Anh Hùng Bắc Cương

Chương 30: Đoạn trường tơ vương




Đoạn trường tơ vương ---- -

Tự-Mai đi bên Thuận-Tường tiễn phái Hoa-sơn xuống núi Tản-viên. Vừa đi, nó vừa thuật những truyện thời vua Hùng như Chử-đồng-tử và Tiên-Dung. Trương Chi, Mỵ-Nương. Vua Hùng tuyển phò mã. Sơn-Tinh, Thủy-Tinh cùng đến cầu hôn. Sơn-Tinh cưới được công chúa, mang lên Tản-lĩnh hưởng thanh phúc. Ngài sáng lập ra phái Tản-viên. Cuối cùng tới truyện Mỵ-Châu, Trọng-Thủy.

Thuận-Tường nghe kể, nàng buông tiếng thở dài não nuột. Tự-Mai ngạc nhiên:

- Sao cô nương lại thở dài?

- Tiểu muội thở dài vì Hoa, Việt cùng gốc ở tổ Phục-Hy, Thần-Nông, thế nhưng hôn nhân có nhiều khác biệt. Người Việt coi trọng phụ nữ vô cùng. Khi gả chồng, cha mẹ thường để con gái chút quyền lựa chọn, quyết định người trao thân gửi phận. Như Tiên-Dung, vua cha thuận cho kết hôn với chàng nghèo cùng khổ đến manh vải che thân không có. Còn Mỵ-Nương tuy duyên không thành, nhưng cũng thỏa ước mơ, khi phụ thân đồng ý cho mời anh chàng câu cá ven sông, vào lâu đài gặp nhau. Vua Hùng thứ tám mươi tám tuyển người tiều phu Sơn-Tinh đại tài mà gả công chúa, hầu có người giữ nước. Vua An-Dương nhận cho gửi rể Trọng-Thủy, ý muốn kết thân lân bang. Gần đây vua Lý gả công chúa Hồng-Châu cho lạc hầu Thân-thiệu-Anh, công chúa An-Quốc cho Đào Cam-Mộc, công chúa Lĩnh-Nam Bảo-Hòa cho lạc hầu Thân Thừa-Quý.

Thuận-Tường ngửa mặt nhìn lại Tản-lĩnh, lòng buồn man mác:

- Tiểu muội xa Tản-lĩnh lần này, không biết bao giờ trở lại... À, tiểu muội nghe Thuận-Thiên hoàng-đế có mười ba công chúa. Trưởng công chúa gả cho Trung-nghĩa hầu Đào Cam-Mộc. Nhị công chúa gả cho lạc hầu Thân-thừa-Quý. Thế chín người kia gả cho những ai?

Tự-Mai tính đốt ngón tay:

- Bốn người gả cho bốn sư điệt của ngài. Họ đều xuất thân phái Tiêu-Sơn, văn mô vũ lược. Hiện những Phò-mã đều trấn ngự biên cương phía Nam, phía Tây. Còn một bà gả cho đại danh y. Vị này không thích công danh. Phò-mã với Công-chúa ngày ngày đi khắp hang cùng ngõ hẻm trị bệnh cho bần dân.

- Phúc đức quá!

Bắc-Sơn lão nhân buột tiếng khen.

- Hai bà, một bà gả cho quan Tả-bộc xạ, một bà gả cho Đô-đốc thủy quân.

- Mới có chín bà. Còn hai bà nữa gả cho ai?

Chu Chiếu-Anh hỏi.

- Thưa tiền bối, cả hai bà đều gả cho hai động chủ ở Nam biên.

Tây-Sơn lão nhân bật lên tiếng suýt xoa:

- Hèn chi giang sơn triều Lý không vững như bàn thạch sao được. Khi biên tướng, đô đốc, đều là phò mã, còn lo gì nữa? Nhà vua chỉ cần ngồi ban ân bố đức cho thiên hạ nữa, thì đất Việt thành đất Nghiêu, Thuấn rồi.

Tự-Mai kể lại những ân trạch tha thuế, phá bỏ nhà tù, xây y trạm, tô tượng, đúc chuông trong mười tám năm qua cho mọi người nghe. Nó kết luận:

- Trong mười tám năm trị vì, ngài chỉ thu thuế có tám năm. Còn mười năm miễn thuế. Năm nay, sau khi Hồng-Sơn đại phu bỏ không tranh ngôi vua. Ngài thể theo lời của đại phu lại xá thuế một năm nữa.

Nắng chiều nhạt dần. Thuận-Tường ngửa mặt lên trời nhìn những áng mây trôi về phương Tây óng ánh như muôn nghìn sợi dây vàng, rồi kết luận:

- Vì coi trọng phụ nữ, nên các ngài gả chồng cho con có hai lối. Một là cho con được quyền chọn như Tiên-Dung, Mỵ-Nương. Hai là chọn anh tài như Sơn-Tinh, Thân Thiệu-Anh, Đào Cam-Mộc, Thân Thừa-Quý. Ba là mong duyên tình làm đẹp giữa hai nước như Mỵ-Châu. Còn bên Tống không thế. Công-chúa chỉ được gả cho con các đại thần. Mà đám công tử đó thường ỷ thế cha, anh, không học hành, vô tài bất tướng.

Tự-Mai hỏi ngược lại:

- Theo cô nương, cha mẹ nên gả chồng cho con như thế nào?

-- Tốt nhất cho con gái được quyền chọn. Hoặc ít ra cũng gả cho nhân tài. Sống bên người tài, làm những truyện vĩ đại, thực không uổng tấm hồng nhan.

- Cô nương có biết gì về việc các vua Tống tuyển phò mã không?

- Tiểu muội biết rất nhiều. Các công-chúa em đức Thái-tổ, Thái-tông đều gả cho tướng sĩ theo hai ngài trong lúc dựng nước. Vì vậy các Phò-mã đều cúc cung tận tụy. Ngài nhờ đó thành đại nghiệp. Các Phò-mã trung thành, tận tụy hơn anh em trong hoàng tộc nữa.

- Thế các công chúa con vua Chân-tông cùng Thiên-Thánh hoàng đế, phò mã ra sao?

Mặt Thuận-Tường càng thêm thảm não:

- Vua Chân-tông có mười sáu Công-chúa, đã gả chồng mười lăm. Còn một mà thôi. Thiên-Thánh hoàng đế, có bốn công chúa, nhưng chưa ai quá ba tuổi. Nói ra thực xấu hổ, các phò mã đều là con cháu đại thần. Chỉ quanh đi quẩn lại tiệc tùng ở Biện-kinh, không biết gì đến quốc sự. Văn không thông Thi, Thư. Võ trói gà không chặt.

Tự-Mai không phục:

- Tôi nghe vua Chân-tông anh minh lắm. Tại sao lại phí phạm công chúa như vậy?

Tây-Sơn lão nhân nhìn về ngọn núi bên kia thuộc Tống, ông than:

- Ngài có tự quyết được gì đâu. Giả như ngài muốn gả Công-chúa cho một Thái-tử Đại-Việt, Tây-hạ, Thổ-phồn, Tây-liêu ắt các Nho-thần xúm vào dâng biểu rằng sao lại gả Công-chúa cho bọn Di, Địch, Nhung, Man như thế? Họ đâu có biết nếu Công-chúa lấy các Thái-tử kia, sẽ khiến cho Phò-mã ngoài việc tuân chỉ Thiên-triều, còn thêm lòng hiếu thảo của một con rể nữa.

Tự-Mai nói trong tự hào:

- Nếu là Thuận-Thiên hoàng-đế, ắt ngài gả cho chín Thái-tử chín nước lân bang mỗi người một Công-chúa. Còn sáu Công-chúa, gả cho sáu vị biên cương đại thần. Chỉ ít năm sau, có chín Công-chúa làm hoàng hậu. Chín Phò-mã làm vua. Như lão nhân thấy, tỷ như Khai-Quốc vương sau lên làm vua, vua Tống đe dọa cách nào, bắt người đến Biện-kinh chầu e còn khó hơn bắc thang lên trời. Thế nhưng nếu người là Phò-mã, mỗi năm ngày Tết, ngày đăng cực của vua Tống dù không triệu, người cũng về chầu, dâng lễ.

Mắt Thuận-Tường sáng ngời:

- Người Việt hiếu với nhạc gia như vậy sao?

- Không phải thế. Cô nương đừng hiểu lầm.

Tự-Mai giảng giải:

- Nếu như hoàng-đế Đại-Việt sang chầu Hoàng-đế Tống, sĩ dân, võ lâm nhao nhao nổi lên công phẫn phản đối, vì như thế làm nhục quốc thể, mất ngôi vua như không. Còn ngược lại nếu Hoàng-đế Đại-Việt lại là Phò-mã của Tống, mà về dâng lễ nhạc gia ắt được khen rằng hiếu thảo.

Thuận-Tường thở dài:

- Bởi vậy tiểu muội mới nói người Việt trọng nữ hơn người Hoa. Phải chăng chủ đạo tộc Việt như thế?

- Cô nương kiến giải sáng suốt thực. Đạo lý tộc Việt như vậy đó. Tôi thấy các văn thi sĩ Trung-quốc thường ca tụng dung nhan phụ nữ, song ít có người dám cổ võ giải thoát phụ nữ khỏi ngưỡng cửa gia đình. Họ chỉ muốn phụ nữ chui đầu vào, chổng đít ra ở xó bếp.

Thuận-Tường càng buồn hơn:

- Cũng có đấy, đại ca có biết Tào Tử-Kiến không?

- Biết chứ. Ông họ Tào tên Thực, cùng cha là Tào Tháo, anh là Tào Phi nổi danh ba trong Kiến-an thất tử. Khi Tào Tháo được phong Ngụy-vương, muốn lập ông làm thế-tử kế nghiệp. Vì ông có văn tài lỗi lạc, xuất khẩu thành thơ, nên các quan sợ một mai phục vụ dưới một vị vương văn chương quán thế, mình sẽ không có chỗ trổ tài. Họ dèm pha. Tháo chết, họ tôn Tào Phi lên thay. Tào Phi muốn làm nhục ông, bắt ứng khẩu làm thơ, nếu không hay, sẽ giết. Vì Phi nghĩ rằng trong hoàn cảnh đó ông khó lòng làm nổi thơ. Nào ngờ đi bẩy bước, ông đã làm được bài thơ thực hay. Phi lại bắt ứng khẩu, ông cũng đọc thành thơ liền.

- Đại ca học văn chương Trung-quốc kỹ thực. Tử-Kiến có câu thơ muốn giải thoát cho phụ nữ như sau:

Quân nhược thanh lộ trần,

Thiếp nhược trọc thủy nê,

Phù trầm các dị thế,

Lưỡng hợp hòa giai hài.

Tự-Mai gật đầu:

- Không hiểu vì sao, sau này người ta lầm bốn câu trên của Quách Phác. Để tôi dịch cho cô nương nghe:

Chàng như mây mùa Thu,

Thiếp như khói trong lò.

Cao thấp tuy có khác,

Một thả cũng tuyệt mù

Nó lắc đầu:

- Tuy vậy Tử-Kiến vẫn còn hạ thấp phụ nữ bằng chữ khói trong lò đâu so với mây mùa Thu được!

Nó kéo Thuận-Tường trở lại câu truyện Công-chúa:

- Thế còn một Công-chúa con vua Chân-tông đã gả cho ai chưa?

Thuận-Tường nín lặng thở dài.

Tây-Sơn lão nhân trả lời thay thế:

- Tiểu công chúa do Lưu hậu sinh ra. Từ thời thơ ấu, Công-chúa khác hẳn với mười lăm bà chị. Người thông minh khác thường, lại giầu chí khí. Về văn người rất uyên bác. Giá là trai, con nhà dân đi thi, lão phu e người không đậu trạng nguyên cũng tiến sĩ. Về võ, người mới học ba năm qua, mà bản lĩnh cũng vào loại khá. Tiếc rằng Thái-hậu định gả cho con quan Tả-bộc xạ Đinh Vị. Người khóc lóc không chịu. Cũng may sau Đinh Vị bị biếm mới thôi. Hiện Công-chúa lấy cớ học võ, rời hoàng cung, theo sư phụ.

- Thế công tử của Đinh tả-bộc-xạ tư cách có khá không?

Thuận-Tường lắc đầu:

- Văn dốt, vũ rát. Tư cách cùng chí khí không có.

Tự-Mai bật lên lời đùa cợt:

- Nếu cô nương là Lưu thái hậu, cô nương sẽ tuyển phò mã như thế nào?

- Tiểu muội sẽ mở võ đài cùng thi văn. Ai trúng cách, thì tuyển. Sau đó trao binh quyền, hai vợ chồng trấn ngự biên cương.

Tự-Mai vỗ tay khen:

- Như vậy giống như vua Hùng thứ tám mươi tám tuyển phò mã Sơn-Tinh. Sau này Phò-mã thứ mười sáu của vua Chân-tông thành đại tôn sư, nghìn đời dân chúng thờ cúng như thánh Tản-viên.

Nó cười khúc khích:

- Nếu Lưu hậu mở võ đài, tại hạ sẽ rủ Tôn Đản, Lê Văn sang dự thi. Biết đâu chẳng được trúng cách làm Phò-mã.

Thình lình Thuận-Tường buột tay đánh rơi cái roi ngựa xuống đất. Tự-Mai nhanh tay, phẩy một cái, roi của nó cuốn lấy roi Thuận-Tường, thành ra cái roi chưa kịp rơi xuống đất đã được móc lên. Nó trao trả roi cho nàng:

- Cô nương, sao vậy?

Thuận-Tường run tun:

- Không sao cả. Tiểu muội đãng trí mà thôi.

Tây-Sơn lão nhân hỏi Tự-Mai:

- Tỷ như một trong ba công tử thành Phò-mã Tống triều. Không hiểu các vị sẽ làm gì?

- Nếu Thiên-tử muốn vỗ về, trấn an Nam phương, tiểu bối xin cầm đại quân trấn Nam thùy. Phò mã cùng Công-chúa dùng hết khả năng làm cho biên dân hai nước yêu nhau. Lại sẵn sàng chặt đầu bọn biên thần Tống muốn xâm chiếm Đại-Việt, Đại-lý, cũng như giết chết bọn tướng Lý vùng Bắc-biên gây chiến với Tống. Dân Tống, Lý biên thùy được bảo vệ tự do buôn bán trao đổi hàng hoá, trao đổi văn học, trao đổi nông tang.

Nó nói nhỏ:

- Nhất là dân Hoa, dân Việt tự do yêu nhau, tự do cưới nhau. Khi hai bên thành thông gia, làm gì còn chiến tranh.

Bắc-Sơn lão nhân tằng hắng một tiếng, hỏi Tự-Mai:

- Trần công tử, chủ trương đó là của triều Lý, của phái Đông-a, hay của công tử.

- Thưa tiền bối chẳng của Lý, cũng không của Đông-a, mà xuất phát do chủ đạo tộc Việt.

- Chủ đạo tộc Việt?

- Vâng! Nam-biên của Tống đều thuộc hai lộ Quảng. Mà dân hai lộ Quảng toàn người Hoa gốc Việt. Dân Bắc-biên Lý, dân Đông-biên Đại-lý cũng thuộc tộc Việt. Cho nên tiểu bối mong họ sống với nhau trong tình cha chung Phục-Hy, Thần-Nông.

- Tuyệt!

Thuận-Tường buột miệng khen.

Triệu Tiết, Khúc Chẩn được đồng môn làm cái cáng khiêng đi. Chúng lắng tại nghe rất rõ cuộc đối thoại của Tự-Mai với Thuận-Tường. Mỗi lời của Tự-Mai như dao đâm vào ngực nó. Đến đây chịu không nổi, nó lên tiếng:

- Nếu tuyển Phò-mã, điều lệ ắt chỉ cho con em Hán tộc dự thí. Có đâu cho bọn Di, Nhung, Địch, Man. Hừ! Cóc đòi ăn thịt ngỗng trời.

Tây-Sơn lão nhân mắng Triệu Tiết:

- Sư điệt không được nói lời khinh bạc đó.

Thình lình có tiếng trống thúc quân vang dội. Từ phía trước, một đoàn quân hùng tráng vô cùng đang tiến ngược chiều với đoàn người Hoa-sơn.

Bắc-sơn lão nhân lo lắng ra lệnh cho mọi người dừng lại quan sát.

Đạo quân dần dần tới gần. Lá cờ đi đầu màu vàng, viền xanh, trên có hàng chữ Lĩnh-Nam Bảo-quốc hoà dân công chúa. Một lá cờ khác màu tím, viền xanh, có hàng chữ đề Đại-Việt Bắc-biên nữ vương.

Tự-Mai trấn an mọi người:

- À, vua Bà Bắc-biên sắp tới.

Sau hai lá cờ, một đội voi hơn trăm con. Tiếp đến đội hổ, đội báo, đội sói. Mỗi con được một người dẫn đi như dẫn chó. Trên trời năm đoàn, mỗi đoàn hai mươi lăm chim ưng bay lượn. Đoàn quân khí thế muốn nghiêng trời lệch đất.

Bắc-Sơn lão nhân nói với mọi người:

- Chúng ta vốn người Hán, học lễ nghi đức thánh Khổng, phải nhớ rằng: Nhà có chủ, đất có vua. Chúng ta đang ở trong vùng Bắc-biên. Vậy xin hãy xuống ngựa bái kiến vua Bà.

Mọi người đứng sang bên đường chuẩn bị. Duy Thuận-Tường vẫn ngồi trên mình cọp, mở to mắt nhìn đoàn quân. Dường như nàng không nghe lời Bắc-Sơn lão nhân, mà lão cũng không nổi giận.

Vua Bà mặc áo lụa vàng, khăn vàng, dây lưng xanh, ngồi trên bành voi trắng. Trong cái oai nghi có cái dáng xinh đẹp của một thiếu phụ trẻ.

Bắc-Sơn lão nhân ra hiệu cho mọi người quỳ gối. Lão vận nội lực hô lớn:

- Đồng môn phái Hoa-sơn nhà Đại-Tống xin bái kiến vua Bà.

Thấp thoáng bóng vàng vọt lên cao như con hoàng oanh. Vua Bà rời bành voi, đáp xuống trước nhóm Hoa-sơn. Bà chắp tay đáp lễ:

- Nghe tin Hoa-sơn đồng đạo võ lâm qua chơi Bắc-biên, nên trẫm tới đây để được tương kiến. Xin miễn lễ.

Đám Hoa-sơn đứng dậy.

Tự-Mai quen cả hai bên. Nó giới thiệu Hoa-sơn tam lão cùng thất hùng. Bên Bắc-biên ngoài vua Bà còn có tam công, lục bộ thượng thư.

Vua Bà hỏi thăm từng người một. Ai cũng kinh hoảng khi bà biết lý lịch hầu hết phái đoàn. Cả đến những đệ tử đời thứ ba mới nhập môn. Tuy biết Thuận-Tường không chịu xuống cọp hành lễ, bà vẫn không giận. Bà dơ tay vẫy một cái. Con hùm chở Thuận-Tường ngoan ngoãn tới bên bà.

Vua Bà nắm tay Thuận-Tường:

- Muội muội viếng Tản-lĩnh có vui không? Dường như muội muội chưa kịp dùng thức ăn của Đại-Việt đấy nhỉ? Sao mặt muội muội lại buồn thế kia?

Thuận-Tường suýt bật thành tiếng khóc. Nàng đáp bâng quơ:

- Nhân sinh bất như ý sự thường bát cửu.

Tự-Mai nhẩm dịch trong lòng:

- Trong đời người, những sự không như ý thường tám chín phần mười.

Vua Bà vuốt tóc nàng:

- Văn muội muội tinh thông, võ muội muội nào kém ai? Tại sao lại chán đời? Hãy can đảm lên, tự phấn đấu cho đời mình chứ!

Thuận-Tường nắm lấy tay Bà:

- Đa tạ Bà.

Vua Bà liếc nhìn Tự-Mai, rồi mỉm cười. Nụ cười của bà mẹ nhìn đứa con lần đầu tiên biết đi. Bà cốc tay vào đầu Tự-Mai:

- Cậu em này hư thực. Ta mách Trần đại hiệp đánh què mới được. Ai đời khách nghìn dặm tới, chưa thù tiếp đã để cho về rồi.

Bà kéo Thuận-Tường đến bên cạnh:

- Hôm nay ta phải mời muội muội cùng các vị phái Hoa-sơn thưởng thức ít thổ sản Bắc-biên.

Trong khi bà nói truyện, đạo quân đã ngừng lại, cắm trại ngay chân núi. Đội nào ra đội ấy. Bà nhờ Thân Thừa-Phú tiếp các đệ tử Hoa-sơn. Còn Hoa-sơn tam lão, thất hùng cùng Thuận-Tường, Tự-Mai được mời vào trướng với bà.

Một mùi hương thơm, khét khét bốc lên ngào ngạt, làm Thuận-Tường chảy nước miếng. Tỳ nữ bưng vào ba hũ rượu. Vua Bà bầy trước mặt mỗi người ba cái chung, mỗi cái chung một mầu. Bà bưng hũ thứ nhất mở nắp. Hương rượu xông lên ngào ngạt. Bà rót rượu vào chung mầu vàng, trong khi cung nữ bưng lên món chả thơm nức. Bà nói:

- Nghe danh Tây-Sơn lão nhân được giang hồ tặng biệt hiệu Thiên chung bất túy. Mong lão nhân đừng tiếc công dạy cho những khuyết điểm về phương cách cất rượu của tệ quốc.

Tây-Sơn lão nhân cầm chung rượu đưa lên mũi hít một hơi, nếm một hớp rồi gật đầu:

- Công phu. Thực công phu. Rượu Cúc Đông-triều đây. Lão phu nghe tại dẫy núi Đông-triều có loại cúc nở bốn mùa. Cúc không phải sắc vàng, mà sắc tím. Khi cúc mới nở ngày đầu tiên, thì hái, đem về ủ dưới suối, sau đó đem cất rượu. Chắc là thứ rượu này.

- Thực không hổ với danh hiệu giang hồ tặng.

Vua Bà cầm chung rượu nâng lên:

- Nào chúng ta cạn chung này, nhắm với chả Mực. Rượu Cúc uống nhắm với chả mực, nguyên là cái thú của Công-chúa Đông-triều Lê Chân thời Lĩnh-Nam. Chả Mực ăn vào dễ bị đầy hơi, trong khi rượu Cúc giải được cái khó tiêu đó.

Mọi người cất chén, cùng gắp chả Mực ăn. Tự-Mai giảng tiểu sử Công-chúa Đông-triều cho Thuận-Tường nghe, mặc vua Bà đàm luận tình thế Lý-Tống với các cao thủ Hoa-sơn.

Cung nữ lại bưng lên món gỏi cá. Vua Bà giảng giải về gỏi cá phải làm như thế nào mới ngon, rồi người thân rót rượu từ hũ thứ nhì vào chung mầu trắng, đưa mắt nhìn Tây-Sơn lão nhân:

- Mong lão nhân chỉ dậy cho.

Lão nhân bưng chung rượu ngửi, rồi nếm. Lão gật đầu:

- Hợp giới ngũ vị tửu. Chà, lão phu nghe thứ rượu này từ hai mươi năm nay, giờ mới được nếm. Song kiến thức hủ lậu, lão phu không rõ Hợp-giới ngũ vị tửu cất ra sao?

Vua Bà quay lại đưa mắt cho một cung nữ:

- Người trình với lão nhân phép cất Hợp-giới ngũ vị tửu đi.

Cung nữ kính cẩn:

- Hợp-giới tiếng Việt là Cắc-kè. Trên toàn Lĩnh-Nam, chỉ có cắc kè Nga-sơn, Thanh-hóa nổi tiếng không độc, đuôi lớn vì nó chỉ ăn lá quế. Đuôi cắc-kè tụ khí dương Nga-sơn. Vì vậy dùng cắc kè ngâm rượu nếp, uống vào khiến tinh thần minh mẫn. Nó còn trị mọi thứ độc của thực phẩm. Cho nên thường uống khi ăn gỏi cá.

Bắc-Sơn lão nhân hớp hết chung rượu, thấy tinh thần phấn chấn, lão hỏi:

- Cô nương! Thế Hợp-giới tửu bên Đại-Việt do ai xướng xuất ra đầu tiên?

- Xưa Cửu-chân vương Đào Thế-Kiệt đã tìm ra thú uống rượu cắc kè với gỏi cá. Về sau, các tôn sư y học nghiệm ra rằng, rượu cắc kè hơi tanh, nên nấu với năm dược vật là quế chi, đại hồi, hồ tiêu, sà sàng tử, đởm hắc xà. Rượu mà lão nhân đang uống thuộc thứ này.

Tự-Mai, Thuận-Tường không biết uống rượu. Nó định gắp gỏi cá tiếp Thuận-Tường. Vua Bà dơ tay ngăn lại:

- Ăn gỏi cá phải uống rượu Hợp-giới. Chứ ăn không thì đau bụng đấy. Ta đã có món ăn đặc biệt cho muội muội với công tử rồi.

Cung nữ bưng ra hai bát bún riêu, khói bốc lên nghi ngút. Rau muống chẻ, rau kinh giới, tía tô được đựng vào cái rổ tre nhỏ xíu như một cái bát. Vua Bà bảo Tự-Mai:

- Công tử tiếp muội muội cho ta.

Đói, lạ miệng, bát bún riêu lại quá nhỏ, Thuận-Tường chỉ và mấy cái là hết.

Vua Bà cười hỏi Tự-Mai:

- Chắc công tử chửi thầm Cái mụ này sao keo kiệt, cho ăn bát bún riêu nhỏ quá. Có đúng thế không?

Bị đoán trúng tim đen, Tự-Mai mỉm cười, không trả lời. Vua Bà vẫy tay. Cung nữ lại bưng ra hai bát nữa. Tự-Mai kêu lên:

- Bún ốc!

Bây giờ nó mới hiểu tại sao vua Bà đãi Thuận-Tường bằng bát nhỏ. Thì ra Bà định mời khách ăn nhiều món khác nhau. Nếu mời bát lớn e khách chỉ ăn được một món.

Mặc Tự-Mai giảng về bún ốc cho Thuận-Tường. Vua Bà bưng hũ khác rót ra chung mầu đen, rồi thân trao tay Tây-Sơn lão nhân:

- Xin lão nhân phẩm bình cho.

Tây-Sơn lão nhân nếm qua đã bật cười:

- À, rượu Đông-hải đây! Trước kia lão phu được một người bạn cho một bình. Nhưng tuyệt không biết gốc tích ra sao. Mong vua Bà đừng tiếc công chỉ dạy.

Vua Bà chỉ Tự-Mai:

- Rượu này thuộc đặc sản Thiên-trường. Tiểu đệ hãy nói cho lão nhân biết gốc tích ra sao đi.

Tự-Mai đã lớn tuổi, nó từng xem nấu rượu này nhiều lần, được bố cùng các sư thúc giảng giải hoài, riết rồi nó thuộc lòng. Nghe vua Bà truyền, nó vội ngồi ngay ngắn lại:

- Thưa tiền bối, thứ rượu này nguyên sản xuất đầu tiên vào thời vua Hùng thứ tám mươi tám. Khi ngài ra lệnh cho Sơn-Tinh, Thủy-Tinh dâng lễ vật cầu hôn, trong đó bắt phải đủ mười hũ rượu. Sơn-Tinh có người đệ tử, quê ở Thiên-trường. Người đệ tử cất thứ rượu này biếu sư phụ. Sơn-Tinh dâng lên vua Hùng. Ngài ngự, thấy thơm thực thơm, mạnh thực mạnh, nhưng lại không nồng. Khi ngài cầm chung lắc mạnh, rượu bốc tăm, mà không có bọt. Từ đấy trong dân gian, khi con trai cầu hôn phải dâng rượu tăm cho nhạc gia. Thiếu thứ rượu này thì không được. Nó đưa mắt nhìn Thuận-Tường, rồi tiếp:

- Dân chúng gọi tên là rượu tăm. Còn nhân sĩ gọi là rượu Đông-hải.

- Ủa sao có tên lạ vậy?

Thuận-Tường buột miệng hỏi: Chắc chủ ý muốn chúc nhạc gia phúc như biển Đông chăng?

- Không phải thế. Nguyên trong văn chương Việt có câu: Thuận vợ, thuận chồng tát biển Đông cũng cạn. Vì vậy khi mua uống, có tên rượu tăm. Còn khi dâng nhạc gia mang tên Đông-hải. Chữ Đông-hải ý muốn cho vợ chồng tương thuận.

Cung nữ bưng lên món chả cá thơm phức.

Rượu vào lời ra.

Trời dần dần tối, Bắc-Sơn lão nhân đứng dậy chắp tay:

- Anh em chúng tôi bị Hồng-thiết giáo Tây-vực làm cho suýt gây oán với võ lâm Lĩnh-Nam. Chúng tôi đã lễ thánh Tản, xin được xá tội. Còn tội vào Bắc-biên không thẻ bài, chẳng có phép, vua Bà không bắt đem chặt đầu, đã rộng lượng lắm rồi, lại còn tặng hùm cho Thuận-Tường, ban thưởng cho uống rượu, thực lấy làm hổ thẹn. Giờ trời gần tối, xin cho được về đất Tống ngay, bằng chậm trễ, cửa thành đóng lại e khó khăn.

Vua Bà truyền tấu nhạc tiễn khách. Tự-Mai theo đoàn Hoa-sơn tới biên giới nó phải ngừng lại. Thình lình Thuận-Tường nắm tay nó thực mạnh, rồi buông ra, nước mắt chảy quanh. Trong khi cả phái Hoa-sơn đã vượt sang đất Tống, đang vào thành.

Nàng nói nho nhỏ:

- Non xanh còn đó, lo gì hết củi. Nước biếc đầy sông, sợ gì chết khát. Hẹn gặp lại đại ca.

Nói rồi nàng quát lên, con hùm chạy như bay về phía đất Tống. Thình lình Thuận-Tường vung tay, thanh kiếm của nàng bay vọt lên không, rồi rơi xuống trước mặt Tự-Mai.

Nó vội bắt lấy, tần ngần nhìn bao kiếm thoang thoảng mùi thơm. Khi nó ngửng đầu lên, thành đã đóng cửa, không còn thấy Thuận-Tường đâu nữa.

Tự-Mai nhảy lên voi thui thủi trở về, tay cầm bao kiếm đưa lên coi. Trên bao dát tất cả bẩy mươi hai viên kim cương, mười tám viên hồng ngọc. Nó cầm kiếm suy nghĩ:

- Không biết thân thế Thuận-Tường ra sao, mà bao kiếm dát ngọc quý đến như thế này. Đến chị Mỹ-Linh cũng không giầu bằng nàng.

Chợt nhớ lại thủ pháp tung kiếm của Thuận-Tường, nó rùng mình:

- Ở trên Tản-lĩnh, khi nàng tát mình, cùng tấn công mình rõ ràng như người không biết võ. Thế mà cái vung tay vừa rồi, chứng tỏ nội lực nàng cao thâm hơn bọn Triệu Tiết, Khúc Chẩn nhiều. À thì ra nàng không muốn xử dụng võ công với ta.

Có tiếng ngâm sa mạc đâu đó vọng về:

Em ơi chua ngọt đã từng,

Non xanh đất đỏ, xin đừng quên nhau.

Tự-Mai giật mình đến thót một cái. Nó nhìn lên. Phía trước đủ mặt: Nào Thiệu-Cực, Tôn Đản, Lê Văn, Thuận-Tông, Thiện-Lãm, Thanh-Trúc, Kim-Thành, Trường-Ninh. Phía sau một đội cọp, đội sói, mỗi đội mười con. Cả bọn cười hô hố.

Thanh-Trúc lớn hơn Tự-Mai đến hai ba tuổi. Nàng kinh nghiệm về tình yêu. Thấy mặt Tự-Mai buồn thiu, nàng vuốt tóc nó:

- Trăng tròn rồi lại khuyết. Tình đến rồi lại đi. Hôm nay chia tay, nhưng sẽ lại gặp nhau. Lo gì?

Tự-Mai tạm quên mối sầu xa Thuận-Tường. Thiệu-Cực cho cắm lều, sai đội cọp, đội sói canh phòng. Cả bọn qua đêm dưới chân ngọn núi.

Sau một ngày quá mệt mỏi, bọn trẻ nằm xuống là ngủ ngay. Duy Tự-Mai, nó ôm thanh kiếm của Thuận-Tường, thao thức gần đến sáng mới chợp mắt được.

Sáng sớm hôm sau, bọn trẻ lại tiếp tục du sơn, ngoạn thủy.

Đám trẻ đi đến trưa, Thiệu-Cực chỉ lên ngọn núi phía trước:

- Kia là ngọn núi Mai-sơn. Bắc Mai-sơn thuộc biên giới Tống-Việt. Hồi xưa từ Mai-sơn lên Bắc hơn ba trăm dặm của Việt cả. Sau động chủ theo Tống thành ra của Tống.

Kim-Thành ngước đôi mắt buồn như hồ thu, nhìn lên đỉnh núi mây phủ mờ mờ hỏi:

- Người ta bảo đứng trên đỉnh núi có thể nhìn thấy khắp vùng Ung-châu bên Trung-quốc. Vậy cô có cho binh đóng ở đây không?

Thiệu-Cực bẹo má em:

- Kim-Thành ngây thơ quá. Nếu cho đóng binh ở trên đó, việc tiếp tế thực phẩm, nước cực kỳ khó khăn. Vì vậy anh thả tế tác từ biên giới tới tận Đàm-châu. Nhất cử nhất động của Tống, tế tác cho chim ưng báo liền.

Trường-Ninh tỏ ý tán đồng lời Thiệu-Cực:

- Hôm trước vị quan quản Khu-mật viện Tạ Sơn có tâu với ông nội rằng Tế-tác Bắc-biên do Cú-rừng phụ trách. Phàm nhất cử nhất động của Tống từ Đàm-Châu đến bờ biển Đông-hải, Cú-rừng đều biết hết. Vậy em hỏi một câu, Cú-rừng đừng có giận nghe!

Thiệu-Cực nhìn cô em họ tuổi tuy mười lăm, mà sớm đã trổ hoa, dáng điệu thanh tĩnh, nhẹ nhàng, môi hồng, mắt phượng; trong tương lai hứa hẹn đẹp hơn Mỹ-Linh nhiều. Chàng gật đầu:

- Trường-Ninh cứ hỏi. Người xinh đẹp như Trường-Ninh mà hỏi; dù Trường-Ninh muốn xem gan, xem ruột, anh cũng phải mổ cho xem.

Trường-Ninh thấy hai ông anh con cô mình thực khác nhau một trời một vực. Thiệu-Thái to lớn, ì ạch, dáng như con lợn. Tính tình chân thực, có sao nói vậy. Còn Thiệu-Cực, dáng người thanh nhã, đôi mắt sáng như sao, nói năng dễ lọt tai. Nàng chỉ Thuận-Tông với Thiện-Lãm:

- Mấy hôm nữa, có cuộc đấu võ tuyển người thống lĩnh vùng Thượng-oai, Phong-châu. Mà các khê động của hai vùng này, nửa thuộc Tống, nửa thuộc Việt. Bên Tống ắt cho người dự tranh. Anh có biết họ định làm gì không?

Thiệu-Cực cầm tù và thổi lên một hồi dài. Trên trời, hai mươi chim ưng bay xuống đậu quanh chàng. Chàng huýt sáo. Đàn chim ưng vỗ cánh bay bổng lên cao. Chúng bay lượn mấy vòng rồi đồng kêu lên mấy tiếng.

Tôn Đản hỏi Thiệu-Cực:

-- Trước khi trả lời Trường-Ninh, anh sợ có người nghe lén. Vì vậy anh ra lệnh cho thần ưng quan sát xung quanh phải không?

- Đúng thế. Chúng báo quanh đây hai dậm, không có người.

Chàng trả lời Trường-Ninh:

- Em phải phân biệt Tống làm ba thành phần. Một do đám quan biên trấn chủ trương. Hai, do Khu-mật viện của Triệu Thành chủ trương. Ba, do Lưu hậu chủ trương. Trong việc cho người tranh chức thống lĩnh này, đám do biên thần Dư Tĩnh thuộc phái Hoa-Sơn có Triệu Tiết, Khúc Chẩn đáng ngại nhất. Bình thường đấu e Lãm, Tông không phải đối thủ của chúng. May sao hai đứa này bị Đản, Mai đánh trọng thương. Đám Triệu Thành thuộc phái Thiếu-Lâm, bản lĩnh Quách Quỳ tầm thường, ta e Đào Bật cũng không hơn. Cuối cùng chỉ đáng ngại đám do Lưu-hậu sai xuống, chúng thuộc Võ-đang. Không hiểu Yên Đạt với Tu Kỷ bản lĩnh ra sao. Tuy vậy ta còn thời giờ. Mình cứ lo luyện cho Thiện-Lãm, Thuận-Tông thực cẩn thận là được rồi.

Đến đó, đôi chim ưng từ xa bay đến. Một con đáp trên tay Thiệu-Cực. Chàng lấy thư dưới chân chúng ra đọc, rồi thả cho chúng bay lên.

Tự-Mai hỏi:

- Lệnh của vua Bà chăng?

- Không! Lệnh cậu hai. Cậu truyền chúng ta trở về gấp, để lên đường sang Tống.

Đám trẻ không dám ham chơi, vội cho voi chạy thực mau trở về. Tới nơi, Thiệu-Cực dẫn tất cả vào sảnh đường. Trong sảnh đường đủ mặt: Sư thái Tịnh-Huyền, Khai-Quốc vương, Thanh-Mai, phò mã Thừa-Quý, vua Bà Bắc-Biên cùng triều đình.

Vua Bà Bắc-biên hỏi Tự-Mai:

- Trần công tử. Tại sao mặt lại bí xị thế kia? Vui lên chứ!

Nói rồi bà ngửa mặt lên trời mà cười. Xưa nay Tự-Mai vốn hay đùa. Ai nó cũng dám trêu hết. Người duy nhất khiến nó phải nghiêm trang là bản sư Tịnh-Huyền của nó. Đối với nó bà là Bồ-tát hóa thân, thuyết giảng, dẫn nó đi vào đường giải thoát. Lúc nào nó cũng cười đùa hồn nhiên. Không ngờ từ sau khi gặp Thuận-Tường, nó như người đi trên mây, buồn vui thất thường. Bị vua Bà hỏi một câu, tuy có vẻ châm biếm, nhưng thực ra đầy thương cảm, an ủi. Nó có cảm tưởng như ai cũng biết truyện của nó.

Khai-Quốc vương vỗ vai nó:

- Trên đời này, bất cứ việc gì thuận lý nếu chúng ta cố gắng cũng thành công. Một người làm không xuể thì hai. Hai không thành thì năm. Năm không thành thì mười. Chỉ sợ con người ham muốn những gì nghịch lý mới thất bại mà thôi.

Thiệu-Cực muốn đưa mọi người ra khỏi truyện tình Tự-Mai, Thuận-Tường, chàng trình bày:

- Chỉ còn nửa tháng nữa tới ngày tuyển người thống lĩnh Phong-châu, Thượng-oai. Cho đến nay đã có tất cả mười hai người ghi tên. Như vậy Thuận-Tông, cũng như Thiện-Lãm phải thắng năm người. Trước khi dự tuyển, xin mạ mạ ban chỉ dụ.

Vua Bà Bắc-biên chắp tay xá sư thái Tịnh-Huyền rồi nói:

- Chúng ta khác với Tống ở điểm Tống dùng hình pháp trị dân. Ta dùng nhân nghĩa khiến trăm họ tuân phục. Ta khác với Hồng-thiết giáo ở điểm Hồng-thiết giáo dùng xảo trá. Ta dùng chính đạo ngay thẳng. Vì vậy trong cuộc tranh đấu này, chúng ta phải đường đường chính chính tranh tài. Nếu hai con có bản lĩnh hơn người hãy làm châu trưởng. Còn thua người, thì đừng làm.

Bà nhấn mạnh:

- Hiện trong hai anh em tham dự, chia ra mỗi người tranh một châu. Thí sinh chia làm hai toán. Một toán tuyển anh kiệt cho Thượng-oai, một toán cho Phong-châu. Như vậy mỗi toán có sáu người. Tống có sáu người ứng tuyển. Ta có bốn thiếu niên khê động, với hai con thành sáu. Các thiếu niên Khê-động bản lĩnh họ không được làm bao. Nhưng họ hiểu dân tình hơn. Về sáu thiếu niên Tống, hai người do kinh lược an-phủ sứ Quảng-Đông Dư Tĩnh cài vào là Triệu Tiết, với Khúc Chẩn đã bị loại ra sau trận đánh Tản-lĩnh. Hai người do Khu-mật viện Tống cài vào, gồm Quách Quỳ, Đào Bật. Giờ phút trót họ cho rút tên ra. Có lẽ họ thấy Quỳ không đủ bản lĩnh, ắt Đào Bật cũng thất bại. Cuối cùng còn hai người do Lưu-hậu cài vào là Tu Kỷ với Yên Đạt. Bà sai Vương Duy-Chính cho giả làm con em Khê- động. Nhưng ta không có cớ nào loại chúng. Ta đành chấp thuận.

Bà đưa mắt nhìn Khai-Quốc vương:

- Tóm lại còn tám người tranh tài gồm ta hai, khê động bốn, Tống hai. Mỗi toán có bốn người, sẽ chia làm hai cặp. Sau trận đầu loại hai người. Nếu trận này con gặp người Tống, phải dùng tất cả bình sinh công lực, đánh như vũ bão, sao cho thắng thì thôi. Còn trường hợp gặp thiếu niên khê động, cứ đánh cầm chừng, cuối cùng họ mệt quá xin thua là hay nhất. Bấy giờ các con phải dùng lời lẽ khiêm tốn an ủi họ.

Bà nhìn Tông, Lãm:

- Sau trận đầu mỗi toán còn hai người. Ai thắng hai trận, sẽ được trúng tuyển. Bất biết trận này hai con gặp người Tống hay người Khê-động phải tỏ ra lễ độ, đường đường, chính chính nhường người ra chiêu trước. Lỡ ra thấy mình yếu thế, phải nhảy lui lại hành lễ, xin thua. Như vậy dù có bại, cũng không nhục nhã gì. Thôi hai con ra ngoài để Tự-Mai, Lê Văn luyện võ cho.

Đám trẻ đến phòng luyện võ. Tự-Mai bàn với Lê Văn:

- Nếu mình có thua, chỉ có thể thua hai thiếu niên khê động, chứ không thể thua Tu Kỷ, Yên Đạt. Kỷ, Đạt thuộc phái Võ-đang, ta nghiên cứu võ công Võ-đang trước. Hồi đánh trận Bạch-đằng, ông nội mình có bắt được cuốn quyền phổ phái Võ-đang, sau đó đem về nghiên cứu ra bộ Côi-sơn quyền pháp để phá Võ-đang quyền. Bây giờ mình dạy Tông, Lãm xem sao.

Nói rồi nó di một lần, giảng giải chi tiết biến hóa:

- Khi đối thủ từ Càn biến sang Khôn, mình phải từ Trấn biến sang Đoài.

Nhưng Thuận-Tông, Thiện-Lãm lại chưa biết gì về Dịch-lý. Thành ra Tự-Mai giảng giải thế nào hai người cũng không hiểu. Nó vò đầu bứt trán khổ sở.

Lê Văn thấy vậy can thiệp:

-- Vậy để em dạy hai ông anh này sơ sơ về kinh Dịch đã.

Cuộc luyện võ phải ngưng lại. Lê Văn đem kinh Dịch ra giảng. Kinh Dịch là tổng hợp khoa toán học, thiên văn học, cùng lẽ biến động của vũ trụ, vốn cực kỳ phức tạp. Tông, Lãm chưa có một ý niệm nào, mà Lê Văn lại không kinh nghiệm giảng dạy. Cho nên khi giảng đến Tiên-thiên bát quái đồ, hai đứa ngơ ngơ ngác ngác không hiểu gì cả. Vì vậy trong suốt mười ngày qua, Tự-Mai mới luyện cho hai đứa được mười chiêu trong mười tám chiêu. Tám chiêu còn lại chỉ xử dụng được, mà không biết biến hoá.

Suốt ngày, năm đứa trẻ không rời phòng luyện võ. Đến giờ, chúng bắt nữ tỳ mang thức ăn đến chứ không về nhà ăn.

Cổ nhân nói Dục tốc bất đạt trong trường hợp này quả đúng. Tự-Mai càng thúc dục, hai đứa càng miệt mài, càng không hiểu.

Cho đến hôm ấy chỉ còn một ngày nữa tới kỳ tuyển, mà hai đứa càng hoảng hốt, rút cuộc vẫn không hiểu. Truyện này tới tai Thanh-Mai. Nàng an ủi chúng:

- Chẳng lẽ không học được phá cách võ công Võ-đang, mà không ai địch lại Yên Đạt, Tu Kỷ chăng? Tông cứ dùng võ công Mê-linh. Lãm dùng võ công Tản-viên đấu với chúng cũng được chứ sợ gì. Ta không làm châu trưởng, vì tài ta không tới. Ta học thêm, rồi làm những truyện khác, khối việc phải làm cho đất nước đang chờ đón ta.

Hôm ấy, ngày mười rằm tháng mười, 207 động chủ, châu trưởng đều tề tựu về động Giáp. Dân chúng các nơi kéo về đông nghẹt, để xem cuộc tuyển võ. Trên một thửa đất rộng, võ đài được dựng lên cao hơn một trượng. Cạnh võ đài có ba chiếc ghế, dành cho ba giám khảo ngồi.

Xung quanh võ đài có ba khán đài nằm cạnh nhau. Khán đài trung ương nằm giữa, đành cho vua Bà, các đại thần triều Bắc-biên cùng quan khách. Hai khán đài hai bên dành cho phái đoàn 207 khê động. Trước khán đài, là kỳ hiệu của các khê động, khuôn khổ bằng nhau bay phất phới.

Dân chúng đứng xung quanh võ đài dự thính. Theo thông lệ mỗi khi có cuộc tuyển người làm động chủ, châu trưởng, bao giờ ban tổ chức cũng mời đại diện các võ phái, bang phái trên toàn lãnh thổ Đại-Việt. Riêng năm nay, những phái võ của tộc Việt như Thiên-tượng, Động-đình, Phật-thệ, Cửu-long, Tha-nôm đến những bang lớn như Đông-hải, Hồng-hà, Hoàng-liên, Tiên-yên đều được mời.

Lạc-long giáo được coi như một phái lớn, cũng được mời về tham dự.

Đúng giờ Mão, vua Bà Bắc-biên tới.

Nghi lễ đứt.

Đại tư mã Thân Thừa-Phú lên đài, hướng vào quần chúng, ông vận nội lực nói lớn:

- Thưa quý khách. Từ khi Hồ tiên cô thống nhất bẩy mươi hai khê động thành châu Tây-vu. Chúng ta bắt đầu sống qui tụ từ đó. Sớm tối có nhau. Sau thời Lĩnh-Nam, các lạc-hầu, lạc-tướng vùng đồng bằng Đại-Việt bị phế bỏ, biến thành làng xã. Duy Tây-vu ta trên nghìn năm nay vẫn giữ chế độ lạc-hầu, lạc-tướng. Nay lạc ấp được gọi bằng danh xưng khê động.

Ông ngừng lại, lấy hơi, rồi nói tiếp:

- Truyền thống của khê động về người động chủ có hai lối. Một là cha truyền con nối. Hai là tuyển người hiền tài. Năm vừa qua lạc hầu Lưu Nguyên, thống lĩnh các châu Quảng-nguyên, Tư-lãng, Thượng-dung, Hạ-dung, Hoành-sơn, Ôn-nhuận, Qui-hóa thường bị bệnh. Trong khi người không muốn truyền ngôi cho con trai. Vì vậy lạc hầu tấu với vua Bà xin tổ chức cuộc tuyển người tài để truyền ngôi.

Lưu Nguyên đứng lên hướng vào vua Bà hành lễ, rồi chắp tay vái cử tọa.

Thừa-Phú tiếp:

- Lạc hầu Hoàng Sùng-Anh, thống lĩnh các châu Lôi-hỏa, Đặc-ma, Bảo-lạc nhân tuổi già, muốn được nghỉ ngơi, cũng xin tìm người thay thế. Vì vậy mới có cuộc tuyển nhân tài hôm nay. Cuộc tuyển nhân tài được đặt dưới quyền giám khảo của ba vị.

Ông chỉ vào Nùng Tồn-Phúc:

- Lạc hầu Tồn-Phúc làm chánh khảo, chấm về chiêu số. Xin mời Nùng lạc hầu lên đài.

Nùng Tồn-Phúclên đài hướng vào cử tọa vái ba vái rồi ngồi xuống.

Thừa-Phú tiếp:

- Vị giám khảo thứ nhì là lạc hầu Vi Thủ-Đan sẽ chấm về về công lực. Mời Vi lạc hầu lên đài.

Vi Thủ-Đan lên đài, hướng vào khán giả vái ba vái rồi ngồi xuống.

Thừa Phú tiếp:

- Lạc hầu Lưu Nguyên, Hoàng Sùng-Anh sẽ chấm về võ đạo cho những thí sinh của mình.

Lưu Nguyên, Hoàng Sùng-Anh lên đài, ngồi vào ghế giám khảo.

Thừa-Phú tiếp:

- Đức Đại-Việt hoàng-đế cử Khai-Quốc vương, Phụ-quốc thái úy, thống lĩnh quân quốc trọng sự lên chứng minh cho cuộc tuyển nhân tài này, đã nói lên việc ngài hết sức chăn sóc đến đời sống của biên dân.

Khai-Quốc vương đứng dậy dơ tay vẫy quần chúng. Quảng trường reo hò hoan hô vang dậy.

- Ngoài ra chúng tôi còn thấy có quan đại tư không nước Đại-lý là Chu Minh đại diện đức hoàng-đế cùng phái Thiên-tượng về tham dự.

Một nửa biên giới của các khê động giáp giới với Đại-lý. Tộc Thái chiếm bẩy phần mười số dân trong nước. Tại vùng Bắc-biên có tới sáu khê động người Thái. Nay họ thấy một trong ba tể thần Đại-lý tới chứng minh, làm dân chúng tin tưởng phần nào vào tương lai yên ổn của họ. Họ vỗ tay hoan hô.

- Về các quốc vương Xiêm-la, Lão-qua, Chiêm-thành, vì đường xá xa xôi không cử người tới kịp, cũng truyền chỉ tới chúc mừng.

- Về các đại môn phái. Phái Tiêu-Sơn có đại sư Sùng-Minh. Phái Đông-a có đại hiệp Vũ Anh. Phái Sài-sơn có y sư Dương Bình. Phái Mê-linh có sư thái Tịnh-huyền. Phái Tản-viên có đại hiệp Đào Nhị-Bách. Bang Hồng-hà có Sử bang chủ. Bang Đông-hải có Hùng bang chủ. Lạc-long giáo có trưởng lão Ngô Bách-Vân. Thực vinh hạnh cho chúng ta ngày hôm nay.

Quay về phía Nùng Tồn Phúc, ông nói:

- Xin mời Nùng chủ khảo ban hành thể lệ tuyển.

Nùng Tồn-Phúc hướng vào cử toạ nói:

- Về thể lệ cuộc tuyển lựa. Muốn được ứng tuyển, thí sinh phải hội đủ năm điều sau: Là con em của 207 khê động. Trong tuổi mười ba đến đến mười tám. Không bị bệnh tật, tật nguyền. Không phải thành phần bất hảo như trộm cướp. Biết nói tiếng Việt. Tất cả có mười hai ứng viên. Song trước đây mười lăm ngày có bốn ứng viên xin rút tên.

Phúc hướng xuống dưới đài hô:

- Ứng viên châu trưởng Thượng-oai có tên sau: Lê Thuận-Tông, Lưu Tường, Yên Đạt, Vi Chấn. Ứng viên châu trưởng Phong-châu có tên sau: Hà Thiện-Lãm, Hoàng Tích, Tu Kỷ, Nùng Sơn Bi. Yêu cầu các ứng viên lên đài.

Tám ứng viên lên đài hướng vào vua Bà hành đại lễ.

Nùng Tồn-Phúc tiếp:

- Thể lệ cuộc đầu như sau: Không được dùng ám khí, chất độc. Không được cù ki (cù lét). Tuyệt đối người ngoài không thể, không nên trợ giúp ứng viên. Đây là cuộc đấu phân tài cao thấp, chứ không phải đấu với kẻ thù. Ứng viên nào đánh chết đối thủ, coi như bị loại. Vì mỗi châu có bốn ứng viên. Cho nên các ứng viên được rút thăm, chia làm hai cặp đấu sơ tuyển. Sau trận đầu, hai ứng viên thắng được nghỉ một giờ rồi vào chung kết.

Y hướng xuống đài:

- Mời quan Lễ-bộ thượng-thư cho rút thăm.

Lễ bộ thượng thư là Chu Thúy-Hoa. Bà là một phụ nữ cao niên, không biết võ công. Bà đưa ra cái hộp có bốn phiếu nói:

- Trong hộp này có bốn phiếu. Hai phiếu mang số một. Hai phiếu mang số hai. Thí sinh nào rút trúng số một sẽ đấu với nhau trận đầu. Thí sinh nào rút trúng số hai sẽ đấu trận thứ nhì.

Bà đưa hộp cho bốn người rút. Bốn người trình phiếu ra. Chu Thúy-Hoa xướng:

- Trận đầu ứng viên Lưu Tường đấu với ứng viên Vi Chấn. Trận thứ nhì, ứng viên Lê Thuận-Tông đấu với ứng viên Yên Đạt. Mời ứng viên Lưu Tường, Vi Chấn lên đài.

Dưới đài, Tự-Mai dặn Thuận-Tông:

- Như vậy lát nữa Tông phái đấu với tên Yên Đạt.

Lê Văn dùng ngón tay điểm vào huyệt Thần-môn, Nội-quan, Phong-trì, Bách-hội cho Thuận-Tông. Nó dặn:

- Em điểm vào mấy huyệt này, khiến cho anh bớt hồi hộp.

Trên đài Lưu Tường, Vi Chấn đã bắt đầu bái tổ, rồi phát chiêu. Thoáng nhìn qua, Tự-Mai đã nhận ra hai người xử dụng võ công Tây-vu.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.