Nương Tử, Ta Yêu Em

Chương 3




“Thời trị vì của hoàng đế thứ năm – Lê Minh Tông – người nổi tiếng thông minh, tài giỏi, văn thao võ lược nhất trong số các vị vua nói chung và các vua thời Lê sơ nói riêng. Sau khi lên ngôi ông đã tiến hành cải cách chính trị, mở mang học hành, chỉnh đốn võ bị, đề cao văn hoá... đưa quốc gia phát triển rực rỡ về mọi mặt từ kinh tế, văn hoá, xã hội, đến giáo dục, quân sự và trở thành một cường quốc, làm nên nền quân chủ chuyên chế Việt Nam đạt đến đỉnh cao vàng son. Nước Đại Việt trước thời Lê Minh Tông chưa bao giờ cường thịnh và mạnh mẽ, có sức ảnh hưởng toàn khu vực Đông Nam Á. Điều này khiến vua Lê Minh Tông trở thành một trong những vị hoàng đế vĩ đại nhất của lịch sử phong kiến Việt Nam và là hiện thân của một thời đại hoàng kim của quốc gia Đại Việt.”

Ngồi trên lầu hai của một quán trọ nhỏ, tôi phóng tầm mắt xuống con đường nhộn nhịp phía dưới của thành Đông Kinh, trong lòng không khỏi cảm thán. Phim ảnh quả thực vẫn khác xa so với thực tế. Nếu trong phim chỉ là quay một con phố nhộn nhịp tấp nập người, đèn cũng chỉ thắp sáng vùng máy quay chiếu đến, thì cả mấy con phố đang thu vào mặt tôi lại khác hoàn toàn.

Không giống như những chiếc đèn lồng tôi từng thấy ở các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, kinh thành Đông Kinh trải từ phố này qua phố khác những dây đèn lồng hình củ tỏi làm bằng khung tre và bọc ngoài một lớp lụa vô cùng lung linh, huyền ảo. Thật ra tôi đã từng thấy những chiếc đèn lồng kiểu này ở phố cổ Hội An, nhưng không còn giữ được những nét thô sơ, mộc mạc nhưng đầy nhã nhặn như thế này.

Các cửa tiệm buôn bán vào ban đêm hầu như là khách điếm bán rượu, những kỹ viện công khai đón khách ngập mùi phấn son… Dù ở đối diện mà tôi vẫn nhìn thấy bên trong kỹ viện không khí náo nhiệt vô cùng. Mấy vị cô nương bôi son dậm phấn trắng bệch, đôi mắt đong đưa yêu kiều ra sức quyến rũ những vị nam nhân đang thưởng rượu nghe đàn hát. Tiếng hát văng vẳng qua phía quán trọ nơi tôi ngồi, dù tôi không hiểu cho lắm về âm nhạc dân gian, nhưng cũng láng máng hiểu đây là một bài chèo cổ.

Giọng hát người con gái trong trẻo, êm ái vô cùng, bỗng dưng khiến lòng tôi rưng rưng xúc động. tôi không ngờ sẽ có một ngày mình được ngồi tại thời điểm năm 1470 và nghe nhạc chèo – loại âm nhạc mà tôi trước giờ cảm thấy vô cùng nhạt nhẽo. Nếu giờ nội mà ở đây, nội chắc chắn sẽ vuốt chòm râu trắng và nói: “Tuyệt, quá tuyệt!”

Nghĩ đến gia đình, tôi bất giác thở dài.

Đã tròn hai tuần tôi xuyên về quá khứ, không biết thời điểm hiện tại, cả nhà tôi ra sao. Tôi nhấp một ngụm rượu, mùi thơm của hoa sen cùng vị cay cay của rượu tỏa ngào ngạt trong khoang miệng. Tiểu nhị trong quán sau mấy câu rủ rê đã dụ tôi mua một vò với giá hơn hai mươi đồng. Hắn nói đây là rượu sen do xã Bình Vọng, huyện Thượng Phúc nấu, mất nửa tháng đi đường mới mang tới kinh thành được, nên giá cả so với các loại rượu khác cũng đất hơn gấp đôi.

Tôi uống được rượu, nhưng hiểu biết về các loại rượu thì tôi mù tịt, bèn ậm ờ cho qua rồi bê một vò lên lầu ngồi uống.

“Phải chăng có nội ở đây, cùng uống rượu thưởng trăng thì vui biết mấy.”

Tôi lại thở dài, thiết nghĩ càng ngày mình càng bị mấy trò lạc hậu của nội mê hoặc mất rồi. Chi ít là trong thời gian đang sống ở thời kỳ cổ đại, tôi cũng cảm nhận được phần nào ý nghĩa về những thú vui dân gian.

Nói đi thì cũng phải nói lại. Tuy Đại Việt lúc này vô cùng phồn thịnh, dẫu không có máy nghe nhạc thì còn có hát chèo, dẫu không có tivi thì người ta diễn kịch cho xem,… Nhưng cái tôi vô cùng muốn lên án, vô cùng thiếu vệ sinh và mất mĩ quan đô thị, ấy chính là nhà xí.

Mỗi lần không chịu đựng nổi, tôi mới dám bén mảng đến gần khu vực đó. Dẫu biết rằng nhà trọ thời cổ thì không thể bì được với khách sạn, nhưng có một sự thật là, tôi là người dân thế kỷ 21, được sống trong môi trường giáo dục và vệ sinh hoàn toàn hiện đại, cho nên tôi thực sự chưa quen được với… nhà xí ở đây.

Phải để tôi lên án gay gắt, còn rút hai mạch tiền ra, chủ quán trọ mới vui vẻ cho người đi dọn dẹp tẩy uế. Thôi, thôi không nhắc nữa. Nghĩ đến đã thấy sợ rồi.

Đêm nay trăng sáng, rọi xuống mặt hồ cạnh nhà trọ những tia sáng lấp lánh huyền ảo. Cùng là một ánh trăng, nhưng ánh trăng hai tuần trước đưa tôi về quá khứ, còn ánh trăng này lại làm tôi bất giác nghĩ đến nàng.

Lê Hinh…

Tôi nhấp một ngụm rượu, cố tình giấu đi nhịp tim rộn ràng khi nghĩ đến dáng vẻ thanh cao mà thoát tục của nàng. Như một tiên nữ, nàng nhẹ bước vào cuộc đời tôi, nhẹ bước đến bên tôi trong màu trắng thuần khiết là thế.

Một cuộc gặp ngắn ngủi lại khiến cho tôi trở nên si mê.

Gượm đã?! Tôi cũng là con gái, vì cớ gì sao tôi lại ngồi tơ tưởng đến người cùng giới vậy chứ?

Bất giác nổi gai ốc, tôi cố tình bắt chuyện với tên tiểu nhị đang ngủ gục trên bàn để xua đi cảm giác hoang đường kia: “Này huynh đệ, cho ta hỏi chuyện một lát.”

Tên tiểu nhị kia giật mình, hàng lông mày nhăn tít lại tỏ vẻ khó chịu khi bị phá rối. Nhưng khi biết người gọi là tôi, hắn vội niềm nở chạy đến: “Vị quan khách này có việc gì cần hỏi?”

“Ta là người từ xa đến, ngươi cũng biết rồi đấy, đi cùng hai nữ nhân kia, haizz, cũng khá là phức tạp đi.” Tôi vuốt vuốt lại tà áo mới được chủ quán mua giúp, cảm thấy màu xanh lam này có chút hơi nổi bật quá, nên lại nhíu mày, “Chẳng hay ngươi có thể giúp ta lựa một bộ y phục bình thường một chút không?”

Tiểu nhị kinh ngạc nhìn tôi, hắn cất giọng khó xử: “Bộ áo công tử đang mặc được may bằng lụa phường Nghi Tàm, vô cùng nổi tiếng và trang nhã. Chẳng hay có chỗ nào không vừa ý?”

Đương nhiên là vừa ý tôi rồi, nhưng ăn mặc đẹp đẽ như thế này sao lấy được thương tình từ Vương gia Lê Cát Lợi tướng quân đây?

Trong sử sách, tướng quân tuy là người có thể dẹp ngàn giặc ngoại xâm, dẫn chỉ vài trăm lính tinh nhuệ triệt phá thành công hang ổ của địch,… nhưng ông cũng là người cảm thông sâu sắc với nhân dân, nhất là những hộ nghèo khó. Nên nếu càng tỏ ra đáng thương, khổ sở trước mặt ông, có lẽ tỷ lệ được giúp đỡ sẽ càng cao.

Thầm tính số tiền vay mượn còn thừa sức ăn ở, tôi đưa cho hắn mấy xu lẻ, bảo hắn: “Phiền huynh mai hãy lựa bộ khác giúp ta, nên nhớ càng không bắt mắt càng tốt.”

Tiểu nhị vâng vâng dạ dạ, cúi người toan đi, nhưng tôi đã sực nhớ ra một chuyện chưa hỏi, bèn gọi với hắn lại, cất giọng nghiêm túc: “Ta nghe tướng quân Lê Cát Lợi thương dân như con, có việc gì khiến người dân ủy khuất cũng sẽ ra tay cứu giúp. Nhưng chẳng hay, nếu muốn gặp ngài thì phải làm thế nào?”

Tôi vỗ vỗ ghế, ý bảo hắn ngồi xuống, rồi rót một chén rượu đẩy đến trước mặt hắn. Tuy có lưỡng lự nhưng rốt cuộc hắn cũng ngồi xuống, tu một hơi rồi vui vẻ đáp: “Chẳng giấu gì quan khách, đúng là tướng quân tuy hành hiệp trượng nghĩa, nhưng gặp ngài ấy lại khó vô cùng.”

“Vì sao vậy?”

“Tướng quân thân mang trọng trách giữ nước, phải đặt cả thánh Thượng cùng muôn dân trên đôi vai. Cứ dăm bữa, nửa tháng là ngài lại xuất trận, ngài làm gì có thời gian rảnh rỗi ở phủ để trực chờ nhân dân cầu kiến?”

Tình hình bắt đầu khó khăn rồi đây. Tôi lại rót cho hắn thêm một bát rượu, vờ như không hiểu chuyện, gặng hỏi: “Bình thường cũng chưa từng gặp tướng quân ngoài phố phỏng?”

“Cũng có, nhưng đều là lúc tướng quân ra trận hoặc hồi Kinh ngày chiến thắng. Có những lúc cả Hoàng thượng, các quan viên, võ tướng, à đương nhiên là cả quận chúa nữa cũng đứng trước cổng thành từ sớm để nghênh đóng ngài mà.”

Quận chúa? Con gái của tướng quân chăng?

Đúng là ngài có hai con, một trai, một gái. Vợ là Ngọc Hương công chúa – em gái Hoàng đế, đã từ trần từ lúc hạ sinh con gái cho ngài, nên ngài hết mực thương yêu chiều chuộng con.

Quận chúa tên là gì nhỉ? Tôi đã từng nghe qua rồi.

Lê… Lê cái gì ta?



Oh my god!!! Thánh thần tôi ơi!!!

Nghĩ tới đây tôi đập bàn, đứng phắt dậy, miệng há hốc. Tên tiểu nhị cũng vì kinh hãi trước hành động đột ngột của tôi mà ngã chổng vó lên trời.

“Vị huynh đệ này, cho hỏi có phải tin báo gần đây tướng quân truy quét phản tặc Nha Nghịch cùng bè đảng hay không?” Tôi sang sảng giọng nói, cũng quên mất là mình bắt đầu có biểu hiện giống ông nội rồi.

Tiểu nhị thất sắc nhìn tôi, hắn lắp bắp: “Bẩm quan khách, đúng là như vậy. Tướng quân đã gϊếŧ chết Nha Nghịch, con trai ngài là Lê Cát Thuần cũng theo cha đi dẹp bè đảng còn sót lại. Dự tính ngày mai là quay trở về.”

Vậy là quá rõ ràng rồi. Tôi cầm vò rượu, ngửa đầu tu một hơi, rồi lấy ống tay áo quẹt quẹt miệng.

Lũ người áo đen hôm trước tôi gặp, còn đem mông mình đè chết tên thủ lĩnh nữa, không thể nhầm được, chúng chắc chắn là bè đảng của Nha Nghịch. Trong sử sách cũng đã ghi lại, lũ người theo tướng Nha Nghịch mặc dù đã bị tướng quân Lê Cát Lợi đánh cho tan đàn sẻ nghé, nhưng vẫn cố chấp liên thủ lại với nhau lần cuối, nhằm bắt cóc con gái của ngài. Nhưng rất may, anh trai quận chúa là Lê Cát Thuần đã kịp cử binh lính truy sát bọn tàn đảng kia, cứu nàng thoát khỏi nguy hiểm kịp thời.

Là nàng, không ai khác, quận chúa Lê Hinh.

“Quỷ thần ơi, mình biết có điều gì không ổn rồi mà, nàng đẹp như vậy há nào lại là dân đen?” Tôi ngồi thụp xuống, ôm đầu lẩm bẩm, “Đậu má nó, mình ăn gan hùm hay sao còn đi vay tiền quận chúa? Trời ơi là trời…”

Tên tiểu nhị thấy tôi như lên cơn động kinh, hắn kinh hãi lắp bắp: “Khuya… khuya rồi, công tử nghỉ sớm đi,… ta… ta đi thu dọn.” Nói rồi lập tức chuồn ngay xuống lầu.

Sau một hồi oán thán trời đất, rốt cuộc tâm trạng tôi cũng bình ổn trở lại. Thôi đằng nào cũng lỡ mạo phạm quận chúa rồi, chỉ cần ta trả đủ tiền cho nàng thì chắc cũng không sao đâu. Trước cứ nghĩ cách để mai tướng quân trở về, tham kiến được ngài đã.

Nghĩ thế nên tôi an tâm được phần nào. Cũng may là ba người chúng tôi vào thành sát ngày tướng quân hồi kinh, nếu không cũng chẳng biết trở ông ấy đến bao giờ.

Thế là tôi trở về phòng. Lúc ngang qua phòng của Hy Chiêu đại nương và Hương Liên, thấy ánh đèn đã tắt, đoán chắc hai người đã đi nghỉ từ sớm rồi, tôi mới an tâm đi ngủ. Thiết nghĩ, dù sao cũng đang mang thân phận nam nhi, vẫn nên quan tâm đến hai người phụ nữ trong nhà thì tốt hơn.

Cứ nghĩ vẩn vơ một hồi, tôi chìm vào giấc mộng lúc nào không hay.

Mới sáng sớm, dân chúng trong kinh thành đã náo nhiệt không thôi.

Dọc hai bên đường từ cổng thành vào trong Kinh không còn là những sạp bán hàng nhộn nhịp nữa, mà ai ai cũng háo hức nghiêm chỉnh đứng bên lề lối đi, trong phạm vi cho phép của các thị vệ triều đình. Từ già trẻ, gái trai, đến con nít, người nào người nấy cũng hồi hộp hướng mắt về phía cổng thành, tiếng nói chuyện xôn xao.

Quân Thiết đột nằm trong hàng ngũ Cấm vệ (1), đầu đội tứ phương bình đỉnh, vận áo viên lĩnh (2) vạt ngắn đồng màu, ống quần bó lại trong giầy, nét mặt uy uy nghiêm nghiêm, xếp thành hàng dọc ngay ngắn quy củ.

Tôi kéo tay Hương Liên cùng Hy Chiêu đại nương, rẽ đám đông quần chúng đến đứng sau lưng một người lính. Trong dòng người chen chúc, tôi thấy nàng – quận chúa Lê Hinh.

Hôm nay nàng vẫn vận một bộ y phục màu trắng thanh khiết, thoát tục, nhưng tóc đã được vấn lên gọn gàng bởi những chiếc những chiếc châm ngọc màu xanh biêng biếc. Gương mặt đẹp tựa như tranh vẽ, mày ngài mắt ngọc như khẽ bừng lên, tỏa sáng lấp lánh dưới ánh nắng ban mai.

Nàng yểu điểu giấu hai bàn tay trong ống áo lụa. Tà áo dài điểm xuyết những bông hoa mai nhỏ li ti tựa như bay trong gió theo từng bước chân của nàng.

Có lẽ nàng vừa bước từ trên kiệu xuống, sắc mặt hồng hào cùng những tia chờ mong hướng ra bên ngoài thành. Dân chúng mới lúc trước còn nhốn nháo, giờ đã một mảnh yên tĩnh trước vẻ đẹp thoát tục của nàng.

Tôi khẽ thở dài, quay sang Hương Liên, thấy cô cũng đang ngẩn ngơ, bèn lay nhẹ một cái: “Lát nữa muội cùng đại nương phải y chang lời ta mà thực hiện, rõ chưa?”

Hương Liên thoáng giật mình, nàng căng thẳng gật đầu.

“Được, tới rồi kia.”

Tôi gật đầu, thoáng thấy bóng của một đoàn người ngựa từ xa, có chút chấn động nhẹ.

Bên tai vang lên một tràng những tiếng chống, tiếng chiêng dồn dập. Tiếng vó ngựa càng lúc càng gần hơn. Chỉ một lát sau, một người lính cưỡi tuấn mã trắng cầm cờ lao qua cổng thành. Người này vai rộng thân dài, mắt như sao sáng mang thần thái dũng mãnh anh hùng. Giương cao lá cờ trong tay, hắn hô to, giọng nói vang khắp ngõ phố: “Tướng quân Lê Cát Lợi dẹp quân nổi loạn hồi kinh.”

Sau tiếng hô rúng động, một hồi trống vang dài. Thiết đột quân ven đường nghiêm trang thẳng sống lưng, đầu cung kính cúi xuống. Nhân dân lúc nãy còn nhốn nháo, giờ đã cúi rạp người quỳ lạy trên đất. Tôi cũng gượng gạo làm theo, nhưng cái đầu vẫn còn ngóc lên chăm chú nhìn, định sẵn thời cơ thực hiện kế hoạch.

Một đoàn ngựa chậm rãi lộp cộp tiến vào trong thành. Ai ai cũng mặc giáp sắt, bên hông đeo trường đao, nét mặt nghiêm trang, uy nghiêm vô cùng. Nhưng dẫu sao, người ngồi con tuấn mã màu đen dẫn đầu đoàn người mới làm cho tâm tôi rúng động.

Đôi mắt đen thăm thẳm, sống mũi cao thẳng tắp, đôi môi mỏng khẽ nở nụ cười thân thiện. Dẫu khóe mắt khi cười đã điểm vài vết nhăn, nhưng dáng người ngồi trên ngựa thẳng tắm cùng cử chỉ mạnh mẽ vô cùng, nhìn đâu cũng chỉ giống như mới ngoài ba mươi.

Ấy nhưng vị tướng quân ấy, tính tới lúc này chắc cũng phải hơn bốn mươi rồi.

“Cung kính nghênh đón tướng quân hồi kinh bình an.” Toàn binh lính đồng thanh. Tiếp theo người dân cũng kính cẩn hô to theo quân lính.

Cả thành Đông Kinh tràn ngập náo nhiệt, sự phấn khởi và niềm vui.

“Dẹp giặc là bổn phận của bản vương, tất cả mau mau đứng dậy, không cần đa lễ.” Tướng quân Lê Cát Lợi dịu giọng nhưng âm thanh vẫn hào vang khắp muôn nơi. Ông ôm quyền hướng tới quần chúng: “Thấy được muôn dân trăm họ vẫn mạnh khỏe, lòng ta bây giờ mới an tâm.”

Ông nhảy xuống ngựa, thân hình vẫn cao lớn vững vàng như trai tráng đôi mươi. Đi đến bên cạnh quận chúa, ông nhẹ nhàng đỡ lấy thân hình nàng đang cúi xuống để hành lễ: “Hinh Nhi, vất vả cho con rồi.”

Quận chúa không giấu nổi sự xúc động trong ánh mắt, nàng ngước nhìn cha, một mực nhận lỗi: “Đã để phụ vương phải lo lắng, Hinh Nhi bất tài, xin người quở trách.”

Nhưng tướng quân lại cười xòa, ông đỡ nàng đứng thẳng dậy rồi nói: “Sao ta lại phải trách con? Nào, cùng ta và anh con tới yết kiến Hoàng Thượng thôi.”

Lúc này nam tử cưỡi tuấn mã trắng mới giục ngựa quay lại bên tướng quân, khẽ mỉm cười: “Mau vào cung, Hoàng Thượng cùng quan viên đang đợi.”

Quận chúa lê Hinh cúi đầu, nàng nhẹ giọng: “Thuần ca…”

“Đi thôi, không còn sớm nữa.” Tướng quân lên ngựa, ngài thúc ngựa đi nhanh về phía trước, giọng lại vang vọng khắp nẻo đường. “Hôm nay được sự nghênh đón của muôn dân, lòng ta vô cùng cảm kích. Thứ lỗi không thể ở lại đây lâu được, mọi người hãy mau đứng dậy đi.”

“Tạ ơn tướng quân.”

Tôi biết thời điểm này là lúc thích hợp nhất để kêu oan, nếu không chẳng biết bao giờ mới có thể tham kiến lại được ông ấy. Thế nên bất chợp một đội quân tinh nhuệ đang đi cùng tướng Lê Cát Lợi trên đường, bất chấp dàn quân Thiết đột nghiêm chỉnh ngay cạnh bên, tôi phi người ra giữa phố, chặn ngang đường của cả đoàn người ngựa.

“Tướng quân, thảo dân muốn báo án!”

Chẳng biết lấy đâu ra nhiều dũng khí mà giọng tôi lại sang sảng đến như vậy. Tôi cúi gập người quỳ lạy, mặt cơ hồ như muốn dính cả vào đất. Chỉ nghe xung quanh một mảng tĩnh lặng đến dị thường, sống lưng tôi bất chợt run run.

Sau vài giây yên lặng ngắn ngủi, tôi nghe tiếng rút binh đao khỏi vỏ roàn roạt, cảm nhận được cả những lưỡi giáo của Thiết đột quân đang chĩa thẳng về minh.

Khí phách của tôi bỗng chợt như bị rút cạn một nửa.

Giờ mà mỗi anh lính đẹp trai này chọc cho tôi một lưỡi giáo, chắc tôi cũng chẳng khác gì miếng thịt xiên là bao.

Giọng nói của Lê Cát Thuần quát bên tai: “Kẻ nào cả gan dám ngáng đường của tướng quân?”

Một câu quát mà âm thanh vang dội, khí thế phi phàm, đáng tiếng vào tai tôi chỉ ù ù cạc cạc. Mồ hôi trên mặt tôi túa ra như tắm nhưng miệng vẫn hô như sấm rền: “Tướng quân, thảo dân oan uổng lắm.”

Lại một mảnh tĩnh lặng bao phủ.

Tôi thầm chột dạ. Chẳng lẽ trình tự chặn kiệu kêu oan trên phim truyền hình lại khác trình tự chặn ngựa kêu oan? Vì sao tôi hô như bò rống cả nửa ngày vẫn chưa thấy ai phản ứng vậy?

Một vài phút sau, đợi khi mồ hôi tôi đã nhỏ hạt xuống đường ‘tách, tách’ mấy hạt, giọng nói trầm trầm của tướng quân mới truyền đến bên tai: “Quỳ dưới kia là kẻ nào? Vì sao kêu oan?”

Lúc này tôi mới dám thẳng lưng, ngẩng đầu nhìn về phía trước. Tuy không khỏi lạnh sống lưng bởi những thứ vũ khí sắc bén đang chĩa thẳng vào mình, nhưng tôi vẫn bình tĩnh đáp: “Bẩm tướng quân, thảo dân tên họ Lục Tiếu Trình, người ở trấn Thanh Tri, cùng tiểu muội và bá mẫu lên Kinh để báo án. Mong tướng quân minh xét.”

Lúc này, Hương Liên và Hy Chiêu đại nương cũng từ đám đông bước ra, quỳ lạy bên cạnh tôi.

“Dân nữ Hương Liên – Hy Chiêu bái kiến tướng quâ. Xin tướng quân minh xét!”

Lúc này tướng quân mới gật đầu ra hiệu cho Lê Cát Thuần. Anh ta khẽ nhíu hàng lông mày rậm, rồi phất tay áo, tức thì quân lính liền thu binh khí. Cảm giác nặng nề nãy giờ bủa quanh liền tan biến, tôi thở phào nhẹ nhõm.

“Lục Tiếu Trình, Hương Liên, Hy Chiêu, ba người các ngươi liên tục kêu mình oan ức, sao không trực tiếp báo quan phủ, lại tìm gặp bản vương?” Lê Cát Lợi trầm giọng, ông đưa mắt nhìn chúng tôi rồi mỉm cười, “Trước kể ta nghe nguyên do.”

Tôi biết hai người kia dám đứng ra kêu oan cùng tôi đã sợ lắm rồi, chắc không còn tâm trí để báo án nữa. Thế nên tôi đem những lời mình đã sắp xếp từ trước, dù sao cũng đã từng kinh qua nhiều vai diễn cổ trang, nên tôi diễn rất thành công: “Khởi bẩm, ba người bọn thảo dân nhà ở trấn Thanh Tri, cách thành Đông Kinh ba ngày đường. Mấy hôm trước nhà của chúng thần bị người khác phóng hỏa, mọi thứ đều bị thiêu rụi thành than. May mắn giữ được cái mạng nhỏ, chúng thần liền cấp tốc lên Kinh xin tướng quân minh xét.”

Liên Hương lúc này mới ngẩng mặt, ánh mắt ngập nước, nàng nghẹn ngào thưa: “Bẩm tướng quân, sự việc đúng là như vậy. Đêm hôm khuya khoắt cả nhà bỗng dưng hỏa hoạn lớn, chắc chắn là có nhiều điểm khả nghi.”

Quần chúng xung quanh cũng bắt đầu nhốn nháo bàn bạc. Phần lớn tôi nghe được từ họ toàn những lời cảm thông sâu sắc. Trong bụng thầm vui mừng vì bước đầu lấy được cảm tình từ phía nhân dân, sau đó tôi liến nhìn về phía Lên Cát Lợi, trong ánh mắt ông cũng thoáng tia do dự. Ông ôn tồn đáp: “Vậy sao ba ngươi không đến báo án với chi huyện đại nhân trấn Thanh Tri? Như vậy có phải đỡ nhọc công phỏng?”

Lúc này, Hy Chiêu đại nương mới nghẹn ngào lên tiếng. Giọng nói bà run run không che lấp được sự tức giận: “Bẩm tướng quân, nếu chi huyện đại nhân là người có thể vì muôn dân trăm họ mà phán xét, thì chúng thần đâu cần liều chết mà làm mất thì giờ của ngài?”

Lê Minh Thuần quắc mắt, anh ta có vẻ không tin tưởng: “Điêu dân to gan. Ngươi biết bôi nhọ mệnh quan triều đình là phạm tội gì không?”

Nghe tiếng quát của Lê Minh Thuần, Liên Hương cùng đại nương Hy Chiêu liền thất thần, bủn rủn tay chân. Tôi mặc dù có sợ chết, nhưng được cái bản lĩnh cứng đầu cứng cổ được ông nội tôi luyện từ nhỏ, bèn ôm quyền hướng tới Lê tướng quân: “Mọi lời chúng thần nói đều không hề giả dối lấy một chữ. Còn có cả người dân trấn Thanh Tri làm chứng, thảo dân lần này lên kinh không chỉ vì án mất nhà mất cửa, mà còn là vì cả cuộc sống của cả trăm người dân trong trấn nữa.” Tôi hít một hơi thật sâu, nói tiếp: “Trương chi huyện cùng con trai cậy quyền tác oai tác quái, chỉ cần không vừa lòng là liền mang người dân vô tội ra chịu cực hình. Ăn bổng lộc triều đình mà chẳng xứng với mũ quan dân. Mấy hôm trước cũng là do Trương Khanh, con trai chi huyện đại nhân quấy rối nữ tử Hương Liên, bị thần nói cho một trận bẽ mặt, sau đó cùng đêm, nhà chúng thần xảy ra hỏa hoạn. Thần cả gan cho rằng, Trương Khanh không thể thoát khỏi diện tình nghi. Những lời này nói ra đều là sự thật, nếu có một lời nói dối, nguyện chết không toàn thây!”

Vốn dĩ tôi mạnh miệng là vì đã nắm rõ mấy phần trong tay, đã thế còn được người dân trấn Thanh Tri ‘bảo kê’ nữa. Phen này, nếu tướng quân không can thiệp thì chắc chắn người dân trong trấn sẽ vùng dậy đấu tranh giai cấp.

“Phụ vương, nếu công tử đây đã quả quyết như vậy, chi bằng người thử giúp hắn một lần.”

Một giọng nữ nhân nhẹ nhàng vang lên, tôi ngước mắt nhìn về phía nàng. Dưới ánh nắng, nàng lộng lẫy đến kỳ lạ, nụ cười nơi khóe môi khẽ nhếch lên khi nhìn thấy tôi. Bất giác, trống ngực tôi cứ đập thình thịch liên hồi. Tôi vội vàng đưa tay gãi đầu, thầm che đậy gương mặt đang ửng đỏ.

Hay do tối qua uống rượu nên giờ vẫn còn say?”

“Hơn nữa, phụ vương, người ta cũng đã từng cứu Hinh nhi một mạng.” Nàng khẽ cúi người hành lễ trước mặt tướng quân, “Hinh nhi tin Lục công tử không nói dối.”

Gì? Dáng vẻ kia là sao? Nàng đang thay tôi cầu xin cha mình hả?

Tôi nhất thời choáng váng, căn bản mồm miệng đã không còn biết nói lời gì thêm.

“Hóa ra Lục công tử chính là nam nhân đó sao?”

Bất chợt giọng cười Lê tướng quân sảng khoái hẳn lên, đôi mày của Lê Cát Thuận cũng dãn ra, ánh mắt còn mang vẻ cảm phục chiếu lên người tôi. Không hiểu vì gì mà đối với thái độ đột ngột của hai người vương tướng này, tôi bỗng thấy lạnh cả sống lưng.

Chắc chắn họ biết tôi đã thất lễ với quận chúa rồi. Trời ơi, tôi còn nợ nàng hai quan tiền.

Là nợ tiền nàng đó bớ làng nước ơi!

Chân tay tôi run run, khóe môi rần rật: “Thưa vâng, chính thảo dân ạ.”

“Tốt lắm, tất cả miễn lễ.” Lê Cát Lợi vung tay áo, ông quay sang căn dặn Lê Hinh quận chúa, “Con đem họ về vương phủ, chờ ta về rồi hỏi chuyện rõ ràng. Nhớ thay ta cùng huynh trưởng con tiếp đãi cho tốt!”

Nói rồi ông ôm quyền hướng về phía ba người chúng tôi, lúc này cũng vừa lồm cồm đứng dậy. “Các vị, ta thất lễ rồi, xin lượng thứ. Giờ ta cần vào cung yết kiến Hoàng Thượng, mời các vị tới phủ của ta trước, khi ta trở về sẽ hỏi rõ nội tình.”

Hương Liên và Hy Chiêu đại nương bật khóc nức nở, lại khom người quỳ lạy, miệng không ngớt cảm tạ.

Còn tôi? Tôi đang cảm giác lưỡi dao kề cận cổ mình rồi. Phỏng chừng khi vương gia lại nhà, ngài sẽ đem tôi ra mà đập cho mấy cái còn đau hơn cả ông nội, vì cái tội cả gan mạo phạm quận chúa.

Bóng người ngựa xa dần, lúc này trên đường phố lại tấp nập nhộn nhịp như không khí mà kinh thành vốn có. Tôi đứng như trời trồng, miệng không ngừng lẩm bẩm, oán thán.

Chẳng biết từ lúc nào, Lê Hinh đã đến bên cạnh tôi, nàng khẽ gọi: “Lục công tử.”

Tôi giật nảy người, suýt sặc nước bọt của chính mình. Xấu hổ, tôi đưa tay gãi gãi đầu: “Quận chúa, ta…”

Ta chưa có hai quan tiền để trả nàng đâu a!!

“Chúng ta lại gặp nhau nữa rồi.”

Trái với tâm trạng căng thẳng của tôi, nàng chỉ nghiêng đầu mỉm cười. Trên mái tóc dài đen tuyền mềm mại của nàng, một chiếc lá nhỏ xinh còn khẽ vương lên mái đầu. Dưới ánh nắng lấp lánh, tôi không kìm được, đưa tay lên mái tóc nàng, nhẹ gạt một cái.

Dường như hành động đường đột của tôi khiến cho nàng sững sờ trong giây lát. Gò má phiếm hồng, đôi môi anh đào lộ vẻ bối rối: “Công tử…”

Nhận ra hành động vừa rồi của mình vô cùng mờ ám, tôi vội thu tay lại. Không hiểu vì lý do gì mà mồm miệng giảo hoạt trước mặt nàng cứ cứng đơ. Bàn tay tôi nhớp nháp mồ hôi, cầm chiếc la trong tay mà khẽ siết lấy. Mạch máu trong cơ thể hình như cũng nóng dần lên.

Sau một vài giây bối rối, Lê Hinh lại lấy lại dáng vẻ ôn nhu thường ngày. Nàng mỉm cười: “Cũng không còn sớm, chúng ta mau khởi hành về phủ. Ta sẽ sắp xếp chỗ nghỉ ngơi cho chàng.”

Rồi nàng xoay người bước đi. Nhìn bóng dáng mảnh mai của nàng, tôi bỗng thấy tim mình xao xuyến kỳ lạ. Lại nhớ đến câu nói của nàng khi ấy. “Có duyên ắt sẽ gặp lại… Ta đợi công tử.”

Khi ấy, nàng có thực sự mong gặp lại tôi không?

Tôi bước chầm chậm sau Lê Hinh, lại lẩm bẩm: “Chúng ta thật có duyên.”

Dáng người nữ nhi phía trước thoáng khựng lại, nhưng tôi rốt cuộc cũng không để ý rằng, lời nói của mình ban nãy với chất giọng sang sảng truyền thống nhà họ Lục, đã theo gió lọt đến tai nàng rồi.

À, nhưng thật ra đó là chuyện sau này tôi mới nghe nàng nói lại.

Còn bây giờ, chúng tôi hai người, một trước một sau, không nhanh không chậm cùng nhau tiến về phía trước.

Ánh nắng dải những tia nhẹ nhàng phủ lên thân hình của cả hai.

Bất giác, tôi nhoẻn miệng cười.

Bóng của tôi và nàng, như hợp như tan, cùng nhau hòa làm một.

Chú thích:

(1)Quân đội Hậu Lê được tổ chức thành hai lực lượng: quân Cấm vệ (ở Kinh đô) và quân ở các đạo.

Quân Cấm vệ được tổ chức thành các quân, có 11 quân, gồm 6 quân Ngự tiền bảo vệ vua và 5 quân Thiết đột bảo vệ kinh thành và cơ động chiến đấu. Ngoài ra còn một số vệ, đội thủy binh, tượng binh, kỵ binh và pháo binh.

Quân ở các đạo cũng được tổ chức thành các vệ. Mỗi đạo được biên chế từ 5 - 6 vệ. Mỗi vệ gồm 5 sở, mỗi sở có 20 đội, mỗi đội có 20 người. Như vậy, mỗi đạo theo biên chế này có số quân khoảng 10 - 20 nghìn người. Quân của các đạo đặt dưới quyền chỉ huy của quan Tổng quản.

(2)Áo viên lĩnh: áo cổ tròn.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.