Ai Đó (Mỗ Mỗ)

Chương 24: Kinh Trập cuối hè




Lần trước Giang Thiêm chủ động gõ cửa, lần này nên tới lượt cậu. Có qua có lại mới toại lòng nhau, nguyên tắc ai cũng hiểu.

Không phải tui không biết xấu hổ, tui chỉ lễ phép mà thôi. Thịnh Vọng nhủ thầm trong lòng vài lần, hùng hồn gõ cửa.

Trong phòng ngủ vang lên tiếng bước chân, tiếng lạch cạch khe khẽ và Giang Thiêm xuất hiện sau cửa.

Thịnh Vọng đã soạn sẵn lời thoại bất chợt bị quắn lưỡi, mở mồm phun ra: “Điều hòa phòng tôi bị hỏng!”

Giang Thiêm sửng sốt.

………Mày bị ngu hả???

Thịnh Vọng thầm mắng bản thân.

Lý do ngon nghẻ không nói, điều hòa cái quái gì hả? Thôi xong, thế là toang rồi. Lời nói dối ngu đần thế này, Giang Thiêm chỉ cần sang bên cạnh liếc mắt cái thôi là lộ hết, chẳng khác gì chìa mặt cho người ta vả.

Thịnh Vọng tưởng tượng viễn cảnh ấy, thiếu chút nữa thăng thiên ngay tại chỗ.

Nhưng tâm lý cậu khá vững, yếu đuối chưa đến hai giây đã vực dậy tinh thần. Cậu nhìn Giang Thiêm, lòng nói: Nếu cậu dám sang đấy dòm thật thì tôi sẽ nhảy từ cửa sổ tầng 2 xuống.

May sao Giang Thiêm có chỉ số thông minh và cũng có tình người.

Hắn rũ mắt nhìn thoáng qua, thấy cặp sách trong tay Thịnh Vọng thì không hỏi nhiều nữa, nghiêng người tránh đường.

Thịnh Vọng lặng lẽ thở phào, cất bước vào phòng.

Khi đặt bước đầu tiên, cậu khựng lại theo bản năng. Đây là phản ứng chỉ có khi cậu bước chân vào lãnh địa của người khác, giống như một người đến nhà bạn làm khách thường nhìn quanh một vòng rồi mới thay dép lê. Thịnh Vọng không ngờ mình sẽ có một ngày xuất hiện phản ứng này trong căn phòng ngủ cách vách.

Cậu trai mười mấy tuổi, cảm xúc luôn thay đổi xoành xoạch. Chỉ cần một câu đã trở mặt cãi cọ, chỉ cần một câu lại bắt tay làm hòa. Một giây trước đánh nhau chửi nhau, một giây sau có khi đã thân thiết khăng khít, bước ngoặt thay đổi có thể là những thứ đơn giản nhất —–

Một tờ giấy nhớ, một chai nước ngọt, hay một câu bài tập.

Rõ ràng không lâu trước kia, cậu vẫn đang than phiền với Con Cua về việc nhà mình bị thằng cháu trai nào đó chiếm mất, thế mà bây giờ lại ngầm thừa nhận căn phòng này là địa bàn của Giang Thiêm.

Thế giới thật kì diệu.

Thịnh Vọng thầm nghĩ.

Cậu và Giang Thiêm giống nhau, không thích ngó ngó nghiêng nghiêng trong phòng người khác, thứ nhất là xuất phát từ lễ phép, thứ hai……..hành động ấy chẳng vẻ vang tí nào. Nhưng không ngăn nổi phòng của ai đó quá mức đơn giản, cậu chẳng cần đảo mắt cũng thấy hết rồi.

Căn phòng này nằm song song với phòng Thịnh Vọng, phương hướng và trang trí rất giống, đều đặt bàn học bên cửa sổ, đối diện là giường. Tủ quần áo đứng bên bức tường dùng chung, chỉ khác là ngoài tủ ra trong phòng Thịnh Vọng còn có một nhà vệ sinh riêng.

Thịnh Vọng nhìn chằm chằm bức tường ấy hồi lâu, bỗng thỏ thẻ: “Tôi xả nước thì cậu có nghe thấy không?”

“Hửm?” Giang Thiêm đi sau cậu đóng cửa lại.

Thịnh Vọng ngoảnh đầu lại nhìn mới phát hiện hắn đeo tai nghe không dây, cái đuôi trắng đè nhẹ lên xương tai mảnh khảnh.

“Cậu vừa nói gì? Nói nhỏ quá tôi không nghe thấy.” Giang Thiêm nghiêng đầu tháo một bên tai nghe xuống.

“Tôi nói —-” Thịnh Vọng ngẫm lại, nhỡ cậu hỏi xong, tên này bảo rằng “Không để ý, nếu thích thì sang bên cạnh thử cho biết”, thì cậu xấu hổ chết mất! Dẫu gì điều hòa không hề hỏng hóc vẫn treo ở đấy.

“Thôi, không có gì cả.” Thịnh Vọng xách cặp nói. “Cho tôi ké điều hòa tí thôi, Ngân hàng đề thi tôi còn 4 trang chưa làm xong.”

Nghe vậy, Giang Thiêm bước ngang qua cậu tới bên bàn học dọn dẹp đồ đạc.

Trên bàn hắn đặt một xấp đề thi, bên cạnh là một quyển vở bìa mềm mong mỏng, một bút đen, một bút đỏ, đó là tất cả. Đơn giản tới mức trống trải. Khác một trời một vực với bàn học ngổn ngang của Thịnh Vọng.

“Ơ? Cậu đừng dọn, tôi không cần ghế đâu.” Thịnh Vọng toan tới gần.

“Không ngồi ghế thì ngồi đâu, trên bàn à?” Giang Thiêm nói.

Thịnh Vọng vừa nhấc chân lên lại ngượng ngùng hạ xuống, vẻ mặt chột dạ như bị người ta tìm thấy tang chứng vật chứng. “Tôi có bảo muốn ngồi lên bàn đâu, tôi có thể đứng mà.”

Vừa nghe biết ngay xạo chó, Giang Thiêm liếc mắt nhìn cậu, đóng nắp 2 cái bút và vứt vào trong cặp sách.

“Cậu ngồi ghế đi, tôi không cần.” Hắn đút cả đề thi vào cặp sách, chỉ cầm theo quyển vở bìa mềm ngồi lên bệ cửa sổ mơn man gió mát. Hắn dựa lưng vào bức tường bên bệ cửa, một chân gập lên, vở mềm đặt trên đầu gối, chân còn lại rũ xuống chạm nền nhà.

“Cậu không cần thật à?” Thịnh Vọng hỏi.

“Làm xong rồi.”

“Xong cả đề thi chị Tinh cho á?” Thịnh Vọng thắc mắc. “Tôi vừa thấy đề của cậu trống trơn mà.”

Giang Thiêm vẩy vẩy quyển vở bìa mỏng trên đầu gối, nói: “Viết vào đây.”

Thịnh Vọng dí mặt vào nhìn, quả nhiên thấy đáp án tiếng Anh của hắn được viết trong vở, một hàng nhìn xa rõ ràng mạnh mẽ, nhìn gần mới nhận ra toàn là Liên Bút [1].

[1] Liên Bút: lối viết từ đầu đến cuối liền mạch không nhấc bút lên như Hành Thư hay lối chữ thảo, thường dùng để tốc ký.

Ngay đến câu sai hắn cũng lười gạch. Người bình thường hay gạch chéo 2 nét (X), còn hắn chỉ vạch một đường xiên. (/)

Bên cạnh đường xiên là nội dung sửa chữa của hắn, có chỗ chỉ viết một cụm từ, có chỗ kéo dài tới vài dòng, giờ hắn đang xem những chỗ ấy.

[2] Trong chương 19 có nói bé Thiêm chỉ chấm bên cạnh đáp án là vì bé có thói quen viết đáp án và sửa chữa ra một quyển riêng.

“Sao cậu không viết thẳng vào đề luôn?” Thịnh Vọng hỏi.

Giang Thiêm: “Bớt việc.”

“Có phải 2 đứa mình hiểu lệch nhau về bớt việc không?”

Giang Thiêm nghẹn họng, chắc vì trước đây chưa có ai truy hỏi hành động của hắn như vậy hết. Ngón tay hắn vân vê một trang giấy, sau đó đặt xuống cam chịu số phận trả lời: “Dương Tinh rất khéo chọn đề, những đề thi được tổng hợp đều là tinh hoa, một câu bằng mười câu thường. Làm ra vở một lần và đánh dấu câu sai lên đề. Lần 2 chỉ cần làm câu sai thôi và không bị đáp án ban đầu quấy nhiễu. Làm tầm 2 lần thì không cần phải sử dụng chiến thuật biển đề [3].”

[3] Giống chiến thuật biển người, làm nhiều đề lấy số lượng đè chất lượng.

Hắn dừng lại, không biết nói gì nữa: “Hiệu suất cao, bớt việc. Nói vậy đã hiểu chưa?”

“Hiểu rồi.” Thịnh Vọng giơ tay trái, nói: “Đây là đoạn dài nhất tôi nghe thấy từ lúc biết cậu cho tới nay, 74 chữ.”

Giang Thiêm: “……….”

Cửa sổ ở ngay cạnh bàn học, nơi Giang Thiêm ngồi cách Thịnh Vọng không xa, giơ tay là tóm được cậu.

Thấy đối phượng đứng thẳng dậy, Thịnh Vọng vội vàng bưng nửa mặt nhích ghế ra xa. Sau đó Giang Thiêm cậy tay dài bật đèn bàn giúp cậu, mặt không đổi sắc nói: “Cậu làm bài đi.”

Thịnh Vọng “Ừm”, toan mở miệng nói. Giang Thiêm đang cúi đầu nhìn vở, nói chẳng chút thương xót: “Không làm xong thì đừng có nói.”

Thịnh Vọng liếc liếc hắn, cãi lại: “Lo chuyện bao đồng.”

Giang Thiêm đanh mặt ngẩng đầu lên, Thịnh Vọng lập tức giơ 2 ngón trỏ tạo dấu X trước miệng, phất cờ đình chiến.

Thịnh Vọng làm bài chẳng hề nề nếp, tư thế ngồi nghiêm chỉnh sẽ khiến đầu óc cậu tắc tịt. Lúc ở trong phòng mình, làm được một lát thì ngồi lên bàn, lát sau lại chuyển lên cửa sổ, sau đó là giường và thảm.

Vận động là phương thức tồn tại của vật chất (Mác-Lênin), Thịnh Vọng làm bài cũng vậy.

Ở chỗ Giang Thiêm, thoạt đầu cậu còn kìm chế. Làm làm rồi bắt đầu tăng động, hai chân giẫm lên thanh ngang dưới bàn, chiếc ghế bốn chân lập tức nhấc 2 chân lên. Chân dài khi co khi duỗi, ghế dựa theo đó bắt đầu đung đưa.

Đung đưa khoảng chừng mười phút, cậu mới chợt nhớ Cao Thiên Dương từng nhắc cậu, ngồi đằng trước Giang Thiêm làm gì cũng được, chỉ mỗi không được đu đưa ghế trước mặt hắn, hắn ghét thế lắm.

Thịnh Vọng rụt chân theo phản xạ có điều kiện, trước bàn học lót một tấm thảm tròn nên chân ghế tì lên thảm không phát ra âm thanh gì cả. Cậu chột dạ quay đầu dòm Giang Thiêm thì thấy nếp gấp mong mỏng cuối đuôi mắt Giang Thiêm khẽ nhấc lên.

Màu mắt hắn dưới ánh đèn thật nhạt nhòa, như được mạ một lớp nước thủy tinh mỏng, tầm mắt quét qua hờ hững như một cái nhìn thoáng chẳng hề để tâm.

Cuối ngõ cách đó không xa vừa hay có xe chạy ngang qua, đèn pha rọi qua cửa sổ thủy tinh ùa vào, từ bên trái trượt sang phải.

Không biết tại ánh sáng mờ thình lình xuất hiện làm giật mình hay vì gì khác, Thịnh Vọng tức tốc rụt mắt, hạ đường nhìn xuống trang sách.

Ngón tay cậu chậm chạp vân vê mép giấy một lúc lâu rồi mới nuốt trôi đề bài. Và sau một lúc lâu nữa mới cầm bút viết công thức.

Những câu tiếp theo như được tổ tiên phù hộ, làm liền tù tì, nhanh hơn bình thường rất nhiều. Thịnh Vọng làm hết 4 trang bài tập trong vòng 1 tiếng, thế mà Giang Thiêm cũng đọc quyển vở bìa mềm 1 tiếng liền.

Thậm chí khi Thịnh Vọng khép bộ đề lại và vươn vai, hắn vẫn đang lật sang trang.

“Cậu chưa xong à?” Thịnh Vọng hỏi.

“Còn một ít nữa.” Cuối cùng Giang Thiêm cũng chịu ngẩng đầu khỏi quyển vở, hắn hỏi: “Làm xong bài chưa?”

“Xong rồi.” Thịnh Vọng móc di động ra nhìn giờ: “Chưa đến 1 rưỡi mà tôi đã giải quyết xong.”

“Có vấn đề gì à?” Giang Thiêm hỏi.

“Không.” Cậu ấm vươn vai duỗi người, vẻ mặt kiêu ngạo.

Ban đầu cậu cứ nghĩ sẽ không kiếm được cớ sang phòng Giang Thiêm. Nhưng trạng thái hôm nay thật sự quá đỉnh, giúp cậu nở mày nở mặt, câu hỏi khó nhằn mọi ngày bỗng trở nên hết sức đơn giản, xác suất đúng cao tới mức đáng kinh ngạc.

Thịnh Vọng ngẫm nghĩ một lúc và tổng kết rằng: “Phong thủy phòng cậu ổn đấy, buff não.”

Với lý do quái đản ấy, cậu ké điều hòa ở phòng Giang Thiêm 2 ngày liền.

Lần nào Thịnh Vọng cũng gõ cửa vào lúc nửa đêm, vừa qua 12 giờ, Giang Âu dưới tầng đi ngủ đã lâu, nửa căn nhà lặng yên không một tiếng động, chỉ có ánh đèn hắt ra từ phòng 2 đứa, thỉnh thoảng có tiếng nói chuyện.

Mới đầu cả 2 không phát giác có điều gì sai sai.

Cho đến thứ 6 hôm nay, một người không ngờ tới đã vô tình phá vỡ nếp sống cố định ấy —– Thịnh Minh Dương cuối cùng đã giành được chút thời gian trong những ngày bận bịu và quay về nhà.

Tiểu Trần lái xe tới sân bay đón ông, lúc về đến nhà đã hơn 12 giờ. Dựa trên suy nghĩ không quấy rầy người nhà ngủ và học tập, Thịnh Minh Dương không báo cho ai hết.

Thứ 7 chủ nhật là kì thi tháng đầu tiên, đêm nay Thịnh Vọng không làm đề mới nữa, mà khoanh tròn những chỗ chưa hiểu trong vở ghi và Bộ câu hỏi, chuẩn bị đi tìm Giang Thiêm thảo luận sương sương.

Lúc cậu cầm sách vở gõ cửa phòng cách vách, dưới tầng bỗng vang lên tiếng “Tích tích” nhập mật khẩu cửa, sau đó là tiếng tra chìa khóa vào cánh cửa thứ hai.

Thịnh Minh Dương hay đứng ngoài sân hút thuốc, thỉnh thoảng sẽ khẽ ho khù khụ. Âm thanh ấy Thịnh Vọng đã nghe hơn 10 năm, quá mức quen thuộc, cách một cánh cửa cũng nhận ra.

Khi tiếng ho khẽ của bố cậu vang lên, Thịnh Vọng đờ người. Cậu chui tọt vào phòng, cuống quýt đóng cửa lại.

Cậu tựa lưng vào cửa lắng nghe tiếng động dưới tầng một lát, lúc ngước mắt lên thì thấy Giang Thiêm phủ khăn mặt, trong tay cầm một ly nước, đứng cách đó một bước.

Hôm nay hắn tắm hơi muộn, tóc nửa khô nửa ướt, giọt nước nhỏ bé lặng lẽ tụ lại cuối đuôi tóc, và rồi lăn dài theo cần cổ cong cong của hắn, thấm ướt cổ áo ngắn tay màu xám.

Hắn liếc về phía cánh cửa.

Thịnh Vọng nói nhỏ: “Đúng lúc tôi gõ cửa thì bố tôi về.”

Giang Thiêm dời mắt khỏi cánh cửa, tầm nhìn rũ xuống rơi trên người Thịnh Vọng. Hắn im lặng một lúc, bỗng nói: “Sao cậu phải cuống thế?”

Màn đêm tĩnh lặng, không biết con ve trên cái cây nào đột nhiên cất tiếng kêu dài da diết, rõ ràng là cuối hè mà cứ như tiết Kinh trập [4] giữa xuân.

Trong lòng Thịnh Vọng bỗng nao nao.

[4] Một trong 24 tiết khí, tiết Kinh trập rơi vào ngày 5 (hoặc 6) tháng 3 đến 20/3 dương lịch. “Kinh” là kinh động, “trập” là côn trùng, vào thời gian này là lúc côn trùng tỉnh dậy và hoạt động mạnh. Còn gọi là tiết sâu nở.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.