Liêu Trai Chí Dị II

Quyển 3 - Chương 47: Chúc Thành




Trong hồ Động Đình (tỉnh Hồ Nam) thường có việc thủy thần mượn thuyền, thuyền mà trống thì dây buộc chợt tự tháo ra, lững lờ trôi đi. Chỉ nghe trên không trung có tiếng đàn sáo trỗi lên, những người chèo thuyền quỳ mọp trong một góc không dám ngẩng nhìn, để mặc thuyền tự trôi, xong lại dạt vào chỗ cũ. 

Có Liễu sinh thi rớt về say nằm trên thuyền, chợt có tiếng nhạc nổi lên, những người chèo thuyền lay gọi vẫn không tỉnh, vội ra cả đầu thuyền chui xuống dưới sạp. Chợt có người đẩy sinh, sinh say quá, theo tay lăn xuống dưới sàn, vẫn ngủ như cũ, họ bèn để cho nằm đó. Giây lát đàn trống om sòm, sinh hơi tỉnh, ngửi thấy mùi lan xạ thơm phức, hé mắt ra nhìn thấy trên thuyền đều là mỹ nhân, biết là có việc lạ bèn giả như vẫn còn ngủ. Kế nghe truyền gọi Chúc Thành, lập tức có người thị tỳ tới, đứng cạnh đầu sinh, thấy quần xanh dệt sa tía, hài nhỏ như ngón tay, trong lòng rất thích, ngầm cắn vào gấu quần. Lát sau thị tỳ bước đi bị giằng ngã xuống, người ngồi trên hỏi, bèn thưa lý do. Người ngồi trên tức giận sai đem sinh ra giết, lập tức có võ sĩ bước vào trói sinh lôi dậy. Sinh thấy một người ngồi ngoảnh mặt về phía nam, áo mão như bậc vương giả, lúc đi ra bèn nói “Nghe nói Long quân hồ Động Đình họ Liễu, thần cũng họ Liễu, ngày xưa người thi rớt, nay thần cũng thi rớt, người được gặp tiên nữ mà thành tiên, thần say đùa cô hầu mà bị giết, sao mà may rủi khác nhau tới như thế?”. 

Vương nghe thấy gọi quay lại hỏi "Ngươi là học trò thi rớt à?”, sinh vâng dạ. Bèn đưa giấy bút, bảo sinh làm bài phú Tóc chải gió đầu gội mưa*. Sinh vốn là danh sĩ đất Tương Dương (tỉnh Hồ Bắc) nhưng lập tứ rất chậm, cầm bút hồi lâu chưa viết. Vương nói mỉa “Danh sĩ gì hạng ngươi?”, sinh gác bút thưa "Người xưa viết bài phú Tam đô** mười năm mới xong, xem đó đủ biết làm văn quý hay chứ không quý mau”, Vương cười ngồi chờ. Từ giờ Thìn đến giờ Ngọ sinh mới làm xong, Vương xem vui vẻ nói "Đúng là bậc danh sĩ”, bèn thưởng rượu. 

*Tóc chải gió đầu gội mưa nguyên văn 1à "Phong hoàn vụ mấn" (Tóc chải gió đầu gội mù), chúng tôi tạm đính là "vũ” (mưa) cho thống nhất với câu trong Phụ lục kèm theo. 

** Bài phú Tam đô: tức bài Tam đô phú của Tả Tư thời Tấn, tương truyền viết mười năm mới xong, khi truyền tới kinh đô người ta đua nhau sao chép, giá giấy vì vậy tăng vọt. Đây ý nói văn chương hay. 

Trong phút chốc, những thức ăn ngon bày lên la liệt. Đang lúc chuyện trò, một viên lại ôm sổ vào thưa “Danh sách những người chết đuối đã soạn xong”. Vương hỏi “Cả thảy là bao nhiêu người?", thưa "Một trăm hai mươi tám người”. Hỏi “Công sai là ai?", thưa "Hai viên úy ở Trạch Nam". Sinh đứng dậy bái từ, Vương tặng mười cân vàng, lại cho một viên ngọc pha lê chặn giấy, nói "Trong hồ sắp có kiếp nạn nhỏ, cầm cái này có thể thoát chết”. Chợt thấy người ngựa mang cờ quạt chia đứng trên mặt nước, Vương xuống thuyền lên kiệu, chớp mắt đã không thấy đâu nữa. 

Yên ắng hồi lâu, những người chèo thuyền mới từ dưới sạp chui lên, chèo thuyền lên phía bắc, bị gió ngược không đi được. Chợt thấy dưới nước nổi lên một con mèo bằng sắt, bọn chèo thuyền hoảng sợ nói “Mao tướng quân* xuất hiện rồi", khách buôn trên các thuyền đều nằm rạp cả xuống. Phút chốc trên hồ lại nhô lên một cây gỗ dựng thẳng, lắc lư lay động, mọi người càng sợ, nói "Nam tướng quân* cũng xuất hiện rồi". Liền đó sóng lớn nổi lên ầm ầm che khuất cả mặt trời, nhìn ra thuyền bốn phía trên hồ đều nhất loạt chìm hết. Sinh giơ viên ngọc chặn giấy ngồi im trong thuyền, sóng lớn muôn trượng đổ tới gần đều chợt tan hết, nhờ vậy được sống sót. 

*Miêu tướng quân, Nam tướng quân: tên thủy quái ở hồ Động Đình theo truyền thuyết. 

Sinh về tới nhà, mỗi lần kể chuyện lạ cho mọi người nghe đều nói "Cô gái hầu trong thuyền tuy không nhìn rõ được dung mạo, song chỉ đôi hài cũng đã không tìm được ở cõi trần". Sau có việc tới Vũ Xương (tỉnh thành Hồ Bắc) có bà già họ Thôi gả con gái, sính lễ ngàn vàng cũng không chịu, chỉ cầm một viên ngọc pha lê chặn giấy nói “Ai có một cái như thế này ghép thành đôi sẽ gả cho". Sinh lấy làm lạ, mang cái chặn giấy tới, bà già hớn hở đón tiếp, gọi cô gái ra chào, thấy trạc mười lăm mười sáu tuổi trở lại, phong vận yêu kiều không ai sánh được, lạy một lạy rồi quay người trở vào sau màn. 

Sinh vừa thấy mặt nàng, tâm thần rúng động nói "Tiểu sinh cũng có giữ một viên ngọc chặn giấy, không rõ có sánh được với viên của lão bà không?”, kế cùng đem ra so, thì dài ngắn kiểu dáng giống hệt nhau không sai một mảy. Bà già mừng rỡ, hỏi nơi sinh ngụ, bảo sinh lập tức trở về mang xe kiệu lại đón, để viên ngọc lại làm tin. Sinh không chịu, bà già cười nói "Quan nhân đừng cẩn thận quá như thế, chẳng lẽ lão thân lại mang một viên ngọc chặn giấy trốn đi sao?”. Sinh bất đắc dĩ phải để lại, trở về thuê xe kiệu quay lại ngay, thì bà già đã đi mất. Hoảng hốt hỏi khắp cả nhữug nhà lân cận, thì không ai biết cả. 

Mãi tới xề chiều mới buồn bã hối tiếc, thẫn thờ ra về. Giữa đường gặp một chiếc xe vượt lên, chợt có người vén rèm hỏi "Liễu lang sao chậm thế?", nhìn ra thì là bà già họ Thôi. Sinh mừng hỏi “Lão bà đi đâu?", bà già cười nói "Chắc đã ngờ rằng lão thân lừa dối trốn đi rồi phải không? Sau khi chia tay, nhân cũng có xe, chợt nghĩ quan nhân đang ở trọ, khó lòng xếp đặt đầy đủ, nên đã đưa con gái lên thuyền rồi”. Sinh gọi dừng lại, bà già không chịu, sinh hoảng hốt không dám tin, vội chạy tới thuyền, quả thấy cô gái và một tỳ nữ. 

Cô gái thấy sinh vào, cười nói ra đón tiếp, sinh thấy quần xanh hài đỏ giống hệt như thị tỳ trên thuyền ngày nào, lấy làm lạ lùng, bồi hồi nhìn chằm chằm. Cô gái cười nói “Mắt cứ trừng trừng, chẳng lẽ chưa nhìn thấy nhau lần nào sao?”. Sinh lại bò xuống nhìn, thì vết răng cắn vào gấu quần vẫn còn đó, cả kinh nói "Nàng là Chức Thành sao?", cô gái che miệng khẽ cười. Sinh vái dài nói "Nàng đúng là người thần rồi, xin nói rõ mọi chuyện ra cho ta khỏi lo sợ". Cô gái nói “Nói thật với chàng, người chàng gặp trên thuyền lúc trước là Long quân hồ Động Đình. Thấy chàng tài cao đem lòng ngưỡng mộ, đã muốn đem thiếp tặng cho chàng, nhung vì thiếp được vương phi yêu mến nên còn phải về bàn lại với phi. Thiếp tới đây là theo lệnh của vương phi đấy”. Sinh mừug rỡ, rửa tay thắp hương, hướng về phía Hồ Nam vái tạ rồi đưa nàng về. Sau sinh tới Vũ Xương, cô gái xin đi cùng, nhân tiện quy ninh*. 

*Quy ninh: ngày xưa con gái lấy chồng, lâu lâu về thăm cha mẹ ruột gọi là “quy ninh" (về thăm để cha mẹ yên lòng). Chức Thành không phải là con của vợ chồng Long quân Động Đình, nhưng đối với Liễu sinh thì họ là bên nhà gái, nên Chức Thành về thăm họ cũng như là quy ninh. 

Khi tới Động Đình, nàng rút chiếc thoa ném xuống nước, chợt có một chiếc thuyền nhỏ dưới nước nhô lên, nàng nhún chân nhảy qua như chim bay lượn đáp xuống, trong chớp mắt đã biến mất. Sinh đang ngồi trên đầu thuyền nhìn chăm chăm vào chỗ chiếc thuyền nhỏ biến mất thì có một chiếc lâu thuyền từ xa lướt tới, gần tới thì cửa sổ mở ra, chợt như có một con chim ngũ sắc bay qua, nhìn lại thì Chức Thành đã đứng trước mặt. Một người trong cửa sổ lâu thuyền đưa qua vàng lụa bảo vật rất nhiều, đều là của vương phi ban cho. Từ đó thành lệ, cứ mỗi năm về thăm viếng đôi lần, nhà sinh vì vậy giàu có, có nhiều bảo vật đưa ra cho xem thì ngay các nhà thế gia cũng không biết là gì. 

Phụ: Truyện Long Nữ Của Lý Thành Uy Thời Đường (Đường Lý Thành Uy Long Nữ Truyện) 

Liễu Nghị thi rớt, trên đường về đi ngang bờ hồ, thấy một thiếu phụ chăn dê bên đường. Nghị hỏi, thiếu phụ đáp "Thiếp là con gái của Long quân hồ Động Đình, được gả cho con trai thứ của Long quân hồ Kinh Dương, nhưng bị chồng ghét bỏ, lại phạm tội với cha mẹ chồng, nên bị đày ải tới nỗi này. Nghe nói chàng về đất Ngô, xin chuyển giùm một lá thư. Phía nam hồ Động Đình có một cây quít lớn, vỗ vào thân cây ba cái sẽ có người trả lời". 

Nghị tới Động Đình, vỗ vào cây quít ba cái, lập tức có người võ sĩ từ dưới sóng nhảy lên vái lạy hỏi "Quý khách có việc gì tới đây?" Nghị nói "Xin yết kiến đại vương". Người võ sĩ rẽ nước dẫn đường, dần vào tới thủy cung, nói “Đây là điện Linh Hư”, kế thấy một người mặc áo tía cầm ngọc xanh bèn nói "Đây là Long quân". Nghị thưa “Gặp ái nữ của đại vương chăn dê ngoài đồng, tóc chải gió đầu gội mưa, thật không nỡ nhìn”, rồi lấy thư dâng lên. Long quân hồ Động Đình xem xong ôm mặt khóc, sai đưa thư vào trong cung, tả hữu đều sa nước mắt. 

Long quân nói với tả hữu rằng "Không được để cho Long quân sông Tiền Đường biết". Nghị hỏi “Long quân sông Tiền Đường là ai?”, Long quân nói “Là em ruột của quả nhân”. Chợt nghe thấy tiếng cười nói râm ran, trong có một người đeo đầy châu ngọc khua vang, quần áo lụa là tha thướt bước tới, nhìn ra thì là người thiếu phụ nhờ Nghị đưa thư. Long quân cười nói “Đứa tù nhân ở sông Kinh về đây rồi”, bèn cho Nghị nghỉ lại ở điện Ngưng Quang. Hôm sau mở tiệc lớn ở điện Ngưng Bích, hội cả bạn bè thân thích, tấu nhạc rộn rã. Bắt đầu thì còi trống thanh la, gươm giáo cờ xí, hàng vạn người đàn ông múa bên phải, trong có một người bước ra nói "Đây là bài nhạc Tiền Đường phá trận". Kế đó tơ trúc đàn sáo, cờ lọng gấm vóc, hàng ngàn người con gái múa bên trái, trong có một người bước ra nói "Đây là khúc nhạc Công chúa về cung”. Nghị bèn cùng về hồ Động Đình, không rõ tung tích ra sao.

_________________

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.