Anh Hùng Bắc Cương

Chương 8: Chính tà quyết đấu




Chính tà quyết đấu - -

Nhật-Hồ lão nhân hỏi Bảo-Hòa:

- Trần cô nương! Có thực cô nương theo học với Tây-dương Hồng-thiết giáo chủ chăng?

Bảo-Hòa nghĩ:

- Thân thế ông ngoại, ông nội, mạ mạ cao biết mấy, mà mình lại nhận làm học trò tên Tây-vực giáo chủ, một đại ma đầu ư? Nhất định ta không nhận. Dù cậu hai trách mắng, đã có ông ngoại bênh.

Có tiếng Tôn Đản dùng Lăng-không truyền ngữ rót vào tai nàng:

- Chị Bảo-Hòa, trêu cho lão tức điên người lên, để làm trò cười cùng quần hùng.

Gì chứ, chọc phá thiên hạ, Bảo-Hòa rất giỏi. Từ thầy trò Địch Thanh cho đến Hồng-Sơn đại phu, nàng đều đã trêu qua. Mới đây, Bố-Đại hòa thượng nàng còn gọi bằng danh tự Thầy chùa ăn thịt chó. Xá gì lão Nhật-Hồ. Huống chi trong Thuận-Thiên cửu hùng, Bảo-Hòa thích nhất Tôn Đản. Nghe em xui, nàng mỉm cười. Nàng trả lời lơ lớ:

- Tây-phương giáo chủ ư? Ông ta tên gì?

- Bát-Nặc.

Bảo-Hòa ngơ ngẩn:

- Tiên sinh nói sao? Bát-Nạt à? À chắc lão nhân gia còn có tên Ba-Bị. Ông Ba-Bị hay bắt nạt trẻ con. Vì vậy trẻ nhỏ thường hát:

Ông Ba-Bị,

Chín quai,

Mười hai con mắt.

Bắt trẻ bỏ bị.

Nhật-Hồ lão nhân tưởng Bảo-Hòa mới ở Tây-vực về, không thạo tiếng Việt. Lão nhắc lại:

- Tên Hồng-thiết giáo chủ Tây-dương theo Trung-quốc đọc thành Bát-Nặc. Nếu theo tiếng Tây-dương thành Xẹp-Lép.

Bảo-Hòa lắc đầu:

- Xẹp-Lép? Tên gì mà kỳ vậy?

Vũ Nhất-Trụ nhắc Nhật-Hồ:

- Trình sư phụ, giáo chủ Xẹp-lép đã về với thánh Mã-Mặc, Lệ-Anh lâu rồi. Giáo chủ Tây-dương hiện thời đại danh Gọt-tam-Hổ.

Bảo-Hòa để tay lên tai làm bộ điếc:

- Gọt-tam-Hổ à? Chắc ông làm nghề gọt đầu cọp hẳn? Ừ sao có nghề lạ lùng thế nhỉ.

Nhật-Hồ lão nhân không nhịn được nữa, lão quát lên:

- Cô nương tên gì? Con nhà ai?

- Lão gia muốn biết tên người trên tôi hả? Cụ ngoại tôi tu đắc đạo thành Bồ-tát. Xin lão gia đoán xem người tên gì?

Nhật-Hồ cau mặt:

- Vô lý, người đi tu thành Bồ-tát, sao lại có con, mà thành cụ ngoại? Họa chăng ông ta là sư hổ mang.

Bảo-Hòa càng trêu già:

- Sao lại không? Đức Thích-ca Mâu-ni chẳng có vợ, có con rồi mới đi tu sao? Trong mười đại đệ tử của ngài, hầu hết đều có vợ có con, rồi mới đi tu. Sau thành Bồ-Tát hết.

- Thế ông cô nương cao danh quý tính là gì?

- Ông ngoại tôi, một người nhân từ nhất thế gian. Yêu dân Việt hơn yêu mẹ tôi. Ông nội tôi, danh vang bốn bể. Bố tôi, một người đạo đức ít có. Còn mẹ tôi ư? Mẹ tôi quanh quẩn gần lão nhân đó.

Nhật-Hồ tức muốn điên lên được, lão quát:

- Cô nương không chịu trả lời ta. Ta giết cô nương tức khắc.

Bảo-Hòa cực kỳ can đảm, nghe lão đe dọa, nụ cười tắt trên môi. Nàng cười nhạt:

- Lão định giết tiểu nữ ư? Khó lắm.

Biết sự thể không dấu diếm được nữa, nàng lột mặt nạ ra. Đang từ một cô gái xấu xí kinh khiếp, Bảo-Hòa trở lại một thiếu nữ xinh đẹp, khuôn mặt sáng như trăng rằm.

Quần hùng bật lên tiếng la, tiếng huýt sáo, tiếng vỗ tay.

Nhật-Hồ hỏi Bảo-Hòa:

- Thì ra cô nương làm gian tế, tiềm ẩn trong bản giáo. Cô nương có biết rằng những gian tế trong bản giáo, sẽ bị hình phạt khủng khiếp như thế nào không?

Bảo-Hòa mỉm cười:

- Giáo chủ nói lạ. Từ lúc tiểu nữ xuất hiện, tự nhiên trưởng lão Lê Ba rồi giáo chủ, cứ gọi tiểu nữ bằng tên Trần Quỳnh-Hoa, rồi ghép cho tiểu nữ vào làm đệ tử của Hồng-thiết giáo chủ Tây-phương. Trong khi chính tiểu nữ nói ra rằng tiểu nữ học nghệ với sư bá Đặng Đại-Khê phái Tản-viên. Rồi bây giờ giáo chủ bảo tiểu nữ làm gian tế. Giáo chủ ơi! Sao giáo chủ lại quá vô lý như vậy?

Nhật-Hồ ôn lại từ đầu, quả Bảo-Hòa chưa từng xưng tên Trần Quỳnh-Hoa, cũng không hề nhận liên hệ, hay đệ tử Hồng-thiết giáo. Lão biết nàng chỉ nhân bọn lão lầm, rồi nương theo mà thôi. Lão hỏi:

- Thế cô nương có biết Trần Quỳnh-Hoa hiện ra sao? Cô nương khuê danh là gì?

Bảo-Hòa không trả lời vào câu hỏi của lão. Nàng đánh trống lảng:

- Giáo chủ. Giáo chủ sai Phạm trưởng lão đấu với tiểu nữ. Bây giờ Phạm trưởng lão bị bại. Vậy giáo chủ có còn đòi làm vua nữa chăng? Giáo chủ hẹn đấu ba cuộc với võ lâm Đại-Việt. Nếu bên giáo chủ thắng hai, võ lâm phải tôn giáo chủ lên làm vua. Còn ngược lại, giáo chủ sẽ qui phục triều đình. Trận đầu, Trần đại hiệp thắng Đỗ trưởng lão. Trận thứ nhì tiểu nữ thắng Phạm trưởng lão. Như vậy võ lâm Đại-Việt thắng. Giáo chủ là đại tôn sư võ học. Xin giáo chủ giữ lời hứa cho.

Mặt Nhật-Hồ lão nhân xám như tro. Lão dơ tay:

- Nếu cô nương không chịu cho lão biết thân thế cô nương, cô nương đừng trách lão không nương tay.

Bảo-Hòa cười khúc khích:

- Tôi đã khai rồi, mà lão nhân gia không tin ư? Cụ ngoại tôi họ Lý, húy Khánh-Vân, một Bồ-tát đắc đạo. Ông ngoại tôi, hiện làm Thuận-Thiên hoàng-đế, nhân từ, yêu dân Việt hơn yêu mẹ tôi. Có đúng thế không? Mẹ tôi là vua Bà Bắc-biên, đang ngồi gần lão tiên sinh đấy thôi! Còn tên ư? Tôi họ Thân, tên Bảo-Hòa.

Nàng đến trước Thuận-Thiên hoàng-đế hành đại lễ, rồi cất tiếng:

- Ngoại công! Cháu chúc ngoại công tâm an thần tĩnh.

Trước đây Mỹ-Linh đánh bại Đông-Sơn lão nhân, rồi nàng xưng là cháu nội của Thuận-Thiên hoàng-đế, võ lâm đã một lần kinh ngạc. Bây giờ Bảo-Hòa thắng ba trưởng lão Hồng-thiết giáo, rồi lại gọi Hoàng-đế bằng ông ngoại. Quần hùng lại một phen kinh ngạc đến ngẩn người ra.

Thuận-Thiên hoàng-đế có mười ba công chúa, vì vậy quần hùng không biết nàng do công chúa nào sinh ra?

Bảo-Hòa đến trước vua Bà Bắc-biên quỳ gối hành đại lễ:

- Mạ mạ! Mạ mạ thấy con đánh có được không?

Vua Bà Bắc-biên tát yêu con gái:

- Con ngoan lắm, thực không uổng công bố mẹ sinh thành dạy dỗ.

Nhật-Hồ lão nhân cùng quần hùng thấy Bảo-Hòa gọi công chúa Lĩnh-Nam Bảo-Hòa bằng mạ mạ, lão biết nàng quả đúng con của vua Bà Bắc-biên.

Bảo-Hòa nói với Nhật-Hồ lão nhân:

- Lão tiên sinh! Lão tiên sinh về đi thôi. Cái ngôi vua không đến với lão nhân đâu. Tiểu nữ nghĩ lão tiên sinh nên truyền ngôi cho đệ tử, rồi về nghỉ ngơi, hưởng an nhàn chẳng thú lắm sao?

Nhật-Hồ lão nhân cười khổ sở:

- Ta muốn về nghỉ, nhưng ngặt vì không có người nào luyện thành Hồng-thiết thần công hầu giải độc chưởng cho giáo chúng, nên vẫn phải ngồi lại ngôi giáo chủ.

Tiếng Khai-Quốc vương dùng Lăng-không truyền ngữ như sợi tơ rót vào tai Bảo-Hoà:

- Khen ngợi lão, khích lão nhường ngôi giáo chủ cho Nhất-Trụ, vì y hiện mất hết uy tín. Y có lên ngôi giáo chủ, cũng không có giáo chúng theo y.

Bảo-Hòa nghe cậu nói, nàng nghĩ thêm được một kế:

- Giáo chúng Hồng-thiết đa số là người yêu nước, nhiệt tâm với dân, mà lâm vào hoàn cảnh dở sống, dở chết. Ta phải cứu họ mới được. Hiện anh Thiệu-Thái có khả năng giải Chu-sa Nhật-Hồ độc chưởng. Vậy ta gài bẫy để lão truyền ngôi cho Nhất-Trụ, trong khi giáo chúng lại thuộc Lê Ba. Sau đó anh Thái xuất hiện giải độc cho giáo chúng, thu phục nhân tâm, để họ có thể đem tài năng ra giúp nước.

Nghĩ vậy, Bảo-Hòa hướng vào giáo chúng Hồng-thiết giáo, nàng vận nội lực nói thực lớn:

- Anh em giáo chúng. Giáo chủ lão nhân gia có võ công cao nhất Đại-Việt. Lão nhân gia đem Hồng-thiết giáo vào Trung-quốc cũng như Đại-Việt. Hồng-thiết giáo chủ trương giúp người nghèo, chúng nhân bình đẳng. Cho nên anh em mới quyết tâm gia nhập giáo. Hy sinh tính mệnh cho giáo. Nhưng trong hai mươi năm qua, giáo chủ vắng mặt, giáo chúng không người cầm đầu, thành ra có nhiều hỗn loạn. Bây giờ giáo chủ muốn về nghỉ ngơi, hưởng nhàn, nhưng lão nhân gia còn muốn tìm một người học được phép giải Hồng-thiết độc chưởng cho anh em giáo chúng, rồi mới qui ẩn.

Nàng hỏi Nhật-Hồ:

- Thưa giáo chủ. Tại sao phải có người đủ khả năng hoá giải Hồng-thiết độc công cho anh em giáo chúng, giáo chủ mới truyền ngôi? Tiểu nữ nghĩ, giáo chủ cứ tạm truyền cho một vị trưởng lão nào đó. Sau đấy giáo chủ truyền Hồng-thiết mật công cho tân giáo chủ chẳng hay ư? Theo tiểu nữ nghĩ, giáo chủ nên truyền ngôi cho đại đệ tử của người, hầu danh chính ngôn thuận.

Nhật-Hồ thấy Bảo-Hoà là cháu ngoại Thuận-Thiên hoàng đế, mà lại khẩn thiết yêu cầu lão truyền ngôi cho Đàm Can, kẻ phản bội họ Lý, hẳn có mưu kế gì. Lão cười nhạt:

- Cô nương! Cô nương giết chết một trưởng lão bản giáo, lại làm cho một trưởng lão bị trúng độc. Lão phu làm giáo chủ, không thể bỏ qua vụ này. Bây giờ nếu cô nương đỡ được của lão phu ba chưởng, lão sẽ không truy cứu tội cô nương. Lão phu nguyện rút lui, không tranh ngôi vua với Lý Công-Uẩn nữa.

Bảo-Hòa cực kỳ gan dạ, can đảm bậc nhất trên thế gian. Hồi ở Thanh-hóa, tuy biết võ công kém xa Triệu Anh, nàng cũng dám so tay với y. Nay thấy Nhật-Hồ nói vậy, nàng nghĩ:

- Ta biết rằng công lực chưa đủ, muôn ngàn lần không thể đỡ được ba chưởng của lão. Nhưng ta cứ cố gắng. Bất quá ta chết là cùng. Ta chết, mà lão không tranh ngôi vua nữa, đỡ tốn hao biết bao nhiêu xương máu!

Nghĩ vậy nàng nói:

- Tiểu nữ xin nhận lĩnh ba chiêu của đại tôn sư võ lâm Lĩnh-Nam.

Quần hùng ào lên những tiếng bàn tán, rồi im lặng theo dõi.

Bảo-Hoà vận đủ mười thành công lực, phát chiêu Ác ngưu nan độ tấn công lão. Nhật-Hồ lão nhân thấy nàng dám tấn công mình, lão mỉm cười vung chưởng đỡ. Binh một tiếng, Bảo-Hòa bật lui liền ba bước, cánh tay nàng muốn tê liệt, tai phát ra tiếng kêu o o không ngừng. Nàng loạng choạng ngã ngồi xuống đài, miệng ri rỉ chảy máu ra hai bên mép. Nàng hít một hơi chân khí, nghiến răng chịu đau, từ từ đứng dậy.

Thấp thoáng một cái, Trần Tự-An đã đứng trước mặt nàng. Ông chắp hai tay vào nhau:

- Giáo chủ, tại hạ xin thay quận chúa Bảo-Hoà lĩnh hai chiêu còn lại của giáo chủ.

Nhật-Hồ thấy Tự-An chế ra được phương pháp khắc chế Chu-sa Nhật-Hồ độc chưởng của lão, cũng có ý hơi gờm. Lão cười:

- Trần đại hiệp. Khi lão phu tranh phong thiên hạ với vua Đinh, dường như đại hiệp chưa ra đời thì phải. Lão phu hứa với quận chúa Bảo-Hòa sẽ rút lui, nếu nàng đỡ được ba chưởng của lão phu, chứ lão phu có hứa với đại hiệp đâu? Nếu đại hiệp muốn qua lại mấy chiêu với lão phu, xin chờ.

Bảo-Hoà hướng Tự-An:

- Sư bá, xin sư bá để cháu lĩnh hai chiêu nữa của giáo chủ.

Nhật-Hồ cười nhạt:

- Ta mới vận có ba thành công lực, cũng chưa vận độc chưởng.

Bảo-Hòa biết thế, nhưng nàng vẫn không lui, không sợ, tay chuyển sang chiêu Ngưu tẩu như phi, nàng vận âm kình, dương kình hỗn hợp. Vù một tiếng nữa, người nàng bay bổng lên cao, rồi rơi xuống giữa đài, chân tay gần như tê liệt hoàn toàn. Nàng không ngồi dậy được nữa.

Toàn thể quảng trường im lặng, quan sát cuộc đấu kỳ lạ. Tất cả đều khâm phục can đảm của Bảo-Hòa.

Qua chưởng thứ nhì, Nhật-Hồ thấy công lực Bảo-Hòa đang từ dương sang âm, hoá giải hết kình lực cũa lão. Trong người lão như bị hàng trăm cái kim đâm vào. Lão kinh hãi nghĩ:

- Hèn gì hai đệ tử mình bại về con nhỏ này. Không biết nó học đâu được chiêu Phục-ngưu thần chưởng âm dương hỗn hợp này?

Trên đài, Bảo-Hoà nằm thẳng cẳng, nàng nghiến răng chịu đau, quằn quại, hít một hơi, rồi từ từ ngồi dậy. Miệng nàng thở hồng hộc:

- Lão nhân! Còn một chưởng nữa! Xin lão nhân tiếp lấy.

Nàng nói hết câu đó, người lảo đảo muốn ngã.

Thình lình một đám mây vàng thoáng bay qua khán đài như một tia sáng, rồi biến đi. Bảo-Hoà thấy như có ai vỗ vào lưng nàng. Bao nhiêu cái đau đớn biến mất. Mọi người đều hoa mắt lên, rồi bóng vàng biến mất. Họ định thần lại, thấy Bảo-Hoà đã đứng dậy. Bảo-Hoà biết có một cao nhân nào đó, dùng thần công thượng thừa truyền vào người nàng. Thân pháp người này mau quá, nàng không nhận ra ai. Qua tấm áo vàng giống áo cà sa, nàng đoán có lẽ Minhh-Không hoặc Huệ-Sinh., Nhưng nàng chợt nghĩ lại không phải, vì thủy chung hai vị vẫn ngồi tại chỗ. Một mùi trầm phát ra quanh nàng thoang thoảng. Nàng bật cười:

- Thì ra Bố-Đại hoà thượng.

Bố-Đại hoà thượng qua đài cứu Bảo-Hoà, ngài dùng một thứ kinh công thượng thừa, chỉ những loại võ công cao như Đại-Việt ngũ long mới nhìn rõ. Còn Nhật-Hồ đúng ra lão cũng nhìn thấy, nhưng vì tuổi cao, mắt kém, nên lão biết có người cứu Bảo-Hoà, mà không nhận ra ai. Lão nghĩ rất nhanh:

- Chỉ còn một chiêu nữa. Nếu mình nhân nhượng, bao nhiêu công lao vứt đi hết.

Nhật-Hồ lão nhân không cho nàng phát chiêu thứ ba. Lão phóng một chưởng chụp lên đầu nàng. Nàng thấy chưởng phong ụp xuống đầu, vội vận đủ mười thành công lực đỡ. Nhưng chưởng của lão chưa phát ra hết, nàng đã bị quay tròn như con quay.

Đặng Đại-Khê ngồi gần nàng nhất. Liên hệ tình thầy trò, khiến ông quên nguy hiểm, ông phát một chiêu bằng tất cả công lực của mình đỡ cho nàng. Bình một tiếng, Đặng Đại-Khê, Bảo-Hòa cùng ngã lăn trên sàn.

Nhật-Hồ lão nhân cười nhạt:

- Hai người trúng Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng rồi. Mau quỳ xuống lạy ta, tôn ta làm sư phụ, ta sẽ ban thuốc giải cho.

Đại-Khê, Bảo-Hòa cùng cảm thấy đau đớn, rét run lên. Nhưng hai người nghiến răng chịu đau, không kêu than. Bảo-Hoà từ từ ngồi dậy, nói:

- Giáo chủ! Tiểu nữ đã đỡ được ba chưởng của giáo chủ. Mong giáo chủ giữ lời hứa.

Đến đó hai hàm răng nàng chạm vào nhau kêu lộp cộp. Thuận-Thiên hoàng-đế thấy đứa cháu ngoại nhất tâm, nhất chí bảo vệ ngôi vua cho mình, mà phải chịu đau đớn cùng cực, long tâm nhũn ra, ngài nghĩ thầm:

- Ta có năm con trai, mười ba con gái, nhưng chỉ có Bồ nhi chịu hy sinh cho ta. Bồ nhi truyền dạy tinh thần này cho Mỹ-Linh, Bảo-Hòa. Dù Hồng-Sơn đại phu không áp lực, ta cũng phải truyền ngôi cho Bồ nhi.

Vũ Nhất-Trụ móc trong túi ra viên thuốc, nói với Thuận-Thiên hoàng đế:

- Bệ hạ. Nếu bệ hạ ân xá tội cho hạ thần, hạ thần sẽ trao thuốc giải cho đứa cháu ngoại bảo bối của bệ hạ.

Thuận-Thiên hoàng đế thấy cháu đau đớn quá độ, ngài gật đầu:

-- Đô nguyên soái. Nếu như thuốc này trị cho Bảo-Hòa hết đau, trẫm sẽ ân xá cho nguyên soái.

Ngài tiếp viên thuốc, định trao cho Bảo-Hòa, bỗng nhiên ngài cảm thấy tay tê tê, rồi ngứa ngáy khó chịu. Ngài vội liệng viên thuốc vào người Nhất-Trụ:

- Đồ hèn hạ. Mi đánh thuốc độc ta.

Nói rồi ngài vung chưởng tấn công Nhất-Trụ. Nhất-Trụ lùi lại vung tay đỡ. Y cười lớn:

- Công-Uẩn! Người trúng độc mà còn xử dụng võ công chỉ mau chết mà thôi.

Thuận-Thiên hoàng-đế thấy tay sưng vù, lực đạo bị mất, ngài không còn phát chiêu được nữa.

Vũ Nhất-Trụ phát một chưởng hướng ngài, trong chưởng phong có mùi tanh hôi khủng khiếp.

Từ dưới đài, một người nhảy lên, thân pháp cực kỳ mau lẹ. Người đó phát một chưởng hướng Nhất-Trụ. Chưởng phong như có, như không. Nhất-Trụ thấy chưởng kỳ lạ, hơi phân tâm một chút, chưởng phong đã bao trùm người y. Y vội vọt lên cao, rơi xuống đài. Bây giờ y mới nhìn kỹ đối thủ, chỉ là một thiếu niên thân thể cực kỳ hùng vĩ, nhưng mặt đần độn, xấu xa khủng khiếp.

Thiếu niên đó cầm lấy tay Thuận-Thiên hoàng-đế bóp một cái. Rồi vận khí hoá giải chất độc. Khoảng nhai dập miếng trầu, bao nhiêu cái ngứa, đau của ngài biến mất.

Tuy Thiệu-Thái đã hoá trang, nhưng Thuận-Thiên hoàng-đế cũng nhận ra chàng. Ngài kinh ngạc vô cùng:

- Không biết đứa cháu ngoại của ta học ở đâu được Thiền-công cao đến trình độ chỉ mó vào tay ta, mà đã đẩy được hết chất độc ra ngoài? Ta tưởng trên đời, chỉ có sư phụ Vạn-Hạnh thiền sư, mới luyên đến mức này mà thôi.

Quần hùng thấy một thiếu niên mập mạp khinh công tuyệt cao, chỉ một chiêu hời hợt đánh bay Vũ Nhất-Trụ, rồi vuốt tay một cái hoá giải chất độc cho Thuận-Thiên hoàng-đế đều kinh ngạc vô cùng. Nhưng họ không biết chàng là ai.

Thiệu-Thái vung tay phát một chưởng nhẹ nhàng hướng Đặng Đại-Khê. Ông đang nghiến răng đau đớn cùng cực, chưởng phong của chàng lướt qua, ông rùng mình một cái, bao nhiêu cái đau đớn biến mất.

Ông mỉm cười:

- Đa tạ thiếu hiệp.

Thiệu-Thái lại phát một chiêu giải độc cho Bảo-Hòa. Bảo-Hòa rùng mình một cái, nàng đứng dậy, như không hề hấn gì.

Nhật-Hồ lão nhân thấy Thiệu-Thái phát chiêu, rõ ràng công lực thuộc Thiền-công Tiêu-sơn, nhưng phương pháp hoá giải lại của Hồng-thiết giáo. Lão kinh ngạc:

- Thiếu hiệp, phải chăng thiếu hiệp tên Trần Đông-Thiên, mới từ Tây-dương về? Công lực thiếu hiệp quả thực cao thâm khôn lường. Bản lĩnh hoá giải Hồng-thiết độc công của thiếu hiệp cao minh e không thua gì Tây-dương giáo chủ Hồng-thiết giáo. Thiếu hiệp cho lão phu biết cao danh quý tính, được chăng?

Thiệu-Thái nhổ râu, vuốt mặt. Lớp sáp bao phía ngoài rơi ra hết. Chàng tới trước mặt Thuận-Thiên hoàng-đế quỳ gối hành đại lễ:

- Ngoại công! Cháu ra tay cứu trị hơi trễ, để ngoại công kinh sợ, thực có tội.

Chàng lại đến trước Thân Thiệu-Anh quỳ gối::

- Nội tổ! Cháu ngu tối, không luyện hết được võ công gia truyền xin nội công tha tội.

Chàng đến trước vua Bà Bắc-biên quỳ gối:

- Mạ mạ! Con vấn an mạ mạ.

Nói rồi chàng chắp tay đứng hầu sau Thuận-Thiên hoàng đế, mắt liếc nhìn Mỹ-Linh.

Khai-Thiên vương vốn cực kỳ ác cảm với Thiệu-Thái, vì gương mặt chàng không lấy gì làm dễ coi, tướng ụt ịt như con lợn. Lại nữa, chàng đã đính hôn rồi, mà còn lè kè bên cạnh Mỹ-Linh.

Trước đây, vì muốn tranh dành ảnh hưởng với các em, Vương định gả Mỹ-Linh cho Đàm An-Hoà. Vì Hoà là con Đàm Can, một khai quốc công thần, hiện có thế lực nhất triều đình. Can lại có đến năm con trai, bốn ngươi đang trọng nhậm ở ngoài.

Hôm nghe Mỹ-Linh tường thuật về vụ Đàm An-Hoà vô phép với nàng ở Thanh-hoá. Vương không tin, cho rằng nàng bịa truyện, để có cớ gần Thiệu-Thái.

Truyện Đàm Can tức Vũ Nhất-Trụ, cùng việc anh em An-Hoà phản triều đình, Khai-Quốc vương giữ kín, vì vậy Vương không biết gì. Hôm nay, nảy ra Đàm Can hoá ra Vũ Nhất-Trụ. Rồi Trụ công khai hại Thuận-Thiên hoàng-đế. Giữa lúc nguy nan, Thiệu-Thái hiển lộ bản lĩnh kinh thế hãi tục, đánh bay Nhất-Trụ, cứu mọi người. Bao nhiêu ác cảm của Vương với chàng biến mất.

Nhật-Hồ lão nhân đã nhận ra được Thiệu-Thái là người cùng Mỹ-Linh đã cứu lão dưới hầm Cổ-loa. Lão nghĩ thầm:

- Hôm trước thằng con lợn này với Mỹ-Linh đã chiết chiêu với Vũ Nhất-Trụ trong hầm Cổ-loa, công lực của nó cao hơn Nhất-Trụ một tý. Không hiểu sao mới mấy ngày qua, mà công lực nó đã cao đến trình độ này? Nó học ở đâu được Hồng-thiết mật công?

Bảo-Hoà khỏi đau đớn, nàng đến trước Nhật-Hồ lão nhân, chắp tay thi lễ:

- Giáo chủ. Tiểu nữ đã chịu đủ ba chưởng của giáo chủ. Vậy giáo chủ có còn tranh ngôi vua với ngoại công của tiểu nữ nữa chăng?

Xảo quyệt, nói đấy, rồi lại nuốt lời đấy là bản lĩnh của Hồng-thiết giáo Tây-dương. Nhật-Hồ lão nhân cũng như các đệ tử đều làu thông Hồng-thiết kinh. Cho nên lão trở mặt:

- Ta hứa rằng cô nương chịu ba chưởng của ta. Ta sẽ không tranh ngôi vua với Lý Công-Uẩn. Thế nhưng có lão thầy chùa nào đó giúp cô nương, một điều cô nương phạm lời ước. Tên ôn con Đặng Đại-Khê cũng giúp cô nương, hai điều cô nương phạm ước. Khi cô nương phạm lời giao ước, đừng đòi lão phu giữ lời hứa.

Lão nói với Khai-Quốc vương:

- Cứu lão phu ra khỏi cảnh tù đầy do công chúa Bình-Dương với Thân thế tử. Giúp đỡ, tha lão phu chính Vương-gia. Nhưng những ơn nghiã đó có tính cách cá nhân giúp cá nhân. Lão phu không thể vì chút ơn riêng mà bỏ đại cuộc. Mong Vương-gia đừng buồn.

Lão nói đến đó, quần hùng nổi nóng, la hét vang trời. Đợi cho tiếng la hét giảm, Bảo-Hoà hỏi:

- Thưa giáo chủ. Hồi đầu giáo chủ ước hẹn với võ lâm Đại-Việt đấu ba cuộc, bên nào thắng hai, coi như thắng cuộc. Hồng-thiết giáo thua hai cuộc coi như thua. Giáo chủ lại giao hẹn tiểu nữ chịu được ba chưởng của giáo chủ. Tiểu nữ chịu đủ ba chưởng. Nay giáo chủ nuốt lời, tiểu nữ e rằng chúng nhân thiên hạ khinh thường giáo chủ, như vậy giáo chủ có làm Vua cũng vô ích.

Nhật-Hồ lão nhân vẫn cù nhầy:

- Ba chưởng mà cô nương chịu với lão, do người ngoài giúp, coi như cô nương phạm ước. Bên cô nương thua cuộc. Bây giờ lão phu xin nhắc lại: Nếu như trong đám con cháu Lý Công-Uẩn, có ai chịu được của lão phu ba chưởng. Lão phu nhất định rời khỏi nơi đây cùng với giáo chúng.

Quần hào im lặng, đưa mắt nhìn Thuận-Thiên hoàng đế. Thuận-Thiên hoàng đế nghĩ:

- Y thách họ Lý, chứ không thách võ lâm. Trong các em, các con, không biết có người nào lớn gan như Bảo-Hoà không?

Thuận-Thiên hoàng đế đưa mắt nhìn hoàng đệ Dực-Thánh vương. Vương cúi đầu xuống. Ngài đưa mắt nhìn Khai-Thiên vương. Vương im lặng lắc đầu. Cuối cùng ngài đưa mắt nhìn Khai-Quốc vương. Vương đứng dậy, hướng vào Nhật-Hồ:

- Lão tiên sinh, tiểu bối xin xả thân bồi tiếp quân tử, nhận ba chưởng của tiên sinh.

Vương vừa dứt lời thì vèo, vèo Thuận-Thiên cửu hùng bay lên đài, rồi đến Trần Tự-An, Đào Hà-Thanh, Hồng-Sơn đại phu, Lâm Huệ-Phương... Lại có cả Phủ-Van, Chế Ma-Thanh, Đoàn Huy. Tất cả đều muốn thay thế Khai-Quốc vương lĩnh ba chiêu của Nhật-Hồ lão nhân.

Đào Hà-Thanh nghiêng mình thi lễ:

- Giáo chủ, tiểu nữ bạo gan xin lĩnh ba chiêu của giáo chủ thay thế Khai-Quốc vương được chăng?

Quần hùng thấy một thiếu phụ trẻ, nhan sắc khuynh quốc, tiếng nói thanh tao, đòi lĩnh ba chưởng thay thế Khai-Quốc vương. Họ kinh tâm động phách.

Mọi người nghĩ thầm:

- Cô này đi cạnh Trần Tự-An, hẳn thuộc phái phái Đông-a. Dù võ công Đông-a thần diệu đến đâu, mà thân thể cô thế kia, e Nhật-Hồ chỉ cần thổi một cái, cũng bay xuống đài, chứ đừng nói lão phóng chưởng.

Nhật-Hồ lão nhân hỏi Đào Hà-Thanh:

- Tiểu cô nương. Cô nương có phải con cháu họ Lý chăng?

Hà-Thanh chỉ vào Trần Tự-An:

- Không! Tiểu nữ họ Đào, làm dâu họ Trần. Phu quân của tiểu nữ chính vị này.

Nhật-Hồ kinh hãi nghĩ:

- Dù ta làm giáo chủ, dù ta làm Hoàng-đế cũng không nên gây hấn với tên Trần Tự-An. Để rồi cả đời không yên với nó.

Nghĩ vậy lão nói:

- Trần phu nhân. Phu nhân không biết võ công, chịu sao được ba chưởng của lão phu? Phu nhân không nên dại dột như vậy.

Nhưng Đào Hà-Thành không lui, nàng tiến lên tát vào mặt Nhật-Hồ lão nhân. Nhật-Hồ lão nhân vốn người ác độc có một không hai trên thế gian. Lão giết người như chà chân vào ổ kiến. Nhưng lão được cái rất dịu dàng với phụ nữ. Lão nghĩ:

- Tên Tự-An thực số đỏ. Y kiếm đâu được con vợ đẹp như thế này? Ta được nàng tát vào mặt còn gì sướng bằng?

Lão để cho Hà-Thanh tát. Bốp một cái, lão cười:

- Thực hân hạnh.

Quần hùng thấy Hà-Thanh là vợ Tự-An, những tưởng võ công của nàng ít ra cũng bằng Thanh-Mai. Nào ngờ cái tát của nàng chứng tỏ nàng không biết chút võ nghệ nào.

Đào Hà-Thanh tát liền hai cái nữa. Nhật-Hồ lão nhân thủy chung vẫn không đỡ, lão vuốt râu cười:

- Đa tạ phu nhân.

Đào Hà-Thanh cười:

- Giáo chủ, tiểu nữ đã thay Khai-Quốc vương, chiết với giáo chủ ba chiêu rồi. Như vậy giáo chủ rút lui đi chứ?

Nhật-Hồ lão nhân cười ha hả:

- Lão phu thách là thách họ Lý, chứ không phải thách các vị. Nào ngờ trong họ Lý không ai có can đảm chịu nổi ba chưởng của lão phu, còn mong gì làm vua nữa?

Khai-Quốc vương cảm động chắp tay hướng Trần Tự-An, Hồng-Sơn đại phu:

- Đa tạ tiền bối cùng phu nhân. Giáo chủ thách họ Lý tại hạ. Thành ra uổng công các vị chiếu cố.

Phò mã Đào Cam-Mộc bước lên đài:

- Giáo chủ! Tiểu bối phò mã Đào-cam-Mộc, xin được lĩnh ba chiêu của giáo chủ.

Nhật-Hồ cười ha hả:

- Đào phò mã, người họ Đào, chứ có phải họ Lý đâu? Trời ơi, không còn ai giám lĩnh ba chưởng của lão phu. Chán thực.

Mỹ-Linh rẽ mọi người bước tới trước mặt Nhật-Hồ:

- Giáo chủ. Tiểu nữ xin lĩnh ba chiêu của giáo chủ.

Trần Tự-An nhìn Mỹ-Linh nghĩ thầm:

- Mỹ-Linh kiếm pháp thần thông, không biết có chịu nổi ba chiêu của lão ma đầu này không?

Ông dắt Đào Hà-Thanh bước xuống đài cùng mọi người.

Tự-Mai lo nghĩ cho Mỹ-Linh, nó nói với Nhật-Hồ:

- Giáo chủ! Giáo chủ nhớ giữ lời hứa, chỉ ba chiêu thôi nhé. Tại hạ xin đứng đây đếm.

Nhật-Hồ lão nhân vuốt râu cười nhạt:

- Lão phu lớn tuổi hơn công chúa, xin nhường công chúa ra tay trước.

Mỹ-Linh biết trận đấu này cực kỳ quan trọng. Nếu nàng thua, e Hồng-thiết giáo sẽ còn gây nhiều rắc rối. Cuối cùng, võ lâm phải một phen đổ máu. Tinh lực Đại-Việt do đó mất đi rất nhiều. Vì vậy nàng không nhân nhượng, tay rút kiếm tung ra chiêu số rất ảo diệu. Kiếm đưa thẳng vào cổ Nhật-Hồ lão nhân. Lão né sang trái tránh, kiếm co lại như con rắn, bật sang phải, đúng giữa ngực lão.

Kinh hoàng, lão lộn đi một vòng tránh thế kiếm hiểm ác. Chân lão vừa chạm đài, kiếm Mỹ-Linh theo như hình với bóng đã tơí sát vào ngực trái lão, ngay giữa tim. Lão không còn tránh kịp, đưa tay kẹp kiếm của Mỹ-Linh. Mỹ-Linh đã bỏ ra ngoài sống chết, nàng hạ kiếm xuống một chút, kiếm chạm vào da bụng lão. Lão nhảy vọt lên cao.

Không nhân nhượng, Mỹ-Linh vọt theo. Còn ở trên không nàng quay kiếm liền ba vòng. Kiếm trúng giữa ngực lão đến choang một tiếng. Lão đá gió một cái, người bay khỏi đài, rơi xuống đất.

Thì ra Mỹ-Linh đâm trúng cái bình bằng đồng đựng thuốc trước ngực lão.

Từ-Lúc Mỹ-Linh với lão ra chiêu, quần hùng đều nín thở. Chiêu số của Mỹ-Linh cực kỳ thần tốc, mà thân pháp của lão cũng thần tốc không kém. Bây giờ mọi người mới có dịp hoan hô.

Trong khi đó Tự-Mai đã đếm được mười lăm chiêu. Nó nói lớn:

- Giáo chủ thua rồi. Chị Mỹ-Linh thắng. Mười lăm chiêu rồi.

Nhưng Nhật-Hồ lão nhân mặt lầm lỳ. Từ dưới đài, lão vọt lên cao. Trong khi còn ở trên không, lão xuất chưởng hướng Mỹ-Linh. Chưởng phong có mùi tanh hôi khủng khiếp, bao trùm khắp đài. Mỹ-Linh quay kiếm một vòng cắt ngang chưởng của lão, rồi đẩy về trước. Đây là chiêu kiếm rất ảo diệu. Hơn nghìn năm trước Vạn-Tín hầu cầm quân đánh Hung-Nô, trong khi tuyết rơi, ngài đã chế ra chiêu này, để tuyết không tới mình được. Thành ra khi Nhật-Hồ lão nhân tới đài, Mỹ-Linh vẫn vô sự, mà kiếm đẩy vào giữa ngực lão.

Nhật-Hồ lão nhân kinh ngạc đến đờ người ra. Lão vỗ tay vào ngực một cái, rồi nhảy vọt lên cao. Lập tực cái bình trước ngực lão phun ra một luồng khói đen. Các tôn sư võ học cùng kêu lớn:

- Độc khí Xích Trà-Luyện.

Rồi nhảy khỏi đài. Trên đài Mỹ-Linh bị bao trùm trong làn khói, người nàng lảo đảo, chân tay tê liệt, kiếm rơi xuống đến choang một tiếng.

Nhật-Hồ lão nhân bất chấp đạo lý. Lão phóng một chưởng, định kết thúc tính mạng nàng.

Đến lúc này, Thiệu-Thái không đừng được nữa. Chàng phát chiêu Lâm-trung kiến ngưu, trong Mục-ngưu Thiền-chưởng mà Bố-Đại hoà thượng dạy chàng. Trái với chưởng của Nhật-Hồ, nặng nề, dũng mãnh. Chiêu Lâm trung kiến ngưu như có, như không, giống trận gió xuân thổi qua. Vù một tiếng, chưởng của Nhật-Hồ mất tăm mất tích.

Thiệu-Thái chụp Mỹ-Linh tung cho Thanh-Mai, đang đứng gần đài.

Trời sinh ra Thiệu-Thái, tính tình hiền hoà, nói năng cẩn trọng. Chàng cực kỳ có hiếu, lại tôn kính ông ngoại với cậu hai như thánh. Bây giờ thấy Hồng-thiềt giáo cứ gọi tên tục ông ngoại ra trước quảng trường, rồi đòi hết điều kiện này đến điều kiện kia. Cuối cùng Nhật-Hồ lão nhân định giết Mỹ-Linh, dù hiền đến đâu chàng cũng không chịu nổi.

Nhật-Hồ lão nhân tưởng đánh một chưởng như trời long đất lở, kết thúc tính mạng Mỹ-Linh. Nào ngờ đâu, Thiệu-Thái xuất một chưởng rất lạ lùng, lão chưa hề thấy qua, làm chưởng lực của lão mất tăm, mất tích.

Lão kinh ngạc đến đờ người ra:

- Thằng con lợn này, lúc nãy biết xử dụng phương pháp hoá giải Chu-sa độc chưởng bằng một thứ nội lực phảng phất giống Thiền-công Tiêu-sơn. Bây giờ xử dụng một chiêu chưởng, hơi giống Phục-ngưu thần chưởng. Nhưng trong một chiêu bao gồm chiêu Ác-ngưu nan độ đương cương, thêm chiêu Thanh-ngưu nhập điền âm nhu, lại có chiêu Ngưu-thực ư dã, nửa nhu nửa cương.

Nghĩ vậy lão quát lớn:

- Khá lắm. Thân thế-tử, võ công mà Thế-tử vừa dùng tên gì vậy?

Câu hỏi của lão, cũng là câu hỏi của tất cả các đại tôn sư, Đại-Việt ngũ long. Ai cũng thấy rõ ràng nội lực của chàng giống nội lực Tiêu-sơn, còn chiêu số hao hao Phục-ngưu thần chưởng, nhưng trong một chiêu bao gồm đến ba kình lực cương, nhu, hỗn hợp khác nhau.

Chỉ có Trần Tự-An, ông không ngạc nhiên, vì ông đã biết Thiệu-Thái được Bồ-tát Sùng Phạm truyền cho một trăm năm công lực, cùng những kỳ duyên khác mà chàng gặp được.

Thiệu-Thái còn đang chần chờ, có tiếng Khai-Quốc vương dùng Lăng-không truyền ngữ ra lệnh:

- Thiệu-Thái, nghe cậu dạy. Cháu phải dùng hết khả năng đánh bại Nhật-Hồ lão nhân ngay. Bằng không sẽ có cuộc đổ máu lớn.

Nghe cậu hai ra lệnh, Thiệu-Thái tiến lên đáp câu hỏi của Nhật-Hồ lão nhân:

- Thưa giáo chủ, võ công mà tiểu bối xử dụng do sư phụ tiểu bối mới sáng chế ra tên gọi Mục-ngưu Thiền-chưởng. Mục-ngưu Thiền-chưởng có mười chiêu, mỗi chiêu bao gồm ba chiêu Phục-ngưu thần chưởng. Có thể cả ba chiêu âm nhu, có thể cả ba chiêu dương-cương, có thể một chiêu âm, hai chiêu dương. Như vậy thành một trăm hai mươi chiêu. Mà trong Phục-ngưu có tới ba mươi sáu chiêu, biến hoá thành ra bốn nghìn ba trăm hai mươi chiêu.

- Không biết Thế-tử học võ với cao nhân nào vậy? Lão phu thấy dường như nội lực của Thế-tử hơi giống Sùng Phạm. Phải chăng Thế-tử học với Sùng Phạm ?

- Tiểu bối có duyên gặp Bồ-tát Sùng Phạm, mà không được người thu làm đệ tử. Nhưng nội lực của tiểu bối chính ngài ban cho. Còn Mục-ngưu Thiền-chưởng do một cao tăng chế ra, rồi dạy tiểu bối. Người cũng không thu tiểu bối làm đệ tử. Về danh tính của người, người bảo chả là cái đếch gì.

Nguyên hôm Bố-Đại dậy Mục-ngưu Thiền-chưởng cho Thiệu-Thái. Thiệu-Thái hỏi:

- Nếu sau này có người hỏi đệ tử rằng pho võ công này ai dạy cho, đệ tử có thể khai rằng Bồ-Tát dạy không?

Bố-Đại đáp:

- Ta chả là cái đếch gì cả. Ta chỉ hợp những gì Vạn-Tín hầu làm, Tăng-giả Nan-đà làm, Bắc-Bình vương làm, Yên-lãng công chúa làm mà thôi.

Nói rồi ngài nhập tĩnh. Vì vậy hôm nay chàng nhắc lại lời Bố-Đại. Câu nói của chàng làm quảng trường ồ lên kinh ngạc. Nguyên người trong võ lâm trọng sư đạo vô cùng. Thế mà Thiệu-Thái bảo sư phụ chả là cái đếch gì cả ai mà không kinh ngạc? Chỉ những cao tăng phái Tiêu-sơn nghe chàng nói, họ biết ngay người dạy Thiệu-Thái là Bố-Đại hoà thượng.

Trả lời xong, chàng vận đủ mười thành công lực phát chiêu Lâm-trung kiến ngưu, chàng vận thuần dương, thành ra cả ba chiêu Tứ-ngưu phân thi, Ngưu-tẩu như phi, Ác-ngưu nan độ cùng phát ra một lúc. Kình lực mạnh muốn long trời lở đất. Áp lực khiến nhiều cao nhân phải nhảy khỏi đài. Nhật-Hồ lão nhân vận Chu-sa chưởng đỡ. Ầm một tiếng. Cả hai cùng lảo đảo lùi lại. Mặt Nhật-Hồ lão nhân đỏ lên như gấc. Râu tóc lão dựng đứng dậy, trông thực khủng khiếp. Mặt Thiệu-Thái biến ra trắng bệch.

Nhật-Hồ lão nhân kinh hãi, nghĩ thầm:

- Trong đời ta, ta đã thắng khắp anh hùng Hoa-Việt. Trước đây chỉ có lão thầy chùa Vạn-Hạnh, Bố-Đại, Sùng-Phạm có thể đỡ được chưởng của ta mà thôi. Nhưng nay những lão thầy chùa đó đều hoá ra tro bụi cả rồi. Hơn nữa sau hai mươi năm ở tù luyện công, công lực ta cao biết bao. Ví dù bọn Vạn-Hạnh có còn sống, chưa chắc đã đỡ nổi chiêu của ta. Mà thằng con lợn này coi bộ nó không hề hấn gì.

Nghĩ vậy lão vận một Chu-sa độc chưởng với tất cả bình sinh công lực đẩy ra. Thiệu-Thái phát chiêu Nhân-ngưu câu vong, thuần âm. Vù một tiếng, chưởng của Nhật-Hồ mất tăm mất tích. Lão lảo đảo lùi lại. Thiệu-Thái không nhân nhượng, chàng phát chiêu Kị-ngưu qui gia.

Hai người quấn lấy nhau, chưởng phong ào ào tuôn ra. Sự thực với một trăm năm công lực của Bồ-tát Sùng Phạm, sau này trong khi trị bệnh cho Thanh-Mai, Thiệu-Thái lại thu được một số nội lực nữa, công lực chàng cao hơn Nhật-Hồ lão nhân nhiều. Nhưng chàng vừa luyện Mục-ngưu Thiền-chưởng, đây là lần xử dụng đầu tiên, nên còn bỡ ngỡ.

Đấu được trên trăm chiêu, Thiệu-Thái đã có kinh nghiệm rồi. Cứ mười chiêu chàng phản công được năm sáu. Càng đấu, chàng càng chiếm được thượng phong. Tuy nhiên Nhật-Hồ lão nhân, một bác học hiếm có trong võ lâm, lão lại thừa kinh nghiệm, nên chàng không thắng nổi.

Bỗng lão đánh ra chiêu hết sức thô kệch, Thiệu-Thái đẩy ra một chưởng đỡ. Bộp, hai chưởng dính chặt nhau. Thế là cuộc đấu trở thành đấu nội lực.

Các đại tôn sư, chưởng môn nhân đều kinh hãi lo cho Thiệu-Thái, vì họ nghĩ rằng chàng còn trẻ, công lực khó có thể so được với Nhật-Hồ lão nhân. Hơn nữa, thần công Hồng-thiết của lão cực mạnh. Chỉ cần chạm vào tay lão, sẽ trúng độc chết liền.

Hai bên đấu trong khoảng thời gian ăn một bữa cơm, trên đầu Thiệu-Thái bốc lên một luồng khỏi trắng. Còn trên đầu Nhật-Hồ bốc lên một luồng khói đen.

Thiệu-Thái nhớ lời Khai-Quốc vương dặn, cần phải hạ lão, mới mong bảo toàn được điạ vị cho ông ngoại. Chàng vận hết công lực ra. Nhưng vô ích.

Thấy Thiền-công không hạ được lão, chàng vận Chu-sa độc chưởng ra lẫn với Thiền-công. Nhưng vẫn vô hiệu.

Lát sau, thình lình Thiệu-Thái lui lại một bước. Mọi người đều kinh ngạc.

Nguyên công lực của Thiệu-Thái là Thiền-công, lấy chữ không làm căn bản. Tứ đại giai không. Trong khi chàng lại vận hết công lực mong tiêu diệt đối thủ, thành ra tứ đại giai hữu. Lại nữa Thiền-công thuộc công lực nhà Phật, chàng lại vận thên Chu-sa độc, một thứ công lực ma quái, thành ra chính chàng làm giảm Phật tính trong người chàng vậy. Vì công lực giảm đi, chàng mới bị Nhật-Hồ đẩy lui một bước.

Không ai hiểu nguyên do nào cả. Chỉ duy Minh-Không thiền sư biết rõ. Ngài vẫy tay gọi Mỹ-Linh lại gần:

- Công chúa. Công chúa tụng cho Thế-tử một bài kinh Bát-nhã.

Minh-Không là sư phụ của Khai-Thiên vương, tức thái sư phụ của Mỹ-Linh. Vì vậy khi nghe ngài dạy. Nàng không chần chờ, đến gần Thiệu-Thái, cất tiếng đọc:

Quán-tự-tại Bồ-tát,

Hành thâm Bát-nha Ba-la mật đa thời,

Chiếu kiến ngũ uẩn giai không,

Độ nhất thiết khổ ách....

.....

Sắc bất dị không, không bất dị sắc.

Sắc tất thị không, không tất thị sắc,

Thụ, tưởng, hành, thức, diệc phục như thị...

Bát-nhã, một bài kinh ngắn, bất cứ người theo đạo Phật nào cũng biết. Quảng trường quần hùng thấy Mỹ-Linh tụng kinh Bát-nhã họ cho rằng nàng lo sợ dùm Thiệu-Thái, đọc kinh để đức Phật che chở. Tiếng nàng trong trẻo, ngọt ngào vang đi rất xa. Ai ai cũng nghe rõ.

Thiệu-Thái đang lâm nguy, nghe tiếng Mỹ-Linh tụng kinh Bát-nhã, chàng tỉnh ngộ:

- Mình chết thực. Hôm tước Bố-Đại hoà thượng giảng rằng, khi phát lực phải bỏ lục tặc ra ngoài, mà bây giờ mình lại muốn giết lão. Trong Phật pháp, khi giận hờn làm ma tính, quỉ tính hiện, quỷ A-tu-la nhập vào người ắt Thiền-công giảm là phải.

Thế rồi chàng bỏ ra ngoài nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý. Tức lục căn biến đi, con người trở thành chân không như Quán-tự-tại Bồ-tát nhập thiền rất sâu khi xưa. Vì vậy Thiền công của chàng trở thành mạnh vô cùng. Chàng nhập tĩnh thực sâu, không còn nghe tiếng Mỹ-Linh tụng kinh. Cũng không còn thấy gì nữa.

Về phía Nhật-Hồ lão nhân, lão tưởng đàn áp được Thiệu-Thái trong chốc lát. Không ngờ Mỹ-Linh tụng kinh Bát-nhã, công lực Thiệu-Thái trở thành mạnh vô cùng. Trong khi đó công lực của lão là thứ công lực ma quái. Mỗi câu kinh lọt vào tai lão, ma tính từ từ giảm đi, công lực lão yếu dần.

Mỹ-Linh tụng hết bốn lần bài kinh Bát-nhã, Minh-Không thiền sư dùng Lăng-không truyền ngữ nói vào tai nàng:

- Tụng bài chú kinh Thủ-lăng-nghiêm.

Mỹ-Linh hiểu ý thái sư phụ liền:

- Hiện giờ anh Thiệu-Thái nhập tĩnh đâu còn biết gì? Thái sư phụ bảo ta tụng kinh Thủ-lăng-nghiêm, mục đích cho Nhật-Hồ lão nhân nghe đây. Vì kinh Thủ-lăng-nghiêm là kinh để hàng phục ma quái. À phải rồi, ngày xưa ngài A-Nan bị nàng Ma-đăng-Già dùng chú Tiên-phạm-thiên làm cho gần phá giới thể. Phật tổ phải sai đệ tử đi cứu. Sau đó ngài giảng kinh Thủ-lăng-nghiêm dạy cho đệ tử cách phá ma chướng, ma nghiệp. Nay Hồng-thiết giáo của Tây-dương quỷ truyền vào Đại-Việt, phải dùng chú Thủ-lăng-nghiêm mới mong phá bỏ ma tính, ma nghiệp trong người Nhật-Hồ lão nhâm, vì vậy thái sư phụ bảo ta tụng hầu giải ma.

Khi Mỹ-Linh tụng chú Thủ-lăng-nghiêm, lọt vào tai nhật-Hồ lão nhân. Lão cười thầm:

- Con nhỏ Mỹ-Linh đọc kinh để cầu cho thằng nhỏ này ư? Khó lắm!

Nhưng những câu mật chú lão không hiểu tý gì về ý nghĩa. Cứ mỗi câu Mỹ-Linh tụng, ma tướng, ma sắc, ma nghiệp trong người Nhật-Hồ giảm đi dần, công lực lão cũng giảm theo.

Lát sau lão phải lùi một bước.

Khi Mỹ-Linh tụng xong bốn trăm hai mươi bẩy câu, thì ma tướng trong người lão như bị biến đi mất hết. Lão bật lùi liền hai bước.

Đại hiệp Trần Tự-An nghĩ thầm:

- Tên đại ma đầu này thua đến nơi rồi. Ta sợ khi y thua, mấy ông hoà thượng lại tha cho lão, lão còn tác ác nhiều. Ta phải làm cách nào mượn tay Thiệu-Thái giết y đi mới được.

Ông dùng Lăng-không truyền ngữ nói vào tai Thiệu-Thái:

- Buông lỏng chân khí ba kinh âm, để bảo vệ cơ thể, rồi dùng ba kinh dương đẩy chất độc trở lại người lão.

Ông nói đến đâu, Thiệu-Thái tòng tâm làm đến đấy. Nhật-Hồ lão nhân thấy tự nhiên công lực Thiệu-Thái yếu đi, lão mừng quá dồn chân khí sang thực mạnh. Có ngờ đâu chân khí lão vào người Thiệu-Thái, trong khi độc chất tụ ở tay lão. Đến khi Thiệu-Thái dùng ba kinh dương đẩy chất độc tấn công lão. Lão cảm thấy như ba mũi dùi đâm vào ngực. Phút chốc lão bật tung người lên cao, rồi rơi xuống đài.

Nhất-Trụ, Nguyễn Chí nhảy lên đài vung chưởng tấn công Thiệu-Thái cứu sư phụ. Thiệu-Thái vận chiêu Nhân-ngưu câu vong thuần dương. Bình một tiếng, cả hai người bay bổng ra xa, rơi trên đài, nằm bất động, không ai biết rõ họ chết hay sống.

Nhật-Hồ lão nhân nằm thẳng cẳng. Thiệu-Thái định chạy lại đỡ lão dậy, tiếng Khai-Quốc vương rót vào tai chàng:

- Cẩn thận! Y giả vờ đấy.

Thiệu-Thái tỉnh ngộ, chàng nói lớn:

- Đa ta giáo chủ nương tay. Giáo chủ dậy đi thôi. Thân phận giáo chủ lớn biết bao, mà giáo chủ lại phải giả chết?

Nhưng lão vẫn nằm im.

Bỗng có tiếng la hoảng của Mỹ-Linh. Thiệu-Thái nhìn lại, thì ra thuốc trấn thống của Hồng-Sơn đại phu hết hiệu lực, sư thái Tịnh-Tuệ đang nghiến răng vận công chống đau.

Thiệu-Thái không lý đến Nhật-Hồ lão nhân cùng Nhất-Trụ, Nguyễn Chí nữa. Chàng đến trước sư thái Tịnh-Tuệ, chắp tay hành lễ:

- Sư thái, đệ tử bạo gan, xin được hoá giải độc tố Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng cho sư thái.

Tịnh-Tuệ mỉm cười:

- Phúc đức quá.

Thiệu-Thái vung tay, phát một chưởng hướng huyệt Chí-dương của bà. Vèo một cái như cơn gió thoảng. Sư thái Tịnh-Tuệ rùng mình, mồ hôi bà thoát ra như tắm, mùi tanh hôi nồng nặc bốc lên, khiến mọi người buồn nôn.

Lát sau bà chắp tay hướng Thiệu-Thái:

- Đa tạ thí chủ.

Chàng lại trị cho đại sư Sùng-Văn chùa Sơn-Tĩnh.

Sư thái Tịnh-Tuệ bị trúng Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng của mụ Hoàng Liên. Sùng-Văn bị trúng chưởng của Nguyên-Hạnh, quần hùng đều biết. Hồng-Sơn đại phu phóng Ma-túy hoàn giúp hai vị chống đau nhức. Nhưng cứ hơn giờ thuốc hết hiệu nghiệm, lại phải phóng tiếp. Bây giờ họ thấy Thiệu-Thái chỉ phát một chưởng hời hợt, mà giải được cho bà. Họ kinh ngạc tự hỏi:

- Chưởng này là chưởng gì, mà có thể trị được Chu-sa độc tố?

Hôm trước đây, giáo chúng Hồng-thiết đã nghe anh em Đỗ-xích Nhất-Bách khoe rằng họ được Thiệu-Thái hoá giải vĩnh viễn Chu-sa Nhật-Hồ độc chưởng cho. Họ biết, nhưng chưa hoàn toàn tin tưởng. Nay họ thấy thủ pháp của Thiệu-Thái, giống hệt thủ pháp trước đây của Nhật-Hồ đã từng trị cho giáo chúng, họ kinh ngạc hỏi nhau:

- Thiếu niên này tại sao lại biết Hồng-thiết mật công? Hơn nữa đánh bại giáo chủ. Theo luật Hồng-thiết, như vậy y ta đương nhiên thành giáo chủ.

Họ kéo đến trước đài, định quỳ gối khấu đầu trước Thiệu-Thái. Thình lình Nhật-Hồ kêu thét lên như con lợn bị chọc tiết. Mắt lão đỏ gay, râu tọc dựng đứng. Lão hét be be. Trong khi đó Vũ Nhất-Trụ, Nguyễn Chí cũng nhảy lên choi choi vì đau đớn. Ba thầy trò vừa hét, vừa nhảy, vừa lăn lộn.

Quần hùng đưa mắt nhìn Thiệu-Thái. Bang trưởng bang Hồng-hà hỏi:

- Thân thế-tử, phải chăng Thế-tử đã dùng Chu-sa Nhật-Hồ độc chưởng đánh Nhật-Hồ lão nhân và Vũ, Nguyễn trưởng lão?

Thiệu-Thái trả lời bằng cái lắc đầu. Chàng đưa mắt nhìn Trần Tự-An. Tự-An hướng vào Sử Anh:

- Sử bang chủ. Nhật-Hồ lão nhân cùng Vũ Nhất-Trụ, Nguyễn Chí dùng Chu-sa Nhật-Hồ độc chưởng hai Thân thế-tử. Trong khi hai bên giao đấu, tại hạ hướng dẫn Thân thế-tử phương pháp đẩy chất độc trở về cơ thể đối thủ. Vì vậy Nhật-Hồ, Nhất-Trụ, Nguyễn Chí tự đánh mình, chứ Thân thế-tử đâu có ý hại người?

Minh-Không thiền sư nói với Hồng-Sơn đại phu:

- Xin đại phu ban mấy viên ma túy hoàn, giải cái đau khổ cho Nhật-Hồ lão nhân cùng nhị vị trưởng lão.

Hồng-Sơn đại phu đưa mắt cho Thiếu-Mai. Thiếu-Mai vung tay một cái, ba viên thuốc bay ra. Một viên hướng Nhật-Hồ. Hai viên hướng Nhất-Trụ, Nguyễn Chí. Khi thuốc sắp tới người, thì vỡ tan thành đám bụi, chụp lên người họ. Khoảng nhai dập miếng trầu, cả ba thầy trò hết đau. Nhưng qua cơn lăn lộn, ba người mệt nhoài, họ ngồi im ở góc đài, vận công phục hồi chân khí.

Từ hồi Nhật-Hồ lão nhân mang Hồng-Thiết giáo vào Đại-Việt, giáo chúng bắt buộc phải coi lão như một nhân vật thần thánh. Một vài người tỏ ý không kính trọng lão, lập tức bị các vị trưởng lão giết chết, hoặc không cho thuốc giải hàng năm, cuối cùng đi đến cái chết thảm khốc. Khi Lê Ba giam lão vào hầm để khảo Hồng-thiết mật công, y tìm một người hơi giống lão, đánh thuốc độc cho chết, phao rằng lão chết, rồi làm lễ an táng thực lớn, xây lăng mộ lão, bắt giáo chúng mồng một, ngày rằm thờ cúng.

Bây giờ thình lình lão tái xuất hiện, dự đại hội võ lâm ở Hội-phụ. Chính mắt họ chứng kiến, cũng như nghe những điều dơ bẩn của các trưởng lão. Rồi các trưởng lão với giáo chủ tranh chấp nhau, chém giết nhau, họ đã nản đến tận xương, tận tủy. Rồi bây giờ lão bị một thanh niên trẻ đánh bại, cái thần tượng lão tiên, thánh biến mất.

Trong khoảnh khắc, người nọ truyền tai người kia rằng, Thiệu-Thái có bản lĩnh hoá giải độc chưởng vĩnh viển cao minh hơn Nhật-Hồ lão nhân nhiều. Không ai bảo ai, hơn năm nghìn giáo chúng cùng đến trước lễ đài quỳ mọp xuống, đồng hô lớn lên:

- Bọn thuộc hạ kính mừng tân giáo chủ.

- Tân giáo chủ muôn năm.

Có tên nói lớn:

- Muôn năm thế nào được, phải vạn vạn, ức ức năm mới đúng.

Có tên khác lại nỏi:

- Chúng ta mau mau đuổi lão Lý Công-Uẩn đi, tôn giáo chủ lên làm hoàng-đế Đại-Việt.

Khi nói xong câu này, y chợt nghĩ lai Thiệu-Thái là cháu ngọai Thuận-Thiên hoàng-đế. Y vội tát vào mịệng mình:

- Cái miệng này nói bậy! Cái miệng này nói láo.

Một giáo chúng khác chỉ Nhật-Hồ:

- Thằng già đầu gáo, râu cáo kia, có mau quỳ lạy tân giáo chủ không? Chậm trễ ta cho cỡi Ngũ-xa hồng-xà về với thánh Mã-Mặc, Lệ-Anh ngay bây giờ.

Một nữ giáo chúng chỉ vào Nhật-Hồ:

- Giết quách lão đi cho rồi.

Một đoàn thiếu nữ Hồng-thiết, tuổi trẻ, xinh đẹp, đến quỳ trước Thiệu-Thái:

- Khải tấu giáo chủ. Bọn đệ tử nguyện làm cây thuốc cho giáo chủ luyện thần công.

Anh em Đỗ-xích Nhất-Bách, Nhị-Bách, Tam-Bách cùng lên đài. Ba người hướng vào quần hùng hành lễ, rồi nói với giáo chúng:

- Xin anh chị em nghe đây.

Mọi người im phăng phắc. Nhất-Bách nói:

- Tất cả chúng ta đều bị trúng Chu-sa độc chưởng hết. Nay Thân thế-tử luyện được Hồng-thiết mật công, có thể giải độc cho chúng ta. Chính ba anh em tôi đã được người giải chất độc Chu-sa cho hôm qua. Vậy tôi đề nghị chúng ta tôn Thân thế-tử làm giáo chủ.

Lập tức hơn năm nghìn người cùng hoan hô vang dậy trời đất, rồi quỳ xuống.

Nhất-Bách hô:

- Bọn đệ tử kính cẩn ra mắt tân giáo chủ.

Diễn biến xẩy ra, Thiệu-Thái chưa biết giải quyết sao, có tiếng Khai-Quốc vương nói bằng Lăng-không truyền ngữ:

- Hãy nhận chức giáo chủ. Sau đó chữa trị mọi người. Có gì khó khăn, Bảo-Hoà sẽ giúp cho.

Thiệu-Thái dơ tay ra hiệu cho giáo chúng im lặng, rồi chàng nói lớn:

- Nếu anh em giáo chúng muốn tôi nhận chức giáo chủ, phải tuyệt đối tuân mạng lệnh tôi. Còn không, tôi bỏ mặc.

Đám giáo chúng cùng quỳ gối:

- Bọn đệ tử tuyệt đối tuân lệnh giáo chủ.

Thiệu-Thái chỉ vào Bảo-Hoà:

- Đây là em gái của bản nhân. Mới đây đánh bại trưởng lão Phạm Hổ, Phạm Trạch. Bản nhân phong làm Tả sứ giả trong hội đồng giáo vụ trung ương.

Có tiếng Khai-Quốc vương rót vào tai:

- Mời Thanh-Mai làm hữu sứ giả Hồng-thiết.

Chàng chỉ vào Thanh-Mai:

- Đây, Trần sư tỷ! Trần sư tỷ làm Hữu sứ giả bản giáo.

Đám giáo chúng thấy Thanh-Mai võ công cao cường, lại xinh đẹp. Hơn nữa nàng là con gái chưởng môn phái Đông-a, một danh môn chính phái. Nay làm Hữu sứ giả còn gì bằng. Họ hoan hô vang trời đất.

Thiệu-Thái chỉ vào anh em Nhất-Bách:

- Ba vị này đã có công trấn ngự biên cương của bản giáo, võ công cao cường. Bản nhân cũng phong làm trưởng lão. Nhưng vì cái tên Đỗ-xích kinh tởm quá, không nên giữ lại. Nhân hôm nay ngày giỗ Bắc-bình vương, ngài họ Đào, vậy đổi họ Đỗ của ba vị thành họ Đào. Từ nay tên ba vị thành Đào Nhất-Bách, Nhị-Bách, Tam-Bách.

Chàng ngừng lại nhìn Bảo-Hòa:

- Mời nữ Tả sứ đặc trách kế hoạch ra ban bố chương trình hoạt động của bản giáo.

Bảo-Hòa bước ra nói:

- Việc cải cách đầu tiên của bản giáo gồm năm điểm. Ai không tuân theo, sẽ không được giải độc chưởng.

Giáo chúng im lặng, lắng tai nghe. Bảo-Hoà tiếp:

- Tổ đầu tiên của giòng Hoa-Việt là vua Thần-Nông. Sau này Quốc-tổ, Quốc mẫu mới lập ra nước Văn-lang, để phân biệt với Trung-Quốc. Trung-Quốc thờ vua Hoàng-Đế làm quốc tổ. Hoàng-Đế, Lạc-Long quân là tổ về chính trị. Còn Thần-Nông là tổ về huyết tộc. Chúng ta vốn con rồng, cháu tiên, không thể thờ thánh Mã-Mặc, Lệ-Anh. Chúng ta thờ hai thánh này, e không thể nào thu phục được nhân tâm. Vì Mã-Mặc, Lệ-Anh bản chất điên khùng. Trong lúc điên khùng, viết ra bộ Hồng-thiết kinh, gây cảnh núi xương, sông máu bao đời!

Ngừng một lát nàng tiếp:

- Nếu nay không thờ Mã-Mặc, Lệ-Anh, mà thờ Phật, ắt những người theo Nho, theo Lão cũng sẽ chống. Ngược lại thờ Lão-tử ắt những người theo Phật, theo Nho chống. Việc đầu tiên muốn thống nhất nhân tâm, kể từ nay, chúng ta không xưng Hồng-thiết giáo nữa, mà cải thành Lạc-long giáo. Lạc-long giáo không thờ thánh Mã-Mặc, Lệ-Anh, mà thờ Quốc-tổ, Quốc-mẫu cùng các vị anh hùng, tiên hiền Đại-Việt. Tuy nhiên giáo chúng muốn theo đạo Phật, Đạo-Nho, Đạo-lão cũng không cấm. Nhưng phải thờ Quốc-tổ, Quốc-mẫu, cùng anh hùng dân tộc.

Giáo chúng hô lớn:

- Đại-Việt muôn năm. Quốc-tổ, Quốc-mẫu muôn năm.

- Điều thứ nhì, bản giáo chủ trương bênh kẻ khó, diệt kẻ ác. Cứu người nguy, giúp người nghèo. Ai cũng phải làm mới có ăn. Những kẻ lười biếng đều kết tội.

Giáo chúng hoa hô nhiệt liệt. Đợi cho tiếng hoan hô dứt, Bảo-Hoà tiếp:

- Điều thứ ba, bản giáo chủ trương đứng hẳn ra ngoài cuộc tranh chấp ngôi vua Đại-Việt. Sẵn sàng phục tùng các vị hoàng đế nhân từ, thương dân. Sẵn sàng diệt trừ các hoàng đế hôn ám, ác độc, làm cho dân khốn khổ.

Giáo chúng lại hoan hô nhiệt liệt.

- Điều thứ tư ...

Bảo-Hoà chưa kịp nói, Nhật-Hồ, Vũ Nhất-Trụ, Đỗ Xích-Thập, Nguyễn Chí hét lên lanh lảnh, lăn lộn tỏ vẻ đau đớn khổ sở vô cùng.

Vũ Nhất-Trụ hét lớn:

- Ối chết! Đau chết đi. Giết ta đi, giết ta đi.

Nhật-Hồ lão nhân thở hồng hộc như con trâu, miệng la bai bải. Còn bọn Đỗ Xích-Thập chạy quanh đài miệng hú như vượn.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.