Tùy Đường Diễn Nghĩa

Chương 7: Sái thái thú thưởng phạt kịp thời, Vương tiểu nhị nắng mưa trở mặt.





Thơ rằng:
Gió vàng hiu hắt khách áo đơn
Đêm tối lạnh lùng dế kêu hờn
Một ngọn đèn bóng vách chập chờn
Trăng sao vằng vực lòng héo hon
Con trẻ phương trời tình chon von
Mẹ già tóc bạc dựa lan can
Túi không tiền lủi thủi một thân
Tri kỷ nào ai vắng tin nhàn
Mắt đẫm lệ trông vời quan san
Tráng sĩ ca:"Đường đời gian nan"
Người đời thường nói: "Nghèo trong nhà chưa phải nghèo, nghèo giữa đường mới giết người". Thúc Bảo đãng trí, hứa trả tiền cho Tiểu Nhị, không nhớ tiền bạc của cả hai do Kiến Uy mang đi. Một lời đã nói, biết làm thế nào bây giờ, đang lúc băn khoăn, lục khăn gói may sao lại thấy một gói bạc. Gói bạc này ở đâu ra? Đó chính là tiền của mẹ Thúc Bảo đưa mua lụa ở Lộ Châu, dành may có lúc trăm tuổi, Thúc Bảo đành lấy ra, đưa cho Tiểu Nhị:
- Đây có bốn lạng, mai kia tính toán một thể, hãy cứ cầm lấy đã.
Tiểu Nhị đáp:
- Quý khách chưa đi, tính toán làm gì, xin ghi vào sổ cho nhớ thôi?
Tiểu Nhị lấy được bạc, mặt mày hớn hở, vào nhà trong báo cho vợ biết, rồi phục dịch Thúc Bảo như cũ. Thúc Bảo chưa hết lo lắng, túi không tiền, công văn chưa lĩnh được, đã thêm mấy ngày nữa rồi, mà thái thú vẫn chưa về, đừng nói chuyện lần lữa nơi đất khách, Tiểu Nhị lại đòi tiền, biết lấy đâu ra. Miệng tuy không nói ra, nhưng lòng luôn áy náy, Thúc Bảo chẳng biết bàn bạc với ai, ăn no xong, nằm dài trên giường chờ đợi. Đúng là:
Khi mừng mặt nở như hoa
Khi buồn ngủ gật ngủ gà ngẩn ngơ.
Ba ngày nữa qua, Sái thái thú mới về. Công đường mở ra, trống nghe rộn rã, nha dịch, phòng lại phòng rộn rịp ra vào. Thúc Bảo là công sai đến làm việc ở châu, nên đi cùng với bọn quan nha ra đón thái thú. Cách thành mười dặm mới gặp thái thú cùng tùy tùng trở về đường xa khó nhọc, thái thú lặng lẽ ngồi trên kiệu vào thành. Thúc Bảo vì nóng ruột chờ lâu nay, nên chẳng nghĩ đến nghi lễ gì, đến ngay trước kiệu, quỳ lạy thưa:
- Tiểu nhân là công sai của phủ Tế Châu thuộc Sơn Đông giải phạm nhân tới đây, chờ xin công văn của quan lớn để trở về đã lâu.
Đang giữa đường, lại mệt nhọc, ở tư thế nửa nằm nửa ngồi, nửa thức nửa ngủ, quan nào chịu làm việc. Bọn lính khiêng kiệu, cáo mượn oai hùm, nạt lớn:
- Đứng dậy mà cút au. Quan thái thú chúng tao không có nha môn, công đường làm việc hay sao, mà phải phê văn giữa đường giữa chợ ày!
Thúc Bảo đành đứng dậy, lính kiệu lại chạy tiếp. Thúc Bảo nghĩ thầm: "Lại phải thêm một ngày nữa. Cả tiền lẫn thức ăn cho ngựa nữa là lại thêm một lạng. Thái thú vừa đường xa mệt nhọc trở về, biết đến ngày nào mới làm việc?". Thúc Bảo liền chạy lên phía trước, định xin lính kiệu đi chậm lại, để lạy trình thái thú. Nhưng Thúc Bảo không lượng sức mình níu tay một lính kiệu, lính kiệu vội lăn ra, làm cả ba lính kia bất ngờ giữ không kịp, kiệu nghiêng ngửa. Thái thú đang nửa thức nửa ngủ, vì thế ngã lăn quay, nổi giận thét lớn:
- Thằng này vô lễ! Tao không có nha môn sao?
Rồi quát tay chân đè Thúc Bảo ra mà đánh. Thúc Bảo không còn đường cãi, ngay trước cổng phủ, bị bọn lính hầu lột quần áo đánh ười trượng. Nếu là người quen, chúng đã nhẹ tay, đường nào Thúc Bảo là người nơi khác đến, nên chúng càng ra tay, đến nỗi nát da lòi thịt, máu chảy lênh láng.
Ông Văn Vương xưa còn bị ngồi tù
Chàng Tôn Tẩn trước bị bạn nó thù nó cắt gân chân.
Vương Tiểu Nhị lúc ấy đứng trước quán trọ của mình trông thấy rõ cả, bèn vào nói với vợ:
- Cái anh chàng họ Tần này thật không rõ là loại người thế nào. Ở quán ta cả tháng, chỉ mỗi một gói quần áo. Trong phủ đường, không biết đường thưa gửi, chẳng biết lễ phép, vừa rồi ngay trước cổng phủ, bị lính chặn ra đánh mười trượng!
Quan thái thú vào công đường. Thúc Bảo lê về quán trọ. Tiểu Nhị ra đón thăm dò:
- Chào Tần quý khách đã về!

Giọng nói Tiểu Nhị không bình thường như mọi ngày, mà có ý giễu cợt:
- Tần quý khách! Quý khách có vẻ không giống bậc hào kiệt ở công môn. Ý tứ quan nha, quý khách không biết sao. Quan thái thú đây thế là còn nhân từ đấy, gặp phải tay khác, quý khách còn lâu mới được tha về?
Thúc Bảo tức tối quát:
- Không dính dáng gì đến bác!
Tiểu Nhị cãi:
- Đánh là đánh trên người quý khách, liên quan gì đến tiểu nhân. Đấy là tiểu nhân nói thế thôi, xin đi dọn bàn cho quý khách ăn vậy!
Trong lòng vẫn còn tức tối, Thúc Bảo đáp:
- Chẳng ăn uống gì nữa. Cho một chậu nước nóng đây!
Tiểu Nhị đáp:
- Có nước nóng ngay!
Thúc Bảo lấy nước nóng, rửa sạch đất bụi bám ở vết thương. Lúc này trời cũng vừa chập choạng tối.
Ngày hôm sau, cố nhịn đau, Thúc Bảo vào công đường lĩnh công văn, tới bên thềm, không quên cúi đầu làm lễ. Sái thái thú quả là vị quan đức độ, hiển lành, đi xa mệt mỏi về, mờ sáng ra đã lên công đường. Văn từ, cáo trạng rất nhiều, nhưng xử lý rất thứ tự, rõ ràng, ai nấy đều bái phục. Thúc Bảo vừa cúi lạy vừa thưa:
- Tiểu nhân là công sai của Lưu thái thú ở Tế Châu, chờ xin quan lớn công văn trở về.
Sao lại có chuyện hôm nay Thúc Bảo kể đến tên Lưu thái thú, vốn là suốt đêm hôm qua, mình mẩy đau xót không ngủ được, nghĩ ra Lưu thái thú vốn là bạn đồng niên rất thân với Sái thái thú, xưng mình là công sai của Lưu thái thú, có lẽ làm Sái thái thú để ý, vừa lòng chăng. Sáng nay, quả như thế. Thái thú đổi giận, vồn vã hỏi:
- Anh là công sai của Lưu thái thú sao?
Thúc Bảo thưa:
- Dạ vâng! Tiểu nhân là công sai dưới trướng Lưu thái thú.
Sái thái thú giảng giải:
- Hôm qua trước cổng phủ đường, anh cũng có hơi lỗ mãng. Ta phạt anh mười trượng, nghĩ cũng quá, phải không?
Thúc Bảo thưa:
- Dạ, quan lớn đánh thật đáng tội ạ!
Chờ cho nha lại làm xong công văn, Thái thú cầm bút ký vào, nhưng vẫn chưa đưa ngay cho Thúc Bảo. Thái thú ngẫm nghĩ: "Lưu đại huynh ở xa, có biết đâu chuyện nghiêng kiệu, mình ngã lăn, lại cho rằng mình hẹp hòi, bạc bẽo, viên công sai tin cậy của Lưu thái thú từ nghìn dặm tới mà nỡ đánh mười trượng". Sái thái thú bèn gọi thầy lại coi kho, lấy ba lạng bạc trong mục công vụ, thưởng cho Thúc Bảo làm lộ phí. Lát sau đã thấy thầy lại mang bạc đến, đưa cho Thúc Bảo, kèm cả công văn. Thúc Bảo cúi đầu tạ ơn, nhận cả hai thứ, về quán trọ.
Vương Tiểu Nhị đang ở trong quán tính sổ sách, thấy Thúc Bảo về hỏi:
- Lĩnh được công văn rồi. Tiệc rượu tiễn hành còn chưa kịp sửa soạn, làm thế nào bây giờ?
Thúc Bảo hỏi:
- Tính toán hết bao nhiêu lạng cả thảy?
Tiểu Nhị đáp:
- Ngồi nhẩm thử tính phác trước xem sao!
Thúc Bảo giục:
- Nào thử nói xem nào?
Tiểu Nhị kể lể:

- Quý khách vào từ ngày mười sáu tháng tám, hôm nay là ngày mười tám tháng chín, tháng tám đủ, cộng tất cả là ba mươi hai ngày. Quán này đã có lệ ngày đến, ngày đi không tính tiền, mà gói vào bữa rượu tiễn hành, vậy là còn ba mươi ngày tròn. Thức ăn ngon cho ngựa, gộp với mỗi ngày ba bận cơm rượu của quý khách, tất cả là một lạng bảy một ngày, thế là hết hai mươi mốt lạng, đã đưa bốn lạng, hiện còn thiếu mười bảy lạng 1.
Thúc Bảo đáp:
- Đây là ba lạng của Sái thái thú vừa mới cho, hãy cứ biết thế đã.
Tiểu Nhị tính:
- Thế là còn thiếu mười bốn lạng nữa. Cũng chẳng giấy tờ lôi thôi làm gì, chỉ cần quý khách thanh toán sòng phẳng. Tiểu nhân xin cân lại số bạc này!
Thúc Bảo gàn:
- Bác chủ cứ từ từ. Ta chưa đi ngay được đâu.
Tiểu Nhị hỏi:
- Tần quý khách đã lĩnh được công văn rồi. Còn việc gì nữa đâu?
Thúc Bảo đáp:
- Ta có một người bạn họ Phàn, cùng đi công sai cho Tế Châu nhưng đến mãi Trạch Châu, tất cả tiền lộ phí đều ở khăn gói họ Phàn cả. Có lẽ Mã thái thú ở Trạch Châu, cũng đi Thái Nguyên mừng Lý đại nhân rồi, nên vài ngày nữa, họ Phàn lĩnh được công văn, tới tìm ta, ta sẽ thanh toán đầy đủ.
Tiểu Nhị đáp:
- Tiểu nhân mở cửa hàng đón khách. Quý khách cứ lần lữa như thế, thì quả đem lời lãi cho quán nhiều lắm!
Tiểu Nhị miệng nói thế, nhưng trong lòng thầm tính. "Ông khách này còn nợ những mười bốn lạng nữa, có mỗi gói hành lý, liệu đáng mấy đồng. Chỉ còn con ngựa, há mồm chờ ăn, ông ta mà cưỡi đi là xong, ai ra đó mà gàn dược. Có chạy đến phủ đường, thì ai mà xét xử việc này ình, rồi thì vừa mất tiền của, vừa tốn công hầu hạ. Không chứa nữa, không cho ăn nữa, đến bữa đừng dọn nữa liệu có xong. Chỉ có cách này là hay thôi. Công văn ông ta đang để kia, nhất định phải có nó mới về gặp quan Tế Châu được, chi bằng cứ giữ chặt lấy là ổn hơn cả". Nghĩ rồi, Tiểu Nhị cầm công văn còn để trên mặt bàn xem, rồi bảo vợ:
- Cầm lấy công văn này. Để ở trong phòng trọ, quý khách thường khóa cửa đi vắng, trời cuối thu rồi, mưa liên tiếp, phòng trọ thì dột nát, lỡ ướt nát thì lại phiền đến nhà hàng. Mình cầm lấy, cất kỹ vào trong hòm, đợi lúc nào quý khách lên đường, ta sẽ trả lại đầy đủ.
Thúc Bảo trong lòng cũng không biết rõ tâm địa của Tiểu Nhị giả vờ cẩn thận, nên cũng lựa lời đáp:
- Thế thì tốt lắm!
Nói chưa dứt lời, Tiểu Nhị đã đưa công văn cho vợ đem vào trong nhà.
Mẹo quỷ níu đuôi khanh tướng lại
Trò ma nuốt ngọc Nguyệt Cô đi 2
Tiểu Nhị bảo bọn đàn em:
- Không cần phải bày rượu tiễn hành nữa. Tần quý khách còn chưa đi đâu, nếu bày tiệc rượu, lại ra ý đuổi khách mất, chỉ cần dọn bữa ra đây cho khách thôi.
Bọn đàn em đã biết cách nói làm hiệu của ông anh, bát đĩa bày ra, nhưng giảm bớt thức ăn hai đĩa, mọi thứ cũng ít hơn, xấu hơn, trông thật thảm hại. Bữa cháo sáng cũng vậy, vừa nguội vừa nhạt.
Thúc Bảo không biết làm thế nào, đành yên lặng chau mày uống chén trà, rồi chẳng biết làm gì, đành ra khỏi cửa, theo đường quan ngóng bóng Kiến Uy.
Bơ phờ dốc túi tiền lưng cạn
Ngàn dặm xa vời ngóng cố nhân.
Xưa thường nói: "Ngờ người thì người dễ xấu, chờ người thì người càng lâu tới". Thúc Bảo chờ mãi đến tối mịt, thấy gió thu đã tắt nắng vàng, lá úa trên cây bay lả tả, trên cầu, trên đường, xe ngựa về chiều càng cố đi nhanh hơn, nhưng nào thấy bóng Kiến Uy đâu? Một ngày dài đã qua, Thúc Bảo thẫn thờ bước dưới hàng cây ven đường, miệng lẩm bẩm:
- Phàn Kiến Uy, Phàn Kiến Uy! Hôm nay mà anh vẫn không tới, ta cũng chẳng còn mặt mũi nào mà về quán trọ để chịu sự coi rẻ nữa đâu!
Nhưng rồi tối hắn, cũng đành phải về. Thực ra Kiến Uy cũng chưa từng hẹn với Thúc Bảo ở Lộ Châu, chẳng qua trong lúc luống cuống, Thúc Bảo quên hẳn, lại thêm tiền bạc Kiến Uy đều mang đi cả nên càng chắc chắn Kiến Uy sẽ trở lại Lộ Châu, nhưng càng chờ càng xa thăm thẳm.
Sáng hôm sau, Thúc Bảo lại ra đón, vừa nghĩ: "Hôm nay mà Kiến Uy vẫn không thấy, nhất định phải tìm đường quyết cho xong chuyện này thôi". Tối đến vẫn chẳng thấy bạn đâu, chim đã lần về tổ mẹ con xum vầy ríu rít, Thúc Bảo âm thầm từng bước, nghĩ tới mẹ già ở quê nhà mỏi mất chờ mong, ai ngờ con đang gặp đoạn gian nan, mỗi bước mỗi khó thế này. Chờ mãi tới lúc lên đèn, Thúc Bảo mới lần bước về quán trọ.

Thúc Bảo bỗng thấy trong phòng mình có đèn thắp sáng, lòng nghi hoặc nghĩ: "Hôm nay sao lão chủ quán lại tử tế thế này"? Đứng lại nhìn kỹ, thấy trong phòng có nhiều người đang hét hết "yêu" lại "lục" 3 bát chén bày đầy, có cả Vương Tiểu Nhị. Thấy Thúc Bảo, Tiểu Nhị vội nói:
- Ông anh, quả thật tiểu nhân khi không phải. Hôm nay có một toán khách tới. Bọn họ toàn hạng vàng bạc đầy người, xưa nay hiếm thấy mà hiện chỉ còn mỗi phòng của ông anh, ai ngờ chuyện thế này, nếu ông anh ra đi khóa chặt cửa phòng lại là một nhẽ. Tiểu nhân gàn không cho họ vào. Họ bảo "Chủ quán thì chỉ cần tiền thuê phòng, còn ông khách họ Trương, hoặc ông họ Lý trọ cũng thế cả thôi. Chúng ta trả nhiều tiền hơn, thế là được rồi"! Tiểu nhân thấy họ nói thế, chẳng biết làm thế nào, chỉ sợ họ nổi nóng.
Nghỉ lấy hơi xong, Tiểu Nhị lại liến thoắng:
- Thế là họ cứ ùa vào, không chịu ra nữa. Tiểu nhân sợ họ đụng đến hành lý của ông anh, nên đã mang cất vào một chỗ cẩn thận phía đằng sau. Thôi thì ông anh ở đây đã lâu, cũng coi như người trong nhà. Còn đối với bọn khách này, tiểu nhân phải lột được họ ít nhiều mình phải biết quyền biến, ông anh đừng lấy làm lạ. Ông anh hãy rộng lòng tha lỗi cho tiểu nhân!
Đã mấy hôm nay Thúc Bảo không hề thấy Tiểu Nhị mặt mày rạng rỡ thế này, lại vốn có tấm lòng khí khái của bậc hào kiệt, sẵn sàng bỏ qua những tính toán nhỏ nhặt của kẻ tiểu nhân, nên vẫn ôn tồn nói với Tiểu Nhị:
- Bác chủ ơi! Hàng quán của bác là tùy bác sử dụng. Nhưng liệu có còn chỗ nào cho ta có thể ở tạm chăng. Ta thì thế nào cũng được thôi!
Tiểu Nhị liền cầm đèn dẫn đường, Thúc Bảo đi theo, quanh co khuất khúc, ra mãi tít sau nhà, Tiểu Nhị vừa đi vừa soi từng bước, rồi chỉ cho Thúc Bảo một góc. Thúc Bảo nhìn kỹ, thì không phải buồng ngủ không phải nhà bếp, mà là một gian nhỏ, một mái thấy trời, mái còn lại cũng dột nát, áp sát vào hồi nhà bếp, chất đầy rơm rạ. Hành lý của Thúc Bảo đã thấy vứt lăn lóc trong đó, nửa gian đầy củi, cỏ khô cho ngựa, bốn vách trống không, gió lùa thông thông. Chỗ để cái đèn cũng không có, nên đành đặt dưới cái nền đất, lại phải lấy mấy viên gạch vỡ che lại cho khỏi gió. Tiểu Nhị nói với Thúc Bảo:
- Ông anh hãy tạm ở đây ít ngày. Chờ lúc nào bọn khách kia đi rồi, ông anh lại trở về phòng cũ thôi mà.
Thúc Bảo cũng chằng buồn đáp, Tiểu Nhị quay mặt đi thẳng.
Thúc Bảo ngồi bệt xuống đống rơm. Đặt chiếc giản ngang đùi, lấy ngón tay bật bật mấy sợi dây tua buộc ở đầu giản, hát:
Lạnh lùng quán trọ gió lùa mưa
Trời thử anh hùng thật đủ trò
Chí khí bình sinh lòng vốn hẹn,
Thở dài một tiếng tỉnh hay mơ?
Đang ngâm, Thúc Bảo nghe như có tiếng chân người mỗi bước mỗi gần, rồi nghe có tiếng gõ khẽ vào khung cửa. Thúc Bảo vốn là kẻ hào kiệt, sẵn sàng chịu đựng mọi chuyện khổ, nhưng đến lúc này không thể nhẫn nại được, Thúc Bảo phải lên tiếng:
- Người nào gõ cửa đấy? Người đừng mang dạ tiểu nhân mà nghi ngờ con người Thúc Bảo này. Ta đường đường mà tới đây, ta cũng sẽ minh bạch mà ra đi. Huống chi văn thư, hành lý, yên cương, ngựa cưỡi đều đang ở trong nhà ngươi, dù ta có muốn trốn nữa cũng không xong kia mà!
Bên ngoài có tiếng đáp:
- Tần quý khách không cần phải to tiếng. Thiếp là Liễu Thị, vợ của Vương Tiểu Nhị đây mà.
Thúc Bảo đáp:
- Ta nghe mọi người khen chị hiền hậu, giữa đêm tăm tối thế này, chị tới đây làm gì?
Liễu Thị đáp:
- Anh chồng thiếp lỗ mãng, lại tính toán tiểu nhân, thấy Tần quý khách thiếu mấy lạng bạc, nói ra những điều không tử tế. Quý khách vốn là bậc đại trượng phu, xin hãy bỏ qua cho anh ấy. Thiếp vẫn thường khuyên anh ấy đừng theo thói thường lúc trắng lúc đen, anh ấy còn chửi mắng thiếp thậm tệ; hắt cả nước bẩn lên người thiếp. Mấy ngày hôm nay, không được gặp quý khách, chờ anh ấy ngủ rồi, còn một ít thức ăn buổi chiều, xin đem đến, quý khách ăn tạm vậy!
Than rằng khăn gói nhẹ như không
Trần thế nào ai giúp kẻ cùng
Cơm nắm Hoài âm thương quốc sĩ 4
Có chăng nhi nữ biết anh hùng.
Thúc Bảo nghe thấy thế, rơi nước mắt, đáp:
- Chị đúng là Phiếu Mẫu ở Hoài âm, thương Hàn Tín mà cho cơm. Chỉ giận Tần Quỳnh này mai sau không được phong tới Sở Vương để báo ơn nghìn vàng.
Liễu Thị thưa:
- Thiếp là vợ của một tiểu nhân, không dám tự ví mình với bậc quân tử, sao nghĩ tới chuyện được đền ơn, chỉ thương quý khách trong cơn hoạn nạn. Mấy tuần nay gió thu thổi mạnh, mà quý khách vẫn ăn mặc đơn, vùng Lộ Châu thiếp vốn cao, gió lạnh nhiều, mà trên người chỉ có mỗi một tấm áo rách, hở cả da thịt, thì làm sao chịu nổi. Ngay cạnh mâm thiếp có để cả kim chỉ, ngày mai quý khách tìm chỗ kín gió, chịu khó khâu lại cẩn thận, cho kín da thịt, đợi đến lúc họ Phàn ở Trạch Châu tới, có tiền rồi thay bộ quần áo khác vậy. Sáng sớm mai, nếu không chịu được lời ra tiếng vào của chồng thiếp, thì cũng đừng ăn sáng nữa, hãy ra khỏi nhà cho xong. Thiếp góp nhặt được mấy đồng tiền, cũng để ngay bên mâm, quý khách hãy mua mấy cái bánh bột to mà ăn cho no lòng. Tối đến thì gắng về quán sớm.
Nói xong bấy nhiêu lời, Liễu Thị quay ra. Thúc Bảo ra cửa bưng mâm cơm vào, thấy một chuỗi tiền xâu bằng một sợi vải xanh, khoảng ba trăm đồng, một sợi chỉ dài, một cây kim. Thúc Bảo cầm cất cẩn thận một bên đống rơm. Trên mâm, một bát canh thịt hãy còn nóng, loại canh này, mấy hôm mới đến quán này, Thúc Bảo cũng từng ăn, thấy rất ngon. Nhưng từ ngày Tiểu Nhị tính toán chi li, thì đến rau cũng chẳng đủ, nói chi đến canh này, có lẽ hôm nay vì có mấy khách trọ giàu có, nên mới nấu, còn thừa một bát. Thúc Bảo định chưa ăn, nhưng bụng đói cồn cào liền nâng bát dốc một hơi hết sạch.
Trời đêm thu rất sáng, trằn trọc mãi không ngủ được, chợp mắt một lát, lại đã tỉnh, vẫn chưa sáng. Nhìn mái tranh chẳng còn, ánh trăng chiếu mờ mờ, Thúc Bảo cởi áo đơn mặc trên người, lấy kim chỉ khâu nhằng nhịt vài đường, rồi khoác vào người, nhân lúc chưa sáng rõ, ra khỏi nhà.
Sợi chỉ đường kim con nhớ mẹ
Tay nâng vạt áo lệ tuôn rơi.
Đem theo ba trăm đồng tiền, đã thấy người mạnh dạn hơn, dám nghĩ tới chuyện đi Trạch Châu, nhưng lại sợ lật đường, không gặp Kiến Uy, thì làm sao mà trở về, rồi Tiểu Nhị lại ngỡ bỏ trốn. Chi bằng hãy mua mấy cái bánh bột to nướng nóng lên ăn cho ấm bụng rồi ngồi trong một cái lều nào đó chờ xem sao vậy. Đứng lên ngồi xuống vài lần, trời đã về chiều, từ đường xa thấy một người mặc áo xanh đi lại, đầu đội nón Phạm Dương, lưng dắt đoản đao, vai khoác túi vải trông rất giống Kiến Uy, chờ lại gần, hóa ra không phải. Rồi thêm mấy người cưỡi ngựa đi săn về, Thúc Bảo nép sang bên đường tránh, bước ngang gần cửa một nhà ven đường, trước mặt có đặt một chậu than, một người đàn bà khoảng trên năm mươi tuổi, đang ngồi cầm một dây tràng hạt, hơ tay bên lửa. Thấy Thúc Bảo lại gần, người đàn bà nhìn kỹ từ đầu đến chân, rồi khuyên:
- Bác phải giữ gìn chứ, trông có vẻ rét lắm, chi bằng ngồi đây sưởi cho ấm đã.

Thúc Bảo thấy nói thế, liền đáp:
- Thật phúc đức!
Rồi liền ngồi xuống. Người đàn bà nói tiếp:
- Trông bác đường đường một kẻ đàn ông cao lớn, sao lại đến cảnh này. Có lẽ bác không phải người vùng này chăng?
Thúc Bảo đáp:
- Tôi người Sơn Đông, nhân chờ một người bạn mà mãi không thấy tới, bao nhiêu tiền bạc đều hết sạch, giờ không về quê được.
Người đàn bà nói:
- Nếu như thế, bác hãy nói rõ ngày giờ sinh, tôi sẽ bói cho bác một quẻ, xem bạn bác có đến không?
Thúc Bảo bên kể ngày giờ sinh. Người đàn bà lẩm nhẩm tính toán, rồi nói:
- Về đường công danh thì bác rất sớm làm nên. Sách đã nói rất đúng: "Sớm mừng lòng muốn gấp, kẻ tới chẳng vội vàng". Tới thì nhất định sẽ tới rồi, có điều còn hơi sớm. Phải hết tháng này, may ra mới có tin tức được.
Thúc Báo hỏi:
- Nghe giọng của bác, hình như cũng không phải người nơi đây. Xin cho biết quý tính?
Người đàn bà đáp:
- Tôi họ Cao, người Thương Châu. Nhân năm trước chồng qua đời cho nên mẹ con đến đây nương nhờ người thân.
Thúc Bảo nói:
- Con bác tên là gì, bao nhiêu tuổi rồi, giờ làm nghề gì để kiếm sống?
Người đàn bà đáp:
- Tôi chỉ có mỗi mình cháu, tên là Khai Đạo, vì nó cũng có sức, lại biết múa thương đánh kiếm, nên chẳng chịu làm nghề gì, thường chẳng bao giờ có nhà.
Nói rồi đứng dậy, nhìn Thúc Bảo, lại tiếp:
- Bác có lẽ chưa ăn uống gì. Tôi còn ít miến đây.
Nói xong vào nhà, bưng một bát miến nóng, mấy nhánh hành, một đôi đũa tre đặt trên bàn, mời Thúc Bảo. Thúc Bảo suốt ngày ngong ngóng, lại chuyện trò một hồi, trong bụng nào còn gì, không từ chối, liền ngồi ăn. Ăn xong, cảm ơn:
- Ơn bác cho ăn, chả biết Tần Quỳnh này còn có ngày báo được nghĩa bác không!
Người đàn bà đáp:
- Xem ra tướng mạo bác như thế, mai sau nhất định không chịu ở mãi dưới kẻ khác đâu. Sao lại nói những lời như thế. Giết người, cứu người mới nghĩ tới chuyện báo ơn, trả oán. Còn một miếng ăn, có đáng là bao.
Lúc này mọi nhà đều lên đèn. Thúc Bảo gật đầu, cảm tạ người đàn bà, rồi ra khỏi cửa, vừa đi vừa nghĩ: "Thật đáng hổ thẹn cho Tần Quỳnh này, ra khỏi nhà chưa từng giúp ai được một lần, lại gặp được hai người đàn bà phúc đức, làm cho lòng này cũng bớt uất ức". Vừa nghĩ, vừa đi, chính là:
Qua sông nước cuốn trôi vàng
Ở đời Phiếu mẫu dễ dàng gặp đâu!
° ° °
Lại nói Tiểu Nhị thấy Thúc Bảo chưa về, liền nghi ngờ nói với vợ:
- Chẳng biết ông khách họ Tần này là loại người nào đây. Không có tiền trả ta, nhưng biết đâu lại kiếm được tiền ăn uống chỗ khác rồi chắc?
Liễu Thị đáp:
- Người ta có thể kiếm ra tiền, có khi gặp bạn bè quen biết, mời đi một hai ngày, cũng chẳng biết được.
Tiểu Nhị nói:
- Nếu đã thế, tôi nhất định khảo tiền ông ta à xem!
Sáng sớm hôm sau, Thúc Bảo vừa mới ra cửa đã thấy hai thanh niên trai tráng mặc áo xanh đứng bên cửa đón.
Chẳng biết có chuyện gì xin xem hồi sau sẽ rõ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.