Anh Hùng Tiêu Sơn

Chương 5: Thuận thiên cửu hùng




Thuận thiên cửu hùng

Thanh-Mai gật đầu:

- Đúng đó. Song tiếc rằng nay đã thất truyền. Thôi Tự-Mai thuật tiếp đi.

Tự-Mai tiếp:

- Triều đình nhà Hán thấy vậy, mới phong cho Sĩ Nhiếp làm thứ sử Giao-chỉ, vì Sĩ Nhiếp biết nói tiếng Việt. Sĩ Nhiếp thấy nhà Hán đã suy đồi lắm rồi. Y có ý chiếm cứ đất Lĩnh-nam cũ, thành lập một giang sơn riêng như Triệu Đà xưa. Khi sang đến nơi, y không truy tầm đến thủ phạm đã giết cha. Y nghĩ rằng muốn giảm làn sóng chống Hán, cần tiêu diệt học thuật Lĩnh-nam. Muốn tiêu diệt học thuật Lĩnh-nam không gì bằng khuyến khích truyền bá Nho-học. Nhờ vậy làn sóng phản Hán phục Việt giảm đi nhiều. Y xin đổi Giao-chỉ làm Giao-châu. Y phúc trình rằng các vùng Nhật-nam, Cửu-chân, Giao-chỉ, Quế-lâm, Tượng-quận, Nam-hải, Thương-Ngô vốn là đất Lĩnh-nam cũ, dân chúng quật cường, muốn khôi phục cố thổ. Y đề nghị cho anh em mình trấn nhậm, để giữ vững biên cương. Triều Hán chấp thuận.

Thanh niên công tử ngửa mặt nhìn những sợi tơ trời bay, nói bâng quơ:

- Tự-Mai được giáo huấn rất chính xác về lịch sử Việt. Nguyên vì những thư tịch cổ của mình bị mất, rồi người Tầu họ muốn chép láo chép lếu thế nào, đâu ai biết mà chỉnh đốn. Trong bộ Hậu-Hán thư của Phạm Việp, y chép rằng dân Việt vốn không biết lễ nghĩa. Chính Sĩ Nhiếp là người đầu tiên dậy dân học chữ Hán, dạy lễ nghĩa. Thế mà ngày nay, nhiều người Việt coi bộ sách này làm khuôn vàng, thước ngọc để tra cứu sử Việt.

Thiện-Lãm chửi thề:

- Tiên sư cha thằng Sĩ Nhiếp giả nhân giả nghĩa. Nó khôn thực. Thế là anh em nó chiếm cứ gần hết lãnh thổ đất Lĩnh-nam. Chắc triều Hán phải phong chức lớn cho Nhiếp. Thế thì trên thực tế nó đã làm vua Lĩnh-nam rồi còn gì nữa?

Tự Mai gật đầu:

- Đúng thế. Triều Hán phong cho y chức Tuy-nam trung lang tướng thống lĩnh bẩy quận. Niên hiệu Kiến-an thứ mười đời Hán Hiến-đế (207 sau tây lịch). Giữa lúc Tào Tháo đem quân đánh Nam-bì, đại chiến với Viên Đàm. Sĩ Nhiếp cùng anh em y gửi thư về bày tỏ lòng trung thành với Tào Tháo. Y cho thủy thủ tải về 300 thuyền đầy gạo, cá khô cùng ba ngàn con ngựa chiến. Tào Tháo ép Hiến-đế, phong cho Sĩ Nhiếp chức An-viễn tứơng quân, tước Long-đệ đình hầu.

Thanh-niên béo mập xen vào:

- Kể ra Sĩ Nhiếp cũng đáng gọi là trung quân. Y trung thành với triều Hán, dù biết vua Hán chỉ là mộc vị của Tào Tháo.

Vị hoà thượng lắc đầu:

- Không phải như vậy đâu. Đó chẳng qua y muốn yên thân. Vì thế lực của Đông-Ngô bấy giờ chưa có gì đáng kể. Con nên nhớ rằng phàm con người có hiếu, mới có trung. Y tham danh đến độ quên thù cha, thì còn hy vọng gì tử tế với ai nữa?

Thanh niên béo mập chắp tay:

- Đa tạ sư phụ chỉ dạy.

Tôn Đản hỏi:

- Như vậy coi như hồi ấy Đại-Việt mình thuộc Hán.

Tự-Mai lắc đầu:

- Không hoàn toàn. Niên hiệu Kiến-an thứ mười ba (208 sau Tây- lịch) Tôn Quyền đại phá Tào Tháo ở Xích-bích. Sĩ Nhiếp hoảng sợ, sai con là Sĩ Huy vào Ngô làm con tin, xin qui phục Ngô. Chúa Ngô là Tôn Quyền vẫn để cho Sĩ Nhiếp thống lĩnh bẩy quận. Song sai Bộ Chất làm thứ sử Giao-Châu. Quyền phong Nhiếp tước Long-biên hầu. Tuy bề ngoài thì vậy, chứ thực sự Sĩ Nhiếp tự xưng là Sĩ-vương. Niên hiệu Hoàng-vũ thứ năm của Tôn Quyền (226 sau Tây lịch) Sĩ Nhiếp chết. Con là Sĩ Huy lên thay. Nhà Ngô sai bọn Lữ Đại, Đái Lương, Trần Thì sang chia nhau trấn nhậm. Sĩ Huy mang quân ra chống lại. Sau khi đại chiến một trận, Lữ Đại bị bại. Y dụ Sĩ Huy về hàng Ngô, sẽ đựơc giữ chức tước cũ của cha. Sĩ Huy đem năm anh em ra hàng. Lữ Đại giết hết.

Tự-Mai thở dài:

- Mãi đến niên hiệu Xích-ô thứ 11 của nhà Ngô ( 248 sau Tây- lịch). Bấy giờ người Việt mới ngóc đầu dậy được. Các võ phái lại xuất hiện. Đại hội võ lâm ở núi Tản-Viên bàn truyện phục quốc. Song các đại tôn sư không đồng ý với nhau. Cuối cùng Triệu Quốc-Đạt thuộc phái Long-biên được bầu làm thủ lĩnh, liên lạc với quần hùng, chuẩn bị khởi nghĩa.

Tôn Đản lắc đầu:

- Hỏng rồi! Mưu khởi nghĩa mà đại hội đã là điều không ổn. Lại còn bầu một người liên lạc với quần hùng. Việc ồn ào như thế tránh sao khỏi tai mắt của giặc. Giặc Hán thời Lĩnh-nam là thứ giặc lâu năm không đánh nhau. Bộ máy chiến tranh kém cỏi. Còn giặc Hán thời Tam-Quốc là thứ giặc bao năm chiến tranh. Quan lại được cử từ Trung-quốc qua. Đám quan lại quen với đàn áp... Nó biết, nó chặt đầu ngay từ khi chưa khởi sự.

Tự-Mai gật đầu:

- Đúng thế. Đã vậy còn bị nội thù nữa chứ.

Thiện-Lãm hỏi:

- Lại cái nạn như Lê Đạo-Sinh thời vua Bà?

- Không! Kẻ thù trong nhà mới đau chứ?

Thuận-Tông ngơ ngác:

- Sư huynh, sư đệ của Triệu Quốc-Đạt chăng?

Tự-Mai thở phào ra một tiếng:

- Vợ của Triệu Quốc-Đạt!

Mọi người đều kêu lên tiếng kinh ngạc. Tự-Mai thản nhiên:

- Sự thực như thế đó.

Thanh niên công tử kinh ngạc:

- Em ơi! Không nên bịa đặt ra truyện kỳ quái quá đáng. Vợ của Quốc-Đạt có thể ngoại tình, giết chồng. Chứ không thể phản chồng trong việc phục quốc. Bởi Quốc-Đạt mưu truyện vá trời. Nếu thất bại, sẽ đưa đến cả nhà bị giết. Vợ Quốc-Đạt phản chồng, thì bà phải biết rằng mình cũng chết. Thà để chồng mưu phục quốc, may mắn thành đại nghiệp thì danh thơm muôn thủa. Chứ có đâu theo giặc? Không lẽ bà tự tử.

Tự-Mai thản nhiên:

- Khổng-tử nói rằng: "Con giết cha không phải một lúc mà đến. Vợ phản chồng không phải một ngày mà xẩy ra". Vụ này có uyên nguyên rất sâu xa. Nguyên Triệu Quốc-Đạt cùng em gái là Triệu Quốc-Trinh xuất thân phái Long-biên. Bản lãnh cả hai đều luyện đến chỗ cao thâm vào bậc nhất thời bấy gìơ. Tiếng tăm vang dội truyền đến tai Đinh Trọng-An, một trong Tản-viên tam kiệt. Ông có ba con. Hai gái lớn sinh đôi. Một trai út. Gái lớn tên Đinh Nữ-Hoàn, nhỏ tên Đinh Nữ-Vĩ. Con trai út tên Đinh Tú-Mi. Cả ba con đều được ông dạy cho bản lĩnh thượng thừa. Nữ-Hoàn, Nữ-Vĩ có nhan sắc nghiêng thành đổ núi. Ông thường tự hào rằng con ông là loài rồng loài phượng trên thế gian. Nghe tiếng Triệu Quốc-Đạt võ công tuyệt luân, lại có khí hùng, trí dũng. Ông đánh tiếng gả con gái cho. Gia đình Quốc-Đạt đem lễ vật đến hỏi.

Thanh niên công tử ngạc nhiên:

- Ta nghe phái Long-biên vốn chịu ảnh hưởng nặng của Lĩnh-nam thánh tổ kiếm pháp Nguyễn Phương-Dung, trứơc đây giữ chức tể tướng thời vua Bà. Triệu Quốc-Đạt là cao thủ phái Long-biên ắt phải giữ môn qui. Tuân theo luật một vợ, một chồng. Có đâu cưới hai cô một lúc.

Tự-Mai cười:

- Công tử nóng nảy quá. Quốc-Đạt chỉ cưới có một người thôi. Khi cha mẹ Quốc-Đạt tới hỏi con gái Đinh Trọng-An. Ông cho hai con gái cùng ra chào khách. Ý muốn để cha mẹ Quốc-Đạt chọn một trong hai cô. Không ngờ hai cô giống nhau quá. Ông bà không biết ai mà lựa. Cuối cùng ông sai lấy của mỗi cô một cái khăn choàng cổ, đưa cho Quốc-Đạt lựa. Hễ Quốc-Đạt chọn cái của cô nào, thì gả cô đó. Quốc-Đạt chọn đúng cái của Nữ-Vĩ. Thế là Nữ-Vĩ thành vợ Quốc-Đạt.

Đạo sĩ đi với công tử thở dài:

- Lấy khăn mà chọn người là điều tối kỵ trong hôn nhân. Cuộc hôn nhân này sau ắt đầy nước mắt.

Tự Mai gật đầu:

- Đúng thế. Sau đám cưới của Quốc-Đạt, thì người vợ Hán của thái thú Cửu-chân là Tiết Kính-Hàn chết. Kính-Hàn muốn học gương của Lĩnh-nam vương Trần Tự-Sơn thời trước, cưới vợ Việt trong giới võ lâm để dễ cai trị. Y đem lễ vật tới hỏi Đinh Nữ-Hoàn làm kế thất. Đinh Trọng-An không muốn con gái làm một thứ Mị-Châu, một lọai vợ thằng Ngô. Ông định từ chối. Song chính Triệu Quốc-Đạt khuyên ông nên gả. Vì với tư cách phu nhân của thái thú. Đinh Nữ-Hoàn có nhiều tin tức, thế lực che chở cho võ lâm phục quốc. Vì vậy Đinh Trọng-An quyết định cho Nữ-Hòan làm vợ Tiết Kính-Hàn.

Thanh niên béo mập đi theo công tử hỏi:

- Thế Kính-Hàn có mắc mưu không?

- Có. Khi mới cưới Nữ-Hoàn, y nghĩ tình anh

em rể, cử Quốc-Đạt làm huyện lệnh huyện Vô-biên. Cử em trai vợ là Đinh Tú-Mi làm chức phó đô sát. Bấy giờ Triệu Quốc-Đạt gần như công khai hoạt động. Ông sai Triệu Quốc-Trinh vào núi Chung-chinh lập doanh trại, kết nạp nam nữ thanh niên các nơi về luyện tập. Bọn quan lại người Hán có thắc mắc gì thì ông trả lời rằng huấn luyện sĩ tốt gửi sang cho vua Ngô đánh Ngụy. Động Xuân-đài biến thành nơi luyện thép làm vũ khí.

Thiện-Lãm nghe đến đây thì bật lên tiếng kêu lớn:

- Núi Chung-chinh với động Xuân-đài à? Kìa là núi Chung-chinh. Phía sau núi là sông Mã. Tôi đã đến đó chơi nhiều lần, thuộc làu địa thế. Còn động Xuân-đài thì không biết ở đâu. Suốt bao năm nay, cả vùng này muốn điên lên vì cái động Xuân-đài.

Hòa thượng đi theo công tử hỏi:

- Tiểu thí chủ có biết động Xuân-đài ở đâu không?

Thiện-Lãm lắc đầu:

- Bạch thầy, cả vùng này bọn chúng con nhẵn chân hết, mà chưa từng nghe, từng biết động Xuân-đài ở đâu. Dân quanh đây, khổ về cái động Xuân- đài, Đông-đài này quá lắm.

Thiếu niên đi theo công tử hỏi:

- Em cho anh biết tại sao đi!

Tiếng nói của y trong, ngọt như cam thảo. Thiện-Lãm thấy vui vui. Nó đáp:

- Không biết từ đời nào, truyền tụng rằng có động Xuân-đài, bà Triệu luyện quân. Sau bị Ngô truy tầm. Bà trốn trong đó. Hồi ấy quân Ngô có hàng vạn người lên núi Chung-chinh, vạch từng ngọn cỏ, bới từng cành cây. Mà tìm cũng không ra. Thế nhưng hàng năm, sắp đến ngày giỗ Bà-vương, thì y như là có nhiều người đến đây tìm động Xuân-đài. Họ bỏ tiền ra mướn dân chúng dẫn đường. Bọn em được họ cho không biết bao nhiêu tiền, để đưa đường lên núi Chung-chinh. Hàng ngày chúng em leo núi, bắt chim, hái trái, riết rồi thuộc từng mỏm đá, từng gốc cây. Mà nào có thấy động Xuân-đài ở đâu?

Hòa thượng có vẻ quan tâm tới việc này. Ông hỏi:

- Tiểu thí chủ đã từng dẫn nhiều người lên núi tìm động. Vậy họ là những loại người nào?

Thiện-Lãm tính đốt ngón tay:

- Họ từ các nơi xa đến. Việt có, Chàm có, Hán có. Nam có, nữ có. Tăng có, tục có. Gần đây có đến bốn, năm toán người Hán đến. Họ cất lều ở trên núi hàng tháng. Rồi cũng thất vọng ra đi.

Nó nhăn mặt suy nghĩ, rồi tiếp:

- Cách đây hơn tháng, Nguyên-Hạnh đại sư ở chùa Sơn-tĩnh phái ba trăm thiếu niên Hồng-hương lên núi ở luôn mười ngày liền. Họ vạch từng viên đá, từng gốc cây trước sau ba chục lần, cũng chẳng tìm ra tông tích gì. Từ đấy người treo tấm bảng cấm không cho bất cứ ai lên núi. Bằng trái lệnh thì thiếu niên Hồng-hương bắt giải quan. Sau đó mới bớt cái nạn đi tìm động Xuân-đài. Ai cũng tưởng Nguyên-Hạnh đại sư muốn cho dân chúng yên tĩnh, ngăn cản người lạ đến làm rối loan di tích lịch sử. Nhưng theo cháu...

Thiếu niên công tử hỏi:

- Em cho rằng Nguyên-Hạnh ngăn cấm người ta với mục xích khác chăng?

- Không phải như vậy. Theo em nghĩ đại sư Nguyên-Hạnh cấm người ta lên núi ắt có chủ kiến riêng. Tuần trăng trước chúng em lên núi chơi, thì thấy đại sư cùng với một số người bịt mặt lên tìm kiếm khắp các hang hốc. Rút cuộc cũng chẳng thấy động Xuân-đài. Cho nên núi Chung-chinh chỉ có thiếu niên Hồng-hương là được tự do lên mà thôi. Tuy vậy bọn em có nhiều ngách khác lên núi, mà bọn họ không biết.

Tôn Đản nghe Hà Thiện-Lãm tường thuật, khuôn mặt nó thay đổi luôn như suy nghĩ một điều gì, nó định nói vài câu, rồi lại thôi.

Thanh niên béo mập nghe nói đến Hồng-hương thiếu niên, chàng hỏi:

- Hồng-hương thiếu niên là những người tốt hay xấu?

Lê Thuận-Tông đáp không suy nghĩ:

- Họ là những người rất tốt. Ban ngày họ làm việc, tối về canh phòng trộm cắp. Ai có việc khó khăn, họ giúp đỡ tận tình. Họ không sợ bất cứ thế lực nào, ngoài trừ đệ tử Hồng-thiết giáo và đệ tử phái Đông-a.

Nói rồi nó đưa mắt nhìn chị em Thanh-Mai.

Lý Long mỉm cười:

- Đệ tử phái Đông-a đã đụng chạm với thiếu niên Hồng-hương từ bao giờ?

- Em không rõ sự thực ra sao. Có một anh Hồng-hương nói nhỏ với bọn em rằng đại hiệp Trần Tự-An gọi đại sư Nguyên-Hạnh là lão thầy chùa ăn thịt chó. Thế mà đại sư cũng phải nín.

Thanh-Mai hỏi hoà thượng:

- Bạch đại sư! Đệ tử thấy dáng di của đại sư thì đoán chắc đại sư là cao tăng phái Tiêu-sơn. Xin đại sư cho đệ tử biết đại sư Nguyên-Hạnh là người tốt hay xấu?

Hoà thượng mỉm cười:

- Cô nương thực tinh mắt, thực không hổ là đệ tử danh gia. Bần tăng quả thuộc phái Tiêu-sơn. Còn truyện sư thúc Nguyên-Hạnh thì bần tăng không rõ, vì bần tăng với sư thúc xa nhau lâu quá rồi. Có lẽ sư thúc bần tăng vô phép với đại hiệp Tự-An, nên người mới mắng mỏ, cô nương chẳng nên lưu tâm làm gì.

Lý Mỹ-Linh hỏi:

- Hồng-thiết giáo ở vùng này mạnh lắm sao?

- Trước kia họ ẩn hiện không chừng. Từ khi có chiếu chỉ ân xá. Họ hoạt động công khai. Ít ai dám động đến họ. Động đến họ, thì mất mạng như chơi.

Nghe đến Hồng-thiết giáo, chị em Thanh-Mai đều tỏ ý quan tâm. Trong nhà nàng đã xẩy ra một thảm cảnh mà chị em nàng tin rằng do Hồng-thiết giáo gây ra.

Nguyên vùng Thiên-trường, ảnh hưởng của phái Đông-a rất mạnh. Khắp vùng không có người của môn phái khác. Phải vượt qua trăm dặm tới cố đô Trường-yên, mới có đệ tử của phái Hoa-lư cũ, nay nhập lại thành đệ tử phái Mê-linh.

Từ khi Thuận-thiên hoàng đế lên ngôi vua, ban chiếu đại xá thiên hạ. Hồng-thiết giáo do đó được hoạt động khắp nơi. Một phụ nữ tên Đặng-thị Anh, gốc người Thiên-trường. Hồi dậy thì, mụ cũng có nhan sắc. Sau gả về làm vợ một lương y tên Trần Tấn-Khang. Vì vậy người ta gọi mụ bằng danh tự Trần phu nhân. Hay Anh-Trần. Mụ bí mật nhập Hồng-thiết giáo, do trưởng lão Đặng Trường, kết nạp. Sự thực hai bên họ Đặng, nhưng giữa Đặng Trường với mụ không có chút máu mủ nào. Để che mắt chồng cùng chúng nhân, mụ gọi Đặng Trường bằng chú. Mụ lấy giáo danh là Vũ Lâm.

Hồng-thiết giáo chủ trương phá bỏ mọi kỷ cương luân lý Đại-Việt, tạo một lớp người mới, chỉ biết giáo chủ, giáo qui, cùng nguyên tắc Hồng-thiết kinh đưa ra.

Vì vậy ngay khi nhập giáo, Anh-Trần được Đặng Trường thuyết phục tình nguyện làm cây thuốc cho y luyện công. Nàng không hiểu danh tự cây thuốc có ý nghĩa gì. Một lần tò mò hỏi sư thúc Vũ Anh, ông gạt đi: « Cháu cứ tưởng tượng đây là những gì dơ bẩn nhất của con người ».

Mụ ta bị ma tính Hồng-thiết kinh làm u mê, công khai ăn nằm với đủ mọi loại người kể cả sư ông Thiện-Báu trong vùng. Lương y Trần Tấn-Khang khuyên bảo thế nào, mụ cũng không nghe. Không nghe thì chớ, mụ ngồi lê đôi mách khắp nơi, bịa truyện bêu xấu chồng. Một lần mụ ăn nằm với thằng hủi mốc trong vùng, bị làng bắt được, đem ra chợ đánh ba mươi roi, cạo đầu sơn vôi.

Việc này xẩy ra, Đặng Trường không những không trách mắng, còn khen mụ, thăng mụ lên chức quản giáo huyện. Đặng khuyên mụ nên qui tụ giáo chúng lập ấp riêng để sống. Khắp vùng Thiên-trường, con em gia đình tử tế đều theo học phái Đông-a. Muốn chiêu dụ người theo giáo, mụ cùng một số giáo chúng tìm khu đất hoang, lập trang mới. Trang này tên Yến-vĩ. Vì trang gần một đầm sen hoang vu, luôn có sương mù. Vì vậy trang này được gọi bằng mỹ tự Yến-vĩ sương sen . Tất cả bọn du thủ du thực, đầu trộm đuôi cướp, bọn vong mạng, bọn trốn chúa lộn chồng, bọn đĩ bợm bị làng xua đuổi, đều đến trang xin nhập xã tịch.

Hồi trang mới thành lập, nhiều người đến xin phái Đông-a đứng ra chủ trì công đạo, đuổi bọn chúng đi. Mụ Anh-Trần rất khôn ngoan. Mụ đến xin yết kiến Trần Tự-An, khóc dập đầu xuống đất, xin hoàn lương. Năm đó mụ sáu mươi tuổi. Để chứng tỏ mình đã cải tà qui chánh, mụ xin hầu hạ một đệ tử ngoại đồ phái Đông-a tên Thúy Thập Thiên. Nhờ Thập Thiên cầu xin, Trần Tự-An lờ đi cho trang Yến-vĩ sương-sen được tồn tại. Vả lại các quan chức trong vùng cũng xin Tự-An nhắm mắt để bọn trộm cướp, đĩ điếm có chỗ dung thân.

Vì vậy hầu hết người trong trang tuổi đều trên bốn mươi lăm. Không người đàn ông trong trang nào có vợ. Chẳng người đàn bà trong trang nào có chồng. Mụ Anh-Trần xây một căn nhà, chia làm ba gian. Mỗi gian ngăn cách nhau bằng một bức tường, có cửa thông với nhau. Hàng tháng mụ tổ chức hội Vu-sơn hai lần vào ngày rằm, mùng một.

Hội Vu-sơn là gì? Vu-sơn là lối hành lạc tập thể của Tây-dương giáo chủ Hồng-thiết giáo Xích Trà Luyện phát minh ra. Sau khi học tập nghiên cứu, mụ Anh-Trần thực hiện ở trang Yến-vĩ sương-sen. Mụ chọn ba mươi người đàn ông, cho vào gian bên Đông. Ba mươi người đàn bà cho vào gian bên Tây. Gian giữa đóng kín, không một tia sáng lọt vào. Sau ba tiếng trống, cửa mở. Đàn ông, đàn bà đều ùa vào gian giữa. Trong bóng tối, nam, nữ ôm lấy nhau, lọan xà ngầu khoảng nửa ngày. Cuối cùng, sau ba tiếng trống, nam sang gian Tây, nữ sang gian Đông. Ai đã làm với ai, nào có biết.

Sau khi mẫu thân Thanh-Mai qua đời vì trúng Chu-sa độc chưởng. Người anh cả của Thanh-Mai tên Thông-Mai cho rằng bọn hại mẹ mình ắt ẩn thân ở trang Yến-vĩ sương-sen. Chàng âm thầm dọ thám. Vụ này lộ ra, bà kế mẫu của nàng biết. Không hiểu sao, bà gây gổ với Thông-Mai liên miên. Thông-Mai phẫn chí, bỏ nhà đi tu, hẹn chỉ trở về trần khi tìm ra kẻ sát hại mẫu thân. Thông-Mai bỏ đi đã hơn hai năm không tin tức. Chị em Thanh-Mai lấy cớ theo sư phụ hành hương Lệ-Hải bà vương, nhưng thực ra để tìm tung tích anh cả. Cho nên mỗi khi nhắc đến Hồng-thiết giáo, Thanh-Mai lại cảm thấy đau xót trong lòng.

Tiếng Lý Long kính cẩn nói với Tịnh-Huyền, làm Thanh-Mai trở về thực tại:

- Kẻ hậu học lớn gan kính thỉnh sư thái cùng quý cao đồ viếng di tích xưa kia của Lệ-hải Bà-vương. Không biết sư thái có thuận không.

Sư thái Tịnh-Huyền chắp tay:

- Thực là đại duyên.

Đường đi Chung-chinh tuy xa, song vừa đi, Tự-Mai vừa thuật truyện, vì vậy, không ai cảm thấy mệt mỏi. Tôn Đản hỏi thanh niên công tử:

- Công tử cứ lên ngựa mà đi. Bọn chúng em đi chân quen rồi. Công tử đi chân, e mệt chết.

Thanh niên công tử cười:

- Đi cùng đường với nhau, viếng thăm di tích anh hùng của tổ tiên, cần phải xóa bỏ sự cách biệt. Dù què chân anh cũng đi bộ với em.

Công tử nói với sư thái Tịnh-Huyền:

- Bạch sư thái. Hậu học xin kính cẩn giới thiệu bọn anh em với sư thái.

Chỉ vào lão hòa thượng gầy, công tử nói:

- Vị này là sư phụ của tại hạ pháp danh Huệ-Sinh.

Thanh-Mai reo lên:

- Thực vạn hạnh. Bạch đại sư, nhân gian đồn rằng đại sư đắc đạo thành Phật rồi. Ai được gặp đại sư là phúc lớn lắm. Như vậy đại sư là sư huynh của đức Thuận-thiên hoàng đế? Dường như đại sư có nguyện lớn lắm.

Huệ-Sinh mỉm cười:

- Đúng vậy! Bần tăng cùng sư huynh là Minh-Không hồi còn trẻ đã có tâm nguyện rằng « Dùng trọn đời để lập một nước Việt, đem phúc cho dân. Nếu kiếp này chưa hoàn tất thì kiếp sau. »

Trên mặt sư thái Tịnh-Huyền thoáng hiện một nét kỳ dị rồi biến mất. Công tử chỉ thanh niên béo tròn:

- Vị này là sư đệ của tại hạ. Họ Tạ tên Đức-Sơn, thường gọi tắt là Tạ Sơn, hay Tạ Đức.

Chỉ vào đạo sĩ, công tử tiếp:

- Vị này là đạo sư Nùng-Sơn tử.

Cuối cùng, công tử chỉ vào thanh niên da trắng môi hồng:

- Vị này là cháu gọi tại hạ bằng chú tên Mỹ-Linh. Còn tại hạ họ Lý tên Long.

Thanh-Mai hỏi:

- Thì ra công tử cùng các vị đây là hoàng thân, quốc thích đấy. Hèn gì tư cách khác thường.

Tạ Sơn lắc đầu:

- Trần cô nương! Cô nương lầm rồi. Sư huynh tôi họ Lý, song chỉ có quốc tính thôi, chứ không phải hoàng thân, quốc thích.

Thanh-Mai giới thiệu bên mình sơ qua một lựơt. Thanh niên công tử nói với sư thái Tịnh-Huyền:

- Giữa đường gặp gỡ, thông cảm với nhau trong biến cố lịch sử anh hùng đất Việt. Xin sư thái thuận cho tại hạ kết bạn với các em này. Không biết có được không?

Sư thái Tịnh-Huyền mỉm cười:

- Vạn hạnh. Cùng là con rồng, cháu tiên, ai cũng là anh em cả. Thí chủ muốn kiết bạn với đám trẻ nhỏ này, thực là duyên, là phúc cả. Bây gìơ hãy lấy ngày sinh, so tuổi. Ai lớn thì làm anh, làm chị. Ai nhỏ thì làm em.

Từ lúc gặp Tịnh-Huyền, trong lòng Lý Long nảy ra những tình cảm rất lạ lùng. Bảo rằng thân thiết thì cũng thực thân thiết. Bảo rằng thương cảm thì cũng thực thương cảm. Nhất là tiếng nói của Tịnh-Huyền, chàng nghe như quen thuộc từ lâu, mà nhất thời chàng đoán không ra đã gặp bà tại đâu bao giờ. Chàng thấy mình cảm tình với bà như với mẹ đẻ. Cho nên chàng mới nảy ra ý kết thân với đám đệ tử của bà.

Thiện-Lãm thích quá. Nó reo lên:

- Ở đây lớn tuổi nhất là bà, rồi đến thầy, sau đến đạo sư Nùng- Sơn. Cả ba đều thuộc lọai cha, mẹ thì không chơi với bọn chúng mình. Còn lại chín người chúng ta, kết làm anh em. Đặt tên sao cho đẹp mới được.

Thanh-Nguyên lên tiếng:

- Kỷ niệm kết bạn trên núi Chung-chinh, đặt tên là Chung-chinh cửu hiền. Như vậy mới tuyệt.

Thuận-Tông thêm:

- Hay đặt tên là Xuân-đài cửu kiệt.

Lý Long phất tay:

- Kiệt, hiền thế nào được. Chúng ta phải làm những truyện kinh thiên động địa như các anh hùng thời Lĩnh-nam. Hay ít ra cũng bằng Ngô Quyền, Lê Hoàn. Năm nay là niên hiệu Thuận-thiên thứ mười bẩy (1027) của đức hoàng đế Đại-Việt. Vậy chúng ta tự xưng Thuận-thiên cửu hùng để ghi nhớ.

Đám trẻ reo hò vui mừng, tưởng như mình thành anh hùng thực sự rồi.

Sau khi so tuổi, Lý Long nói:

- Tất cả các em cùng anh kết thân, cứ theo tuổi mà xếp thứ tự. Duy Mỹ-Linh là cháu anh. Anh với Mỹ-Linh vẫn là chú cháu. Còn các em, theo thứ tự tuổi. Tục lệ Đại-Việt mình khi kết bạn phải quay mặt về hướng Đông tuyên thệ. Ai thề câu gì thì phải giữ suốt đời.

Thiện-Lãm hỏi:

- Tại sao lại quay mặt về phương Đông?

- Vì khi xưa, Quốc-tổ dẫn 50 người con

xuống biển. Mà biển ở phía Đông. Vì vậy phải quay mặt về phương Đông, để Quốc-tổ chứng kiến cho.

Trời đã về trưa. Nắng càng gay gắt. Gió núi thổi, làm cây cỏ bật lên những tiếng xào xạc. Đâu đó tiếng quốc kêu não nùng, khắc khoải văng vẳng.

Lý Long chỉ vào bãi cỏ tươi:

- Nào! Chúng ta hãy quì xuống đây mà thề. Theo thứ tự.

Lý Long chắp tay:

- Hôm nay là ngày mười bốn tháng hai năm niên hiệu Thuận-thiên thứ mười bẩy của Đại-Việt (1027). Chúng con là chín người, tuy không cùng cha mẹ, song cùng gốc từ Quốc-tổ, Quốc-mẫu. Chúng con nguyện kết làm người thân. Kể từ hôm nay, chúng con coi nhau như ruột thịt. Có phúc cùng hưởng. Có họa cùng chịu. Chúng con nguyện đem hết tâm trí, bảo vệ đất Đại-Việt trường tồn mãi mãi. Theo thứ tự tuổi tác, thứ bậc mỗi người có lời thề riêng. Con lớn tuổi nhất, đứng đầu. Con xin thề : Dùng tất cả cuộc đời, để nối chí vua Trưng. Tạo dựng hạnh phúc cho dân. Đòi lại đất Tổ đã bị mất. Xây dựng đất Đại-Việt thành một nước hùng mạnh.

Lý Long quay lại nói:

- Các em thề đi.

- Con là Tạ Sơn, xin thề như anh cả Lý Long. Con xin cam kết suốt đời trung thành với anh cả, trung thành với chí hướng của anh ấy.

- Con là Trần Thanh-Mai. Con xin thề theo chí hướng của anh cả. Dù trong bất cứ phong ba nào cũng không từ nan.

Tiếp đến Lý Mỹ-Linh:

⬔Con là Lý Mỹ-Linh, con xin thề suốt đời tuân theo mệnh lệnh chú hai, theo chí hướng của chú hai. Kính chú hai như thầy, như bố.

Tôn Đản, Trần Tự-Mai, Hà Thiện-Lãm, Lê Thuận-Tông, Trần Thanh-Nguyên đều thề như Lý Long.

Sư thái Tịnh-Huyền mỉm cười :

- Bần ni chúc mừng công tử cùng các em kết nghĩa. Hy vọng sau này công tử cùng tám người em hoàn thành chí nguyện.

Huệ-Sinh, Nùng-Sơn tử cũng đưa lời chúc mừng.

Thiện-Lãm nhìn trời nói:

- Mặt trời đứng bóng, dễ thường Ngọ rồi đấy. Nấu cơm ăn thì vừa.

Thanh Mai chỉ vào cái bao đeo trên lưng:

- Sáng nay ông từ đền thờ đức Ông lấy mo cau nắm cho mấy nắm cơm. Lại có cả muối vừng nữa. Khỏi nấu cơm.

Một người nông dân gánh hai thúng khoai đi qua. Lý Long hỏi:

- Này anh ơi! Anh có bán khoai không?

Anh nông dân gật đầu:

- Có chứ. Công tử muốn mua bao nhiêu cân?

Thiện-Lãm nói:

- Anh cả. Theo tục lệ người Việt mình, thì anh chỉ phải làm việc gì khi bọn em không làm được. Việc mua khoai này, để bọn em. Khoai mới bới lên phải nướng mới ngon.

Nó đếm người, rồi chọn khoai. Lý Mỹ-Linh cũng ngồi chọn khoai với Lãm. Chàng vừa chọn đựơc hai củ, Lãm cầm lấy bỏ trả. Nó nói:

- Anh Tư ơi. Anh không quen ăn khoai rồi. Để em giảng cho anh nghe. Dù ăn luộc, hay ăn nướng, thì cũng nên chọn củ vừa phải thôi. Chứ củ lớn quá khi luộc bên ngoài nứt, nhão ra mà bên trong cũng chưa chín. Còn ăn nướng, e nướng bên ngoài cháy thành than, mà bên trong ăn còn sượng. Phải chọn củ nào vừa vừa thôi. To bằng cổ tay em thì tốt.

Nó chỉ vào mấy củ khoai, bên ngòai có vết chấm li ti:

- Bên ngoài có vết như vầy là khoai bị hà. Ăn vào vừa cay, vừa đắng. Củ nào da mịn, thì trong ruột mới ngon.

Lãm, Tông, Đản cùng chọn khoai. Tạ Sơn móc tiền trả. Chàng hỏi:

- Bây giờ ăn nướng hay ăn luộc?

Tôn Đản bàn:

- Ở đây có hòa thượng, có sư bà. Chúng ta nên ăn chay. Cơm nắm cứ để dành đó. Lỡ ra chiều không về kịp còn có cái gì bỏ bụng. Chúng ta nướng khoai mà ăn.

Lý Mỹ-Linh thắc mắc:

- Anh không biết nướng khoai. Các em biết nướng thì nướng đi.

Thiện-Lãm nắm lấy tay Lý Mỹ-Linh:

- Anh tư này! Em nói một câu, anh đừng bắt lỗi nghe. Tướng anh trông như con gái. Da trắng tươi lại mịn. Môi hồng, mắt phượng. Em sợ công chúa cũng không đẹp bằng. Tiếng nói của anh trong, ngọt như cam thảo... À quên, để em nói về cách nướng khoai cho chị tư nghe.

Lý Mỹ-Linh khẽ đập vào vai Thiện-Lãm:

- Cậu bẩy này, hay đùa qúa.

Cử chỉ của chàng dịu dàng như con gái. Thiện-Lãm bảo Tôn Đản:

- Anh năm. Đem khoai xuống suối rửa với em.

Tôn Đản, Tự-Mai, Thiện-Lãm, Thuận-Tông đem khoai xuống suối rửa. Huệ- Sinh nhìn theo đám trẻ, nói:

- Những thiếu niên Việt đầy tự hào dân tộc này. Nếu biết hướng đẫn, mai sau sẽ trở thành tuấn kiệt cho đất nước. Công tử thực thông tuệ khác thường, nên kết bạn cùng chúng.

Rửa khoai xong, đám trẻ chia nhau. Đứa nhặt củi, cỏ khô. Đứa đào hố. Tôn Đản giảng:

- Nướng khoai phải nướng bằng than. Nào đốt lửa lên.

Ngọn lửa bốc cháy. Khói nghi ngút tỏa lên nền trời xanh, không gợn chút mây tơ. Lãm gọi Mỹ-Linh:

- Chị tư lại đây xem nướng khoai. Chị thấy không? Phải để cho cỏ cháy hết. Chỉ còn tro hồng rực lửa. Bây giờ em vùi khoai vào. Phía trên đống tro, phải để than củi. Bởi tro than mau tàn. Còn nướng bằng than không, thì than nóng qúa, khoai bị cháy.

Chỉ lát sau, một mùi thơm nhẹ nhàng xông vào mũi mọi người. Lý Long khịt mũi, hỏi:

- Mùi gì thơm quá vậy?

Thuận-Tông cười khúc khích:

- Em chắc đây là lần đầu tiên anh cả đi ra ngoài quá. Chắc anh là con quan, hay con nhà giầu, cho nên không được ăn khoai nướng bao gìơ.

Huệ-Sinh, Nùng-Sơn Tử đưa mắt nhìn Lý Long. Cả ba cùng thoáng qua nét kỳ dị. Tạ Sơn đáp:

- Không phải. Anh cả không là con quan. Cũng chẳng phải con nhà giầu.

Thuận-Tông càng thắc mắc:

- Vậy anh cả làm quan lớn chắc, nên mới đi ngựa chứ?

Lý Long cười:

- Anh là ai chăng nữa, thì cũng là anh cả. Anh là anh, thì em quí anh. Chứ anh là quan, là vua, chưa chắc đã được ngồi ăn khoai nướng với các em.

Sư thái Tịnh-Huyền bật lên tiếng:

- A- Di- Đà Phật.

Tôn Đản hô lớn:

__ Khoai chín rồi. Đớp thôi.

Chợt nhớ lại chư đớp thực vô phép. Nó chữa:

- À để cúng dàng đại sư Huệ-Sinh với sư bà đã.

Nó bới khoai khỏi đống than. Tay hái mấy lá cây, nhặt ba củ vỏ dộp lên, khói bốc nghi ngút. Nó bưng đến trước mặt sư thái Tịnh-Huyền, hòa thượng Huệ-Sinh:

- Con kính cẩn cúng dàng.

Trong khi đó Thuận-Tông, Thiện-Lãm đem khoai đến cho Nùng-Sơn tử là những người trên vai. Còn lại từ Lý Long trở xuống đều bóc vỏ khoai ăn. Thiện-Lãm dặn Lý Mỹ-Linh:

- Anh cẩn thận nghe. Ăn từ từ thôi. Ăn miếng to bị nghẹn ngay đấy.

Từ xa, một đòan bốn kị mã phi đến như gió. Thoáng một cái đã lướt qua. Bụi bay mịt mù. Thiện-Lãm tinh mắt kêu lên:

- Đản! Bọn ăn cắp.

Tôn Đản cũng ngạc nhiên:

- Bọn khách trú có tên Tung-sơn tam kiệt. Hôm qua chúng đuổi theo người cướp di thư, rồi không thấy trở lại. Chỉ có Quách Quỳ bị bắt. Bố tôi giải lên quan. Không hiểu sao nay chúng lại đi đường này.

Thanh-Mai suy nghĩ một lúc rồi nói:

- E rằng quan trên không có bằng cớ,

tha chúng ra chăng? Không lẽ. Vì Quách Quỳ cung khai đầy đủ mà? Được để lúc về, chúng ta hỏi thân phụ Đản thì biết.

Huệ-Sinh hỏi:

- Cái gì vậy?

Tự-Mai tóm lược mọi truyện kể cho bọn Lý-Long nghe. Nùng Sơn-Tử kêu lên:

- Tôi sợ bọn chúng vượt ngục. Mau đuổi theo.

Lý Long phất tay:

- Không cần đuổi theo. Tôi khắc có biện pháp đối phó. Bây giờ chúng ta tiếp tục lên đường.

Tôn Đản ra lệnh:

- Ở đây Thanh-Nguyên nhỏ quá. Cho miễn. Còn năm đứa con trai, mỗi đứa phải dắt một con ngựa. Chứ không lẽ bọn mình đi tay không, để vai chú, vai bác, vai anh, vai chị dắt ngựa?

Thế là năm con ngựa được trao cương cho Lý Mỹ-Linh, Tôn Đản, Tự-Mai, Thiện-Lãm, Thuận-Tông. Thanh-Nguyên hỏi Lý Long:

- Anh cả ơi. Cho em cỡi ngựa được không?

Lý Long vỗ sẽ vào vai nó:

- Được chứ. Để anh đỡ em lên ngựa.

Thanh-Nguyên không chịu:

- Để em tự lên ngựa một mình. Mười tuổi rồi đâu có còn nhỏ nữa? Dù có còn nhỏ bẩy tuổi như Phù-đổng thiên-vương, cũng phải biết cỡi ngựa đánh giặc.

Nó nhún chân vọt mình một cái, đáp lên lưng ngựa, miệng cười:

- Anh cả coi được không?

Lý Long vỗ lưng Thanh-Nguyên:

- Thức phi thân Gia-Hưng xuất giang trong Đông-a thân pháp đẹp thực. Em mới ngần này tuổi mà bản lĩnh đã vào hàng hiếm có rồi đấy. Khi em bằng tuổi anh chắc không thua gì công chúa Gia-Hưng thời vua Trưng.

Thanh-Nguyên lắc đầu:

- Công chúa Gia-Hưng Trần Quốc lĩnh ấn đô đốc thời Lĩnh-nam. Năm hai mươi ba tuổi định đánh chiếm Lạc-dương, lật đổ nhà Hán. Em làm sao mà bằng được?

Sư thái Tịnh-Huyền dường như không bao giờ lên tiếng. Bỗng nhiên bà ngắt lời Thanh-Nguyên:

- Không được nói thế. Con phải biết lẽ biến động của trời đất. Bắc-bình vương học võ công Văn-lang, rồi bản lĩnh hơn cả thánh Tản-viên. Tể tướng Nguyễn Phương-Dung học kiếm thuật của thánh Chèm, rồi bản lãnh hơn thánh Chèm. Ta học võ từ sư phụ, rồi hơn sư phụ. Con học võ từ bố con, rồi phải hơn bố. Nếu cứ lý luận người sau thua người trước thì chẳng mấy chốc đất Việt trở thành cùng đường. Con phải nói: « Cảm ơn anh quá khen. Em sẽ cố gắng để bằng công chúa Gia-Hưng, rồi một mai hơn hẳn ngài ».

Thanh-Nguyên chắp tay xá Tịnh-Huyền sư thái:

- Đa tạ sư phụ dạy dỗ.

Rồi nhắc lại nguyên văn lời sư phụ dạy.

Lý Long bảo Tự-Mai:

- Nào thầy đồ, tiếp tục thuật truyện Lệ-Hải Bà-vương khởi nghĩa đi chứ!

Tự-Mai hỏi Tôn Đản:

- Anh năm. Hồi trưa em kể đến đâu rồi.

- Đến chỗ Triệu Quốc-Đạt sai em gái là Triệu Quốc-Trinh vào núi Chung-chinh và hang Xuân-đài lập căn cứ huấn luyện tráng đinh, nấu thép chế vũ khí.

Tự-Mai tiếp:

- Ngoài Bắc, nhạc phụ là Đinh Trọng-An bí mật tuyển tráng đinh gửi vào. Sau khi huấn luyện thuần thục võ nghệ, phép tác chiến, xung phong, hãm trận. Quốc-Trinh cho tráng đinh về bắc. Đinh Trọng-An lại gửi toán khác vào.

Tạ Sơn hỏi:

- Tiết Kính-Hàn có biết kế họach của Triệu Quốc-Đạt không?

- Không. Y tưởng Quốc-Đạt huấn luyện dân đinh cho mình. Y mừng lắm.Chỉ có đô úy Đổng Thừa nghi ngờ. Song y không dám nói ra. Một là sợ mối liên hệ anh em bạn rể giữa Quốc-Đạt với thái thú. Hai là y tự biết võ công thua xa cả sư đệ của Quốc-Đạt là Lý Hoằng, Lý Mỹ. Vả lại việc tuyển tráng đinh, luyện quân là nhiệm vụ của y. Nay y tuyển binh, không ai ứng lời gia nhập. Y đang lo sợ không làm tròn chiếu chỉ của Ngô chúa Tôn Quyền phải cung cấp mỗi tháng 500 người sang Trung-quốc dự chiến. Nay Quốc-Đạt làm dùm. Vì vậy y xu phụ theo Quốc-Đạt. Chẳng bao lâu, Cửu-chân có đạo quân toàn người Việt, khỏe mạnh, thiện chiến tới hơn ngàn người, do hai sư trưởng Lý Hoằng, Lý Mỹ, sư đệ của Quốc-Đạt chỉ huy.

Nùng-Sơn tử hỏi:

- Cháu này! Việc làm khá ồn ào. Tuy thái thú không nghi ngờ. Song trên thái thú còn có thứ sử. Thứ sử Giao-châu bấy giờ là ai? Y đóng ở đâu?

- Là Lục Dận, y đóng ở Long-Biên. Lục Dận kiêm cả ba quận Nhật-nam, Cửu-chân, Giao-chỉ. Năm Mậu-thìn (248 sau tây lịch) nhằm niên hiệu Xích-Ô thứ 11 của Ngô chúa Tôn Quyền, có tin Ngô chúa muốn triệu hồi Lục Dận về triều. Tiết Kính-Hàn cảm thấy thế lực mình mạnh hơn thái thú ba nơi kia.

Huệ-Sinh mỉm cười:

- Chắc y tưởng quân sĩ do anh em Triệu Quốc- Đạt tuyển mộ là của mình? Ngu thực.

- Tiết Kính-Hàn muốn làm thứ sử Giao-châu. Rồi củng cố thế lực, mưu tách khỏi Trung-quốc, biên thùy một cõi như Triệu Đà. Hay ít ra cũng như Sĩ Nhiếp. Nghĩa là chỉ tiến cống Ngô chúa. Y sai vợ mang vàng, bạc, châu báu về kinh đô Kiến-nghiệp nhà Ngô hối lộ các quan. Không ngờ sắc đẹp của Nữ-Hoàn làm rúng động triều Ngô. Người này đòi gian dâm với thị. Thị thỏa mãn, thì người khác lại đòi. Các quan nhà Ngô tranh dành nhau hỗn loạn. Cuối cùng đến Ngô chúa là Tôn Quyền cũng đòi. Ngô chúa kêu y thị vào yết kiến. Nhưng y đã già qúa, chỉ nhìn mặt, tiếc rẻ, rồi cho về. Thế là Tiết Kính-Hàn vừa mất cả tiền lẫn tình, mà chẳng được cái gì.

Lý Mỹ-Linh thở dài:

- Đinh Nữ-Hoàn dù sao cũng là đệ tử danh gia. Võ công, võ đạo để đâu mà chịu làm truyện gian dâm như vậy?

Thanh-Mai trả lời thay cho em:

- Để chị giảng cho Mỹ-Linh nghe. Từ khi xẩy ra cái án Mị-Châu, Trọng-Thủy thì trong tộc Việt chúng ta khinh ghét những người con gái lấy chồng Trung-quốc. Vì vậy khi một người đàn bà lấy chồng ngoại tộc, tự trong tâm khảm của họ cho mình bị đồng bào khinh ghét. Khi người ta mặc cái áo sạch, tất nhiên phải giữ gìn. Khi người ta mặc cái áo vừa cũ, vừa rách, vừa dơ bẩn, người ta không cần giữ nữa, vì nghĩ rằng, đã dơ thì còn giữ làm chi? Nữ- Hoàn cũng ở trong hòan cảnh đó. Trên thực tế, nếu con gái Việt lấy chồng đừng làm bại hoại gia phong, đừng làm hại đất nước thì có ai phiền trách đâu? Thời vua Bà, công chúa Gia-Hưng chẳng từng lấy chồng người Hán đấy ư? Thế mà hậu thế lại thờ kính bà.

Tự-Mai tiếp:

- Sau khi Đinh Nữ-Hoàn đi Trung-quốc về, ở nhà mọi việc hoàn tất. Triệu Quốc-Đạt chuẩn bị đánh úp Cửu-chân. Kế họach dự trù như sau: Nhân ngày sinh nhật của Tiết. Nữ-Hoàn làm tiệc mời tất cả quan khách tới dinh thái thú ăn tiệc. Một nghĩa quân giữ chân đầu bếp bỏ thuốc độc vào thức ăn. Giữa lúc tất cả quan lại trúng độc, thì Đinh Tú-Mi lấy quyền thống lĩnh tế tác, nắm quyền quân sự. Một mặt ra lệnh đóng cổng thành. Một mặt bắt trói hết quan lại. Trong khi đó Triệu Quốc-Đạt dẫn quân bản bộ ở huyện Vô-Biên tiến về thành Cửu-chân. Đinh Tú-Mi sẽ mở cổng thành cho vào.

Mỹ-Linh khen:

- Kế hoạch hay.

- Triệu Quốc-Trinh thống lĩnh nghĩa binh, mang lệnh phù của đô úy Đổng Thừa, tiến về huyện Nga-sơn, Tống-sơn. Hai tướng Lý Hoằng, Lý Mỹ mang lệnh phù, đánh chiếm huyện Hoằng-tín, Vạn-sơn. Cứ tiếp tục như thế trong suốt đêm đánh chiếm hết chín huyện thuộc Cửu-chân. Sau khi chiếm Cửu-chân, thì Nhật-nam cô lập. Các anh hùng trong ấy đã chuẩn bị chờ đợi. Bấy giờ mới nổi lên. Khốn nhưng giữa lúc đó một truyện rắc rối xẩy ra.

Tôn Đản hỏi:

- Cái gì vậy?

- Đinh Tú-Mi thường tiếp xúc với Triệu Trinh-Nương. Y đem lòng thầm yêu. Y nhờ hai chị đứng ra hỏi Trinh-Nương cho. Không ngờ khi Nữ-Hoàn, Nữ-Vĩ ngỏ lời với Quốc-Đạt. Ông không dám quyết định. Ông vào núi Chung-chinh nói với Trinh-Nương.

Thiện-Lãm ngắt lời:

- Khó đấy nhé. Nói sao cho hợp lý bây gìờ?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.