Anh Hùng Tiêu Sơn

Chương 23




Vạn Thảo Sơn Trang - ---nh Nam Vũ Kinh

Ông cật vấn Lê Văn về những diễn biến xẩy ra. Từ lúc nó đãi cơm Mỹ-Linh cho đến khi luyện kiếm cùng nàng. Sau đó nó cùng Thiếu-Mai phục phía trước nhà sàn theo dõi bọn Triệu Huy.

Nghe Lê Văn kể, mặt Hồng-Sơn đại-phu đờ ra.

Ông bảo Lê Thiếu-Mai:

- Con hãy chiết mấy chiêu với công chúa cho bố xem.

Thiếu-Mai biết bố mình muốn tìm hiểu võ công Mỹ-Linh. Nàng chắp hai chưởng vào nhau:

- Công chúa, tôi xin công chúa chỉ điểm cho mấy chiêu.

Nói rồi nàng từ từ đẩy ra một chưởng. Mỹ-Linh vốn đã úy kị bọn Triệu Huy, thế mà hôm trước trên đường đến đây, nàng thấy Thiếu-Mai đánh một chiêu làm Ngô Tích, Triệu Huy lạc bại. Bây giờ Thiếu-Mai thách đấu, nàng tự biết muôn ngàn lần mình không thể đối chiêu với bậc tiền bối này. Tuy vậy nghĩ đến nét mặt Hồng-Sơn đại-phu coi khinh ông nội mình, Mỹ-Linh bỏ ra ngòai sống chết, vận khí xuất một chiêu trong Tiêu-sơn Tượng-đầu chưởng đỡ. Bộp một tiếng, Thiếu-Mai rung động toàn người, bật lui hai bước. Trong khi Mỹ-Linh cũng lùi liền ba bước.

Khi thấy Mỹ-Linh vận khí phát chiêu, Thanh-Mai lo lắng cho nàng, không chết cũng bị thương. Nào ngờ kết qủa chính Thanh-Mai cũng không ngờ tới. Nàng nhủ thầm:

- Kỳ lạ không. Công lực Mỹ-Linh vốn thua xa cả Tự-Mai, Bảo-Hòa. Không hiểu sao, ta mới xa nàng có mấy giờ, mà công lực nàng bỏ xa bọn Triệu Huy đã đành, mà còn muốn hơn Thiếu-Mai nữa. Chiêu vừa rối rõ ràng nàng không biết phát lực, bằng không, mình e Thiếu-Mai cũng thua.

Thiếu-Mai hít một hơi, vận khí tiến lên phát chưởng nữa. Chưởng phong ào ào phát ra. Mỹ-Linh cũng hít một hơi, phát chiêu Tiêu-sơn Tượng đầu chưởng tên là Nhu huyễn hư không. Đây là chiêu âm-nhu, đặt cơ sở trên chữ không nhà Phật. Chưởng phong không có gió. Bộp một tiếng, chưởng của Thiếu-Mai mất tăm mất tích. Nàng lảo đảo lùi lại. Trong khi đó mặt Mỹ-Linh đỏ tươi lên như uống rượu. Nàng đứng im bất động. Rõ ràng thắng bại đã phân.

Hồng-Sơn đại-phu hỏi con gái:

- Cái gì vậy?

- Con không biết nữa. Chưởng phong của con bị hút mất. Tay trở thành vô lực.

Thiếu-Mai lại tấn công bằng một kỳ chiêu. Vốn liếng võ học Mỹ-Linh chỉ có mấy bài quyền nhập môn của phái Tiêu-sơn, và pho Tiêu-sơn Tượng-đầu chưởng. Nàng thấy chiêu số Thiếu-Mai tinh diệu, kỳ ảo, thì bỏ ra ngoài sống chết, cứ tùy chiêu chống đỡ.

Những người ngoại cuộc, từ Hồng-sơn đại phu cho tới bọn Ngô Tích, Thanh-Mai đều kinh ngạc không ít. Vì Thiếu-Mai thì chiêu số kỳ diệu, kinh nghiệm dư thừa, công lực hùng mạnh. Còn Mỹ-Linh chỉ có mấy chiêu quyền thô sơ, chống đỡ ngượng ngập. Nhưng cứ mỗi chiêu nàng đánh ra, nội lực như thác đổ, như băng tan, khiến Thiếu-Mai không thắng được nàng.

Bọn Ngô Tích nhìn nhau nghĩ thầm:

- Bọn mình đáng chết thực. Bấy lâu giam giữ con nhỏ này mà không hề biết công lực nó cao thâm như vậy. Thôi rồi, chắc nó giả tảng để dò xét hành tung bọn mình đây. Bây giờ mình khám phá ra thì đã muộn.

Ngay chính Mỹ-Linh, nàng cũng không biết công lưc ở đâu sinh ra hùng mạnh như thế. Bình bình, bình nàng đỡ liền ba chiêu của Thiếu-Mai. Trong khi mải suy nghĩ, tòng tâm xử dụng, vô tình đúng vào lý thuyết vô nhân tướng, vô ngã tướng, vô chúng sinh tướng trong kinh Kim-cương, nội tức ào ào tuôn ra. Thiếu-Mai bật lui đến bốn năm bước mới đứng vững. Chân khí trong người gần như bị tuyệt.

Hồng-Sơn đại-phu cũng như Mỹ-Linh không hiểu là phải. Hơn nghìn năm trước, công chúa Trần Năng được Khất-đại-phu thu làm đệ tử. Ông truyền nội công dương cương của phái Tản-viên cho đệ tử. Trong lần viếng thăm núi Tam-sơn trên hồ Động-đình, Trần Năng được Bồ-tát Tăng-giả nan-đà giảng kinh Lăng-gìa, rồi kinh Bát-nhã cho. Bà hiểu, mà không biết áp dụng vào việc luyện nội lực. Phải đợi đến trận đánh đồi Vương-sơn, giữa lúc bà đấu với Trần Nghi-Gia đến chỗ nguy kịch. Tăng-giả Nan-đà bèn đọc đoạn đầu kinh Lăng-già lên. Trần Năng ngộ được, chuyển vào nội lực, mà thắng Trần Nghi-Gia, rồi thắng luôn chồng y là Phan Anh.

Sau đó trong trận đánh Trường-sa, Trần Năng giao chiến với đám đệ tử của Lê Đạo-Sinh là Đức-Hiệp, Hoàng Đức, Võ Hỷ, Ngô Tiến-Hy. Bốn người đấu nội lực với bà. Bà áp dụng phép không tâm, lập tức trong người như chiếc hồ rỗng. Bao nhiêu chân khí của đối thủ bị thu vào hết.

Sau này Bắc-bình vương Đào Kỳ cùng công-chúa Phùng Vĩnh-Hoa chép bộ Lĩnh-Nam võ kinh cũng chép phương pháp tổng hợp Thiền-công của Trần Năng vào. Nhưng vì sợ võ kinh lọt vào tay quân thù, công chúa Nguyệt-Đức xen vào bằng bẩy mươi hai thuật ngữ đặc biệt. Trần Năng đặt ra bài ca khuyết giải thích các thuật ngữ đó. Bà truyền miệng cho đệ tử. Khi bà tuẫn quốc, võ công của bà tuy thất truyền, nhưng khẩu quyết vẫn còn lưu lại. Hồi thành lập phái Mê-linh, một trong hậu duệ của Trần Năng đem bài ca khuyết đó dạy cho sư thái Tịnh-Huyền. Tịnh-Huyền truyền cho Mỹ-Linh. Do vậy Mỹ-Linh luyện thành.

Luyện Vô-ngã tướng thiền công cực khó, mà cực dễ. Thứ nhất phải hiểu đến cùng kỳ cực kinh Kim-cương. Thứ nhì, tâm tính phải đơn thuần. Như trong trận đồi Vương-sơn, Trưng Nhị, Sa-Giang cực kỳ thông minh, lại không giác ngộ, hiểu được. Trong khi tâm tính Trần Năng đơn sơ, chỉ nghe qua, đã vào tới cõi Vô-thượng Bồ-đề.

Mỹ-Linh quả có cơ duyên kỳ lạ. Nàng được học chữ Khoa-đẩu. Được một cao tăng đắc đạo giảng dạy thực kỹ kinh Lăng-gia, Kim-cương, Bát-Nhã. Rồi vô tình theo chú ra ngoài, bị bọn Đàm An-Hoà giam trong nhà tù, được Tịnh-Huyền truyền cho bài ca khuyết Long-biên kiếm pháp cùng Vô-ngã tướng Thiền-công. Tâm tính nàng lại đơn giản. Do vậy nàng luyện thành một thần công vô thượng của thế gian.

Hôm ở trong hầm đá, Mỹ-Linh đọc đến đọan này trên bia, nàng âm thầm luyện thử, song chỉ thấy trong lòng trống rỗng. Nàng có cảm tưởng bao nhiêu nội lực Tiêu-sơn luyện từ nhỏ mất hết. Nhưng trong người khỏe mạnh vô cùng. Nàng không biết, cho rằng nội lực bị tiêu hao, chứ đâu có biết nội lực chuyển vào đơn điền, và trở thành sức hút. Nàng hoảng sợ, vội bỏ không luyện nữa. Song từ nhỏ, mỗi tối đi ngủ, nàng đọc kinh Bát-nhã đã quen, vì vậy trong giấc ngủ, tiềm thức làm việc, nàng lại vận công theo trong Lĩnh-Nam vũ-kinh. Sau gần tháng, nội lực Tiêu-sơn trong người nàng đã qui liễm xong. Người nàng như một cái bình trống không. Khi đấu với anh em Ngô Tích, họ định dùng nội lực hại nàng. Không ngờ bao nhiêu nội lực bị nàng thu mất. Đinh Toàn nhập cuộc, cũng không tránh khỏi tai kiếp. Vì vậy trong người nàng hiện chứa nội lực của ba cao thủ. Cho nên khi Hồng-Sơn đại phu phát chiêu thăm dò, mới thấy trong người nàng có nội công Tiêu-sơn, Hoa-lư và Thiếu-lâm.

Hồng-Sơn đại-phu phất tay:

- Công chúa, người đã thắng con gái ta. Vậy người có thể rời sơn-trang được rồi. Nhưng ta có một thắc mắc, người học võ với thằng bé con Lý Long-Bồ, được phong cái gì Khai-quốc vương. Tên này tuy võ công cao thực, nhưng ta e cũng không hơn công-chúa. Vậy ai mới đích thực là sư phụ của công-chúa?

Tính Mỹ-Linh chân thực, nàng đáp:

- Thưa tiên sinh, từ nhỏ cháu học võ khai tâm với vương-mẫu. Vương-mẫu là đệ tử phải Mê-linh. Sau lớn lên cháu học với thúc-phụ và cuối cùng được đại-sư Huệ-Sinh thu làm đệ tử.

Hồng-Sơn đại-phu nghĩ thầm:

- Tất cả những người dạy con bé này đều không có gì xuất sắc. Lão thầy chùa Huệ-Sinh dường như đắc đạo thành Bồ-tát rồi, song khó có thể luyện cho đệ tử có công lực cao thâm ở tuổi nhỏ như vậy? Không chừng nó có cơ duyên ăn được thức ăn gì đặc biệt, nên công lực mới đầy ắp mau chóng đến thế.

Mỹ-Linh chỉ Bảo-Hòa, hỏi đại-phu:

- Tiểu bối đa tạ tiên-sinh quá khen. Chẳng hay tiên sinh có thể cho chị Bảo-Hòa cùng đi chăng?

Hồng-Sơn đại-phu lắc đầu:

- Có hai điều kiện. Một là Bảo-Hòa không được nhận lão Lý Công-Uẩn làm ông ngoại. Hai là thị có thể đỡ được của Thiếu-Mai mười chiêu.

Mỹ-Linh xịu mặt xuống:

- Chị em tiểu nữ đi cùng đi. Về cùng về. Tiểu nữ xin ở lại đây cùng chị Bảo-Hòa.

- Được, công chúa cứ tự tiện.

Mỹ-Linh dẫn Bảo-Hòa trở về căn nhà sàn. Trải qua cuộc đấu võ, hai người đặt mình xuống là ngủ liền.

Bảo-Hoà tỉnh giấc vào giữa đêm, vì chỗ Hồng-Sơn đại phu phóng thuốc vào đau đớn vô cùng. Nàng mở cửa ra sân, nhìn trăng, ngắm hoa. Nàng nhớ lại hồi theo dõi bọn Địch Thanh, có một đêm trăng, nàng đã cùng nhà sư trẻ ngồi bên bờ suối nói truyện suốt đêm. Từ đó trong tâm nàng thường nghĩ đến nhà sư luôn. Nàng thở dài:

- Dù ta có thương nhớ chàng. Chung cuộc vẫn như hoa trong gương mà thôi. Chàng... chàng là một nhà sư.

Chợt nàng để ý thấy có bóng một người, ánh trăng chiếu nghiêng xuống sân. Thình lình nàng quay trở lại. Bóng đó chính là nhà sư, mà nàng thương nhớ bấy lâu. Cho rằng đây là một giấc mơ, nàng hỏi:

- Có phải anh đấy không?

Nhà sư rời chỗ nấp, tiến tới. Bảo-Hòa ngả vào lòng chàng. Nhà sư ôm chặt lấy Bảo-Hoà. Hai người lặng đi giờ lâu.

Trên không, một đám mây trắng che lấp mặt trăng. Có tiếng vạc ăn đêm kêu não nùng, pha lẫn với tiếng dế.

Nhà sư hỏi:

- Bảo-Hoà! Em bị trúng độc đấy ư?

- Đúng thế. Độc chất đã được Lê Văn cho uống thuốc giải hết rồi. Nhưng em bị đại phu phóng Hàn-ngọc đơn vào đầu gối, không đi xa được.

Nhà sư nói:

- Để anh dùng nội công trục bớt chất độc Hàn-ngọc băng ra cho em bớt đau. Sau đó, phải dùng châm cứu trị mới được.

Nhà như đỡ Bảo-Hoà ngồi xuống ghế, đối diện với mình, rồi áp hai tay ông vào hai bàn tay Bảo-Hòa. Bảo-Hòa rùng mình, cảm thấy như người bị ném vào lò lửa. Lát sau, mồ hôi nàng xuất ra như tắm.

Khoảng ăn xong bữa cơm, Bảo-Hoà cảm thấy buồn ngủ đến không mở mắt ra được. Nhà sư thu tay về, rồi nói với Bảo-Hòa:

- Thôi em vào nhà ngủ đi.

Nói rồi ông hôn phớt lên má nàng một cái, vọt mình biến vào màn đêm.

Hôm sau hai chị em tỉnh giấc, thì mặt trời lên cao. Mỹ-Linh xuống suối rửa mặt, dùng tay vốc nước uống. Nước suối thực trong, mát vô cùng. Muì hương, mùi hoa đưa lại ngào ngạt.

Hai chị em rảo bước, hướng chân núi dạo chơi. Mỹ-Linh kinh ngạc vô cùng, vì rõ ràng mới hôm qua, Bảo-Hoà bị trúng Hàn-ngọc đơn, đi đứng cực kỳ khó khăn, mặt tái xanh, mà bây giờ, nàng bước đi thoăn thoắt, da mặt tươi hồng như không hề trúng độc.

Bảo-Hòa nhìn đường lối trong trang chằng chịt, than:

- Cách đây mấy ngày chúng mình thăm Vạn-hoa sơn-trang đã cho là rộng, không ngờ Vạn-thảo sơn-trang còn rộng hơn. Hôm qua Lê Văn chỉ cho chúng mình cách phân biệt đường lối, chứ không, lỡ lạc đường vào vùng trồng cây-cỏ độc thì e mất mạng.

Mỹ-Linh nhìn những luống hoa thơm bạt ngàn, đỏ, vàng đủ mầu, mà nàng không biết tên. Nhiều lúc nàng định hái hoa chơi. Nhưng nghe lời Lê Văn dặn rằng phàm những hoa trong trang mà không biết tên thì tuyệt đối không nên đụng chạm vào. Ngay những hoa có biết tên, cũng không nên hái. Hoa này không độc, nhưng mang theo bên mình, tới vùng có thứ hoa khác ,mà hai thứ hợp với nhau, sẽ thành độc tố rất nguy hại.

Qua hơn trăm luống trồng cây thuốc, tới chân ngọn đồi. Trên đồi trồng toàn thông. Gió thổi, lá thông reo vi vu như những tiếng than thở của cặp tình nhân không trọn vẹn.

Bảo-Hòa hỏi Mỹ-Linh:

- Em làm sao mà nội công cùng kiếm pháp tiến mau như vậy?

Mỹ-Linh tường thuật việc Tịnh-Huyền dạy kiếm pháp Long-biên cùng những thuật ngữ như thế nào. Rồi trong hầm đá, nàng học dược 72 thức trấn môn với bài quyết biến hóa. Sau đó đem ra đấu cùng Lê Văn, cùng bọn Triệu Huy. Còn nội công, nàng luyện theo lối không tâm trong Thiền-công.

Mỹ-Linh bàn:

- Chị Bảo-Hòa này. Hồng-sơn đại-phu bắt chị phải đỡ được của Thiếu-Mai mười chiêu, mới cho chị rời sơn-trang. Em nghĩ, từ nhỏ chị luyện võ công dương cương quen rồi. Chị cũng được luyện 12 chiêu Phục-ngưu thần chưởng. Hay bây giờ, em đọc khẩu quyết toàn bộ pho Phục-ngưu thần chưởng, chị thử luyện xem. Biết đâu không thành công?

Bảo-Hòa gật đầu:

- Ừ, em bàn đúng đấy, gặp lúc đói đầu gối phải bò. Không lẽ suốt đời bị giam ở đây sao? Có điều Phục-ngưu thần chưởng chị học do truyền khẩu, có lẽ sai lạc khá nhiều. Bây giờ em thử đọc phần tổng quyết xem có giống nhau không!

Mỹ-Linh đọc lại từ đầu đến cuối bẩy mươi hai câu tổng quyết. Bảo-Hòa gật đầu:

- Một vài từ ngữ không giống nhau. Nhưng đại ý đều không khác biệt. Bây giờ em đọc cách luyện chiêu Ác ngưu nan độ cho chị nghe.

Mỹ-Linh lại đọc một hơi. Bảo-Hòa gật đầu:

- Cách luyện, cách phát chiêu, cách biến hóa thì đúng. Nhưng cách vận-khí thì không hoàn toàn giống nhau.

Bảo-Hòa hít hơi vận khí đánh thẳng vào một gốc thông lớn bằng cổ tay. Cây thông rung lên như bị bão.

Mỹ-Linh nhắc:

- Phần tổng quyết nói rằng Phàm phát chiêu phải có ý niệm mình sẽ đánh vào một bức tường đá. Ý thủ rằng tường đá sẽ bị đánh vỡ ra từng miếng. Như vậy mới đạt được cái uy lực. Em thấy chị phát chiêu, mạnh thì có mạnh, nhưng không làm gẫy cây thông, thì chưa phải là Phục-ngưu thần chưởng.

Bảo-Hòa tỉnh ngộ, nàng tập trung tinh thần, hít một hơi không khí, vận lực đẩy về phía trước. Bình một tiếng, cát, bụi bay mịt mù. Mỹ-Linh reo:

- Gần được rồi đấy.

Bảo-Hòa đứng im vận khí một lúc, đưa nội tức từ đơn điền lên đầu vai. Một lực đạo hùng hậu làm tay nàng muốn rung lên. Nàng lại phát chiêu Ác ngưu nan độ hướng vào cây thông ban nãy. Bình một tiếng, cây thông bị tiện đứt ngang ở giữa như dao chặt một nhát ngon.

Mỹ-Linh reo lên. Nàng cầm cây thông lên coi, chỗ đứt bằng phẳng. Hai chị em ôm lấy nhau, lặng đi một lát vì mừng.

Mỹ-Linh nói:

- Bây giờ chúng ta bắt đầu luyện từng chiêu một. Trước hết phải chỉnh đốn lại những chiêu chị đã biết cho đúng, rồi mới luyện những chiêu mới.

Hai chị em luyện đến trưa thì chỉnh xong mười hai chiêu. Mỹ-Linh thắc mắc:

__ Chị Bảo-Hòa này. Em nghe nói Phục-ngưu thần-chưởng là võ công trấn môn của phái Tản-viên. Pho chưởng này không truyền cho nười ngoài môn phái. Vậy ai đã dạy chị?

Bảo-Hòa mỉm cười:

- Chị được học Phục-ngưu thần-chưởng trong một lần theo ông nội viếng thăm tổng-đường phái Tản-viên. Sư bá Đặng-đại-Khê, chưởng môn phái Tản-viên sủng ái chị cùng cực. Ông là người giỏi về khoa tướng-số. Mới nhìn thấy chị, ông đã yêu thương như con cháu. Ông vuốt tóc chị khen là tóc mây. Ông dặn chị : « Cháu đã được ông nội là đệ nhất cao nhân đương thời luyện võ cho. Ta không dám xen vào. Nhưng nhìn tướng cháu, ta biết sau này sự nghiệp của cháu không tầm thường. Phái Tản-viên nhà ta, từ xua có một tuyệt kỹ trấn môn là Phục-ngưu thần chưởng do tổ-sư Sơn-Tinh chế ra gồm 36 chiêu, đặt trên cơ sở dương cương. Sau Vạn-tín hầu nhân dó chế ra 36 chiêu âm-nhu khắc chế với các chiêu dương cương. Đến thời vua An-Dương thì bị thất truyền chỉ còn mười tám chiêu. Sau Bắc-bình vương Đào Kỳ có cơ duyên tìm lại luyện trọn vẹn cả âm lẫn nhu, mà thành anh hùng vô địch. Nay pho chưởng này bị thất truyền, chỉ còn mười hai chiêu dương cương. Ta dạy cháu. Biết đâu sau này, cháu lại có cơ duyên tìm được ».

Bảo-Hòa ngước mắt nhìn mây trôi, tay nàng nhặt quả thông ném xuống suối:

- Sau khi học chị đã đem ra xử dụng nhiều lần, nhưng thấy uy lực không mạnh thì cho rằng pho chưởng này bị người đời huyền thọai hóa đi, chứ thực sự không hơn gì những pho chưởng khác làm bao. Bây giờ chị được Mỹ-Linh đọc khẩu quyết cho nghe, mới vỡ lẽ ra rằng trong pho chưởng này có ba phần độc lập. Một là cách vận-khí, hai là cách phát-chiêu, ba là cách biến hóa. Người học chỉ luyện một phần thì cũng có kết qủa, luyện hai phần thì kết qủa mạnh hơn. Nếu luyện cả ba phần thì kết quả mới thực sự phát huy được hết sức mạnh.

Mỹ-Linh đọc khẩu quyết chiêu Tứ ngưu phân thi cho Bảo-Hòa:

- Tứ ngưu phân thi là chiêu thửc chỉ khó ở phần biến hóa, chứ không khó ở phần luyện. Trước hết khí trầm đơn điền, rồi chuyển phân ra hai chân, hai tay, sau đó buông lỏng chân khí mà phát chiêu.

Bảo-Hòa vừa vận khí thì cảm thấy chân đau nhói lên, mặt mày tái mét. Cho rằng mình vận khí sai, nàng làm lại lần nữa, chân lại đau nhói. Nàng bật lên tiếng Ái.

Mỹ-Linh hỏi:

- Cái gì vậy?

Bảo-Hòa chỉ vào chân:

- Chị vận khí đến đây thì bị đau nhói lên.

Mỹ-Linh thở dài:

- Đúng rồi. Hôm qua Hồng-sơn đại-phu phóng vào người chị viên Ngọc-hàn đơn, để chị không thể đi đâu xa được. Lê Văn nói : Trúng phải Hàn-ngọc đơn thì không thể di chuyển quá hai dậm. Khi di chuyển quá hai dậm, chân bị đau nhói. Chị vận khí xuống chân cũng như di chuyển, chân đau là phải. Thôi, hôm nay mình tạm nghỉ đã.

Hai người hướng căn nhà thủy tạ đi xuống. Vừa sắp bước qua mỏm đá, Bảo-Hòa kéo Mỹ-Linh ngừng lại núp vào bụi cây, tay để lên miệng ra hiệu im lặng. Bên kia giòng suối, Hồng-Sơn đại-phu đang sóng đôi rảo bước cùng Lâm Huệ-Phương. Huệ-Phương chỉ vào tảng đá cạnh suối:

- Anh ơi. Chúng ta ngồi đây nghỉ một tý đã. Cảnh trí u tịch quá. Ước gì em được sống ở trong sơn trang này mãi mãi.

Hồng-Sơn đại-phu mỉm cười:

- Sơn-trang của anh là nơi hủ lâu, trong chốn rừng sâu thế này, mà được một tiên nữ như em ở lại thì còn gì hân hạnh bằng. Anh chỉ sợ em ở chẳng được bao lâu, lại bỏ đi.

Huệ-Phương ngứơc mắt nhìn mây trôi, con mắt nàng đẹp không thể tưởng tượng được. Tay nàng ngắt một bông hoa trà, cài lên túi áo đại-phu. Nàng thở dài:

- Anh ơi! Em không biết phải nói thế nào anh mới tin cho. Song thân em chỉ có một mình em lại là gái. Hai người suốt đời buôn bán dọc ngang. Tiền của tuy giầu có thực, nhưng vẫn buồn vì không có con trai. Người khuyên em phải chọn lấy một tấm chồng đủ bằng này điều kiện. Một là phải có đức, biết thương dân, thương nước. Hai là có võ công cao. Ba là biết hưởng cái thú thanh nhàn của thiên nhiên.

Mỹ-Linh nói thầm vào tai Bảo-Hòa:

- Chị này yêu ông đại-phu rồi đây. Không biết em gặp chị ấy ở đâu trông quen quá. Đúng rồi, em có gặp nàng một lần ở Thăng-long.

Huệ-Phương ngước mắt nhìn đại-phu:

- Thân phụ em còn nói: khi tìm được người như vậy, thì dù tuổi nào, dù làm lẽ, làm nàng hầu cũng cam. Khi mới gặp anh, em thấy anh là mẫu người em đi tìm. Thế rồi sóng gió đến, chúng mình xa nhau. Em lặn lội hàng vạn dặm đi tìm anh, chỉ mong dâng hiến cuộc đời cho anh.

Tay nàng ngắt bông hoa, đứng tựa bên cây Ngọc-lan đưa mắt nhìn trời xanh. Hồng-Sơn đại-phu quì xuống ôm lấy hai đầu gối nàng:

- Em thực là tiên nữ của đời anh.

Hồng-Sơn đại-phu nắm lấy tay Huệ-Phương. Nàng run lên bần bật. Ông bế bổng nàng lên, đặt ngồi vào trong lòng mình. Huệ-Phương gục đầu vào người ông. Một tay ông quàng vai, một tay ông vuốt ve cánh tay nàng. Bàn tay ông đẹp vô cùng, mịn màng, nhỏ như bàn tay thiếu nữ.

Bảo-Hòa, Mỹ-Linh là hoàng hoa khuê nữ, tuy có nghe nói đến yêu đương, song rất ít. Mỹ-Linh chỉ gọi là biết chút ít yêu khi gặp Thân Thiệu-Thái. Còn Bảo-Hòa thì gần như chưa bao giờ nghĩ tới. Bây giờ hai người chứng kiến cảnh yêu đương, tuy không muốn nhìn, mà không thể nào tránh được. Hai người biết nội công Hồng-Sơn rất cao, chỉ cần hai người thở mạnh một tiếng, thì lập tức ông ta phát giác ra, e khó toàn mạng.

Một lúc sau, Hồng-Sơn buông Huệ-Phương ra. Huệ-Phương nói như trong giấc mơ:

- Năm nay em đúng mười chín. Anh mới 51 tuổi. Em muốn anh cho em một đứa con. Đứa con sẽ đẹp như mẹ nó, và thông minh như bố nó. Anh góa vợ từ lâu, chẳng may tục huyền với một người đàn bà vừa đần độn, vừa đanh ác, làm anh phiền muộn không ít. Bây giờ người ấy đã ra đi rồi, em đến với anh.

Huệ-Phương chưa nói dứt lời thì có ba tiếng trống từ xa vọng lại. Hồng-Sơn đứng dậy nói:

- Có quí khách từ xa tới thăm. Sơn-trang đánh trống mời anh về. Huệ-Phương, kể từ giờ này, em cứ coi như em là vợ chính thức của anh. Bây giờ có khách. Em là chủ mẫu sơn trang, tiếp với anh.

Hai người hướng căn nhà Bát-giác, dùng khinh công chạy tới. Mỹ-Linh, Bảo-Hòa rời chỗ nấp. Bảo-Hòa cười:

- Không ngờ Hồng-Sơn tiên sinh tuổi đã cao, mà còn gặp duyên tình kỳ lạ. Ông ta cũng nhiều tình cảm đấy chứ ? Chỉ duy có điều ông ta thù hận ông ngoại, thành ra có nhiều điều quá đáng. Thôi chúng ta đi về, không Lê Văn đợi cơm.

Còn cách nhà sàn mấy trăm bước, hai người nhận ra Lê Văn đang đứng trước nhà chờ đợi. Thấy Bảo-Hòa, Mỹ-Linh từ xa đi lại, Lê Văn cười toe toét:

- Hai chị lên đồi thông hả? May mà không gặp bố em. Bố em cũng đi về phía đó với giai nhân. Hôm nay coi bộ ông cao hứng lắm. Em sẽ ăn cắp thuốc giải chữa Hàn-ngọc đơn cho các chị.

Mỹ-Linh thấy Lê Văn dễ thương lạ lùng, trái hẳn với ông bố. Nàng hỏi:

- Cậu Văn này. Hôm qua chị đâu ngờ cậu giả đấu võ với chị, rồi cho chị uống thuốc giải. Cậu làm trái lại với lệnh của bố, không sợ bố đánh đòn sao?

Lê Văn chù mõm ra làm xấu:

- Chị đừng nhìn bề ngòai mà xét đoán con người. Bố em là người dễ tính nhất thiên hạ. Đặc biệt là đối với con, cháu. Bọn em muốn gì ông cũng chiều hết, miễn là học cho giỏi, và tập võ cho chuyên. Hôm qua, ông biết em giả vờ thua chị, ông cũng cười xòa. Khi biết em ăn cắp thuốc chữa cho các chị, ông chỉ mắng em là thằng cà-chớn rồi thôi. Hôm nay em đã ăn cắp thuốc giải chữa cho Lê Phụng-Hiểu, thả anh ta về làng Vạn-thảo rồi.

Bảo-Hòa hỏi:

- Thế thân mẫu cậu đâu?

Lê Văn xịu mặt xuống, nó trả lời bằng giọng trầm trầm:

- Mẹ em chết từ năm em mười tuổi. Tính ra năm nay đã bốn năm rồi.

Mỹ-Linh cũng bị mất mẹ. Nàng nghe Lê Văn nói, thì thông cảm mối buồn mất mẹ. Nàng tiến lên nắm tay nó:

- Bố em là y sĩ đại tài, mà không cứu được mẹ em ư? Mẹ em bị bệnh gì vậy?

Lê Văn thở dài:

- Bố em cũng không biết đó là bệnh gì nữa. Ông chỉ biết mẹ em bị người ta dùng võ công đẩy chất độc ngấm vào tạng phụ. Mỗi ngày vào giờ Thân, lại lên cơn đau đớn không biết đâu mà kể.

Mỹ-Linh nắm lấy tay Lê Văn:

- Có phải khi lên cơn, mẹ em gập người lại, mặt đỏ tươi không?

- Đúng. Sao chị biết?

- Chính vương mẫu của chị cũng bị bệnh tương tự. Sau đúng bẩy lần bẩy là bốn mươi chín ngày thì chết.

- Thế trước khi chết, vương mẫu chị có dặn gì không?

- Không. Bà chỉ xin phụ vương dạy chị học võ, và xin giao chị cho thúc phụ trông coi.

Lê Văn nghiến răng:

- Mẹ em lúc sắp lâm chung nói rằng bà bị người ta dùng Nhật-hồ Chu-sa chưởng đánh trúng. Người ám toán ra lệnh cho mẹ em phải làm việc cho Nhật-hồ lão nhân, thì sẽ được trao thuốc giải. Mẹ em không muốn phản bố em, đành chịu chết.

Mỹ-Linh đã tìm ra cái chết của mẹ nàng: mẹ nàng bị trúng Nhật-hồ Chu-sa độc chưởng. Chắc người đánh muốn bà phải tuân theo điều kiện phản bội triều đình, mà bà không làm, đành chịu chết. Người chủ trương là Nhật-hồ lão nhân. Một người chỉ nghe tên, mà không ai biết gốc tích, hình dạng lão ra sao. Lão muốn khốâng chế mẫu thân nàng, rồi mẫu thân Lê Văn, không biết để âm mưu gì?

Mỹ-Linh hỏi:

- Cậu có mấy anh chị em? Bố có bao nhiêu vợ?

- Hai đứa. Chị Mai lớn nhất, rồi đến em. Bố em chỉ có một mẹ em thôi. Khi mẹ em chết đoạn tang, bố em tục huyền với một người đàn bà nhỏ hơn ông mười hai tuổi, vừa xấu, vừa đần, vừa ngu.

Mỹ-Linh kinh ngạc:

- Với địa vị của ông, thì thiếu gì những con gái lương gia, sắc nước hương trời. Mà ông lại đi lấy người vợ như vậy?

Lê Văn thở dài:

- Chỉ vì thương bọn em mà ông lầm lẫn như vậy. Ông tưởng lấy vợ con nhà hèn hạ, vừa xấu, vừa ngu, để mụ không dám tàn ác với bọn em. Nào ngờ...

Bảo-Hòa đã từng thay bố mẹ qua lại 207 động bắc biên, nhiều kinh nghiệm sống. Nàng ngắt lời Lê Văn:

- Như vậy là hỏng rồi. Mụ quá ngu, thì không thể nào hiểu được cuộc sống của ông chồng có địa vị cao cả đến tột đỉnh. Mụ đần, dốt hơn em, mà lại là mẹ kế thì sao dạy dỗ em được. Thành ra suốt ngày mụ gây gổ với em. Thế là hai vợ chồng bất hoà vì em xung đột với mụ. Ngoài ra ông bà không thể trao đổi với nhau những khó khăn, những tâm sự.

- Đúng thế. Mới cưới về, ngày nào mụ cũng gây với bọn em. Hồi đầu bọn em còn nể nang. Về sau, bọn em cũng gây lại. Mỗi lần gây nhau, bố em buồn lắm. Mụ gây cả với bố em. Bố em tức mình không thèm nói với mụ câu nào nữa. Hơn nửa năm, mụ bỏ đi.

Nó chỉ về phía nhà bát giác:

- Từ lúc gặp cô Huệ-Phương, bố em như đổi mới. Hôm qua Huệ-Phương nói tryện với bố em cả đêm. Sáng nay hai người dẫn nhau lên đồi thông.

Mỹ-Linh dò la phản ứng của Lê Văn:

- Em có nghĩ rằng bố em say Huệ-Phương không?

- Càng tốt. Huệ-Phương xinh đẹp, lại là người kinh lịch. Chắc chắn sẽ làm cho bố em vui vẻ. Em đã nói truyện với cô ấy. Cô ấy thích em lắm...À thôi, hai chị đi ăn cơm chứ.

Lê Văn dẫn chị em Bảo-Hòa đi về hướng đông, nơi có nhiều dẫy nhà nằm san sát .Ở giữa, một căn nhà rộng, theo hình vuông, cao ba tầng, mái uốn cong, lợp ngói đỏ tươi. Tầng dưới cùng bốn mặt vuông vức. Ngoài hàng hiên có năm cây cột gỗ lim, chạm trổ rất tinh vi. Tiếp nối hàng hiên, từơng xây bằng những tảng đá xanh. Cửa bằng gỗ trắc sơn đỏ chói.

Bảo-Hòa hỏi:

- Nhà cửa trong sơn-trang cao đẹp không kém gì cung điện ở Thăng-long của đức vua. Ai ở đây vậy ?

- Không có ai ở hết. Ngôi nhà này có ba tầng. Tầng trên cùng làm nơi thờ Quốc-tổ, Quốc-mẫu, thờ tổ sư. Tầng thứ nhì làm Tàng-kinh các, để đệ tử trong trang đến đọc sách. Tầng dưới cùng làm Đại-sảnh-đường, nơi hội họp. Căn nhà này mang tên Điện Kinh-dương. Trước bốn mặt của điện Kinh-dương, mỗi mặt đều có chín dẫy nhà nằm song song nhau. Tổng cộng 36 dẫy. Mỗi dẫy cách nhau bằng một cái vườn hoa. Đây là nơi cho những bệnh nhân ở xa đau nặng, cần ở lại điều trị. Cả khu mang tên Văn-lang.

Bảo-Hòa đã từng thấy viện dưỡng thương của bố mẹ nàng, dùng trị bệnh cho tướng sĩ vùng biên giới. Tuy to lớn, nhưng so với khu trị bệnh này, thì thua xa. Nàng thắc mằc:

- Tôi xem mỗi dãy có chín phòng. Vậy mỗi phòng chứa được bao nhiêu người ?

- Mỗi phòng mười tám giường. Mỗi dãy 162 giường. Tổng cộng 5832 giường.

Mỹ-Linh ái một tiếng:

- Như vậy có bao gìơ trang nhận bệnh nhân đầy hết số dường không?

- Có chứ. Hiện nay chỉ còn khỏang hơn trăm giường trống mà thôi. Để em chỉ cho các chị biết. Vạn-thảo sơn trang do chính tay bố em dựng lên mới mấy chục năm. Trang chia lam ba khu vực rõ rệt. Khu Văn-lang là khu các chị vừa đi qua. Trong khu có điện Kinh-dương, nhà Thủy-tạ xây trên hồ nước, là nơi bố em ngồi thưởng hoa, ngắm cảnh, cũng như tiếp khách riêng. Hôm trước nếu các chị đến bằng cổng chính, tất sẽ do đệ tử của bố em tiếp nhận, phân loại rồi chữa. Mà các chị đến bằng cửa riêng chỉ dành cho người nhà, nên đụng nhằm bố em. Xui thực xui. Nhưng mà lại hên. Khu thứ nhì là khu Âu-lạc.

Lê Văn dẫn chị em Bảo-Hòa qua một khu nữa. Khu thứ nhì kiến trúc giống như khu Kinh-dương, Lê Văn giới thiệu:

- Khu này tên là Âu-lạc. Ngôi nhà lầu ba tầng tên là điện Âu-cơ. Tầng thứ nhất là Giảng-y-đường. Nơi bố em dạy học. Tầng thứ nhì là Vạn-thảo-đường, nơi chứa thuốc. Tầng dưới cùng là Luyện-đan-đường, nơi chế thuốc. Còn 36 dẫy nhà, dùng làm nơi ăn, ở của đệ tử, cùng những người giúp việc.

Một lát đi qua ngôi nhà kiến trúc rất đặc biệt, từ cột, cho tới tường đều bằng gỗ. Mái không lợp ngói như những ngôi nhà khác, mà lợp bằng rạ. Ngôi nhà hình tròn, có bốn cửa thông ra bốn phía.

Lê Văn giới thiệu:

- Ngôi nhà này có tên Nghinh-tân-các là nơi tiếp khách quí. Đúng ra các chị là tù nhân của sơn trang, thì ở ngôi nhà hôm qua. Sau vì chị Mỹ-Linh thắng chị Mai, nên bố coi trọng hơn, cho các chị ra ở nhà của thượng khách.

Nó chỉ tay lên đồi:

- Khu thứ ba là khu Lĩnh-nam, tức khu trồng hoa, cỏ, cây thuốc, mà các chị đã đi dạo chơi nhiều lần. Khu thứ ba chia làm sáu phần, mỗi phần mang tên vùng đất thời Lĩnh-nam như Nam-hải, Quế-lâm, Tượng-quận, Giao-chỉ, Cửu-chân, Nhật-nam.

Đúng như Lê Văn nói, khi Mỹ-Linh bước chân vào căn nhà tròn, thì có hai thiếu nữ áo lụa vàng nhạt, quần lụa đen bước ra lễ phép mời vào. Lê Văn nói:

- Hoàng Mai, Hoàng Cúc, đây là công chúa Bình-Dương và quận chúa Bảo-Hòa. Hai người phải lo phục thị chu đáo. Nếu có gì sơ xuất, bố tôi đánh đòn đó. Thế nào cơm đã dọn chưa?

Hoàng Cúc đáp:

- Thưa công-tử, tất cả đã sẵn sàng chờ quí khách.

Lê Văn nhìn bàn ăn, nó mỉm cười:

- Hôm nay hai chị được ăn thêm mấy món đặc biệt. À đây là món canh cải bẹ nấu ca rô. Đây là món cá rô kho keo. Ờ, lại còn món nem nữa.

Lê Văn mời Bảo-Hòa, Mỹ-Linh ngồi. Bảo-Hòa thấy trên bàn có bốn đôi đũa. Nàng hỏi:

- Này cậu em, còn ai nữa đây?

Có tiếng đáp thanh thóat:

- Còn Thanh-Mai chứ ai nữa

Thanh-Mai từ ngoài bước vào. Mỹ-Linh mừng quá đứng dậy hỏi:

- Chị Thanh, chị ở đâu?

Thanh-Mai chỉ lên đầu:

- Chị ở trên lầu. Các em cũng sẽ ở đó với chị. Mấy món này chị thân làm để đãi Bảo-Hòa đấy. Canh cải bẹ xanh nấu với cá rô là món ăn hơi cầu kỳ, mà ngon. Cách nấu như thế này. Cá rô đánh sạch vảy, rồi cho vào nồi luộc chín. Sau đó gỡ thịt riêng ra. Còn xương thì cho vào cối dã nhỏ thành bột. Đổ nước vào lọc riêng nước mầu với bã xương. Nước mầu cho vào nồi, thêm một muỗng mắm tôm nấu lên. Cải bẹ xanh thái thực nhỏ như sợi tóc. Đợi khi nước sôi, thì cho rau vào. Chờ khoảng nhai dập miếng trầu, thì bắt ra. Trước khi bắt, giã nhỏ một củ gừng bằng ngón chân cái cho vào.

Mỹ-Linh hỏi:

- Tại sao canh cải bẹ xanh lại phải cho gừng, mà không cho hồ-tiêu?

Thanh-Mai lắc đầu:

- Chị chỉ biết nấu mà không hiểu tại sao.

Lê Văn cười:

- À cái này dễ thôi. Cải bẹ xanh tính vốn co rút, lại mát. Nếu mát qúa thì ăn vào dễ đau bụng. Gừng tính chất phát tán lại nóng, có thể hòa giải tính co rút và mát của cải bẹ xanh.

Mỹ-Linh gắp một con cá rô kho bỏ vào bát. Thanh-Mai cản lại:

- Hôm trước anh Tạ Sơn nói :Mỹ-Linh chưa được ăn cá rô. Vì cá rô xương cứng. Ăn vào dễ bị hóc. Nên ngự trù không giám nấu dâng lên đức vua cùng hoàng-tử, công-chúa. Để chị vẽ cho Linh ăn, nếu không sẽ bị hóc.

Thanh-Mai vẽ xong, Mỹ-Linh gắp ăn. Cá rô ít tanh, lại kho keo, thịt cá dai, cứng như thịt gà, thơm tho, có vị bùi đưa lên mũi.

Mỹ-Linh than:

- Cá rô kho keo ăn ngon như thế này, mà năm nay mười bẩy tuổi em mới được ăn. Chị Thanh, dạy em kho cá đi. Kỳ này về hoàng cung, em sẽ làm cho bố ăn.

Thanh-Mai giảng:

- Cá rô phải chọn con lớn. Nếu có trứng càng tốt. Đánh vảy, cắt gai thực kỹ, nhớ cắt mang, lấy go ra. Sau đó rửa với chanh họăc dấm cho hết nhớt. Không cần mổ ruột, ăn cả ruột lẫn mật. Mật cá rô không đắng, trái lại giúp cho bớt mùi tanh. Đem cá ướp muối, kẹo đắng khỏang nửa ngày, rồi đổ nước xấp xỉ bằng cá, đun lửa thực nhỏ. Khi nước sắp khô, phải trở cá luôn. Lúc cá thật keo lại, thì ngừng.

Mỹ-Linh hỏi Lê Văn:

- Tại sao khi ăn cá trê, phải lấy ruột ra. Còn ăn cá quả với cá rô lại ăn cả ruột? Trong y-học có nói về vấn đề này không?

Lê Văn vui vẻ đáp:

- Khoa ăn uống của tổ tiên mình, tất cả đều được đặt trên cơ-sở y học cả. Chị nên biết cá trê thuộc loại ở dưới bùn, không có vảy, nhiều nhớt, thuộc âm tính nhất trong các lọai cá. Thịt nó đã tanh, thì ruột nó còn tanh hơn. Hiện không có loại rau thơm nào hòa giải được cả, nên không thể ăn.

Lê Văn cầm đũa vẽ con cá rô, moi ruột ra bỏ vào bát Mỹ-Linh:

- Còn cá quả cũng như cá rô, chúng là lọai cá dương sống trong âm, bởi chúng nó rất mạnh. Cá quả cũng như cá rô là lọai dương, mà sống trong bùn, trong nước đất thuộc âm, ăn vào thường hay bị sưng chân, nổi mụn ngứa. Cho nên khi làm thịt hai lọai cá này, không nên vứt bộ đồ lòng đi. Cần ăn lòng của chúng, để chống độc chất nhiễm trong thịt chúng. Phải biết rằng hai loại cá sống trong bùn lầy đầy chất độc, thế mà nó chịu đựng được, thì trong thân phải có sức chống âm hàn, chống mùi tanh của bùn. Cơ quan chống lại được bùn lầy của chúng là bộ đồ lòng.

Trong bốn người, thì Thanh-Mai lớn tuổi nhất. Thứ đến Bảo-Hòa, rồi Mỹ-Linh. Nhỏ nhất là Lê Văn. Lê Văn nói truyện rất có duyên. Vì vậy bữa ăn trôi qua thực mau lẹ.

Có một hồi trống vọng về. Lê Văn đứng lên nói:

- Trống tập họp các đệ tử ở đại sảnh đường. Chắc có việc gì quan trọng. Em mời các chị cùng đi cho vui.

Bảo-Hòa trầm ngâm:

- Chúng tôi không phải đệ tử trong trang .Không biết có nên tham dự chăng?

Lê Văn nắm tay Bảo-Hòa kéo dậy:

- Theo tục lệ trang, thì đại hội có nghĩa là cần thông báo một tin tức gì cho tất cả những người hiện diện, ngoại trừ bệnh nhân. Các chị cũng là người cư trú trong trang, các chị cũng có quyền tham dự.

Lê Văn dẫn chị em Thanh-Mai đến đại sảnh đường khu Văn-lang. Mọi người đang lục tục kéo tới.

Lê Văn giảng:

- Các chị phải trông y phục mà phân biệt loại người. Những người mặc quần trắng, áo trắng là đệ tử của sơn-trang. Họ học cả y lẫn võ. Những người mặc quần đen, áo xanh, thì họ là người giúp việc bếp nước, lau chùi, giặt quần áo cho bệnh nhân. Những người mặc quần áo nâu thì là người trồng thuốc, làm vườn. Còn những người không mặc quần áo đồng phục, là gia nhân, họ hàng nhà em. Khi đại hội như thế này, người đệ tử cao niên nhất của bố em đứng triệu tập.

Trong đại sảnh đông nghẹt, mà không một tiếng động. Mọi người như quen với lối sinh hoạt này rồi. Họ âm thầm tìm chỗ ngồi. Thanh-Mai liếc nhìn: họ chia nhau ra ngồi từng khu riêng biệt. Khu áo trắng, khu áo xanh, khu áo nâu và khu... không đồng phục.

Thanh-Mai được Lê Văn mời ngồi vào khu sát bục sân khấu. Nàng thấy bọn Triệu Anh, Đinh Toàn cũng được dẫn tới ngồi vào khu dành cho quan khách, nhưng họ ngồi cách xa nàng. Không thấy Lê Phụng-Hiểu, Thanh-Mai ngạc nhiên hỏi Lê Văn.

Nó nói nhỏ:

- Anh ta là người trong làng Vạn-thảo, bố em không có lý do gì bỏ tù anh ta. Em đã ăn cắp thuốc giải Hàn-ngọc đơn cho anh ta uống, đưa anh ta về rồi.

Một trung niên nam tử mặc quần áo trắng lên bục, dơ tay cho mọi người im lặng, rồi anh ta nói lớn:

- Thưa các vị đồng trang. Hôm nay trang chúng ta có quý khách tới thăm. Qúi khách muốn chúng ta tham dự một việc quan trong thiên hạ. Tôi nhắc lại một việc quan trọng của thiên hạ, chứ không phải việc quan trọng Đại-Việt. Sư-phụ tôi không giám tự quyết, mời các vị cùng nghe, rồi cho ý kiến chung.

Thanh-Mai hỏi nhỏ Lê Văn:

- Đại sư huynh của em tên gì vậy?

- Anh tên Dương Bình. Trước đây anh có người cô ruột làm hoàng-hậu của vua Đinh tên Dương Vân-Nga. Khi vua Đinh chết, bà lại được vua Lê phong làm Đại-thắng hoàng-hậu. Võ công anh rất cao, mà tài phục dược cũng thần sầu.

Thanh-Mai nói nhỏ:

__ Như vậy Dương Bình với Đinh Toàn là con cô con cậu à?

- Đúng thế.

Dương Bình đợi cho tiếng ồn ào giảm bớt, chàng lại nói lớn:

- Nhân tiện đây tôi cũng xin báo cho các vị biềt, sư phụ tôi mới kén được sư mẩu.

Cả sảnh đường im lặng. Mọi người chờ Dương Bình loan tin tiếp xem người ấy là ai. Bởi Hồng-Sơn đại-phu là người võ công đệ nhất đương thời, ngoài ra ông lại là đại-phu nức danh, một tay cứu không biết bao nhiêu người, ân huệ trải khắp thiên hạ, Gần đây hàng trăm người đến mối lái, ông không nhận. Thình lình ông cưới một người đàn bà vừa xấu, vừa đần, vừa ngu, vừa không có đức. Y thị về trang đã gây ra không biết bao nhiêu điều buồn cho mọi người. Thế rồi hơn năm sau mụ bỏ đi. Ai cũng mừng rỡ. Bây giờ lại thấy loan báo trang chủ cưới vợ, thành ra ai ai đều hiện ra nét lo âu.

Dương Bình tiếp:

- Sư mẫu là người trong võ lâm, nhưng không thuộc đại môn phái nào. Tuy tuổi trẻ, nhưng người đã từng hành hiệp suốt một giải biên giới phía bắc Đại-Việt, sang tới vùng Mân-Quảng bên Trung-quốc.

Chiêng trống đánh liên tiếp ba hồi liền. Lê Văn nói nho nhỏ để chị em Thanh-Mai nghe:

- Bố em với khách tới đấy!

Dương Bình hô mọi người đứng dậy. Hồng-Sơn đại phu mặc quốc phục thời vua Hùng. Bên cạnh ông, Huệ-Phương mặc quần lụa đen, áo mầu đỏ chói, cổ choàng chiếc khăn mầu xanh, dây lưng cũng xanh .Lưng nàng đeo bảo kiếm. Đám đệ tử thấy nàng phơi phới như tiên nữ, thì bật liên tiếng súyt xoa. Cạnh đó là ba người khách. Thoáng trông thấy bọn khách, chị em Thanh-Mai suýt bật lên tiếng kêu. Vì họ chính là Triệu Thành, Vương Duy-Chính, và Minh-Thiên

Nàng nói sẽ vào tai Lê Văn:

- Này cậu. Bọn này chính là bọn Tống chị đã nói cho cậu nghe đó.

Hồng-Sơn đại-phu mời khách an tọa. Hai nữ đệ tử mặc áo xanh, bưng nước, trái cây mời khách. Triệu Thành thấy bọn thuộc hạ cùng Đinh Toàn ngồi trong đại sảnh, mà y lờ đi như không biết.

Dương Bình hướng xuống dưới, chàng vận nội lực nói lớn:

- Thưa các vị đồng trang. Hôm nay sơn trang chúng ta hân hạnh được đón mấy vị qúi khách đến viếng thăm. Vị thứ nhất là hoàng đệ đức hoàng đế nhà đại Tống. Ngài hiện lĩnh chức Phu-quốc thái-úy, quản Khu-mật-viện tước phong Bình-nam vương. Vương gia cùng sứ đoàn sang Chiêm-quốc, nhân tiện ghé sơn trang thăm sư phụ chúng ta.

Triệu Thành đứng dậy cho mọi người hoan hô.

Dương Bình lại tiếp:

- Tùy tòng vương gia, còn có Minh-Thiên đại-sư, thủ tọa Đạt-ma đường chùa Thiếu-lâm, và đại-nhân Vương Duy-Chính, xuất thân tiến sĩ, cũng là cao thủ phái Võ-đang, hiện đang giữa chức chuyển-vận-sứ vùng Quảng-tây.

Triệu Thành đứng lên vận nội lực nói lớn:

- Thưa Hồng-Sơn tiền bối. Thưa các vị huynh, đệ, tỷ, muội. Bản nhân được chỉ dụ của hoàng huynh kinh lý vùng phía nam hoàng-triều cương thổ. Khi còn ở Trung-nguyên, tại hạ đã nghe danh đại-phu như sét nổ bên tai. Nào võ công đệ nhất Nam-thiên, nào y tài không thua Hoa-Đà, Biển-Thước. Cho nên bản nhân qua đây, xin có chút lễ mọn kính tặng tiên sinh, trước tỏ lòng biết trọng hiền của thiên tử. Sau là trọng thưởng đức cứu nhân độ thế của tiên sinh.

Y vẫy tay một cái, Vương Duy-Chính cởi túi trên lưng ra, mở nút, đổ xuống cái mâm để trước mặt, hai tay đưa cho Hồng-Sơn đại-phu. Đại-phu tiếp lấy bỏ xuống bàn.

Vương Duy-Chính cầm danh thiếp đọc:

- Vàng khối một ngàn lạng. Bạc khối năm ngàn lạng. Ngọc bích mười viên, kim cương mười hạt, hồng ngọc năm hạt.

Vương Duy-Chính tiếp:

- Gấm Thục một trăm tấm, hãy còn để ngoài xe.

Vương Duy-Chính về chỗ ngồi. Hồng-Sơn lão nhân hỏi Triệu Thành:

- Xin vương gia tâu lên đức Hoàng-đế rằng, tên thôn phu Lê Long-Mang này xin có lời đa tạ hoàng đế bệ hạ ban thưởng. Chẳng hay vương gia chỉ ghé thăm ban thưởng, hay còn có chỉ dụ gì khác?

Triệu Thành đứng lên nói:

- Từ khi nhà Đại-tống thuận mệnh trời cai trị thiên hạ đến giờ. Các vị tiên hoàng không ngớt hướng về phương Nam này, là nơi rồng nằm hổ phục, nhân tài như sao sa. Năm trước đây đức hoàng đế mở khoa thi võ. Ngài tuyển một trạng nguyên, hai bảng-nhãn, bốn thám-hoa, và mười lăm tiến sĩ. Cộng chung ba mươi hai người. Ba mươi hai người đang từ một võ-sĩ, phút chốc lên cầm quyền đại tướng quân, hiển hách uy danh.

Y ngừng lại một lát rồi tiếp:

- Tuy nhiên trong ba mươi hai vị đó, không có vị nào người Việt cả. Mà đất Việt vốn là nơi xuất phát nhiều nhân tài. Thời Âu-lạc, Lý Thân được phong Vạn-tín-hầu. Thời Đông-Hán, Đào Kỳ được phong Hán-trung vương. Nghiêm Sơn được phong Lĩnh-nam vương. Đô Dương được phong Đô-đình hầu...đó chẳng là những người vang danh thủa nào ư? Năm tới đây, hoàng thượng lại mở khoa thi võ nữa. Vì vậy bản nhân tới đây mời tất cả các vị thuộc sơn-trang, vào ngày rằm tháng tám sang năm, nhớ đến Biện-kinh ứng thí.

Thanh-Mai ghé tai Lê Văn hỏi nhỏ:

- Tại sao đại-phu không có phản ứng gì vậy?

Lê Văn cười:

- Bố em có cái ưu điểm là bất cứ việc gì ông cũng không phản ứng ngay. Ông suy nghĩ cẩn thận rồi quyết định. Khi ông đã quyết định thì trời gầm ông cũng không đổi. Đối với việc này, lát nữa chị sẽ thấy.

Dương Bình đứng lên hướng vào cử tọa hỏi:

- Các vị đồng trang, các vị có ý kiến gì không?

Một vị mặc quần áo nâu, râu dài, vóc người mảnh mai đứng lên nói:

- Thưa trang chủ, thưa qúi khách. Lão là Lê Anh, chưởng-quản viện Âu-Cơ xin có đôi lời thắc mắc với Bình-nam vương gia. Theo như tiểu nhân được biết, thì niên hiệu Thuận-thiên thứ tám của đức hoàng-đế Đại-Việt, sứ thần Đại-tống phong cho hoàng đế Đại-Việt tước Nam-bình vương. Không hiểu tại sao vương gia đang là Bình-tây vương, cầm quyền chinh phạt Tây-hạ, Thổ- phồn, Tây-liêu, lại được cải phong là Bình-nam vương. Dường như Tống thiên-tử muốn ủy cho vương gia đánh chiếm Đại-Việt thì phải!

Vương Duy-Chính đứng lên:

- Không phải thế đâu. Tước Bình-nam vương của vương gia chỉ với mục đích chỉnh đốn lại cương vực phía Nam mà thôi. Chứ không có ý nghĩa nào khác.

Dương Bình hướng về Triệu Thành lễ hai lễ:

- Như vậy thì coi như nhà Đại-Tống không muốn gây chiến ở phương Nam. Thực là phúc đức.

Huệ-Phương đứng lên. Chiếc áo màu đỏ, phất phới bên chiếc khăn choàng cổ cùng dây lưng vàng, khiến nàng phiêu hốt như tiên nữ. Nàng hướng vào Triệu Thành vái một vái:

- Tiểu nữ có vài thắc mắc xin vương-gia giải đáp cho.

Triệu Thành thấy nàng đẹp như thiên tiên thì ngây người ra:

- Cô nương đây là...

Dương Bình đáp:

- Vị này là sư mẫu của chúng tôi.

Triệu Thành ngây ngất, lắp bắp nói:

- Thì ra Vạn-thảo sơn-trang chủ mẫu, tôi không biết lại tưởng là vị tiên nào giáng hạ. Không biết phu-nhân có điều chi thắc mắc?

Huệ-Phương vẫy tay một cái. Hai nữ đệ tử khiêng ra cái khung dựng đứng. Trên khung có cái trục lớn. Huệ-Phương cởi dây, trục mở ra một tấm lụa lớn bằng bốn cái chiếu, trên vẽ bản đồ. Triệu-Thành nhận ra đó là bản đồ biên giới vùng Hoa-Việt.

Bảo-Hòa, Mỹ-Linh kinh ngạc vô cùng, vì tấm bản đồ này hai người đã thấy ở bản doanh của biên-phòng Bắc-biên và tại Khu-mật-viện Thăng-long.

Mỹ-Linh hỏi Thanh-Mai:

- Chị Thanh, chị thử đóan xem tại sao Huệ-Phương lại có tấm bản đồ giống hệt như tấm ở bản doanh cô hai cũng như ở Khu-mật-viện?

Thanh-Mai lắc đầu:

- Chị không rõ. Chúng ta cứ chờ xem.

Huệ-Phương chỉ lên bản đồ:

- Thưa vương-gia, hồi vua Hùng, vua Thục, vua Trưng, ranh giới Đại-Việt tôi Bắc tới tới hồ Động-đình. Tây giáp với Thục. Bây giờ chỉ còn lại một phần năm. Hiện giữa Trung-quốc với Đại-Việt tiếp giáp với nhau bằng 207 khê-động. Những khê-động này, nguyên gốc từ Tây-vu. Sau khi vua Bà tuẫn quốc, các động-chủ, trang chủ vùng đồng bằng bị Mã Viện truất quyền, thành lập làng-xã, quận huyện. Nhưng vùng Bắc biên tòan rừng núi, các trang chủ động chủ cương quyết kháng chiến, thành ra trải hơn nghìn năm Bắc thuộc, nay vẫn tồn tại. Vấn đề được đặt ra là: Hiện những trang, động chủ qui phục hoàng-đế Đại-Việt. Tại sao các quan nam biên của Tống lại cứ tìm cách mua chuộc, đe dọa, bắt họ bỏ Đại-việt theo Tống?

Triệu Thành ngơ ngác:

- Tôi không hề biết truyện này.

Lúc nghe Dương Bình tuyên bố Hồng-Sơn đại-phu mới tuyển được vợ. Mọi người trong trang đều lo sợ sẽ gặp người đàn bà ngu dốt, ương ngạnh như đời vợ trước của đại-phu. Bây giờ thấy Huệ-Phương đã xinh đẹp, sắc sảo, lại tỏ ra hiểu biết đại cuộc. Nàng mới đặt một câu hỏi, đã làm cho Bình-nam vương nhà Tống luống cuống.

Huệ-Phương mỉm cười rất tươi chỉ lên bản đồ:

- Vương gia lịch sự không muốn nói ta chẳng thèm trả lời con nha đầu Nam-man. Chứ sự thực vương gia nào phải không biết. Này vương gia ơi, Khu-mật-viện nhà Tống gồm những đại-thần có tài kinh thiên động địa. Hoàng-đế lại không tiếc tiền, sai hàng chục đoàn do thám sang Đại-Việt. Tể-thần Khấu Chuẩn cũng là danh sĩ Trung-quốc đã từng nói các nước Giao-chỉ, Tây-hạ, Đại-lý... mỗi ngày bò, lợn đẻ thêm bao nhiêu con, Khu-mật-viện đều biết hết. Vương gia trực tiếp chưởng-quản Khu-mật-viện lại không biết thì hơi lạ.

Triệu Thành hỏi Vương Duy-Chính:

- Lạ thực, những việc lớn như thế mà tại sao biên thần không tâu về triều? Có lẽ họ không theo dõi chăng?

Huệ-Phương mỉm cười:

- Vương gia cứ giả tảng hoài. Ngoài Khu-mật-viện ra. Nhà Đại-Tống còn ba cơ quan lớn nữa theo dõi, chỉ huy những đoàn do thám sang Đại-Việt, đó là Quảng-nam lộ, Quảng-tây lộ và Quảng-đông lộ. Mỗi lộ này dân đông hơn dân nước tôi, đất rộng hơn Đại-việt.

Nàng chỉ vào Vương Duy-Chính:

- Vương chuyển-vận-sứ! Có đúng không?

Vương Duy-Chính giả vờ ngơ ngác:

- Ty chức không hiểu. Xin phu nhân nói rõ hơn.

Huệ-Phương cười:

- Vương đại-nhân không muốn nói, thì tiểu-nữ nói vậy.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.