Nếu Giây Phút Ấy Ta Không Gặp Nhau

Chương 1-1: Nhất cố khuynh nhân thành, tái cố khuynh nhân quốc




Nước mưa táp vào ô cửa sổ pha lê, phát ra vài âm thanh nhỏ rung động. Để lại vệt nước hình bầu dục. Chưa đợi vệt nước này tan hết, lại có một vệt nước khác hình bầu dục chồng lên. Dường như càng lúc càng nhiều, càng lúc càng dày, từ trên cửa kính pha lê không ngừng trượt xuống.

Bàn trang điểm của mẹ ngay cạnh cửa sổ. Tôi nghe nói mẹ rất thích mưa. Dung mạo của mẹ tôi không nhớ rõ, cũng chưa nhìn thấy ảnh chụp. Nhưng có rất nhiều trưởng bối đều nói rằng tôi lớn lên giống mẹ, vì chuyện đó nên tôi thường soi gương. Nói ra thì tôi cũng thuộc dạng xinh đẹp, nhưng mà, cũng chỉ dừng lại ở xinh đẹp, mà vẻ xinh đẹp này cũng là vì tôi có một người mẹ xinh đẹp. Mọi người đều nói mẹ không chỉ xinh đẹp mà còn mỹ lệ, quyến rũ. Bác Lôi khi nhắc tới mẹ của tôi đều nói: "Nhất cố khuynh nhân thành, tái cố khuynh nhân quốc. Có hiểu không?"

Tôi không nghĩ bác Lôi khoa trương quá, bởi vì tùy tiện hỏi mấy người chơi thân với gia đình tôi đều nói rằng: "Phu nhân của Tam công tử? Mỹ nhân, đích thực là mỹ nhân..."

Quên nói rõ, Tam công tử chính là cách người khác gọi cha tôi hồi trẻ. Cha tôi nổi tiếng là "Kỵ mã ỷ tà kiều, mãn lâu hồng tụ chiêu".

(*Trích trong 'Bồ Tát Man' kỳ 4, nghĩa là: Cưỡi lên ngựa, tựa vào chiếc cầu nghiêng nghiêng, khắp các lầu những cánh tay áo hồng vẫy gọi.)

Cha đi tới đâu là người ta kinh sợ tới đó. Tôi cũng đã nghe qua rất nhiều câu chuyện, chỉ có điều chưa từng nghe ai nói quá nhiều về chuyện của cha và mẹ, ngay cả bản thân cha cũng không đề cập tới. Tôi không nghĩ là cha lại có thể lạnh nhạt, phản bội một mỹ nhân như mẹ được đâu. Người như cha tại sao lại không có một câu chuyện oanh liệt nào? Tôi không tin! Các bác đều nói tôi giống mẹ, nhưng tính cách thì lại giống cha. Tôi thừa nhận, tính tình của tôi táo bạo mạnh mẽ lại dễ tức giận, cực kỳ giống cái tính nôn nóng của cha. Mỗi lần nhắc đến mẹ, nếu cha không nổi trận lôi đình thì là xoay người bỏ đi, điều này càng khiến tôi chắc chắn rằng trong câu chuyện này có ẩn tình, hy vọng một ngày có thể giải được câu đố đó, tôi sẽ tìm kiếm, nhất định sẽ tìm hiểu. Tôi không tin lại không có câu trả lời minh bạch.

Hoàng hôn có dấu hiệu sắp mưa triền miên, tôi ở trong thư phòng tìm sách. Ngồi trên bậc thang lật giở từng trang quyển sách cổ đóng chỉ. Vô tình mở một quyển, có một tờ giấy mỏng rơi xuống, giống như hồ điệp nhẹ nhàng bay lượn, đáp xuống mặt đất. Lúc đầu tôi còn tướng là thẻ kẹp sách, đến khi nhặt lên mới phát hiện ra là một tờ giấy cũ, mặt trên chỉ có vỏn vẹn mấy lời:

"Mục Lan. Thứ lỗi cho tôi không thể tới gặp cậu. Lần trước, sau khi chúng ta gặp nhau một lần, anh ấy lại nổi trận lôi đình, tình cảnh đó cực kỳ đáng sợ. Anh ấy không tin tôi, anh ấy nói sau này cũng sẽ không tiếp tục tin tôi, tôi thực sự rất tuyệt vọng."

Nét chữ nắn nót, yếu đuối, tôi từ trước đến giờ chưa từng thấy qua. Tôi đứng ngẩn người tại chỗ, một lúc lâu sau mới lật quyển sách kia ra xem, đó là một quyển « Tống Từ » kẹp một mảnh giấy sơ sài vô danh chỉ viết mấy dòng « Cửu Trương Cơ » "Trang thứ tám, hồi văn biết là ai viết? Dệt thành một dải thê lương, đọc một lần, im lặng không nói lên lời, không đành lòng lại thêm suy nghĩ." Bên cạnh lời kết của bài từ là một hàng chữ nhỏ yếu ớt: "Không kìm được lại suy nghĩ. Khi dung mạo tiểu thư phai tàn, quay đầu nhìn lại có được những gì?" Tôi chần chừ, chữ viết này không phải của bà nội, lại càng không phải của hai bà cô, vậy thì là của ai viết? Ai có thể ở trong thư phòng này viết thư? Chẳng lẽ là mẹ?

Tôi giống cha ở điểm đã nói là làm, ngay lập tức muốn điều tra bắt đầu từ người tên Mục Lan này. Tôi gọi điện cho bác Lôi, bác vừa nghe thấy giọng tôi liền cười: "Đại tiểu thư, lần này là chuyện gì đây? Không phải lại giống như lần trước, lại giúp cháu đi tìm người bạn học bị mất liên lạc chứ?"

Tôi cười nói: "Bác Lôi, lần này vẫn là làm phiền bác giúp cháu tìm một người."

Bác Lôi khẽ thở dài: "Là ai có gan lớn thế, dám không gặp mặt cháu? Để lão phu đi tìm hắn rồi mang về cho tiểu thư hỏi tội!"

Tôi bị bác Lôi chọc cười: "Bác Lôi, chỉ có điều lần này hơi phiền toái. Cháu chỉ biết người đó tên Mục Lan, cháu cũng không rõ là họ Mục tên Lan hay chỉ gọi là Mục Lan, cũng không biết bao nhiêu tuổi, không biết dung mạo cô ấy ra sao, còn sống hay chết cũng không biết. Bác Lôi, bác nhất định phải nghĩ ra cách tìm cô ấy."

Bác Lôi không lên tiếng, yên lặng một lúc lâu rồi đột nhiên hỏi lại: "Tại sao cháu lại phải tìm người đó? Cha cháu có biết không?"

Tôi lập tức phát giác trong lời nói của bác có chút cảnh giác, chẳng lẽ bên trong có trở ngại gì, trở ngại đó là cha? Tôi hỏi: "Người đó có quan hệ gì với cha cháu?"

Bác Lôi trầm mặc một lúc lâu mới nói: "Niếp Niếp, Mục Lan đã chết rồi, sớm đã chết rồi, trên chiếc xe ấy... Mục Lan cũng có mặt."

(*Niếp Niếp: có nghĩa là bé con. Ở đây nhũ danh của Mộ Dung Tĩnh Ngôn là Niếp Niếp.)

Tôi ngây ngốc, kinh ngạc hỏi: "Cô ấy đã ở trên chiếc xe đó... cùng mẹ cháu...?"

Bác Lôi đáp: "Đúng vậy, cô ấy là bạn thân của mẹ cháu, nên ngày trước thường giúp đỡ mẹ cháu."

Manh mối duy nhất đã bị chặn đứt, tôi cũng không hiểu tại sao lại cúp điện thoại, chỉ kinh ngạc ngồi ngẩn người tại đó. Cô ấy đã chết rồi? Bị tai nạn cùng mẹ? Cô ấy là bạn thân của mẹ, ngày hôm đó trùng hợp ở cùng mẹ cho nên...

Tôi thất thần ngồi đó rất lâu, vì vậy cha trở về lúc nào, trời tối lúc nào cũng không biết. Tới khi A Châu bảo tôi vào ăn cơm, tôi mới như tỉnh lại từ trong mộng, vội vàng xuống dưới lầu đến phòng ăn.

Có mấy vị khách tới, có cả bác Lôi, bọn họ ngồi cùng cha trong phòng khách nói chuyện, mười phần náo nhiệt. Hôm nay cha đi duyệt binh, cho nên mặc một bộ quân phục. Khi cha mặc quân phục trông rất uy vũ, so với mặc đồ Tây còn tỏa sáng hơn. Cha hiện tại tất nhiên cũng không còn được trẻ như thời niên thiếu mà mang vẻ chững chạc nghiêm nghị, nhưng vẫn toát ra loại khí chất đó.

Ánh mắt cha luôn lãnh đạm như vậy, nói thẳng vào vấn đề chính: "Vừa rồi bác Lôi có nói, con hỏi bác về Mục Lan." Cũng đã dự liệu trước việc mình sẽ nhanh chóng bị bán đứng, tôi liếc mắt nhìn bác Lôi một cái, bác chỉ nhìn tôi cười nhẹ một tiếng. Cố nghĩ ra một cái cớ, nhưng lại không thể tìm được, cuối cùng đành thản nhiên nhìn cha, nói: "Con nghe người ta nói cô ấy là bạn tốt của mẹ, nên mới đi hỏi thăm một chút, ai ngờ bác Lôi lại nói cô ấy đã chết rồi."

Cha dùng ánh mắt sắc bén nhìn tôi chằm chằm, khoảng mười giây đồng hồ, tôi ngay cả thở cũng không dám thở mạnh.

Rốt cục, cha nói: "Đã nói bao nhiêu lần rồi, đừng cứ có chút chuyện nhàm chán là lại tới tìm các bác làm phiền, bọn họ đều có chuyện đại sự phải làm, có nghe không?"

Tôi "vâng" một tiếng, bác Lôi liền tranh thủ thời gian giải vây cho tôi: "Tiên sinh, hay là tới Thanh Hồ ở cạnh phòng tôi xem, phải sửa chữa không ít đâu. Chỉ sợ phải nhanh chóng khởi công, đến mùa mưa là lại phiền toái."

Cha nói: "À, giao cho Tiểu Hứa làm đi. Chúng ta ăn cơm trước đã." Cha xoay người đi tới nhà ăn, tôi nhìn bác Lôi làm mặt quỷ. Bác liền mỉm cười: "Mèo vừa đi, chuột đã muốn tạo phản?" Tôi nhướn nhướn lông mày, các bác bên cạnh đều im lặng nở nụ cười. Tôi đi theo bác Lôi tới nhà ăn, nhà bếp cũng bắt đầu mang đồ ăn lên.

Lúc ăn cơm, cha và các bác ngồi nói chuyện của bọn họ, tôi chỉ cắm đầu ăn cơm của tôi. Hình như tâm tình của cha không tốt lắm, nhưng tôi quen rồi, cha quanh năm suốt tháng lúc nào cũng luôn mang vẻ mặt đó. Rất ít khi thấy cha cười, rất giống với ông nội ngày trước. Ông nội thì tính tình cũng nặng nề, gọi điện thoại, phát cáu, quát mắng người....

Nhưng ông nội lại rất quý tôi. Ngay từ khi tôi còn quấn tã đã được gửi cho bà nội nuôi nấng, lớn lên ở biệt thự Song Kiều. Mỗi khi ông nội đập bàn mắng người, các chú các bác đều bế tôi vào trong thư phòng, ông nội thấy tôi sẽ liền nắm tay dẫn tôi tản bộ trong hoa viên, mang tôi đi ngắm hoa lan của ông.

Tôi lớn hơn một chút, tính tình ông nội càng lúc càng không tốt, nhưng mỗi lần thấy tôi ông vẫn cao hứng, dẹp mọi chuyện qua một bên, gọi người đi lấy sô cô la cho tôi ăn, bảo tôi đọc thơ cho ông nghe. Có đôi lúc ông cũng mang tôi ra ngoài chơi. Ngắm phong cảnh Thanh Hồ, cảnh biển bên biệt thự Phong Cảng, Thụy Tuệ, đều là ông dẫn tôi tới. Cách yêu thương của ông nội và bà nội không giống nhau. Bà nội thương tôi, muốn dạy dỗ tôi lễ nghi, mời thầy đến dạy tôi học đàn, học chữ. Còn cách ông thương tôi là yêu chiều, muốn cái gì, ông liền đáp ứng cái đó. Có một lần ông ngủ trưa, tôi len lén vào phòng, đứng lên ghế lấy chiếc bút lông trên bàn, rồi vẽ lên trán ông một chữ "Vương". Sau khi tỉnh dậy, ông liền nổi trận lôi đình, còn gọi người hầu phụ trách phòng đó tới quát mắng một lúc, sau đó bảo người đưa tôi tới thư phòng. Tôi đã nghĩ ông sẽ đánh tôi, nên lớn tiếng khóc, nào ngờ ông ngay cả trách mắng cũng không, ngược lại còn gọi người mang sô cô la tới dỗ. Lúc ấy tôi đang thay răng, bà nội không cho ăn đồ ngọt, nên tôi nín khóc ngay lập tức, bởi vì tôi biết, chỉ cần ông nội cho, thì ai cũng không dám ngăn cản, thậm chí là bà nội. Tôi nói: "Làm ông nội thật tốt, ai cũng phải sợ ông, muốn làm cái gì thì làm cái đó."

Ông nội cười lớn, ôm lấy tôi và hôn má, gọi tôi là "Con bé ngốc."

Thế nhưng năm tôi sáu tuổi, ông nội lâm bệnh nặng. Bệnh của ông rất nặng, mọi người phải đưa ông đến bệnh viện, trong nhà loạn lên giống như tận thế. Bà nội và các bác đều khóc, mỗi ngày tôi được nhũ mẫu đưa vào phòng bệnh thăm ông nội. Chính ngay tại phòng bệnh của ông nội, lần đầu tiên sau khi hiểu chuyện, tôi nhìn thấy cha.

Cha vừa gấp rút trở về từ nước ngoài, bà nội bảo tôi gọi 'cha'. Tôi giống như một cái hồ lô buồn bực không chịu mở miệng, cha nhìn tôi đánh giá, cau mày nói: "Lớn lên chỉ cao thế này thôi sao?"

Bà nội nói: "Mới sáu tuổi, đương nhiên chỉ cao như vậy."

Cha không thích tôi, từ lần gặp mặt này tôi đã biết. Sau khi ông nội qua đời, tôi được đưa về bên cạnh cha. Cha cũng không đi nước ngoài nữa, thế nhưng tôi vẫn rất ít khi gặp được cha, cha nhiều việc bề bộn, ngày nào cũng không về nhà, nếu có về thì tôi cũng không gặp được...

Một năm sau, cha tôi tái hôn. Theo bản năng, tôi rất bất mãn với chuyện này. Tôi chơi xấu không đến tham gia hôn lễ. Cha vô cùng tức giận, lần đầu tiên đánh tôi, giữ chặt tôi trên gối, đánh vào mông tôi. Sau lần này bị đánh, tôi cùng người phụ nữ kia kết thù đến tận khi lớn.

Tôi nghĩ ngay từ đầu bà ấy đã muốn lấy lòng tôi, mua cho tôi thật nhiều đồ chơi và quần áo mới. Tôi ném hết đồ chơi, quần áo ra ngoài cửa sổ, còn lén vào trong phòng của bà ấy, lấy kéo cắt nát hết tất cả sườn xám. Bà ấy tức giận nói với cha, kết quả là tôi lại bị đánh một trận nữa.

Tôi còn nhớ rõ ràng tình huống lúc đó, tôi quỳ ở giữa phòng, một giọt nước mắt cũng không rơi xuống. Tôi ngẩng cao đầu, ưỡn lưng thẳng tắp, nắm chặt tay lại, mở mồm mắng chửi: "Cô là phù thủy! Cô là hoàng hậu xấu xa! Mẹ của tôi ở trên trời sẽ nhìn cô! Cô sẽ bị sét đánh!"

Bà ấy tức điên, sắc mặt của cha cũng thay đổi, từ đó về sau cha cũng hiếm khi quản việc tranh chấp giữa tôi và bà ấy. Mãi tới sau này khi hai người bọn họ càng ngày càng hay tranh chấp, trở mặt cãi nhau, cha cũng luôn luôn thiên vị tôi.

Thế nhưng rốt cục thì cha tôi vẫn không thích tôi, mỗi lần nói chuyện với tôi chưa được ba câu liền nổi nóng. Giống như tối nay cũng vậy, tâm tình của cha không được tốt lắm, tôi giả bộ câm điếc không nói chen vào. Sau khi ăn cơm xong, cha và các bác ngồi trong phòng khách uống trà nói chuyện phiếm, bác Uông đột nhiên nhớ tới một chuyện, nói: "Tiên sinh, hôm nay xảy ra một chuyện rất thú vị."

Cha hỏi: "Chuyện gì thú vị?"

Bác nói: "Hôm nay Hạm đội 2 có đưa lên một bản danh sách tấn hàm, bọn họ có xem qua, thấy bức ảnh của một người, giật nảy mình. Trùng hợp đúng lúc tôi đi ngang qua, bọn họ kéo tôi đến xem, tôi nhìn thấy cũng giật mình kêu lên, còn tưởng rằng họ đang đùa giỡn, đem ảnh của anh hồi trước nhét vào đó trêu chọc. Tôi theo anh từ lâu rồi nên chắc chắn, người trong ảnh quả thực nhìn giống hệt anh."

Bác Lý cười nói: "Lại giống đến thế à? Tôi có chút không tin."

Bác Uông nói: "Mấy người ai cũng nói như vậy, chỉ có một mình Kế Lai nói là không giống, cậu ta cầm bức ảnh nhìn hồi lâu mới nói: 'Có điểm nào giống anh ấy đâu? Trái lại tôi nhìn ra có vẻ giống Mộ Dung Phong tiên sinh hơn.' Tất cả mọi người đồng loạt cười."

Cha cũng cười, "Chỉ có Kế Lai là thích tranh cãi. Anh nói giống tôi, cậu ta tuyệt đối sẽ không tán đồng, nhất định chống đối anh. Thế thì chắc là thực sự rất giống, cậu ta không có cách nào để phủ nhận, đành phải nói là không giống tôi mà giống cha tôi, tôi có thể không giống cha tôi sao?"

Các bác đều cười. Bác Trần nói: "Trên đời này có rất nhiều sự trùng hợp ngẫu nhiên, lần trước chúng tôi cũng tra tư liệu, tìm ra tấm ảnh của một người, ai nhìn thấy cũng nói là giống tôi. Lão Hà còn nói: 'Ôi! Lão Trần, nhanh chóng kiểm điểm lại các khoản nợ phong lưu hồi trước đi, hãy suy nghĩ cho kỹ xem có phải là anh quen biết mẹ của người ta hay không, nói không chừng anh không chỉ có một đứa con thôi đâu.' Sau đó còn bị cười nhạo ba bốn ngày bọn họ mới buông tha."

Tâm tình của cha dần dần tốt lên, cha làm ra vẻ trầm ngâm, "A? Bây giờ chẳng phải tôi đây cũng nên ngẫm lại một chút sao, xem có phải là cũng quen biết với mẹ người ta hay không?"

Các bác cười rộ lên, tôi cũng cúi đầu cười trộm. Bác Uông thuận miệng nói: "Nếu như anh thực sự quen biết mẹ người ta, phải nói với tôi một tiếng nhé. Tôi muốn tranh vỗ mông thái tử gia trước. Hiện tại, cậu ta từ Trung úy được thăng lên Thượng úy, tôi muốn đi nói với họ: 'Còn thăng lên Thượng úy cái gì? Đem danh sách lại đây, tôi điền tên cậu ta lên Thượng tướng luôn!' "

Cha cười to, nói: "Làm càn!"

Bác Uông xoay người ôm công văn đưa cho cha: "Hồ sơ của người đó tôi đều mang đến đây, để anh nhìn một cái."

Bác cầm ra một tập hồ sơ, hai tay đưa cho cha: "Anh nhìn thử xem, có phải là rất giống hay không?"

Đôi mắt của cha viễn thị nhẹ, phải cầm ra xa chút mới có thể thấy rõ, tôi thừa cơ nhìn trộm một chút, đừng nói cha, ngay cả tôi cũng khẽ giật mình. Trong nhà có không ít ảnh chụp của cha thời thanh niên, nếu như để lẫn lộn trong đó, tôi dám cá ngay cả cô tư tôi liếc mắt cũng không phân biệt được. Người đó có đôi lông mày rậm giống cha như đúc, đôi mắt sâu sáng ngời, sống mũi thẳng tắp, đích thị là của người nhà Mộ Dung, thậm chí tôi là người hoàn toàn được di truyền ngoại hình của mẹ, nhưng cái mũi lại cao giống cha.

Nếu như cẩn thận nhìn, điểm khác biệt chỉ là môi của người đó và cha không giống nhau lắm, môi của cha rất mỏng. Nhìn thoáng qua thì người trong ảnh có vẻ rất thật thà. Khuôn mặt của cha chữ điền, anh ta cũng vậy, nhưng cằm nhọn hơn cha một chút, chẳng qua, anh ta quả thực là một thanh niên anh tuấn.

Quả nhiên cha cũng lấy làm kinh ngạc, hồi lâu mới nói: "Đúng là giống! Thực sự rất giống!" Cha cẩn thận đánh giá. "Tôi ở thời điểm trạc tuổi cậu ta, cũng trong quân đội, chỉ có điều là quân trang lúc đó là kiểu cũ, nếu như cậu ta mặc quân trang kiểu cũ kia vào, mới cực kỳ giống!"

Bác Lôi cười nói: "Khi anh ở trong quân đội thì có quân hàm cao hơn cậu ta, tôi nhớ lần cuối cùng tấn hàm là Chuẩn tướng."

Cha hỏi: "Cậu ta bao nhiêu tuổi?"

Bác Uông trả lời: "Hai mươi ba tuổi. Năm ngoái vừa trở về từ NavalWarCollege, Mỹ."

Cha nói: "Đám thanh niên bây giờ vượt trội thật, thời trước chúng ta đâu có thăng chức nhanh như vậy. Tôi cũng xem như là đi sai hướng, trong mười năm chỉ thăng sáu cấp, người khác không biết ít nhiều cũng có lời bàn tán." Vừa nói vừa tiện tay lật qua một tờ hồ sơ, chăm chú nhìn vào hàng chữ nhỏ trên đầu trang: "Ồ, sinh ngày bảy tháng bảy..."

Cha đóng hồ sơ lại trả cho bác Uông. Bác Uông vẫn còn nói đùa: "Xong, xem ra không phải đùa rồi, tôi còn mong chờ không biết chừng anh thực sự quen biết mẹ người ta đấy."

Cha thoáng nở nụ cười. Các bác cũng cười rộ lên, nói rất nhiều chuyện khiến cha vui vẻ. Tối nay tâm trạng của cha đặc biệt tốt, nghe họ nói đông nói tây, còn thi thoảng hỏi đôi lời. Họ nói chuyện với nhau rất lâu, mãi cho đến khi tôi buồn ngủ, họ mới cáo từ. Cha đứng lên tiễn họ, họ đồng loạt nói: "Không dám." Cha dừng bước, nhìn họ nối đuôi nhau ra về. Tôi mệt mỏi, muốn nói chúc ngủ ngon với cha rồi lên lầu đi ngủ, đúng lúc này, cha gọi bác Lôi đang đi cuối cùng lại: "Thiếu Công, tôi có chuyện muốn nói với anh."

Tôi nghe cha gọi bác Lôi như thế thì cảm thấy buồn cười. Bác Lôi xuất thân là nhân viên cần vụ của cha, cho nên cha quen gọi tên bác, hiện tại bác Lôi đã quyền cao chức trọng, thế nhưng cha chỉ gọi tên của bác, cơ thể bác cũng theo phản xạ có điều kiện mà tự nhiên đứng lại: "Vâng."

Giọng điệu khúm núm này y như một nhân viên cần vụ, tôi càng cảm thấy buồn cười hơn. Giống như bị ma xui quỷ khiến, tôi ở lại sau góc tường, muốn đợi sau khi họ nói chuyện xong sẽ nói chúc ngủ ngon với cha.

Cha lại trầm mặc lúc lâu. Trong lòng tôi cảm thấy kỳ lạ, không phải cha có chuyện muốn nói với bác Lôi sao?

Nhưng bác Lôi mở miệng trước, tuy rằng tiếng nói của bác rất nhỏ, thế nhưng tôi vẫn nghe thấy: "Tiên sinh, trùng hợp như vậy... làm sao ngày sinh đúng vào ngày bảy tháng bảy?"


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.