Phế Đô

Chương 94: Lời cuối sách




(Giả Bình Ao)

Thấm thoát, tôi ở thành phố đã hai mươi năm, nhưng vẫn chưa viết một cuốn truyện nào về thành phố. Càng áy náy, tôi càng không dám viết lấy được, thậm chí ngay đến truyện Thương Châu cũng lười viết. Theo hiểu biết của tôi năm bốn mươi tuổi, văn chương là chuyện thiên cổ…văn chương đâu phải là việc ai muốn viết thế nào thì viết…Nó là một câu chuyện, thuộc trời đất đã có từ lâu, chỉ có điều mình có duyên số được hay không. Chưa vội lấy chuyện nước ngoài làm ví dụ, hãy nói tới "Tây Sương Ký", "Hồng Lâu Mộng", cái đạt khi đọc nói đâu có cảm thấy nó là sự bịa đặt của nhà văn? Lơ mơ như đã trải qua, như trong cõi mộng. Văn chương hay, hoàn chỉnh như một dãy núi, núi không cần phải đẽo gọt cũng chẳng phải khéo léo trồng ở chỗ này một cây bạch hoa, đặt ở chỗ kia một khóm phong lan. Sự hiểu biết này khiến tôi lâm vào cảnh khó xử, tôi coi thường tác phẩm trước kia của mình, tôi cũng mất hết sự kính nể đối với nhiều tác phẩm trên đời, tuy tôi biết rõ loại văn chương này xét cho cùng cũng do con người cầm bút viết ra, nhưng tại sao dưới gầm trời có loại văn chương này, mà tôi lại không thể viết được? Kiểm điểm lại thì trước đây mình ngưỡng mộ nào là văn chương rực rỡ, tình cảm dạt dào, phong cách độc đáo, thật ra lại chính là cản trở sự phát triển của nhân tài. Ma quỷ hung ác, thượng đế cứ im đi. Kỳ tài là tuyết mùa đông sấm chớp mùa hè, đại tài là bốn mùa chuyển đổi. Tôi đã là người bốn mươi tuổi, đến cái tuổi một ngày không cạo mặt là khuôn mặt hoàn toàn khác lạ, không thể nói đầu óc chưa chín chắn nhuần nhuyễn, dòng văn không trôi chảy, cho dù hòn đá thì hòn đá cũng phải mọc một lớp rêu. Tôi đã bỏ đi dịp quan sát phát tài ăn uống chơi bời cờ bạc mà một người thường được hưởng, vậy thì gãi để hói cả tóc, hao tổn cả thân thể vẫn chưa ra áng văn hay quả thật tôi không có duyên số hay sao?

Tôi thấy buồn sâu sắc cho mình. Nỗi buồn này lại không có ai để nói. Cho nên, bước ra khỏi cửa thường có người sau khi biết tôi là ai muốn nói cung kính thì mặt tôi nóng như hòn than. Khi ra hiệu sách hễ nhìn thấy sách của mình ở đó là vội tránh xa. Tôi càng như thế, người ta càng bảo tôi khiêm tốn. Tôi khiêm tốn cái nỗi gì? Quả thật cảm thân mình chơi trò hư danh, mà hư danh này khiến tôi khổ sở khó nói.

Làm một người trong đời sống hiện thực, có tư tưởng này, tôi biết là một dấu hiệu chẳng lành. Sự thực cũng đúng như vậy. Trong những năm này, tai nạn cứ theo nhau ập đến, đầu tiên tôi bị viêm gan B. dai dẳng sống hơn một năm trong bệnh viện như nhà giam trá hình, tập trung các mũi tiêm lại, thì có thể nói đã trải qua một vạn mũi tên đâm vào người, uống thuốc nam hết gói to đến gói nhỏ, số cây thuốc này đủ nuôi sống một con trâu. Sau đó mẹ nhiễm bệnh phải mổ, sau nữa bố mắc bệnh ung thư qua đời, rồi em rể bị chết, cô em gái đáng thương dắt con nhỏ về nhà mẹ đẻ, tiếp theo là vụ kiện cuốn níu bản thân kéo dài lê thê. Tiếp theo nữa là vì người khác mà bị cuốn vào chuyện lôi thôi rắc rối của đơn vị, chịu mọi nỗi oan nhục cho đến khi lại rơi vào một cảnh khốn quẫn đáng sợ hơn, lời đơm đặt tới tấp dội xuống đầu. Tôi không có con trai sau khi bố mất, tôi đã từng nói, tôi trước không có người xưa, sau không có kẻ nối dõi. Bây giờ kẻ nên đi thì chưa đi, người không nên đi thì đã đi cả, mọi thứ đóng dựng trong mấy chục năm phấn đấu đã đổ vỡ liểng xiểng cả, chỉ còn lại cái thân tôi bị nhiễm siêu vi trùng cả phần xác lẫn phần hồn và ba chữ họ tên mà họ tên thì lại thường bị người ta réo người ta viết, người ta dùng và người ta chửi.

Giữa lúc ấy tôi bắt đầu viết quyển sách này.

Phải biết thành phố ấy trong quyển sách này song trong cái thành phố ấy lại không có một cái bàn để tôi viết quyển sách này.

Trong thời tiết oi bức nhất của năm 1992, nhờ có mối quan hệ với người bạn là An Lê, tôi đã trốn khỏi thành phố đến huyện Diệu. Huyện Diệu là quê hương của vua thuốc Tôn Tư Mạc. Tôi rất vui nhìn thấy một bức tượng màu "toạ hổ châm long". Trong hang vua thuốc trên núi, vua thuốc nguyên ý đi tượng màu kể lại ngày xưa vua thuốc đã từng cứu chữa khỏi bệnh cho một con rồng bị ốm. Tôi liền nhận định bệnh của tôi sắp khỏi bởi vì tôi cầm tinh con rồng. Sau đó tôi cùng với anh Cảnh viết kịch được bố trí ở trạm quản lý đập nước. Đây là nơi rất tốt lành. Khỏi cần nói tôi mệnh thuỷ, xưa nay thì lại liên quan đến văn học, mà con mương đó gọi đông Cẩm Dương rất huy hoàng sán lạn. Dập nữ tên địa phương gọi là Dốc Đào Khúc. Khúc có hai nghĩa văn chương. Những điều tôi viết lại phần lớn chuyện đàn bà, thì điều này sẽ càng hay. Ở đó thôn xóm, hiếm gà vắng chói cây xanh rợp bóng, hoa nở giăng giăng, mười mấy nhân viên quản lý đối xử với chúng tôi lại tôn kính mà không thể gần, quả thật là nơi yên tĩnh hiếm có. Trong suốt một tháng không có đài để nghe, không có báo để xem, không có mạt chược, chẳng có tú lơ khơ, mỗi buổi sáng sớm ra rừng cây, tương ra một luồng nước giải vàng óng, xuyên qua thân cây, nhìn thấy sương sớm bay lên trên mặt đập nước xa xa, cho tới khi sóng nước trong vắt óng a óng ánh màu đồng màu bạc, sau đó trở về đánh răng rửa mặt, xuống nhà bếp xách nước sôi và khua đũa bát đi ăn cơm, mùa hè ruồi nhiều vô kể, cơm vừa xới vào bát, ruồi cũng đã bám ở rìa, sau đó nghe nói đấy là một loại ruồi cơm từ đó cứ mặc kệ nó, ăn xong bữa cơm đầu tiên, anh nào anh nấy về phòng mình ngồi viết, quy ước với nhau không ai được quấy rầy ai, thế là cứ ngồi lì cho đến bốn giờ chiều, ngoài đi đại tiểu tiện, không bao giờ ra khỏi cửa. Khi tôi ngồi viết thích đóng cửa chính cửa sổ, rèm cửa sổ cũng phải kéo kín mít, nếu là một cái hang ngầm thì càng tốt. Thuốc hút liền tù tì, hết điếu này đến điếu khác. Mỗi khi anh Cảnh ở ngoài gọi đi ăn cơm, đẩy cửa gọi thẳng vào, khói trùm cả người anh! Lại ăn xong bữa cơm thứ hai, nên thư giãn một lúc trong ngày, kéo lê đôi dép ra đập nước bơi lội. Mặt trời lúc sáu giờ còn rát rát, chung quanh không một bóng người, tuy dũng cảm cởi trần truồng như nhộng, song chỉ biết kiểu chó bơi, chỉ có thể chân đập loạn xạ ở chỗ nước nông, đập tới mức bùn tanh đùn cả lên. Trong đám cỏ rậm trên bờ có tiếng đùa khà khà, thì ra đã có người ở đó từ bao giờ nhìn trộm. Bọn họ bảo, hơn mươi năm nay, năm nào cũng có ba người chết đuối, năm nay mới chết một người vẫn còn hai chỉ tiêu. Chúng tôi liền sởn tóc gáy, hối hả bò lên bờ mặc quần áo chuồn vội. Không bao giờ còn dám nghịch nước nữa, thời gian sau khi ăn cơm liền vác chiếc sào tre dài lê thê đi đập táo chau vách đá. Khi quả táo chua đầu tiên chín đỏ, chúng tôi đã đập cho nó rơi xuống, những quả táo chua đo đỏ trái cây duy nhất mà chúng tôi được ăn. Sau đó xa lắm, giữ lại được rất nhiều, cứ chờ một cô gái ở đàng sau lưng núi đến ăn. Cô gái đó là bạn học của An Lê, xinh đẹp mà tính cách cũng cởi mở, được An Lê nhờ cô thường đến thăm chúng tôi, cho nào bút, nào mực nào thuốc viên, thỉnh thoảng còn đem đến cái bánh nướng. Đêm đến, đêm ở đây rất tối như mực, quả tình giơ tay ra không nhìn thấy năm ngón, chúng tôi đọc cho nhau nghe những chương đã viết, đọc mãi đọc mãi, chúng tôi thường đói bụng, nhưng chẳng có thứ gì ăn. Chúng tôi đã từng bày mưu đi ăn trộm bí đỏ và khoai tây của nông dân ở bản gần đó, nhưng cuối cùng sợ chó chẳng ai dám đi. Ở cạnh ngã ba trước trạm quản lý có một cây đào hạt mãi tít trên ngọn đào có một quả đào xanh. Tôi đến bảo anh Cảnh, anh Cảnh nói đã nhìn thấy từ lâu. Lúc hoàng hôn, chúng tôi ra đó ném đá cho rụng xuống, nhưng ném mãi không trúng, nghỉ một lúc, rồi nhặt một đống tướng ngói vỡ và gạch đá, ném cho bằng hết mà quả đào vần trơ trơ không di chuyển, ngược lại cổ mỏi cánh tay đau, đành phải vừa quay về vừa ngoái cổ nhìn lại. Đêm ấy đã mười một giờ khuya, anh Cảnh thèm ăn không chịu nổi, bảo có loại ấu trùng anh biết có thể rán mỡ ăn được, đồng thời vác mặt đi mượn nào bếp điện, nào xoong con, mỡ muối, cứ làm như chìa tya ra là bắt được, một bữa thơm ngon sắp sửa đến mồm. Anh dẫn chúng tôi vào rừng cây bật đèn pin soi hết cây này đến cây kia. Trên thân cây có xác ve sầu, song không thấy có một con sâu non nào. Vậy là vì kiếm ăn mà đi trong quá trình kiếm ăn, lại tìm được niềm vui khác. Mỗi buổi tối từ đó về sau, việc này đã trở thành công tác của chúng tôi. Không hiểu sao, vẫn không bắt được con ấu trùng nào song đã bắt được khá nhiều đom đóm. Đom đóm ở đây bay như sao, chỗ nào cũng lập là lập loè và nhễu lắm. Chúng tôi đi qua đường mòn trong rừng cây ngỡ mình đang ở sông Ngân.

Anh Cảnh có nước da trắng trẻo, tôi gọi anh là Đường Tăng, quả nhiên có một đêm một con rết chui vào chăn cắn anh. Việc này khiến bọn tôi ngay ngáy, trước khi đi ngủ, anh nào cũng kiểm tra bốn chung quanh tường nhà, giũ chăn nệm, không bao giờ còn thấy rết, song thiêu thân và muỗi dại tối nào cũng đổ dồn ở ngoài cửa sổ, bám từng đám đen xì, lấy thuốc khử muỗi ra xịt, xác chúng hót một mẹt. Chúng tôi nhận xét đó là điều xấu. Tôi bắt đầu mài một hòn đá nhặt được ở Hương sơn, đá này đặc biệt lắm, ở phía trên hình thành một chữ "đại" một cách tự nhiên, kết cấu thân đá lạ, giống thân hình Liễu Công Quyền. Tôi đục đẽo đá có chữ "đại" thành hình đầu người đeo ở cổ, cái bùa hộ mệnh của mình. Cái bùa ấy luôn đeo cho đến khi tôi viết xong quyển sách này. Anh Cảnh thì nhặt được ở rừng cây một xác khô của con rắn bảy tấc. Xác rắn này cong vênh đến là đẹp, anh treo lên tường vôi, trông y hệt một thiếu nữ xinh đẹp đang chăm chú nhìn. Ngày nào tôi cũng sang phòng anh xem người đẹp rắn một lần, đầu óc nghĩ quẩn. Nhưng anh tặng tôi, tôi không dám lấy.

Tôi vĩnh viễn không quên được địa danh: đập nước Dốc Đào Khúc, sông Cẩm Dương ở huyện Diệu. Ở đây tròn một tháng, người gầy rộc hẳn đi, song đã hoàn thành bản thảo ba mươi vạn chữ. Khi mới đến, ở trước cửa căn phòng nở một bông hoa đại lý đỏ rực, bây giờ nó đã khô héo. Tôi hái một cánh hoa kẹp vào bản thảo đi xuống núi. Lúc đến huyện Diệu, tôi ngồi ở cửa một quán phở thở một hơi rõ dài, bảo "Hãy ăn một bữa mì sợi thật đã" liền ăn liền hai bát ôtô, mồm còn thòm thèm mà bụng căng cứng không đứng dậy nổi.

Trở về Tây An, tôi nhận tham gia đợt hoạt động trỉên lãm sách nhân ngày lễ văn hoá nghệ thuật của thành phố cổ. Trong hội chợ có quầy sách dành riêng cho tôi, những bạn đọc cuồng nhiệt ôm từng chồng từng chồng sách đến xin tôi chữ ký, trật tự bị rối tung, dòng người xô đẩy, tôi bị vây chặt ở giữa, dường như bị chen nát vụn. Sau mấy tiếng đồng hồ, may có mười anh cảnh sát dùng gậy chỉ huy tạo thành một vòng tròn, hộ tống tôi chui vào một chiếc xe đậu ở cổng chính vội vã phóng đi. Nhớ lại chuyện ấy hết sức buồn cười. Sau đó có một bạn bảo tôi, khi anh đạp xe đi qua cổng chính hội chợ sách, đã vừa vặn nhìn thấy cảnh sát dong tôi ra, anh giật mình tưởng tôi phạm tội gì. Lúc đó quả tình tôi có tâm lý phạm tội. Tuy tôi không thể nói với các bạn mặt tôi không hề có nụ cười. Rời khỏi nơi ồn ào người ta xô đẩy, một mình trở về, ngồi cô độc trên ghế sa lông, tôi đã nghẹn ngào nước mắt. Ai cũng có nỗi khổ của mình, tôi còn khổ hơn người khác. Nói với ai được nhỉ? Ai sẽ hiểu cho mình? Quyển sách đã viết xong đâu, nhưng tôi không bao giờ có cảnh yên tĩnh như ở huyện Diệu. Lần đầu tiên hẹn người đi chơi mạt chược, lân đầu tiên không nhà, đêm ấy tôi thua lỉêng xiểng. Nhưng khi viết quyển sách này tôi có thể quên mạt chược, thì cũng quên luôn quyển sách này.

Tôi sống những ngày như người mất hồn, ban ngày sợ trời tối, trời tối rồi lại sợ trời sáng. Tôi cảm thấy như có quỷ tha ma bắt, bức ách tôi hoàn toàn huỷ hoại bản tha6n, nhưng tôi không biết nên làm thế nào. Lúc ấy tôi nhận được thư của người bạn, trong mắng tôi mê say trong thanh danh, tại sao không gấp gáp viết cho xong quyển sách? Tôi đâu có mê say trong thanh danh, chính vì tôi biết, thành danh không có nghĩa đã thành công, tôi mới đau khổ đến mức không được người ta hiểu cho, đã không hiểu cho, lại định làm theo ý nghĩ của mình, mới sa sầm từng bước vào cảnh bạn bè chống lại anh em xa lìa! Nhưng tôi cảm ơn sự quở trách của người bạn vô cùng. Quở trách của anh đã khiến tôi hạ quyết tâm gạt bỏ mọi vướng mắc, một lần nữa đi xa khỏi thành phố để hoàn thành và sửa lại toàn bộ bản thảo của quyển sách. Tuy tôi không dám chắc, rút cuộc cuốn sách này sẽ viết thành hình thù gì, nhưng ít nhất tôi đã viết xong.

Thế là tôi đem theo bản thảo dở dang, lại bắt đầu cuộc lưu vong sáng tác với thời gian dài hơn lâu hơn.

Đầu tiên tôi đã tìm đến nhà Lý Liên Thành ở huyện Hộ. Vợ chồng họ Lý là đồng hương với tôi, đối xử nhiệt tình, lại tự tay nấu món cơm canh quê hương mà tôi ưa thích. Năm 1986 tôi sửa và chép lại truyện dài "Nôn nóng" ở gia đình anh chị Lý. Đến đây tôi được sắp xếp ở một gian bỏ trống trên nhà gác của uỷ ban sinh đẻ có kế hoạch. Lãnh đạo của uỷ ban sinh đẻ có kế hoạch hết sức quan tâm, bê chăn đệm mới cứng của họ ra, lại còn mua bếp điện dành riêng cho tôi sưởi ấm. Tôi vô cùng cảm động bởi họ đã tiếp nhận mình, tôi bảo quả thật tôi không thể nào báo đáp lại, nếu tôi là một phụ nữ, tôi xin tình nguyện để họ rạch bụng tôi một nhát, hoàn thành một chỉ tiêu sinh đẻ có kế hoạch. Một ngày hai bữa cơm ngoài việc đến nhà Lý Thiên Thành ăn đúng giờ ra, tôi ở lì trong phòng riêng sửa và chép lại bản thảo cuốn sách. Cả tầng trên ngôi nhà không có người ở, chuột bò qua lối đi, tôi cũng nghe thấy tiếng chúng. Ngoài cửa sổ là đường phố, bởi không là đoạn phồn hoa, lại vào mùa đông gió rét, nên không ồn ào. Chỉ có điều buổi trưa nắng ấm, có một ông già mặt đen thường bán thuốc chuột dưới gốc cây cố định ở tầng dưới ngoài cửa sổ, ông già không rao bán, song lúc nào cũng có thanh tre gõ đều đều. Tiếng gõ cốc cốc,mới đầu nghe buồn buồn, từ buồn lòngmà đi thưởng thức lại cảm thấy thanh gỗ đó kêu nhịp nhàng giống tiếng mõ ở nhà chùa, càng làm tgty yên tĩnh. Những ngày đầu, bếp điện thường hay cháy đứt, mỗi ngày phải nối dây may-so từ sáu đến tám lần. Tôi không biết nối, cứ phải gọi Liên Thành đến. Hôm ấy Lý Liên Thành đi xuống xã công tác, bếp điện lại cháy, ngoài trời lại gió thổi tuyết rơi, một miếng kính cửa sổ va đập bị vỡ, rơi xuống đất. Tôi rét run cầm cập không cầm nổi bút đứng dậy lấy tờ báo kẹp vào trong tấm màn the che cửa sổ tránh gió, vừa kẹp xong, gió lại thổi tung ra, kẹp nữa, gió lại hấtđi, đành phải đóng cửa đi đến nhà Liên Thành, co tay rụt cổ đi xuống gác một, ngoái cổ nhìn gác ba có cái cửa sổ giấy báo cũ đang đung đưa kia, trong lòng đột nhiên cảm nhận thấy giới hạn của câu thơ Đỗ Phủ "nhà tranh cót két gió thu ca".

Ở được hơn hai mươi ngày, một người bạn ở huyện Đại Lệ đến thăm tôi, cứ nằng nặc kéo tôi về nhà anh ở, anh bảo vừa xây một ngôi nhà mới, có mấy phòng bỏ không. Thế là Liên Thành đích thân lái xe chở tôi đến một bản có tên là Đặng Trang ở Vị Bắc. Tôi lại ở đây hai mươi ngày. Người bạn này họ Mã, cũng là một nhà văn. Tôi ở một phòng nhỏ trên gác hai nhà anh. Ban ngày, anh ở gác một đọc sách viết văn, hoặc vui đùa với đứa con một tuổi. Tôi ở gác trên đóng cửa sáng tác, chẳng ai để ý đến ai, chỉ tối đến hai người mới cùng ngồi chơi sáu ván cờ tướng. Nước cờ của hai người rất xoàng, song chúng tôi chơi cẩn thận lắm, chưa bao giờ hoãn nước cờ nào. Thời tiết ở Vị Bắc còn lạnh hơn huyện Hộ, nhà anh lại ở đầu bản, ngoài tường sau là cánh đồng rộng bát ngát. Ở trong buồng tuy có lò sưởi, nhưng tôi vẫn phải mượn áo trấn thủ da cừu của anh để mặc, còn mặc cả quần bông, trông cồm cộm to đùng. Người tôi vốn thấp lùn, dường như tròn xoay, mỗi lần xuống cầu thang dốc, cứ nghi nếu sơ ý trượtchân, chắc chắn sẽ lăn lông lốc ra tận cổng. Đặng Trang cách huyện lỵ hơn năm dặm. Ngày nào anh Mã cũng đạp xe ra phố huyện mua cá thịt, bột mì. Anh đi vắng, thì vợ anh cũng bế con đi chơi trong bản. Căn buồng nhỏ của tôi mịt mù hơi thuốc, phải mở cửa cho thông thoáng, tôi ra đứng ơ/ lan can ngắm cả bản. Trời sắp hoànghôn sương mù dày đặc lại bắt đầu giăng giăng trên cánh đồng. Trong ngõ xóm có nhiều chó đang sủa, gà nhà hàng xóm vỗ cánh phành phạch leo lên cành cây. Những con gà ấy đậu trên cây ngủ đêm, song lại đậu trên ngọn cây dương cao bốn năm trượng, khiến tôi cảm thấy thấy hết sức ngạc nhiên.

Trong hai mươi ngày, tôi đốt hết một đống than to tướng của nhà anh Mã. Bữa cơm nào cũng có đậu phụ, đến nỗi người bán đậu phụ ngày nào cũng đến rao bán ở ngoài cổng vài lần. Con anh vừa biết đi, không lúc nào ngơi chân ngơi tay, cháu bé đã quen tôi, thường hay len lén bò theo bậc cầu thang xi măng, lên nhìn tôi mỉm cười, không biết nói. Chị Mã cười bảo tôi "Cháu thích chú đấy, có lẽ sau này cũng định học văn học". Tôi đáp, sau này lớn khôn cháu làm gì cũng được xin chớ có làm văn học. Câu này không nên nói với chị Mã, bởi vì anh Mã là nhà văn, nhưng tôi nói câu ấy lúc đó rất chân thành. Điện ở nông thôn Vị Bắc mất thường xuyên, hơi một tí là mất điện, những tối nào không có điện dễ sợ lắm, tôi cứ lặng thinh ngồi lì trên ghế mây mắt mở trao tráo nhìn vào bóng tối đen như mực. Đêm đó tự nhiên mất ngủ, khi trời sáng mới chợp mắt. Đến mười một giờ mới mơ mơ màng màng mở mắt ra, cảm giác đầu tiên là không biết mình đang ở đâu. Nghe tiếng chị Mã nói với chồng ở gác dưới "Sao không thấy chú ấy ho nhỉ? Anh lên gõ cửa xem, biết đâu đã bị ngạt hơi than". Tôi hấp tấp mặc quần áo, đi xuống gác bảo, tôi không chếtdc, Thượng Đế không đời nào để tôi chết tự do thoải ma:i vô tri vô giác đâu, lại hỏi "Tôi ho ghê gớm lắm hả chị?" Chị Mã bảo "Ho dữ lắm, lẽ nào chú không thấy thế!" Quả thật, tôi chẳng đếy đến cái ho của mình, cũng từ hôm ấy tôi đã lưu tâm, mới biết mình ho liên tục, có lẽ do tôi hút thuốc quá nhiều. Tôi đã từng nghĩ, nếu nối tất cả những điếu thuốc tôi đã hút trong thời gian sáu tháng kể tữ khi suy nghĩ đến lúc viết xong bản thảo cuốn sách này, chắc chắn sẽ dài bằng một tuyến đường sắt dài dằng dặc tít tắp.

Khi tôi đã dùng đến tờ giấy cuối cùng của tập giấy nháp đem theo, thì tôi lại trở về huyện Hộ, ở trong gian nhà trước đây đã ở. Lúc này đã cuối tháng, cũng sắp hết năm. Vào những ngày "ngũ đậu", "mồng tám", hai mươi ba tháng chạp, người đến phố huyện đông dần, bận rộn chủân bị hàng tết. Tôi cũng tranh thủ làm việc, dù thế nào cũng duy trì tốc độ mỗi ngày không được dưới bảy ngàn chữ. Vợ chồng họ Lý thấy tôi phù mặt lên, không chịu ăn, đã tìm mọi cách thay đổi món ăn, nhưng tôi vẫn ốm, mà lại mất ngủ nặng nề. Tôi biết, mỗi khi đến gần bàn viết thì Trang Chi Điệp và Đường Uyển Nhi, Liễu Nguyệt cứ lởn vởn trong đầu, mỗi khi rời bàn viết nằm xuống giường, thì những con người và sự việc rối bung trong đời sống hiện thực cứ quấy nhiễu tôi hoài. Muốn thoát khỏi sự quấy rối về nhân sự trong đời sống hiện thực, tôi đành phải đối diện với Trang Chi Điệp và những người đàn bà của Trang Chi Điệp. Tôi cũng thường lâm vào cảnh lẫn lộn giữa hiện thực và ảo tưởng không sao tách bạch nổi.

Sáng tác quyển sách này quả tình là một sự an ủi quá lớn và sự trừng phạt quá lớn của Thượng Đế đối với tôi. Rõ ràng là một đoá pháo hoa xinh đẹp rực rỡ để con thiêu thân tôi hớn hở và lao theo trong bóng tối nhưng dụ tôi đến gần lại đốt cháy tôi.

Tối ngày hai mươi chín tháng chạp, rút cuộc tôi đã viết đến chữ cuối cùng của cả cuốn sách.

Đối với tôi năm một ngàn chín trăm chín mươi hai lắm chuyện, cuối cùng đã để tôi viết xong. Tôi không biết sang năm mới tôi sẽ sống ra sao, tôi cũng chẳng biết số phận của tác phẩm khốn khổ khốn nạn này sẽ thế nào. Từ ba mươi tết đến mười rằm tháng giêng, hàng ngày tôi ngồi vào trước bàn, chăm chú nhìn tập bản thao dầy bốn mươi vạn chữ ấy, tôi không dám giơ tay giở một tờ. Cuốn truyện này, so với các tác phẩm trước đây của mình sẽ ưu tú hơn, hay tình hình sẽ tồi tệ hơn? Tôi đã hoàn thành một duyên số, một sứ mạng, hay là một trò chơi của trời xanh? Tất cả đều mù mịt, mù mịt như tôi kiếp trước là con gì, sau khi chết biến thành con gì không biết nữa. Trước khi đánh bóng mạ kền, tỉa tót lần cuối cùng toàn bộ quyển sách, tôi viết bài văn ngắn ngủi này, mục đích là để tôi ghi nhớ nỗi khổ sở không thể nói với ai mà cuốn sách này đem đến cho tôi, ghi nhớ cuốn sách này, lại là vật duy nhất làm yên ổn linh hồn đã tan nát của tôi trong nỗi khốn khổ khốn nạn của mạng sống.

Hạ tuần tháng giêng năm 1993

Phế Đô là Phế Đô

Giả Bình Ao

Trong năm bốn mươi tuổi, tôi đã làm mấy việc thường nói: tứ thập bất hoặc, mọi việc tôi làm lại khiến người đời đại hoặc. Một trong những việc đó là viết truyện dài "Phế đô". "Phế đô" là một quá trình khi bánh xe của cuộc sống quay đã sợ hãi đổ vỡ, khiếm khuyết và đổ vỡ trong khi quay, cuộc sống được sửa chữa và phục hồi. Cuộc sống ngày càng là một chiếc búa sắt nặng, tôi không biết sau khi nó đập vỡ kính có rèn tạo thành kiếm sắc hay không? Tôi từng bảo, "Phế đô" là một quyển sách yên ổn linh hồn, tôi cũng từng bảo "phế đô" là tác phẩm chặn đứng nỗi hoảng sợ của tôi. Những người sáng tác nói là thể nghiệm cuộc sống đối với tôi. "Phế đô" không chỉ là thể nghiệm cuộc sống, mà gần như là một hình thức khác của cuộc sống. Tôi của ngày xưa dường như đã chết, hay nói cách khác, đoạn mắt xích của cuộc sống khi bốn mươi tuổi đã đứt gẫy.

Khi viết "Phế đô", tôi không có ý định nhằm mục tiêu gì, thậm chí chuẩn bị không đăng, không xuất bản, chỉ có điều là trong quá trình viết, bản thảo đầu tiên được một số bạn bè gần gũi xem, cảm thấy yêu thích, chuyền nhau đọc tới chỗ làm cho những nhà biên tập lớn của nhiều ban biên tập tạp chí và nhà xuất bản xôn xao đến xin bản thảo, cho tới khi ngày càng có nhiều nhà văn, nhà phê bình, nhà biên tập, nhà làm phim và tivi đọc toàn bộ bản thảo đã chúc mừng nhiệt liệt và đánh giá rất cao. Tôi kinh ngạc nghi ngờ mãi, tôi cảm động phát khóc trước việc họ hiểu sâu sắc quyển sách này của tôi. Khi ngồi một mình, tôi tự hỏi, như thế ư? Mù tịt không biết thế nào ý nghĩa chân chính của tác phẩm hay ở giá trị không gian và thời gian. "Phế đô" đã ra mắt bạn đọc, thì điều tôi chú trọng là phản ứng của người đọc, điều tôi quan tâm là mọi người ở các tầng lớp nhiệt tình với nó rốt cuộc đến mức nào? Hiện giờ nếu còn người đọc, vậy người sau này thì sao? Người đã hơn bốn mươi tuổi không dễ dàng xúc động lắm, đâu có thể nhìn thấu vinh và nhục, mỗi khi đứng trước việc lớn, nên tỏ ra bình tĩnh, đời này kiếp này đã làm công việc này, thì đối diện phải là cục diện vĩnh hằng và không vĩnh hằng. Tôi không rõ tại sao tôi lại đứng vào hàng ngũ nổi tiếng. Tôi luôn nói, thành danh không có nghĩa là thành công, danh đã làm cho tôi được nhiều cái lợi, danh lại thường quẳng tôi vào chỗ lúng túng khó xử.

Một cuốn "Phế đô" tin đồn tôi được một triệu đồng tiền nhuận bút, đã từng khiến tôi méo mặt. Đây quả thật là một sai lầm đẹp. Nếu một tác phẩm được nhiều tiền như vậy, thì tiền ấy chắc chắn rẻ thối, ngay đến giấy vệ sinh cũng không bằng. Tôi là hoang tưởng. Khi tôi ngồi lặng lẽ suy nghĩ, thì không chồ nào là tôi không có mặt, không chỗ nào là tôi không thểdn, song trong hiện thực tôi ngu đần như lợn. Bẩm tính này của tôi đã quyết định sự sáng tạo của tôi, cũng quyết định luôn sự huỷ diệt của sáng tạo, tôi là một tiểu nhân bi kịch. Tôi không viết được tác phẩm thể loại truyện ký phóng sự, cũng không bao giờ giỏi giang trong việc đưa vào tiểu thuyết sau khi phóng đại nguyên hình trong đời sống. Nhiệm vụ của nhà tiểu thuyết là xây dựng một thế giới ý tưởng, cho nên nay tôi ngán cách làm gặp gì nói nấy, càng phản đối việc suy bụng ta ra bụng người dưới bất kỳ tâm thái nào. Bởi có người yêu thích sách này, ấn tượng sau khi đọc đã từng có nhận xét "Phế đô" là "Hồng lâu mộng" và "Kim Bình Mai" đương đại. Nghe xong, tôi lập tức ngăn chặn. Tôi bảo "Hồng lâu mộng", "Kim Bình Mai" là tác phẩm vĩ đại, tôi đâu dám có mộng tưởng ấy, hơn nữa là "Hồng" và "Kim" đệ nhị thì có ý nghĩa gì? "Phế đô" chẳng là gì cả. "Phế đô" là "Phế đô". Cũng có người đọc xong nhận xét, nào là "một quyển sách lạ lùng", nào là "tác phẩm để đời", nào là "tiểu thuyết hay nhất", sau "Vây thành", nào là "Thanh Minh thượng hà đồ" trên văn học. Tôi rất cám ơn lời khuyến khích chân thành, song tôi cũng xin chân thành khuyên càng nhiều bạn đọc chớ có kỳ vọng cao quá, có lẽ đây là một quyển sách bình thường thôi, là quyển sách dở òm tuyệt đỉnh. Mỗi người đọc đều có tâm trạng và nhận xét của mình, song mỗi người cũng chỉ là mỗi người. Nếu muốn đọc thì cứ bình thường tuỳ tiện mà đọc, đọc ở đâu cũng được, chỉ cần đọc chầm chậm một chút là tôi thoả mãn.

Đối với nhận xét một quyển sách, tốt nhất tác giả không nên đứng ra nói chuyện. Tác phẩm đã trở thành của cải xã hội, thì nguyện ước ban đầu của tác giả chưa chắc đã phải là giá trị chân chính của tác phẩm, mà nhiều tác dụng nhận thức, tác dụng thẩm mỹ đều là tác giả phát hiện lại. Bạn đọc đánh giá thế nào đều hợp lý. Tác dụng của một cuốn sách là do tác giả và độc giả cùng sáng tạo sức tưởng tượng là hàng đầu. Thời gian viết "Phế đô" không dài, song thai nghén nó thì đã lâu lắm, hơn mười đề cương nung nấu trăn trở đêm ngày không yên, khi viết, đề cương lại hoàn toàn bỏ đi, chỉ còn xu hướng lớn, sau đó cứ từ từ mà viết, như nước chảy trôi xuôi. Trong cảm giác của tôi hai chữ "Phế đô" là bể rộng lắm, lại khó nói ra. Thành Tây Kinh nếu là một thành phố bị phế bỏ của Trung Quốc, thì trên trái đất, Trung Quốc sẽ là gì? Thời gian đã đến lúc trước khi chấm dứt một thế kỷ. Trong cái "Phế đô" không xác định rõ khu vực này, tâm trạng của con người như thế nào, tư tưởng tình cảm như thế nào. Sử thi không phải thứ tôi theo đuổi, tôi không có tham vọng ấy. Tôi chỉ định viết một đoạn bộc bạch nỗi lòng thực trạng nội tâm. Nhưng tôi tuyệt đối nhấn mạnh một loại truyền đạt cảm giác và mùi vị của người phương Đông, của người Trung Quốc. Tôi thích sự giản lược của nhạc cổ Trung Quốc, giản lược gần như khô khan, thích cái cảm ứng mơ hồ và cả khối của nó, lấy ít nói nhiều, lời gần ý xa, giơ nặng mà tưởng nhẹ nhàng như không, ung dung thoải mái, trên giấy trắng viết chữ đen, nhiều hơn nữa trên giấy đen viết chữ trắng. Tôi chú ý quan tâm thực, bởi vì tôi là bình dân, bình dân không thiếu lòng xót xa cho nỗi gian truân của thời thế và thương tiếc cho nỗi đau khổ của người đời. Nhưng tôi còn là nhà văn, nhà văn còn gọi là nhàn nhã, là kẻ vô công rồi nghề. Tôi cười tôi sống nửa bận nửa nhàn, viết văn tưởng như thông mà không thông. Chính là quan tâm coi trọng hiện thực, quan tâm coi trọng cuộc sống, tôi đã chú trọng sự khác nhau của nhân vật dưới ngòi bút, chứ không phải so sánh nhân vật, chú trọng cái đẹp của nó, lại rất chú trọng cái lạnh lẽo, rét buốt của nó, tìm hành động trong không hành động, tìm thích ứng trong không thích ứng. Một cuốn "Phế đô" vốn là để an thần mà viết nào ngờ ầm ĩ cả lên. Tôi đành nằm ru rú một chỗ. Hôm nay nhìn thấy một hòn đá trắng to tròn đặt lên con tê giác một sừng bằng đồng thau phỏng chế, sau đó lại đặt một hòn đá trắng nhỏ hơn như vậy dưới hòn đá to, muốn thưởng thức một cảnh "Vọng Nguyệt Đồ". Không biết tại sao lại nảy ra một vế câu đối của người khác tặng tôi "Giả thuốc, giả rượu, Giả Bình Ao". Hừ! Trên đời chốn đâu cho thoát chữ giả. Thật khi làm giả, giả cũng thật, giả khi làm thật, thật cũng giả.

Ngày 5 tháng 7 năm 1993

Tâm sự của nhà văn Giả Bình Ao

Tôi biết không phải ai cũng đọc sách của tôi, không phải ai đọc sách của tôi cũng thích tôi, không phải ai thích tôi cũng hiểu tôi. Sở dĩ tôi vẫn say sưa sáng tác, cố nhiên là bởi vì tôi chỉ có thể sáng tác, y như con ong thợ trong đàn ong mật, làm việc là ý nghĩa của tồn tại, còn bởi vì trong thời đại này, rất nhiều câu chuyện trong nhân gian quả thật vẫn cần phải ghi lại. Lúc còn trẻ chưa có nỗi lo thì cứ ép lo, sau khi bước sang tuổi trung niên có nỗi lo thật sự thì lại không muốn nói. Đó là lý do tại sao mấy năm qua tôi rất hiếm có mặt và phát biểu trước đám đông. Đàn bà vì người thích mình mà trang điểm, kẻ sĩ vì bạn tri kỷ mà chết, còn văn học xét đến cùng là gì? Quả thật khiến ta nghi ngờ, chẳng khác gì nghi ngờ mình từ đâu đến và sau khi chết lại đi về đâu. Trong mung mung lung lung tôi đã nhận ra nghệ thuật là tìm tồn tại bằng chinh phục. Nhưng tiếng hô thích ứng cứ vang dồn bốn phía, khiến tôi chao đảo chực ngã trên chiếc cầu bắc qua khe núi. Trong hơn hai mươi năm sáng tác, đã chứng tỏ, xét đến cùng, tôi đâu có quý tộc. Bố mẹ tôi là người nhà quê, tôi vào ở thành phố cũng chỉ là một tiểu thị dân hoặc đúng ra ở diện "thường thường bậc trung". Dù cho tâm linh tôi cao ngạo có định làm phượng hoàng, theo đuổi trình độ văn học phương Tây, nhưng tôi đã nhắc nhở bản thân, định làm phượng hoàng, thì chắc chắn sẽ mọc thành lông gà, nó không chỉ ăn hạt sen, măng tre, mà dứt khóat phải bới sâu bọ, cám gạo, lá rau và sỏi đá trên mảnh đất của làng quê và của thị trấn, phố nhỏ Trung Quốc. Đừng cho rằng tôi là phượng hoàng, thì trên cây ngô đồng không phải là vườn nhà tôi, cũng đừng cho rằng tôi là con gà, thì cứ đặt một nắm rơm ở góc nhà là có thể làm ổ đẻ trứng. Hai điều không phải của tôi đã quyết định sự không kích thích của tôi, quyết định luôn việc khó xử của tôi trong sự khác loại và không cùng hội tụ. Thật đáng đời, tôi tự làm tự chịu. Sáng tác càng làm cho hoà hợp với tầng sâu xã hội, thì sáng tác càng trở thành hành vi cá thể thuần tuý.

Sau khi đã được no cơm có cơm ăn áo mặc, tiếng vỗ tay và hoa tươi mưu đồ xong rồi, không còn mưu đồ nữa, thì yên trí tìm tòi trong sáng tác Hán ngữ hiện đại chân chính, hưởng thụ cô độc và yên tĩnh trong tâm trạng ôn hoà.

Đêm nay bầu trời trong sáng biết bao, mây nhởn nhơ bay qua bay lại. Trăng sáng đến tận cửa sổ. Ghi những dòng nhật ký trên, lại bỗng dưng nghĩ đến người đọc của mình. Đêm nay ai lại đọc sách của tôi nhỉ? Đọc trong phòng văn, ở đầu giường, trong toa tầu, hay trong bếp? được gật gù công nhận hay lắc đầu chê bai, khen hay chửi? Nhưng tôi nghĩ chúng ta đều là bầu bạn có duyên. Tôi phải thành tâm cảm ơn các bạn. Mồ chôn của cá, xây trong bụng người, tấm lòng của tôi vĩnh viễn ở trong sự khắt khe phỉ báng và hào hiệp ca ngợi của các bạn.

Nhật ký 3-8-1998

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.