Ấn Tượng Sai Lầm

Chương 22




Leapman đã thức dậy từ lâu trước khi chiếc limousine tới đón ông ta. Hôm nay không phải là ngày mà ông ta có thể ngủ quá giấc.

Ông ta xuống khỏi giường và đi thẳng vào bếp. Dù cố cạo nhẵn tới mức nào, Leapman biết rằng râu của ông ta sẽ lại mọc lên lởm chởm từ rất lâu trước khi ông ta lên giường vào buổi tối. Chỉ cần để qua một kỳ nghỉ cuối tuần là ông ta đã có một bộ râu rậm. Sau khi tắm và cạo râu xong, ông ta chẳng buồn ăn sáng. Cô chiêu đãi viên trên chiếc máy bay riêng của ông chủ sẽ phải chuẩn bị bữa sáng cho ông ta. Có ai trong khu nhà chung cư xuống cấp ở một khu vực nghèo nàn này lại có thể tưởng tượng được rằng chỉ vài giờ nữa, Leapman sẽ là hành khách duy nhất trên một chiếc Gulfstream V bay tới London?

Ông ta bước tới chiếc tủ quần áo khép hờ và lấy ra bộ complê mới nhất, chiếc áo sơ mi vừa vặn nhất và chiếc caravát chưa đeo lần nào. Ông ta không thể để cho viên phi công trông bảnh bao lịch sự hơn mình được.

Leapman đứng bên cửa sổ chờ chiếc limousine nhận thấy rất rõ rằng căn hộ của mình chỉ hơn căn buồng giam trong tù nơi ông ta đã ngồi bóc lịch 4 năm có một chút. Ông ta nhìn xuống Phố 43 khi một chiếc limousine bóng loáng dừng lại ở trước cửa tòa nhà.

Leapman bước lên ghế sau xe và không thèm nói với tài xế câu nào. Bắt chước Fenston, ông ta ấn một chiếc nút trên chỗ để tay và quan sát tấm cửa kính màu khói được nâng lên, ngăn cách ông ta với người lái xe. Trong suốt 24 giờ tới, ông ta sẽ sống trong một thế giới khác hẳn. Bốn mươi lăm phút sau đó, chiếc limousine rời xa lộ Van Wyck và rẽ vào lối dẫn tới sân bay JFK. Người tài xế đánh xe qua một lối đi mà ít có hành khách nào phát hiện ra và cho xe dừng lại bên ngoài một ngôi nhà nhỏ chỉ dành để phục vụ cho những ai có máy bay riêng. Leapman bước ra khỏi xe và được đưa tới một căn phòng riêng, nơi viên phi công lái chiếc Gulfstream V của Fenston đang chờ ông ta.

“Có hy vọng cất cánh sớm hơn kế hoạch không?” Leapman hỏi ngay khỉ vừa ngồi xuống chiếc ghế bành to bọc da.

“Không, thưa ngài”, viên phi công trả lời, “cứ 45 giây lại có một chuyến bay và giờ cất cánh của chúng ta đã được án định là 7 giờ 30”.

Leapman cằn nhằn, rồi giở các tờ báo buổi sáng ra đọc.

Tờ Thời báo New York đưa tin rằng Tổng thống Bush sẽ thưởng 50 triệu đôla cho ai bắt được Osama Bin Laden, một chuyện mà Leapman cho rằng chẳng khác gì cách tiếp cận luật pháp và trật tự ở Texas trong mấy trăm năm qua. Giá trị cổ phiếu của công ty Fenston Finance bị tụt 12 cent theo đánh giá của tờ Tạp chí Phố Wall, một số phận mà nhiều công ty có trụ sở tại Trung tâm Thương mại Thế giới phải hứng chịu. Một khi ông ta có được bức Van Gogh, công ty sẽ thoát ra khỏi giai đoạn cổ phiếu bị mất giá. Dòng suy nghĩ của Leapman bị cắt đứt bởi một thành viên của phi hành đoàn.

“Lên máy bay được rồi, thưa ngài, chúng ta sẽ cất cánh trong vòng 15 phút nữa”.

Một chiếc xe khác đưa Leapman tới chân cầu thang máy bay, và chiếc máy bay bắt đầu chạy lấy đà thậm chí trước khi ông ta uống xong ly nước cam, nhưng phải đến khi chiếc máy bay ổn định độ cao ở 30 nghìn bộ so với mực nước biển và tín hiệu báo thắt dây an toàn đã tắt, ông ta mới bắt đầu thư giãn, ông ta dướn người về phía trước, cầm ống nghe lên và quay số đường dây riêng của Fenston.

“Tôi đã cất cánh”, ông ta nói, “và chẳng có lý do gì mà tôi lại không trở về vào giờ này sáng ngày mai” ông ta dừng lại - “với một ông già Hà Lan ngồi bên cạnh”.

“Gọi cho tôi khi ông hạ cánh”, vị chủ tịch trả lời.

Tina ngắt đường dây nối thông với máy chính của chủ tịch công ty.

Mấy hôm nay Leapman thường xộc vào phòng chị mà không gõ cửa, ông ta không dấu diếm việc ông ta nghi ngờ là Anna vẫn còn sống và vẫn bí mật liên lạc với chị.

Máy bay riêng của vị chủ tịch đã cất cánh đúng giờ vào sáng hôm đó, và chị đã nghe được toàn bộ nội dung cuộc nói chuyện của Fenston với Leapman. Chị nhận thấy Anna chỉ còn vài giờ trước ông ta, với điều kiện là Anna đã tới được London. Tina hình dung thấy cảnh Leapman trở về New York vào ngày hôm sau với một nụ cười nhăn nhở trên mặt và đưa bức Van Gogh cho vị chủ tịch. Tina tiếp tục tải xuống những hợp đồng mới nhất mà trước đó chị đã gửi theo đường thư điện tử tới địa chỉ riêng của mình - một công việc mà chị chỉ làm khi Leapman không có mặt trong văn phòng và Fenston thì đang chúi đầu vào công việc.

***

Chuyến bay đầu tiên từ sân bay Schipol tới London Gatwick vào sáng hôm đó theo lịch trình sẽ cất cánh vào lúc 10 giờ. Anna mua vé của hãng British Airways và được thông báo là chuyến bay sẽ khởi hành chậm 20 phút. Nhân sự chậm trễ này, cô đi tắm và thay quần áo. Schipol đã quá quen thuộc với những hành khách qua đêm. Anna chọn một bộ quần áo giản dị nhất trong hành trang ít ỏi của cô cho cuộc gặp gỡ sắp tới với Victoria.

Vừa ngồi nháp cà phê trong quán Caffe Nero, Anna vừa giở những trang báo của tờ Herald Tribune: “50 triệu đôla tiền thưởng”, là nội dung của một tít báo trên trang hai - thấp hơn giá trị của bức Van Gogh nếu nó được đem ra đấu giá tại bất kỳ một nhà đấu giá nào. Anna không lãng phí thời gian cho bài báo bởi vì cô phải tập trung vào những vấn đề ưu tiên của mình và suy nghĩ xem phải nói gì với Victoria.

Trước hết, cô phải tìm hiểu xem bức Van Gogh hiện nay đang được cất ở đâu. Nếu Ruth Parish đang cất bức tranh trong kho, cô sẽ phải khuyên Victoria gọi điện cho Ruth và yêu cầu bà ta chở nó trả lại Lâu đài Wentworth ngay lập tức, và dặn Victoria nói thêm với Ruth rằng Fenston Finance sẽ không được phép làm ngược lại với yêu cầu của Lâu đài Wentworth, đặc biệt là khi hợp đồng duy nhất về việc này đã biến mất. Cô có cảm giác là Victoria sẽ không đồng ý làm việc đó, nhưng nếu bà ta đồng ý, Anna sẽ liên lạc với Nakamura ở Tokyo và cố tìm hiểu xem liệu- “Chuyến bay 8112 của hãng hàng không British Airways tới London Gatwick bắt đầu đón khách tại cửa D14”, tiếng loa phóng thanh cất lên thông báo đã đến giờ lên máy bay.

Khi máy bay bay qua eo biển Măng sơ, Anna xem xét lại kế hoạch của mình một lần nữa và cố tìm ra một điểm sai lầm nào đó trong lập luận của cô. Có lẽ không có sai lầm mang tính lôgic nào. Máy bay hạ cánh xuống London Gatwick chậm 35 phút.

Anna nhìn đồng hồ khi cô đặt chân xuống đất Anh, và hiểu rằng cô chỉ còn 9 giờ nữa trước khi Leapman hạ cánh xuống Heathrow. Ngay sau khi qua cửa kiểm tra hộ chiếc và lấy hành lý, Anna đi tìm thuê một chiếc xe. Cô tránh xa chiếc bàn của công ty Happy Hire và đứng xếp hàng trước chiếc bàn của hãng Avis.

Anna không trông thấy một anh chàng trẻ tuổi ăn mặc bảnh bao đang đứng trong quầy hàng miễn thuế và nói nhỏ vào điện thoại di động, “Cô ta đã hạ cánh. Tôi đang bám theo”.

***

Leapman ngả người trên chiếc ghế da to, êm ái hơn bất cứ thứ gì trong căn hộ của ông ta ở Phố 43. Cô chiêu đãi viên đem cà phê đen cho ông ta, đựng trong một chiếc cốc sứ có miệng mạ vàng đặt trên một chiếc khay bạc. Ông ta nghĩ tới nhiệm vụ trước mặt mình, ông ta biết mình chẳng qua chỉ là một gã ăn mày, cho dù trong chiếc bị ăn mày của ông ta có cả một bức tranh của Van Gogh, một trong những bức tranh quý giá nhất trên thế gian này. Ông ta khinh bỉ Fenston, một kẻ chưa bao giờ coi trọng ông ta. Chỉ cần Fenston ghi nhận công lao đóng góp của ông ta, chỉ cần Fenston thi thoảng nói lời cảm ơn vì những việc làm của ông ta, như thế cũng đã đủ. Đúng là Fenston đã đưa ông ta ra khỏi ngục tù, nhưng là để đưa ông ta vào một kiểu ngục tù khác.

Ông ta đã phục vụ Fenston gần mười năm nay và đã chứng kiến gã di dân thô lậu từ Bucharest này leo dần lên những bậc thang của tiền tài và danh vọng - một chiếc thang mà ông ta phải đứng dưới để giữ cho chắc, với thân phận của một tên nô lệ. Nhưng qua đêm nay thôi, điều đó sẽ thay đổi. Chỉ cần mụ kia mắc một sai lầm và vị trí của ông ta với Fenston sẽ hoán đổi cho nhau. Fenston sẽ ngồi tù, còn ông ta sẽ ôm trọn cả một gia tài khổng lồ trong tay. “Ngài có dùng thêm cà phê không ạ”, cô chiêu đãi viên hỏi.

***

Chẳng cần phải có bản đồ, Anna vẫn tìm được đường tới Lâu đài Wentworth, cho dù cô phải luôn chú ý để không bị lạc đường khi phải đi trên những con đường đông nghịt xe cộ.

Bốn mươi phút sau, cô đánh xe vào cổng tòa lâu đài. Anna hầu như chẳng biết gì về kiến trúc Baroque từng thịnh hành vào cuối thế kỷ 17 và những căn nhà của quý tộc Anh vào cuối thế kỷ 18 trước khi cô đặt chân đến Lâu đài Wentworth. Cao ốc này - Victoria gọi tòa Lâu đài bằng cái tên như vậy - được Ngài John Vanbrugh xây dựng vào năm 1697. Đây là công trình đầu tay của ông ta trước khi ông ta xây dựng Lâu đài Howard và sau đó là Cung điện Blenheim cho một vị tướng thắng trận khác và trước khi ông ta trở thành một kiến trúc sư nổi tiếng nhất thời bấy giờ.

Con đường dài chạy từ cổng vào tòa lâu đài được bao phủ bởi những tán sồi dày đặc. Một vài cây sồi cổ thụ đã bị đổ trong trận bão vào năm 1987 và để lại những lỗ hổng lớn. Anna lái xe qua một chiếc hồ đầy chim Magoi Koi, những con chim di cư đến từ Nhật Bản, rồi qua hai chiếc sân ten nít và một bãi cỏ phủ đầy lá vàng của mùa xuân. Khi cô ngoặt vào lối rẽ, tòa lâu đài hiện ra sừng sững giữa một khu rừng cổ thụ rộng hàng ngàn mẫu Anh.

Victoria đã từng nói với Anna rằng tòa lâu đài này có tất cả 67 phòng, trong đó có 14 phòng dành cho khách. Căn phòng mà cô đã ở tại tầng một, phòng Van Gogh, có diện tích bằng căn hộ của cô tại New York Khi tới đại sảnh, Anna để ý thấy lá cờ treo trên tháp đông của tòa lâu đài chỉ được kéo lên ngang nửa thân cột cờ. Vừa cho xe dừng lại, Anna vừa băn khoăn không hiểu người bà con cao niên nào của Victoria vừa qua đời.

Chiếc cánh cửa khổng lồ bằng gỗ sồi mở ra trước khi cô lên đến bậc cầu thang trên cùng. Cô cầu nguyện rằng Victoria có mặt ở nhà, rằng Fenston chưa biết là cô đang có mặt ở nước Anh.

“Xin chào bà”, người quản gia nói bằng một giọng rất lịch sự. “Tôi có thể giúp được gì cho bà?”

Tôi đây mà, Andrews, Anna muốn nói như vậy và cô cảm thấy rất ngạc nhiên khi ông ta ăn nói với mình bằng một kiểu cách trang trọng như thế. Cô cũng đáp lại bằng một giọng trang trọng, “Tôi muốn nói chuyện với Phu nhân Victoria, chuyện khẩn”.

“Tôi e rằng sẽ rất khó”, Andrews trả lời, “nhưng tôi sẽ đi xem liệu Phu nhân có thời gian rảnh để tiếp bà hay không. Xin bà vui lòng chờ ở đây cho đến khi có câu trả lời”.

Ông ta muốn nói gì, Tôi e rằng sẽ rất khó, nhưng tôi sẽ đi xem liệu Phu nhân...

Trong khi ngồi chờ ở đại sảnh, Anna ngắm nhìn bức tranh của Catherine, Phu nhân Wentworth, do Gainsborough vẽ. Cô nhớ lại từng bức tranh trong tòa Lâu đài này, nhưng mắt cô dừng lại ở bức tranh mà cô yêu thích treo ở cuối cầu thang, bức Bà Siddons của hoạ sỹ Romney. Cô nhìn sang lối dẫn vào phòng khách và được đón chào bằng bức Actaeon, Vô địch xứ Derby của hoạ sỹ Stubbs, vẽ con ngựa yêu thích của Ngài Harry Wentworth. Bức tranh vẫn còn nguyên vẹn trong khung. Nếu Victoria nghe theo lời khuyên của cô, ít nhất bà ta cũng cứu được phần còn lại của bộ sưu tập.

Viên quản gia quay lại với những bước sải đều.

“Phu nhân sẽ tiếp bà ngay bây giờ”, ông ta nói, “nếu bà vui lòng tới phòng khách”. Ông ta hơi cúi thấp đầu, trước khi dẫn cô qua đại sảnh.

Anna cố tập trung vào kế hoạch sáu điểm của cô, nhưng trước tiên cô cần phải giải thích tại sao cô lại chậm hơn so với giờ hẹn gặp tới 48 tiếng, cho dù chắc chắn Victoria đã biết về những gì diễn ra ở New York vào hôm thứ Ba và có thể sẽ ngạc nhiên khi thấy cô vẫn còn sống.

Khi Anna bước chân vào phòng khách, cô thấy Victoria đang ngồi trên ghế sô pha, đầu cúi xuống, mình mặc đồ tang màu đen. Một con chó giống Labrador đang ngủ dưới chân bà ta. Theo như cô biết thì Victoria đâu có nuôi chó và cô ngạc nhiên khi thấy bà ta không đón chào cô bằng cử chỉ thân mật thường thấy. Victoria ngẩng đầu lên và Anna há hốc miệng, trong khi Arabella nhìn cô một cách lạnh lùng. Trong tích tắc, cô hiểu tại sao Lâu đài Wentworth lại treo cờ rủ. Anna đứng lặng và phải cố gắng để chấp nhận sự thật là cô sẽ không bao giờ còn được gặp lại Victoria nữa, cô sẽ phải thuyết phục người em gái của Victoria, một người mà cô chưa bao giờ gặp mặt. Anna thậm chí còn không biết tên bà ta. Người phụ nữ có ngoại hình giống hệt Victoria kia chẳng thèm đứng dậy và chẳng thèm chìa tay ra.

“Cô có muốn dùng một chút trà không, Tiến sỹ Petrescu?” Arabella hỏi bằng một giọng lạnh lùng cho thấy câu trả lời mà bà muốn nhận là, Không, xin cảm ơn.

“Không, xin cảm ơn”, Anna nói. Cô vẫn đứng nguyên tại chỗ. “Liệu tôi có thể biết Victoria đã chết như thế nào không?” cô hỏi khẽ.

“Tôi nghĩ là cô đã biết”, Arabella trả lời bằng một giọng lạnh lùng.

“Tôi không hiểu bà muốn nói gì”, Anna nói.

“Vậy cô tới đây làm gì”, Arabella hỏi, “nếu không phải là để lấy đi những gì còn lại ở lâu đài này?”

“Tôi tới để cảnh báo Victoria đừng cho họ đem bức Van Gogh đi, trước khi tôi có cơ hội”

“Họ đã đem bức tranh ấy đi vào hôm thứ Ba”, Arabella nói. Bà dừng lại rồi nói tiếp, “Bọn họ cũng chẳng thèm đợi cho đến khi lễ tang được tổ chức xong”.

“Tôi đã cố liên lạc, nhưng họ từ chối không cho tôi xin số điện thoại của lâu đài. Nếu tôi liên lạc được”, Anna lầm bầm mấy câu không rõ, rồi nói thêm, “Và bây giờ thì quá muộn rồi”.

“Quá muộn cho chuyện gì?” Arabella hỏi.

“Tôi gửi cho Victoria một bản sao báo cáo của tôi, trong đó tôi đề nghị-”

“Đúng, tôi đã đọc bản báo cáo đó”, Arabella nói, “nhưng cô nói đúng, bây giờ đã quá muộn để làm chuyện đó. Luật sư mới của tôi đã cảnh báo tôi rằng phải mất nhiều năm mới có thể bán được tòa lâu đài, và đến khi đó, chúng tôi đã mất hết chẳng còn gì”.

“Chắc chắn đó là lý do khiến ông ta không muốn tôi sang Anh quốc để trực tiếp nói chuyện với Victoria”, Anna nói mà không giải thích.

“Tôi không dám chắc là tôi hiểu ý cô”, Arabella vừa nói vừa nhìn cô chăm chú.

“Tôi đã bị Fenston sa thải vào hôm thứ Ba”, Anna nói, “vì đã gửi một bản sao báo cáo của tôi cho Victoria”.

“Victoria đã đọc bản báo cáo đó”, Arabella nói nhỏ. “Tôi có một bức thư khẳng định chị ấy đang định làm theo lời khuyên của cô, nhưng đó là trước khi xảy ra cái chết thương tâm của chị ấy”.

“Bà ấy đã chết như thế nào?” Anna hỏi.

“Chị ấy đã bị giết, bằng một cách hèn nhát và tàn nhẫn”, Arabella nói. Bà dừng lại và nhìn thẳng vào Anna rồi nói thêm, “Và tôi chắc chắn rằng Fenston có thể kể rõ chi tiết cho cô nghe”. Anna cúi đầu, không nghĩ ra được một lời nào để nói; kế hoạch sáu điểm của cô đã tan thành mây khói. Fenston đã hủy hoại tất cả. “Chị Victoria quá tin người, quá ngây thơ”, Arabella nói tiếp, “không ai đáng bị đối xử như vậy, huống hồ là một người tốt tính như chị ấy”.

“Tôi xin thành thật chia buồn”, Anna nói, “bây giờ tôi mới biết chuyện. Bà phải tin tôi. Tôi thực sự bị bất ngờ”. Arabella nhìn ra bãi cỏ bên ngoài cửa sổ và im lặng hồi lâu. Bà quay lại nhìn Anna.

“Tôi tin cô”, cuối cùng Arabella nói. “Ban đầu tôi nghĩ cô chính là kẻ phải chịu trách nhiệm về chuyện này”. Bà dừng lại. “Bây giờ thì tôi biết là mình đã lầm. Nhưng tiếc thay, mọi chuyện đã quá muộn. Bây giờ chúng ta chẳng còn làm được gì”.

“Chưa hẳn là như thế”, Anna vừa nói vừa nhìn Arabella với một đôi mắt đầy quyết tâm. “Nhưng nếu để tôi có thể làm được chuyện gì đó, tôi cần phải có sự tin tưởng của bà, cũng giống như Victoria đã tuyệt đối tin tưởng tôi”.

“Ý cô là gì. Tin tưởng cô?” Arabella hỏi lại.

“Hãy cho tôi một cơ hội”, Anna nói, “để chứng tỏ rằng tôi không có liên quan gì tới cái chết của Victoria”.

“Nhưng cô có thể làm gì?” Arabella hỏi.

“Lấy lại bức Van Gogh”.

“Nhưng như tôi đã nói, bọn họ đã đưa bức tranh ấy đi”.

“Tôi biết”, Anna nói, “nhưng chắc chắn nó vẫn còn ở nước Anh, bởi vì Fenston đã sai một người tên là Leapman sang đây để nhận”. Anna nhìn đồng hồ. “Ông ta sẽ hạ cánh xuống Heathrow trong vòng vài giờ nữa”.

“Nhưng cho dù cô giữ lại được bức tranh đi nữa, làm sao chuyện đó của thể giải quyết được mọi vấn đề?” Anna nói qua về kế hoạch sáu điểm của cô, và hài lòng khi thấy Arabella thi thoảng lại gật đầu. Khi trình bày xong kế hoạch, cô nói thêm, “Tôi cần có sự ủng hộ của bà, nếu không những gì tôi đang nghĩ trong đầu cũng đủ để khiến tôi bị bắt giam”. Arabella yên lặng một lát, trước khi nói, “Cô là một cô gái dũng cảm và có lẽ bản thân cô chưa đánh giá hết lòng dũng cảm của mình. Nhưng nếu cô đã sẵn lòng chấp nhận một sự rủi ro lớn đến như vậy, thì chẳng có lý gì mà tôi lại không hết sức ủng hộ cô tới cùng”.

Anna mỉm cười với khuôn mặt lạnh lùng trước mặt mình, và nói, “Bà có thể kiểm tra lại xem ai là người đã tới lấy bức Van Gogh không?”

Arabella đứng dậy và đi tới bàn làm việc; con chó đã thức dậy và chạy theo bà. Bà cầm một tấm danh thiếp lên. “Một người tên là Ruth Parish”, bà nói, “của công ty Art Locations”.

“Đúng như tôi đã dự đoán”, Anna nói. “Vậy thì tôi phải đi ngay, bởi vì tôi chỉ còn vài giờ trước khi Leapman hạ cánh”.

Anna bước tới trước và chìa tay ra, nhưng Arabella không đáp lại. Bà nắm lấy cánh tay của Anna và nói, “Nếu tôi có thể làm gì đó để cùng cô báo thù cho người chị thân yêu của tôi...”

“Bất cứ chuyện gì chứ?”

“Bất cứ chuyện gì”, Arabella nói.

“Khi tòa Tháp Bắc sụp đổ, tất cả các hồ sơ liên quan tới khoản vay của Victoria đều không còn”, Anna nói, “kể cả hợp đồng gốc. Bản sao duy nhất đang do bà giữ. Nếu-”

“Cô không cần phải nói thêm”, Arabella nói.

Anna mỉm cười. Người đang nói chuyện với cô không phải là Victoria. Cô quay người bước đi và ra tới đại sảnh trước cả khi viên quản gia kịp mở cửa.

Arabella đứng bên cửa sổ nhìn theo cho đến khi chiếc xe của Anna đã khuất bóng. Bà tự hỏi không biết liệu bà có còn được gặp lại cô gái ấy không.

***

“Petrescu”, một giọng nói cất lên, “vừa rời khỏi Lâu đài Wentworth. Cô ta đang chạy theo hướng vào trung tâm London. Tôi đang bám theo cô ta và sẽ báo cáo tình hình cho sếp”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.