Nho Lâm Ngoại Sử

Chương 5: Vương tú tài bàn lập vợ hầu nghiêm giám sinh thọ chung chính tẩm






Những người Hồi giáo nghe nói tri huyện Thang đã gông chết thầy của họ, bèn nổi lên vây chặt lấy nha môn, một giọt nước cũng không lọt 1. Mọi người cứ gào lên đòi đưa Trương Tĩnh Trai ra đánh chết. Tri huyện hoảng hốt tra xét ở trong nha môn, mới biết có người đã để lọt việc ấy ra ngoài. Tri huyện nói:



- Ta thì không sợ gì. Ta là chủ một huyện. Nó dám làm gì ta? Nhưng nếu họ vào đây mà thấy ông Trương thì không biết ra thế nào. Phải có cách gì đưa ông Trương ra khỏi nơi này mới được.



Y bèn vội vàng gọi mấy người tâm phúc đến nha môn cùng nhau bàn bạc. May sao phía sau nha môn ở sát phía bắc thành. Mấy sai nhân bèn lẻn ra ngoài thành lấy dây thừng thả Phạm Tiến, Trương Tĩnh Trai xuống, thay đổi y phục, mặc đồ xanh, đội mũ cói, đi giày cỏ, theo một con đường nhỏ, chạy như con chó nhà có tang, như con cá vừa lọt lưới, chạy suốt cả đêm mới về đến tỉnh thành.



Trong lúc đó, bọn quan lại ở đấy ra an dân, dỗ ngon dỗ ngọt. Dân Hồi mới dần dần tan đi. Tri huyện Thang đem tình hình ấy viết tờ bẩm với án sát. Án sát viết giấy gọi tri huyện lên. Tri huyện Thang thấy án sát thì cất mũ sa, để đầu trần cúi đầu chịu tội, án sát hỏi:



- Việc này thực ra, quan huyện làm quá đáng. Gông nó là đủ rồi cần gì phải lấy thịt chồng lên gông. Như thế còn ra hình pháp gì! Nhưng cái thói xấu xa này thì phải trị ngay không thể để lan rộng. Ta phải bắt mấy thằng đầu sỏ ra mà trị hết. Ông cứ về nha. Từ nay làm việc gì cũng nên châm chước, chớ có làm quá đáng.



Tri huyện Thang lại cúi đầu nói:



- Việc đó là con làm sai, mong ơn quan lớn bảo toàn cho, thật như là ơn cha mẹ. Việc sai lầm con xin chữa. Sau khi quan lớn đã xét minh bạch, xin quan cho phép con trị bọn cầm đầu để cho con được thể diện.



Án sát bằng lòng. Tri huyện cảm tạ về Cao Yếu. Sau một thời gian, quả nhiên năm người Hồi giáo cầm đầu ở Cao Yếu bị khép vào tội bức bách quan trên, theo luật bị đóng gông giao cho quan huyện răn dạy. Tri huyện thấy công văn đến thì ra lệnh bắt, và sáng sớm hôm sau ra công đường đem mấy người Hồi giáo ra trị tội.



Tri huyện Thang sắp đi vào nhà trong thì thấy hai người đến kêu oan, bèn đến hỏi. Một người là Vương Tiểu Nhị. Vương Tiểu Nhị là láng giềng sát nách của Nghiêm cống sinh. Tháng ba năm ngoái, một con lợn của Nghiêm chạy lạc vào nhà Vương. Vương vội vàng đem lại trả. Nghiêm nói "Lợn đã chạy đến nhà người ta, bây giờ lấy về thật là không may". Bèn bắt Vương mua con lợn kia giá tám đồng cân bạc. Nay nhà Vương nuôi con lợn đã hơn một trăm cân, không ngờ lại chạy sang nhà Nghiêm. Nghiêm đóng cửa lại. Anh của Tiểu Nhị là Vương Đại đến nhà Nghiêm đòi lợn. Nghiêm nói: "Lợn là của tôi, anh muốn bắt nó về thì phải trả cho đúng giá, cứ đem mấy lạng bạc đến đây để đưa nó về".



Vương Đại là người nghèo, làm gì có tiền, mới cãi mấy câu, đã bị mấy đứa con trai của Nghiêm cống sinh rút cái then cài cửa ra đánh gần chết, gãy cả đùi, đang nằm liệt ở nhà. Vì vậy Tiểu Nhị đến để kêu oan.



Tri huyện quay về phía người thân oan thứ hai. Người này đã năm sáu mươi tuổi.



Tri huyện hỏi:



- Tên anh là gì.



Người kia bẩm:



- Tên con là Hoàng Mộng Thống, ở nhà quê. Năm ngoái tháng chín, con lên huyện nộp thuế nhưng thiếu tiền, có nhờ người vay ông Nghiêm hai mươi lạng bạc, mỗi tháng lời ba phân. Con đã viết văn tự để lại nhà ông ta, nhưng con chưa lấy tiền ông ta, vì lúc đi ra phố con gặp một người bà con nói rằng ông ta có thể cho con vay số tiền, còn thiếu bao nhiêu thì hỏi vay anh em trong làng. Ông ta khuyên con chớ hỏi vay nhà ông Nghiêm. Con giao tiền thuế xong, cùng người bà con về nhà. Việc đó xảy ra đã nửa năm. Nay con nhớ lại việc cũ, đến xin ông Nghiêm trả lại tờ văn tự. Ông ta đòi phải trả tiền lời mấy tháng nay. Con nói: "Tôi không vay vốn thì làm sao phải trả tiền lời." Ông Nghiêm bảo "giá anh lấy lại tờ văn tự ngay từ bấy giờ thì tôi đã có thể cho người khác vay để lấy lãi rồi. Vì anh không lấy lại văn tự, thành ra hai mươi lạng bạc của tôi vẫn phải để yên mà bỏ mất tiền lời nửa năm. Cái đó đều là do anh cả". Con tự nghĩ là có lỗi, nhờ người trung gian nói xin đem rượu thịt đến để lấy lại tờ văn tự. Ông Nghiêm không chịu. Ông ta lấy mất con lừa và bao gạo của con, nhưng vẫn không chịu trả cho con tờ văn tự kia. Xin quan lớn xét cho con nhờ.



Tri huyện nghe vậy nói:



- Một anh cống sinh, đã dự vào hàng thân sĩ, thế mà ở trong làng xóm không làm nên việc gì tốt, lại cứ lừa dối người ta, thật là tệ hại!



Bèn phê chuẩn hai tờ đơn kêu của hai người kia, và bảo họ chờ đợi ở ngoài. Nhưng đã có người đem việc này báo với Nghiêm cống sinh. Nghiêm hoảng hốt nghĩ bụng, những việc này đều là việc thực cả. Nếu mà xét ra thì ta còn mặt mũi nào nữa. "Ba mươi sáu chước, chước gì là hơn".



Bèn thu xếp hành lý chạy ra tỉnh.




Tri huyện chuẩn y hai tờ đơn kiện, sai người đến nhà Nghiêm để đòi hỏi thì Nghiêm không có ở nhà nữa. Họ đến nhà người em của Nghiêm. Người này tên là Nghiêm Đại Dục, tự là Trí Hòa. Còn người anh thì tự là Trí Trung. Hai người là anh em ruột, nhưng không ở cùng một nhà. Trí Hòa là một anh giám sinh nhà giàu hàng chục vạn. Sai nhân ở huyện đem việc này nói lại với Trí Hòa. Trí Hòa tuy giàu nhưng nhát gan. Thấy anh không ở nhà, y không dám khinh nhờn họ, liền giữ họ lại đãi một bữa cơm rượu, biếu hai nghìn đồng tiền cho họ đi. Rồi sai thầy tới mời hai ông cậu đến bàn công việc.



Hai người này họ Vương, một người là Vương Đức, một người là Vương Nhân. Họ là sinh viên có học bổng ở trường huyện. Họ đều có tiếng trong việc dạy học và kiếm được nhiều tiền. Nghe em rể mời, cả hai đều đến. Trí Hòa kể lại việc này và nói:



- Hiện nay đã có giấy đòi, ta phải làm thế nào?



Vương Nhân nói:



- Anh của dượng thường ngày vẫn khoe là quen thân cụ Thang, nhưng tại sao hôm nay mới có thế đã bỏ chạy?



- Chuyện nói không bao giờ hết. Nhưng anh tôi hôm nay đi rồi, bọn sai nhân thì cứ đến đây kêu gào đòi bắt. Tôi làm sao mà bỏ việc nhà đi tìm anh tôi cho được.



- Ông ta nhất định không chịu về đâu.



Vương Nhân nói:



- Ai lo việc nấy. Việc này liên quan gì đến dượng?



Vương Đức nói:



- Chú không biết đấy thôi. Bọn sai nhân thấy nhà dượng có bát ăn, nên chúng sinh sự để mong kiếm chác "hay kẻ có tóc không hay kẻ trọc đầu". Nếu dượng bỏ mặc thì chúng sẽ làm ra lẽ đấy. Bây giờ chi bằng ta dùng kế "rút củi dưới nồi". Nhờ người trung gian đến nói với những người viết đơn kiện được vừa lòng. Sau đó ta có thể viết giấy báo quan huyện rằng công việc đã thu xếp xong. Như thế tránh được những việc xảy ra sau này.



Vương Nhân nói:



- Không cần nhờ người ngoài. Anh em ta cứ đi tìm Vương Tiểu Nhị và Hoàng Mộng Thống, đến nhà họ nói cho họ rõ. Ta đem lợn trả cho nhà họ Vương, cho người bị đánh gãy đùi một ít tiền. Tìm tờ văn tự trả cho họ Hoàng. Việc đã qua thì bỏ hết.



Nghiêm Trí Hoà:



- Cậu nói thế không được! Bà chị tôi là người không biết điều, mấy thằng cháu lại toàn là đồ như lang như sói, chúng nó không chịu nghe đâu. Đời nào chúng nó lại chịu trả lợn và trả văn tự cho người ta!



Vương Đức nói:



- Dượng nói thế không được. Nếu bác gái và các cháu vẫn cứ cố chấp thì đó là điều không may. Dượng phải bỏ ra vài lạng bạc theo giá con lợn để trả cho nhà họ Vương. Còn về văn tự nhà họ Hoàng thì chúng tôi sẽ làm trung gian viết một tờ cho họ Hoàng để huỷ tờ văn tự kia đi. Chỉ có thế mới giải quyết được công việc và dượng mới khỏi tai tiếng.



Bàn bạc xong, mọi việc đều thu xếp ổn thỏa. Nghiêm Trí Hòa tốn mất mười mấy lạng bạc. Việc ở nha môn xong xuôi. Sau mấy hôm, Nghiêm làm một bữa rượu, mời hai ông cậu đến ăn để cảm ơn. Hai ông tú tài này muốn làm bộ không chịu đi. Nghiêm bèn dặn đầy tớ đến nói:



- Mợ ở nhà mệt, nay nhân có bữa rượu mợ muốn nói với hai cậu một vài việc.



Hai người nghe vậy mới đến.



Nghiêm mời vào phòng khách rót trà, gọi đầy tớ đến bảo với vợ là khách đã đến. Một a hoàn ra mời hai người vào phòng. Hai người thấy em gái là Vương thị da vàng, gầy gò ốm yếu, đi không vững, đang chuẩn bị bóc hạt dưa, bóc hạt dẻ, lo kẹo bánh. Thấy anh đến, Vương thị bỏ tất cả ra chào. Người vú em tay bế đứa con trai nhỏ của nàng hầu mới ba tuổi cổ mang kiềng bạc, mặc áo quần đỏ ra kêu "cậu, cậu". Hai người uống trà xong. Một a hoàn đến nói:



- Cô Triệu ra chào hai cậu.



Hai người vội vàng nói:



- Không dám.



Hai người nói chuyện nhà qua loa, lại nói bệnh em gái. Họ bảo:



- Đó chẳng qua là hư nhược, cần phải có nhiều thuốc bổ.



Ở ngoài đã dọn tiệc xong. Nghiêm mời ra dự tiệc. Trong khi nói chuyện họ lại nhắc đến chuyện Nghiêm Trí Trung. Vương Nhân cười hỏi Vương Đức:



- Này anh, tôi thật không hiểu ông ta viết lách như thế mà cũng thi đỗ được là tại làm sao?



- Đó là sự việc ba mươi năm trước đây. Lúc bấy giờ người chấm thi toàn là ngự sử. Họ là lại điển xuất thân có biết văn chương là cái gì!



- Ông ta càng ngày càng quái lạ! Chúng ta là thân thuộc, một năm mời ông ta mấy lần, thế mà chúng ta chưa bao giờ được uống một chén rượu của nhà ông ta. Nhớ lại chỉ có năm ngoái khi đỗ cống sinh, dựng cột cờ trước nhà thì ông ta có mời tôi ăn mỗi lần.



Vương Đức cau mày nói:



- Lúc đó tôi không đi! Ông ta đỗ cống sinh, bắt người ta góp tiền đi mừng.



Cả thôn trưởng và mọi người đều phải mất tiền. Ông ta lấy được đến một hai trăm quan tiền. Nhưng tiền nhà bếp, tiền hàng thịt thì đến nay vẫn chưa trả. Cứ hai tháng một lại có một lần họ đến làm ồn, thật là xấu.



Nghiêm Trí Hòa nói:



- Nói ra, không tiện, nhưng thực ra không giấu gì hai cậu: Nhà tôi có một ít ruộng, gia đình bốn miệng ăn, nhờ đó sống qua ngày. Thịt lợn thì tôi không dám mua một cân. Chỉ khi nào thằng cháu vòi ăn, tôi mới mua cho cháu bốn tiền thịt chín. Anh tôi tấc đất cắm dùi cũng không có; nhà thì lắm miệng ăn, thế mà trong khoảng ba ngày mua tới năm cân thịt. Thịt nấu rồi chỉ ăn luôn một bữa. Đến bữa chiều lại mua chịu cá. Lúc đầu mới chia gia tài thì ruộng vườn như nhau cả. Bây giờ thì ăn sạch hết. Đến cả ghế gỗ hoa lê trong nhà cũng lén đưa ra cửa sau đổi lấy thịt. Các cậu xem việc nhà như thế này làm sao cho tiện?



Hai người cười khanh khách. Cười xong lại nói:



- Chúng ta cứ nói chuyện này mãi quên cả ăn uống. Đâu mau đem các hạt xúc xắc ra.



Nghiêm đưa các hạt xúc xắc cho các cậu, nói:



- Chúng ta thả xúc xắc lấy trạng nguyên chơi! Ai thả được trạng nguyên thì phải uống một chén rượu.




Vương Đức, Vương Nhân lần lượt thả được trạng nguyên. Mỗi người uống mấy chục chén rượu. Có một điều lạ: Con xúc xắc kia hình như đoán được việc người. Nghiêm thả mấy cũng không trúng trạng nguyên. Hai người vỗ tay cười vang. Chơi mãi đến hết canh tư hai người say lảo đảo, phải kiêng về nhà.



Từ đấy bệnh của Vương thị càng ngày càng nặng. Mỗi ngày bốn năm thầy thuốc đến. Thuốc thì toàn là nhân sâm, phụ tử. Nhưng không thấy hiệu quả, cứ nằm liệt giường. Người thiếp có con trai là Triệu thị đứng bên cạnh lo thuốc thang hết sức chu đáo. Thấy Vương thị không khỏi, chiều nào Triệu thị cũng mang con đến chân giường mà khóc. Khóc mấy lượt như vậy. Một hôm Triệu thị nói:



- Tôi chỉ cầu trời phật sao cho tôi chết thay để bà chị khỏi bệnh.



- Em điên rồi! Ai có số nấy, không thể thay được!



- Bà chị không nên nói như vậy! Tôi chết thì có nghĩa lí gì. Nhưng nếu bà chị có mệnh hệ nào, thì ông nhà nhất định lấy bà lớn: Ông nhà đã hơn bốn mươi tuổi rồi, chỉ có thằng bé này! Lại lấy thêm bà lớn nữa thì bà ta chỉ lo đến con bà ta thôi. Từ xưa đã có câu: "Mấy đời dì ghẻ có thương con chồng". Nếu như vậy thì con tôi không sống lâu được và tôi cũng chết mất thôi. Chi bằng bây giờ tôi chết thay bà chị thì còn cứu được mạng con tôi!



Vương thị nghe nói không đáp. Triệu thị nước mắt lưng tròng ngày lo thuốc thang cơm cháo, không rời nửa bước. Mỗi buổi tối Triệu thị đi hồi lâu không thấy về, Vương thị hỏi a hoàn:



- Cô Triệu đi đâu?



- Đêm nào cô cũng thắp hương ở ngoài sân, khóc lóc cầu trời phù hộ bà và xin nguyện chết thay cho bà. Chiều nay thấy bệnh bà nặng cho nên đi ra cầu nguyện sớm hơn ngày thường.



Vương thị nghe nói, nửa tin nửa ngờ. Hôm sau buổi tối, Triệu thị lại vừa khóc vừa nói những lời kia. Vương thị nói:



- Thế sao cô em không nói với ông nhà, nay mai ta chết đi, thì đem em làm vợ chính?



Triệu thị vội vàng mời Nghiêm đến và kể lại những lời Vương thị vừa nói, Nghiêm nghe vậy thích lắm, vội nói ngay:



- Như thế thì sáng mai mời hai cậu đến đây bàn việc ấy để cho có bằng cớ.



Vương thị lấy tay ra hiệu nói:



- Cái đó tùy ông.



Sáng hôm sau Nghiêm Trí Hòa cho mời hai cậu đến. Sau khi xem lại đơn thuốc và bàn việc tìm danh y, Nghiêm đưa họ vào phòng vợ nằm, kể lại ý định của Vương thị cho họ nghe và nói:



- Hai cậu cứ thử hỏi nhà tôi!



Hai người đến bên giường Vương thị giờ nói không được nữa, lấy tay chỉ vào đứa con nít gật đầu. Hai người cậu thấy vậy mặt buồn thiu, không nói được nửa lời. Lát sau Nghiêm mời hai người vào thư phòng dùng cơm. Họ không nói gì đến việc đó nữa. Øn xong lại mời vào phòng riêng kín đáo, Nghiêm nói đến việc Vương thị bệnh nặng, vừa nói vừa chảy nước mắt:



- Lệnh muội về nhà tôi hai mươi năm nay quả là người nội trợ tốt của tôi. Nay bỏ tôi đi, tôi làm thế nào bây giờ. Hôm trước có nói với tôi rằng cần phải sửa chữa phần mộ của nhạc phụ, nhạc mẫu. Nhà tôi có dành được chút ít gửi lại hai cậu làm kỉ niệm. - Nói rồi, bảo đầy tớ ra ngoài, còn mình đi mở một cái tủ lấy hai gói bạc ra, mỗi gói một trăm lạng, đưa cho hai người và nói:



- Xin hai cậu chớ từ chối.



Hai người đỡ tay đổ lấy. Nghiêm lại nói:



- Xin hai cậu chớ bận tâm. Sau này, nếu cúng tế mà cần tiền thì tôi xin chịu tất cả. Xin hai cậu cứ sang làm lễ. Mai tôi sẽ cho kiệu rước hai mợ đến. Nhà tôi cũng có một ít đồ trang sức muốn biếu hai mợ làm quà.



Xong việc họ lại ra nhà ngoài.Ở ngoài có người khác đến. Nghiêm ra tiếp khách. Lúc trở vào thấy hai người cậu khóc đỏ cả mắt, Vương Nhân nói:



- Lúc nãy dượng vừa nói với anh tôi rằng người em gái chúng tôi thật là một đấng trượng phu trong nữ giới. Quả là một điều may mắn cho họ Vương, nhưng chỉ sợ trong lòng dượng không nghĩ như thế. Nếu dượng còn ngờ vực thì thật là không xứng với kẻ nam nhi.



Vương Đức nói



- Dượng có biết việc lập Triệu thị làm vợ chính là liên quan đến cả tam đại nhà dượng không? Nếu em chúng tôi chết, dượng lấy một người khác, thì người này sẽ giết đứt thằng cháu ngoại của chúng tôi. Cha mẹ dượng ở trên trời không yên, mà linh hồn cha mẹ chúng tôi cũng không yên được.



Vương Nhân vỗ bàn nói:



- Chúng ta là người đọc sách, phải theo nghĩa cương thường. Nếu làm văn chương thay lời Khổng Tử, cũng phải làm như thế mới được. Dượng không nghe thì chúng tôi không đến nhà nữa 2.



Nghiêm nói:



- Nhưng sợ họ nội nhà tôi nói ra nói vào.



- Có hai chúng tôi làm chủ! Việc này phải làm to! Dương đưa tôi thêm mấy lạng. Ngày mai mặc chúng tôi, cứ làm mười mấy mâm mời họ hàng đến. Trước mặt em gái chúng tôi hai người sẽ cùng lạy trời đất, tổ tiên, lập Triệu thị làm vợ chính. Xem ai còn nói vào đâu!



Nghiêm lại đưa thêm cho hai người năm mươi lạng bạc. Hai người đi ra tỏ vẻ như đã làm được việc nghĩa.



Sáng ngày thứ ba. Vương Đức, Vương Nhân đến nhà Nghiêm, chọn ngày tốt viết mấy mươi tờ thiếp mời bà con thân thuộc. Tất cả đều đến, trừ năm người cháu ở nhà sát vách là nhà Nghiêm Trí Trung không đến. Øn cơm sáng xong mọi người đến trước giường Vương thị, viết tờ di chúc lập Triệu thị làm vợ chính. Hai ông cậu là Vương Ư Cứ và Vương Ư Y đều kí vào. Nghiêm giám sinh đội mũ vuông, mặc áo lam, tay áo lụa đỏ, Triệu thị mặc áo rộng đỏ, đội mũ xích kim. Hai người lạy trời đất, lạy tổ tiên. Vương Ư Y có học rộng, làm hộ một bài văn cáo tổ tiên rất lâm ly.



Cáo tổ tiên xong, tất cả rời khỏi bàn thờ. Hai ông cậu bảo a hoàn mời hai bà mợ ra. Bốn vợ chồng làm lễ với vợ chồng Nghiêm. Vợ chồng Nghiêm cũng làm lễ đáp lại. Bà con đến mừng theo thứ tự lớn nhỏ. Rồi đến những người trong nhà từ quản gia đến gia nhân, a hoàn, tôi tớ, mấy mươi người đều ra chào ông chủ bà chủ.



Triệu thị lại một mình vào phòng lạy Vương thị, gọi là chị. Bấy giờ Vương thị đã mê rồi. Làm lễ xong thì ở nhà lớn, hai nhà nhỏ, nhà trong, nhà ngoài, toàn là khách cả. Dọn hơn hai mươi mâm rượu. Øn đến canh ba, Nghiêm giám sinh đương ngồi ở nhà lớn tiếp khách, người vú em chạy ra hốt hoảng báo:



- Bà đã tắt thở!



Nghiêm giám sinh vừa khóc vừa chạy vào. Chỉ thấy Triệu thị đứng bên giường đập đầu vào giường mà khóc ngất. Mọi người cạy răng đổ nước vào miệng mới tỉnh lại. Vừa tỉnh dậy, đầu tóc rũ rượi, lại lăn ra đất khóc trời, khóc đất. Nghiêm không biết làm thế nào.



Trong lúc quản gia ở nhà khách, những đàn bà ở nhà trong lo việc khâm liệm thì ở trong buồng chỉ có hai bà mợ. Nhân khi mọi người bận rộn, hai bà mợ vét sạch tất cả áo quần, vàng bạc, châu báu, trang sức. Thấy cái mũ vàng của Triệu thị lăn ra đất, một người giấu luôn vào bọc.



Nghiêm giám sinh vội vàng bảo mụ vú đưa cậu bé đến. Lấy một cái áo trắng cho mặc. Lúc bấy giờ những thứ khâm liệm, săng hòm đều đã có sẵn.




Liệm xong trời mới sáng.



Linh cữu để vào nhà giữa. Mọi người đến thăm viếng xong ra về. Hôm sau, mỗi nhà bà con nhận một cặp áo tang.



Ngày thứ ba thành phục. Triệu thị muốn mặc áo gai để tỏ lòng hiếu, nhưng hai ông cậu nhất định không cho, nói "danh bất chính tắc ngôn bất thuận". Bà là chị em rồi. Đã là em thì chỉ có chịu phục cho chị một năm, chỉ mặc áo vải mỏng và cái chụp vải trắng mà thôi.



Lễ nghi định xong, ngày đưa ma đã đến. Việc ma chay tống táng mất tất cả bốn năm nghìn lạng bạc, kéo dài nửa năm, không cần phải nói. Triệu thị cảm kích hai ông cậu đến tận xương tuỷ. Đến lễ cơm mới, Triệu thị biếu mỗi nhà hai mươi đấu gạo, hai mươi đấu rau, giò lợn thui mỗi nhà bốn chiếc, gà vịt thì không tính hết.



Đêm ba mươi tết, sau khi lạy trời và tổ tiên, Nghiêm ngồi ăn cỗ với vợ là Triệu thị. Mụ vú bế đứa con trai ngồi ở một đầu bàn. Uống vài chén rượu xong, Nghiêm chỉ vào cái tủ và nói với Triệu thị:



- Hôm qua người ngoài phố đưa đến ba trăm lạng tiền lời. Đó là tiền riêng của Vương thị, năm nào cuối tháng chạp họ đưa đến cũng giao cho bà ta số tiền này, muốn dùng vào việc gì thì dùng. Năm nay tiền có đây, nhưng không có ai nhận!



Triệu thị nói:



- Tiền của chị không dùng vào việc thì cũng không phải. Tôi thấy chị vẫn đem tiêu chứ! Nhớ lại năm nào, gặp ngày lễ thì sư cô biếu quả hộp, người bán hoa bán đồ trang sức, lại có cô xẩm đánh đàn tỳ bà ba dây ở ngoài cửa không chịu đi đâu, ai mà chẳng chịu ơn của chị? Chị lại là người từ tâm, thấy ai thân thích nghèo đói, chị không có ăn cũng cứ cho họ ăn; chị không có mặc cũng cứ cho người ta áo quần. Như thế thì số tiền kia thấm vào đâu. Có nhiều nữa cũng tiêu hết ngay. Chỉ có hai ông cậu là không lấy của chị một đồng nào. Theo ý tôi thì tốt nhất vẫn là giữ số tiền ấy đến sang năm tiêu vào việc làm phúc thay cho chị. Còn thừa ít nhiều, ta đem cho hai cậu làm tiền đi đường, vì sang năm là năm có khoa thi. Như thế là tốt nhất.



Nghiêm đang nghe Triệu thị nói, thì thấy con mèo ở dưới bàn cào vào đùi. Nghiêm đá nó một cái. Con mèo sợ hãi nhảy vào phòng trong, nhảy lên đầu giường làm rơi một cái giỏ mây. Thắp đuốc xem thì ra con mèo chết tiệt này đã đá đổ một miếng ván đầu giường làm một cái giỏ đổ ra, đến gần xem thấy táo đen đổ ra cùng với rượu. Cái giỏ nằm nghiêng, hai người dựng giỏ dậy thì thấy ở dưới đáy có từng gói bọc tất cả năm trăm lạng bạc. Nghiêm thở dài:



- Tôi đã nói bà không dùng hết tiền, cho nên hàng năm mới chất chứa lại như thế này, để khi tôi có việc gì gấp thì đem ra dùng. Nhưng nay thì bà đã đi đâu? - Nói rồi lại khóc. Nghiêm gọi người nhà đến quét sạch nhà. Lại bày một đĩa táo cùng Triệu thị đặt lên bàn thờ, quỳ trước bàn thờ khóc một trận. Vì vậy đầu năm mới, Nghiêm không đi thăm ai mà chỉ ở nhà sùi sụt than khóc, lúc nào cũng khóc. Tinh thần hỗn loạn hoảng hốt không yên.



Sau ngày lễ chơi đèn, Nghiêm thấy tim nhức nhối. Lúc đầu vẫn xem thường, có đêm thức đến canh ba để tính toán. Nhưng sau dần dần ăn uống không được, người gầy như que củi, song vẫn không dám bỏ tiền ra để mua nhân sâm. Triệu thị khuyên:



- Tâm ông không yên! Không nên lo công việc nữa.



Nghiêm nói:



- Con tôi còn nhỏ dại, nàng bảo tôi giao cho ai? Tôi còn sống ngày nào thì còn phải lo ngày ấy.



Không ngờ vào cuối mùa xuân, bệnh Nghiêm càng nặng, phải nằm liệt giường, mỗi ngày chỉ húp hai bát cháo loãng. Đến lúc trời ấm, bệnh hơi đỡ, Nghiêm cố gắng ăn được vài ba miếng cơm và dậy ra trước nhà đi lại. Nhưng qua mùa hạ rồi vào lập thu, thì bệnh lại nặng thêm, phải nằm liệt giường, lại tưởng đến mùa thu đi lúa sớm, sai tôi tớ đi xuống làng thì trong lòng áy náy không yên.



Một hôm, uống thuốc buổi sáng xong, nghe tiếng lá rụng xào xạc ngoài cửa sổ, trong lòng thấy rờn rợn, thở dài một tiếng, quay mặt vào tường. Triệu thị ở phòng ngoài cùng hai ông cậu vào thăm bệnh trước khi đến từ biệt lên tỉnh để đi thi hương. Nghiêm bảo người tớ gái đỡ mình cố gắng ngồi dậy. Vương Đức và Vương Nhân nói:



- Đã lâu không đến thăm dượng, bây giờ dượng gầy quá. Cũng may tinh thần còn khá.



Nghiêm giám sinh mời họ ngồi xuống, chúc họ thi đỗ và giữ lại trong phòng ăn điểm tâm. Lại đem chuyện đêm ba mươi tết ra nói. Nghiêm bảo Triệu thị đưa ra hai gói bạc, chỉ Triệu thị mà nói:



- Đây là ý định của nhà tôi nói rằng chị nó để lại cái này, nên đem biếu hai cậu làm tiền lộ phí. Nay bệnh tôi đã nặng quá, đến khi hai cậu trở về không biết có được gặp nhau không. Sau khi tôi chết đi, hai cậu trông nom đến đứa cháu ngoại, dạy cho nó học để cho nó thi đỗ, khỏi phải như tôi cứ bị anh tôi bắt nạt.



Hai người cầm lấy tiền, mỗi người bỏ hai gói vào bọc, cảm ơn và nói mấy lời an ủi, rồi chào ra về.



Từ đó bệnh Nghiêm mỗi ngày một nặng. Thân thuộc đều đến thăm, năm người cháu thay nhau tiếp các ông lang. Đến sau tết Trung thu thì thầy thuốc không cho thuốc nữa. Gia nhân trông nom các trang trại đều được gọi về. Bệnh nặng, ba ngày liền không nói được. Buổi chiều, nhà đầy cả người. Trên bàn có một đĩa đèn dầu. Trong cổ họng Nghiêm nghe tiếng đờm cứ sò sè mãi không thôi nhưng y không chết, cứ giơ hai ngón tay ra. Cháu trai lớn chạy lại hỏi:



- Chú hai! Chắc còn hai người thân chưa đến để gặp mặt sao?



Nghiêm lắc đầu hai ba cái.



Cháu trai thứ hai chạy lại:



- Chú hai! Có phải chú có hai gói bạc ở đâu mà chưa chỉ chỗ giấu?



Y trợn mắt tròn xoe, lắc đầu. Ngón tay lại giơ ra gấp hơn. Mụ vú bế cậu bé lại xen vào một câu:



- Ông nhà nghĩ đến hai cậu chưa về nên làm như vậy.



Y nghe thế lại lắc đầu, ngón tay run run không động. Triệu thị vội vàng gạt nước mắt ra trước giường nói:



- Ông ơi! Mọi người nói đều không đúng ý ông. Chỉ có tôi hiểu ý ông mà thôi. Chỉ nhân việc ấy, khiến cho:



gia tài tranh đoạt, ở trong cốt nhục nổi gươm đao.



kế tự lôi thôi đến cửa quan tư gây kiện tụng.



Muốn biết Triệu thị nói cái gì xem hồi sau phân giải.



Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.