, Lê Đạo-Sinh cũng như hai cao thủ Hoa-sơn đều là công lực của tục gia. Giữa chân khí tục-gia, hòa hợp với nhau dễ dàng. Công lực của Lê Văn gốc ở thánh Gióng, cũng là công lực tục gia. Trong khi công lực hai vị là công lực Đông-a, xuất từ thiền công. Nên hai thứ không hòa hợp được. Dĩ chí công lực của già này với Ngô lão sư, cũng đều là công lực tục gia, nên cháu nhỏ thu thái không khó khăn.

Hai đại hiệp Hoàng Hùng, Trần Kiệt vái tạ Phan Nam. Phan Nam bảo Thông-Mai, Lê Văn :

- Sau khi việc đây xong, các con phải về Vạn-thảo sơn trang ngay. Hồng-Sơn đi vắng, nên con phải tập trung đệ tử chiếm lại sơn trang. Bọn Hồng-thiết chiếm sơn trang, song chúng không hại ai, mà trái lại còn cầu khẩn các y sĩ chữa chạy cho người của chúng bị thương trong trận Thăng-long.

Nói rồi hai ông nhảy qua cửa sổ, thoáng một cái, đã biến mất.

Lê Văn rời cung Tuyên-hòa ra ngoài. Chàng tung mình lên mặt thành để đi tuần tiễu. Người chàng vọt lên cao như con én nhẹ nhàng rồi rơi xuống nhẹ nhàng. Chàng kinh ngạc:

- Trời ơi! Công lực ta đến dường này ư? Không lẽ hai ông cụ dồn chân khí cho ta hết rồi chăng? Nếu vậy ta thử ra ngoài thành thám thính xem sao?

Nghĩ là làm. Chàng vọt mình khỏi mặt thành, đáp xuống đất nhẹ nhàng, rồi dùng khinh công hướng nơi có ánh đèn phi tới. Thì ra đó là khu chuồng ngựa. Cứ thế chàng thám thính hết một vòng bốn khu vực đóng quân của đám phiến loạn. Chàng nghĩ thầm:

- Ta phải về trình anh cả biết, để người cho quân xuất thành đánh phá chúng trong đêm cho bõ ghét.

Chàng hướng thành Trường-yên trở về. Đang vọt người như gió, chàng cảm thấy như có ai vỗ vào vai mình rồi cười hì một tiếng. Kinh hãi, chàng nhìn lại, thì một bóng người đã chạy khá xa. Vốn can đảm, lại tự thị vào võ công, chàng đuổi theo người kia. Người kia chạy về hướng Đông, thân pháp y hơi giống thân pháp Đông-a. Khi tới chân một ngọn núi, người kia quay lại dơ tay vẫy chàng bằng cử chỉ khá thân ái.

Chạy tới khi trời tảng sáng, thì người kia dừng lại trước một trại quân. Y cung tay hành lễ với chàng. Chàng nhận ra y là Ưng-sơn nam hiệp. Nam hiệp hú lên hai tiếng dài, một số người trong trại chạy ra, Lê Văn ngẩn người không nói lên lời: Nào là Trường-giang thất hiệp; nào là Hoa-Sơn tứ lão; nào là tả hữu hộ pháp, ngũ sứ cùng mười trưởng lão bang Hoàng-Đế; nào là vợ chồng Phạm Văn, Hàn Ngọc-Quế, Chu Minh phái Thiên-tượng nước Đại-lý. Thêm mấy người nữa xuất hiện, chàng nhận ra lão sư Rát-ta-Na cùng An-Nan Tam-gia-la-sun phái Tha-nôm; kìa là Chế Ma Thanh với đám cao thủ phái Phật-thệ, cạnh đó còn có hoàng thân Phủ-Vạn với cao thủ phái Vạn-tượng; rồi các cao thủ phái Cửu-long, bang Đông-hải, bang Động-đình, bang Hồng-hà... Tất cả các phái, các bang thuộc tộc Việt, nhưng ở ngoài lãnh thổ Đại-Việt.

Lê Văn vội cung tay hành lễ với mọi người, cùng hỏi thăm hành trạng. Chàng đến bên Tây-Sơn đạo sư cung tay muốn hỏi thăm tin tức Thiếu-Mai:

- Thưa đạo sư, tiểu bối muốn hỏi thăm tin tức của Yên-vương cùng...

Có tiếng nói trong trẻo:

- Cà chớn, chị đây.

Nghe tiếng nói, Lê Văn chạy lại ôm chầm lấy chị, cả hai chị em cùng không cầm được nước mắt. Luân lý thời bấy giờ định rằng: Con trai với mẹ, anh với em gái, chị với em trai; khi đến tuổi mười ba là không được chạm vào người nhau. Nhưng chị em Thiếu-Mai đều là thầy thuốc, nên không mấy tuân thủ lễ nghi này. Lại nữa, mẹ mất sớm, Thiếu-Mai đóng vai bà mẹ dạy dỗ Lê Văn bấy lâu, bây giờ chị em xa cách, nay gặp lại thình lình, vì vậy cả hai cùng không giữ được súc động.

Thiếu-Mai buông em ra, rồi kéo chàng vào căn lều lớn. Lê Văn tường trình mọi tin tức liên quan đến tình hình quân phản loạn cùng quân triều. Chàng đưa mắt nhìn Ưng-sơn nam hiệp, ngụ ý hỏi Thiếu-Mai. Thiếu-Mai lắc đầu:

- Chị không thể tiết lộ danh tính người này, chẳng phải không tin em, nhưng để giữ tình giao hảo Tống-Lý mà thôi. Khi được thư của Khai-Quốc vương báo bọn Nhật-Hồ làm phản, anh hùng các nơi kịp thời đề phòng. Bên Trung-nguyên chỉ có khoảng hơn nghìn tên nổi lên, bị giết sạch. Bên Xiêm, Lào, Chiêm, Chân-lạp, Đại-lý cũng có nhiều bọn làm loạn, song bị võ lâm giết ngay trong ngày đầu. Anh hùng tám vùng tộc Việt đại hội tại Đại-lý, bầu vợ chồng Ưng-sơn làm thủ lĩnh viện binh cho Khai-Quốc vương. Chúng ta được vua Bà Bắc-biên mở cửa biên giới, cùng cung cấp lương thực.

Lê Văn đưa mắt nhìn thái tử An-Nan Tam-gia-la-sun muốn hỏi tin tức Nong-Nụt. An-Nan mỉm cười vẫy chàng đi theo. Tới một lều nhỏ, ông chỉ vào trong:

- Hiền đệ vào đó trước, ta đi tìm Nong-Nụt cho.

Lê Văn bước vào, chàng bật lên tiếng kêu:

- Nong-Nụt.

Hai người lặng đi một lúc rồi mới nói truyện. Truyện của đôi trai gái yêu nhau thường chẳng có đầu, có cuối gì cả. Lát sau Thiếu-Mai vào, nàng xoa đầu em:

- Thôi em trở về Trường-yên, báo kế hoạch cho Khai-Quốc vương biết để người còn liệu. Chuyện em với Nong-Nụt, bố giao cho chị. Còn đức vua Xiêm cũng giao cho An-Nan. Chị với An-Nan sẽ làm lễ thành hôn cho em với Nong-Nụt khi hết tang mẹ.

Lê Văn nhìn Nong-Nụt lòng bịn rịn không ngôi, nhưng vì quốc sự, đôi thiếu niên đành buông nhau ra. Lê Văn hú lên một tiếng hướng thành Trường-yên dùng khinh công phóng tới. Khoảng giờ Thìn thì đến gần nơi đóng quân của đám Hồng-hương thiếu niên. Tên canh gác thoáng thấy chàng, y chưa kịp lên tiếng hỏi, thì chàng đã vượt qua đến chân thành, rồi tung mình lên cao. Chàng đáp xuống mặt thành nhẹ nhàng. Có tiếng quát:

- Ai?

Rồi một kình phong ụp lên đầu. Kinh hãi, chàng vội phát chiêu Thiên-vương chưởng đỡ. Bình một tiếng, người kia lảo đảo lui lại. Bấy giờ chàng mới nhận được y là sư huynh Bảo-Dân. Bảo-Dân mở to mắt kinh hãi hỏi:

- Chú mày... chú mày... công lực đến dường này ư?

Khai-Quốc vương đã tới. Vương nhìn em mỉm cười:

- Thế nào, gặp nàng rồi hả?

Chỉ một câu nói của vương, Lê Văn biết ông anh này đã hiểu mọi sự bên ngoài. Chàng theo vương vào trướng, rồi trình bầy chi tiết cuộc vượt thành ra, cùng mưu kế của đạo Ưng-sơn do Phạm Văn thiết lập.

Khai-Quốc vương vỗ vai Lê Văn:

- Mừng cho em.

Vì thức suốt đêm, Lê Văn ngủ một giấc tới tối, chàng vừa thức dậy ăn cơm xong thì một thị vệ vào chắp tay nói:

- Thưa thiếu hiệp, có ba người vượt thành vào, hiện ẩn ở miếu thờ bà Triệu. Trình để thiếu hiệp định liệu.

Lê Văn vội tung mình theo thị vệ đến miếu thờ bà Triệu. Thị vệ ẩn thân trong các lùm cây trong tư thế bao vây. Lê Văn vẫy tay, đám thị vệ đồng xuất hiện. Lê Văn đến gần cửa miếu nói vọng vào:

- Cao nhân nào, xin xuất hiện.

Cánh cửa miếu mở, ba người xuất hiện. Lê Văn nhận một trong ba người là Vũ-Đức vương. Chàng chắp tay hành lễ:

- Thì ra vương gia. Vương gia giá lâm thành Trường-yên, cứ đường đường chính, tại sao phải ẩn thân vào chỗ tối tăm này. Tiểu bối lớn mật xin mời vương gia đến tương kiến với Khai-Quốc vương.

Vũ-Đức vương đưa mắt nhìn hai người đi cùng, rồi nói:

- Đành vậy. Hai vị theo ta.

Nhìn kỹ hai tùy tùng của Vũ-Đức vương, Lê Văn thấy bàn tay chúng đỏ lòm, thì biết chúng luyện Hồng-thiết công rất cao. Nhớ lời Thái sư-phụ dặn : Đối với bọn ma quỷ phải thẳng tay. Vì vậy chàng hướng hai tên này phóng liền bốn chỉ vào huyệt Khúc-trì của chúng. Sau bốn tiếng véo, cánh tay chúng hoàn toàn bị tê liệt.

Lê Văn ra hiệu cho thị vệ dẫn đường. Còn chàng theo sau. Tới trước điện Càn-nguyên. Khai-Quốc vương được báo trước. Vương vừa ra cửa đã thấy Vũ-Đức vương đi vào. Hai anh em cùng ngừng lại nhìn nhau. Biết bao nhiêu kỷ niệm hồi thơ ấu hiện về, nào chơi đùa, nào học văn, nào luyện võ, nào bàn quốc sự với nhau. Bây giờ hóa ra thù nghịch. Bỗng Vũ-Đức vương òa lên khóc, rồi tiến đến ôm lấy Khai-Quốc vương.

Hai anh em dắt tay nhau vào nhà.

Chư tướng thấy vậy, đều lảng ra xa, bên trong chỉ còn Thanh-Mai với đám Thiệu-Thái, Bảo-Hòa, Mỹ-Linh, Kim-Thành, Trường-Ninh. Vương phi Thanh-Mai chỉ ghế:

- Chú tư ngồi đây đi. Anh hai với chú là anh em cùng cha như cây cùng gốc. Anh em như thể chân tay. Thà chú phụ chúng ta, chứ chúng ta không phụ chú đâu.

Nàng chỉ hai tùy tùng của vương nói với Thiệu-Thái, Bảo-Hòa:

- Hai vị này chắc là chân tay của chú hẳn. Vậy Thiệu-Thái, Bảo-Hòa, Mỹ-Linh thù tiếp dùm thím.

Gì mà Bảo-Hòa không hiểu ý Thanh-Mai. Nàng biết cậu hai không thể thẳng tay với Vũ-Đức vương, nên Thanh-Mai bảo nàng đem hai tên này ra ngoài thẩm vấn xem mục đích cuộc nhập thành của vương để làm gì. Bảo-Hòa vẫy tay:

- Mời hai vị theo tôi.

Thiệu-Thái, Mỹ-Linh, Bảo-Hòa dẫn hai tên tùy tùng của Vũ-Đức vương ra ngoài. Khai-Quốc vương hỏi em:

- Chú tư. Anh nhận được thư chú, ngày mai anh định xuất thành tương kiến với chú để bàn định sao cho khỏi lâm cảnh nồi da xáo thịt. Mọi việc chỉnh bị xong. Nhưng nay sao chú lại nhập thành trước?

Thoáng nhìn thấy đôi mắt của Vũ-Đức vương láo liên thoát trông lên rồi khép nhỏ lại, chứng tỏ vương định hoa ngôn xảo ngữ nói láo, Kim-Thành nghĩ thầm:

- Mình phải chặn trước, bằng không ông nói láo, rồi khi bị lật mặt nạ, ông còn nói láo mãi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.