Vấn Quan

Chương 11




Chương 11:  Cả một đời ta, khó tìm được thái bình (1)

Thiên Tân Vệ đặc biệt vô cùng, phong cách mở cảng săn biển của phương Tây hoà hợp cùng quán khẩu tương thanh (hai nghệ thuật sân khấu của TQ), mùi hương của bánh quai chèo bay qua cây Ngô đồng Pháp rồi có thêm bánh đường rán lên màu vàng kim giòn tan, người Tân Vệ sáng sớm đã ngồi ở bên đường, dù là có quen biết hay không, họ đều vui cười gọi một tiếng "tỷ tỷ".

Khó khăn lắm mới tới đây một lần, A Âm nài nỉ Lý Thập Nhất và Đồ Lão Yêu ở lại Thiên Tân Vệ vài ngày cùng cô ấy, thuê một căn nhà nhỏ, mỗi buổi sáng uống một ngụm cà phê đen thơm lừng, một miếng bánh bao Chó Không Thèm mà Đồ Lão Yêu phải xếp hơn gần cả tiếng đồng hồ mới mua được, rồi dựa trên lan can ngồi nghe hát kịch, thoải mái đến nỗi A Âm phải cảm thán thật tựa như tiên.

Đồ Lão Yêu uống không quen cà phê, đừng nói là cho vào miệng, dù là ngửi cũng không ngửi được, hễ tới gần là la nhức đầu, Lý Thập Nhất lấy ra một hủ Mao Tiêm cổ, cái này thì Đồ Lão Yêu lại rất thích, vừa trân quý vạn phần uống từng ngụm vừa lén nhìn A Âm, cứ sợ cô ấy uống canh đen đó xuống bụng rồi trúng độc.

Vài ngày sau cả nhóm người mới về kinh, Đồ Lão Yêu đi vào địa phận của Tứ Cửu Thành rồi hít một hơi trước, mùi vị quen thuộc gọi ra tình cảm nhớ quê hương chưa từng có của hắn, cảm thán mấy chữ tốt liên hồi.

Lý Thập Nhất thuê hai chiếc xe kéo, muốn dắt A Âm cùng Đồ Lão Yêu đi tửu lầu nhưng Đồ Lão Yêu lại bảo là nhớ bà vợ ở nhà nên giữa đường ra rời đi.

Hắn tự trả tiền xe rồi lại không đi về nhà, chỉ đi dạo vòng quanh rồi lại đút hai tay vào túi ngồi xổm ở bên đường lo lắng.

Hắn nhìn ra rồi, phong tác của Lý Thập Nhất chắc chắn không phải giàu bình thường. Mọi ngày ngồi bên hàng thuốc lá bụi bặm lại còn có tướng mạo xấu xí, nhìn thì là dáng vẻ của một dân thường. Nhưng mà nhìn kĩ thì lại không phải vậy. Lần làm ăn này không có thu nhập, lại còn lỗ mấy mươi đồng Đại Dương tiền xe với tiền phòng, còn cái cà phê mèo ỉa đó nữa, mắc tới khiến người khác tặc lưỡi. Lý Thập Nhất cùng A Âm đều không quan tâm nhưng Đồ Lão Yêu hắn thì nghèo rớt mồng tơi, đi một chuyến không kiếm được đồng nào, lại còn... Hắn đưa tay đậy lên chiếc vé xe còn ở trong túi áo, không biết là về nhà nói với vợ như thế nào để gom tiền trả tiền xe cho Lý Thập Nhất đây.

Đồ Lão Yêu ngồi nhìn dòng người qua lại một hồi lâu, tới khi bụng réo đói liên tục rồi mới nghĩ, đành về nhà, tiền thôi mà, kiếm là được.

Vừa về đến nhà, vẫn là dãy hàng rào thấp một khúc, vẫn là cánh cửa hở, vợ đang phơi áo ngoài sân, nhìn thấy hắn nhưng lại không có một chút gì bất ngờ, chỉ nói với hắn: "Đi rửa tay, hành lý để xuống, cơm ở bên trong."

Đồ Lão Yêu "ừ" một tiếng, bước lên trước nhìn bụng của vợ, sao mà hình như nhỏ hơn so với trong kí ức nhỉ, lại nói thêm vài câu rồi cùng vợ đi vào nhà ăn cơm.

Hắn lùa hai miếng cơm, không muốn dài dòng nên nói thẳng: "Tôi chuyến này..."

"Chuyến này rốt cuộc là ông đã đi làm gì? Sao mà kiếm được nhiều tiền vậy?" Bà vợ vừa múc canh vừa nói.

"Kiếm, kiếm được?" Đồ Lão Yêu lắp bắp.

Bà vợ cười nói: "Cô nương nhà Lý cho người mang tiền công qua, tôi chưa dám đụng vào, đang để trên kệ bếp kìa, nhưng mà cầm lên ước chừng thì khá nặng đó."

Đồ Lão Yêu hóc cơm trong họng, quay mặt sang nhìn cái miếng vuông vuông được bọc bằng giấy báo.

Các hẻm của thành Tứ Cửu luôn luôn náo nhiệt, người kể chuyện một miếng gỗ Kinh Đường, những lời nói hoang đường từ Đường Tống nói tới Minh Thanh, một câu chuyện Huyền Vũ môn chi biến đã kể bảy tám trăm lần, nhưng lần nào cũng tấp nập người, người bốc vác đang gánh đòn gánh, bà cô đang ôm đứa trẻ nhỏ, tấp nập chen chúc trong miếu. Đối diện là một quán trà đang nấu trà nóng hổi, A Âm chê trà trong tửu lầu không ngon nên kéo Lý Thập Nhất đến quán trà này.

Cái ghế bản gỗ to cỡ đùi bị ngắn mất một bên chân, lộp cộp nghiêng trước nghiêng sau, chiếc chân nhỏ đang mang đôi giày vải bông đã có một chút xíu dáng vẻ thon gọn, cổ chân trắng nõn vô tình lộ ra ngoài, hiện ra một màu hồng nhạt giữa trời đông giá lạnh, nơi hai bên mắt cá chân nhô ra và nhượng chân cong vào liên kết vô cùng hoàn hảo, bắt mắt giữa ánh mặt trời ấm áp.

Hai tay nhỏ nắm lấy một bên của chiếc ghế, Tống Thập Cửu dựa vào khúc ngắn mất của ghế lắc qua lắc lại, đến nỗi đại nương của quán trà phải vội vàng bước đến rồi cười nói: "Cô bé của ta ơi, đừng lắc nữa, coi chừng té đó."

Trước mắt là một cô bé cỡ mười tuổi, sợi dây đỏ đang cột lấy bím tóc dày, khuôn mặt đen thui như bị quệt than, nhưng ngũ quan lại tinh tế vô cùng, mũi cao mày cong, một đôi môi hồng chúm chím, mê người nhất là đôi mắt, đôi mắt tròn xoe, đuôi mắt lại như Ngọa Phượng cong vút lên, những sợi lông mi dài phủ lên đôi mắt tròn đầy sáng trong ấy, trong sự ngây thơ lại có vẻ phong tình chưa được khai hóa.

Lý Thập Nhất không nói gì, chỉ đưa tay ấn giữ chiếc ghế lắc lư đó.

Chị Thanh nói: "Thì ra là cô nương của nhà Thập Nhất, sao trước giờ chưa gặp qua?"

Lý Thập Nhất trả lời: "Em họ, Thập Cửu."

"Nghe là biết người một nhà." Chị Thanh cười nói, lau tay lên tạp dề rồi quay đầu sang trông trà, vừa mới nhấc chân thì lại nhớ ra gì đó, chị hỏi Lý Thập Nhất: "Thập Nhất à, dạo này cô có ra ngoài sạp hàng không?"

"Mấy ngày gần đây có chút việc nên dọn sạp thuốc lá rồi. Sao đó?"

"Tôi nghe chồng tôi nói có một vị tiểu thư tìm cô, ngày nào cũng đợi bên cạnh sạp thuốc lá." Chị Thanh nói.

Lý Thập Nhất nhíu mày, chị Thanh biết chuyện quan sát nhìn người, người bình thường thì gọi là "cô nương", nếu đã dùng "tiểu thư" thì chắc chắn có chút bối cảnh. Lý Thập Nhất cảm ơn chị Thanh rồi trao đổi ánh mắt với A Âm, sau đó dắt Tống Thập Cửu đi về phía con hẻm hay bày hàng bán thường ngày.

Tống Thập Cửu đi theo sau. Đề phòng cô bé tiếp tục lớn nên đôi giày đang mang có hơi lớn một chút, không giữ được gót chân, hễ bước đi là cứ kéo lê lẹp bẹp, khiến cô bé đi theo khá chật vật. Cô bé thấy Lý Thập Nhất sải chân dài đi thật nhanh, không vui nữa, dừng lại, uỷ khuất cắn môi.

Lý Thập Nhất nghe phía sau không có động tĩnh, quay đầu lại nhìn nó, Tống Thập Cửu ngước mặt hỏi cô: "Chị không nắm tay em nữa à?"

A Âm dựa người vào cây cột đèn bên đường, vẫy khăn tay xem náo nhiệt.

Lý Thập Nhất nói: "Mười tuổi rồi, không nắm nữa."

Nhưng nó chỉ mới sống có mấy ngày thôi mà. Tống Thập Cửu không phục: "Ai nói vậy?"

"Mẹ của ta."

Tống Thập Cửu hết cách, bèn đưa tay nắm lấy tay áo của Lý Thập Nhất, từng bước từng bước đi theo cô, cũng không biết có phải cảm giác sai hay không, hình như Lý Thập Nhất đi chậm lại, khiến cô bé đi không vất vả như trước nữa.

Tới đầu hẻm, từ xa đã thấy quả nhiên có một cô nương đang đợi ở đó. Chỉ cần nhìn một cái, Lý Thập Nhất đã hiểu tại sao lúc nãy vẻ mặt chị Thanh lại phức tạp đến vậy. Vị cô nương này cầm một cây dù làm bằng xương ngà voi giữa trời mùa đông, cán dù điêu khắc hoa mẫu đơn tinh tế cả cáng, mặt dù là vải gấm đen tuyền, không có hoa văn gì. Cô ấy mặc một bộ đầm phương Tây màu xanh da trời, bên ngoài khoác một chiếc áo lông cừu đắt tiền, cổ tay trắng bệch lộ ra từ chiếc găng tay da cừu.

Lý Thập Nhất chậm rãi bước về phía trước, vị tiểu thử đó dường như nhận ra cô, quay người đặt dù xuống rồi nói: "Nữ tiên sinh."

Cô ấy đội nghiêng một chiếc mũ Tây thời thượng, vải lưới đen che hết nửa khuôn mặt.

Lý Thập Nhất đã gặp qua muôn dạng người, vẻ đẹp mỹ miều sắc nét cũng không có gì là mới, nhưng chưa từng có ai ung dung hoa quý như vị trước mặt, toát lên khí chất hoàng tộc, lớp vải lưới đen vẽ nên bóng đen trên mặt cô, mang theo cảm giác cấm kỵ tựa như tị huý.

Nhưng đôi môi của cô ấy lại trắng bệch không một giọt máu, ngay cả ngươi mắt cũng lạnh nhạt như bị bạc màu.

Cô ấy nói: "Tôi có một tâm sự."

Lý Thập Nhất suy nghĩ rồi nói: "Đi vào quán trà, ngồi xuống hẵng nói."

Dòng nước mỏng làm đổi màu ly trà, Huyền Vũ môn chi biến vẫn chưa kể xong, vị cô nương đó lắng tai nghe rồi mở miệng nói: "Tôi là A Xuân."

Giọng nói của cô vô cùng dễ nghe, mang theo sự diễm lệ và ôn thục của thời xưa.

"Tôi có một nút thắt trong lòng, khiến tôi trăn trở, ưu uất cả ngày. Nhưng tôi không nhớ ra đó là gì, tôi chỉ biết, ở dưới lòng đất, ở trong quan tài.

A Xuân nói rất chậm rãi, chậm đến nổi khiến cho u sầu giữa lông mày càng thêm phiền người, cô ấy nói: "Tôi tìm khắp tiên sinh thuật sĩ nơi tôi ở, nhưng đều vô dụng. Tôi nghe bảo rằng, hậu nhân Nam Bắc phái đều ở Bắc Bình, bèn không quản đường xa vạn lý đến đây, cầu mong tiên sinh hạ mộ khai quan, dứt được việc trong lòng tôi."

Đầu ngón tay của Lý Thập Nhất bất giác chuyển động tròn trên bàn, ngón út đặt cạnh tay A Xuân của A Âm động đậy rồi lặng lẽ thu về, đưa tay ra cầm lên một ly trà, miệng ly đặt ngay môi dưới, ánh mắt nhìn sang Lý Thập Nhất, nói nhưng không phát ra tiếng: "Ma."

"Đúng vậy." A Xuân nhẹ nhàng chậm rãi, gật đầu nói.

"Người là giả, nhưng tiền là thật." A Xuân lấy ra một tấm địa khế (giấy sở hữu nhà đất).

"Cô nói là xa vạn lý, thế ở đâu?" Lý Thập Nhất hỏi cô ấy.

"Tây An."

A Xuân nhìn đám người đang nghe kể chuyện trong tửu lâu, ánh mắt sâu thẳm xa xăm.

"Trường An, cố hương của tôi..."

Tác giả chú thích:

"Đại Minh cung tự": Thế sự phù trầm, vô thường vô tình, chung ngã nhất sinh, nan tầm thái bình. (Chuyện đời ba chìm bảy nổi, vô thường cũng vô tình, cả một đời ta, khó mà tìm được thái bình.)

Edit: Thục Nhi

Beta: Chuột


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.