Nhu Phúc Đế Cơ

Chương 3-3: Thái hậu




Tới hành cung Việt Châu, Nhu Phúc vẫn hệt như thế, thái độ lạnh nhạt, ngôn từ bén nhọn. Phan Hiền phi triệt để phớt lờ nàng, còn Trương Tiệp dư mặc dù tính tình thân thiện, cởi mở, song đối với nàng cũng giữ một khoảng cách nhất định, cung kính mà xa cách. Triệu Cấu và Anh Phất lại thường xuyên tới thăm nàng, nhưng lần nào cũng bị những lời vô tình cố ý của nàng chọc giận tới độ bỏ về. Có một lần thị nữ của Anh Phất trong lúc tán gẫu với thị nữ của Phan Hiền phi không cẩn thận lỡ lời, đem chuyện lần trước Nhu Phúc nói Thái tử nên chết ở cung của Anh Phất kể cho nàng ta. Lời này truyền tới tai Phan Hiền phi lập tức khiến nàng phẫn nộ tới cực điểm, khóc lóc chạy tới trước mặt Triệu Cấu, nói trong cung có kẻ căm ghét Thái tử, sau khi Thái tử đã không còn vẫn tiếp tục ác ý nguyền rủa hắn, rồi thêm mắm thêm muối mà thuật lại lời của Nhu Phúc một lần.


Triệu Cấu nghe xong cũng thịnh nộ, hỏi là kẻ nào dám hỗn xược to gan tới vậy. Phan Hiền phi liếc mắt ra hiệu, thị nữ đứng sau lưng nàng ta Xuân Lê bèn quỳ xuống khẽ nói: "Là Phúc Quốc trưởng công chúa nói ở trong cung Ngô Tài nhân tại Lâm An."


Triệu Cấu nghe vậy tức thì trầm mặc. Sau đó, y nhìn sâu Xuân Lê chậm rãi hỏi: "Việc này ngươi làm sao hay biết?"


Xuân Lê thưa: "Là Hoán Liễu trong cung Ngô Tài nhân nói với nô tỳ."


Triệu Cấu ngẫm nghĩ một lát, lạnh lùng hạ lệnh: "Truyền khẩu dụ của trẫm: cung nhân Hoán Liễu, Xuân Lê bịa đặt lời đồn, gây nên thị phi, ý đồ phỉ báng Phúc Quốc trưởng công chúa, mỗi người phạt 20 gậy. Nếu còn tái phạm, sẽ không tha thứ."


Vừa nghe thấy quyết định xử phạt, Xuân Lê khóc lớn liên tiếp nói mình bị oan, mà Phan Hiền phi cũng tái xanh mặt mày, không màng tới thân phận lớn tiếng chất vấn Triệu Cấu vì sau lại bao che cho Nhu Phúc đến vậy, tới việc nàng chửi mắng con trai mình cũng có thể nhẫn nhịn được.


Triệu Cấu không để ý tới nàng ta, ra lệnh cho thái giám xung quanh: "Mời Phan Hiền phi về cung nghỉ ngơi." Đợi các thái giám đưa Phan Hiền phi quay về, lại mệnh người cho gọi Ngô Tài nhân tới.


Anh Phất vừa tiến vào tẩm cung của Triệu Cấu đã lập tức quỳ xuống thỉnh tội: "Thần thiếp không biết dạy dỗ, dẫn tới việc người trong cung tùy tiện vu hại phỉ báng Phúc Quốc trưởng công chúa, xin quan gia giáng tội."


Triệu Cấu thở dài nói: "Nàng đứng lên đi. Thực ra trẫm biết, chắc chắn những lời đó Viện Viện đã nói."


Anh Phất giấu diếm: "Công chúa chưa từng nói vậy, bọn thiếp chỉ nhắc tới Thái tử điện hạ, có thể là Hoán Liễu đã nghe nhầm..."


Triệu Cấu phất phất tay ngắt lời nàng: "Nàng không cần che giấu cho muội ấy. Nếu như nhắc tới cái chết của Thái tử mà muội ấy không nói những lời như vậy mới khiến trẫm cảm thấy kì lạ... Nhớ khi xưa muội ấy là một cô bé đáng yêu hoạt bát biết bao, vậy mà chỉ sau có ba năm ngắn ngủi, tâm can lại trở nên sắt đá đến thế, những lời thốt ra cũng ác miệng như vậy. Chúng ta đối xử với muội ấy thật lòng như vậy, muội ấy lại không hề cảm kích, giống như không còn ai có thể khiến muội ấy lay chuyển được nữa rồi."


Anh Phất nghĩ ngợi, nói: "Có lẽ có một người có thể khuyên bảo được công chúa, giúp tính tình nàng ôn hòa hơn chút."


Triệu Cấu mở to mắt hỏi: "Ai?"


Anh Phất đáp: "Long Hựu Thái hậu."


Long Hựu Thái hậu Mạnh thị là nguyên phối Hoàng hậu của Triết Tông Triệu Hú - anh trai của Triệu Cát. Sau khi Triệu Hú kế vị được mấy năm, Tuyên Nhân Cao Thái hậu và Khâm Thánh Hướng Thái hậu đã giúp ông chọn hơn 100 nữ tử xuất thân từ các thế gia vào cung, trải qua quá trình quan sát tỉ mỉ, nhận thấy cháu gái của Mã quân đô ngu hầu Mạnh Nguyên cử chỉ đoan trang, tính tình dịu hiền, hơn nữa dung mạo xinh đẹp, hai vị Thái hậu đều vô cùng yêu thích, bèn dồn lực bồi dưỡng nàng, thường xuyên giữ lại bên người dạy dỗ lễ nghi, vào năm Nguyên Hựu thứ bảy sắc phong làm Hoàng hậu. Khi ấy Triệu Hú 17 tuổi, Mạnh thị 16 tuổi.


Sau khi kết hôn, ban đầu đôi vợ chồng trẻ cũng rất hòa thuận. Triệu Hú rất sủng ái hoàng hậu, ngày ngày quấn quít không rời như bóng với hình, khiến Hướng Thái hậu nhìn thấy rất vui vẻ, nhưng Cao Thái hoàng thái hậu lại thở dài nói: "Hoàng hậu xinh đẹp hiền thục, đáng tiếc trông như có tướng phúc bạc. Ngày sau nếu nước nhà xảy ra biến cố lớn, chỉ sợ nàng sẽ bị kẻ khác làm hại."


Sau khi Cao Thái hoàng thái hậu buông rèm nhiếp chính hoăng thệ, Triệu Hú tự mình nắm quyền. Từ khi kế vị lúc chưa tròn 10 tuổi, Triệu Hú đã phải sống trong ám ảnh về Thái hoàng thái hậu. Thái hoàng thái hậu quản giáo rất nghiêm, bất kể là việc triều chính hay cuộc sống cá nhân đều một tay sắp xếp khống chế, bởi thế sau khi bà hoăng thệ, Triệu Hú như được giải thoát, tâm lý nổi loạn vẫn luôn bị đè nén nay bùng lên dữ dội, quyết liệt tiến hành cải cách chính trị, cách chức một loạt các quan viên thuộc phe cựu chính mà Thái hoàng thái hậu tin dùng, bổ nhiệm các quan chức mới mà đứng đầu là Chương Đôn được phong tể tướng, trọng dụng huynh đệ Sái Kinh Sái Biện, đồng thời lệnh cho con rể của Vương An Thạch là Sái Biện biên soạn lại "Thần Tông thực lục", thể hiện rõ việc muốn lật lại án cũ, kế thừa quyết tâm cải cách luật pháp của Phụ hoàng Thần Tông Triệu Húc.


Thế nhưng Triệu Hú hãy còn trẻ người non dạ, dễ bị kẻ khác lợi dụng, mù quáng tin tưởng đám tiểu nhân Chương Đôn, Sái Kinh. Sau khi gây dựng được thế lực, bọn họ bắt đầu ra sức tấn công các quan viên thuộc phe cựu chính. Vào những năm Nguyên Hựu, gần như toàn bộ các quan lại được Cao Thái hoàng thái hậu tin dùng đã bị giáng chức, biếm khỏi kinh thành, cục diện triều chính vô cùng hỗn loạn. Chương Đôn, Sái Biện thậm chí còn khuyên ông hãy biếm tổ mẫu đã khuất núi Cao Thái hoàng thái hậu làm thứ dân, Triệu Hú cũng xém chút nữa nghe theo, sau đó nhờ có Hướng Thái hậu khóc lóc khuyên can mới từ bỏ ý định bất hiếu này.


Mạnh Hoàng hậu là do hai vị Thái hậu bồi dưỡng nên, dĩ nhiên không vừa mắt những hành vi phản nghịch quá mức của Triệu Hú, thường xuyên lên tiếng khuyên ngăn. Lúc đầu Triệu Hú còn nghe lọt vài câu, thế nhưng lâu dần cũng thấy chán ghét những lời can gián của Hoàng hậu. Cẩn thận ngẫm nghĩ, lại nhớ ra cuộc hôn nhân này khi xưa cũng là do Thái hoàng thái hậu sắp xếp cho mình, lại cảm thấy càng không vui, cộng thêm với việc bắt đầu yêu thích các phi tần khác trong hậu cung, đối với Hoàng hậu ngày một xa cách.


Khi ấy trong hậu cung của Triệu Hú có một vị Tiệp dư họ Lưu, tư sắc hơn người, khéo ăn khéo nói, rất giỏi đoán biết tâm ý Triệu Hú, việc gì cũng hùa theo ông, chẳng bao giờ nói một lời mà ông không thích nghe, bởi thế rất được Triệu Hú sủng ái. Nàng lại bên trong lôi kéo hoạn quan Hách Tùy, bên ngoài cấu kết tể tướng Chương Đôn, sau khi dần dần có được phe cánh liền không để Hoàng hậu vào mắt nữa, ngày ngày bày mưu tìm cách phế truất Hoàng hậu. Trước mặt Mạnh Hoàng hậu, nàng ta cũng tỏ thái độ kiêu căng, không giống các phi tần khác theo thứ tự phẩm vị đứng hai bên Hoàng hậu, mà thường xuyên nghênh ngang đứng xoay lưng về phía Hoàng hậu. Các cung nhân hầu hạ Hoàng hậu đều không chịu nổi nữa, không nén được lên tiếng trách mắng, thế nhưng Hoàng hậu lại bao dung độ lượng, không tính toán với nàng ta.


Tiết Đông chí năm ấy, Mạnh Hoàng hậu dẫn chúng phi tần tới Cảnh Linh cung bái kiến Hướng Thái hậu, lúc ấy Thái hậu vẫn chưa nhập điện nên các hậu phi liền ngồi một bên yên tĩnh chờ đợi. Ghế ngồi của hậu phi được chế tạo theo cấp bậc, có hạn chế nghiêm ngặt đối với thân phận người dùng. Thế nhưng Lưu Tiệp dư lại cố ý đòi nội thị phải chuyển chiếc ghế giống với Hoàng hậu đang ngồi tới cho nàng ta. Nội thị hỏi ý Hoàng hậu, Hoàng hậu cũng không chấp nhặt với nàng, gật đầu đồng ý. Bởi thế mà Lưu Tiệp dư được như ý nguyện thử ngồi trên loại ghế mà Hoàng hậu dùng. Trong lòng nàng ta âm thầm đắc ý, nhìn trái liếc phải, vô cùng kiêu mạn, khiến các phi tần cung nữ bốn phía xung quanh đều tức giận, bèn có người cố ý bày cách khiến nàng mất mặt. Chỉ nghe thấy có tiếng hô: "Hoàng thái hậu tới!", Mạnh Hoàng hậu liền lập tức đứng lên nghênh đón, Lưu Tiệp dư và chúng phi tần cũng đứng dậy. Chờ một lúc lại không thấy Thái hậu đâu, chúng nhân bèn ngồi xuống, chẳng ngờ nghe thấy "rầm" một tiếng, mọi người đều quay sang nhìn, phát hiện Lưu Tiệp dư đang ngã sõng soài trên nền đất. Hóa ra có người nhân lúc nàng ta đứng lên đã lén lút đẩy chiếc ghế phía sau nàng ta sang một bên, nàng ta không hề hay biết, tới lúc đặt mông ngồi phịch xuống mới ngã đau điếng. Mọi người xung quanh thấy vậy đều ha ha cười lớn, Mạnh Hoàng hậu cũng không nén được cong cong khóe môi, bị Lưu Tiệp dư nhìn thấy lại càng ghi hận trong lòng, tin chắc là Hoàng hậu bày kế khiến nàng ta xấu mặt.


Sau đó vừa gặp được Triệu Hú Lưu Tiệp dư đã kêu trời gọi đất khóc lóc mách tội, nói Hoàng hậu bắt nạt nàng ta thế này thế kia. Triệu Hú mặc dù sủng ái nàng ta, song trong lòng cũng hiểu là do nàng ta sai trước, ngoài ra cũng không có chứng cứ gì có thể chứng minh việc này là do Hoàng hậu đứng sau, chỉ đành lựa lời an ủi nàng ta một phen, cũng không tới tìm Hoàng hậu trách mắng.


Lưu Tiệp dư vẫn oán hận không nguôi. Thân tín của nàng ta Hách Tùy liền mách: "Tiệp dư không cần buồn giận vì chuyện này nữa, chỉ cần sớm ngày sinh hạ được hoàng tử cho quan gia thì hậu vị này chẳng phải sớm muộn gì cũng là của người hay sao."


Sau đó con gái của Mạnh Hoàng hậu Phúc Khánh công chúa bị ốm, đã chữa trị rất lâu mà vẫn không khỏi. Tỷ tỷ của Mạnh Hoàng hậu tinh thông y thuật, liền vào cung chẩn trị cho công chúa, đáng tiếc vẫn không thấy hiệu quả, nhất thời có bệnh đành vái tứ phương, xin được nước bùa của đạo sĩ bên ngoài mang vào công cho công chúa uống. Mạnh Hoàng hậu vừa thấy vậy đã kinh hãi nói: "Tỷ tỷ lẽ nào không biết dùng bùa phép là phạm đại kỵ trong cung cấm sao?" rồi vội vã sai người đem nước bùa giấu đi. Đợi khi Triệu Hú tới cung thăm con gái, Hoàng hậu liền chủ động đem chuyện này kể cho ông. Triệu Hú lại không để ý, nói: "Tỷ tỷ nàng làm vậy cũng chỉ vì quá nóng lòng muốn chữa bệnh cho công chúa, cũng là lẽ thường tình, trẫm không trách tội các nàng."


Thế nhưng không lâu sau đó việc dưỡng mẫu của Mạnh Hoàng hậu mời Tuyên phu nhân Yến thị, ni cô Pháp Đoan và Cung bổng quan Vương Hiền làm lễ cầu phúc cho Hoàng hậu bị Hách Tùy biết được, liền nói với Triệu Hú rằng Hoàng hậu sử dụng cổ thuật trong cung, thậm chí âm mưu phá hoại triều chính. Triệu Hú liền lệnh cho Nhập nội áp ban Lương Song Chính, Quản đương ngự dược viện Tô Khuê và một số người khác điều tra vụ án, bắt giữ hơn 30 thái giám, cung nữ trong cung Hoàng hậu, nghiêm hình thẩm vấn. Cung nhân có người bị hủy đi tứ chi, còn có người bị cắt lưỡi. Tháng Chín năm Thiệu Thánh thứ ba, Triệu Hú cuối cùng cũng xuống chiếu phế hậu, lệnh cho Mạnh Hoàng hậu xuất cung chuyển tới sống ở Dao Hoa cung - nơi các phi tần bị phế xuất gia, lấy hiệu Hoa Dương giáo chủ, Ngọc Thanh Diệu Tĩnh tiên sư, pháp danh Xung Chân. Tiếp đó Triệu Hú lại phong Lưu Tiệp dư làm Hiền phi, tới năm Nguyên Phù thứ hai Lưu Hiền phi hạ sinh được một vị hoàng tử liền phong nàng ta làm Hoàng hậu.


Thế nhưng vị hoàng tử Triệu Mậu này quá yểu mệnh, chưa chào đời được bao lâu đã chết non. Mà Triệu Hú cũng băng hà vào năm Nguyên Phù thứ ba khi mới 25 tuổi. Hướng Thái hậu liền chọn đệ đệ của Triệu Hú là Triệu Cát làm người kế vị.


Triệu Cát và Vương Hoàng hậu khi ấy đều vô cùng kính trọng vị tẩu tẩu Mạnh Hoàng hậu này. Sau khi Triệu Cát lên ngôi, tháng Năm năm ấy liền hạ chỉ đón Mạnh Hoàng hậu từ Dao Hoa cung quay về, tôn bà làm Nguyên Hựu hoàng hậu, còn Lưu Hoàng hậu lại tôn làm Nguyên Phù hoàng hậu.


Mạnh Hoàng hậu lần nữa nhập cung vẫn như hồi còn sống ở Dao Hoa cung, không tranh với đời, thanh tâm quả dục, hòa thuận với Vương Hoàng hậu, thấu hiểu lẫn nhau. Thế nhưng Lưu Hoàng hậu và Hách Tùy lại vì thế mà sinh bất an. Hách Tùy liền cật lực xúi giục đại thần phò chính Sái Kinh tìm cách lần nữa phế Mạnh hậu. Sái Kinh cũng chỉ thị các thành viên khác trong bè đảng dâng sớ, chúng đại thần đua nhau hùa vào, khiến Triệu Cát bất đắc dĩ chỉ đành đồng ý phế bỏ tôn hiệu Hoàng hậu của Mạnh thị, lệnh cho bà lần nữa quay về Dao Hoa cung.


Trước ngày đi, Vương Hoàng hậu rưng rưng tới tiễn. Mạnh Hoàng hậu lại cười khuyên nàng: "Cuối cùng cũng sắp sửa được rời khỏi chốn thị phi này, đối với ta là chuyện tốt, muội muội hà cớ chi phải đau lòng?"


Mà Nguyên Phù Hoàng hậu Lưu thị sau khi Triệu Cát nối ngôi rồi vẫn chưa chịu an phận, không ngừng cấu kết với ngoại thần, âm mưu can dự triều chính. Triệu Cát vốn đã coi thường nàng ta, liền nhân cơ hội này tìm cách phế truất, tới cuối cùng ngay cả những người hậu hạ bên cạnh cũng bắt đầu thờ ơ lạnh nhạt với ả. Lưu thị bị mọi người xa lánh, sau cùng liền thắt cổ tự tận.


Trong biến cố Tĩnh Khang, Mạnh Hoàng hậu vì đã bị phế truất nên không bị liệt vào danh sách cung quyến, nhờ thế mà lại thoát được một kiếp nạn. Sau đó Triệu Cấu đã đón bà về cung, tôn làm Nguyên Hựu Thái hậu, lại vì Thượng thư tỉnh nói chữ "Nguyên" phạm vào tên húy của ông nội Thái hậu, đành sửa danh xưng thành Long Hựu Thái hậu.


Sinh mẫu của Triệu Cấu Vi Hiền phi vẫn đang còn ở nước Kim, mà Long Hựu Thái hậu tính tình hiền lương, khoan dung nhân ái, lại gặp phải cảnh khổ bị phu quân lạnh nhạt giống với Vi Hiền phi, khiến Triệu Cấu cảm thấy thân thiết cung kính đến lạ, đối xử với bà như mẹ đẻ, tận tâm chăm sóc việc ăn uống sinh hoạt, ngày ngày tới cung Thái hậu thỉnh an, hiếu thuận vô cùng. Thái hậu không có con trai, chỉ có duy nhất một cô con gái thì cũng đã chết non, nay thấy đứa con trai giống như nhặt được này đối xử với mình hệt như mẹ ruột tất cũng sinh lòng yêu mến, quan tâm thăm hỏi mọi việc.


Nay Triệu Cấu nhờ được Anh Phất nhắc nhở cũng cảm thấy nên giao Nhu Phúc cho Long Hựu Thái hậu dạy bảo. Thái hậu một đời trắc trở, hai lần lập hai lần phế, lại trải qua mấy năm bôn ba lưu lạc vì nạn Tĩnh Khang, thế nhưng vẫn luôn giữ được tính cách thuần thiện nhu hòa. Có lẽ cũng chỉ còn bà mới có thể lấy chính mình ra làm ví dụ, chỉ dạy cho Nhu Phúc, khiến những oán giận căm hờn tích tụ trong lòng nàng tìm được cách giải tỏa. 


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.