Liêu Trai Chí Dị II

Quyển 3 - Chương 44: Họ Hồ (Hồ Thị)




Vùng Trục Lệ (tỉnh Hà Bắc) có nhà giàu muốn đón thầy dạy học, chợt có vị Tú tài tới cửa tự giới thiệu. Chủ nhân mời vào, thấy ngôn ngữ hào sảng, quý mến như bạn lâu ngày. Tú tài tự nói mình họ Hồ*, chủ nhân bèn nộp tiền dạy học, giữ lại ở đó. Hồ dạy học rất chăm chỉ, kiến thức khác hẳn bọn học trò tầm thường, nhưng thường ra ngoài chơi đến khuya mới về, cổng nẻo vẫn đóng chặt, không thấy gõ cửa mà đã vào tới trong phòng rồi. Chủ nhân ngờ là hồ nhưng xét tình ý thấy không có vẻ độc ác nên vẫn đối xử lễ phép, không vì quái dị mà coi thường. 

*Họ Hồ: chữ "Hồ" đây viết 1à nhục + nguyệt đồng âm chứ không phải là chữ "hồ" (con chồn). 

Hồ biết chủ nhân có con gái, muốn kết thông gia, mấy lần nói xa nói gần nhưng chủ nhân cứ làm như không hiểu. Hồ bèn lấy cớ có việc đi vắng, hôm sau có khách tới, buộc con lừa đen ở cổng. Chủ nhân ra mời vào, thấy tuổi khoảng năm mươi, áo quần tươm tất sạch sẽ, lời lẽ ý khí phong nhã, ngồi vào trò chuyện mới biết là người mai mối của Hồ. Chủ nhân im lặng hồi lâu rồi nói "Ta với Hồ tiên sinh quen nhau không có gì trái ý, cần gì phải làm thông gia, vả lại con gái ta đã hứa gả cho người khác rồi, phiền ông tạ lỗi giùm với tiên sinh”. Khách nói "Ta biết chắc lệnh ái còn chưa hứa gả cho ai, sao ông cự tuyệt nhau quá thế?”. Nói đi nói lại mấy lần chủ nhân vẫn không chịu, khách có vẻ thẹn thùng, nói "Họ Hồ cũng là thế tộc, có chỗ nào không bằng ông?", chủ nhân nói thẳng rằng "Thật không có ý gì khác, chỉ vì khác loài mà thôi”. 

Khách nghe thấy nổi giận, chủ nhân cũng nổi giận, lớn tiếng sỉ vả nhau. Khách đứng bật dậy đánh chủ nhân, chủ nhân sai người nhà vác gậy đánh đuổi, khách bỏ chạy bỏ cả con lừa lại. Nhìn kỹ lại thì thấy con lừa lông đen tuyền, xua tai vẫy đuôi đúng là con lừa, nhưng kéo đi thì không động đậy, đánh đuổi thì theo tay khuỵu xuống kêu rền rĩ, té ra là một con sâu. Chủ nhân thấy khách căm tức, biết ắt sẽ báo thù nên chuẩn bị đề phòng. Hôm sau quả có quân hồ kéo tới rất đông, người đi ngựa, người đi bộ, hoặc mang giáo hoặc mang cung, người kêu ngựa hí ầm ĩ, chủ nhân không dám ra. 

Bọn hồ kêu lớn "Đốt nhà y đi", chủ nhân càng sợ. Có người khỏe mạnh dắt gia nhân xông ra ném đá bắn tên, hai bên đánh nhau, bên nào cũng có người bị thương, bọn hồ dần dần yếu thế, nhao nhao bỏ chạy, vút cả gươm giáo xuống đất, thấy sáng loáng như tuyết, tới gần nhặt lên thì toàn là lá lúa mì. Mọi người cười nói “Tài nghề bọn chúng chỉ có bấy nhiêu thôi” nhưng sợ hồ sẽ lại kéo tới nên càng phòng bị nghiêm ngặt. Sáng hôm sau mọi người đang họp lại bàn tán chợt có một người to lớn từ trên trời rơi xuống, mình cao hơn một trượng, vai rộng mấy thước, vung đại đao to bằng cánh cửa đuổi người mà chém. Mọi người bắn tên đạn túi bụi, người ấy ngã lăn ra đất, nhìn lại thì là hình nộm bằng cỏ mà thôi, cùng lấy làm lạ. Ba ngày liền hồ không tới nữa, mọi người hơi lơ là. Vừa lúc chủ nhân vào nhà xí, chợt bọn hồ ào ào kéo tới bắn loạn xạ, bị trúng tên vào mông, cả sợ kêu cứu, mọi người đổ ra đánh dữ dội, bọn hồ mới lui. Nhổ tên ra xem thì đều là cọng cỏ bồng. 

Cứ thế hơn tháng, bọn hồ lúc tới lúc không, tuy không bị thiệt hại gì nhiều, nhưng ngày nào cũng phải nơm nớp đề phòng, chủ nhân vô cùng lo lắng. Một hôm Hồ sinh dẫn quân tới, chủ nhân đích thân ra, Hồ thấy mặt bèn lẩn vào đám đông, chủ nhân gọi lớn, bất đắc dĩ Hồ phải ra. Chủ nhân nói "Ta tự thấy mình không hề thất lễ với tiên sinh, sao tiên sinh lại dấy động binh đao?". Bọn hồ muốn bắn, Hồ ngăn lại, chủ nhân tới gần nắm tay mời vào phòng dạy học cũ, bày rượu khoản đãi rồi ung dung nói "Tiên sinh là người đạt lý, chắc sẽ tha thứ cho. Ta tuy thân thiết với tiên sinh nhưng không muốn làm thông gia, chỉ vì xe ngựa nhà cửa của tiên sinh phần lớn đều khác với loài người, con gái ta theo về thì tiên sinh cũng biết là không thể được. Vả lại lời ngạn có câu: "Trái dưa mọc ra thì ai hái cũng chỉ để ăn, vậy tiên sinh cưới làm gì?". Hồ cả thẹn, chủ nhân nói "Không sao, con trai ta còn đây, nếu không chê là ngu hèn, thì thằng nhỏ theo học ông đã mười lăm tuổi, xin cho nó làm rể, không biết ông có đứa con gái nào không?” Hồ mừng rỡ nói “Ta có đứa em gái kém công tử một tuổi, nếu không chê là thô lậu, xin được hầu hạ khăn lược cho công tử, có được không?". Chủ nhân đứng lên vái lạy, Hồ cũng vái trả, rồi đó thù tạc rất vui vẻ, quên hết thù hiềm cũ. Chủ nhân sai mang rượu thịt ra khao thưởng tất cả bọn hồ đi theo, trên dưới đều hoan hỉ. Lại hỏi tới nơi ở để sai người tới nộp sính lễ nhưng Hồ từ tạ, trời tối lại đốt đuốc uống rượu đến lúc say mới về, từ đó chủ nhân lại được yên ổn. 

Hơn năm sau Hồ không tới, có người ngờ là hẹn dối nhưng chủ nhân vẫn kiên tâm chờ. Lại sau nửa năm Hồ chợt tới, hỏi thăm sức khỏe chủ nhân xong, nói "Em gái ta đã truởng thành, xin chọn ngày lành tháng tốt cho nó được về thờ cha mẹ chồng". Chủ nhân mừng rỡ, lập tức đính ước. Kế Hồ ra về, đến ngày hẹn quả nhiên có xe kiệu đưa cô dâu tới, của hồi môn rất nhiều, bày đầy cả phòng. Cô dâu ra mắt cha mẹ chồng, vô cùng lễ phép, chủ nhân cả mừng. Hồ sinh cùng một người em trai đưa cô dâu tới, trò chuyện đều phong nhã, tửu lượng lại cao, uống rượu đến sáng mới về. Cô dâu mới lại có thể biết trước năm nào được mùa năm nào mất mùa, nên việc trồng trọt mưu sinh trong nhà cứ theo đó mà quyết. Anh em Hồ sinh cùng bà mẹ thường tới thăm nàng, mọi người đều biết mặt. 

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.