Anh Không Muốn Để Em Một Mình

Quyển 5 - Chương 1: Không hỏi




Tựa như hạt bụi trần nhỏ bé

Nổi trôi trong không trung

Rốt cuộc là vì sao, tại vì sao

Vẫn không chịu dừng lại

Cho đến khi mây đen tan, gió mưa ngừng

Người ấy rồi sẽ đưa em đến nơi ngập tràn ánh sáng

Cũng tựa như trong tay cầm một cuốn sách

Phủ đầy bụi đất

Có lẽ nó đã từng mệt mỏi

Chịu đựng qua nỗi đau của ai đó

Dù cho năm tháng mãi câm lặng trôi đi đến khi già cỗi

Người ấy vẫn sẽ để em nhớ ra lối về của mình

(Không hỏi[1])

[1] Trích lời bài hát của nhạc sĩ Mao Bất Dịch (Trung Quốc).

“Tôi sống mà không nỗ lực làm việc thì cuộc sống chẳng có ý nghĩa gì cả.” - Cận tiên sinh

1.

Ánh đèn màu trắng, bức tường màu trắng, giường bệnh màu trắng, trong thế giới màu trắng này, màn đêm bên ngoài cửa sổ càng trở nên đen kịt.

Tôi day day cái trán hơi đau, bỏ cuốn sổ bệnh án trong tay xuống, nhìn kim giờ của chiếc đồng hồ trên tường đang sắp chỉ sang số một, ánh mắt không biết bao lần rơi trên tờ lịch khoanh tròn bằng mực đỏ, là ngày Hai mươi lăm tháng Mười.

Ba năm rồi, cuối cùng anh đã không trở về.

Tôi xé trang đó xuống, vo tròn “ngày hôm qua” lại, ném vào thùng rác.

Thực ra, tôi sớm đã biết anh sẽ không về, chờ đợi chẳng qua là một cái cớ tôi trốn chạy hiện thực tàn nhẫn, đến bây giờ thì cái cớ đó không còn nữa, tôi có nên học cách quý trọng không nhỉ?

Tôi bước ra khỏi phòng trực ban của bác sĩ, bước qua hành lang tĩnh lặng rồi lại đứng trước phòng bệnh 517. Qua cửa sổ kính trong suốt, tôi không bất ngờ khi nhìn thấy Cận tiên sinh đáng lẽ đang ngủ say thì lại ngồi ngay ngắn trên giường bệnh, chiếc laptop đặt trên đùi. Ánh mắt khi làm việc của Cận tiên sinh ánh lên tia sáng rực rỡ, khuôn mặt gầy gò toát lên sự cố chấp, kiên cường.

Cận tiên sinh tên là Cận Lịch, năm nay bốn mươi chín tuổi, năm năm trước bị mắc bệnh ung thư đường ruột, đã phẫu thuật tiến hành cắt bỏ. Ba năm trước, ông ấy đến bệnh viện kiểm tra thì phát hiện ở phổi xuất hiện tế bào ung thư. Ông tiếp tục làm phẫu thuật, đến bây giờ, tế bào ung thư lại gặm nhấm gan của ông, quá trình hóa trị đau đớn hết lần này đến lần khác cũng chỉ có thể duy trì mạng sống cho ông mà thôi.

Cho dù như vậy, cho dù tế bào ung thư đã gặm nhấm hầu hết các bộ phận trong cơ thể ông, nhưng chưa bao giờ gặm nhắm được tinh thần của ông, vì thế giới tinh thần của ông đã bị tín ngưỡng của ông chiếm giữ.

Nói thật là, từ “tín ngưỡng” này hình như rất ít người nhắc đến, đến nỗi tôi gần như quên mất nghĩa của từ này. Vài ngày trước, tôi và vợ của Cận tiên sinh trò chuyện, tôi nói với bà ấy: “Tình trạng sức khỏe của Cận tiên sinh như vậy mà có thể sống được năm năm, thực sự là kỳ tích.”

Bà Cận nói: “Sức mạnh giúp ông ấy chiến đấu với sự giày vò của bệnh tật suốt năm năm qua chính là tín ngưỡng của ông ấy!”

Sau khi nghe bà ấy nói xong, tôi đặc biệt đi tra nghĩa của từ “tín ngưỡng”, từ này được giải thích như sau: Là một kiểu niềm tin mãnh liệt, một sự kiên trì cố chấp.

Tôi đột nhiên cảm thấy từ này có thể giải thích được triệt để con người của ông. Nếu không phải là nhờ sự kiên trì cố chấp và một niềm tin mãnh liệt thì làm sao ông có thể chống đỡ được với đa số bộ phận cơ thể kiệt quệ, suy yếu mà thức đêm làm việc chứ.

Quen Cận tiên sinh đã ba năm, tôi hiểu rõ sự cố chấp của ông, nhưng vì là bác sĩ, tôi không thể không bước vào phòng bệnh, nhắc nhở ông: “Cận tiên sinh, sáng mai chú còn phải tiếp tục làm hóa trị nữa. Bây giờ đã hơn mười hai rưỡi rồi, thời gian này, chú cần đi ngủ đấy ạ.”

“Tôi vừa tỉnh giấc, đang gửi cái email, sắp đi ngủ đây.” Ông cười với tôi, nụ cười được ánh sáng dịu từ chiếc laptop chiếu vào có chút ấm áp, mỗi lần nhìn thấy ông, tôi luôn nhớ đến bố mình, do vậy mà giọng điệu luôn mang thêm phần kính trọng.

“Vâng, vậy chú gửi đi ạ, cháu cho chú mười phút thôi đấy.” Tôi đứng bên cạnh ông, nhìn đồng hồ đeo tay và chờ đợi.

Thấy tôi muốn đợi ông đi ngủ thật sự rồi mới rời đi, Cận tiên sinh cũng không nói nhiều, nhanh chóng trả lời bức thư bằng tiếng Anh. Lá thư viết toàn bằng thuật ngữ tiếng Anh, tôi không hiểu gì, nhưng đã soạn cả một đoạn dài như thế, chắc chắn không phải là ông vừa tỉnh giấc.

Tôi bất giác thầm thở dài trong lòng, thật sự hy vọng những cố gắng hết sức của tôi có thể giúp ông có thêm nhiều đêm không ngủ như thế này.

Mười phút đã hết, Cận tiên sinh tắt máy tính đúng giờ và nằm xuống giường.

Tôi tắt đèn giúp ông, sau đó liếc nhìn khuôn mặt an yên của ông trong bóng tối lúc lặng lẽ rời khỏi phòng, trong lòng tôi bỗng dâng lên cảm giác bi thương như thể tiễn đưa người thân ra đi vậy.

Bước ra khỏi phòng bệnh, tôi không trở về văn phòng trực ban của bác sĩ mà đi qua hành lang, bước vào khu cầu thang của lối thoát hiểm an toàn.

Nếu đúng như tôi suy đoán thì một người phụ nữ có thân hình mảnh dẻ nhưng vẫn xinh đẹp, nho nhã đang ngồi ở bậc cầu thang, trên gương mặt vẫn còn vệt nước mắt, trong tay cầm điện thoại nhưng lại không gọi hay nhắn tin cho bất cứ ai. Bà chính là vợ của Cận tiên sinh. Đối với bà, sắp mất đi người chồng mà mình vô cùng yêu thương chính là nỗi đau khắc cố, vậy mà từ trước đến nay bà luôn một mình chịu đựng.

Tôi đã từng chứng kiến rất nhiều phụ nữ yêu sâu sắc người đàn ông của mình, vì người họ yêu, họ đau đớn vật vã như đứt từng khúc ruột, nước mắt luôn tràn khóe mi, vì muốn được ở bên người mình yêu, họ sẵn sàng bất chấp tất cả, thậm chí kể cả mạng sống của mình. Tuy nhiên, những tình yêu mãnh liệt đó chưa từng khiến tôi cảm động nhiều như tình yêu của bà Cận đối với Cận tiên sinh.

Cách đây ba năm trước khi Cận tiên sinh đến bệnh viện chữa trị, tôi chưa gặp bất cứ người thân, bạn bè, đồng nghiệp nào của ông đến thăm ông, thậm chí con của ông cũng chưa từng xuất hiện. Mỗi lần Cận tiên sinh nhập viện, chỉ có bà Cận là ở bên cạnh ông.

Nghe bà Cận nói, Cận tiên sinh không muốn bất cứ ai biết bệnh tình của mình, thế nên bà vì ông mà giữ im lặng. Rất nhiều lần, con trai bà gọi điện thoại cho bà, vui vẻ hỏi tình hình của bà. Bà gạt nước mắt, vui vẻ nói với con: “Mẹ rất khỏe, chỉ là công việc hơi bận, lúc nào rảnh rỗi sẽ gọi điện cho con.”

Cận tiên sinh không để ý đến sức khỏe của bản thân, gần như điên cuồng làm việc, bà chưa bao giờ ngăn cản, chỉ khi nào xót xa quá không nhẫn nhịn được nữa mới nhẹ nhàng khuyên nhủ vài câu.

Ông miệt mài làm việc, bà chỉ biết để ông vì làm việc mà hao mòn sức khỏe, để bệnh tật dần dần gặm nhấm cơ thể ông. Ông không muốn người khác biết bệnh tình của mình, thế nên bà một mình nhận trách nhiệm chăm sóc ông, cố gắng hết sức chăm sóc ông, tất cả nỗi đau, luyến tiếc, bà không tìm ai chia sẻ, chỉ âm thầm nuốt vào lòng.

Tất cả đều là vì thuận theo nguyện vọng của ông…

Bà Cận cũng có công việc của mình, hơn nữa hình như cũng rất bận, thường xuyên tan ca rất muộn, lúc đến bệnh viện, ánh mắt thường ánh lên vẻ mệt mỏi, bơ phờ. Nhưng chỉ cần ngồi trước mặt Cận tiên sinh, bà lại nở nụ cười đầy ấm áp, hỏi ông: “Hôm nay sức khỏe của anh tốt hơn không? Muốn ăn gì không?”

Cận tiên sinh thấy vợ xuất hiện thì dù vừa trải qua quá trình hóa trị vô cùng đau đớn cũng cố gắng mỉm cười, đáp: “Ăn gì cũng được, chỉ cần không phiền phức là được.”

Mỗi lần nhìn thấy vợ chồng họ mỉm cười với nhau, tôi luôn quên mùi thuốc khử trùng nồng nặc, quên đi một ngày làm việc mệt mỏi, thậm chí quên cả nỗi khổ đau của cái chết và sự chia ly.

Tôi nghĩ có thể khiến Cận tiên sinh chiến đấu chống lại sự giày vò của bệnh tật suốt năm năm qua, ngoài tín ngưỡng của ông, còn có sự ấm áp ở tận sâu tâm hồn.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.