Anh Hùng Bắc Cương

Chương 41: Địa linh, nhân kiệt




Địa linh, Nhân kiệt ------ -

Ba chiến thuyền chèo thực mau. Buồm dương, gió lộng bọc buồm như một đám mây mầu nâu giữa làn nước trong xanh lăn tăn sóng gợn.

Con thuyền nhỏ kéo buồm lên, rồi vọt về hướng Tam-sơn. Một người từ khoang thuyền chui ra dơ tay vẫy. Ai cũng nhận biết y chính là thiếu niên bắt sống lão Tứ, lão Ngũ.

Lão Lê cười ha hả:

- Phen này xem mi chạy đâu cho thoát tay ta.

Lão Tôn thúc thủy thủ chèo thuyền đuổi thực gấp. Nhưng chiến thuyền chạy mau bao nhiêu, con thuyền nhỏ cũng chạy mau bấy nhiêu. Lão nghiến răng:

- Mi có chạy đằng trời.

Lão ra lệnh cho ba chiến thuyền bao vây thuyền nhỏ. Con thuyền nhỏ vẫn vun vút lao trước. Phút chốc đã tới gần chân núi Tam-sơn.

Từ dưới thuyền, ba người khoan thai bước lên bờ. Họ gồm một trung niên nam tử, một nữ nhân che mặt và một thanh niên. Cả ba đến ngồi trên phiến đá. Người đàn ông xử dụng đàn chậu. Người đàn bà tấu đàn tranh. Thiếu niên cầm hai thanh kiếm cọ vào nhau, thành một thức đàn kiếm. Y vừa cọ kiếm vừa méo miệng trêu hai lão Tôn, Lê.

Lão Tôn quát:

- Thủy thủ chuẩn bị tác chiến. Khi thuyền vào bờ, phải bao vây bắt ba người kia ngay.

Người đàn bà bật lên mấy tiếng đàn. Lập tức chân tay mọi người không tự chủ được, múa mayy theo. Tiếng đàn chậm, thì múa chậm. Tiếng đàn nhanh thì múa nhanh. Người đàn ông vuốt tay trên chậu. Khi y vuốt mạnh một cái, tim mọi người như muốn nhảy khỏi lồng ngực. Đám thủy thủ đều ôm ngực lăn lộn.

Ba chiến thuyền chỉ còn cách xa bờ không đầy mười trượng, vì không người điều khiển nên trôi lênh đênh.

Lão Tôn, Lê nội công thâm hậu, nên còn chịu được tiếng đàn. Hai lão ra phía sau thuyền cầm bánh lái điều khiển. Con thuyền bắt đầu quay mũi trở vào bờ.

Hai lão thấy Khai-Quốc vương, vương phi cùng như Vương Văn đều phải ngồi vận công chống tiếng đàn. Chỉ Thiệu-Thái, Mỹ-Linh vẫn thản nhiên như thường. Lão Tôn hỏi Mỹ-Linh:

- Công chúa. Công chúa không hề gì ư?

Mỹ-Linh lắc đầu:

- Tiểu bối chỉ thấy bực bội mà thôi.

- Phiền đại giá công chúa kéo dùm cánh buồm sang phải.

Mỹ-Linh giả bộ:

- Tiểu bối uống phải thuốc nhuyễn cân, chân tay vô dụng mất rồi.

Ba người trên bờ tấu xong hai khúc nhạc, rồi thản nhiên ôm nhạc khí leo lên đỉnh núi.

Được thoát khỏi tiếng đàn ma quái, đám thủy thủ vội vào vị trí. Thuyền ghé chân núi. Lão Tôn ra lệnh cho Vương Văn:

- Tướng quân ở đây canh chừng, để chúng ta bắt bọn chúng.

Hai lão nhảy lên bờ đuổi theo ba nhạc sĩ.

Khai-Quốc vương hỏi hai cháu:

- Hai cháu làm thế nào chống lại được tiếng đàn ma quái kia?

Mỹ-Linh, Thiệu-Thái ngơ ngác lắc đầu. Trong khi Vương Văn cùng Thanh-Mai nhìn nhau, cả hai đều mỉm cười tinh quái. Thanh-Mai giải thích cho chồng nghe:

- Ba nhạc công vừa rồi dùng nội lực truyền vào nhạc khí tấn công chúng ta. Trong chúng ta ai cũng bị nhập vào ba động hết. Duy Mỹ-Linh, Thiệu-Thái kẻ còn đồng trinh, người còn đồng tử. Vì vậy không bị ba động nhập tâm.

Khai-Quốc vương lắc đầu:

- Anh không hiểu.

- Này nhé, trong âm nhạc có năm bậc là Cung, Thương, Dốc, Chủy, Vũ. Mỗi cung ứng với một tạng phủ. Nhạc công dùng những nốt đó đánh ra vọng vào tai. Trong y học, tai là quan của thận. Chúng ta đều thành hôn rồi, thận khí khai hoa mở cửa. Vì vậy âm thanh dễ bị ba hưởng. Còn Mỹ-Linh, Thiệu-Thái không bị ảnh hưởng, vì thận cung còn đóng.

Mỹ-Linh chỉ lên đỉnh núi:

- Núi Tam-sơn là đây. Mấy nghìn năm trước Quốc-tổ Lạc-Long, Quốc-mẫu Âu-Cơ lên thưởng Xuân. Rồi cách nay nghìn năm, khi Trưng Nhị, Hồ Đề, Lê Chân, Trần Năng đem quân đánh Trường-sa, tới hành hương di tích cũ. Sau đó một trăm sáu mươi hai anh hùng các lộ tụ tập về tuyên bố khởi nghĩa cũng vẫn tại ngọn núi này.

Khai-Quốc vương nhìn lên đỉnh núi:

- Thanh-Mai, các cháu. Chúng ta đi sứ chứ không phải bị tù. Hôm nay đã đến đây, mà không lên đỉnh Tam-sơn, thực uổng. Thôi lên núi thôi. Ta độ chừng hai lão Tôn, Lê đuổi theo ba người đó chẳng biết bao giờ trở lại. Những biến cố mấy hôm nay, đầu óc hai lão lộn tùng phèo, rối như mớ boòng boong. Bây giờ bị tiếng đàn ma quái kia phụ vào, e sẽ thành điên. Người bình thường điên không sao, chứ người võ công cao e nguy lắm.

Khai-Quốc vương vẫy Thanh-Mai với hai cháu lên bờ. Phụ-Quốc bảo Thiệu-Thái:

- Cháu nên đem hết hành lý theo.

Thiệu-Thái định thắc mắc rằng tại sao du hành đỉnh núi một lát, mà phải mang theo hành lý. Liếc nhìn thấy Thanh-Mai nháy mắt ra hiệu, chàng vội im lặng, đỡ lấy mấy cái túi, theo cậu lên bờ.

Gió hồ tiết Đông-chí lạnh buốt. Mỹ-Linh đứng nhìn mặt hồ lăn tăn gợn sóng than:

- Mình đang ở hồ Động-đình. Nghìn năm trước công chúa Phật-Nguyệt cùng Quách Lãng, Đinh Bạch-Nương, Đinh Tĩnh-Nương đại phá Lưu Long, Mã Viện. Hơn hai mươi vạn quân Hán chìm tại đây. Rồi mấy năm sau Thái-hậu Hoàng Hhiều-Hoa lại phá quân Hán một lần nữa cũng tại chỗ này.

Những gì diễn ra từ khi thuyền vào bến Tương-trung làm Mỹ-Linh suy nghĩ. Tại sao hai lão Tôn-Lê vừa từ chối việc đưa sứ đoàn thăm Tương-đài, lập tức có thiếu niên buông thuyền chọc giận hai lão, khiến hai lão phải đuổi theo, đưa đến sứ đoàn vào Tương-đài lễ tổ? Ai đã chiều lòng sứ đoàn? Tại Tương-đài, ai đã bầy lễ, hương khói sẵn sàng cho sứ đoàn? Rồi khi thuyền vào đến hồ Động-đình. Thình lình lão Tôn đổi ý không chịu đưa sứ đoàn viếng núi Tam-sơn như dự tính. Lập tức con thuyền nhỏ xuất hiện cản đường với những nhạc cụ đơn giản, nhưng phát ra âm thanh kỳ quái khiến hai lão Tôn, Lê cho đuổi theo, cuối cùng sứ đoàn lại được lên Tam-sơn?

Nàng nghĩ thầm:

- Nhất định chú hai làm việc này chứ không ai khác. Nhưng mình gần chú không rời nửa bước. Đâu thấy chú có hành động gì lạ. Thế thì làm sao chú có thể sai người tạo ra những truyện kia?

Bốn người khoan thai lên đỉnh Tam-sơn. Núi Tam-sơn không cao, ít đá. Khắp sườn mọc đầy hoa Tầm-xuân. Bấy giờ tuy đang mùa Đông không hoa, chỉ còn lại thân cây đầy gai. Chim âu bay khắp mặt hồ kiếm mồi, rồi lại về đậu lên những cây trên núi.

Đỉnh Tam-sơn là khu đất bằng phẳng, rải rác khắp nơi còn lại những bức tường đá xiêu vẹo theo thời gian. Đó là vết tích của lễ đài xây thời Lĩnh-Nam chưa bị hủy hết.

Gió hiu hiu thổi, làm quần áo bay phần phật. Khai-Quốc vương đứng trên đỉnh núi, ngắm nhìn hồ. Vương than thầm:

- Đất tổ là đây, mà nay đã thành đất người. Biết bao giờ đòi lại được?

Thiệu-Thái hỏi:

- Mỹ-Linh này, mình có tới hai Quốc-tổ, Quốc-mẫu cùng lên đây thưởng hoa Xuân. Đúng không?

- Đúng đấy! Quốc-tổ Kinh-Dương cùng công chúa con vua Động-đình. Quốc-tổ Lạc-Long cùng Quốc-mẫu Âu-Cơ. Huyền sử nói Quốc-tổ Kinh-Dương cùng Quốc-mẫu truyền ngôi cho con, rồi bay lên trời. Quốc-tổ trở thành Ngọc-Hoàng thượng đế. Quốc-mẫu trở thành Cửu-trùng thánh-mẫu hay Thượng-thiên thánh-mẫu.

- Sự tích Quốc-tổ Lạc-Long, Quốc-mẫu Âu-Cơ anh đã thuộc làu. Huyền sử nói các ngài chia tay. Năm mươi con theo mẹ lên núi. Năm mươi con theo cha xuống biển. Còn trong chính sử cũng như bia đá của công chúa Phật-Nguyệt ghi các ngài phong cho một trăm con, mỗi người làm vua một vùng, sau thành Bách-Việt. Thế Quốc-tổ Kinh-Dương có bao nhiêu con?

Mỹ-Linh biết Thiệu-Thái được nghe kể nhiều hơn là đọc trong sách. Nàng đáp:

- Tương truyền nơi này mấy nghìn năm trước Quốc-tổ Kinh-Dương cùng công chúa con vua Động-đình thành hôn rồi lên đây hưởng phúc thanh nhàn. Sau đó sinh rất nhiều con. Tộc Việt coi Tam-sơn là đất thiêng. Trong tín ngưỡng người ta nói: Quốc-tổ bay lên trời thành Ngọc-hoàng thượng đế. Ngài có bốn Quốc-mẫu mang tên Cửu-trùng hay Thượng-Thiên thánh mẫu, Địa-tiên thánh-mẫu, Thượng-ngàn thánh-mẫu, Thủy-cung thánh-mẫu.

Thiệu-Thái thích quá reo lên:

- Anh biết rồi. Thượng-thiên thánh mẫu cai trị thần tiên khắp nơi. Thượng-ngàn thánh mẫu cai trị thần tiên vùng núi rừng. Thủy-cung thánh-mẫu cai trị thần tiên bốn biển cùng sông ngòi.

- Sao anh biết?

- Anh xem lên đồng, nghe cung văn hát chầu thánh thì biết. Sự tích này thuật trong bài chầu văn Thượng-thiên thánh mẫu.

- Anh có nhớ không?

- Không những nhớ, mà còn biết ca nữa.

- Anh đọc lên một đoạn cho em nghe thử. Em chưa xem hầu bóng bao giờ.

Thiệu-Thái định đọc, thì tiếng đàn, tiếng phách, tiếng trống hoà nhịp cùng tiếng ca vọng lại. Thiệu-Thái nhận ra đó là bản chầu văn Cửu-trùng thánh mẫu.

Ngự cung trung, Cửu-thiên thánh vị,(1)

Ở trên trời sửa trị bốn phương.

Lòng chầu trong sạch như gương,

Thần thông biến hoá, sửa sang cõi trời.

Mặt hoa, mày liễu tốt tươi,

Hình dung yểu điệu miệng cười như hoa.

Lưng ong tóc phượng tay ngà.

Áo xông hương xạ, hài hoa thêu rồng.

Cửu-trùng ngự chín tầng mây,

Quan cai các lộ thiên tiên thượng đình.

Có phen chầu mặc áo xanh,

Ngự chơi Đông-điện,đàn tranh quyển trầm.

Áo xanh thay đổi áo hồng,

Cõi Nam chính ngự ngai rồng đỉnh đang.

...

Ngự thôi chầu mới ban ra,

Áo thắm quạt ngà ngự tới Tây-cung. (1)

Ghi chú

(1) Đoạn này chúng tôi trích trong bài chầu văn Cửu-trùng thánh mẫu. Chúng tôi phiên âm theo bản chữ Nôm của viện Khảo-cổ Sài-gòn.

Biết người tấu nhạc cùng hát là ba kỳ nhân trên thuyền ban này. Thanh-Mai vận nội lực nói lớn:

- Đa tạ các vị đã cho nghe bản chầu văn Cửu-trùng thánh mẫu.

Thiệu-Thái hỏi:

- Thế tại sao người ta nói Thượng-ngàn thánh-mẫu là Hồ tiên cô? Thủy-cung thánh mẫu là đức Mẫu-Thoải tức Gia-Hưng công chúa? (2)

Ghi chú

(2) Hiện tại vùng trấn nhậm của công chúa Gia-hưng dọc bờ biển Quảng-đông, dân chúng còn thờ Giao-long tiên nữ, thường hầu bóng ngài, gọi ngài là Thánh-mẫu thủy cung.

Mỹ-Linh bật cười:

- Nguyên thời Lĩnh-Nam nữ tướng Hồ Đề tổ chức được tám đạo quân gây kinh hoàng cho Hán là Ưng, Hổ, Báo, Ngao, Phong, Hầu, Tượng. Sau khi ngài qua đời vẫn còn hiển linh, được dân chúng coi như bà mẹ chung, vì vậy người ta cho rằng ngài chính là Thánh-mẫu thượng-ngàn giáng hạ. Cũng như nhị Trưng nguyên là công chúa trên thiên cung bị đầy. Còn công chúa Gia-Hưng Trần Quốc đánh trận Nam-hải oai trấn Trung-nguyên, dân chúng huyền thọai ngài là Thủy-cung thánh-mẫu, thường gọi bằng đức mẫu Thủy. Để kiêng tên ngài người ta đọc chữ chữ thủy trệch đi thành Thoải.

Thiệu-Thái nhắc lại:

- Quốc-tổ Kinh-Dương có bao nhiêu con?

Mỹ-Linh gõ tay lên đầu Thiệu-Thái cười:

- Anh xem lên đồng hoài, hẳn biết hơn em chứ?

Thiệu-Thái ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:

- Anh nhớ ra rồi. Vua Kinh-Dương có mười hoàng tử, bốn công chúa. Đương thời ngài phong cho năm con lớn giữ năm nhiệm vụ, giới hầu bóng thường gọi là năm quan lớn. Năm vị được trao năm nhiệm vụ: Đệ-Nhất trấn trung ương hộ-dân, sau thành Quốc-tổ Lạc-Long. Đệ-Nhị thượng-ngàn cai trị vùng rừng núi. Đệ-Tam trấn quốc cầm quân. Đệ-Tứ trị thủy trấn sông ngòi, ao, biển. Đệ-Ngũ Tuần-Tranh giám sát dân chúng; công thưởng; tội phạt. Còn năm vị sau không rõ. Bốn vị công chúa là Khâm-Sai, Bạch-Hoa, Thượng-Ngàn, Thủy-Điện.

Thanh-Mai bảo Thiệu-Thái:

- Như vậy là thời đó nước ta coi nam cũng như nữ. Chứ không phải như Trung-quốc chỉ biết có nam, còn nữ thì bị giam trong phòng the.

Khai-Quốc vương hỏi:

- Thiệu-Thái có thuộc đoạn chầu văn nào nói tới hồ Động-đình không? Đoạn nào nói về vua Kinh-Dương có mười con?

- Cháu nhớ lõm bõm mấy câu. Như nói về vua Kinh-Dương:

Động-đình sông vắng ngã ba,

Tối linh thượng đẳng trên tòa uy nghi,

Đôi bên ngựa đứng voi quỳ,

Nhơn nhơ phượng múa hạc thì chầu lên...

( Đức vua Bát Hải văn )

Đoạn nói về mười hoàng tử của vua Kinh-Dương như sau:

Vua cha Bát Hải Động-đình,

Sinh ông Hoàng Cả anh linh ra đầu,

Hoàng đôi vua sinh ra sau,

Thiên hạ đảo cầu ông ngự đền vương.

...

Mười ông đã được làm quan,

Sắc lệnh Ngọc-hoàng hộ quốc tý dân.

(Bát Hải Động-đình văn)

Thanh-Mai cãi:

- Đó là bài hát chầu văn nói về vua Bát Hải Động-đình chứ có phải nói về vua Kinh-Dương đâu?

Mỹ-Linh giảng giải:

- Thưa thím, vua Kinh-Dương còn có danh hiệu là Bát Hải Động-đình. Khác với Trung-nguyên, họ chỉ nói đến tứ hải là Đông, Tây, Nam, Bắc. Vua Kinh-Dương theo tín ngưỡng còn làm vua trên thượng giới. Mà thượng giới cũng có bốn biễn nữảa Tiếng đàn, tiếng phách lại vang lên, rồi có tiếng hát giọng chầu văn:

Bóng trăng thanh gió vàng phơi phới,

Động-đình hồ Bát-hải Long-vương,

Có ông Hoàng-quận phi thường,

Phi thăng thượng giới đẹp duyên cỡi rồng.

(Đức Hoàng-quận văn)

Thiệu-Thải giảng giải:

- Đây là bài hát chầu văn nói về ông Hoàng-quận, con thứ sáu vua Kinh-Dương. Trong các ông Hoàng con vua Kinh-Dương thì ông hoàng Đệ-tam làm tướng cầm quân trấn Bắc trấn sông Trường-giang, Nam bảo vệ đất nước. Có bài hát chầu văn ca tụng thường gọi là Quan-lớn đệ tam.

Thiệu-Thái vừa dứt thì tiếng đàn, tiếng phách, cùng giọng hát vọng lại:

Tranh giang biên, nước nguồn lai láng,

Đôi vầng hồng soi sáng nam linh,

Vốn xưa thủy quốc Động-đình

Đệ tam hoàng tử giáng sinh đền rồng.

Đức gồm vẹn nhân, hòa, dũng lược,

Bẩm sinh từ tư chất dung nhan,

Có ông hoàng tử đệ tam,

Phương phi diện mạo dung nhan tuyệt vời.

( Đệ tam hoàng tử văn)

Thiệu-Thái giảng giải:

- Bài vừa qua là bài chầu văn Quan-lớn đệ tam.

Rồi chàng kết luận:

- Tóm lại, nước ta xưa ở vùng này, nên hầu hết các bài chầu văn đều nói tới hồ Động-đình. Cháu xin đọc thêm vài đoạn:

Khắp tam giới Động-đình Tứ-phủ,

Hội công đồng văn vũ bách quan.

Hay:

Đại càn tứ vị vua Bà,

Cộng-đồng thánh mẫu, tam tòa chúa Tiên.

Rồi Thiệu-Thái hỏi Mỹ-Linh:

- Mỹ-Linh à! Đồng bóng từ đâu mà có? Thực sự các thánh về đồng nhập vào người ta, hay chẳng qua một thứ u mê, quàng xiên?

Mỹ-Linh chỉ thuộc những gì trong kinh sách nói, còn phán đoán, kiến giải, nàng không hơn Thiệu-Thái làm bao. Bất giác nàng đưa mắt nhìn chú, chờ một sự giải thích. Khai-Quốc vương mỉm cười, kéo vương phi ngồi trên tảng đó gần đó rồi vẫy hai cháu xuống bên cạnh. Vương bẹo má Mỹ-Linh:

- Lớn rồi! Tập nhìn xa cho quen đi. Nào! Thử giải thích chú xem nào! Trước tiên nói về những nhân vật thường thượng đồng đã. Rồi hãy phê bình nó là thứ u mê quàng xiên hay linh thiêng? Sự thực ra sao?

Mỹ-Linh được chú khuyến khích, nàng đáp:

- Ngoài các vị thời vua Kinh-Dương, Lạc-Long ra, con thấy họ thường hầu các vị thánh: Thánh Tản-Viên, thánh Gióng hay Phù-Đổng thiên vương, Chử đạo-tổ. Hai vị đầu tiên là đại tôn sư khai sáng ra võ phái Tản-viên, Sài-sơn. Vị thứ ba có tính chất thần thoại là Chử đạo-tổ tức Chử Đồng-tử và công chúa Tiên-Dung. Người ta nói Chử đạo tổ bay lên trời thành Thái-Thượng lão quân.

Khai-Quốc vương vỗ vai cháu:

- Giỏi! Đấy là những bậc thánh trước thời Lĩnh-Nam. Còn các vị thời Lĩnh-Nam?

- Con thấy các bà hầu đồng vua Trưng cùng Trưng-Nhị. Ngoài ra còn có công chúa Hồ Đề tức Hồ tiên-cô, cô Bơ tức ngài Hoàng Thiều-Hoa, Gia-Hưng công chúa Trần Quốc, Nghi-Hòa công chúa Quế-Hoa, Quỳnh-Hoa. Cô Sáu tức Đăng-châu công chúa Đào Phương-Dung. Ông hoàng Mười tức Thiên-ưng đại tướng quân Đào Nhất-Gia tái đầu thai... Tất cả mười tám vị.

- Đúng thế! Con thử nghĩ xem, thời Lĩnh-Nam vua Trưng có một trăm sáu mươi hai tướng. Cho đến nay, bộ lễ bản triều đã ban sắc phong cho tất cả các vị. Nhưng thực sự hiển linh tới một trăm ba mươi sáu vị. Thế tại sao lại chỉ có chưa tới hai mươi vị về đồng?

- Con không hiểu!

- Con không hiểu cũng phải, để chú giải thích cho. Trong các anh hùng tuẫn quốc thời vua Bà, hầu hết tự cho rằng mình đã làm tròn bổn phận với đất nước. Vì vậy anh khí hiển linh giúp dân, bảo quốc, như trường hợp Bắc-bình vương Đào Kỳ, Tể-tướng Phương-Dung, các đại-vương Nguyễn Thành-Công, Nguyễn Tam-Trinh; công chúa Trần Hồng-Nương, Trần Thanh-Nương, Trần Đạm-Nương. Cũng có nhiều vị, khi tuẫn quốc, trong lòng còn uất ức vì chưa làm trọn vẹn những gì đối với đất nước, đối với trăm họ, anh khí hết tụ nên thường nhập vào những người nào hợp với mình, để khuyên răn, để dạy dỗ dân chúng. Cũng có vị muốn trở lại dương thế, tiếp tục trợ giúp tộc Việt, nên tái đầu thai. Nói đâu xa, Di-Lặc Bồ-tát chẳng hoá sinh nhiều lần giúp tộc Việt đó ư? Ngài Vô-Ngại, ngài Sùng-Phạm, ngài Minh-Không chẳng nguyện rằng: Cho đến vô tận kiếp, nguyện đầu thai làm người Việt, giúp tộc Việt giữ nước.

Mỹ-Linh như người từ trong đường hầm thoát ra được. Nàng hỏi:

- Như vậy tất cả bốn công chúa thời vua Kinh-Dương đều giáng hạ làm tướng của vua Trưng! Công chúa Khâm-Sai giáng hạ làm công chúa Phùng Vĩnh-Hoa, trong giới đồng bóng gọi tắt bằng tên Cô Đệ-Tứ Khâm-Sai. Công chúa Bạch-Hoa giáng hạ làm công chúa Lê Chân. Không biết giới đồng bóng gọi tắt là cái gì... lệ thì phải (4).

Ghi chú

(4) Theo huyền sử, công chúa Nguyệt-Đức Phùng Vĩnh-Hoa tổng trấn Tượng-quận (Vân-Nam). Sau khi đại phá quân Vương Bá ở Độ-khẩu. Vua Trưng truyền công chúa lui về biên giới Giao-chỉ. Vương Bá đem quân đuổi theo. Ít lâu sau, Mê-linh thất thủ. Công chúa bị Mã Viện đánh phía sau, Vương Bá ép phía trước. Ngài rút về Tây-Nam, nay thuộc Vạn-tượng (Lào), U-đon tha-ni, Nùng-Khai, Thà-bò, Chum-the, Nỏng-bùa lâm-phu (thuộc Thái-lan). Công chúa dùng voi đánh Vương Bá một trận khủng khiếp bên bờ sông Cửu-long. Bá bị thua, tâu về triều rằng công chúa có hơn vạn voi. Vì vậy đất đó có tên Vạn-tượng. Các di thần vua Trưng ẩn thân, chết ở vùng này rất nhiều. Vì vậy người Lào, Thái, Việt bị bắt đồng đông đảo hơn vùng Bắc-Việt.

Thiệu-Thái nhắc:

- Cô Đệ-ngũ Bắc-lệ.

- Ừ ! Đúng rồi. Công chúa Thượng-Ngàn giáng hạ làm Quách A, trong giới đồng bóng gọi bằng Cô mười Mường. Công chúa Thủy-Điện giáng hạ làm Đinh Bạch-Nương.

Thiệu-Thái tính nhẩm:

- Hiện trong tín ngưỡng đồng bóng có tới mười mấy cô. Không thấy nói cô đệ nhất. Cô Đôi Thượng-Ngàn là Đàm Ngọc-Nga. Cô Bơ là Hoàng Thiều-Hoa. Cô bốn là Phùng Vĩnh-Hoa. Cô năm là Lê Chân. Cô sáu là Đào Phương-Dung. Cô bẩy là Lê-ngọc-Trinh. Cô tám là Tử-Vân. Cô chín là Lê-thị Hoa. Cô mười là Quách A.

Bất cứ vấn đề gì Thiệu-Thái cũng thua Thanh-Mai với Mỹ-Linh. Nhưng đến vấn đề đồng bóng, y tỏ ra hiểu thấu, hiểu tường tận. Vì hơn đâu hết, Bắc-biên còn giữ được những truyền thống thời Lĩnh-Nam. Dân chúng không theo Khổng, Lão, Phật chỉ thờ kính thần linh. Mà gần như tất cả thần linh đều là anh hùng dân tộc. Chàng xem hầu bóng riết rồi thuộc làu.

Mỹ-Linh hỏi Thiệu-Thái:

- Người ta nói, khi bị cô Bơ bắt lính, bản thân họ hoặc gia đình có thể làm sớ, lễ tạ xin khoan miễn. Nhưng cố Sáu đã bắt là không thể nào xin được. Trong giới hầu bóng, họ giải thích ra sao?

Thiệu-Thái đáp:

- Các cụ giải thích như thế này: Cô Bơ tức bà Hoàng Thiều-Hoa nguyên được phong Thái-hậu. Về sau cô qui y với Tăng-giả Nan-Đà, nên tính tình cô bớt cương quyết hơn. Trong suốt cuộc đời, cô chỉ cầm quân có ba lần. Lần đầu đánh Luy-lâu. Lần thứ nhì đánh trận Trường-an. Lần thứ ba đánh trận Trường-giang, hồ Động-đình, Trường-sa, Hành-sơn. Cô không có quân sĩ trực tiếp. Quân là quân các nơi tụ về. Cô lĩnh ấn kiếm rồi chỉ huy. Cô không phải lo bắt lính. Ngược lại cô Sáu tức Đào Phương-Dung, cô chỉ huy trực tiếp đạo Giao-chỉ. Việc bổ xung quân số rất quan trọng. Cho nên cô bắt lính, thì chỉ có cách tuân mạng, chứ xin cũng vô ích.

Thanh-Mai đã thấy nhiều người bị các cô bắt lính. Nàng hỏi:

- Thiệu-Thái này, mợ không hiểu bằng cách gì mà biết rõ khi một người bị bắt lính do tiên, thánh nào bắt?

- Dễ thôi! Do kinh nghiệm. Cô Bơ hay bắt con gái đẹp. Cô Sáu thì bắt cả đàn ông đàn bà, mà toàn người khỏe mạnh. Người nào bị cô Bơ bắt, tự nhiên người đờ đẫn, thích trang điểm, cử chỉ nhu nhã. Sau đó cô nhập mộng báo cho biết. Nếu chịu tỏa bóng thì thôi, bằng không tự nhiên đầu bù tóc rối. Những sợi tóc kết lại không cách gì gỡ ra được, mặt mũi bôi lem luốc, quần áo xốc xếch, bạ đâu cũng ngồi, cũng nằm. Ấy vậy mà sau khi tỏa bóng, tóc tự nhiên óng mượt, người tươi tỉnh đẹp vô cùng.

Thanh-Mai à lên một tiếng:

- Hồi ở Thiên-trường mợ thấy những người bị cô Sáu bắt rồi. Đầu tiên người đó cảm thấy tai ù, nghe rõ tiếng cô ra lệnh. Tuân theo, tỏa bóng không sao. Bằng không mắt trợn, gặp ai báng bổ cô đánh mắng người ấy. Đến giai đoạn đó biết phép không sao. Còn bướng không tỏa bóng, lập tức leo lên cây cao chót vót ngồi hát. Mà có leo cây thường đâu, cứ nhè cây thực lớn, người thường không thể leo, rồi lên. Đôi khi nhảy lên nóc nhà. Thảng hoặc leo lên cây cột cao, một chân đứng trên cột, một chân với hai tay còn lại múa hát mà không ngã. Một lần chú Kiệt của mợ thử bắt chước leo lên đỉnh cột dùng khinh công, một chân đứng, một chân hai tay múa, mà làm không nổi.

Khai-Quốc vương ngửa mặt nhìn trời, nói buâng quơ:

- Đất Việt là đất địa linh, nhân kiệt. Những năm người Hán cai trị mình họ muốn cho mình không bao giờ ngóc đầu dậy được thì phải phá khí thiêng sông núi. Một mặt họ yểm các thần, thánh. Một mặt họ vu cho là đồng bóng quàng xiên. Bàn cho phải, cũng có đến phân nửa bọn lợi dụng thần thánh, tạo ra đồng bóng nhảm nhỉ. Nhưng phân nửa đều do linh khí tụ thành. Như các cháu xem lúc chư thánh về đồng thường dùng dùi, dùng kiếm xuyên qua má, qua bụng, mà dân chúng gọi là xiên lình. Nếu người thường, chỉ cần đâm thủng da đã kêu cha gọi mẹ, máu chảy chan hòa. Đây kiếm lớn, tên dài xuyên thấu qua người. Sau khi thánh rút ra, rồi giáng, con đồng hoàn toàn không có giọt máu hay vết thương nào. Chỉ có phép tắc mới làm được như thế.

Thình lình có tiếng tiêu vọng lại, rồi vèo một cái, ba bóng người chạy qua trước mặt. Mọi người nhìn rõ, chính là ba nhạc công đã trêu hai lão Tôn, Lê. Họ vừa vọt qua, thì hai lão Tôn, Lê thở hồng hộc đổi theo.

Khai-Quốc vương hỏi Thiệu-Thái:

- Cháu thử đoán xem ba nhạc công đó thuộc loại người nào?

- Ngay từ lúc thiếu niên mới xuất hiên trên sông Tương, cháu đã nghi y là Lê Văn. Vì y thuộc phái Sài-sơn, nên mới giỏi âm nhạc đến trình độ đó. Nhất là y dùng viên chì của dây câu điểm huyệt. Trên thế gian này, chỉ mới có cậu cháu mình biết khoa này mà thôi.

- Khá đấy! Thế ai cùng tấu nhạc với Lê Văn trên con thuyền nhỏ giữa hồ?

- Người đàn ông tuổi khoảng gần bốn mươi. Tuy để râu tóc rối bù, nhưng khuôn mặt cực kỳ hùng tráng. Mỗi khi vuốt mạnh tay trên chậu, bàn tay y quay tròn đẹp vô cùng, giống như ra chiêu Đông-hải lưu phong. Lúc y nhảy lên bờ, rõ ràng thân pháp Đông-a. Khi y xuất hiện, cháu thấy Vương Văn với mợ nhìn nhau, cười mà không phải cười. Vậy người đó nhất định là thân nhân của mợ. Trong phái Đông-a, có sư huynh của mợ tên Trần Bảo-Dân nổi danh giỏi âm nhạc. Cháu đoán là ông. Còn người đàn bà, cũng xử dụng khinh công phái Đông-a, nhưng kiến thức cháu hủ lậu, nên không đoán ra.

Thanh-Mai bật cười:

- Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Thiệu-Thái đã tinh tế hơn xưa rồi. Người đàn bà đó, chính mợ cũng không biết là ai. Có thể là vợ của nhị sư huynh.

Ba người chạy xuống đến bờ hồ, nơi cách chiến thuyền không xa. Từ trong bụi cây rậm rạp, một con thuyền xuất hiện. Ba người nhảy xuống con thuyền nhỏ. Con thuyền dương buồm chạy ra giữa hồ.

Hai lão Tôn, Lê trở về chiến thuyền hô nhổ neo đuổi theo con thuyền nhỏ. Dường như ba người trên con thuyền nhỏ chủ tâm trêu ghẹo hai lão, nên cứ cho trôi thong thả. Tiếng đàn, tiếng trống du đương vọng trở lại như đâm vào tim hai lão. Trong lúc vội vàng, hai lão quên mất bốn người khách quan trọng.

Thanh-Mai nhìn Khai-Quốc vương. Cả hai bật cười. Nàng nói với vương:

- Anh trêu hai lão như vậy cũng đủ rồi. Bây giờ hai lão hóa điên, không còn bình tĩnh nữa. Chúng ta thản nhiên đi Biện-kinh.

Thiệu-Thái chợt tỉnh ngộ:

- Thì ra tất cả những biến chuyển từ Hành-Nam đến đây đều do cậu mợ mình tạo ra. Quái, rõ ràng mình luôn ở bên cậu, vậy làm thế nào cậu ra lệnh cho người ta trêu hai lão kia?

Mỹ-Linh thấy vẻ mặt ngơ ngác của Thiệu-Thái, bất giác nàng thương hại:

- Anh chưa hiểu ư?

- Thú thật anh cũng muốn điên đầu lên như hai lão kia. Nếu anh ở vào trường hợp hai lão chắc anh cũng hóa khùng quá.

Khai-Quốc vương hỏi Mỹ-Linh:

- Con có hiểu rõ không?

Mỹ-Linh dựa đầu vào vai chú:

- Con chỉ biết rõ từ khi gặp chị Bảo-Hòa. Chú dùng Lăng-không truyền ngữ nói với chị ấy, dặn dò nhiều điều. Chị ấy cho biết viên đầu bếp trên chiến thuyền dành cho sứ đoàn là người của phái Đông-a. Vì vậy khi xuống thuyền, chú muốn truyền lệnh gì, cứ dùng lăng không truyền ngữ dặn y. Hàng ngày y phải lên bờ mua thực phẩm. Chị Bảo-Hòa hoặc Thông-Mai sẽ đón gặp y trong chợ để nhận lệnh.

Trời về chiều, một con thuyền từ bên phía Quân-sơn thả buồm tới gần Tam-sơn. Thanh-Mai thấy trên cánh buồm có hình con ó cực kỳ lớn. Nàng reo lên:

- Nhị sư huynh tới đón chúng mình kìa. Thôi ta lên đường. Giờ này Lê Văn đã dụ cho hai lão đuổi theo tới Nghi-đô không chừng.

Con thuyền cập vào chỗ mỏm đá bằng phẳng. Quả nhiên Trần Bảo-Dân đứng trên mũi thuyền, tay cầm đàn chậu vẫy:

- Mời các vị xuống thuyền thôi.

Thanh-Mai tung mình lên cao, tà tà đáp xuống mũi thuyền. Tiếp theo Khai-Quốc vương rồi Mỹ-Linh, Thiệu-Thái. Bảo-Dân thi lễ với Khai-Quốc vương:

- Thỉnh vương gia vào.

Y chỉ vào một thiếu nữ cực kỳ xinh đẹp nói với mọi người:

- Tiện thê.

Khoang thuyền đã bầy tiệc rượu. Bảo-Dân mời Khai-Quốc vương vào chủ vị. Y ngồi vai chủ nhân bồi tiếp. Vợ y tiếp Thanh-Mai, cuối cùng tới Mỹ-Linh, Thiệu-Thái. Bảo-Dân vỗ hai tay vào nhau hỏi Thanh-Mai:

- Sư phụ cùng với Thông-Mai, Bảo-Hòa báo cho sư huynh biết trước việc sứ đoàn sang đây cả tháng. Sư huynh chờ mỏi mắt. Vì đại sư huynh bận việc quan, nên mọi việc do ta xếp đặt hết. Ta sai Thông-Mai lên đỉnh Thiên-đài bỏ quyển Lĩnh-Nam giản sử, trong đó ghi chép những chi tiết trên đường đi cho sự muội. Giữa lúc đó năm ông thiên-lôi từ Biện-kinh tới.

Chàng lắc đầu:

- Chúng phá quá, hơn cả bọn ta hồi xưa nhiều.

Nghe đến năm ông thiên lôi Tôn-Đản, Tự-Mai, Thiện-Lãm, Thuận-Tông, Lê Văn mọi người đều bật cười. Thanh-Mai hỏi:

- Chúng nó có tuân lệnh nhị sư huynh không?

Bảo-Dân cốc lên đầu Thanh-Mai:

- Hỏi thế mà cũng hỏi. Cầm đầu tuy là Tôn-Đản, nhưng thực sự do Tự-Mai. Khi ta nói gì, sư muội không nghe, ta còn kí vào đầu, huống hồ tên bé con Tự-Mai. Ta ra lệnh mà nó dám cãi ư? Có mà nhừ đòn, ta nấu cháo nó liền.

Chàng bật cười:

- Chúng ta bàn kế bắt đám trưởng lão bang Nhật-hồ. Tự-Mai xin đảm trách bắt năm tên. Lê Văn bắt năm tên. Còn Tôn Đản, Thiện-Lãm, Thuận-Tông đảm trách việc ở khu Tương-đài. Vợ chồng ta phụ trách đoạn đường trên hồ này.

Chàng cười hô hố:

- Bảo-Hòa, Thông-Mai bàn nên đón đường điểm huyệt bắt chín tên trúng sơ tuyển phò mã của ba châu, rồi lấy quần áo, hóa trang bắt đám trưởng lão. Thằng bé Tôn Đản rất giỏi việc quân sự. Nó đi thám thính địa hình, tìm chỗ nên xuất hiện để dụ chúng đuổi theo, sau đó gặp khúc quẹo, ra tay bắt sống.

Mỹ-Linh hỏi:

- Võ công bọn chúng cao lắm. E Tôn Đản, Tự-Mai, Lê Văn cố gắng chưa chắc ngang tay, làm sao mà bắt được?

Bảo-Dân nhăn mũi:

- Dễ quá. Chúng chỉ cần đến gần, thình lình dùng Lĩnh-Nam chỉ điểm huyệt, bọn kia đâu có thể dở bản lĩnh ra được? Riêng lão Ngũ, Lê Văn điểm hụt, diễn ra trận đấu. Suýt nữa nó mất mạng vì Chu-sa chưởng. Cũng may Bảo-Hòa dùng Phục-ngưu thần chưởng cứu kịp. Công lực Bảo-Hòa cao thâm là thế, mà cũng phải đấu đến chiêu thứ chín mươi khiến y mệt nhừ, rồi dùng Lĩnh-Nam chỉ điểm ngã.

Mỹ-Linh nghe mấy cậu em hành sự, nàng thích quá:

- Việc Lê Văn bắt hai lão Tứ, Ngũ trước mặt bọn em, coi thực ngon. À, con thuyền tấu nhạc là của sư huynh chế ra hay của Lê Văn?

- Của chung! Gắn ống trúc trên cột buồm gió thổi thành tiếng tiêu, vá da trâu trước thuyền thành trống là của ta. Còn lại, phương pháp lái thuyền cho tiếng tiêu, tiếng trống hợp với tiếng đàn, tiếng phách là tài của y. Sau khi y dụ được ba lão Nhất, Nhị, Tam đuổi tới Tương-đài. Ta với Thông-Mai, Bảo-Hòa phải khó khăn lắm mới bắt được chúng. Bản lĩnh chúng cao thâm thực. Ta bị trúng một Chu-sa chưởng suýt mất mạng. May Bảo-Hòa cho uống thuốc giải tạm thời. Bây giờ mới nhờ Thiệu-Thái trị cho.

Thiệu-Thái lật áo Bảo-Dân lên, trên lưng y có vết tím bầm. Chàng để bàn tay vào, rồi vận công hút. Khoảng mười khắc, vết bầm tan biến đi.

Khai-Quốc vương thấy tính tình Bảo-Dân hào sảng, không câu nệ lễ nghi. Thời bấy giờ, dù là ruột thịt, khi em gái tuổi mười ba, anh cũng không thể cầm tay. Thanh-Mai tuổi đã hai mươi, hiện là vương phi cao quý biết mấy. Thế mà y cốc tay lên đầu, bẹo tai như nàng còn năm, sáu tuổi. Y không hề dùng những tiếng vương gia, vương phi, công chúa , thế tử. Y hỏi Thanh-Mai:

- Đố sư muội biết, rõ ràng vợ chồng ta với Lê Văn cùng xuống thuyền dụ cho hai lão Tôn, Lê đuổi theo. Tại sao chúng ta lại trở về đây đón sứ đoàn.

- Em cũng đang định hỏi sư huynh điều đó?

Y hỏi Khai-Quốc vương:

- Ông em rể! À xin lỗi, vương gia. Vương gia thử đoán xem.

Khai-Quốc vương cười:

- Thì có gì lạ đâu, thuyền sư huynh có cửa ngách phía trước. Sư huynh với sư tỷ chui vào thuyền, rồi mở ngăn cửa đó chuồn xuống nước lặn đi. Đợi cho chiến thuyền rời khỏi, mới trồi lên. Trong khi đó phía sau, đệ tử của sư huynh cho con thuyền khác vớt sư huynh sư tỷ lên.

Bảo-Dân dơ ngón tay trỏ lên:

- Giỏi.

Y hỏi Thanh-Mai:

- Sư muội thử đoán xem, giờ này hai lão Tôn, Lê ra sao? Lê Văn dụ chúng đi đâu?

- Nếu mưu kế do Lê Văn bầy ra, em không đoán được. Còn do anh thì em biết như em biết em vậy.

- ?

- Chúng ta dự trù tách hai lão già với sứ đoàn, để sư huynh đưa chúng em đi Biện-kinh phải không?

- Đúng thế.

- Sư huynh đưa bọn em đi, ắt đưa bằng thuyền. Đi Biện-kinh từ hồ Động-đình phải theo Trường-giang xuôi hướng Đông đến bến Xích-bích. Từ Xích-bích qua sông, vào Hồng-hồ. Từ Hồng-hồ theo Kinh-giang sang sông Hán-thủy. Cuối cùng theo Hán-thủy lên Tương-dương.

- Giỏi.

- Vì vậy Lê Văn phải dụ cho hai lão đi ngược chiều với sư huynh, nghĩa là đi về hướng Giang-lăng. Sau khi vượt quãng đường từ đây đến Giang-lăng, hai lão ắt trở thành điên, quyết đuổi đến cùng. Lê Văn sẽ trêu cho chúng đuổi tới Nghi-đô, không chừng tới Nghi-xương cũng nên.

Đến đó thuyền đi vào địa phận sông Trường-giang. Con thuyền hơi nhỏ, nên phải men theo Nam-ngạn, xuôi về hướng Đông.

Bảo-Dân chỉ bà vợ:

- Sư muội! Sư muội bảo vợ ta có đẹp không?

Nghe Bảo-Dân hỏi, mọi người mới chú ý tới vợ y. Khai-Quốc vương nghĩ thầm:

- Trước kia ta tưởng Lâm Huệ-Phương, Thanh-Mai, Mỹ-Linh, Đào Hà-Thanh là ba người đẹp không thể có tới bốn. Nay vợ Bảo-Dân có sắc đẹp cực kỳ quyến rũ. Y lưu lạc trên đất Tống, mà sao có được cô vợ đẹp thế này.

Thanh-Mai ngắm nhìn bà chị dâu, rồi hỏi:

- Anh cưới chị bao giờ?

- Không hề cưới. Ta vào hoàng cung nhà Tống cướp đem ra đấy chứ.

Mọi người nghe Bảo-Dân kể, đều biết y nói thực. Trên đời không có người nào to gan hơn. Bảo-Dân kể:

- Sư tỷ họ Khấu, tên Kim-An, là con gái tể tướng Khấu Chuẩn.

Mọi người bật lên tiếng ồ lớn.

Bảo-Dân kể:

- Một ngày thăm Biện-kinh, vô tình ta qua khu vườn dinh tể tướng, nhác thấy nàng đang dạo chơi trong vườn hoa. Hồn phách ta bay phơi phới. Đêm hôm đó ta lần mò vào hoa viên dinh tể tướng, rồi dùng ống tiêu tấu nhạc cho nàng nghe.

Mỹ-Linh bật cười:

- Đại ca thổi tiêu như vậy, mà Tể-tướng không biết ư?

- Biết thế chó nào được. Ta dùng nội lực chuyển âm thanh vào khuê phòng của nàng mà thôi. Còn ngoại giả không ai nghe được. Quả nhiên ta tấu được một bản, nàng mở cửa phòng nhìn ra ngoài. Ta tha hồ mà ngắm. Hôm sau ta lại tấu đàn tranh, rồi đàn bầu, đàn Hồ, nhị. Hồi đầu ta còn ẩn thân. Sau ta xuất hiện ngồi trên cây, vừa nhìn nàng vừa tấu nhạc. Lúc đầu thấy ta, nàng còn e thẹn. Dần dà nàng cười nói với ta. Cứ như vậy hơn nửa năm.

Y nhìn vợ mỉm cười:

- Một đêm ta đánh bạo, sau khi tấu nhạc, nhảy cửa sổ vào phòng nàng. Nàng không sợ hãi, tiếp ta. Dần dần, đêm đêm chúng ta gặp nhau ở vườn hoa. Cho đến một hôm như thường lệ ta đến thăm nàng...

Đến đây y ngừng lại thở dài.

Nghe Bảo-Dân nói, mọi người đều thấy y lớn gan, nhưng lại lãng mạn đa tình đến cùng cực. Y tiếp:

- Nàng khóc lóc cho biết rằng có chiếu chỉ truyền phụ thân phải đem nàng tiến cung dâng cho hoàng đế. Ta như người trên mây rơi xuống đất. Ta rủ nàng đi trốn. Nhưng biết làm sao hơn. Nàng không cả gan làm như thế. Vì sợ cha nàng bị tội.

Y ngừng lại hỏi Khai-Quốc vương:

- Vương gia! Nếu vương gia ở địa vị mỗ, vương gia sẽ làm gì?

- Với bản lĩnh của sư ca, cứ đợi cho nàng tiến cung, rồi vào cung ăn trộm đem đi. Bấy giờ ông vua không bắt tội cha nàng, mà ngược lại cha nàng còn bắt đền ông vua nữa là khác.

Bảo-Dân vỗ vai Khai-Quốc vương:

- Hay! Chí khí bậc anh hùng trong thiên hạ thường giống nhau.

Y quay lại nhìn Thanh-Mai:

- Sư phụ ghét triều Lý lắm, chắc không gả sư muội cho gã này đâu. Hẳn y cũng mò đến trang Thiên-trường ăn trộm sư muội phải không? Y táo gan hơn ta nhiều. Sư muội cứ nói thực đi, đừng mắc cỡ làm gì. Đột nhập trang Thiên-trường e khó hơn hoàng cung. Vậy võ công y phải cao thâm lắm.

Nói rồi Bảo-Dân phóng chưởng tấn công Khai-Quốc vương liền. Vương nhận ra chiêu Đông-hải lưu phong. Chưởng lực cực kỳ trầm trọng. Khai-Quốc vương khoanh tay một cái, chưởng của Bảo-Dân bị phong bế liền. Cả hai cùng rung động toàn thân. Bảo-Dân nói với Thanh-Mai::

- Đúng thế! Công lực y ba phần giống Tiêu-sơn, bẩy phần giống Cửu-chân, Long-biên. Y ngồi im mà hóa giải được chưởng của ta, công lực không tầm thường.

Mọi người thấy Bảo-Dân gọi Khai-Quốc vương bằng gã, rồi y, ai nấy đều bật cười. Y tiếp:

- Thôi, ta nói truyện ăn trộm vợ cho sư muội nghe. Ta đợi cho nàng tiến cung. Ngay đêm đó ta bắt một tên thái giám, lột quần áo mặc, rồi lẻn vào hoàng cung. Khi ta đến tẩm cung của hoàng đế, giữa lúc y ngưng làm việc, truyền cung nữ gọi Kim-An đến hầu. Kim-An hầu y uống rượu. Rượu say, y đuổi cung nga thái giám ra, rồi định cùng nàng gió trăng. Giữa lúc đó, ta nhảy ra, bắt sống y, dùng dẻ nhét đầy miệng, trói lại, quẳng vào gầm dường. Ta lại lột quần áo y mặc vào. Ta ôm nàng rời khỏi tẩm cung, vượt hoàng thành ra ngoài. Sáng hôm sau, ta với nàng dùng ngựa về đây, khoan thai lên núi Tam-sơn thưởng hoa.

Thanh-Mai hỏi:

- Truyện này xẩy ra đã mấy năm rồi?

Bảo-Dân tính đốt ngón tay:

- Hồi đó Kim-An mười sáu. Nay nàng hai mươi sáu tuổi rồi. Truyện đã mười năm.

- Như vậy ông vua đó không thể là Thiên-Thánh hoàng đế mà là Chân-tông.

- Đúng thế.

Bảo-Dân tiếp:

- Nguyên trước vua Chân-tông đã phong Quách phi làm hoàng hậu. Quách hậu băng. Vua muốn lập Lưu phi lên thay. Nhưng quần thần phải đối vì Lưu phi xuất thân ty tiện. Tuy vậy nhà vua vẫn giữ nguyên ý. Lưu hậu thông minh, tài trí, võ công cực cao. Nhưng bà làm một việc gì đó, cực kỳ bí mật, khiến cuối đời, vua Chân-tông muốn truất bà. Để được lòng quần thần, ngài muốn đem Kim-An vào cung rồi phong làm hoàng hậu. Không ngờ ta vào ăn trộm ra.

Bảo-Dân nhìn Thanh-Mai:

- Con nhỏ này lớn lên đẹp gớm. Bây giờ mi làm vương phi rồi phải không? Nghe bọn Tôn Đản nói mi sẽ làm hoàng hậu nữa. Trời ơi! Sao mi ngu quá vậy, làm vương phi, hoàng hậu suốt ngày áo xiêm ràng buộc lấy nhau. Đi ra lễ nghi, đi vào phép tắc giống ở tù.

Y vỗ vai Khai-Quốc vương:

- Này chú em rể, anh hai nói có đúng không? Chú bỏ mẹ nó cái gì Khai-Quốc vương, trừ quân tộc Việt đi, rồi dắt Thanh-Mai lên đây cùng vợ chồng ta dạo chơi sông hồ. Gặp nước suối uống nước suối, gặp hoa hái hoa, gặp trái cây ăn trái cây. Gặp bọn tham quan, cường hào ác bá ta đánh chúng què. Hôm trước sư phụ với sư mẫu qua đây. Người nghe ta nói về thú ngao du sơn thủy, người khen ta biết thưởng thức cuộc đời, không ngu như đại sư ca, cùng hai tên Đoàn Thông, Ngô An-Ngữ luẩn quẩn trong quan trường.

Lời nói của Bảo-Dân tuy nửa phần tục, đùa cợt, nhưng rất thực tế. Thanh-Mai đưa mắt nhìn chồng. Khai-Quốc vương nắm tay Bảo-Dân. Vương cũng nói bằng tiếng bình dân:

- Anh hai nói đúng. Vợ chồng em cũng mong được như anh hai. Nhưng có điều bọn em đã nguyện lấy chủ đạo tộc Việt làm phương châm cho cuộc đời. Chúng em ước mong sau khi thống nhất tộc Việt, rồi ngao du sơn thủy. Chứ bây giờ thì chưa được.

Trên con thuyền tuy chật chội, mà Kim-An làm những món ăn Trung-nguyên thực kỳ diệu. Mỹ-Linh cứ luôn miệng hỏi về cách nấu nướng. Kim-An nói tiếng vùng Biện-kinh, vì vậy Mỹ-Linh phải uốn cong lưỡi nói truyện với nàng.

Thực đúng với câu: Cha nào con ấy. Kim-An là con Tể-tướng Khấu Chuẩn, một danh sĩ đương thời. Vì vậy không sách nào nàng không đọc qua, chẳng chi tiết nào về triều đình mà nàng không biết. Gặp Mỹ-Linh vốn nòi thi-thư. Hai bên nói truyện thực tương đắc.

Con thuyền cập vào một chiếc thuyền cực lớn đậu bên bờ Trường-giang, đầu thuyền có hai chữ Chu-các đỏ chói. Kim-An cung tay:

- Kính thỉnh vương gia, vương phi, công chúa dời gót ngọc sang Chu-các. Vì tiểu-chu này không thể vượt Trường-giang.

Khai-Quốc vương nghĩ thầm:

- Bà này xuất thân tiểu thư con quan Tể-tướng có khác, ngôn từ khách khí, lễ độ rõ ra kim chi ngọc điệp.

Mọi người tung mình lên cao, rồi đáp xuống con thuyền lớn. Một thuyền phu nhảy xuống con thuyền nhỏ, kéo buồm trở lại hồ Động-đình.

Chu-các có hai tầng. Tầng trên có nhiều cửa sổ nhìn ra sông, có nhiều phòng. Tầng dưới nửa ngâm dưới nước. Nửa trên không. Kim-An mời khách vào một phòng lớn. Trong phòng trang trí thực hoa mỹ. Giữa phòng, một cái bàn lớn khảm xà cừ. Xung quanh có mười tám cái ghế. Tất cả bằng gỗ cẩm-lai. Xa hơn chút, một cái bàn nhỏ hơn, trên để lư hương, tỏa mấy sợi khói, mùi trầm hương xông ra ngào ngạt. Giữa bàn, để ống bút, cùng một chồng sách.

Mỹ-Linh kinh ngạc tự hỏi:

- Ông này võ công cực cao. Âm nhạc e khó có hai người sánh bằng. Ông sinh sống ở Trung-nguyên bằng nghề gì, mà có tiền mua con thuyền lớn như thế này? Trong thuyền trang trí lộng lẫy e hơn du thuyền của ông mình. Liếc qua, mình thấy nào thuyền phu, nào tỳ nữ ước ba chục người chi phí không ít. Vậy tiền ấy ở đâu ra?

Mỹ-Linh chú ý đến vách phòng treo không thiếu thứ nhạc cụ nào. Ngoài ra một vách khác treo đủ mọi loại binh khí.

Chu-các hướng mũi về phương Bắc, băng ngang Trường-giang.

Bảo-Dân mời khách ngồi. Tỳ nữ dâng trái cây, cùng trà. Y nói:

- Với con thuyền này, vợ chồng ta ngao du khắp nơi trong thiên hạ. Hôm sư phụ qua đây, người bàn rằng, lúc trở về người sẽ cùng chúng ta dùng Chu-các ra biển, thăm hết các đảo Đông-hải cho tới Xiêm-la, nêân chúng ta không thể rời thuyền, mà ở đây chờ người.

Thanh-Mai muốn biết tin về năm ông mãnh. Nàng hỏi:

- Năm ông Thiên-lôi đâu rồi?

- Chỉ có bốn ông thôi. Bảo-Hòa, Thông-Mai đi biện kinh trước cùng Trường-giang thất hiệp với trưởng lão Nhất-Bách. Ta sai bốn ông mãnh thay nhau chọc hai lão Lê, Tôn chưa về.

Mỹ-Linh ngạc nhiên:

- Một ông mãnh nữa đi đâu?

- Còn đi đâu nữa. Y đi theo phái Hoa-sơn định ăn cắp cô vợ như ta.

Mọi người biết ngay ông mãnh vắng mặt là Tự-Mai. Kim-An hỏi Khai-Quốc vương:

- Thế nào vương gia định ngày mai tự lên đường đi Biện-kinh hay đợi hai lão Tôn, Lê?

Khai-Quốc vương hỏi ngược lại:

- Khấu sư tỷ biết nhiều về triều Tống. Xin sư tỷ cho một lời khuyên.

Mắt Kim-An chiếu sáng long lanh nhìn thẳng vào mặt Khai-Quốc vương. Nàng nghĩ thầm:

- Vị vương gia này trí tuệ kinh thiên động địa. Ông ta thừa sức chọn đường lối hành động. Tại sao lại phải nhờ ta? À, thôi phải rồi, ông biết phụ thân mình bị Lưu hậu hại. Mà hai người trợ thủ đắc lực là lão Tôn, Lê. Bây giờ ông muốn dành cho ta một cơ hội trả thù đây.

Nàng chắp tay:

- Đa tạ vương gia.

Bốn mắt nhìn nhau, như cùng hiểu thấu tâm tư của nhau. Kim-An tiếp:

- Lưu hậu với Định-vương Nguyên-Nghiễm hiện đang ngấm ngầm hạ nhau. Đinh-vương vắng nhà. Lưu hậu sai Tào Khánh đi đón sứ đoàn, rồi cho Trường-giang thất quỷ xuất hiện, định ép sứ đoàn đào kho tàng. Thất bại. Bà sai hai lão tín cẩn nhất áp tải sứ đoàn. Thất bại. Tuy vậy quyền trong tay bà ta. Triều đình cũng như phe Nguyên-Nghiễm đâu biết những việc bà ta đã thất bại. Định-vương đã về đến Biện-kinh. Ông ta hiện nắm lại binh quyền. Bây giờ vương gia âm thầm tới Biện-kinh, rồi thẳng tới cổng thành đưa danh thiếp xin vào chầu. Như vậy tỏ rõ Lưu hậu thất bại. Bà quá xấu hổ, ắt xử tử hai tên Tôn, Lê. Hoặc ít nhất cũng cách chức chúng.

Nàng mỉm cười:

- Chúng bị cách chức, lòng đầy phẫn hận. Trong khi chúng bị vương gia làm cho hóa điên. Bây giờ chúng càng điên thêm. Chúng sẽ quay lại phá phách, phản Lưu hậu.

Mọi người phải ngừng truyện trò, vì sóng Trường-gian reo hò bên ngoài. Con thuyền lớn là thế, mà luôn lắc lư. Kim-An an ủi mọi người:

- Bây giờ là tiết Đông-chí, gió thổi từ Bắc-qua, nhẹ nhàng nhất trong năm mà còn thế. Chứ vào tháng bẩy, tháng tám, con thuyền này lắc lư như lá bay trong gió.

Mỹ-Linh chợt nhớ ra điều gì:

- Khấu sư thúc! Dường như chỗ này tám trăm năm trước có trận đánh kinh thiên động địa giữa Tào Tháo với Chu Du. Chu Du đốt quân Tào tám mươi ba vạn. Lửa làm đỏ cả một vùng, vì vậy cái tên Xích-bích có từ đó. Sự thực ra sao?

Kim-An lắc đầu:

- Đó là huyền sử. Thực sự theo bộ sử Tam-quốc-chí của Trần-Thọ, thì bấy giờ là năm Mậu-Tý (208 sau Tây-lịch) niên hiệu Kiến-An thứ mười ba thời vua Hiến-Đế nhà Hán. Vua Hán phong Tào Tháo làm thừa tướng. Tháo đem hai mươi vạn quân đánh Tôn Quyền. Tôn Quyền liên binh với Lưu Bị chống lại. Nhân bấy giờ thủy quân Hán kết lại với nhau thành bè để vượt sông cho dễ. Chu Du dùng hỏa công đốt chiến thuyền Hán. Trận đánh diễn ra tại chỗ này đây. Cái tên Xích-bích có từ đó.

Thuyền đã tới bờ Bắc Trường-giang. Trên trời xuất hiện cặp chim ưng đang bay lượn. Thiệu-Thái nhận ra đôi chim của Bảo-Hòa, chàng huýt sáo gọi nó xuống. Mỹ-Linh mở ống tre dưới chân chim ưng lấy thư trao cho Khai-Quốc vương. Vương mở ra đọc:

Mạ mạ sai chim truyền tin cho biết bọn trưởng lão Lạc-long giáo gốc Hồng-thiết giáo có nhiều hành vi khác lạ. Nhật-Hồ lão nhân, Vũ Nhất-Trụ phá giới, xuất hiện khống chế giáo chúng Lạc-long, tái lập Hồng-thiết giáo. Vũ Nhất-Trụ, Đặng Trường, Hoàng Văn theo Dực-Thánh vương. Đỗ Xích-Thập, Phạm Trạch, Lê Đức theo Đông-Chinh vương. Nguyên-Hạnh, Ngô Bách-Vân theo Vũ-Đức vương. Đại-Việt ngũ long chỉ có Minh-Không đại sư hiện diện. Còn lại đang du thuyết Đại-lý, Xiêm-la, Lão-qua, Chân-lạp, Chiêm-thành, Ngô-Việt về việc thống nhất tộc Việt.

Khai-Quốc vương hỏi Bảo-Dân:

- Nhị sư huynh! Quốc-trượng hiện ở đâu?

- Hôm chia tay với ta, người cùng Hồng-sơn đại phu nói rằng lên chùa Thiếu-lâm vãng cảnh.

- Hệ thống của nhị sư huynh có thể liên lạc được với người không?

- Được chứ.

- Sư huynh liên lạc với người khẩn cấp, xin người với Hồng-Sơn đại phu mau trở về trấn Đại-Việt. Người trấn Thiên-trường làm thế ỷ đốc cho Thăng-long. Còn Hồng-Sơn đại phu trấn Thanh-hóa. Nếu Đàm Toái-Trạng, Nguyên-Hạnh trở mặt còn khống chế kịp. Đệ sẽ liên lạc với sư bá Đại-Khê cùng với phò mã Thân- Thừa-Quý trấn Bắc-biên, phòng khi ta có biến loạn quân Tống tràn qua.

Vương bảo Mỹ-Linh:

- Cháu truyền lệnh cho phái Mê-linh gửi một số cao thủ về ở trong hoàng cung. Thiệu-Thái truyền anh em Đào Nhất, Nhị, Tam-Bách phải về giữ tổng đàn Lạc-long giáo cho chắc.

Vương nắm tay Thanh-Mai thở dài:

- Thanh muội. Anh thực có lỗi với Bố. Khi bọn trưởng lão Hồng-thiết qui phục Thiệu-Thái. Bố khuyên anh nên giết hết chúng đi. Người cho rằng một khi chúng học Hồng-thiết kinh, không bao giờ có thể trục ma tính ra khỏi người chúng. Anh không tin. Bây giờ hối thì đã muộn.

Sau khi thành hôn với Thanh-Mai, vương gọi Tự-An bằng quốc-trượng. Ông cau mặt không bằng lòng, vì ông thích con gọi bằng Bố. Từ đấy vương dùng tiếng Bố gọi ông.

Sau hai ngày, thuyền đi vào địa phận sông Hán-thủy. Chim ưng Bảo-Hòa lại báo cho biết:

Triều đình Tống cực kỳ bối rối, vì trong bẩy ngày không nhận được tin tức sứ đoàn. Tư-mã Đàm-châu tấu rằng hai lão Tôn, Lê cho các chiến thuyền của Vương Văn, cùng thiết kị hộ tống trở về Hành-Nam. Chỉ có một chiến thuyền chở sứ đoàn vượt hồ Động-đình. Triều-đình sai Tư-mã Giang-lăng đem thiết kị chờ ở bên sông đã mười ngày, không thấy thuyền chở sứ đoàn qua. Đang cho người đi tìm. Lưu hậu cực kỳ bối rối. Lê Văn, Tôn Đản dụ hai lão Tôn, Lê tới Tỷ-qui. Hai lão hóa điên, giết thuyền trưởng. Thủy thủ sợ hãi bỏ thuyền trốn mất.

Xin đọc tiếp bộ

ANH LINH THẦN VÕ TỘC VIỆT

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.