Tùy Đường Diễn Nghĩa

Chương 34: Hoa đào nước chảy tìm vui thú, Xẻo thịt tay ngà báo ái ân





Từ rằng:
Muôn hoa hương nở đưa nhè nhẹ
Cánh đào rơi, sống rẽ đưa vèo
Nước xanh lóng lánh chiều theo
Dường mơ mộng quấn quýt vào chân đê
Mái chèo vỗ lòng mê hay tỉnh
Dứt không ra ám ảnh hồn ma
Hồn ma ai gửi vào ta
Khói tuôn con triện nên hòa lệ châu
Sông kéo mãi, đêm sâu thăm thẳm
Ngàn sao như áo gấm rung rinh
Tóc dài, da trắng xinh xinh
Mùa xuân thần dược, bệnh lành hơn xưa!
Theo điệu "Thiên thu tuế"
Từ xưa những khi loạn lạc, người ta thường bảo là lúc trời say. Trời mà không say, đã có người say thay. Thực ra thì trời không bao giờ tự say được, mà làm nên chuyện say đó, chính bởi người vậy. Thôi thì biết bao xiềng gông trói buộc, vàng ngọc bấu víu vào thân, trước mắt bao cảnh lạc thú hấp dẫn, mấy ai giữ được sự "thanh tâm quả dục" thấy rõ lối mê?
° ° °
Hãy nói chuyện Tùy Dượng Đế sống giữa đám khuynh quốc khuynh thành như vậy, thói dâm đãng lúc nào cũng như nước triều vỗ sóng, chẳng luận hoàng hôn bạch nhật, lúc nào cũng như con ong, điên loạn hết hoa này sang bông khác, ngày ngày như con bướm, nhởn nhơ hết khóm vàng sang bụi tía. Bọn cung nữ thấy Dượng Đế như vậy, nên cũng tìm đủ mọi cách để hấp dẫn, lôi kéo, cầu lấy cuộc vui một khắc vậy.
Một hôm, Dượng Đế dang trong viện Thanh Tu, cùng với Tần phu nhân lặng lẽ uống mấy chén rượu, nhân tiết trời ấm áp, hai người dắt tay nhau ra khỏi cửa viện, men theo đê dài, nhìn theo dòng nước. Đây vốn chỉ là một con ngòi nhỏ, nước chảy lặng lẽ qua vườn, thấy trên mặt ngòi, mấy cánh hoa dập dờn theo mặt nước trôi xuôi, Dượng Đế chỉ tay ra, xuýt xoa.
- Đẹp làm sao! Thú làm sao?
Chầm chậm, những cánh hoa đào theo dòng nước ra khỏi vườn ngự. Từ phía trên, lại một đám hồ ma 1 trôi xuống, Tần phu nhân trông thấy ngạc nhiên:
- Cái này ở đâu ra?
Dượng Đế cười đáp:
- Chính là do phu nhân hái về, chứ còn ở đâu nữa!
Tần phu nhân thưa:
- Thực là thiếp không biết.
Vội gọi cung nhân mang sào lại, kéo vào bờ xem thì chẳng những hồ ma, mà còn cả cánh hoa đào nữa, nhiều cánh vẫn còn tươi, Dượng Đế sực nghĩ:
- Như thế lại càng lạ lùng.
Tần phu nhân thưa:
- Hay là ngòi nước này được nối với nguồn suối tiên nào chăng, thưa chúa thượng?
Dượng Đế đáp:
- Con ngòi này trẫm mới đào, nước thông với hồ Thái Dịch ở Tây Kinh, thế thì chẳng có nguồn suối tiên nào cả đâu.
Tần phu nhân hỏi:
- Nếu chúa thượng nói như thế, sao lại vẫn có hoa đào trôi về đây được ?
Hai người cùng nhau nhìn đi nhìn lại, vẫn chẳng hiểu nguyên do. Tần phu nhân tiếp:
- Thiếp cùng bệ hạ tìm một thuyền nhỏ, men theo con ngòi này mà ngược lên, thì nhất định sẽ tìm ra nguồn cơn ngay mà thôi!
Dượng Đế đáp:
- Phu nhân nói có lý lắm!
Rồi cùng lên một chiếc thuyền rồng nhỏ, có cung nhân bơi chèo xuyên hoa, rẽ liễu mà đi, quanh co uốn éo theo con ngòi, thì thấy trên mặt nước, khi thì vài cánh, khi thì cả cái hoa đào, lặng lẽ trôi xuôi, qua một cầu đá nhỏ bên bờ là mấy cây liễu già, thấy một thiếu nữ, mặc áo màu tím, ngồi bên bờ nước. Vội ghé thuyền lại gần, thì ra Thỏa Nương ngồi dây bứt từng cánh hoa đào, thả trôi theo nước.
Chính là:
Trăng tròn cung nữ vẻ yêu kiều
Thông tuệ khen cho hiểu biết nhiều
Tiên động định lừa Lưu Nguyễn chắc
Theo dòng lấm tấm rắc đào hoa?
Dượng Đế thấy thế cười ha hả:
- Trẫm cứ băn khoăn mãi, thì ra cái con nhỏ này giở trò khôn khéo ở đây!
Thỏa Nương cười thưa:
- Nếu không có mấy cánh hoa đào này, thì chúa thượng đã đang vui thú ở đâu rồi, đâu có nghĩ tới theo thuyền ngược dòng mà đi tìm tiện thiếp?

Dượng Đế cười:
- Cái con bé dối trá này, còn đứng đó để làm mãi việc này sao, mau lên thuyền đi!
Thỏa Nương xuống thuyền, Tần phu nhân hỏi:
- Những chuyện khác chẳng hỏi làm gì. Nhưng hoa đào thì lấy ở đâu ra vậy?
Thỏa Nương cười đáp:
- Ngay từ tháng ba, thiếp hái trên cây, cho vào hộp sáp ong, cố giữ ãi đến nay vẫn tươi như mới hái xong.
Dượng Đế căn dặn:
- Giữ được hoa như thế này cũng là chuyện hiếm thấy. Nhưng khanh tuổi còn ít, lại chẳng đọc sách biết chữ gì cả, thì làm sao mà hiểu được những chuyện xưa vì hoa đào trôi theo dòng suối của Lưu Thần, Nguyễn Triệu, mà biết cả việc vứt hồ ma xuống ngòi như thế?
Thỏa Nương lại khẽ cười thưa:
- Thiếp phận con gái, làm sao mà được đọc nhiều sách cho dược, nhưng chuyện hoa đào này cũng đã từng đọc qua.
Tần phu nhân thưa với Dượng Đế:
- Thiếp theo "Hán thư", rồi "Tần thư", thấy có ít chuyện mưu mô, mánh khóe, chuyện nào cũng có thể nhặt ra. Nhưng đến thời Tần trở đi, với những "Tần sử" các loại, toàn là kẻ gian trá thì làm chủ thiên hạ, chẳng có thể thấy được điều gì hay điều gì tốt. Ngay như chuyện hoa đào này cũng chỉ là chuyện ảo tưởng khó tin.
Dượng Đế cười đáp:
- Cũng có chuyện như vậy sao? Trẫm xem "Thủy Hoàng bản kỷ", thấy ông ta tuần du khắp thiên hạ, phong thần cho núi Thái Sơn oai danh lừng lẫy một thời. Chẳng cần phải nói những việc khác, chỉ riêng một dãy Vạn lý trường thành, tới nay đã bảy tám trăm năm rồi, mà bọn giặc Hồ vẫn không thể ngang nhiên kéo vào Trung Nguyên, cũng là do công bảo vệ của thành này vậy.
Tần phu nhân thưa:
- Từ nhà Tần tới nay đã bảy tám trăm năm, trường thành cũng đã nhiều đoạn hư hoại, nếu không tu sửa kịp thời, sợ để họa cho đời sau.
Dượng Đế đáp:
- Thì rõ ràng là thế rồi. Đời trẫm đây không làm, thì còn ai làm vào đó nữa, chẳng chóng thì chầy, trẫm sẽ sai người làm việc này. "Tần sử" còn có chỗ nói về việc Thủy Hoàng xây A Phòng cung nữa, cũng là một đoạn rất thú, có thể xem là một việc làm của bậc chúa hào kiệt một thời. Quyển sách này hiện đang để ở Cảnh Minh. Chúng ta hãy tới đó lấy xem.
Đi qua đê Long Lân, xuôi về phía nam một đoạn là viện Cảnh Minh. Dượng Đế, Tần phu nhân cùng Thỏa Nương đều lên bờ, đến cửa viện, thấy xe loan dừng bên ngoài, thì ra Tiêu Hậu thấy tiết trời ấm ấp, biết rõ viện Cảnh Minh rộng rãi, thoáng mát, liền đem theo Viên Tử Yên đến đó át mẻ, hiện đang đánh cờ với chủ nhân Lương phu nhân, Dượng Đế vội vàng đi vào, không cho cung nữ báo trước, Tần phu nhân cũng lặng lẽ theo sau, thấy sau rèm, tiếng quân cờ gõ lách cách. Vào đến sân, Tử Yên đứng sau rèm nhìn thấy, vội thưa:
- Hoàng hậu? Chúa thượng tới!
Tiêu Hậu vội cùng Lương phu nhân đứng dậy cùng với Tử Yên ra đón. Dượng Đế cười:
- Hoàng hậu sao không cho trẫm biết, riêng mình tới đây thế này?
Tiêu Hậu thưa:
- Bệ hạ không thấy chiêu chí 2 của thiếp sao?
Tần phu nhân vội hỏi:
- Hoàng hậu, chiêu chí viết gì thế?
Tiêu Hậu nói:
- Thiếp thấy tối qua bệ hạ không vào cung, nên viết chiêu chí, sai cung nữ đi khắp các viện, tìm gặp bệ hạ.
Dượng Đế hỏi:
- Hoàng hậu viết những gì trên chiêu chí vậy?
Tiêu Hậu thưa:
- Thiếp chỉ viết rằng: Hoàng hậu không cẩn thận, đánh mất một thiên tử rất phong lưu, trên người không có một vật gì khác. Nếu ai bắt được, xin thưởng năm trăm lạng bạc. Kẻ báo tin sẽ thường năm mươi lạng.
Dượng Đế cười ha hả:
- Trẫm mà không đáng được một nghìn lạng, chỉ có năm trăm lạng thôi sao?
Mọi người cả cười. Dượng Đế ngồi chính giữa, xem kỹ bàn cờ rồi hỏi:
- Các khanh ai thua ai được rồi?
Lương phu nhân thưa:
- Chưa được ván nào cả. Đang đánh dở ván đầu thì bệ hạ tới.
Dượng Đế lại tiếp:
- Quân bên trắng có lẽ thua. Hoàng hậu cứ nhìn kỹ phía góc trái, điểm nhãn một con của bên trắng, thì nhất định bên trắng sẽ chết thôi!
Tiêu Hậu cười:
- Điểm nhãn là tài của bệ hạ, chỉ sợ bệ hạ không chịu làm, mà dù có làm thì chưa chắc đã thắng được người vậy.
Chính lúc đang cười cười nói nói, thì thấy bên ngoài có tiếng đàn tiếng sáo ở đâu vẳng tới. Tử Yên lên tiếng hỏi:
- Tiếng sáo ở đâu không biết?
Dượng Đế nghiêng tai nghe, một trận gió lật màn, đưa mùi thơm hoa sen phảng phất khắp viện. Tiêu Hậu hỏi:
- Ở đâu mà lại có hương sen thế này?
Dượng Đế vội vén rèm lên, cùng Tiêu Hậu bước ra ngoài, thì thấy hai ba chục chiếc thuyền nhỏ, chở đầy hoa sen, lô nhô trên thuyền các cung nữ ngồi xen kẽ đang hát điệu "Thái liên khúc". Nhã

Nương, Quý Nhi, người thổi sáo, người hát họa theo. Các cung phi mới vừa từ Bắc Hải về, thấy trời gần chiều gió thổi nhẹ, nên rủ nhau dong thuyền hái sen, Dượng Đế liền vui mừng khen:
- Bọn cung nữ này, thật là vui vẻ đáng yêu!
Tiêu Hậu thưa:
- Đều nhờ công giáo dưỡng của chúa thượng?
Dượng Đế đáp:
- Đó chính vì hoàng hậu nhu mì không biết ghen!
Các thuyền con nhận ra Dượng Đế trên thềm viện Cảnh Minh, đều chưa chịu rẽ vào ngồi vội, tranh nhau ghé vào bờ, vẫy hoa vẫy khăn, đi lại trên bờ hồ, muôn tía ngàn hồng, có người bị nước tung ướt đẫm. Dượng Đế cùng Tiêu Hậu hớn hở vẫy đáp. Lương phu nhân sai bày tiệc rượu ngay bên thềm, mời Dượng Đế cùng Tiêu Hậu ngồi, Tần phu nhân, Lương phu nhân cùng Viên Quý Nhi đứng hầu bên. Dượng Đế cho gọi tất cả mỹ nhân, cung nữ lên điện, trải ra mười chiếc chiếu rộng trên thềm, bày những bàn nhỏ thấp chính giữa, trên la liệt những quả phẩm, các mỹ nhân ngồi vây xung quanh, thưởng mỗi người ba chén rượu, rồi sau đó cùng nhau hát múa đàn sáo.
Dượng Đế thấy cả viện gió hòa mát mẻ, chẳng hề có một chút nóng nực của mùa hè, nhìn mặt Tiêu Hậu cùng các phi tần cung nữ, ai nấy đều vui vẻ, mặt hoa da phấn chói ngời, nói cười hớn hở, nên lòng thư thái, uống tràn hết chén này đến chén khác, chẳng mấy lúc đã say khướt, bèn đứng dậy dắt Tiêu Hậu, vào phòng Bích Sa nghỉ ngơi. Ai nấy cũng đứng dậy, tản khắp các phía.
Ngủ được một giấc dài, Tiêu Hậu trở dậy, thấy Dượng Đế vẫn còn mê mệt, lặng lẽ ngồi dậy, cùng với Lương phu nhân, Viên Quý Nhi, rửa ráy, trang điểm. Đến khoảng giờ thìn 3, thì thấy trong phòng Bích Sa, Dượng Đế đập chân đập tay vật vã thình thình, Tiêu Hậu cùng Lương phu nhân, Viên Quý Nhi vội chạy vào, thấy Dượng Đế vẫn như ngủ, như hôn mê bất tỉnh, hai tay ôm chặt lấy đầu, miệng không ngừng hét lớn:
- Đánh chết ta mất, đánh chết ta mất thôi!
Tiêu Hậu vội vàng, truyền chỉ ý, tuyên triệu ngay Thái y viện Sào Nguyên Phương vào Tây Uyển chẩn mạch, dùng thang an thần, chỉ thống. Tiêu Hậu thân đi sắc thuốc, nhẹ nhàng, cẩn thận bưng lên dâng Dượng Đế uống. Lúc này Dượng Đế vẫn chưa tỉnh, các viện biết tin, vội vàng chạy đến viện Cảnh Minh thăm hỏi. Ai nấy xúm lại trước long sàng, một đêm qua đi, mà Dượng Đế vẫn chưa khỏi cơn mê .
Chu Quý Nhi thấy vậy, ăn uống cũng không, ngồi ngay cạnh phòng Bích Sa khóc lóc không lúc nào nguôi. Hàn Tuấn Nga nói với Quý Nhi:
- Cái con bé chua ngoa này, bệnh tình chúa thượng thế này, mày có muốn chết thay cũng chẳng xong, sao mà lại ra đến nỗi này?
Quý Nhi chùi nước mắt đáp:
- Xin các chị hãy bình tâm mà nghe tôi thưa: Đại phàm làm thân đàn bà con gái, đã là một sự không may rồi, nay lại bỏ cha mẹ, bỏ cả họ hàng thân thích, để được vào đây, những tưởng hồng nhan bạc phận, chẳng khác gì cỏ mục, vùi chết ở nơi ngòi rãnh. Ai ngờ gặp được chúa thượng nhân đức, khiến chúng ta ngày ngày được thấy thiên nhan ca hát vui vẻ suốt sáng chiều. Đừng kể rằng chúng ta đều là bậc quốc sắc có một không hai cả, cứ việc uốn éo cho đẹp, là được sủng ái. Hãy cứ nghĩ nếu gặp một vị hoàng đế hung bạo, chẳng phải chỉ chuyện khinh rẻ, lăng nhục, cũng là chuyện chết già ở lãnh cung. Biết thương hoa tiếc ngọc, mấy ai được như chúa thượng ta đây tình sâu nghĩa dày, ai ai cũng có chỗ yên ổn vui vẻ. Sở dĩ có chuyện Hầu phu nhân giận phận mà quyên sinh, Vương Nghĩa cảm ơn vua mà quên cả thân mình, chính là vì chúa thượng đã làm được lòng người cảm ơn nhớ nghĩa. Không ngờ nay chúa thượng mắc bệnh này, xem ra mười phần trầm trọng, nói chẳng may qua đời, chúng ta sẽ ra sao. Nếu không làm đầy tớ ột kẻ chết vợ, thì cũng đến làm kẻ tay chân ột mụ già ngang ngược mà thôi, chứ hơn gì nữa?
Mọi chuyện sẽ ra sao, mọi người sẽ ra sao, mình sẽ ra sao, nói đến chuyện thương tâm này, các cung nữ đều thổn thức, giọt ngắn giọt dài. Viên Bảo Nhi nói:
- Em tưởng người ta sinh ra trên đời này, trước vì hai đấng sinh thành mà quên thân mình, chúng ta thế này coi như là xong. Nhưng ơn của quân vương thì khó mà quên được. Chi bằng đêm nay ta hãy làm lễ tế cáo thần linh, tình nguyện giảm tuổi thọ của mỗi chúng ta mười năm, rồi mỗi người đốt một nén tâm hương, may ra có động được lòng trời, chuyển hung thành cát, để vạn tuế khỏi bệnh. Cũng không uổng tấm lòng của vạn tuế lâu nay thương yêu chị em chúng ta vậy.
Các mỹ nhân nghe Bảo Nhi nói thế, đều nhất tề tán thành:
- Cái con bé nhà họ Viên này nói hay lắm!
Rồi kéo nhau vào sân, bày biện hương án.
Quý Nhi trong lòng nghĩ: "Chúng ta đều là lòng thành mà cầu lễ. Nhưng làm sao mà cảm được lòng trời, đợi trời hiển ứng. Ta là phận gái, nhớ ngày trước có truyện người xẻo thịt ở cánh tay để phụng dưỡng cha mẹ, mong cha mẹ được dài lâu tuổi trời. Thân ta nay đã thuộc thánh thượng, dẫu có chết cũng chẳng tiếc gì, nói gì đến một miếng thịt nhỏ." Nghĩ như thế rồi, liền giấu sẵn một con dao trong ống tay áo, đi ra sân. Lúc này, Tuấn Nga, Liễu Nương, Thỏa Nương, Nhã Nương cùng với Bảo Nhi, Quý Nhi quỳ lạy trước bàn thờ, ai nấy tự xưng tên tuổi, sau kể rõ ngọn nguồn, nguyện xin an khang cho thánh thượng, bớt tuổi đời của mỗi người. Lễ nguyện xong, đứng lên, định dọn dẹp án thư, lễ vật, thì thấy Quý Nhi hai mắt đầm đìa, kéo ống tay áo lên, lộ rõ bắp tay trắng muốt như ngọc bạch, tay phải cầm dao, cắt một miếng thịt ở bắp tay trái, miếng thịt lìa hẳn ra, máu tươi lênh láng, đặt ngay vào một chiếc đĩa bạc. Mọi người hoảng hốt. Nhã Nương dốc vội một cái lọ nhỏ, đổ ra một thứ bột phấn bên trong, rắc lên vết thương rồi dùng lụa buộc chặt lại.
Chính là:
Trai mày râu vô ích
Gái son phấn hữu tình
Ngày nay cắt thịt quên mình
Ngày sau tuẫn quốc sử xanh chử đề.
Quý Nhi lấy miếng thịt gói kỹ lại, giấu trong người, đi vào trong viện, gặp lúc Tiêu Hậu sắc nước thuốc thứ hai. Quý Nhi làm đỡ Tiêu Hậu, lén bỏ miếng thịt vào siêu, cứ thế đun mãi kỳ được, rót ra bưng vào Tiêu Hậu đỡ lấy cho Dượng Đế uống. Chẳng bao lâu, Dượng Đế dần dần tỉnh lại, đã nhận ra Tiêu Hậu cùng phu nhân, mỹ nhân, cất tiếng:
- Trẫm thật khổ vô cùng! Nghĩ như chẳng còn được gặp lại hoàng hậu cùng mọi người nữa?
Tiêu Hậu hỏi:
- Bệ hạ uống nhiều rượu rồi đi ngủ, tại sao lại kêu đau như vậy?
Dượng Đế đáp:
- Trẫm uống say, ngủ mê mệt, mơ thấy một võ sĩ tướng mạo rất dữ tợn, cầm một cái côn lớn, chẳng kể gì, cứ nhằm giữa trán trẫm mà đánh, đánh đến nỗi trẫm mê man không biết gì nữa, đầu như muốn vỡ toác đau không thể chịu nổi.
Tiêu Hậu cùng các phu nhân an ủi một hồi. Bá quan văn võ sau đó nghe tin, người người đều vào Tây Uyển vấn an, ai nấy đều biết chuyện trong mộng bị đánh vào đầu của Dượng Đế.
Lúc này Địch Khứ Tà cũng đã tới Đông Kinh, nghe chuyện bệnh tình của Dượng Đế, trong lòng xiết đổi bàng hoàng, càng tin vào chuyện ma quỷ, thần tiên, càng thấy chán ngán cõi trần ô trọc, quyết vào dãy Chung Nam, tìm tiên học đạo.
Chính là:
Quỷ thần dạy rất tinh thâm
Rõ ràng danh lợi là mầm oan khiên.
° ° °
Lại nói chuyện Ngu Thế Cơ, nhân hai tháng trước, Dượng Đế thấy trong Tây Uyển, ngự đạo vừa chật hẹp vừa gồ ghề, lệnh cho Thế Cơ tu bổ. Thế Cơ lĩnh mệnh, mới trên một tháng, ngự đạo đã được mở rộng, bằng phẳng, lại còn xây thêm một tòa Trú Tất đình, một cầu Nghênh Tiên, các đồ nghi vệ, nghi trượng đều được sắm mới, hoặc tu bổ lại, chờ khỏi bệnh là tâu Dượng Đế ngự lãm. Mấy ngày sau, bệnh vừa khỏi, Dượng Đế ngồi yến tiệc với Tiêu Hậu, nghe nói ngự đạo đã sửa sang xong, nghi trượng cũng chỉnh tề, Dượng Đế liền ngự đại điện, nhận lời mừng của trăm quan, lệnh vời các quan vào ban yến tiệc ở Tây Uyển.
Dượng Đế lên xe rồng bát bảo, tiền hô hậu ủng, nghi trượng lấp lánh, trăm quan cưỡi ngựa theo sau, thật đúng là hoa khoe sắc thắm, liễu phất phơ cờ chào đón. Dượng Đế truyền chỉ, ban ngự yến dưới thuyền. Dượng Đế bước lên thuyền rồng, trăm quan lên thuyền phượng. Trước tiên là ra Bắc Hải dạo một vòng, sau đó chơi Ngũ Hồ. Dượng Đế uống kỳ say, rồi lệnh cho các quan văn làm thơ để ghi lại cuộc hội họp quân thần vui vẻ. Các quan như Hàn lâm viện đại học sĩ Ngu Thế Cơ, Tư lệ đại nhân phu Tiết Đao Hành, Quang Lộc đại phu Ngưu Hoàng, đều có bài thơ hoặc từ dâng lên, Dượng Đế xem qua, khen ngợi rồi ban ỗi người ba chén rượu tự mình uống chúc mừng một chén lớn, rồi phán:
- Chư khanh đều có giai tác, chẳng lẽ trẫm lại không có bài nào chăng?
Bèn viết ngay tám bài từ "Vịnh Giang Nam", vịnh tám cảnh đẹp trên hồ.
Trăng trên hồ:
Trăng trên hồ sáng, sáng nhà tiên
Đệm gối màn chăn rực ánh lên

Từng lũ rắn vàng bơi lấp lánh
Bè thần trên sóng nổi lênh đênh
Mây xa màu sắc lung linh
Sương che vầng nhỏ, gió cành quế rung
Chén mời tình ý não nùng...
Liễu trên hồ:
Liễu trên hồ nên khói cuốn quanh
Mầm nhú trông ra bỗng giật mình
Trận gió lẳng lơ đùa lá biếc
Làn mưa lất phất tắm bao cành
Rợp cầu bóng rũ mành mành
Chiều xuân khiến khách bộ hành ngẩn ngơ
Tuyết đâu nhè nhẹ bay tơ. . .
Tuyết trên hồ:
Tuyết trên hồ sợ gió tây lùa
Từng cảnh chen vào ngõ trúc thưa
Trắng muốt hoa rơi đè sóng biếc
Muôn vàn ngọc trắng liễu đung đưa
Đất trời một sắc xa mờ
Vườn ai chiều bỗng lững lờ sênh ca
Hơi men ngấm đã ngà ngà...
Cỏ trên hồ:
Cỏ trên hồ mượt bến xa xa
Chẳng vướng chân nàng mãi múa ca
Êm ái ngả lưng hơn đệm gấm
Thẫn thờ nàng đợi khách đường xa
Tình chàng ý thiếp la đà
Xa xôi giữ chặt tình ta ngại ngần
Đề thơ lòng những phân vân...
Hoa trên hồ:
Hoa trên hồ đã rộn đâm bông
Đỏ rực bên trời át ráng hồng
Muôn cánh mưa nhuần phơi vẻ ngọc
Nhị tươi nắng ấm ngậm oai rồng
Thẫn thờ ngồi tựa bên song
Xuân lành lạnh, tóc cài vòng hoa xuân
Yêu hoa sao lại tần ngần...
Thiếu nữ trên hồ:
Thiếu nữ trên hồ dáng thanh thanh
Thuyền lướt bên sen cất giọng tình
Đàn địch đêm ngày ai đó nhỉ
Chiều sương cửa vắng nhẹ buông mành
Trò chơi: đấu cỏ, đạp thanh
Xuân thiên, xuân cảnh, xuân tình bấy nhiêu
Dưới hiên lẳng lặng trông theo...
Rượu trên hồ:
Rượu trên hồ trợ hứng truy hoan
Đàn phách du dương khéo ngự làn
Trên chén quỳnh tương dừng nghịu nhắp
Tay tiên dìu dắt mắt ưa nhìn
Cảnh hồ chân giả lạ quen
Gom thu trời đất vào miền làng say
Đế vương thanh nhã là đây...
Nước trên hồ:
Nước trên hồ chảy lượn vườn tiên

Say bóng chiều thu cây cỏ chen
Hương thoảng theo dòng, dòng gợn sóng
Bèo trôi theo gió, cá vờn sen
Nhịp nhàng vung mái chèo lan
Bóng chìm, bóng nổi cùng sang non Bồng
Nước non, non nước trập trùng...
Dượng Đế làm xong, quần thần ca ngợi một hồi, mọi người lần lượt chúc mừng, Dượng Đế cùng trăm quan lại say một phen nữa, rồi mới bỏ thuyền lên cạn. Quân thần tạ ơn, lại quay ra về theo lối hoa dương liễu. Dượng Đế lên xe rồng về cung. Tiêu Hậu đón vào, hỏi:
- Hôm nay bệ hạ ban yến tiệc cho bách quan, có vui không?
Dượng Đế đáp:
- Hôm nay yến tiệc vui vẻ lắm!
Rồi đem thơ của quần thần dâng, cùng những bài từ của mình vừa làm cho Tiêu Hậu xem. Tiêu Hậu bàn:
- Đêm nay trăng thu đang dịp sáng, thật nên nghĩ chuyện mua vui đúng hơn cả là nên lên thuyền xem trăng nước đua tài, nếu không cũng nên tìm hoa hỏi liễu để khỏi phụ lòng trời đất.
Dượng Đế đáp:
- Hiện nay ngự đạo đã mở rộng, lại mới làm thêm Trú Tất đình, cầu Nghênh Tiên, qua khỏi cầu là hiên Xướng Tình dạo nọ, những cảnh đó mà xem trong dịp này cũng thú vị đấy !
Tiêu Hậu đáp:
- Nếu như vậy, ngày mai thiếp xin theo hầu chúa thượng, đi xem một lượt.
Dượng Đế nói:
- Nếu Tiêu Hậu cùng đi, thì không thể quá sơ sài. Ngày mai chờ lúc trăng thanh gió mát, nên làm một cuộc du ngoạn đêm trăng, thì tha hồ mà thích chí.
Tiêu Hậu bàn:
- Nếu đã làm thế, thì các cung nữ phi tần, ai chưa được sang Tây Uyển, đều cho sang du ngoạn một phen.
Dượng Đế đáp:
- Như thế cũng được. Ngày mai triệu Ngự lâm quân, đem ngựa tới đây ọi người vừa cưỡi ngựa vừa đàn hát, trẫm cùng hoàng hậu đi trên đường ngắm trăng.
Tiêu Hậu mừng rỡ:
- Như thế thì hay lắm!
Dượng Đế tiếp:
- Trên ngựa mà ca hát thì rất tuyệt rồi. Nhưng phải có những bài thơ mới, phổ vào sênh phách, đàn sáo, mới khỏi phụ cảnh tình.
Tiêu Hậu lại bàn:
- Bệ hạ vẫn nổi tiếng tài hoa, sao không ngự chế vài chương, để thiếp cho cung nữ tập suốt đêm nay, kịp tối mai cho thêm đẹp cuộc du ngoạn.
Dượng Đế bằng lòng:
- Hoàng hậu nói phải đấy. Chờ trẫm soạn vài đoạn vậy.
Thế là vừa uống rượu, vừa vẩy bút một lúc, Dượng Đế đã viết xong bài
"Thanh dạ du khúc":
Hơi thu trùm khắp Lạc Dương
Một trời mây nước mơ màng liền nhau
Ngân Hà một dãy làu làu
Giữa ngàn cây bỗng trên đầu thấy trăng
Rãi vàng cung điện từng từng
Đêm dài phẳng lặng, bụi trần sạch tinh
Xe loan tuấn mã rập rình
Vườn tiên Vương mẫu du hành vui sao!
Mép đường hoa cỏ đón chào
Tiếng tơ tiếng trúc ngọt ngào gần xa
Thử hỏi năm, thử hỏi ba
Mâý ai biết hết cao xa rộng dài
Triều Tùy sử phép muôn đời
Hậu, phi, cung nữ sắc tài mười phân
Phong lan thiên tử nghìn lần...
Dượng Đế làm xong, đưa Tiêu Hậu xem, Tiêu Hậu đọc một lần, vội khen:
- Bệ hạ thật hào hoa phong nhã, ngọc rải châu phun, các bậc đế vương từ xưa tới nay, thật không ai bì kịp!
Rồi gọi những cung nữ giỏi đàn hát, phải tập suốt đêm cho thuộc, kịp tới ngày mai sang chơi Tây Uyển. Dượng Đế lại sai nội giám, truyền cho Chu Quý Nhi ở viện Nghênh Huy, cũng phải tập cho các mỹ nhân hát. Cắt đặt xong xuôi, mới cùng Tiêu Hậu đi nghỉ.
Chính là:
Vua hư chỉ thích vui
Vợ hư chỉ thích chơi
Dân dân nước nước tơi bời
Tiệc tùng ca hát đến đời nào thôi?


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.