120 Ngày Nhìn Trộm

Chương 35




Đông chí, buổi sáng.

Một áng mây lướt qua chân trời xa xôi ngàn dặm.

Cái thị trấn nhỏ trong nội lục này lạnh hơn thành phố ven biển Thượng Hải nhiều lắm. Nơi đây không thiếu công nhân viên chức có trách nhiệm, bầu không khí tràn ngập mùi hành tỏi và gừng hăng mũi. Đường phố cuối tuần cũng khá đông vui, có tụ điểm chơi DOTA và ăn lẩu cay, có quầy hàng nhỏ bán thực phẩm chức năng và thuốc giả, có salon tóc đặt biển hiệu “Phong cách dân tộc nổi bật nhất,” và cả tiệm làm nail 10 đồng một lần. Trong đám đông ai nấy đều quấn kín mít như bánh chưng, Thôi Thiện khoác trên mình chiếc áo khoác lông thiên nga màu đen, lạnh tới độ nước mũi chảy ròng ròng, đầu đội chiếc mũ lông tối màu, tay trái cầm chiếc túi LV hàng nhái mà X tặng, tay phải kéo chiếc vali màu đỏ, dù có cố khiêm tốn thế nào trông vẫn rất nổi bật.

Cô ta bán được chiếc túi Herme’s trên mạng với giá năm mươi ngàn. Xem chừng X không phải là người sành sỏi trong lĩnh vực này, bằng không nếu biết chiếc túi đó đắt giá đến thế thì đã chẳng để lại tiền mặt trong phong bì cho cô ta. Thôi Thiện mua một cái mặt dây chuyền pha lê mới hình thiên nga nhỏ, nhưng đoạn chuyển giao từ pha lê trắng sang pha lê đen được đeo ngay chính giữa phần xương quai xanh của cô ta. Thôi Thiện dùng hộ chiếu của nước Cộng hòa Sodoma làm một cái thẻ ghi nợ Visa, chuyển tất cả nhân dân tệ và đô la Mỹ vào đó. Cô ta đã quen dùng tấm hộ chiếu Tiểu Xảo, giờ đi đâu cũng đều dùng cái tên đó.

Tối qua chẳng hiểu nghĩ gì mà Thôi Thiện lại mua vé tàu hỏa tới thị trấn quê nhà của cô ta. Trong cuộc hành trình kéo dài mười hai tiếng, Thôi Thiện nằm ngủ co ro trên ghế ngồi, cô ta luôn cảm thấy có một đôi mắt theo dõi mình từ phía sau, nhưng khi quay đầu lại chỉ nhìn thấy vô số khuôn mặt mệt mỏi và thờ ơ.

X, tôi chưa từng gặp anh, như thể anh cũng chưa từng tồn tại, phải vậy không?

Buổi sáng tinh mơ trên tàu hỏa, sau khi đi qua một đường hầm tối đen, mặt kính phủ đầy hơi nóng trong khoang tàu. Cô ta ngẩn ngơ nhìn hình bóng mờ mờ của mình trên kính, đưa đầu ngón tay vẽ nên một chú mèo nhỏ, ngay sau đó ánh nắng ban mai lóa mắt ập tới. Vùng đất rộng lớn bao la lạnh lẽ của quốc gia phương Bắc uốn lượn quanh một con sông đã sắp cạn khô.

Mấy ngày trước, Thôi Thiện tới bệnh viện thẩm mĩ làm phẫu thuật xóa hình xăm, cô ta muốn xóa sạch bốn chữ “LZCS” kia đi, để dứt bỏ hoàn toàn mọi thứ liên quan đến Lâm Tử Túy. Khoảnh khắc tia lazer lướt qua bề mặt da, tuy đã gây tê cục bộ nhưng cô ta vẫn cảm thấy đau đớn còn hơn cả ngày xăm. Làm phẫu thuật xong, Thôi Thiện nhìn tấm lưng của mình trong gương vẫn còn dấu ấn màu xanh, bốn chữ cái kia mờ đi đôi chút, ít nhất phải chiếu tia lazer thêm ba lần nữa. Thế nhưng vết sẹo từ hình xăm kia sẽ theo cô đến hết đời này, nhất là đôi cánh thiên nga màu đen dù có dùng cách nào cũng không thể xóa hết.

Trở về thị trấn nơi mình sinh ra, cô ta bước tới con ngõ cũ kĩ nhất, miệng cắn kẹo hồ lô nghe bảo là đặc sản nơi đây. Tất nhiên không ai có thể nhận ra cô ta, mãi cho tới khi cô ta đi tới một căn nhà cũ xập xệ mới gõ nhẹ chiếc kẻ đập cửa bằng đồng.

Cửa được mở ra, đằng sau đó là gương mặt của một bà lão. Thôi Thiện thoáng sững sờ, rồi vội vàng ôm lấy bà nội, lủi nhanh vào nhà, còn không quên nhìn ra ngoài xem có ai đang theo dõi không.

Ông nội đã mất vài năm trước, khi ấy mẹ vội vã xin nghỉ về chịu tang. Không phải bà không gọi điện cho cô ta, nhưng cô ta lại chẳng chịu nghe điện của bà, mãi tới khi ông nội nhập tàng cô ta mới biết.

Nơi này sắp bị phá bỏ rồi, sắc trời như thuốc nhuộm đặc màu gỉ sét đựng trong thùng chì cỡ lớn, hắt lên mảng gạch xanh loang lổ sắc màu. Vườn hoa dưới cửa sổ khuê phòng bấy nhiêu năm trước nay chỉ còn gạch vụn và rác. Hoa hồng và Dạ hương đều đã héo rũ, khóm cỏ khô cuối cùng bị lớp cát chảy xuống như dòng nham thạch vùi đến nghẹt thở. Đống xương của con mèo Tiểu Bạch bị vùi dưới lớp bùn bên góc tường.

Cô ta ngửi thấy mùi thối rữa như đã bị giữ kín trong tủ lạnh hai mươi năm. Kể từ lần dời đi năm bảy tuổi, số lần cô ta theo bố mẹ về thăm quê có thể đếm trên đầu ngón tay, sau này cũng không về đây ăn tết nữa, lần về tết gần nhất là vào kì nghỉ đông năm lớp 11.

Sâu trong căn nhà cũ, căn phòng Thôi Thiện ở trước kia vẫn được giữ nguyên. Tuy bụi bặm bám đầy nhưng cô ta lại tìm thấy món quà sinh nhật năm nào ba tặng cô ta – Một con búp bê baby. Con búp bê này chẳng còn quần áo, còn mất một chân, như thể đã bị xâm phạm một cách tàn bạo.

Trên tường còn treo bức ảnh đen trắng bố chụp khi còn trẻ, trông không hề thua kém những ngôi sao Hàn Quốc đang nổi hiện nay. Ông đội chiếc mũ giải phóng quân, chuẩn bị xông pha ra tiền tuyến Lão Sơn, toát lên phong thái chiến đấu anh dũng “Núi non khắp chốn vùi ngàn xác, Cần chi yên ngựa đưa xác về.” Giờ nhìn bức ảnh này, cô ta lại cảm thấy như đang nhìn di ảnh của người đã chết.

Tiếc rằng cô ta không thể tìm thấy bức ảnh nào của mẹ ở đây. Hôm nay là Đông chí, trùng hợp thay cũng là ngày giỗ hai năm của Ma Hồng Mai.

Nghe nói 30 năm về trước, mẹ cô ta là hoa khôi của trường trung học trong trấn. Bà còn từng đảm nhận vai Lý Thiết Mai trong vở “Hồng Đăng Kí,” Thôi Thiện cũng không biết đó là vai gì nữa, nhưng chắc chắn lúc đó bà phải gấp mấy lần con gái bây giờ.

Lần gần nhất về thăm bà, là từ hồi cô ta hai mươi tuổi. Một buổi tối nóng nực nào đó vào kì nghỉ hè, cô ta ngủ chung với bà, khi ấy gương mặt bà mới chỉ thấp thoáng vài nếp nhăn, mái tóc ngang vai vẫn được giữ nguyên. Bà liên tục hỏi cô ta về chuyện trường lớp. Thôi Thiện mất kiên nhẫn quay lưng về phía bà, mãi cho đến khi cô ta nghe được một bí mật, bí mật về người đàn ông đầu tiên trong đời mẹ cô ta, đó là thầy giáo của bà ở trường trung học, nhưng người đó không phải là bố Thôi Thiện. Nhiều năm sau, Ma Hồng Mai đau lòng biết nhường nào khi hay tin con gái giẫm lên vết xe đổ của bà năm xưa. Năm 22 tuổi bà lấy Thôi Chí Minh, một quân nhân xuất ngũ, có một công việc khá ổn định ở nhà máy, chẳng bao lâu sau một cô con gái đến với họ, khi ấy không biết bao nhiêu người ngưỡng mộ gia đình hạnh phúc của cô ta. Nhưng thực ra bố không yêu mẹ chính cũng bởi vì lý do đó.

Vậy cứ để bố chết đi – Đó là câu trả lời của Thôi Thiện khi ấy.

Cho đến tận bây giờ cô ta vẫn không hề hối hận khi nói câu ấy.

Từ một gia đình con cháu đề huề nay kẻ nam người bắc đã lâu, chỉ còn lại mỗi bà già mắc bệnh mất trí, bà hoàn toàn không biết Thôi Thiện là ai nữa rồi. Nhưng bà vẫn chưa hoàn toàn quên tất cả mọi thứ. Bà thường nắm lấy tay của Thôi Thiện kể chuyện mười năm trước, như chuyện ông tham gia vào cuộc chiến tranh kháng Mỹ bảo vệ đất nước, chuyện người đàn ông mà bà thực sự yêu lại lên Bắc Kinh học. Bà nhớ như in từng chi tiết, như thể tất cả đặt trong một chiếc két sắt rồi được mang ra sơn một lớp mới vậy.

Trên cổ bà có đeo một chiếc vòng từ lực, năm sáu năm trước cô ta cũng từng đeo nó nhưng không thấy có tác dụng gì bèn vứt đi. Sao bà lại có chiếc vòng này? Chí ít chắc chắn không phải bác sĩ đưa cho.

-Bà, ai cho bà chiếc vòng này thế?

-Chí Minh.

Bà nói tên con trai mình ngay lập tức.

-Thôi Chí Minh? Bố cháu ư?

Bà mơ màng gật đầu, dường như không phải đã quên tất cả mọi thứ. Nhưng bố đã mất tích mười mấy năm rồi, mà khi đó làm gì đã có chiếc vòng này.

-Bố cháu, con trai bà, Thôi Chí Minh, bây giờ ông ấy đang ở đâu ạ?

Bà lại im lặng, cô ta không dám gặng hỏi nữa vì sợ bà sẽ kích động. Thôi Thiện trải giường cho bà tươm tất, lúc quay lưng bước đi bỗng nghe thấy tiếng bà đang vô thức lẩm bẩm điều gì đó. Cô ta quay lại, ghé tai sát miệng bà thì nghe mang máng mấy chữ “ Lưu – Hoa – Hà.” Lúc đó tay bà nắm chặt một chiếc ví nhỏ. Thôi Thiện giành lấy chiếc túi, cô ta tìm thấy mẩu giấy ghi một số điện thoại cố định của vùng nào đó. Cô ta lấy điện thoại của mình ra, nhưng rồi lại lắc đầu, gọi điện thoại bàn ở nhà vẫn hơn. Cô ta bấm số gọi, chuông kêu hồi lâu, rồi nghe thấy có giọng nam trầm bắt máy chỉ trả lời ngắn gọn “A lô” có vẻ như rất cảnh giác.

Tay cô ta bắt đầu run, áp sát ống nghe, miệng mấp máy nhưng lại không nói được câu nào, chỉ nghe thấy tiếng thở gấp gáp.

5 giây sau đầu bên kia cúp máy.

Là ông ấy?

Thôi Thiện khẽ hôn lên trán bà, vội vã tạm biệt rồi rảo bước về phía văn phòng điện tín của huyện. Cô ta biết có một cách rất hay ho nhưng cũng rất nguy hiểm, đó chính là nạp tiền tự động vào tài khoản. Nạp cho số điện thoại đó 10 tệ, hóa đơn điện thoại sẽ hiện tên chủ thuê bao cũng như địa chỉ.

Đơn Phúc Thanh, cái tên là hoắc này thật đáng nghi, đã thế địa chỉ lại là số 7, tổ 19, thôn Tiểu Bạch, xã Lưu Hoa Hà.

Cô ta bước trên con đường ra khỏi trấn, đi qua đường Nam Môn, là thấy cánh đồng trải rộng mênh mông. Một chuyến đi bộ xa trong trời đông cùng ba lô nặng trịch, may thay chiếc áo khoác lông thiên nga cũng đủ sưởi ấm cô.

Trước năm 7 tuổi cô ta thường đến vùng ngoại thành Lưu Hoa Hà. Trong miền kí ức xa xăm của mình cô ta cởi trần lao xuống sông nghịch ngợm, mò tìm những hòn cuội lấp lánh bóng loáng như một đứa con trai, thậm chí còn bắt được một con trạch dài cả thước. Trên thượng lưu là thung lũng có rừng đào dại, mỗi lần tới mùa rụng hoa là những cánh hoa lại tung bay phủ hồng cả dòng sông. Bởi vậy nên nơi đây được đặt tên Lưu Hoa Hà là vì thế.

Mà nay bên bờ sông Lưu Hoa mọc thêm mấy dãy nhà lầu, công xưởng xấu xí phun thứ khói xám lên trời, tựa như giọt dầu đỏ đột nhiên xông vào bức tranh. Về phần ngôi miếu đổ nát của Cửu Thiên Huyền Nữ, nơi lần đầu tiên trong đời cô ta nhìn thấy người chết, đã bị chôn vùi dưới móng của những tòa nhà này từ lâu rồi.

“Số 7, tổ 19, thôn Tiểu Bạch, xã Lưu Hoa Hà,” ngôi nhà quạnh quẽ này tọa lạc trên vùng đất cao nhìn xuống bờ sông, trước sau có hai mảnh đất trồng rau, hoang vắng như đất cát giữa trời đông rét buốt. Hòm thư xập xệ, ngoài tường có viết tên chủ nhân nơi đây: Đơn Phúc Thanh.

Cô ta ra sức gõ cửa, nhưng hồi lâu vẫn không có động tĩnh gì.

Nhưng Thôi Thiện biết, bên trong có người, dấu chân trước cổng rõ ràng còn rất mới.

Đơn Phúc Thanh?

Cô ta cúi đầu nghiền ngẫm cái tên này….

Đúng rồi, chữ cái đầu tiên không đọc là “Dan,” từ này khi dùng làm họ thì đọc là “Shan” giống hệt cách đọc tên cô – “Shan” (Thiện), còn hai chữ “Phúc Thanh” đọc gần giống chữ “Phụ thân” nghĩa là “Bố,” như vậy thì Đơn Phúc Thanh chẳng phải nghĩa là “Bố của Thôi Thiện” hay sao?

Bố của Thôi Thiện!

Đây chắc chắn là tên giả của Thôi Chí Minh, rốt cuộc ông cũng không quên đứa con gái Thôi Thiện này.

Ngày này hai năm trước, ông vẫn bị nhốt trong nhà tù trên không ở đỉnh tháp Babylon, người cầm tù ông chính là Ma Hồng Mai. Mà cùng một ngày, cũng Đông chí như thế này, vợ ông làm công theo giờ, ngã chết ngay dưới tầng nhà chủ. Khi ông bị bỏ đói tới ngày thứ ba, bỗng có người thả một sợi dây thừng từ trên bờ tường xuống.

Bởi vậy, sau mười hai năm bị giam cầm trên đỉnh tháp, ông cũng được tự do.

Thôi Chí Minh mất tất cả, mà cũng không thể quay trở lại cuộc sống trước kia, lại càng không biết đi tìm con gái mình như thế nào. Ông đành quay về quê, sống ẩn dật tại căn nhà nhỏ bên bờ sông Lưu Hoa để trốn chủ nợ trước kia, thỉnh thoảng mới về nhà cũ thăm mẹ già.

Ông lấy một cái tên mới – Đơn Phúc Thanh – để luôn nhắc nhở mình rằng ông còn một đứa con gái tên Thôi Thiện.

Bố của Tiểu Thiện, vì sao còn chưa ra?

Thôi Thiện cúi đầu lặng im, hai phút sau bèn quay người bỏ đi.

Cô ta còn có chuyện quan trọng hơn.

Quay trở lại bờ sông cạn khô, dòng sông Lưu Hoa phần lớn đã đóng băng, chỗ nước còn lại chảy chậm mà yếu, để lộ phần đá sỏi dưới lòng sông, nước nông tới mức có thể lội qua.

Thôi Thiện lấy một cái hộp trong balo ra.

Chiếc hộp màu đen hình chữ nhật như thể ẩn chứa điều kì bí, hoặc chăng là bảo bối thần bí mà tổ tông truyền lại.

Nhưng thực ra, đó là hộp đựng tro cốt của Ma Hồng Mai.

Tuần trước Thôi Thiện lẻn vào nghĩa trang công cộng ở ngoại ô thành phố, mở mộ phần của mẹ. Hai năm trước, chính tay cô ta đã đưa tro cốt của mẹ vào đấy, để mua phần mộ ấy cũng tốn không ít tiền, và tất nhiên số tiền đó là số tiền bồi thường mà luật sư của Trình Lệ Quân chuyển giao.

Thôi Thiện vẫn cứ tưởng rằng mẹ cô ta muốn ở lại Thượng Hải mãi, giờ nghĩ lại có lẽ cô đã nhầm. Nếu mình đã sắp rời khỏi thành phố này, chi bằng đưa mẹ cùng đi.

Tối hôm qua, trên chuyến tàu hỏa đêm, cô vẫn đặt chiếc hộp này trong túi, cẩn thận ôm vào lòng, không chợp mắt một giây đề phòng kẻ trộm lại tưởng đây là vật quý gì lại trộm đi.

Cát bụi rồi lại trở về với cát bụi.

Thôi Thiện dồn sức mở hộp, bên trong chỉ là vài mảnh cốt và đống bột màu xám. Tất cả đều được cô ta đổ xuống làn nước lạnh băng.

Cô ta nghĩ bụng, mẹ trôi tới từ sông Lưu Hoa, nay trôi đi từ con sông này vẫn hơn.

Trông dòng nước chảy khóc hồi lâu, cô ta nhớ tới hồi còn nhỏ, nơi này ngập tràn thủy tảo và lau sậy, thường bắt được cá to dưới dòng sông, rồi nướng ăn ngay trên nền đá sỏi. Bên bờ sông có rất nhiều chim tới đậu, bố đưa cô ta tới bắt chúng bằng những cái sọt. Xuân đến, bồ công anh tung bay bên hai bên bờ sông Lưu Hoa khiến người xem khó có thể mở to mắt. Thôi Chí Minh hất con diều tự chế lên, bảo con gái nắm chặt dây. Trong kí ức, trên bầu trời bao la chỉ có một con diều đỏ độc nhất như thể vết đốm trên đuôi Tiểu Bạch, xuyên qua màn hoa bồ công anh biến mất trong những đám mây.

Lúc này Thôi Thiện lấy một con diều nhỏ được xếp gấp ra, con diều này cô ta vừa mua ở quầy hàng trên đường Nam Môn. Cô ta thử thả con diều lên, chạy nhanh trên bãi đá ven sông. Gần hai mươi năm không chạm vào nên lúc bắt đầu thất bại liên miên, sau cùng cô ta nhắm mắt lại, khi gót giày giẫm lên mặt băng, sợi dây bắt đầu có cảm giác, bay lên trời cao theo con diều.

Con diều màu đen hình thiên nga vô cùng nổi bật dưới bầu trời ảm đạm, hệt như người đang cầm dây diều vậy, cô gái trẻ chạy như điên bên bờ sông thoạt trông như một con thiên nga đen thật to.

Mãi cho tới khi người ấy xuất hiện.

Thôi Thiện mới biết, người ấy vẫn luôn dõi theo cô ta.

Người đó đứng trên bờ đê như một pho tượng, khoác lên mình bộ trang phục màu sắc u ám, khom lưng đút tay vào túi, ánh mắt phía sau chiếc kính e dè và đau thương lạ thường.

Sợi dây diều mảnh dẻ nằm trong tay cô ta ngày càng giật mạnh hơn theo gió bắc thổi trên cao như thể có đôi bàn tay tranh cướp thứ gì đó với cô ta ở trên mây. Cô ta nhìn khuôn mặt xa lạ kia, đợt tuyết lớn trắng xóa rơi xuống sông…

Thôi Thiện ôm lấy người đàn ông cao to tóc đã bạc nửa đầu tựa như con gái đang khóc trên vai bố mình. Gương mặt lạnh cóng đỏ bừng, không cố kị gì mà lau nước mắt với nước mũi.

Con diều, đã đứt dây lâu rồi.

Trán người đàn ông hằn mấy nếp nhăn, trông ra đã sáu mươi tuổi rồi, nhưng tuổi thật có lẽ không cao đến thế.

-Tiểu Thiện?

-Xin lỗi, tên cháu là Trương Tiểu Xảo, cháu nhận lầm người!

Thôi Thiện ra sức giãy dụa, tỏ vẻ vô cùng xấu hổ, hai tay ôm vai lùi ra sau.

-Ồ? – Người đàn ông lúng túng lắc đầu, nhìn kĩ cô ta đôi lần, - Mười bốn năm rồi bác chưa gặp con gái, có lẽ giờ nó cũng lớn như cháu rồi. Tay của cháu cũng lạnh y như tay nó vậy.

-Tạm biệt.

Cô ta không nói nhiều thêm một câu, ngoảnh đầu đi về men theo sông Lưu Hoa, phía sau chiếc áo khoác thiên nga đen, những bông tuyết không ngừng rơi lại tan chảy.

-Đừng buồn, cũng đừng khóc, rồi sẽ có bánh mì thôi mà.

Bố già rồi mà vẫn lẩm bẩm câu thoại “Lê-nin năm 1918,” nhưng âm thanh lại bị gió tuyết vùi lấp hoàn toàn.

Thật ra cô ta loáng thoáng nghe thấy nửa câu cuối – Rồi sẽ có bánh mì thôi mà, như thể trên đỉnh tháp Babylon.

Nhưng Thôi Thiện sẽ không quay đầu.

Đúng lúc này, sợi tóc đen rụng bị gió cuốn xa hơn mười mét.

Bầu trời xám xịt, tuyết rơi mãi tưởng chừng như vô tận, sông Lưu Hoa đã đóng băng hết, bãi đá đen ven sông nay phủ thêm một lớp tuyết tựa như tấm thảm Ba Tư xen kẽ hai màu trắng đen.

Cô ta nhìn thấy một người đàn ông khác.

Con diều thiên nga màu đen rơi xuống bên tay người đó. Anh ta chìm trong màn tuyết. Người đó khoác lên mình chiếc áo khoác màu trắng gần như vô hình cùng với áo liền mũ trùm đầu, lưng đeo balo, ống kính dày vương hoa tuyết, trên cổ còn đeo kính viễn vọng. 

Lần đầu tiên nhìn thấy gương mặt trắng bợt ấy, khó có thể hình dung một cách chính xác nhưng Thôi Thiện biết, người đó là X.

Cô ta ngồi xổm xuống bên cạnh X, cánh tay gầy yếu chẳng thể đỡ nổi người đàn ông, chỉ có thể tháo kính của anh ta xuống trước. Hoa tuyết không ngừng rơi xuống mặt anh ta, đôi mắt của người này lại như đứa bé hơn mười tuổi. Môi anh ta mím chặt, không nói một câu, mắt khẽ chớp đôi lần, làn hơi trắng phả ra từ miệng rất yếu, thoáng chốc đã bị gió thổi tan.

Thôi Thiện hà hơi vào mắt kính hòa tan hoa tuyết trên đó trở thành những giọt nước lạnh băng chảy tới ngón tay cô ta. Cô ta đeo kính về lại trên sống mũi của anh ta, như thế anh ta mới có thể nhìn rõ mặt cô ta.

X sắp chết rồi – cô đã nhìn thấy hồ sơ bệnh lý về chứng bệnh Alzheimer.

Có một quyển sổ nhỏ bìa màu đen được anh ta cầm trước ngực. Khi Thôi Thiện khẽ nắm lấy quyển sổ thì tay anh ta tự động buông lơi. Một chiếc bút bi rơi ra khỏi trang sách, có lẽ vừa nãy anh ta vẫn đang viết gì đó. 

Cô ta đặt quyển sổ ngay trước mặt mình, trên trang bìa có dòng chữ to viết bằng bút nhớ mực trắng.

To: Thôi Thiện.

Đây là món quà cuối cùng X dành cho cô ta.

Thôi Thiện không nói năng gì mà cất luôn quyển sổ vào túi, xoay người kéo kín cổ áo, rảo bước rời khỏi cái nơi lạnh cóng khỉ gió này, để lại hai chuỗi dấu chân có đậm có nhạt!

Đêm Đông chí ập đến quá sớm. Bên bờ sông Lưu Hoa đã đóng băng, mí mắt người đàn ông trẻ tuổi đã rủ xuống. Chỉ còn hương bạc hà thoang thoảng bên mũi miệng, rồi từ từ tản đi trong gió. Chút kí ức cuối cùng sắp bị cục tẩy trong đầu xóa sạch. Mắt kính lại một lần nữa bị mờ bởi hoa tuyết và nước mắt, đưa mắt tiễn thiên nga bay đi thật xa, tựa như bức tranh màu nước hòa tan bột màu. Độ ấm trong huyết quản đang hạ thấp như ống thủy ngân, ngay cả chiếc kính viễn vọng đeo trên cổ cũng bị vùi lấp trong màn tuyết dày đặc.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.