Thẩm Thiêm vẫn nhớ rõ lần thứ hai mình và Tần Tranh gặp gỡ.
Vào tảng sáng ngày xuân lạnh giá, đồng cỏ, băng vải, bộ đàm, kền kền bay lượn trên đỉnh đầu, người mẹ voi bị chém đứt đầu lấy ngà, và đôi cánh tay đưa anh về từ cái chết.
Ngược dòng thời gian về xa xôi hơn.
Thẩm Thiêm đã quyên góp cho trại mồ côi cho voi kể từ năm nhất đại học. Nguyên nhân thật ra cũng đơn giản, trong một lần đi dạo loanh quanh sân trường, anh lướt ngang qua buổi tọa đàm của một tổ chức bảo vệ động vật, sau đó cũng như hầu hết các bạn học ở đó, anh bước lên sân khấu cầm tờ bướm với tông màu thiết kế trang nhã hướng dẫn cách thức quyên góp.
Elephant Nursery.
Thay vì "trại voi mồ côi", có lẽ dịch thành "nhà trẻ voi" phần nào xuôi tai hơn, nhưng cái tên thứ hai sẽ ngang nhiên xóa đi màu sắc bi kịch đằng sau nó. Nhưng Thẩm Thiêm bị hai chữ trong danh sách chờ cứu trợ nọ hấp dẫn, và duy trì quyên góp liên tục đến nay đã tám năm.
Oslo là vùng đất tĩnh lặng nằm nơi cực Bắc xa xôi, thế nhưng ngôi trường Thẩm Thiêm theo học mang bầu khí nghệ thuật đậm đà và tư tưởng tự do lãng mạn. Dưới sự tuyên truyền tích cực của tổ chức bảo vệ động vật, khuôn viên trường treo đủ các loại cờ động vật gây trào lưu truyền cảm hứng cho các sinh viên. Có điều trào lưu đến nhanh mà biến mất cũng nhanh, chỉ ít lâu sau các tờ bướm đã bị các thông báo hoạt động đủ màu sắc khác trong trường dán chồng lên.
Con người sẽ luôn đắm chìm trong niềm vui nỗi buồn nhất thời mà vội quên đi những tiếng than khóc không thôi ngơi nghỉ trên loạt danh sách. Đến hai năm sau, Thẩm Thiêm nhận được thiếp chúc mừng tốt nghiệp và một bức tượng gỗ khắc hình chú voi con làm kỷ niệm từ châu Phi xa xôi nghìn trùng. Các bạn học của anh bấy giờ mới ngạc nhiên, thì ra người vẫn kiên trì quyên góp vào quỹ bảo hộ động vật lại là người bạn ở ngay bên.
"Kiên trì" thực tế là điều rất khó khăn với Thẩm Thiêm. Anh thường chỉ nhiệt tình được ba phút với tất cả sự vật sự việc, không phải anh không hào hứng mà là vì anh không có lòng kiên nhẫn. Riêng trại voi mồ côi chắc hẳn phải là một trong số ít những sự kiện trong đời đã trở thành quán tính với anh.
Trại voi mồ côi, đúng như cái tên, là một nơi chứa đầy rẫy những bi kịch, nhưng cũng đồng thời mang lấy hy vọng của những khởi đầu mới.
Từ cậu sinh viên nghèo sống một thân một mình ở Na Uy đến chàng nghệ nhân chế tác nhạc cụ chu du khắp thế giới, số tiền Thẩm Thiêm gửi vào ngân hàng từ phân nửa tiền lương làm bán thời gian ít ỏi đến lúc cứ tăng dần lên mỗi tháng. Anh không biết ai là người sử dụng khoản quyên góp không tính là nhỏ nhoi kia, nhưng anh lại biết mặt từng chú voi con trong trại mồ côi.
Cứ thỉnh thoảng định kỳ, Thẩm Thiêm sẽ nhận được tấm bưu thiếp từ phương xa, mặt trước in hình hoặc chân dung vẽ lại chú voi được cứu giúp nhờ khoản tiền anh gửi đến, dòng thư gửi ở mặt sau dù ít dù nhiều cũng chỉ hoàn toàn giới thiệu chi tiết về chú voi trên bức ảnh. Ngoại trừ lần tốt nghiệp ấy, tất cả bưu thiếp trước và sau đó chưa từng xuất hiện lời cảm ơn cụ thể, nhưng lòng biết ơn sâu sắc được bày tỏ dày kín đằng sau từng con chữ.
Phải nói rằng, những bức bưu thiếp ấy chính là công lao hiển hách của Thẩm Thiêm sau tám năm kiên trì.
Hai mươi hai tuổi, nhỏ hơn Tần Tranh bây giờ một tuổi, Thẩm Thiêm rời khỏi Paris sau khoảng thời gian định cư ngắn ngủi hồi tốt nghiệp, bắt đầu chuyến hành trình chế tác đàn di động khắp thế giới.
Nhắc đến chế tác đàn, thay vì nói là niềm đam mê cả đời của Thẩm Thiêm, hình như nghề nghiệp này bị anh xem là phương tiện gánh vác tiền lộ phí với tiền ăn dọc đường thì đúng hơn.
Thẩm Thiêm may mắn hơn bà ngoại anh khi mới bắt đầu sự nghiệp ở Paris, anh đã gặp được một nghệ sĩ mà ít lâu sau đó trở thành tay violin nổi tiếng quốc tế. Người nghệ sĩ trẻ nọ tính tình xởi lởi và có phần mê tín, trước đó làm gãy vỡ chiếc đàn mình dùng từ nhỏ đến lớn, tìm kiếm bao nhiêu thợ đàn danh tiếng chạy chữa vẫn không lành lặn lại nổi. Trong một dịp vô tình vào đến xưởng của Thẩm Thiêm, bị thái độ đủng đỉnh lười nhác và trạng thái lúc làm việc khác hoàn toàn của cậu thợ trẻ hấp dẫn, do dự đặt một đơn hàng. Sau đó, anh chàng nghệ sĩ chọn chiếc đàn Thẩm Thiêm chế tác dự cuộc thi violin quốc tế, giành được giải nhất đầy thuyết phục trong tràng vỗ tay giòn giã của thính giả.
Trong bài phỏng vấn sau cuộc thi, trước mắt toàn thể đồng nghiệp và người mến mộ âm nhạc trên khắp thế giới, anh chàng nghệ sĩ nhiệt tình kích động giơ nhạc cụ bất ly thân lên cao, kể chiếc đàn đã giúp anh ta quay về từ chuỗi ngày dưới đáy vực sâu đến từ đâu. Tiếp đó, Thẩm Thiêm liên tục nhận được những đơn đặt hàng.
Không như nhiều người thợ đàn dành phần lớn cuộc đời ở chiếc bàn làm việc quen thuộc và liên tục nâng cao tay nghề, với đại diện là Thẩm Ngọc Nhữ. Con đường sự nghiệp của Thẩm Thiêm ngang trái vô cùng, sau khi rời khỏi Paris, anh thay đổi vị trí liên tục. Gỗ nguyên liệu chủ yếu chọn tại địa phương đó, làm khuôn xong anh sẽ bay đến nơi khác, tìm dây đàn bằng ruột dê phù hợp nhất, rồi lập tức bay về trước khi gia cố khung vào hôm sau.
Hành tung bất định, hành vi kỳ quặc, vậy mà hàng tá người trúng chiêu, thậm chí bày đủ trò hoa mỹ mời mọc anh Thẩm đến thành phố chủ nhà sẽ tận tâm tận nghĩa đón tiếp. Có điều chỉ riêng chuyện này Thẩm Thiêm luôn rất nguyên tắc —— anh chưa bao giờ trao đổi bất kỳ điều gì thêm với khách hàng trừ bước hỏi đáp yêu cầu về thành phẩm.
Đơn hàng của Thẩm Thiêm luôn kín lịch, nhưng anh cũng chừa cho bản thân thời gian nghỉ ngơi dạo quanh thế giới trong cả năm tiếp theo. Sau khi giao chiếc đàn luýt vừa hoàn tất cho khách hàng tại Los Angeles, Thẩm Thiêm đã có một kỳ nghỉ dài ba ngày nơi bờ Tây chan hòa nắng ấm, và tại đường số 66 ít ai qua lại bất ngờ gặp được Tần Tranh. Rời khỏi California, Thẩm Thiêm rảnh rỗi đang định "về" quê hương Trung Quốc anh chưa bao giờ đặt chân xem, nhưng khi suýt thất lạc món trang sức gỗ hình chú voi con ở sân bay, Thẩm Thiêm đổi ý quyết định điểm đến tiếp theo sẽ là châu Phi.
Hồi ấy anh chỉ đơn giản muốn đến xem trại voi mồ mà mình chỉ thấy trên ảnh thực tế ngoài đời, ở lại một tuần hay loanh quanh đó rồi về. Hoàn toàn không ngờ đến mình sẽ ở lại nơi đến chỗ tắm rửa cũng là vấn đề nan giải lâu tới vậy, càng không ngờ rằng mình sẽ có một cuộc hội ngộ khó mà nói được có sự nhúng tay của số phận hay không với người mà mình không bao giờ nghĩ đến.
Trong một buổi đi tuần bình thường, trên chiếc việt dã qua đồng cỏ chỉ có tình nguyện viên Thẩm Thiêm và người dẫn đường băng qua đồng cỏ, không ngờ hai người lại gặp phải dấu vết của lũ săn bắt.
Nơi ấy cũng tương đối ở xa những người khác, họ ra quyết định trong gấp rút, gọi cứu viện, bí quá hóa liều mặc tất cả trang bị một mình đi cứu mục tiêu đi săn mà cả hai không biết có chờ được họ đến nơi không.
Yếu tố bất ngờ là, cả chú voi lẫn họ đều gặp bất trắc.
Thời tiết quá lạnh giá, Thẩm Thiêm vẫn còn nhớ lúc ấy mình run cầm cập trong đêm rét buốt giữa đồng cỏ giảm nhiệt mạnh.
Người dẫn đường đi trước tìm cứu viện, Thẩm Thiêm quấn áo khoác của hai người nghe theo lời dặn co cụm cơ thể lại, cố biến mình thành một viên nham thạch không sự sống trước điểm nhìn rét căm của kẻ săn mồi đang rình rập. Anh thấy mình vừa buồn ngủ lại vừa lạnh, nhưng anh không dám nhắm mắt, vì trước bóng tối sẽ hiện lên cảnh tượng voi mẹ đầm đìa máu.
Khi chiếc đèn kéo quân thở dài vì Thẩm Ngọc Nhữ lại chuẩn bị nhận được tin người thân chết, bộ đàm không hề có tín hiệu trong tay bỗng có động tĩnh. Và càng ngoài dự đoán là, người nói chuyện với Thẩm Thiêm lại là một người Trung Quốc với giọng nói đầy ân cần.
Anh được cứu.
Cái chết là một căn phòng tối cóng buốt, anh vừa đặt chân đến ngưỡng cửa, trước mắt chợt xuất hiện những ánh đèn sáng như ban ngày.
Anh nhận ra mình được bao bọc trong đôi cánh tay mạnh mẽ, đằng sau căn phòng tối là vầng sáng đến chói mắt nơi thiên đường. Thẩm Thiêm mê man mở to mắt, trông thấy khuôn mặt mà anh chưa từng bao giờ nghĩ mình sẽ gặp lại.
"Trùng hợp vậy à."
Hình như khi ấy đây cũng là câu đầu tiên anh nói với Tần Tranh.
Tần Tranh đã trả lời thế nào nhỉ? Lúc bấy giờ Thẩm Thiêm đã lạnh toát gần như rơi vào hôn mê, mơ mơ màng màng không nhớ rõ lắm.
"Nếu anh nghĩ đó là trùng hợp."
À, nhớ rồi, hệt như hôm trên du thuyền, Tần Tranh đã trả lời mình như thế.
Rõ ràng giọng nói lạnh lẽo cứng rắn hơn cả lần đầu gặp, mà chắc lúc đó anh chóng mặt thật rồi, sao lại nghe ra cảm xúc lo lắng và hoảng hốt từ bên trong.
Chắc chắn là nhớ lầm.
Trên chuyến tàu đi đến Budapest, Thẩm Thiêm trả lại chiếc mũ cho chủ nó rồi ngồi lại cạnh cửa sổ, nhìn Tần Tranh đưa tay vuốt gọn mái tóc, như đang suy tư.
Chắc chắn là mình nhớ lầm rồi, anh nghĩ.
Chắc hẳn khi ấy Tần Tranh cũng với điệu bộ này, bình thản thong dong, không màng để tâm bất cứ ai.
Bạn đồng hành anh ngỡ tưởng đánh mất lại quay trở về.
Thẩm Thiêm gác tay lên bàn chống trán, nghiêng người săm soi thật kỹ cậu chàng đẹp trai chỉ một đêm không gặp mà cứ như cách ba thu nhiều lần. Mãi cho đến khi Tần Tranh đã quen cũng phải nhướng mày nghi hoặc nhìn sang, anh mới chìa tay trái, nghiêm túc nói: "Làm quen lại nhé? Tôi tên Thẩm Thiêm, hai mươi sáu tuổi, thợ chế tác đàn, chủ yếu là chế tác vilolin, đang chờ ai đó đặt hàng làm guitar."
"Tần Tranh." Tần Tranh thoáng khựng, "Làm nghề tự do."
Hồi ở Giang Thành tháo cà vạt ra đi phóng khoáng lắm, bây giờ hắn cũng nói cái nghề "thất nghiệp" của mình nghe thật xuôi tai.
Những ngón tay đẹp đang chờ được nắm lấy bị phớt lờ thẳng thừng, Thẩm Thiêm không để bụng thu về, tủm tỉm cười: "Vậy thì, tại sao lại là Budapest ấy nhỉ?"
Dù cho điểm đến còn lại tức Paris nghe chừng chẳng hề liên quan đến lộ trình hướng về Bắc Âu sau cùng của hai người, nhưng từ đó bay thẳng đến Iceland vẫn là một trong những lựa chọn tốt nhất cả hai có. Hành lý của Tần Tranh đã bị bỏ lại sân bay Reykjavik được vài ngày rồi, hắn không hề thấy sốt ruột một chút nào sao?
"Tôi chưa từng đến đây." Lý do Tần Tranh trả lời nghe thì không khác gì kiếm cớ, nhưng sự thật là vậy.
Thẩm Thiêm gật đầu tỏ ý anh đã hiểu. Một lát sau, anh sờ sờ cằm nhìn trở lại: "Vậy nếu tôi không định đến Budapest thì làm sao, em tìm bạn đi cùng là thổ địa luôn à?"
Cũng chẳng phải việc phức tạp. Người châu Âu —— nhất là sinh viên châu Âu hễ có ngày nghỉ sẽ rất thích làm hướng dẫn viên du lịch bản địa như công việc bán thời gian, kiếm tiền chỉ đứng sau, họ còn lòng được tự giới thiệu quê hương thân yêu của mình đến với bạn bè khắp thế giới hơn. Chỉ cần có tiếng Anh, du khách sẽ luôn luôn gặp được thổ địa giới thiệu chi tiết miễn phí.
"Anh sẽ đến."
Nhưng giọng điệu chắc nịch của Tần Tranh nhất thời làm Thẩm Thiêm á khẩu không biết phải nói gì.
Anh hoang mang chớp chớp mắt: "Tại sao?"
Mặc dù chưa từng đề cập đến, nhưng Thẩm Thiêm luôn cảm giác được Tần Tranh hẳn biết anh đang chạy đua với thời gian từng ngày từng giờ trong hiện tại.
Mục tiêu của Thẩm Thiêm luôn chuẩn xác rõ ràng từ khi bắt đầu, đồng thời anh đã hạ quyết định sẽ không quay trở lại bất kỳ nơi nào mình lưu luyến, Barcelona, Budapest, tất cả đều nằm trong danh sách này.
Và rõ ràng buổi sớm hôm nay anh đã vẫn do dự khi cầm hai tấm vé tàu trên tay, thế nhưng Tần Tranh lại mua vé cho cả hai —— Thậm chí là từ trước khi mua vé hắn đã nhận định chính xác điểm đến Thẩm Thiêm chọn.
Có phải hắn học mánh coi bói đoán tương lai từ cô nàng Gypsies nào đó không.
Thấy Tần Tranh không trả lời mình, Thẩm Thiêm tự động não dặm mắm thêm muối, không ngại suy đoán người kề bên mình đi theo hướng xấu xí nhất có thể: "Hay là em làm giả tấm vé đi Paris? Giả ấy, kiểu không lên tàu được?"
Anh còn nghĩ kỳ quặc hơn cả thế được nữa.
Tần Tranh ngoảnh mặt làm ngơ lấy tai nghe không dây Apple trong túi áo jacket, hết sức tự nhiên đưa tai bên trái cho Thẩm Thiêm đang ngồi bên trái mình.
Hai người vai kề vai, tai nghe đối tai nghe, Thẩm Thiêm bắt chước Tần Tranh làm điệu khoanh tay, hơi nghiêng cổ mắt hướng về trước, không ai nhìn người kia nhưng mỗi lỗ chân lông cắp cơ thể nào ra hiệu cậu tổng phải tự hạ mình đeo tai nghe lên cho anh.
Những lúc thế này anh màng đến khoảng cách và chừng mực.
Phải nói, bộ dạng được nuông chiều đến độ chẳng lấy làm sợ sệt gì đúng là đáng ghét, nhưng cũng đáng yêu vô kể.
Tần Tranh cầm chiếc tai nghe khựng lại vài ba giây, khuất phục.
Dẫu vành tai trái của người ngồi cạnh bên bóng loáng không tì vết, không nhiễm trùng vì bấm lỗ tai như bên phải, thế nhưng hắn vẫn giống hệt như đêm qua, cẩn thận vén mái tóc dài của anh, nhét tai nghe vào tai Thẩm Thiêm dịu dàng đến cùng cực.
/ Chết đi tình yêu hỡi.
/ Nuối tiếc không sao đoán được màu trời hôm mai.
/ Mỗi lần lớn thêm những khung cảnh cũ đều đã xa rời.
/ Chẳng còn nhớ đến người bạn đồng hành này đây.
(Vệ Lan, Lui)
Bài hát Quảng Đông phát ngẫu nhiên vang lên, Thẩm Thiêm mù tịt hoàn toàn không hiểu gì, Tần Tranh cũng nửa hiểu nửa không. Nhưng chỉ bằng cách phát âm từ ngữ và giai điệu mềm mại, chung quy hắn đoán được đây không phải một bản tình ca ngọt ngào.
Hắn cầm điện thoại lên, màn hình đúng luyển chuyển sang dòng lyrics: / Những con người trong câu chuyện tình yêu lầm lạc / Quên người để cứu rỗi tôi.
Thẩm Thiêm đang dựa vào cửa sổ xe nghiêm túc phân biệt rõ cách phát âm của giọng nữ với anh mà nói là quá mơ hồ, chợt trông thấy Tần Tranh nhếch khóe môi, dường như mỉm cười.
Anh hiếu kỳ xích đầu lại gần, muốn xem thử cậu tổng mới tìm ra câu chuyện cười gì hay ho đây. Nhưng Tần Tranh phản xạ nhanh, lập tức ấn tắt màn hình điện thoại.
"Anh tin vào lời tiên đoán không?" Tần Tranh ngước mắt hỏi anh.
Thẩm Thiêm vô tội chớp chớp mắt nhìn.
"..." Tần Tranh bất đắc dĩ đổi sang từ vựng dễ dàng hơn: "Ý tôi là, tiên đoán, điềm báo, các loại mê tín."
Thẩm Thiêm ngẫm nghĩ một hồi, đáp: "Nửa tin nửa không vậy."
"Ừ." Tần Tranh gật nhẹ: "Tôi không tin."
Thẩm Thiêm cười: "Vì sao? Em theo chủ nghĩa duy vật à?"
Thấy anh lại chuẩn bị lôi ngọn cờ chủ nghĩa tư bản đối đầu với giai cấp tư sản ra, Tần Tranh kịp thời dừng lại: "Không, tôi chỉ tin tưởng bản thân mình."
Rất ngông cuồng, mà sự ngông cuồng quá đỗi bình tĩnh, khiến hắn trở nên ngạo mạn đến cực điểm.
Nhưng chính vì là Tần Tranh và cũng chỉ có thể là Tần Tranh, dẫu dưới cái nhìn nghiền ngẫm chăm chú của Thẩm Thiêm, sự nóng nảy ngông cuồng cũng hoàn toàn không khiến người khác cảm thấy buồn cười hay ấu trĩ.
Trên đời này, nếu người tin tưởng Tần Tranh nhất là chính Tần Tranh, vậy người xếp thứ hai chắc chắn phải là Thẩm Thiêm.
Chung quy theo một lối cắt nghĩa nào đó —— thậm chí sự thật đã chứng minh từ trước, hắn là Đấng cứu thế của Thẩm Thiêm.
Nhưng Đấng cứu thế thì áp lực quá, chỉ cần làm một lần là được rồi.
"Tần Tranh."
Bạn đồng hành thoáng nhướng mày, quay đầu nhìn sang: "Ừ?"
"Thuốc của em hữu dụng lắm."
"Ừ."
"Tai tôi đỡ đau nhiều rồi."
"Ừ."
"Nên là em đưa tai bên phải cho tôi cũng được."
"... E là không."
"?"
Tần Tranh nghiêng mặt về một bên —— bên mà trước đó anh không xem thấy do góc nhìn, bây giờ Thẩm Thiêm mới trông thấy rõ, trên trai trái Tần Tranh có treo thêm một viên đá màu đen giống hệt như của mình.
Hôm nay đến lượt đức vua đau.
Thẩm Thiêm cúi đầu, lặng lẽ cười.
Cậu tổng mong manh, vành tai có vẻ còn sưng tấy nghiêm trọng hơn cả Thẩm Thiêm hôm qua, thuốc hắn mua cho người khác hôm nay cũng hoàn trả xài về thân mình.
Hai người đưa mắt nhìn nhau, Thẩm Thiêm nghiêng đầu, nhè nhẹ bôi thuốc mỡ trên tay mình lên vành tai Tần Tranh, không quên nhân cơ hội hiếm có khó tìm này trêu ngươi: "Em là đồ bắt chước à?"
Trong tai nghe đã chuyển bai hát, lần này cả hai đều hiểu được, Before I Go của Guy Sebastian.
Tần Tranh không buồn để tâm anh, giữa xúc giác bết dính nọ, yết hầu hắn trượt khẽ khó lòng nhìn thấy.
Thẩm Thiêm đưa tay về.
"Tần Tranh."
Giai điệu dần lên cao trào, Thẩm Thiêm lại gọi tên hắn thêm một lần.
"Ừ." Tần Tranh đáp lời anh.
Khóe môi Thẩm Thiêm cong lên: "Không có gì."
Chỉ là, tôi rất, thật sự, vô cùng hân hạnh khi được biết em.
Phần thứ nhất [Linh hồn lang thang, trên đường, The Blue Danube] kết thúc.