Âm Dương Thần Chưởng

Chương 14




Dưới chân núi, trên thảm cỏ xanh rờn, cạnh dòng thác bạc đang tung lên từng cuộn bọt nước trắng ngần, Tuyết Hoa Nương ngồi trên phiến đá xanh, thong thả nhìn Thảo Sương luyện tập, chốc chốc lại lắc đầu tỏ vẻ không vừa ý:

− Thảo nhi tập mãi mà chẳng tiến bộ được chút nào, thật thua kém Doanh Doanh.

Đôi mắt đẹp của nàng thoáng mơ màng như nhớ lại cô học trò nhỏ, yếu đuối hôm nào. "Miêu gia linh pháp" chỉ nhận duy nhất một học trò, vậy mà ... Tuyết Hoa Nương khẽ thở dài ...

Hình bóng Doanh Doanh như bóng chim tăm cá lặn. Đã bao ngày bà lặn lội, bỏ công tìm kiếm, từ sau đêm thảm sát viên trang, nàng như biến mất khỏi cõi đời này.

Tuyết Hoa Nương thầm trách mình đến trễ để gia đình Dương Thế Hùng phải chết thảm.

Còn Thảo Sương, cô bé bị tên Lỗ Hải Thần Tăng dùng quái trượng truất phế võ công, cứ khóc than thảm thiết, đòi tự vận. Thương tình bà mới đem hết sở học "Miêu gia linh pháp" ra giảng dạy, nhưng cô bé xem ra chẳng có chút năng khiếu nào, nên đã mấy tháng trôi qua, có mỗi một động tác giản đơn mà học hoài không thuộc.

− Hoa tiền bối ơi!

Thảo Sương sà vào lòng Tuyết Hoa Nương nũng nịu:

− Khó quá đi! Người dạy con học cái khác đi, cái này con không học nữa đâu.

Học mới có một chút mà nó đã đổ mồ hôi rồi! Tuyết Hoa Nương thầm thương hại, dùng tay áo chận mồ hôi trên trán cho nàng, khẽ hỏi:

− Thảo nhi, có phải con đã lẻn ta tự phục hồi lại nội lực hay không?

Thảo Sương nhoẻn cười, gật đầu:

− Thưa phải! Hoa tiền bối nhìn xem. Thảo nhi có giỏi không? Mới có mấy tháng mà đã phục hồi gần hết nội lực của mình rồi.

Tuyết Hoa Nương khẽ thở dài lắc đầu:

− Tại sao con lại cãi ta? Mà thôi, có lẽ số trời đã định vậy rồi. Con phục hồi nội lực thì không thể nào học được "Miêu gia linh pháp" đâu.

Thảo Sương tròn mắt ngạc nhiên:

− Ồ, sao lạ vậy? Hoa tiền bối, con trộm nghĩ môn võ công nào mà chẳng cần nội lực.

Tuyết Hoa Nương vuốt tóc nàng âu yếm:

− Nhưng "Miêu gia linh pháp" thì lại khác. Thảo nhi, đêm qua con lại khóc phải không? Ta có làm gì để con phiền giận?

Thảo Sương ôm Tuyết Hoa Nương vào lòng khóc mắt rưng rưng:

− Con nào dám phiền giận tiền bối. Con coi người như mẹ như cha.

Tuyết Hoa Nương hài lòng với câu nói của Thảo Sương lắm, nàng vén mấy cọng tóc trên má Thảo Sương hỏi:

− Thế sao con lại khóc?

Đôi mắt Thảo Sương cụp xuống, cúi nhìn bọt nước trắng dưới chân, buồn bã:

− Vì con nhớ phụ thân, con nhớ giáo phái Thái Bình, con thấy mình có lỗi với phụ thân thật nhiều. Hoa tiền bối, đêm qua con nằm mơ thấy Thái Bình giáo bị thiêu rụi trong lửa đỏ. Con thấy phụ thân con đã chết.

Tuyết Hoa Nương chợt rùng mình, ôm chặt lấy Thảo Sương:

− Đừng nói gở chứ con, chỉ tại vì con suy nghĩ quá lung tung nên mới nằm mơ ra như vậy.

Dừng một chút, Tuyết Hoa Nương cắt lời nghẹn ngào:

− Nếu con muốn ta sẽ đưa con về Thái Bình giáo phái ngay bây giờ. Đã lâu lắm rồi không trở lại Thiên Sơn, cảnh cũ bây giờ hẳn là đổi thay nhiều lắm.

Thảo Sương reo lên mừng rỡ:

− Ô! Hoa tiền bối nói thật chứ. Ôi vui quá, con sắp gặp lại phụ thân rồi. Tiền bối biết không, phen này con sẽ thật là ngoan, không làm phiền lòng cha nữa. Tiền bối ơi, lát nữa ghé thị trấn cho con mua một món quà về tặng phụ thân, một món quà cho Hồ huynh nữa, con sẽ làm hòa với huynh ấy cho vui lòng phụ thân.

Nói xong, nàng chạy vào trong, miệng hát vang vui vẻ. Tuyết Hoa Nương đứng dậy mỉm cười, lòng bà cũng vui có kém gì Thảo Sương đâu. Bà sắp gặp lại người xưa. Ôi, lệ mừng vui bỗng tuôn tràn trên má.

− Ta lên đường thôi tiền bối ơi. Con nóng ruột lắm rồi.

Thảo Sương đã chuẩn bị xong, vai xách túi hành trang nho nhỏ nói vui tươi. Tuyết Hoa Nương vui vẻ nắm tay nàng phi thân xuống núi.

Thời gian trôi nhanh theo bước chân người rong ruổi, chẳng mấy chốc Thái Bình giáo đã hiện ra trước mặt:

− Phụ thân, phụ thân ơi. Thảo nhi đã về đến rồi đây.

Thảo Sương hét vang từ cổng, cứ ngỡ được nhào vào vòng tay thân ái của cha.

Nhưng ... đáp lại nàng chỉ có gương mặt lạnh lùng đầy nước mắt của Châu Đạt:

− Thảo tỷ tỷ, người về muộn mất rồi. Sư phụ đã ...

− Cha ta đã sao?

Thảo Sương thất sắc, túm áo Châu Đạt hỏi nhanh:

− Tại sao lại muộn? Cha ta đâu?

− Sư phụ đã ...

Châu Đạt nghẹn ngào không nói thành lời, chỉ tay vào giữa sảnh đường, dưới bệ thờ sư tổ, một bàn thờ còn mới, trắng màu tang tóc thê lương.

− Trời! Cha!

Thảo Sương hét lên như xé tan lòng ngực, lăn cả vào bệ thờ, ôm lấy linh vị cha, nhào lăn nức nở.

Tuyết Hoa Nương sau phút sửng sốt, tái mặt lảo đảo, tay ôm ngực khẽ lùi lại nghẹn ngào:

− Trời, Lâm ...

Rồi gắng gượng bước lên lay Thảo Sương tỉnh lại:

− Thảo nhi bình tĩnh lại, chờ nghe rõ đầu đuôi.

Thảo Sương vẫn như người điên dại than khóc mãi không thôi. Nàng gục đầu vào người Tuyết Hoa Nương nức nở:

− Tiền bối ơi, con có lỗi với cha nhiều lắm, con làm người phải đau buồn, con chưa một lần làm cha vui dạ. Tội con thật là đáng chết.

Châu Đạt xen vào:

− Thảo tỷ tỷ, xin người chớ quá buồn mà hãy để tâm trí vào góp sức với Giang huynh lo củng cố cho Thái Bình giáo phái ngày thêm vững mạnh.

Thảo Sương tưởng mình đã nghe lầm, ngẩng đầu lên hỏi lại:

− Châu Đạt, ngươi vừa bảo cái gì? Giang huynh đã chết thảm rồi, còn Giang huynh nào nữa?

Châu Đạt cúi đầu kể lại cho nàng nghe tất cả mọi chuyện. Nghe xong Thảo Sương không nén nỗi vui mừng hỏi nhanh:

− Giang huynh đâu? Đưa ta đến gặp người.

Châu Đạt nhìn ra sân khẽ nói:

− Giang huynh không có mặt ở bản phái, hiện giờ người đang ở tại dinh của quan đô uý Đỗ Ngọc.

Tuyết Hoa Nương lẩm bẩm nghi ngờ:

− Đến dinh quan Đô úy Đỗ Ngọc à?

Châu Đạt gật đầu:

− Phải, Đô úy Đỗ Ngọc là người ơn của Thái Bình giáo phái, chính người đã tìm ra thủ phạm đốt cháy thạch động và giết sư phụ ...

Chợt nhìn sang Tuyết Hoa Nương, Châu Đạt cất giọng nghi ngờ:

− Nữ tiền bối đây là ai? Sao lại xen vào chuyện riêng của bổn phái?

Thảo Sương vội khoác tay:

− Hoa tiền bối đây là người ân đã cứu ta thoát chết đó. Đệ hãy cho các môn đệ dọn dẹp thư phòng cho ta và Hoa tiền bối nghỉ ngơi.

Châu Đạt cúi đầu vòng tay:

− Đệ xin vâng lời.

***

Trong thư phòng vắng vẻ, Thảo Sương sau mấy dặm đường dài mệt mỏi tâm thần bấn loạn vì tin dữ nên đã ngu say mê mệt. Còn Tuyết Hoa Nương không làm sao ngủ được. Cái chết của Lâm Bình hãy còn nhiều bí ẩn, lời buộc tội dành cho đại đệ tử Hồ Sơn, nàng nghe sao còn nhiều nghi vấn, không hiểu Giang Lâm là người như thế nào, liệu hắn có đủ tài sức để lèo lái Thái Bình giáo phái qua cơn phong ba bão táp? Lòng Tuyết Hoa Nương trăm ngàn điều như tơ rối.

Lâm Bình chết thảm, kẻ nào giết được người, kẻ đó phải có bản lĩnh cao cường, hoặc phải thật là thân cận, lựa lúc người vô tâm ra tay xuất thủ. Trước mắt bà lại hiện ra hình bóng người năm cũ, không biết thời gian đã tàn phá con người ta như thế nào rồi, chứ như bà đây, từ tóc xanh nay đã bạc trắng vì mưa gió phong trần.

Gió thổi qua nghe lạnh, Tuyết Hoa Nương đưa tay ôm Thảo Sương vào lòng âu yếm:

− Ôi! Biết bao giờ mẫu tử mới được đoàn viên.

Lòng nàng lại oặn thoắt nhớ đến Doanh Doanh phương trời lưu lạc, liệu một cô gái yếu đuối như Doanh Doanh có đủ sức vượt qua?

Có tiếng động khả nghi vang lên ngoài hiên cỏ, Tuyết Hoa Nương nín thở vận công chú ý. Sau khi phát hiện ra nơi xuất phát tiếng động rồi, bà buông Thảo Sương, nhẹ mình phóng nhanh ra ngoài sân vắng.

Thân pháp Tuyết Hoa Nương nhẹ như một chú mèo đêm, đã tiến sát đối thủ mà hắn vẫn không hề hay biết, cứ thung dung tiến về tổng đàn Thái Bình giáo bằng những bước chân của kẻ tự tin.

Thủ pháp của hắn cũng thật tinh vi và ảo diệu, nếu không phải là Tuyết Hoa Nương thì không ai có thể đuổi theo kịp.

Trong ánh sáng lờ mờ của ánh trăng soi qua kẻ lá, bà nhận ra kẻ mới đến là một lão già râu tóc bạc phơ, nét mặt bừng bừng sát khí như đang giận dữ một điều gì.

Lão dừng lại giữa cột cờ của giáo phái thái Bình, ngửa cổ lên nhìn lá đại kỳ cất giọng cười sằn sặc. Bàn tay lão khẽ vung lên, cây cột cơ cao bằng sắt cứng bỗng bị gãy đôi, ngã rầm xuống nền đất lạnh.

Tuyết Hoa Nương giật mình lùi lại, nội lực của lão già này vô cùng thâm hậu, chẳng nghe thấy kình phong phát ra mà đánh đổ cột cờ, quả là một quái nhân cao thủ.

Bên ngoài lão đã bước đến gỡ lá đại kỳ trải dài ra trên mặt đất, cười đắc thắng rồi leo lên ngồi, thản nhiên phóng uế.

Mặt Tuyết Hoa Nương chợt nóng bừng bừng, bà có cảm giác như lão ta đang phóng uế vào giữa mặt mình, không nén nổi, bà nhảy ra thét lớn:

− Tên súc sanh kia, dám làm việc tiểu nhân.

Lão đứng dậy cười khiêu khích:

− Ồ! Ngươi nhìn trộm lão gia, lão còn chưa hỏi tội là may.

Vừa thẹn vừa giận, Tuyết Hoa Nương hét vang:

− Câm ngay, tên già kia, ta hỏi mi là ai? Thù hận chi với Thái Bình giáo mà nửa đêm lén lút làm chuyện chẳng quang minh chánh đại?

Lão già đột nhiên nổi giận:

− Con mụ lắm mồm kia, chán sống rồi sao mà xen vào? Cút đi ngay!

Nói xong, lão lại dợm ngồi trở xuống, Tuyết Hoa Nương lập tức vung tay, song bà không nỡ dùng độc chiêu sát thủ, chỉ dùng một động tác trong "Miêu gia linh pháp" để ngăn cản lão làm bậy mà thôi.

Song lão già nào phải tay vừa, bàn tay gầy yếu của lão chỉ khẽ khua là hóa giải chiêu thức của bà. Đồng thời lão vung chưởng nhắm ngay giữa đỉnh đầu bà đánh xuống.

Một luồng kình phong hòa lẫn trong làn khói màu xanh xám phủ vây lấy Tuyết Hoa Nương, nhưng bà đã như chiếc bóng u linh lướt qua khỏi vòng khói xám ấy một cách nhẹ nhàng không tiếng động.

Lão già chợt dừng tay nhìn bà trân trối, rồi cất giọng run run:

− Trời! Miêu Gia Linh. Nàng còn sống phải không?

Tuyết Hoa Nương lùi lại, toàn thân bà run lên như xúc động mãnh liệt. Nhưng chỉ trong phút chốc, bà đã lấy lại nét thản nhiên:

− Không, lão gia điên. Ta là Tuyết Hoa Nương, còn Miêu Gia Linh chết lâu rồi.

Lão lắc đầu tiến đến:

− Không, nàng là Miêu Gia Linh. Miêu Gia Linh, ta tìm nàng suốt hai mươi mấy năm dài, sao nàng lại nở lạnh lùng xa lạ.

Tuyết Hoa Nương lùi lại hét:

− Lão là ai? Sao cứ gọi ta là Miêu Gia Linh mãi thế?

Lão vạch mớ tóc lòa xòa trước trán chỉ cho nàng xem vết thẹo dài, nói như rên:

− Ta là người cách đây hai mươi năm đã vì nàng mà nhận lãnh vết thẹo này.

Tuyết Hoa Nương hét vang:

− Ngươi, ngươi không phải là người. Trời ơi, bóng ma, sao mi cứ theo ta mãi vậy.

Không, ta không phải là Miêu Gia Linh nữa, ta chết từ lâu rồi, từ đêm hôm đó.

Bà nói những câu như người điên loạn.

Chợt cái, Tuyết Hoa Nương phóng thẳng vào rừng. Lão già vội rượt theo gọi lớn:

− Miêu Gia Linh, hãy dừng lại. Hãy nghe ta nói một lời.

− Tiền bối hãy dừng chân.

Một bóng đen bịt mặt từ trên cây phóng xuống cản ngang đường lão già đang chạy.

− Dang ra!

Nóng lòng đuổi theo Tuyết Hoa Nương, lão gạt mạnh bóng đen sang bên lấy đường đi tiếp.

Nhưng bóng đen vẫn đứng trơ ra trước mặt lão. Lão dừng chân bực tức:

− Ta đang vội, có chuyện gì xin để lại lát sau.

Bóng đen chấp tay nói chậm rãi như muốn kéo dài thời gian của lão:

− Tiền bối, tại hạ chỉ muốn hỏi thăm người một việc nhỏ.

− Tên tiểu tử này muốn chết!

Lão già tức giận vung chưởng đánh mạnh vào ngực bóng đen. Chàng ta chỉ mỉm cười phất chiếc quạt xanh lên đón đỡ.

Ầm!

Thật quá sức tưởng tượng của cả hai người, bởi vì sau khi hai luồng kình lực chạm nhau, chân khí của lão già nghe nhộn nhạo, bị đẩy lùi về sau hơn nửa trượng, lão lẩm bẩm:

− Chưởng lực thật kinh hồn!

Nhưng bù lại, gã hán tử bịt mặt kia cũng bị lão đánh cho văng quạt, té nằm mê man dưới gốc cây không biết sống chết thế nào. Lão chỉ khẽ liếc nhìn hắn một cái rồi phóng mình đuổi theo Tuyết Hoa Nương.

Người bịt mặt đã bị lão đánh trọng thương, hắn sẽ chết vì bị nằm lâu trên nền đất lạnh nếu như con sáo lịch tuyền không biết từ trong ống tay của hắn bay lên cao, rồi từ chiếc mỏ nhỏ bắn lên nền trời cao vút một vệt sáng đỏ kéo dài.

Mấy giây sau, một con chim sáo khác từ trên cao sà xuống, gọi véo von. Hai con chim sáo như đôi bạn nhớ lâu ngày mới được gặp nhau, hót han trò chuyện líu lo.

Không để ý đến dưới chân mình vừa xuất hiện một người mặc áo vàng, cúi đỡ người bịt mặt ngồi dậy, vừa bắt mạch cho hắn xong, người đó tái mặt quát bảo hai con chim sáo:

− Lịch Tuyền, cậu chủ của mi bị nạn, mau tìm quạt cho người rồi trở về tổ cũ. Ta đưa người về trước chữa trị.

“Vèo”, bóng áo vàng vọt thẳng lên không như chiếc pháo thăng thiên. Hai chú chim sáo nghiêng nghiêng đầu nhìn nhau nghịch ngợm, rồi nhún nhẩy đi tìm chiếc quạt cho chủ nhân như lời truyền dạy.

***

Trên chiếc giường thất bảo, Hoàng Kha nhăn nhó trở mình. Sống lưng đau nhức rã rời. Mặc dù Hoàng phu nhân của ông đã khéo léo trải thêm lên lớp nệm bông êm, tấm da bảo mềm mại, vật gia bảo mấy đời của dòng họ Hoàng vẫn không làm sao dịu nổi cơn đau đang mỗi lúc một tăng dần, hành hạ ông giữa đêm đông lạnh.

Nhìn lên ngọn bạch nến lập lòe, ông đoán chừng đêm đã qua canh bà. Giờ này chắc hẳn hiền thê của ông cũng chưa đi nghỉ. Tội nghiệp cho nàng thay. Ông gác tay lên trán thở dài. Mấy ngày nay công việc đa đoan, mà ông trở bệnh nằm hoài. Mọi quán xuyến ngoài trong đều do một tay nàng lo liệu.

Cơn ho lại chợt đến buộc ông phải oằn người lên để phát ra những tràng ho như xé phổi.

Tấm màn thủy tinh khẽ lay động, Hoàng phu nhân vừa bước vào. Thấy chồng trở bệnh bà đưa vội chén thuốc lên bàn, đỡ lấy chồng lo lắng:

− Trời, phu quân.

Cơn ho vừa dứt, nhưng mệt quá, ông đành phải dựa vào vai bà thở dốc. Hoàng Thi rút khăn lụa lau trán cho chồng, bưng thuốc kề môi ông nói dịu dàng:

− Phu quân hãy uống cạn chén thuốc này.

Hoàng Kha uống cạn chén thuốc từ tay vợ, cơn mệt như dịu xuống. Ông nằm xuống giường nắm tay bà nói yêu thương:

− Cám ơn phu nhân. Nàng đi ngủ đi, đêm đã quá canh ba.

Hoàng phu nhân đắp chăn lên người chồng lo lắng:

− Sức khỏe trong người phu quân như thế nào rồi? Có thuyên giảm không?

Hoàng Kha mỉm cười, nói cho vợ an tâm:

− Ta khỏe nhiều rồi, phu nhân, nàng có mệt lắm không?

Hoàng phu nhân ngồi xuống bên chồng thở dài:

− Cực khổ bao nhiêu thiếp cũng chịu nổi, nhưng ...

Bà ngập ngừng không biết có nên nói cho chồng nghe giữa lúc ông đang thọ bệnh thế này.

Hoàng Kha tinh ý nhìn ra nét ưu tư từ trên mặt vợ. Ông hỏi ngay:

− Phu nhân, nàng đang có điều gì khó nghĩ? Hãy nói ta nghe.

Hoàng phu nhân cắn môi buồn bã:

− Phu quân, quả thật lòng thiếp đang rối như mớ bòng bong đây. Bảo tiêu Phong Vân của ta làm ăn ngày càng suy sụp, mất uy tín với khách giang hồ quá lắm.

− Sao vậy?

Ông chồm dậy hỏì với vẻ quan tâm.

Bà ấn đầu chồng xuống gối nói tiếp:

− Vì các bảo vật họ nhờ chúng ta áp tải đều bị đánh cắp, mất cả.

Ông nhìn nàng có vẻ chẳng hài lòng:

− Sao phu nhân không cho các cao thủ cùng theo bảo vệ?

Bà vuốt ve bàn tay gầy guộc của chồng:

− Thiếp đã cho triệu tập cả Cao Minh và Tiết Quý về, vậy mà mới hôm qua đây thôi, bảo vật của giáo phái Thiên Sơn đã bị lấy mất. Hung đồ còn đả thương hai đệ tử của mình.

− Trời!

Hoàng Kha giật mình thất sắc. Cơn ho lại ập đến dữ dội khiến mặt ông đỏ bừng, hơi thở nặng nề mệt mỏi.

− Phu quân!

Hoàng Thi hốt hoảng vuốt ngực chồng:

− Thôi chàng nghỉ đi, thiếp vô tình để chàng phải lo lắng, quả là đáng trách.

Hoàng Kha thều thào:

− Làm mất bảo vật trấn phái của môn phái Thiên Sơn, rồi ăn làm sao, nói làm sao với họ bây giờ? Lẽ nào Bảo tiêu cục Phong Vân đã đến hồi mạt vận.

Nghe chồng than, Hoàng phu nhân không nén được giọt châu rơi, bà tấm tức nói:

− Công việc làm ăn của tiêu cục ngày càng suy sụp, phu quân lại ngày càng suy yếu nên thiếp đã có ý định cho gọi Tuấn nhi về trông coi cùng với thiếp.

Nhắc đến con, đôi mắt Hoàng Kha sáng lên tia lửa tự hào. Ông mỉm cười:

− Mười mấy năm xa cách, Tuấn nhi, ta cũng nhớ con nhiều lắm, nhưng ta khuyên nàng chớ làm con thơ kinh động mà ảnh hưởng đến việc học của con.

Hoàng phu nhân thở dài buồn bã:

− Thiếp xin nghe lời phu quân, thôi chàng đi nghỉ đi.

Bà đứng dậy toan bước đi, nhưng lại ngồi xuống ngay khi nghe bên ngoài có tiếng đổ vỡ, tiếng la hét vang lên ầm ĩ:

− Bảo tiêu cục Phong Vân đâu, mau ra đây cho ta vấn tội.

Hoàng Kha nắm tay vợ lo lắng:

− Phu nhân chuyện gì vậy?

Hoàng phu nhân lắc đầu. Tấn Bí hốt hoảng chạy vào bẩm:

− Bẩm đại ca, có chưởng môn phái Thiên Sơn đến đòi bảo vật, hiện thời người đang giận dữ đập nát bàn ghế của chúng ta ở ngoài kia, chúng đệ tử không biết phải làm sao? Xin vào thỉnh ý đại ca.

Hoàng phu nhân đưa mắt nhìn chồng dò hỏi. Ông chống tay cố ngồi dậy:

− Các ngươi không được chống trả lại, hãy lấy lời hòa nhã mời ngồi, đợi ta và phu nhân ra tạ tội.

Tấn Bí tuân lệnh bước ra, phu nhân dịu giọng bảo chồng:

− Thiếp đã hiểu ý phu quân, chàng hãy nằm yên ngơi nghỉ, để thiếp ra trả lời cùng họ.

Hoàng Kha lắc đầu, đặt chân xuống đất tìm đôi hài gấm:

− Không, phu nhân hãy dìu ta ra để ta tạ lỗi với Hải Giang Sơn Hà Thủy Cát, người vốn nóng tính, e phu nhân không làm người vừa dạ.

Không biết nói sao, Hoàng Thi đành phải dìu chồng bước ra khách sảnh. Vừa trông thấy mặt hai người Hà Thủy Cát đang ngồi trên ghế, nhảy chồm dậy, mắng ngay:

− Vợ chồng tên khốn kiếp này, chúng bây dám cả gan cướp bảo vật của bản môn à?

Khôn hồn thì đem trả cho mau, đừng để lão gia nhọc công động thủ.

Hoàng phu nhân tái mặt nhìn chồng, cứ sợ lão vì quá ức khi bị mắng mà ảnh hưởng đến tâm bệnh. Nhưng khác với nàng dự đoán, ông vẫn thản nhiên chắp tay cung kính:

− Hà tiên sinh, hãy dằn cơn nóng giận, nghe lão phu đây có đôi điều bày tỏ.

Hà Thủy Cát ngồi phịch xuống ghế hầm hầm:

− Ngươi còn gì để nói nữa chứ?

Hoàng Kha vẫn vòng tay cung kính:

− Bảo vật trấn phái chẳng may bị đánh cưới mất dọc đường. Lỗi bảo tiêu cục không gìn giữ nổi hàng hóa thật là đáng trách. Xin chưởng môn nhân hãy dằn cơn nóng giận, lão phu hứa sẽ đi tìm về bảo vật trả lại cho người.

Hà Thủy Cát đập tay trên bàn hét lớn:

− Im đi! Bảo vật của ta đã bị bọn ngươi cướp đoạt chứ còn ai mà lấy nữa. Hừ!

Lòng tham đã làm các ngươi mờ mắt, đừng hòng qua mắt được ta.

Hoàng Kha lại trỗi cơn ho, ông vật mình rũ rượu, phu nhân hốt hoảng lay chồng:

− Phu quân, người mệt lắm rồi, hãy vào nghỉ ngơi để thiếp đây tạ tội với Hà chưởng môn.

Ông gạt tay vợ nói nghẹn ngào:

− Hà chưởng môn, chắc người cũng biết, không phải vô cớ mà vợ chồng lão được võ lâm ban tặng cho danh hiệu thanh bạch uyên ương Trúc Lâm Song Hiệp. Và cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà bảo tiêu cục Phong Vân tồn tại trên giang hồ gần hai trăm năm từ thời tổ tiên truyền lại, chúng tôi đã lấy câu tín nghĩa làm đầu. Bao nhiêu bảo vật của võ lâm qua sự bảo vệ của bảo tiêu cục này đều trở về nguyên vẹn. Nhưng hôm nay tại hạ bị bệnh, để hiền thê trông coi công việc nên có sự sơ sót này. Xin Hà chưởng môn hãy an tâm, trong vòng một tháng, nếu tiêu cục Phong Vân không tìm ra bảo vật trao về cho quý phái, sẽ nguyện đem đầu mình đến nộp.

***

Nghe lời Hoàng Kha nói rõ ràng, rành mạch, Hà Thủy Cát có vẻ nguôi giận, nhưng ông ta chợt nhớ ra hét lớn:

− Không! Ngươi đừng hòng dùng kế dục hoán cầu mưu, nếu không cướp vật thì sao các ngươi lại hạ sát đệ tử của bổn giáo cùng đi theo bảo vệ báu vật chứ?

Vì quá giận nên râu tóc của Hà Thủy Cát đều dựng ngược lên cả, gương mặt vốn đỏ lại càng đỏ bừng lên sát khí đằng đằng. Hoàng Kha ngước mắt nhìn vợ dò hỏi, phu nhân nhẹ cất lời:

− Bảo tiêu cục xưa nay không giết người. Hung thủ đã giết người của bản phái và đánh trọng thương hai cao thủ của bảo tiêu là Cao Minh và Tiết Quý.

Hà Thủy Cát chợt ngửa cổ lên trời cười sằn sặc:

− Ha ... ha ... ha ... hai vợ chồng nhà ngươi nói láo đồng bộ lắm. Vậy chứ ta hỏi các ngươi "Thiết sa thần chưởng" là gì? Nó có phải là môn võ công lợi hại mà chỉ có hai vợ chồng ngươi luyện thành được phải không?

Hoàng Kha gật đầu xác nhận:

− Phải.

− Vậy thì ngươi còn mong chạy tội làm gì?

Mắt Hà Thủy Cát long lên thù hận:

− Hôm nay ta đến đây ngoài việc đòi bảo vật còn đòi mạng cho hai đệ tử của ta nữa đó.

Nói xong là Hà Thủy Cát đánh ra một chưởng như búa thiên lôi, nhằm vaà giữa ngực Hoàng Kha.

Đây là tuyệt chiêu của Thiên Sơn giáo phái, lại được chính chưởng môn nhân dùng hết công lực, nên sức mạnh bạt sơn.

Hoàng phu nhân thét:

− Phu quân, sao người chẳng xuất chiêu?

Lập tức một đạo hào quang màu đỏ lóe lên, đẩy ngược làn khói xám kia lui dần về nơi xuất phát.

Ầm!

Chạm phải năm đạo bạch quang, ánh hào quang đỏ của Hoàng phu nhân vụt nổ lớn, rồi hằng hà sa số tuông xuống như mưa đổ.

− Phu nhân!

Hoàng Kha hét lớn rồi dùng hết công lực đánh mạnh vào làn mưa đổ. Trong chớp mắt, cơn mưa cát sa xuống nằm rạp trên mặt đất, trả lại không khí trong lành.

Hoàng Kha nhìn vợ chẳng hài lòng:

− Phu nhân, xưa nay bảo tiêu cục chưa xuống độc chiêu hạ thủ ai bao giờ, sao nàng lại ...

Hoàng phu nhân thút thít khóc:

− Nhưng thiếp không thể để chàng bị hại được.

Lần đầu trông thấy chiêu thức của bảo tiêu cục Phong Vân, Hà Thủy Cát ngạc nhiên thầm nghĩ:

− Với võ công này, nếu họ muốn ra độc chiếm giang hồ thì chẳng khó khăn gì.

Hoàng Kha lại tiến lên rót một tách trà:

− Hà chưởng môn, hiền muội vô tình xúc phạm, xin người niệm tình tha thứ, hãy yên tâm uống cạn tách trà này rồi trở về bản phái, đúng một tháng sau, lão phu hứa sẽ đem bảo vật đến tận nơi trao trả.

Biết không phải là đối thủ của cặp Thanh bạch uyên ương Trúc Lâm Song Hiệp, Hà Thủy Cát đón tách trà vờ đồng ý rồi lựa lúc người không để ý, y điểm mạnh vào “Di bộ yếu huyệt” của Hoàng Kha.

Hoàng phu nhân kinh hãi thét:

− Hà chưởng môn! Ngươi làm gì vậy?

Hà Thủy Cát đặt tách trà xuống bàn cười lớn:

− Ta mượn bảo tiêu cục trưởng về bản phái làm con tin, một tháng sau phu nhân hãy đem bảo vật đến đổi chồng về.

− Không!

Hoàng phu nhân vung chưởng định giải thoát cho chồng, nhưng Hoàng Kha đã cất tiếng nghiêm nghị:

− Phu nhân, đừng vọng động! Hãy cho đòi Tuấn nhi về gấp, bảo nó đi tìm vật về trả lại cho Hà chưởng môn đúng hẹn.

Ông quay sang Hà Thủy Cát nói dịu dàng:

− Hà chưởng môn, ta bằng lòng làm con tin của người, hãy giải huyệt cho ta.

− Được lắm!

Hà Thủy Cát cất giọng cười sảng khoái:

− Phu nhân nhớ đúng hẹn nhé. Ta đi đây.

Y vung tay giải huyệt cho Hoàng Kha, khoác vai ông cười vui vẻ:

− Đi nào ông bạn già.

Khi tất cả đã đi rồi, Hoàng phu nhân thả người xuống ghế mệt rã rời, lòng lo lắng, nửa thương chồng bệnh hoạn không ai săn sóc, nửa lo gánh nặng oằn vai, một tháng để tìm ra bảo vật trấn phái cho Hà Thủy Cát không phải là chuyện dễ.

Nhớ đến lời Hoàng Kha căn dặn, bà ngồi xuống nhắn tin cho Tuấn Anh, đứa con trai duy nhất của vợ chồng bà. Theo tin báo về của Diệp Tùng Thảo chân nhân thì con của bà năm nay đã lớn lắm rồi, không còn là một đứa bé thơm mùi sữa mẹ, mà đã trở thành một trang thiếu niên anh tuấn, võ công thuộc vào hàng cao thủ.

Môi Hoang phu nhân nở nụ cười mãn nguyện khi hình dung ra đứa con trai xinh đẹp của mình. Tuấn Anh năm nay mười sáu tuổi rồi, nó khôi ngôi, giống cha như hệt.

Chợt có tiếng hét lanh lảnh:

− Bảo tiêu cục phu nhân, mau trả nợ cho ta!

Tiếp theo tiếng hét vang là ba bóng người mặc ba sắc màu áo Bạch Hồng Lam hiện ra ở cửa.

Hoàng phu nhân giật mình ngẩng dậy, vòng tay đáp lễ:

− Chào Tam Đạo cô, chẳng hay tiên cô hạ giáng có điều chi cần chỉ bảo?

Người đứng giữa mặc áo màu hồng, có hiệu là Hồng đạo cô phát cây phất trần giận dữ:

− Ta cần gặp Hoàng Kha.

Hoàng phu nhân lấy giọng dịu dàng:

− Tam Đạo Cô, phu quân ta đi vắng, có chuyện gì xin nói với ta rồi ta sẽ thưa lại cùng người.

Lam Đạo cô hét lớn:

− Hắn đi đâu.

− Trúc Lâm Song Hiệp, ta với các người không thù không oán, sao vô cớ lên giết người của ta chứ?

Hoàng phu nhân giật mình:

− Tam Đạo cô vừa nói gì? Bảo tiêu cục Phong Vân này chưa hề đi đến Vân Thanh Động của người, làm sao có chuyện sát nhân kia?

Bạch Đạo Cô cười lạt:

− Đừng giả vờ, khắp võ lâm này ai còn lại gì "Thiết sa thần chưởng" của Trúc Lâm Song Hiệp chứ?

Hồng Đạo Cô chen vào:

− Trước khi đến đây, bản đạo cô cũng đã tiên liệu chuyện này rồi, hãy xem cho rõ rồi hãy nhận hay không nhận mình vô tội.

Nói xong, đạo cô khẽ vỗ tay. Từ trên mái ngói, thi hài của một nữ đạo cô rơi nhanh xuống. Lam Đạo Cô bước đến xé toang áo xác chết:

− Xem đi, đây không phải là "Thiết sa thần chưởng" thì gọi là cái gì nữa?

Hoàng phu nhân cúi nhìn dấu chưởng máu trên xác nạn nhân, mặt tái nhạt, bà lắp bắp:

− Quả thật là dấu vết của "Thiết sa thần chưởng". Nhưng ... dám hỏi Đạo Cô, án mạng này xem ra đã bao lâu?

Lam Đạo Cô nghiến răng:

− Vào lúc canh ba đêm qua. Sao thế nào? Ngươi không chối nữa chứ? Hay thủ phạm là đệ tử của ngươi?

Hoàng phu nhân lắc đầu:

− Không. "Thiết sa thần chưởng" là môn võ công không được truyền cho đệ tử, và trong chốn giang hồ chỉ có ta và phu quân biết sử dụng nó thôi.

Hồng Đạo Cô thét:

− Vậy thì mi phải chết!

Hồng Đạo Cô vung phất trần đánh thẳng vào người Hoàng phu nhân.

Từng sợi tơ mảnh, óng ánh ngũ sắc mềm mại trong tay Hồng Đạo Cô bỗng chốc trở nên hung hãn vô cùng. Hàng trăm đạo hào quang xòe ra trong không khí chụp nhanh xuống đầu Hoàng phu nhân như một tấm lưới to.

Hiểu rõ chiếc lưới cực kỳ lợi hại đó, Hoàng phu nhân không dám coi thường, lắc mình ngang qua một trượng, tránh khỏi.

Hoàng phu nhân chắp tay cung kính:

− Tam Đạo Cô, quả thật chúng tôi gặp chuyện oan ức, xin hãy thư thả cho một tháng, ta hứa sẽ truy tìm thủ phạm đem nạp cho các đạo cô trị tội, nếu không xin tự nạp mình.

***

Chợt có giọng nói nổi lên:

− Tam Đạo Cô, đừng nghe lời đường mật ... hãy giết con rắn độc trừ họa cho giang hồ.

Hoàng Thi ngơ ngác nhìn quang:

− Ai? Lại bảo ta là con rắn độc?

− Ha ... Ha ... Ha ...

Từ trên mái ngói xuất hiện một thanh niên mặc áo chẻn màu xanh lơ viền đen, khoảng tuổi ba mưoi, gương mặt trung bình không xấu không đẹp, tia mắt loáng vẻ hận thù:

− Ta đây, ta là người đại diện cho mười tám viên trang bị "Thiết sa thần chưởng" của vợ chồng ngươi thảm tử.

Quay sang ba vị đạo cô, chàng trai sụp lạy khóc nức nở:

− Xin ba vị đạo cô ra tay làm phước rửa hận cho gia đình tại hạ. Một bà ngoại già, một vợ yếu và bốn con thơ, trong một đêm đã bị "Thiết sa thần chưởng" mạng vong.

Ngoài kia, còn có mười tám gia đình nữa đang đòi rửa hận.

Hồng Đạo Cô đỡ chàng thanh niên đứng dậy, quắc mắt nhìn Hoàng phu nhân:

− Tội lỗi vợ chồng ngươi ngập tràn trời đất, ta không thể dung tha. Hai em, hãy cùng ta nhanh chóng xóa tên cặp Trúc Lâm Song Hiệp đã thành tinh này ra khỏi giang hồ.

Dứt lời, ba cây phất trần nhắm ngay đỉnh đầu Hoàng phu nhân đánh xuống. Tránh một lưới tơ đã khó, nay đến những ba lưới tơ cùng vây phủ, Hoàng phu nhân lại không được phép dùng độc chiêu chống trả. Bà đành ôm nỗi oan, ứa nước mắt đứng yên chờ chết.

− Dừng lại!

Kèm theo tiếng thét là một bóng trắng vút nhanh vào, vung chưởng đỡ đòn cho Hoàng phu nhân.

Hồng Đạo Cô hoành phất trần ra sau, hất hàm hỏi:

− Gã tiểu tử, dang ra, đừng xen vào chuyện của ta, kẻo chết không kịp hối.

Đó là một chàng trai mặc võ phục trắng viền vàng, rất khôi ngô tuấn tú. Chàng đỡ Hoàng phu nhân ngồi dậy:

− Mẫu thân, con về trễ để mẫu thân thọ nạn. Tội thật là đáng chết.

Như kẻ mơ màng trong giấc mộng, Hoàng phu nhân ngó sững chàng thiếu niên giây phút rồi ôm chặt vào lòng òa khóc:

− Trời, Tuấn nhi, con về thật đúng lúc.

Đợi cho Hoàng phu nhân qua cơn xúc động, Tuấn Anh quay sang nhìn ba vị đạo cô đang sững người nhìn nhau không hiểu:

− Còn các người là ai? Ở đâu? Sao đến đây bức bách mẫu thân ta?

Lam Đạo Cô nóng nảy hét lớn:

− Bọn ta đường đường chánh chánh, không áp bức người cô thế bao giờ. Tiểu tử đừng nói bậy.

Tuấn Anh khẽ cười gằn đứng dậy:

− Ba người cùng đánh một người mà bảo là đường đường chánh chánh à? Các ngươi tà đạo ở đâu?

Hồng Đạo Cô hét lớn:

− Câm ngay, bọn ta là Tam Đạo Cô ở động Thanh Vân, nay hạ san thu nạp thân mẫu ngươi về tội giết người.

Nghe Đạo Cô nhục mạ mẫu thân mình, Tuấn Anh không chịu nổi, mặt mày phút chốc đỏ bừng vì giận dữ, hét run cả chùm đèn treo giữa trần nhà:

− Tam Đạo Cô, các người không được vu khốn mẫu thân ta, hãy rút lại lời mau.

Bạch Đạo Cô nhíu mày:

− Hơi đâu mà cãi với thằng bé miệng còn hơi sữa. Nhị hiền tỷ hãy mau động thủ.

Nhị đạo cô gật đầu đồng bước lên một bước.

Hoàng phu nhân sợ quá, vội nắm tay Tuấn Anh:

− Tuấn nhi, phụ thân con đã cấm con không được xuống mạnh tay với Tam Đạo Cô.

Chuyện còn nhiều uẩn khúc, con hãy cầm lấy phong thư này mà rời khỏi nơi đây lập tức. Con không phải là đối thủ của Tam Đạo Cô, hãy chạy mau đi.

− Không!

Tuấn Anh cãi lời mẹ, vung ngay hữu chưởng lên cao liền một lúc thi triển luôn ba chiêu thức, nhắm thẳng người ba vị đạo cô với mười thành công lực.

Nhưng bị vị Đạo Cô chỉ khẽ mỉm cười, thân không rời chỗ. Cây phất trần khẽ đong đưa là hóa giải các chiêu thức của Tuấn Anh một cách dễ dàng.

Điên tiết vì thấy chưởng phong của mình vô hiệu bởi ba cây phất trần mỏng manh, Tuấn Anh tung vọt người lên cao, tả hữu chưởng xòe rộng. Mười ngón tay biến thành mười đạo bạch quang sáng rực nhắm ngay giữa thiên linh tử của ba đạo cô bắn xuống vèo vèo.

Lần này chàng đã vận hết mười hai thành công lực của mình, nên ba vị đạo cô chẳng dám coi thường, gót hài cỏ khẽ động lướt trên mặt đất. Cùng lúc ba cây phất trần quét lên không nhắm ba nơi yếu huyệt của Tuấn Anh điểm vào.

Tình thế cực kỳ nguy hiểm cho Tuấn Anh, vì lúc này thân thể chàng còn đang lơ lửng trên không, ba vị đạo cô lại ra tay chẳng nghỉ. Thấy con khó lòng tránh được cái chết đến trong gang tất, Hoàng phu nhân rùng mình kinh hãi thét lên, phóng ngay vào kình khí, ngọc chưởng quét vòng qua ...

Ầm!

Làn cát đỏ từ tay Hoàng phu nhân đã đánh bật ba cây phất trần trở ra ngoài, nhưng vì dùng hết sức mình, bà bị té ngửa trên nền đất.

Tuấn Anh thoát được cái chết trong chớp mắt. Chàng lộn người trở về sau, đỡ lấy người Hoàng phu nhân, kêu lên:

− Mẫu thân, người có bị trúng thương không?

Hoàng phu nhân khẽ lắc đầu, chợt bà đẩy tay cho Tuấn Anh bắn mạnh ra xa, tay còn lại vung trở ngược ra phía sau chưởng thúc “Sa sa sa” kịp thời đẩy tung cây phất trần của Hồng Đạo Cô vừa chụp xuống.

Vừa rơi mình xuống đất, Tuấn Anh lập tức vòng người trở lại, hét vang một tiếng, dùng “Càn khôn bế nguyệt” tấn công Bạch, Lam Đạo Cô đang đứng yên theo dõi Hồng Đạo Cô tấn công mẹ mình.

Tuấn Anh tuy hãy còn nhỏ tuổi, nhưng suốt mười một năm dài theo Tùng Thảo chân nhân luyện tập, nên chưởng lực của chàng giờ đây cũng thuộc hàng cao thủ, kẻ bình thường không thể nào chống nổi hai chưởng lực “Càn khôn bế nguyệt”, “Phật phủ càn khôn”.

Nhưng người giao đấu với Tuấn Anh là hai vị đạo cô, công lực có thể ngang hàng với sư phụ của chàng, nên chỉ kịp thấy cây phất trần quét ngang là hai chiêu thức của chàng lập tức bị hóa giải.

Muốn cuộc chiến mau kết thúc, hai đạo cô đồng lúc dùng phất trần thi triển chiêu thức “Phi vân xuyên tử” nhắm vào ba mươi sáu huyệt đạo trên người Tuấn Anh điểm vun vút tới.

Những sợi tơ mảnh, óng ánh năm màu của cầu vòng lập tức xòe rộng ra, vươn dài bao vây kín thân mình của Tuấn Anh, cùng lúc chàng nhìn thấy đất trời như đảo lộn, muôn vạn ánh sao băng nhắm ngay các huyệt đạo của mình bắn mạnh vào. Chàng chới với vung chưởng một cách tuyệt vọng.

Bên kia Hoàng phu nhân và Hồng Đạo Cô đang cùng nhau giao đấu, nội lực cao thâm của phu nhân đã cho phép cuộc chiến được kéo dài vì đôi bên đồng cân sức.

Nhưng đang giao đấu, Hoàng phu nhân bỗng giật mình khi thấy con sắp bị nạn, bà đánh một chưởng rồi tung người nhảy qua trợ chiến cùng con.

Ầm!

Một lần nữa bà cứu được con, nhưng lần này hai mẹ con bà đều thọ thương. Trên khóe môi của Hoàng phu nhân một dòng máu kéo dài. Tuấn Anh đỡ mẹ ngồi dậy, sợ hãi:

− Mẹ, mẹ hãy vận khí để con ...

Song chàng không nói được tròn câu, vì ba cây phất trần như tấm lưới chằng chịt đang phủ xuống đầu mẹ con chàng.

− Tuấn nhi ...

Hoàng phu nhân đã đuối sức lắm rồi, bà không thể vung chưởng lên chống đỡ đành ôm cứng lấy con, dùng thân mình che chở cho con cái chết đến trong đường tơ kẻ tóc.

Giữa lúc hai mẹ con Tuấn Anh đang tuyệt vọng ôm nhau đón chờ cái chết thì “vù” một cái, một làn khói trắng xông lên mù mịt, tấm lưới ngũ sắc tan nhanh. Hai mẹ con bà ngẩng đầu lên mừng rỡ, kịp nghe Hồng Đạo Cô quát lớn:

− Người kia đã tu hành sao còn xen vào chuyện của bản đạo cô?

Bạch Hạc Tiên Ông thong thả đung đưa chiếc phất trần, vuốt râu cười vui vẻ:

− Đúng, kẻ tu hành thì không nên xen vào chuyện đời tục lụy. Nhưng Tam Đạo Cô đã xen vào chuyện trần gian lại còn muốn giết người, thì ta vì đạo hiếu sinh nên buộc lòng phải ra tay giải cứu.

Hồng Đạo Cô tiến lên ôn tồn:

− Xin đạo hữu cho chị em chúng tôi biết rõ danh tánh, rồi chúng tôi sẽ kể đạo hữu nghe rõ sự tình chứ không phải vô cớ bọn ta xuống giang hồ gây loạn.

Bạch Hạc Tiên Ông cười ha hả:

− Bần đạo danh là Bạch Hạc Tiên Ông, chỉ sống vui với cây cỏ lá hoa, thích đem lại sự công bằng cho tất cả mọi người. Nên lão rất bất bình khi thấy Tam Đạo Cô bức tử người cùng lối.

Lam Đạo Cô vòng tay:

− Nếu đạo hữu biết được tội ác của cặp Thanh bạch uyên ương Trúc Lâm Song Hiệp kia thì có lẽ người cũng nổi giận đùng đùng, cùng tiếp sức với chúng tôi trừ khử một con rắn độc.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.