Nương Tử, Ta Yêu Em

Chương 1




“Quý nhân phù trợ, đúng là có quy nhân phù trợ.” Ông Cả Tặng vuốt vuốt chòm râu bạc, nhưng đôi mắt ông ánh lên đầy vẻ kinh ngạc đến tột cùng, “Nhưng lại là mệnh ngược.”

Không chỉ ông nội tôi, mà đến tôi còn trố mắt khó hiểu.

Cơ hồ sống mười chín năm trên đời, đây là lần đầu tiên tôi nghe tới cái khái niệm gọi là ‘Mệnh ngược’.

Trong khi tôi hẵng còn ngờ nghệch, ông nội tôi đã vội vã lên tiếng: “Ông xem thế nghĩa là sao? Cháu gái tôi, không lẽ con bé…”

Ông Cả Tặng vốn có tiếng trong nghề xem quẻ, bói toán, nên ai muốn nhờ ông xem cho thì luôn phải hẹn lịch vài tuần, thậm chí đến cả tháng, ông mới có thời gian để xem được. Nhưng thật may là ông nội tôi cùng ông Cả Tặng đều là bộ đội năm xưa cùng binh đoàn, nên cũng vì thế có giao tình sâu nặng cho đến tận nay.

Mấy bữa nay không hiểu rảnh quá hóa nhiều chuyện hay nguyên cớ làm sao, ông nội bỗng dưng gọi điện, oang oang hối tôi tới gấp. Tưởng là lại phải dọn dẹp thư phòng cùng với những chồng sách Hán Ngữ, thơ chữ Nôm chất cả đống của ông, tôi uể oải định đánh bài chuồn. Nhưng ai ngờ ông nội tôi đã cắt ngang: “Bây mà không sang thì cứ liệu thần hồn.”

Trên đời này người có thể đem lời dọa nạt biến thành sự thật thê thảm trong nháy mắt, ắt hẳn ông nội tôi cũng xếp hạng nhất, hạng nhì. Thế là tôi dắt xe máy, lao như thiêu thân cả chục cây số qua nhà ông. Vừa thấy tôi là ông đã kéo đi ngay, không kịp để tôi hỏi han tình hình.

Rốt cuộc, lại là vì muốn xem bói cho tôi.

“Không, không phải.” Giọng ông Cả Tặng vang lên bên tai làm tôi giật nảy mình suýt ngã nhào xuống đất. Ông nhíu mày nhìn chiếc quẻ gỗ, giọng trầm đi: “Mệnh tốt, rất tốt là đằng khác. Sau này còn có thể ghi danh trong sử sách cũng nên.”

Ọe, cứ làm quá! Tôi vào được đại học đã khiến cả nhà mở tiệc linh đình rồi, giờ bảo tôi vào Quốc Hội tranh luận về chính trị, chắc tôi điên đầu mất.

“Vậy mệnh ngược, ý là thế nào?” Ông nội tôi nhìn tôi bằng ánh mắt hoang mang. Nhưng nhìn thấy tôi vẫn tỉnh bơ, ông lại trừng mắt, “Quẻ này có phải lần đầu tiên ông gặp?”

Ông Cả Tặng nhìn tôi, rồi lại chăm chú quan sát chiếc quẻ gỗ. Ông nói: “Theo tôi là số mệnh đi ngược lại so với hiện tại. Tôi không dám chắc nữa. Vốn cái quẻ này rõ ràng là quẻ tốt, nhưng lại là lần đầu tôi gặp.”

“Hờ, đừng bảo cháu đây là cái quẻ vô danh lần đầu xuất hiện trong bộ quẻ của ông nha.” Tôi thiếu chút nữa thì phì cười, nhưng ngập lập tức bị ông nội nhéo tai đau điếng. “Ái ui.”

Tay người từng đi lính đúng là khỏe thật, tôi bực dọc xoa xoa cái tai đỏ ửng. Già đầu rồi còn chơi trò bạo lực, tôi vẫn cứ là quá hiền đi.

Ông nội tôi trừng mắt, sang sảng quát: “Tiếu Trình, ăn nói hỗn láo. Lặng yên nghe ông Tặng nói!”

Dù sao tôi cũng không tin tưởng bói toán cho lắm, nên chỉ ngáp một cái, giọng thiểu não: “Số mệnh đi ngược lại hiện tại? Ắt hẳn mai kia cháu thông minh ra rồi.”

Ông Cả Tặng lắc đầu. Ông bỏ trả quẻ thẻ vào chỗ cũ rồi đáp: “Ông cũng không thực sự hiểu về Mệnh Ngược. Thôi thì cháu cứ để ý xem như thế nào.”

Sau khi rời khỏi nhà ông Cả Tặng, hai ông cháu tôi lững thững tản bộ. Con phố vắng rợp tiếng ve kêu râm ran, những cánh phượng đỏ nhẹ đáp xuống nền đất, trải một màu đỏ rực từ đầu đến tận cuối phố. Hương hoa lan quấn quýt theo làn gió thổi hiu hiu, đem một mùi thơm thoảng nhẹ qua cánh mũi. Mái dài đen nhánh của tôi vì thế cũng rối tung theo làn gió buổi sớm ngày hè.

Ông nội tôi đã ngoài bảy mươi, nhưng dáng lưng vẫn nghiêm nghị thẳng tăm tắp. Ánh nắng nhẹ khẽ phủ lên mái tóc bạc một màu óng ánh đến kỳ lạ, tôi hơi nheo nheo đuôi mắt. Thấy gương mặt đầy nếp nhăn kia đượm một mảng trầm tư, tôi cười xòa, phá tan không gian yên ắng giữa hai ông cháu: “Nội tính tin thật đó hả? Dù sao ông Cả Tặng cũng nói đó là quẻ tốt mà.”

Nếu tôi không phải con gái và bên trên tôi không có một ông anh ruột thông mình, tài giỏi thì chắc chắn ông nội đã coi tôi như cháu đích tôn rồi. Nói gì thì nói chứ, trong số mười mấy đứa cháu, có tôi là được ông nuông chiều, yêu thương nhất mà thôi.

“Bây thì hiểu cái nỗi gì? Nói quẻ tốt mà cứ Mệnh Ngược với mệnh xuôi, ai mà tin cho cam.”

Dù thế nào thì ông tôi vẫn không đến nỗi mê tín, lạc hậu đi.

Tôi đút tay vào túi quần, huýt sáo dài rồi cười hơ hớ: “Đó, may mắn là nội có tinh thần giác ngộ cách mạng cao.”

Ông tôi trừng mắt nhìn tôi, giọng nói sang sảng vang khắp khu phố vắng: “Con gái con đứa, đi đứng như đàn ông, ăn nói thì vô duyên. Mười chín hăm mươi tuổi đầu rồi mà không có một mảnh tình vắt vai, bây xem bây thuộc cái gen nào?”

Chẳng phải đều được hưởng gen của nội sao?

Nghĩ thế thôi nhưng tôi không dám nói ra, cười hì hì: “Thế thì càng dễ rồi. Sau này con kiếm bé gái xinh xinh nào về làm vợ, nội tha hồ hưởng phúc.”

Nội tôi cũng quá quen với kiểu trêu chọc của cháu gái, chỉ thở hắt rồi lẩm bẩm: “Bây về thư phòng ông, dọn gọn đống sách ông bày dưới đất xếp lên giá đi. Chiều mấy ông còn rủ bạn qua đánh cờ.”

Thế rồi ông tôi cứ phăm phăm bước đi phía trước, bỏ lại tôi với cái mặt méo xệch đờ đẫn.

Aish, có nên làm một mồi lửa thiêu rụi không đây?

“Lục Tiếu Trình, nhanh nhanh lên sắp diễn đến nơi rồi.”

Nghe tiếng con bạn càu nhàu, tôi vội vàng cài nốt dây nịt ngực, rồi mặc y phục dài truyền thống của nam tử triều đại Hậu Lê. Cánh tay hơi dài một chút, nhưng lại khiến tôi trông giống nam nhân hơn. Cả bộ y phục chỉ có một lớp vải bố màu trắng mỏng, nên bên trong tôi vẫn mặc một chiếc áo lụa đồng màu.

Tôi thở dài nhìn mình trong gương. Dù y phục chẳng lộng lẫy ngọc ngà như những vai diễn quý tộc kia, nhưng được cái khi tôi mặc lại phù hợp với vai nho sinh bình dân đời thường. Gương mặt vẫn có điểm thanh tú, nhưng sống mũi tôi cao cùng hai hàng lông mày rậm chẳng bao giờ cắt tỉa… Trông tôi cũng không khác nam nhân là mấy.

Trời sinh ngực lép không phải cái tội, cớ sao luôn bắt tôi diễn vai của đàn ông?

“Cậu còn làm cái gì thế?”

Một lần nữa cô bạn thân của tôi – Hạ Vy lại gắt lên. Tôi cuống cuồng quấn mớ tóc dài thành một búi rồi buộc bằng vải bố trắng.

Hôm nay tôi diễn vai phụ, là gã học đồng luôn luôn đi theo cạnh nam chính. Nói trắng ra là người hầu đi.

“Xong rồi.” Tôi mở cửa phòng thay đồ, ung dung chắp tay sau lưng bước ra. “Thí chủ chớ nóng ruột.”

Như mọi lần, Hạ Vy lại nhìn tôi bằng ánh mắt sáng lấp lánh như gắn hai vì tinh tú. Cô ôm tay tôi, ngọt giọng, khác hẳn như sư tử rống ban nãy: “Ôi ôi, ca ca, sao anh lại đẹp trai vậy chứ?”

Tôi ‘hừ’ nhẹ một tiếng, rồi đẩy người cô bạn ra.

Mới vào đại học, cô nàng đã chẳng thèm hỏi han ý kiến của tôi, cứ thẳng bút điền tên đăng ký cho tôi cùng vào hội nhạc kịch với mình. Đến lúc tôi được đưa giấy mời tới phân vai trong buổi giao lưu các câu lạc bộ đầu kỳ nhập học thì đã không còn kịp để rút đơn đăng ký nữa.

Cũng vì việc này mà tôi oán thán Hạ Vy không thôi. Hễ cô nàng cứ cãi tôi một cái, tôi lại trừng mắt, lấy lí do này ra để càu nhàu.

Nhưng cũng nhờ Hạ Vy nên hội nhạc kịch đã tìm được một thành viên sáng giá, có thể đảm nhận bất cứ vai diễn nào, chỉ cần vai đó là nam nhân. Và đó chẳng ai khác, chính là tôi đây.

“Tiếu Trình, sau khi nam chính đối đáp với nữ chính xong thì đến phân đoạn của cậu nhé. Cậu cầm quyển sách đi ra, dáng vẻ cứ như lúc tập, nhàn nhã vào.” Hạ Vy dặn dò tôi, mặc dù không cần thiết nhưng cô nàng vẫn lườm tôi một cái như mọi khi, “Cậu đừng để mình đẹp trai hơn nam chính là được rồi.” Nói xong liền ngúng nguẩy đuôi tóc đi tới bên những diễn viên quần chúng khác.

Tôi cười khổ, chẳng thèm đốp chát lại. Nhàn nhã đứng ung dung sau cánh gà, ngắm những gương mặt chăm chú theo dõi và ánh mắt háo hức của sinh viên, giáo viên… trong trường, tôi thầm chép miệng, không hiểu vì lý do gì mà nhạc kịch trường tôi lại được mọi người ưa thích đến thế, kể cả sinh viên trường khác. Trên Fanpage ở facebook, hội nhạc kịch trường tôi đã được cả trăm ngàn lượt yêu thích. Cũng vì thế mà gương mặt của tôi cũng trở nên nổi bật hơn giữa đám đông ngàn sinh viên trong trường.

Dẫu chưa bao giờ diễn chính, nhưng tôi lại là ‘nam nhân vật phụ’ luôn được yêu thích nhất.

Hừ, đúng là vớ vẩn! Tôi đây giống đàn ông chỗ nào vậy?

Đang suy nghĩ miên man, bỗng dưng một mùi khói khét lèn lẹt sộc thẳng vào mũi, khiến tôi khó chịu hắt xì hơi vài cái. Trong cánh gà, mọi người cũng dần dần nhốn nháo. Không khí trở nên ngột ngạt, bí hơi vô cùng.

Đèn điện trên sân khấu cũng tắt phụt, cùng lúc chiếc đèn đỏ kêu ‘Reng reng’ ầm ĩ. Hệ thống báo cháy bắt đầu hoạt động.

Cả hội trường bắt đầu nhốn nháo khí khói trắng bắt đầu xộc vào. Ai nấy đều lo giữ mạng mình, cùng ùa về phía cửa ra vào. Nhiệt độ càng ngày càng tăng, hệ thống nước nước phòng cháy chữa cháy đến giờ này cũng không hề hoạt động.

Trong đám đông nhốn nháo, tôi cố gắng lách người, may mắn đến bên cạnh Hạ Vy, cố hét to vào tai cô: “Sao hệ thống phun nước của trường mình còn chưa làm việc vậy?”

Chỉ thấy Hạ Vy tái mặt, khó khăn lùa từng tốp sinh viên ra ngoài. Cô đáp bằng giọng nghèn nghẹn: “Hệ thống… hệ thống của trường… hỏng… hỏng từ năm kia rồi, chưa từng tu sửa.”

Đầu tôi phủ đầy vân đen, bất giác kéo thật nhanh Hạ Vy ra khỏi cánh gà, đi tới cửa sau để thoát hiểm. Nơi này chỉ có thành viên các câu lạc bộ thi thoảng còn lượn lờ tới, chứ cũng ít giáo viên hay sinh viên nào bén mảng.

Khói trắng đã mờ mịt, tôi ngộp thở vô cùng nhưng vẫn cố sức đẩy cánh cửa. May mà ông trời còn thương, dùng lực một chút là cánh cửa hoen gỉ đã mở ngay. Hai người chúng tôi vội vã lao ra ngoài, theo sau còn có mấy sinh viên nữa trong hội nhạc kịch. Lúc này ai đấy đều bủn rủn, nhìn ngọn lửa đang rừng rực cháy từ hành lang phía ngoài hội trường, rồi dẫn vào thảm đỏ trong phòng, không khỏi khiếp đảm. Nếu chỉ chậm chân một chút là đã bỏ mạng chứ chẳng chơi.

Lửa đã dần bén ra sau cánh gà, cả đám người chúng tôi bất giác lùi ra xa hẳn. Nhưng đột nhiên Hạ Vy hốt hoảng, trỏ tay về phía chiếc cửa hoen gỉ, la lên: “Trời ơi, vẫn còn có người bị mắc kẹt.”

Tôi thần người nhìn đám khói đã bắt đầu lan dần đến phía cửa sắt. Chẳng bao lâu nữa ngọn lửa sẽ thiêu rụi mà thôi. Nhưng trong ngọn lửa rừng rực phía sau, tôi thấp thoáng thấy vài bóng người vẫn loay hoay tìm cách nhảy ra ngoài.

Phải cứu họ, không thể để họ chết thế được.

Tôi huých những người đang đờ đẫn đứng cạnh, hét lên: “Các cậu đến kia phá luôn chiếc cửa sắt đi, để họ xông qua. Còn tôi đi lấy nước.”

Mấy người kia như bừng tỉnh, vội nhanh chóng làm theo lời tôi.

Thực ra tôi rất sợ chết, nhưng còn sợ hơn khi phải nhìn thấy cái chết mà không làm gì.

Nhớ ra trong khoảnh sân sau hội trường này còn có một cái giếng nông, thi thoảng vẫn được cô chú lao công cậy ra để múc nước cho tiện tưới tắm sân cỏ, tôi lao ngay đến bên cạnh. Hai, ba –---- tôi nhanh chóng đẩy tảng đá to bên trên, tức thì mặt nước bên dưới phản chiếu ánh trắng sáng lấp lánh ảo diệu.

Tôi không kịp nhìn ngắm nó, cũng chẳng thèm bận tâm vì sao hôm nay cái giếng có vẻ sâu hun hút đến lạ thường, ngay tức khắc tôi bê chiếc xô đỏ bên cạnh, nhoài người xuống múc nước.

Nhưng rõ ràng tôi chỉ mượn chút lực ở chân thôi, dường như có ai đẩy vào lưng một cái nhẹ như không, tôi mất đà lao thẳng xuống giếng nước mà chẳng kịp kêu lên một tiếng.

Nước xộc vào tai, vào khoang mũi khiến tôi không sao chịu được, tay chân khua khoắng tìm cách bơi lên, nhưng càng khua thì lại càng chìm xuống.

Cái giếng bỗng dưng sao lại rộng như vậy?

Trước khi mất đi ý thức, tôi lờ mờ cảm nhận được ánh trăng lấp lánh phía trên ô giếng nhỏ.

Sau đó, tôi hoàn toàn chìm vào cơn mê man.

***

Lúc tôi mơ màng tỉnh lại, đầu đau nhức, toàn thân tê dại đến mức mi mắt không thể mở ra nổi. Bên tai vang lên tiếng của một người phụ nữ xa lạ. Tôi mơ hồ nhíu mày, có chút khó hiểu.

Bà ta đang nói cái gì vậy? Thời đại nào rồi còn dùng Tiếng Việt cổ?

Chắc do tôi đang mơ đây mà, hoặc là ông nội đang ngồi đàm đạo thơ Hàn luật, thơ Nôm cùng các cụ già rồi… Tôi đang định yên tâm tiến vào giấc ngủ, thì giọng người phụ nữ kia nghe lại càng gấp gáp bên tai.

Vốn ở cạnh ông nội từ nhỏ, lại được ông chỉ cho chữ Nôm, chữ Hán và phiên âm Việt cổ, tôi lờ mờ nghe được bà ta đang nói: “Công tử, cậu tỉnh lại chưa? Cậu không sao đấy chứ? Công tử…”

Aish, công tử cái gì? Bà ta đang nói chuyện với ai thế? Hay là đang diễn kịch?

Kịch…?!

Dòng ký ức như tua lại, tôi sự nhớ ra hôm nay là ngày công chiếu vở diễn. Tôi vận trang phục nam nhi, và rồi cháy, cháy rất lớn… Tôi tới bên giếng, múc nước, sau đó ngã lộn nhào…

Ý thức quay trở lại, tôi kinh hoàng trợn tròn mắt, thình lình ngồi bật dậy.

“Cháy, cháy rồi. Oh My God còn ai sống không đây?” Tôi định lao xuống giường, nhưng cả cơ thể như chẳng còn tí sức lực nào mà lại ngã nhào xuống.

Lúc này tôi mới nhận ra, mình đang ở trong một căn nhà cấp bốn vách đất. Xung quanh chẳng có tí đồ hiện đại nào, đến cả cái bóng đèn tuýp còn không có, bàn ghế vô cùng thô sơ… Vật dụng như từ những thập kỷ xa xửa xa xửa rồi.

What the hell? Đây là đâu? Thế kỷ nào rồi còn có loại nhà như nhà cổ thế này?

“Công tử, cậu tỉnh rồi ư?” Giọng nói của người phụ nữ ban nãy lại vang lên, “Hương Liên, cháu à, cậu ta tỉnh rồi.”

Lúc này tôi mới nhíu mày, đưa mắt nhìn người phụ nữ đang ngồi bên mép giường cạnh mình. Gương mặt phúc hậu lạ hoắc, tóc búi cao, bên trên gắn một cây trâm gỗ bình dân. Y phục màu đất gọn gàng cùng tà váy dài chấm chân, đai lưng khéo léo được thắt thành hình bông hoa rủ nhẹ ở phía trước,… Càng nhìn càng giống phục trang thời Hậu Lê.

Tôi nghi hoặc nhìn người phụ nữ. Dường như không cảm nhận được ánh mắt của tôi, bà ta lại vồn vã gọi một thiếu nữa khác, vừa từ ngoài tiến vào trong phòng. Trông cô nàng không đến nỗi nghiêng nước nghiêng thành, nhưng lại cực kỳ thanh tú. Mái tóc được búi gọn gàng, chỉ để lưa thưa vài sợi tóc mai. Nàng ta vận áo giao lĩnh (1) màu nâu nhàn nhạt kín đáo, tà váy chấm chân nhẹ nhàng uyển chuyển theo từng bước đi. Thoạt nhìn cũng khiến tôi thơ thẩn.

Nàng ta đến cạnh bên tôi, đôi mắt ánh lên đầy tia dịu dàng. Nàng nói: “Công tử, huynh đã đỡ chưa?”

Khóe mắt tôi rần rật, tôi lắp ba lắp bắp: “Không biết hai người ở đoàn kịch nào?”

Thấy cô gái có vẻ khó hiểu nhìn tôi, tôi bất giác ngớ người, thuận miệng hỏi lại bằng Tiếng Việt cổ. Lúc này nàng mới nhíu mày: “Kịch? Ý huynh là sao?”

Lúc này người phụ nữ phía sau mới thở dài lên tiếng: “Con xem liệu có phải cậu ấy bị đập đầu vào đâu rồi không?”

Đập đầu? Ý là sao vậy?

“Hai người, tôi chỉ bị sơ sẩy ngã xuống giếng, vì sao giờ lại biến thành màn kịch buồn cười thế này?” Tôi gượng sức ngồi dậy, xua xua tay, “Chỗ này là chỗ nào? Tôi đang ở trường đại học cơ mà, lý gì lại mang tôi đến đây?”

Cô gái trẻ thấy tôi định trèo xuống giường, vội vã đặt tay lên vai tôi: “Công tử mới tỉnh lại, đừng gắng sức.” Chợt nhận ra điều gì đó, gò má cô ửng hồng, lại thật nhanh chóng tụt tay lại, “Công tử nên nghỉ ngơi, ta nghĩ do huynh bị ngâm mình quá lâu trong nước nên hiện tại không được tỉnh táo.”

“Đúng rồi, tôi ngã xuống giếng mà.” Tôi vội vàng phân bua, tay khua khua khoắng khoắng. Chợt nhận ra bộ đồ trên người mình vẫn là y phục nam nhân lúc diễn kịch, tôi cứng đờ cả người.

Hóa ra điều sai sai ở đây. Họ tưởng tôi là đàn ông thật!

“Tôi nói hai vị nghe, tôi là…”

Đang định phân bua, cô gái đã ngắt lời: “Công tử chắc là người trong kinh? Nơi này là trấn Thanh Tri, cách kinh thành ba ngày đi đường. Mấy ngày trước ta cùng ngoại vào kinh mua chút đồ, trên đường về gần đến nhà bắt gặp huynh nằm ngất ở bên sông Hoàng Liêu. Xung quanh không bóng người, ta và ngoại đành đưa chàng về nhà. Ngoại có biết chút y thuật nên chúng ta không kêu đại phu. Nhưng tính rằng nếu hôm nay huynh còn không tỉnh thì sẽ đi sang thôn bên cạnh đề vời. Thật may, huynh tỉnh lại rồi…” Nói đến đây, cô nàng lại ngập ngừng, đôi tai lại bất giác ửng đỏ, trông vô cùng diễm lệ. “Nhưng thực xin lỗi, trong nhà chỉ có đàn bà, nam nữ thụ thụ bất thân, nên ta… Ta không dám thay bộ đồ ướt của công tử, chỉ dám phe phẩy quạt cho mau khô…”

Đầu tôi bất giác ong lên, còn chưa định hình được những gì cô nàng nói. Cái gì mà trấn Thanh Tri, cái gì mà kinh thành?

Hai người này có phải đang diễn hơi sâu không?

Tôi đang định lên tiếng thì người phụ nữ ngồi sau đã cất giọng hiền hòa: “Mạch đập có chút rối loạn, ta đoán công tử cũng mới chỉ mười sáu, mười bảy, hẵng còn trong giai đoạn…”

“Ngoại!” Cô gái ngắt giọng, lại quay sang tôi tỏ vẻ xấu hổ, “Ngoại là người thật thà, có gì nói nấy, mong công tử lượng thứ.”

Đến đây, tôi bắt đầu lờ mờ cảm thấy một chuyện không hay.

Tôi đứng phắt người dậy, mặc cơn đau như búa bổ truyền từ đầu xuống. Tôi lảo đảo bước ra khỏi gian nhà, ra trước sân và nhìn xung quanh.

Cảnh tượng này là sao? Xung quanh núi non trùng điệp, những ngôi nhà cổ san sát, những sạp quán sầm uất bày biện dọc hai ven đường… Tiếng giao bán, tiếng trả giá, cãi cọ cùng những tạp âm khác đan xen. Ai ai người nấy vận y phục triều đại Hậu Lê, khung cảnh chẳng khác nào những bộ phim lúc chín giờ mà tôi xem trên truyền hình.

Đầu óc ong ong, tôi lảo đảo suýt ngã vật ra đất. May sao được bàn tay mềm mại giữ lấy, cô nàng tên Hương Liên kia lo lắng nhìn tôi. “Huynh đừng vận động mạnh, cơ thể còn yếu…”

Nhưng bây giờ những lời của cô gái nói tôi nghe như nước đổ đầu vịt, từ tai này truyền qua tai kia. Không quan tâm ánh mắt sửng sốt nhìn mình, tôi túm lấy vai áo nàng, đôi mắt dường như nóng lên, đau rát không tả được. Tôi thều thào: “Năm nay là năm bao nhiêu, anh Hoàng… ý ta là Hoàng Đế giờ là ai?”

Hương Liên hốt hoảng, vội che miệng tôi lại. Ngó trước ngó sau không thấy ai, cô mới thì thào vào tai tôi: “Đương là năm thứ mười, hoàng đế Lê Minh Tông trị vì.”

Lê Minh Tông… Trị vì đã mười năm… Vậy có phải giờ là năm 1470?

Sao có thể chứ? Đầu tôi đau dữ dội, cả cơ thể như muốn khụy xuống đất. Bỗng giác những lời nói của ông Cả Tặng vang lên trong tâm trí: “… Số mệnh đi ngược lại với hiện tại… Quý nhân phù trợ… Mệnh ngược!”

“Mệnh ngược?!” Tôi ngẩng phắt đầu gào lên, “Cái gì mà mệnh ngược? Cái gì mà đi ngược? Cái gì mà quý nhân? Ông trời ơi, thánh thần ơi, làng nước ơi,…. Sao không nói luôn là xuyên về quá khứ luôn đi?”

Sau khi ngã xuống giếng, sau khi chắc chắn đây không phải sân khấu diễn kịch, sau khi khẳng định không có cái camera nào đang chiếu vào mình… Tôi đã có thể đưa ra kết luận: Mình đã trở về quá khứ mất rồi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.