Vọng Giang Nam

Quyển 3 - Chương 23: Phiên ngoại 3 – Cùng khoác áo màu về thăm quê [1]




Mưa bụi Giang Nam đa tình từ bao thuở, lây nhây rả rích đẫm chân mây.

Sắc trời chưa tỏ, trừ người gõ mõ cầm canh và lính tuần, trên đường phố lác đác vài bóng người đi. Mưa phùn lất phất giăng lên Cô Tô một lớp khói sương hư ảo, mơ hồ như một giấc mơ xuân.

Đá cương xanh vừa ướt vừa trơn, cẩm hài dẫm lên cũng thêm mấy phần khó vững, khiến một đại hán lực lượng, tác phong sấm rền chớp giật như Hiên Viên Phù cũng phải thả chậm nhịp đi, kết hợp với bộ nho sam giản dị, nảy ra đôi chút khí chất tự tại tiêu diêu.



“Vương gia,” – Hồ tổng quản cẩn thận dợm lời, “Hiện tại mới giờ Dần, không thích hợp bách bộ, chi bằng mau hồi phủ, tránh sinh ra biến cố.”

“Biến cố?” – Hiên Viên Phù cười, “Đây là đất của Chu gia, ai to gan dám đến Cô Tô sinh sự?”

Hồ tổng quản quệt mồ hôi vâng vâng dạ dạ, “Nhưng hôm nay lúc xuất hành, Vương gia chỉ mang theo vài ám vệ, lại chưa báo cho Chu phủ hay, nhỡ Chu công tử trách mắng thì…”

Hiên Viên Phù xua tay, “Không sao, y đang bận áo màu rực rỡ báo hiếu[2] cha mẹ, mấy ngày nay chắc cũng chẳng thể để ý được đến Bản Vương. Vừa hay Bản Vương đang rảnh rỗi hứng khởi, dạo quanh thưởng thức Cô Tô nức tiếng thiên hạ này xem sao.”

Hồ tổng quản kính cẩn bám sát theo, mà thực tế thì đang âm thầm ai oán — cái Vương gia muốn xem nào có phải Cô Tô vang danh thiên hạ, mà rõ là nơi chôn nhau Chu công tử ngày nhớ đêm mong ấy chứ. Chu gia vốn cha truyền con nối chức Ngô Quốc công, vừa qua Chu Quyết theo chân Thánh giá bình dân dẹp loạn, được phong tước Ngụy Quốc công, một nhà hai vị Quốc công, vinh quang và Thánh sủng vô kể siết, tuy vẫn phải lễ phép nể mặt một Phiên Vương, nhưng người ta cũng chả thèm đi ôm chân xu nịnh. Lại cộng thêm đủ thứ rễ má dây mơ giữa Hiên Viên Phù và Chu Kỳ những năm trước, mọi người trong Chu gia ai chẳng hay, nên cũng chẳng lấy gì làm vui vẻ với Vương gia nhà chúng ta cả. Thế mới hiểu, vì sao đường đường Tĩnh Tây Vương giá lâm Cô Tô đã ba ngày có lẻ, mà trừ tổng quản, hạ nhân, cũng chỉ có thế tử của Ngô Quốc công đầu còn búi tóc ra đón tiếp, phụ thân của Chu Kỳ – Chu Đoan thì vẫn một mực cáo ốm không ra.

Sự ghẻ lạnh này đều đã được Hiên Viên Phù dự tính trước, duy có thứ khiến gã buồn phiền và rối trí, thì chỉ có mình Chu Kỳ thôi, y đã về Chu phủ được mấy hôm, mà đến nay vẫn chẳng thấy tăm tích, bặt vô âm tín hệt như những năm giả chết khi xưa, chỉ phái Tố Huyền đến nhắn gửi một câu: Thân là nhi tử phải tận hiếu cha mẹ, mong Vương gia an tâm chớ nóng vân vân. Hiên Viên Phù dù buồn bực cũng phải cắn răng chấp nhận, ngày ngày ngồi trong Chu phủ đếm thời gian trôi, chỉ hận không thể mọc thêm đôi cánh, mang Chu Kỳ bay thẳng về Lũng Tây.

Giang Nam mưa nhiều, ngay cả ngọn gió thoảng qua cũng mang theo hơi ẩm, khiến người sống lâu trên đất Tây Bắc cằn cỗi như Hiên Viên Phù rất khó ở, lúc nào cũng thấy hít thở khó thông. Hiện giờ gã đang âm thầm cười khổ, bản thân mới ở Giang Nam có ba ngày mà đã muốn về, Chu Kỳ xa nhà hơn mười năm, bảo sao mà nhớ quê sinh bệnh? Khi y mới đặt chân đến Lũng Tây, khí hậu không quen, còn bị làm nhục sống không bằng chết, năm tháng trồng trà trên Mông sơn cũng cô quạnh khôn cùng… Cố hương ngàn dặm không về được, một mình cô độc biết kể ai, ròng rã tháng năm đó, Chu Kỳ đã sống ra sao? Từ sau khi hóa giải hiểu lầm viên mãn đến nay, hai người hiểu ý không nhắc về tình thù quá khứ nữa, gã cũng cố không nhớ về những lỗi lầm mình gây ra, nhưng hôm nay được thấy nước chảy cầu treo, mưa hoa giăng bụi, mới ngỡ Chu Kỳ đã bỏ lỡ rất nhiều cảnh thiều quang, lòng gã lại chẳng đừng được niềm hối hận ăn năn, rồi hóa dần thành nỗi tiếc thương rả rích sâu lắng vào tâm khảm.

Ban mai nắng nhạt, hai bên bờ sông chật chội san sát dân cư, đã có đại nương ngồi xổm bên bờ giặt áo lặt rau, tiếng chày gỗ gõ chan chát lên phiến đá, như nện vào lòng gã từng nhịp xốn xang. Cô Tô bao thuở đã phồn hoa thanh nhã, nhưng đường ngõ đan cài, đình viện thâm sâu, Hiên Viên Phù chẳng biết đi đâu, chỉ thả hồn theo bước chân không mục đích.

Giang Nam là đất thịnh văn chương, thư viện trường tư đông đúc, sử xanh như mây khói qua tiếng hài đồng lanh lảnh, lời thánh nhân bỗng chốc cũng sống động hẳn ra, chẳng còn nặng nề và nhạt nhẽo. Khác với Chu Quyết làm thư đồng trong cung, từ tấm bé Chu Kỳ đã ham chơi phá phách, từng đổi nhiều thầy vô kể siết, trêu chọc gia sư chó sủa gà bay, có bao giờ từng ngoan ngoãn học hành hay không nữa?

Mặt hồ xanh trong, sóng xuân dập dềnh, ghe thuyền buông trôi mặc sóng cuốn, chẳng biết là thiếu nữ hái sen hay ngư ông buông cần, họ có từng trông thấy chàng thiếu niên sáng như ngọc thụ, áo hoa cưỡi ngựa ngày nào hay chăng?

Tiếng cổ cầm trong tú lâu nào đó vọng về giữa tầng lớp gạch trắng ngói xanh, kể hết bao nhiêu tâm sự lưu luyến của các nàng khuê nữ? Chu gia tam lang phong độ hòa nhã, khi cưỡi ngựa du thuyền ngang qua có từng cướp giấc mơ xuân của nàng khuê các nào hay không?

Mưa đã thấm đẫm toàn thân, vậy mà gã vẫn chẳng hề hay biết, chỉ bần thần bước đi, tìm dấu tích Chu Kỳ giữa đường ngang lối dọc.

Chẳng rõ đã đi được bao lâu, mưa ngày một tầm tã, cuối cùng gã cũng bắt đầu mỏi mệt, vừa hay thấy cây ngô đồng cổ thụ cách đó chẳng xa, bèn rảo chân đi tới. Lại gần mới phát hiện, dưới tàng cây có xếp bộ bàn ghế đá, bên trên có hai lão tẩu đang ngồi, đều vận áo vải thôn quê, chăm chú đánh cờ.

Hiên Viên Phù do dự trong chốc lát, chắp tay vái chào, “Quấy rầy nhã hứng của hai vị lão trượng, có thể cho tại hạ trú mưa nhờ một lúc được hay chăng?”

Hai người ngước mắt nhìn lên, một người thì rõ quạu quọ bực dọc, quẳng luôn quân cờ trong tay lên mặt bàn, phất áo xoay người bỏ đi, lẩm bẩm tiếng Giang Tô mà gã chẳng tài nào nghe hiểu.

Còn đang nửa lúng túng nửa ngại ngần, lão tẩu còn lại nhìn gã, từ tốn bảo, “Bỏ quá cho, ông bạn già của ta tính tình quái gở, vừa nãy nhân cơ hội chạy trốn đó thôi, không có ý bất kính với anh, mong anh đừng để bụng.”

Nghe thấy đối phương có hơi lái giọng phương Nam, Hiên Viên Phù không khỏi thở phào nhẹ nhõm, “Lão trượng khách khí rồi, vốn là tại hạ mạo muội quấy rầy, là ta sai, ta phải tạ lỗi với lão trượng mới phải.”

Ông lão híp cặp mắt hoa đào đánh giá gã, một lúc sau mới gật gù giới thiệu, “Lão hủ họ Ngô, là Tiểu Lại về hưu, chẳng hay quý tính đại danh?”

Hiên Viên Phù cười, “Bỉ nhân Vương Hi, là thương khách qua đường, tiện thể qua đây thăm bạn.”

Ông lão thu dọn quân cờ, tủm tỉm nhìn gã, “Dù sao cũng đang lúc rảnh rang, chi bằng tiểu hữu đánh một ván cờ coi như giúp lão phu giải sầu đi, được chứ?”

Chẳng hiểu sao bỗng nhiên Hiên Viên Phù nhớ tới người phụ Vương đã khuất của mình, lòng dạ xót xa, mỉm cười đáp ứng, “Vinh hạnh cho bỉ nhân.”

Hai người nhìn nhau cười, trên bàn cờ thì tung hoành chém giết. Hiên Viên Phù giỏi binh pháp, đánh cờ cũng tinh thông, bao năm qua vẫn hiếm có địch thủ. Còn Ngô tẩu, tuy không sắc bén được bằng, nhưng thắng ở sự thận trọng vững chắc, mỗi nước đi đều ẩn chứa thâm ý, giữ lại hậu chiêu. Hai người kỳ phùng địch thủ, ván cờ đã chi chít đôi màu trắng đen, khi trận cờ kết thúc, cũng là lúc Hiên Viên Phù dốc cạn tinh hoa, nhưng cũng chỉ dừng ở ngưỡng cờ hòa.

“Thật là đã!” – Hiên Viên Phù cao giọng cười to, “Tại hạ tự thẹn không bằng.”

Ngô tẩu cũng cười hòa nhã, “Không bằng thì làm thêm ván nữa đi?”

“Được thôi.” – Hiên Viên Phù gật đầu, ván cờ kịch tính vừa qua đã xóa nhòa bao buồn bực mấy ngày trước, tâm trạng thoải mái hẳn ra.

Ván thứ hai này, hai người không ganh đua chém giết như trên sa trường, mà nhàn hạ thảnh thơi như bàn chuyện thường nhật.

“Vương sinh có chuyện gì không vui giấu trong lòng?” – Ngô tẩu bâng quơ hỏi.

Gã cũng thản nhiên, “Sao Ngô lão biết?”

“Lão phu chẳng tài cán chi, nhưng được cái nhìn qua vô số người, Vương sinh cử chỉ bất phàm, chắc chắn là một người tôn quý, hôm nay lại chỉ dẫn theo mấy người bách bộ giữa trời mưa, không phải rất lạ đó sao?”

Hiên Viên Phù thở dài, “Chuyện gia đình, không dám để lão trượng cười chê.”

Ngô tẩu nhếch miệng cười, bỗng đâu dáng vẻ kia khiến gã thấy rất quen thuộc, “Ra là chuyện gia đình? Dù sao hai ta cũng chỉ là bèo hợp mây tan, chẳng bằng kể cho ta nghe, biết đâu lại giúp được gì đó cho hậu sinh.”

Gã xấu hổ bảo, “Năm nay cũng gần bốn mươi, không còn là hậu sinh gì nữa. Không dối gạt lão trượng, lần này là ta theo vợ về thăm quê, nhưng trước kia từng thua thiệt người đó rất nhiều, nên bên nhà mẹ vợ chẳng tha thiết gặp ta, thậm chí còn rất hận.”

Ngô tẩu ngạc nhiên, “Nam tử hán đại trượng phu cúi ngửa trong trời đất, lại vì cái chuyện cỏn con này mà buồn phiền sầu u, lão phu tuy mới chỉ lần đầu gặp Vương sinh, nhưng trông anh đâu phải loại người đó.”

Ngón tay cầm cờ khẽ khựng lại, Hiên Viên Phù cười khổ, “Lão trượng cho rằng ta kiêng kị gì họ ư? Bỉ nhân dù không dám khoe khoang mình anh hùng nhất thế, nhưng cũng chưa phải để ý sắc mặt ai mà sống qua, lần này nơi chốn nhường nhịn, cũng chỉ vì sự tình liên quan đến người đó, mà bình sinh ta đây cũng chỉ quan tâm yêu thương mình y thôi.” – gã thả quân cờ xuống, đôi mắt đươm đầy mờ mịt và xót xa, “Về thăm quê với y, ta mới nghĩ, y sinh trưởng ở nơi phồn hoa cẩm tú này, lại vì ta mà sảy chân lỡ dở nửa đời, rồi lại tha phương quãng đời còn lại tận nơi Bắc Cương hoang vắng. Ta… ta thật có lỗi với y.”

Trông gã thổ lộ cõi lòng, Ngô tẩu đầy vẻ khó thấu, chỉ cúi đầu không nói không rằng, Hiên Viên Phù không thấy ông lão đáp, lúng túng bảo, “Tại hạ đột nhiên…”

Bỗng dưng Ngô tẩu bật cười khúc khích, từ từ đứng dậy, “Người kết duyên với anh đã tự nguyện theo anh, tất nhiên đã phải suy nghĩ rất kỹ. Trước kia anh phụ người ta bao nhiêu, thì giờ đền bù gấp bội bấy nhiêu, còn về phần gia đình người ta…” – ông chăm chú nhìn mắt gã, “Anh không thử kết thân với người ta, sao biết họ không muốn gặp anh chứ?”

Ông lão họ Ngô này, thời trai trẻ chắc phải là một mỹ nam tử anh tuấn lắm, đôi mắt hoa đào được năm tháng tôi luyện kia, giờ đã hun hút không thấy đáy.

Hiên Viên Phù lúng túng hỏi, “Ngài…”

Ngô tẩu cắt lời gã, “Người người kết thân, quý ở chân thành. Gặp vội tan nhanh, biệt ly khó tránh, lúc này anh không ở bên cạnh người nhà anh báo hiếu cha mẹ mà đứng đây trút bầu với người dưng, thì có ích lợi gì?”

“Nhưng nhạc phụ không muốn gặp ta.” – Hiên Viên Phù cuống tinh, nghĩ gì buột thành lời cái đó.

Ngô tẩu dừng chân ngoái lại, “Vậy anh quỳ xuống trước cửa xin đi, đến khi nào lão ta đồng ý mới thôi. Xưa có lão Lai tử bận áo màu vui lòng cha mẹ[3] lưu danh sử sách, anh không ngại cũng thử thế xem, biết đâu… lại được lão ta tha thứ.”

Hiên Viên Phù nhìn bóng ông ta dần khuất xa, chỉ thấy nghi hoặc ngổn ngang, đầu đau như búa bổ. Thậm chí bản thân về tới Chu phủ thế nào gã cũng chẳng nhớ, chỉ đến khi thấy Chu Kỳ mất tích mấy hôm nay đột nhiên đứng đợi ở cổng, vẻ mặt lo lắng nghi ngờ nhìn gã.

“Phượng Nghi…” – gã vừa định lên tiếng đã bị Chu Kỳ cướp lời.

Y mập mờ bảo, “Tối nay có gia yến, nghe nói toàn bộ quan lại Giang Nam đều đến chung vui, sau đó phụ thân ta bảo ngài phong nhã vô song, lần đầu quá bộ đến Giang Nam, rất được quan viên kính ngưỡng, vậy nên…”

Đột nhiên gã nuốt nước miếng cái ực, một cảm giác chẳng lành đang từ từ trào lên.

“Ông bảo ngài đến ca múa góp vui, ta định từ chối thay cho, ông lại bảo ta về hỏi ý kiến ngài đi đã.”

Nửa nén nhang trôi qua trong thinh lặng, Hiên Viên Phù mới thều thào, “Ta múa.”

《Thiên Khải Thư – Tĩnh Tây Vương thế gia 》 có ghi rằng: Tĩnh Tây Vương Phù yêu thích nhã nhạc cung đình, trước kia có lần ghé qua Giang Nam, được Tử kim quang lộc đại phu – Ngô Quốc công – Thái tử thiếu bảo – Chu Đoan mở tiệc đón tiếp, sau đó Vương gia nổi hứng, lấy kích thay quạt, lấy trống mà ca, âm thanh hùng tráng. Ngô Quốc công còn khen rằng, “Biết âm hiểu nhạc[4], phong tư tót vời.”

___________

1, 2, 3: Đều đề cập đến một câu chuyện “Lão lai tử giả trẻ thơ múa hát cho cha mẹ vui”, mang ý nghĩa hiếu thuận.

Chuyện rằng: Lão Lai Tử vốn là người nước Sở, sinh vào đời Xuân Thu, đã 70 tuổi mà cha mẹ vẫn còn sống, ông thờ cha mẹ rất có hiếu. Không muốn cha mẹ thấy con già nua mà lo buồn, nên ông thường mặc áo sặc sỡ, rồi tay múa miệng hát trước mắt cha mẹ. Lại có khi bưng nước hầu cha mẹ, ông giả vờ trợt té rồi ngồi khóc oa oa trước mặt cha mẹ như trẻ nít mới lên 5, 3 tuổi vậy. Cha mẹ vui cười trước trò ngộ nghĩnh của con mình.


4. Được trích từ câu

“Vô đức dữ nữ,

thức ca thả vũ”

Nghĩa:

“Đức độ dù kém nàng xa,

Cũng mời cùng múa cùng ca một chầu.”

trong bài thơ “Xa hạt” nói về tâm trạng chú rể trên xe ngựa dọc đường rước dâu về dinh :))

Ý của bố vợ anh là: dù anh chả xứng với con zai quý báu nhà tôi đâu, nhưng vì cái sự không ngại xấu hổ và quyết tâm của anh :)) nên tôi tạm chấp nhận anh đó :))


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.